Tuesday, September 2, 2014

Xin cơ chế ngoài luật



Published on September 2, 2014   ·  
QUYDINH-LUAT

Nghị định 52/2010/NĐ-CP của Chính phủ về nhập khẩu tàu cá (Nghị định 52) và Nghị định số 53/2012/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 52 quy định chỉ được nhập khẩu tàu cá nếu tàu đáp ứng một số điều kiện, trong đó có điều kiện tuổi tàu không quá tám năm.
Quy định đã rõ, nhưng lạ là một số doanh nghiệp (Công ty Đức Khải và Công ty Trí Việt) vẫn công bố và gửi văn bản cho Chính phủ và các bộ, ngành để xin triển khai đề án nhập khẩu tàu cá cũ với tuổi tàu lên đến 15, thậm chí 30 năm. Cái sự “lạ” này diễn ra trong bối cảnh căng thẳng chủ quyền biển đảo giữa Việt Nam và Trung Quốc leo thang.
Trong văn bản phản hồi mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), cơ quan chịu trách nhiệm quản lý trực tiếp về vấn đề này, đã khẳng định đề án nhập tàu cá không được chấp thuận vì nhiều lý do, trong đó có việc tuổi của tàu cá mà các doanh nghiệp đề xuất cho nhập khẩu vượt quá tuổi tàu đã qua sử dụng được phép nhập khẩu.
Nhiều doanh nghiệp tin rằng có thể “dàn xếp” với Nhà nước mà không cần quan tâm đến quy định của luật pháp.
Còn nhớ cách đây không lâu, Chính phủ cũng đã thẳng thắn từ chối cho phép áp dụng cơ chế ưu đãi chưa từng có mà tập đoàn thép Formosa của Đài Loan – hiện có dự án đầu tư lớn tại khu kinh tế Vũng Áng (Hà Tĩnh) – đề xuất. Lý do từ chối của Chính phủ khá rõ ràng: các đề xuất này không phù hợp với pháp luật Việt Nam. Đáng chú ý, Formosa đưa ra các đề xuất trong bối cảnh khá đặc biệt – cuộc biểu tình bạo lực cũng liên quan đến chủ quyền biển đảo như nói trên tại khu kinh tế Vũng Áng vừa mới chấm dứt và Formosa đang nhận được sự cảm thông nhất định từ chính quyền, công luận khi họ là công ty chịu ảnh hưởng trực tiếp và khá nặng nề.
Không bàn đến mục tiêu thực sự đằng sau đề án phát triển đội tàu cá của các doanh nghiệp và các câu chuyện bên lề đề xuất của Formosa, câu hỏi quan trọng đặt ra là tại sao biết trước chắc chắn các đề án, đề xuất không phù hợp với pháp luật nhưng các doanh nghiệp vẫn “mạnh dạn” gửi. Có lẽ lý do cốt yếu nằm ở quan niệm của các doanh nghiệp về hiệu lực của luật pháp.
Quay lại khoảng thời gian vài năm trước, giới đầu tư nước ngoài râm ran chuyện tập đoàn đa quốc gia A hay B được cơ quan nhà nước cho hưởng các ưu đãi vượt khung, hoặc các cơ chế đặc biệt khi đầu tư vào Việt Nam. Một câu chuyện khác, trước đây, các tỉnh, thành có “phong trào thi đua” nâng khung ưu đãi để cạnh tranh với tỉnh, thành khác trong việc thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Trong các trường hợp này, nhà đầu tư đã lợi dụng việc Nhà nước cần dự án lớn, dự án công nghệ cao, hoặc tình trạng các tỉnh đang “đói” dự án, mong muốn lập thành tích… để “mặc cả” với Nhà nước các cơ chế ưu đãi nhiều khi vượt ra khỏi khuôn khổ pháp luật. Nhắc lại chuyện này để thấy, đã có tiền lệ về sự nhượng bộ nhất định của chính quyền trước các đòi hỏi như vậy. Chính các tiền lệ đó đã phần nào khiến một số doanh nghiệp tin rằng cơ quan nhà nước có thể linh hoạt cho phép doanh nghiệp hưởng các lợi thế ngoài luật nếu Nhà nước được hưởng lợi ích đáng kể từ dự án, đề xuất của họ.
Không chỉ doanh nghiệp xin ưu đãi, có một thời, các khu kinh tế, khu kinh tế đặc biệt cũng đề nghị Chính phủ cho phép áp dụng các cơ chế ưu đãi đặc biệt ngoài luật vì theo họ nếu cứ thực hiện theo pháp luật thì còn gì là đặc biệt.
Dường như trong nhận thức của nhiều doanh nghiệp, luật pháp đơn thuần chỉ là các quy định nằm đâu đó trong các văn bản thay vì các điều cấm hay nghĩa vụ phải thực hiện có giá trị ràng buộc thi hành và doanh nghiệp vẫn nghĩ rằng cơ quan quản lý là người có quyền năng “ban phát” các ưu đãi, lợi thế ngoài luật nếu các ưu đãi, lợi thế đó cũng mang lại lợi ích nhất định cho Nhà nước. Theo một cách diễn đạt khác, nhiều doanh nghiệp tin rằng có thể “dàn xếp” với Nhà nước mà không cần quan tâm đến quy định của luật pháp. Tóm lại, doanh nghiệp dường như không tin lắm vào hiệu lực thực thi của luật pháp.
Nói đi cũng phải nói lại, cũng khó mà trách các doanh nghiệp khi ngoài chuyện nhà nước tạo ra tiền lệ “ban phát” ưu đãi như đề cập ở trên, hàng ngày doanh nghiệp có thể phải đối mặt với pháp luật ở dưới một hình hài khác, một thứ pháp luật có thể điều chỉnh một cách linh hoạt hay thậm chí bị “bẻ cong” khi cần thiết bởi cơ quan thực thi pháp luật.
Hy vọng rằng dù trong bất kỳ hoàn cảnh, tình huống nào, Nhà nước sẽ tiếp tục hành xử như gần đây khi từ chối các đề án, đề xuất không phù hợp với pháp luật. Có như thế, hiện tượng doanh nghiệp xin cơ chế ngoài luật mới dần được loại bỏ. Xa hơn, bằng hành xử của mình, Nhà nước sẽ góp phần tạo ra được môi trường kinh doanh bình đẳng cho các doanh nghiệp đồng thời nâng cao ý thức tôn trọng pháp luật của doanh nghiệp và người dân.
(*) Công ty Luật Russin & Vecchi
THEO THE SAIGONTIMES

No comments:

Post a Comment