Thursday, June 19, 2014

Cành ô liu không che được dã tâm

TầmNhìn- Phía Trung Quốc đã bắt đầu xuống thang, chìa cành ô liu cho Việt Nam và Philippin sau khi lấn chiếm và gây căng thẳng ở Biển Đông với hai nước cùng các nước ASEAN. Trước tiên, Trung Quốc thay Đại sứ ở Việt Nam và Indonexxia, tiếp đó cử Ủy viên quốc vụ Dương khiết Trì sang Việt Nam, đồng thời sang giúp Philippin xây dựng tuyến đường xe điện ray trị giá 110 triệu USD. Nhưng cành ô-liu này vẫn không che được dã tâm. 

1- Xuống thang – nước cờ thượng sách
Khi kéo giàn khoan khổng lồ HD 981 cùng ít nhất 80 tàu hộ tống các loại, bao gồm 7 tàu quân sự vào trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam, thái độ của Trung Quốc khi đó rất kênh kiệu và cứng rắn. Hai nước Việt Nam và Trung Quốc đã xây dựng mối “Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện” và có đường dây nóng cho lãnh đạo hai nước để kịp thời xử lý những tình huống xấu xảy ra. Nhưng theo báo Trung Quốc vừa qua tiết lộ cho biết lãnh cấp cao Trung Quốc đã từ chối tiếp nhận điện đàm với lãnh đạo Việt Nam. Tiếp đó ngày 6/5/2014, Ủy viên quốc vụ Dương Khiết Trì đã điện đàm bằng thái độ kênh kiệu với Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng ngoại giao Phạm Bình Minh để vu cáo, chỉ trích và lên án Việt Nam “gây rối” tác nghiệp của Trung Quốc.
  
Ngày 16/5 hàng trăm người Philippines, cùng nhiều chính trị gia ở Thủ đô Manila đã diễu hành đề nghị Trung Quốc rút giàn khoan khỏi biển Đông 
 
Hành động xâm lấn và thái độ kênh kiệu, hung hăng, trắng trợn, nước lớn ăn hiếp nước nhỏ của Trung Quốc đã bị dư luận thế giới lên án mạnh mẽ. Trung Quốc không ngờ tới họ  bị cộng đồng quốc tế lên án, phản đối mạnh mẽ như vậy. Trên thực tế thời gian qua, Trung Quốc bị cô lập trên trường quốc tế, hình tượng quốc tế bị giảm sút nghiêm trọng. Tới nay Trung Quốc bước đầu xuống thang. Đầu tiên là khẩn cấp thay Đại sứ ở Việt Nam và Indonexia, tiếp đó cử Ủy viên quốc vụ (cấp hàm tương đương Phó Thủ tướng), cựu Bộ trưởng ngoại giao Dương Khiết Trì sang Việt Nam ngày 18/6/2014 để thảo luận biện pháp lập lại và duy trì ổn định ở Biển Đông. Trong khi đó Trung Quốc vội vã chủ động cử Đoàn đại biểu của Công ty xe máy Bắc Xa Đại Liên sang tài trợ 110 triệu USD cho Philippin xây dựng tuyến đường xe điện ray ở Manila nhằm hòa dịu quan hệ căng thẳng quan hệ hai nước do Trung Quốc gây ra với Philippin ở Biển Đông.

Tờ “The Wall Street” của Mỹ ngày 18/6/2014 cho rằng Trung Quốc đã chìa “cành ô liu” xoa dịu hai nước Việt Nam và Philippin cùng các nước ASEAN, tránh đẩy quan hệ Trung Quốc – ASEAN trở nên xấu đi hơn nữa. Tuy nhiên, báo chí các nước cũng cho rằng xuống thang, chìa cành ô-liu nhưng cành ô liu này không che đạy được dã tâm xâm chiếm Biển Đông của Trung Quốc.

