Friday, October 31, 2014

Lệ thuộc Trung Quốc vì 'đầu óc cũ kỹ, kém và tham'

HÀ NỘI (NV) .- Hàng loạt câu hỏi và nhận định về quản trị quốc gia trong tương quan Việt – Trung vừa được nêu ra khi Quốc hội Việt Nam thảo luận về tình hình hình kinh tế - xã hội.

Ông Trương Trọng Nghĩa. (Hình: Trung tâm Báo chí)

Hôm 31 tháng 10, ông Trương Trọng Nghĩa, một luật sư và là thành viên Đoàn Đại biểu Quốc hội của thành phố Sài Gòn đã nêu ra hàng loạt thắc mắc.

Tại sao xuất cảng đứng trong top 10 của thế giới nhưng suốt hai thập kỷ vừa qua, Việt Nam vẫn chỉ có thể thu ngoại tệ nhờ tiền nhân công rẻ, tài nguyên cạn kiệt vì bị khai thác tối đa, phải nhập cảng từ 70% đến 80% nguyên liệu - phụ liệu, phải nhập cảng cả hàng tiêu dùng rẻ tiền, năng suất lao động thấp, tham nhũng tràn lan, nợ nần chồng chất?

Tại sao trong vòng mười năm qua, kinh tế Việt Nam càng ngày càng lệ thuộc vào Trung Quốc và sự lệ thuộc đó diễn ra gần như trong tất cả các lĩnh vực: xuất cảng, nhập cảnh, đấu thầu, năng lượng, viễn thông, khai thác khoáng sản, nhân công, hàng tiêu dùng… Ông Nghĩa nhắc lại, ở kỳ họp trước, ông đã từng đề cập đến sự lệ thuộc tài chính, nhà cầm quyền CSVN phủ nhận song nhiều cử tri khẳng định sự lệ thuộc tài chính là có thật và đang được che giấu.

Ông Nghĩa chất vấn, tại sao một quốc gia có tiềm năng nông nghiệp lớn như Việt Nam mà lại phải nhập cảng nông sản và đủ loại nguyên liệu làm thực phẩm lớn, kể cả rau, trái, trứng gà từ Trung Quốc? Tại sao Việt Nam có quyền chọn nhà  thầu nhưng 80% đến 90% gói thầu lại được giao cho các nhà thầu Trung Quốc vốn rất kém về năng lực?

Tại sao thương nhân Trung Quốc có thể dùng visa du lịch đến tận đồng bằng sông Cửu Long thu mua đủ loại nông sản, lũng đoạn thị trường? Tại sao buôn lậu và thực phẩm chất lượng kém vẫn ồ ạt tràn qua biên giới theo đường tiểu ngạch?

Tại sao nhà máy của Samsung tại Việt Nam xuất khẩu 130 triệu điện thoại di động, trị giá 23.9 tỷ Mỹ kim, sử dụng 45,000 lao động mà chỉ có 70 người Nam Hàn, trong khi dự án Formosa ở Hà Tĩnh dùng 5,917 lao động thì có tới 4,268 lao động Trung Quốc? Tại sao lại để 23,000 công nhân Trung Quốc, đa số không có chuyên môn tràn vào Việt Nam làm việc từ Hà Tĩnh đến Bình Thuận, Lâm Đồng, Sài Gòn, Trà Vinh?

Rồi tại sao tình trạng bán người Việt qua Trung Quốc vẫn trầm trọng?..

Ông Nghĩa cho rằng, cần xem Trung Quốc như một đối tác trong cộng đồng kinh tế toàn cầu, giống như Hoa Kỳ, Nga, Ấn và các quốc gia trong khối ASEAN. Theo ông Nghĩa, cần tự hỏi, tại sao Việt Nam có những thế mạnh khi cận kề Trung Quốc, ví dụ giảm được chi phí vận chuyển nếu đẩy mạnh xuất cảng sang Trung Quốc nhưng không thể khai thác mà vẫn lệ thuộc?

Ông Nghĩa cho rằng, sự lệ thuộc Trung Quốc là vì “đầu óc cũ kỹ”, kém và tham. Ông Nghĩa nhấn mạnh, đừng xem sự lệ thuộc Trung Quốc là vì “âm mưu, thủ đoạn”. Nếu quyền lực được giao cho những kẻ kém cỏi cả về năng lực lẫn đạo đức, người ta chưa mua thì đã chủ động chào bán, thậm chí dùng hối lộ như một điều kiện để làm ăn với mình thì không chỉ lệ thuộc mà sẽ mất nước.

Ông Nghĩa cho rằng, con người là yếu tố quyết định. Ông ta đề nghị Đảng CSVN phải làm một cuộc “cách mạng nhân sự” tại Đại hội Đảng lần thứ 12 phải sắp tới. Những viên chức lãnh đạo phải có tài, có đức, ái quốc, có tư duy dân chủ. Không thể tiếp tục dùng những kẻ kém cỏi và “đầu óc cũ kỹ”. (G.Đ)
10-31-2014 2:36:53 PM
Theo Người Việt

No comments:

Post a Comment