Tuesday, December 2, 2014

Cây cổ thụ kêu cứu

Nhiều cây cổ thụ trước Nhà hát thành phố bị đốn để phục vị cho việc xây nhà ga metro
Nhiều cây cổ thụ trước Nhà hát thành phố bị đốn để phục vị cho việc xây nhà ga metro- Photo Huu Khoa/Tuoi Tre
 Gia Minh, biên tập viên RFA, Bangkok 2014-12-02
Mảng xanh của các đô thị lớn tại Việt Nam là đề tài được bàn luận nhiều hiện nay sau khi chính quyền thành phố Hồ Chí Minh và thủ đô Hà Nội cho đốn hạ nhiều cây cổ thụ lâu năm tại hai nơi này với lý do lấy chỗ cho các công trình hạ tầng.
Thực trạng cây xanh
Nhiều người dân Sài Gòn vừa qua tỏ ra luyến tiếc khi vào ngày 22 tháng 7 cơ quan chức năng tiến hành chặt bỏ toàn bộ cây xanh tại Công viên Lam Sơn trước Nhà Hát Thành phố, trong đó có nhiều cây cổ thụ đường kính 50-60 cm, cao hằng chục mét để thi công nhà ga ngầm thứ nhất của tuyến metro Bến Thành- Suối Tiến.
Và cũng theo kế hoạch làm cầu Thủ Thiêm 2 nối liền quận 1 và quận 2, Sở Giao thông – Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh cho biết sẽ có 270 cây xanh bị ảnh hưởng bởi dự án đó. Trong số này có 84 cây trên đường Tôn Đức Thắng, mà số cổ thụ với đường kính 80 cm trở lên là 63 cây.
Khu quản lý giao thông đô thị số 2 của thành phố Hồ Chí Minh cũng thông báo kế hoạch đốn bỏ 215 cây xanh tại đường Nguyễn Văn Hưởng, khu Thảo Điền ở quận Hai.
Dân Sài Gòn vừa qua tỏ ra luyến tiếc khi vào ngày 22 tháng 7 cơ quan chức năng tiến hành chặt bỏ toàn bộ cây xanh tại Công viên Lam Sơn trước Nhà Hát Thành phố, trong đó có nhiều cây cổ thụ đường kính 50-60 cm, cao hằng chục mét
Vào sáng ngày 6 tháng 11, Công ty Công viên Cây xanh tại Hà Nội xác nhận việc chặt hạ 550 cây xanh cổ thụ tại thủ đô. Thông tin ngay tại cuộc họp cho biết đã có gần 300 cây trên các tuyến đường Thái Hà, Láng, Nguyễn Trãi đã bị chặt và số còn lại trên đường Nguyễn Trãi tiếp tục bị chặt.
Đại diện Sở Xây Dựng Hà Nội cho biết số cây phải đốn chặt là để phục vụ thi công xây dựng 7 nhà ga tuyến đường sắt đô thị Cát Linh- Hà Đông cũng như để có mặt bằng thi công đường tránh quốc lộ 6, cầu Long Môn và tiểu dự án hầm chi Quốc lộ 6…
Riêng những cây phải đốn bỏ trên đường Nguyễn Trãi có nhu74ngt cây không đúng chủng loại và những cây bị cong nghiêng hay bị mục, bị sâu không an toàn…
Anh Vũ Quốc Ngữ, một người dân sống tại Hà Nội và từng học tại Hà Lan về nông nghiệp, cho biết ý kiến về việc đốn hạ cây xanh ở thủ đô và thực tế cuộc sống của người dân khi thiếu mảng xanh cần thiết trong cuộc sống như sau:
Đây là việc làm phá hoại môi trường và cảnh quan nghiêm trọng bởi vì Hà Nội bây giờ người ta bê tông hóa rất nhiều, thiếu công viên xanh. Họ không phát triển ( cây xanh) mà biến cả thành phố thành một khối bê tông gây hại cho môi trường của thành phố.