 2- Môi trường quốc tế bất lợi cho Trung Quốc

Vì sao Trung Quốc phải xuống thang? Đó là câu hỏi mà dư luận thế giới đặt ra. Dư luận báo chí Trung Quốc và các nước cho rằng có những nguyên sau:

- Một là, Trung Quốc thất thế trong quan hệ nước lớn với Mỹ, EU. Sau khi trở thành thực thể kinh tế thứ hai thế giới, Trung Quốc ra sức cạnh tranh với Mỹ ở Châu Á – Thái Bình Dương, ở Châu Phi, Trung Đông, ra sức tranh thủ EU để ly gián Mỹ – EU. Trong khi đó, Trung Quốc lại luôn tìm cách “phi Mỹ hóa” trên trường quốc tế để tăng thêm quyền phát ngôn của mình với thế giới, nhất là về kinh tế, như đòi phải có chân trong IMF, WB. Tháng 10/2013, ông Tập Cận Bình đã đề xuất thành lập “Ngân hàng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng Châu Á” (Asian Infrastructure Investment Bank- AIIB) nhằm thay thế Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) do Nhật Bản làm Chủ tịch hiện nay. Dư luận cho rằng đây là ý đồ thâu tóm dần tổ chức Ngân hàng khu vực.

Mỹ và EU Trung Quốc và là đối tác buôn bán lớn nhất và thứ hai của Trung Quốc. Hiện nay kim ngạch buôn bán Trung – Mỹ đạt 500 tỉ USD. Kim ngạch buôn bán Trung Quốc – EU liên tục ba năm qua hàng năm luôn đạt 500 tỉ USD, hai bên dự kiến đưa kim ngạch lên 1.000 tỉ USD vào năm 2020. Nhưng thời gian qua, Trung Quốc đã đứng hẳn về phía Nga trong vấn đề Ucraina và Crưm, nên bị Mỹ và EU lên án, đồng thời tiến hành trừng phạt kinh tế. Mối quan hệ Trung – Mỹ thời gian qua trở nên xấu đi, nay quan hệ Trung Quốc – EU cũng xấu đi trong khi quan hệ với ASEAN, một đối tác buôn bán lớn thứ ba của Trung Quốc cũng căng thẳng.
Điều này sẽ tác động lớn tới phát triển kinh tế trong nước cũng như đối ngoại. Bởi vậy, cùng với việc xuống thang ở Biển Đông, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cũng vội vã tiến hành thăm Châu Âu lần thứ ba từ ngày 16/6 tới 21/6/2014 nhằm làm cho quan hệ hai bên không bị xấu đi hơn nữa, đồng thời trấn an các nước về lập trường Trung Quốc ủng hộ Nga trong vấn đề Ucraina. 
-Hai là quan hệ với Nga tuy gắn bó nhưng có giới hạn. Thời gian qua, quan hệ Trung – Nga được tiến triển mạnh mẽ. Ngay sau khi làm Tổng bí thư ĐH18 tháng 11/2012 và nhậm chức Chủ tịch nước 3/2013, ông Tập Cận Bình đã có chuyến thăm Nga để khẳng định quan hệ gắn bó với Nga. Trong chuyến thăm Trung Quốc 20/5/2014 của Tổng thống Putin, hai bên đã nâng quan hệ từ “Quan hệ đối tác hiệp tác chiến lược toàn diện tin cậy bình đẳng sâu rộng hơn nữa” tháng 3/2013 lên “Quan hệ đối tác hiệp tác chiến lược toàn diện Nga – Trung giai đoạn mới”. Trong thời gian này, hai bên đã ký kết một loạt văn kiện hợp tác trong đó có “Hiệp định hợp tác dầu lửa trong 30 năm”, đồng thời tiến hành tập trận chung ở Biển Hoa Đông từ 20/5 tới 26/5/2014.

Về quan hệ hợp tác kinh tế, kim ngạch buôn bán, kim ngạch Trung – Nga hiện đạt 90 tỉ USD, hai bên dự kiến tăng lên 100 tỉ vào năm 2015, trong đó lấy hợp tác buôn bán dầu lửa làm chính. 

Về chính trị ngoại giao, thời gian qua Trung Quốc đã công khai ủng hộ Nga trong vấn đề Ucraina và Crưm, nên được Tổng thống Putin cảm ơn. Tuy nhiên, Nga bị Mỹ và Phương Tây mạnh mẽ lên án và tiến hành trừng phạt kinh tế do vấn đề Ucraina và Crưm. Bởi vậy, khi được Trung Quốc, một nước lớn, có tiềm lực kinh tế thứ hai thế giới, có thị trường tiêu thụ dầu lửa lớn, lại là  thành viên Ủy ban thường trực Hội đồng bảo an LHQ ủng hộ, thì đây là chỗ dựa vững chắc. Dư luận các nước cho rằng chuyến thăm Trung Quốc tháng 5/2014 là sự “tri ân” của Nga đối với Trung Quốc.
Còn phía Trung Quốc nhân cơ hội này lôi kéo Nga vào Đông Bắc Á và Biển Đông. Báo chí Nga cho biết, đích thân ông Tập Cận Bình đề nghị với Putin về địa điểm cũng như thời gian tiến hành cuộc tập trận chung “Liên hợp trên biển -2014” giữa Hải quân hai nước từ 20/5 tới 26/5/2014. Phía Trung Quốc còn đề nghị tàu chiến Nga tiến sát quần đảo Senkaku (Điếu Ngư) và tiến sâu xuống Biển Đông. Tuy nhiên do lợi ích chiến lược của mình, nên Nga đã từ chối.

Trong bài “Nước cờ chiến lược Trung – Mỹ”, đăng trên tờ “Văn Trích” của Trung Quốc, tác giả Ngưu Bạch Vũ cho biết nhiều nhà chiến lược Trung Quốc đã khuyên lãnh đạo Trung Quốc “cần giữ cự ly” với Nga, bởi lẽ trong lịch sử quan hệ hai nước từ trước tới nay với Nga đã có nhiều bi kịch xảy ra. Mỗi nước đều có lợi ích riêng của mình và Nga không thể đáp ứng được mọi yêu cầu của Trung Quốc. Do quan hệ gắn bó và ủng hộ Nga về  vấn đề Ucraina, nên Trung Quốc bị Mỹ và EU tẩy chay, vì vậy ông Lý Khắc Cường phải vội vã sang thăm EU lần thứ ba để xoa dịu.
- Ba là, Bắc Triều Tiên hiện đang “tránh xa” Trung Quốc
Quan hệ Trung Quốc – Bắc Triều Tiên là mối quan hệ “chiến hữu cùng chiến hào”, “xây dựng bằng máu” và Trung Quốc là “Người đỡ đầu” của Bắc Triều Tiên. Nhưng quan hệ hai nước hiện nay đang rạn nứt. Bắc Triều Tiên kiên quyết “li tâm và tránh xa”  Trung Quốc, phá rào đi với Nhật và Mỹ. Trong bài “Làm thế nào đối phó với quan hệ ngày càng thân thiết gắn bó giữa Nhật và Triều Tiên là thử thách mới chiến lược ngoại giao TQ” đăng trên mạng tin “Đa chiều” ngày 17/6, Trương Hoài Đông cho biết gần 3 năm qua, lãnh đạo cấp cao Trung Quốc đi thăm rất nhiều nước trên thế giới, nhưng chưa có cuộc tiếp xúc và gặp gỡ nào với lãnh tụ Kim Jong Un của Triều Tiên. Trong khi đó, Thủ tướng Nhật Bản sẽ thăm Triều Tiên trong năm nay và hai nước sẽ nâng cấp quan hệ ngoại giao.

Tác giả cho biết trong thời gian qua, tất cả các quyết định quan trọng, Triều Tiên không hề thông báo và trao đổi với Trung Quốc. Tháng 12/2013, Triều Tiên tiến hành thanh trừng  “Phái thân Trung Quốc”, trong đó tử hình Jang Song Thaek, nhân vật số 2 của Bắc Triều Tiên và là Người đứng đầu “Phái thân Trung Quốc” đã làm Trung Quốc phẫn nộ. Giáo sư Vu Tú Cần thuộc Trường Đại học Hoa Đông - Thượng Hải cho rằng Jang Song Thaek là nhân vật thân Trung Quốc, nên phát huy tác dụng rất lớn trong quan hệ hợp tác kinh tế, ngoại giao hai nước.Việc thanh trừng Jang Song Thaek sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới quan hệ Trung – Triều và hiện đang làm đau đầu lãnh đạo Trung Quốc, có tin Chủ tịch Tập Cận Bình tỏ ra phẫn nộ về sự kiện này.