Điều nữa là để có một hàng cây như thế cần thời gian rất dài nhưng lại chặt đi như thế. Hằng năm đi tỉa cây, tỉa cành là việc tốt nhưng chặt toàn bộ đi để lấy chỗ cho công trình xây dựng khác thì đó là điều rất dở.
Tôi thấy thành phố bây giờ biến thành một khối bê tông khổng lồ. Vào mùa hè thì cực nóng, ngột ngạt, khí thải giao thông phát ra và thành phố như một lò hơi khổng lồ. Ngược lại ( vào mùa đông) thì lạnh lẽo. Những người sống ở Hà Nội có thể cảm nhận được điều đó. Thật ra cuộc sống tại Hà Nội hiện nay rất ngột ngạt.
Ngày 6 tháng 11, Công ty Công viên Cây xanh tại Hà Nội xác nhận việc chặt hạ 550 cây xanh cổ thụ tại thủ đô. Thông tin ngay tại cuộc họp cho biết đã có gần 300 cây trên các tuyến đường Thái Hà, Láng, Nguyễn Trãi đã bị chặt và số còn lại trên đường Nguyễn Trãi tiếp tục bị chặt
Kêu gọi ký tên
Trước tình hình cây xanh bị chặt hạ với lý do phát triển cơ sở hạ tầng mà phía cơ quan chức năng đưa ra, một số bạn trẻ tại thành phố Hồ Chí Minh lập trang web mang happytreeinsaigon.com với khẩu hiệu ‘Hãy giữ màu xanh Thành phố’. Và trên trang này có thư ngỏ gửi đến những người yêu cây xanh. Bức thư trích dẫn câu nói của Martin Luther King ‘Trong thế giới này, chúng ta không chỉ xót xa vì những hành động và lời nói của người xấu mà còn cả sự im lặng đáng sợ của người tốt’. Kêu gọi của thư là ‘Hàng cây trên đường Nguyễn Huệ đã không còn, đừng chần chờ nữa, hãy cùng chúng tôi ký tên bảo vệ từng cái cây một còn lại trên đường phố Sài Gòn’.
Bạn Nguyễn Phương Thảo, thay mặt nhóm Happytreeinsaigon cho biết động cơ thúc đẩy các bạn cùng nhau thực hiện trang web với kêu gọi ký tên bảo vệ cây xanh tại Sài Gòn như sau:
Gần 100 cây xà cừ cổ thụ ở đường Nguyễn Trãi, Hà nội bị đốn hạ. Ảnh: Nam Khánh/doisongphapluat
Gần 100 cây xà cừ cổ thụ ở đường Nguyễn Trãi, Hà nội bị đốn hạ. Ảnh: Nam Khánh/doisongphapluat
Giữa tháng 10, sau khi chứng kiến toàn bộ cây xanh và cây cổ thụ ở đường Nguyễn Huệ bị chặt đốn để phục vụ cho việc xây dựng. Sau đó lại nghe phong phanh về việc chặt hạ hằng trăm cây cổ thụ trên đường Tôn Đức Thắng để phục vụ cho dự án Cầu Thủ Thiêm 2, tôi thấy người dân xót xa cho những cây cổ thụ phải bị đốn hạ. Nhưng mà bản thân chúng tôi không biết làm gì khi mà thông tin đăng tải thì gần như các dự án đã được duyệt. Tôi nghĩ rằng để thấu hiểu được phần cây xanh, cây cổ thụ là yếu tố của thành phố trăm năm tuổi, lá phổi lọc không khí của thành phố này, thì cần phải lên tiếng trước tình trạng mảng xanh của thành phố ngày càng co hẹp để phục vụ cho các công trình đô thị. Do đó, chúng tôi lập ra trang Happytreeinsaigon để tập hợp ý kiến của người dân. Dự kiến những chữ ký này sẽ được tập hợp để gửi cho các cơ quan, tổ chức có liên quan để chính quyền biết ý nguyện của người dân liên quan đến việc hạn chế chặt cây và giữ gìn màu xanh thành phố. Đồng thời kêu gọi cân nhắc sắp tới trong các dự án và công trình công cộng ảnh hưởng đến mảng xanh thành phố Hồ Chí Minh.
Hiện tại Happytreeinsaigon thu thập được khoảng trên 3 ngàn chữ ký.
Đây là việc làm phá hoại môi trường và cảnh quan nghiêm trọng bởi vì Hà Nội bây giờ người ta bê tông hóa rất nhiều, thiếu công viên xanh. Họ không phát triển (cây xanh) mà biến cả thành phố thành một khối bê tông gây hại cho môi trường của thành phố.
Anh Vũ Quốc Ngữ
Thông qua việc lập trang Happytreeinsaigon, chúng tôi còn muốn tập hợp được những người có chuyên môn và tâm huyết đối với việc qui hoạch đô thị xanh bền vững để làm bàn qui hoạch thành phố tổng thể cây xanh với đô thị phát triển bền vững trước tình trạng phát triển quá nhanh có thể ảnh hưởng đến toàn bộ lịch sử và văn hóa lâu nay của thành phố lâu đời như thành phố Hồ Chí Minh.
Bạn này cho biết ý thức của những người trẻ như bản thân bạn trong việc trồng và bảo vệ cây cho môi trường sống:
Hiện tại tôi thấy ít bạn trẻ quan tâm đến vấn đề cây xanh và môi trường vì chưa nhận thức được tầm quan trọng và tác động của nó đến với đời sống hằng ngày.
Ngoài ra còn có nhiều nguồn thông tin sai lầm dẫn đến ngộ nhận và đổ lỗi cho những hiện tượng như cây đổ ngày mưa là do giống cây, hay chủng loài cây. Rất nhiều bạn trẻ, kể cả trí thức, có nhận thức không đúng về vấn đề này. Họ nghĩ rằng phải chặt cây để ngăn chặn việc cây đổ ngày mưa, đánh đồng với việc phá bỏ cây xanh, hoặc việc xáo động môi trường là việc hy sinh bắt buộc vì sự phát triển hay những mục đích đô thị hóa hay hiện đại hóa.
Tôi muốn nói điều đầu tiên của hiện tượng cây đổ là do chăm sóc không đúng cách chứ không phải do giống cây. Khi mà đất không đủ tốt, đủ (… nghe không rõ) cây sẽ phát triển theo hướng nào mà tốt nhất cho rễ. Đó là lý do vì sao mà gạch lát vỉa hè hay bị rễ đội lên. Bê tông hóa cũng ngăn chặn cây đào sâu xuống dưới đất. Bê tông hóa vỉa hè tất nhiên làm nước trôi đi rất nhanh, thành ra những vùng cây trũng cũng không có đường thoát nước ra dẫn đến cây thiếu nước yếu đi; còn nếu thừa nước thì trở nên mục, rỗng và cây có dấu hiệu rỗng ruột bị úng và chết từ từ. Nhiều cây to bị bức tử theo cách này, do đó bị gán tội, và khi một cây trên đường đổ xuống thì bị cắt tỉa hoàn toàn. Đó là một sai lầm dẫn đến cây đổ ngày mưa, chứ không phải do giống cây.
Cho đến lúc này tại Hà Nội theo anh Vũ Quốc Ngữ chưa có một phong trào như các bạn của nhóm Happytreeinsaigon để kêu gọi bảo vệ mảnh xanh ở thủ đô, anh cho biết:
Bây giờ mà nói mọi người thì khó, vì những người thấy vấn đề thì nhiều nhưng lên tiếng nói chung ít. Họ nghĩ nếu lên tiếng thì không được gì mà còn bị chính quyền qui kết là chống đối. Trong khi đó chỉ có tiếng nói của một số người hoạt động xã hội thì tiếng nói không được lan rộng xa lắm. Trong khi đó thì đại bộ phận nhân dân không quan tâm lắm đến cái gì đó chung, họ quan tâm đến cuộc sống hằng ngày của họ thôi.
Biện pháp của chính quyền
Phía cơ quan chức năng vẫn bào vệ các kế hoạch của họ và cho rằng việc đốn hạ cây để lấy mặt bằng thi công các công trình công cộng, cũng như thay thế các cây bị mục ruỗng có thể gây nguy hại cho người dân… là việc phải làm.
Thành phố Hồ Chí Minh ra qui định kể từ sang năm các dự án thi công công trình hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn thành phố này phải đưa hạng mục cây xanh bị tác động vào báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án.
Hà Nội trước khi cho chặt bào hằng loạt cây cổ thụ, vào tháng 9 vừa qua có ra quyết định về việc phê duyệt ‘Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học thành phố Hà Nội đến năm 2030’. Thống kê hồi tháng 9 cho thấy diện tích đất để trồng cây xanh ở Hà Nội chỉ có 2 mét trên mỗi đầu người; trong khi đó tiêu chuẩn đô thị xanh yêu cầu mỗi người phải có 10 mét vuông cây xanh. Tỷ lệ này ở thành phố Hồ Chí Minh hẳn còn thấp hơn.
Đối với biện pháp của chính quyền cho trồng cây thay thế và qui hoạch mảng xanh cho thành phố lâu nay, anh Vũ Quốc Ngữ có nhận xét:
Tôi thấy việc làm không có kế hoạch của Việt Nam nói chung và thành phố Hà Nội nói riêng là khó duy trì mảng xanh cho thành phố bởi vì chính quyền họ quan tâm không đúng mức đến việc duy trì cây xanh trong thành phố. Họ làm bừa bãi cho nên rất khó có sự hài hòa giữa môi trường và phát triển.
Bạn Nguyễn Phương Thảo nêu ra những bài học mà Việt Nam nên theo từ những quốc gia khác như sau:
Tôi cũng có may mắn đi được khá nhiều nước trên thế giới, tôi đi được khoảng 12 nước rồi. Đối với vấn đề bảo vệ cây xanh và môi trường, tôi xinh trích dẫn lời của một giáo sư bên Nhật Bản nêu quan điểm về cây xanh và môi trường mà tôi rất tâm đắc: ‘Nhật Bản có những thành phố lớn như Tokyo, Osaka phải cạnh tranh với sự phát triển của những thành phố khác lớn hơn nữa như Thượng Hải, Hong Kong… nhưng trong quá trình phát triển đô thị với hằng chục triệu dân này, đương nhiên đứng trước bài toán thách thức về môi trường mỗi chính phủ đều có cách giải quyết riêng, Nhật Bản cho rằng việc phá bỏ cây là giá rất lớn để phát triển và họ không bao giờ làm như vậy.’
Tôi nghĩ Singapore là quốc gia có nhiều điểm tương đồng với thành phố Hồ Chí Minh về khí hậu và diện tích, nhưng là một trong những quốc gia xanh và sạch nhất thế giới, nên tôi nghĩ thành phố Hồ Chí Minh nên nghiên cứu phát triển thành phố xanh và sạch theo hướng Singapore. Vì chúng ta đang chuẩn bị những cải cách và qui hoạch để đưa thành phố đi lên thì ngay lúc này phải làm, tính toán bài toán qui hoạch đô thị và bảo vệ cây xanh cho đúng ngay từ lúc này.
Mạng Một Thế giới loan tin vào trung tuần tháng 11 vừa qua, nhóm các bạn trẻ thuộc happytreeinsaigon đến tại ngã tư Tôn Đức Thắng- Lê Duẩn căng băng rôn dài 150 mét với những khẩu hiệu kêu gọi bảo vệ cây xanh, cây cổ thụ trong thành phố, trong đó có kêu gọi phải xem xet kỹ lưỡng việc chặt hàng cây trên đường Tôn Đức Thắng.
Mục Khoa học- Môi trường kỳ này tạm dừng tại đây. Hẹn gặp lại các bạn trong chương trình kỳ tới.

No comments:

Post a Comment