Tác giả Trương Hoài Đông cho rằng trong tình hình hiện nay khó có thể có gặp gỡ cấp cao thượng đỉnh Trung – Triều và tình hình Đông Bắc Á thời gian tới sẽ xấu đi nghiêm trọng.

Các nhà phân tích cho rằng Trung Quốc không thể cùng một lúc mở cả hai chiến tuyến đối phó với hai đầu Đông Bắc Á và Đông Nam Á. Bởi vậy, xuống thang hòa dịu với ASEAN ở Biển Đông là thượng sách.
- Bốn là quan hệ với Ấn Độ đang là thách thức ngoại giao

Ngày 26/5/2014, khi được tin ông Modi đắc cử vào chiếc ghế Thủ tướng thứ 14 của Ấn Độ,  Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường trong 4 ngày từ 26/5 – 29/5/2014 đã hai lần gọi điện chúc mừng và cử ngay Ngoại trưởng Vương Nghị sang Ấn Độ ngày 8/6/2014 chúc mừng. Nhưng báo chí Trung Quốc và Hồng Công cho biết lãnh đạo Trung Quốc tỏ ra thất vọng về Modi. Bởi vì, thời gian qua, quan hệ hai nước được cải thiện đáng kể, nhưng ông Modi tỏ ra cứng rắn với Trung Quốc.
Trong khi không đả động gì tới Trung Quốc, ông lại mời Thủ tướng Pakixtan Sharif và Lobsang Sangay, đại diện của Lãnh tụ tinh thần Dalai Lama, phần tử li khai Tây Tạng đang sống ở Ấn Độ tới dự Lễ đăng quang. Đồng thời ông cũng tỏ ra thân thiện với Nhật Bản, dư luận các nước cho rằng chuyến thăm nước đầu tiên của ông Modi có thể là Nhật Bản. Vì dư luận Ấn Độ gọi ông là “Shinzo Abe” của Ấn Độ. Báo chí Ấn Độ cho biết sở dĩ ông Modi được cử tri ủng hộ cao và đắc cử vì ông đã bày tỏ lập trường cứng rắn đối với Trung Quốc.
Ấn Độ là nước đông dân sau Trung Quốc, là láng giềng với Trung Quốc, ông Modi lên nắm quyền là một thách thức đối với ngoại giao Trung Quốc.

- Năm là tình hình Irac hiện đang bất lợi đối với Trung Quốc
Thời gian qua, Trung Quốc đã đầu tư khá lớn vào khai thác dầu lửa ở Irac. Nếu tình hình Irac xấu đi thì Trung Quốc có thể lặp lại bài học Lybi năm 2011, bị mất trắng tay. Dư luận các nước bình luận Trung Quốc hiện giống như “kiến bò trên chảo gang nóng” lo ngại mất trắng đầu tư vào Irac.Tình hình chiến sự hiện đang diễn ra ngay tại các khu vực mà Trung Quốc tập trung đầu tư lớn nhất.

Báo “Văn Trích” của Trung Quốc ngày  16/6/2014 có bài của Khâu Lâm nhan đề “Chiến sự ở Irac có thể làm Trung Quốc trắng tay”. Bài báo cho biết: Hiện nay Trung Quốc có hơn 10.000 người, chủ yếu là công nhân ở Khu vực khai thác dầu lửa nơi có chiến sự diễn ra ác liệt. Trung Quốc có nguy cơ bị mất trắng tay, như bài học ở Lybi năm 2011, khi đó Trung Quốc bị tổn thất tới gần 20 tỉ USD trong 50 hạng mục công trình các loại. Đó là chưa kể còn nhiều tổn thất khác chưa thống kê hết được, như tài sản và thiết bị của các công ty Trung Quốc ở đây bị cướp khi cán bộ và công nhân Trung Quốc rời Lybi rút về nước.

Dư luận các nhà phân tích cho rằng: Trong điều kiện nội bộ còn nhiều mâu thuẫn và môi trường quốc tế rất bất lợi như hiện nay, Trung Quốc lại đi gây hấn ở Biển Đông rõ ràng là một sai sách lớn. Bởi vậy, Trung Quốc phải tính tới con bài xuống thang ở Biển Đông, vì tại đây Trung Quốc có nhiều lợi thế và dễ xuống thang hơn.
3-Xuống thang ở Biển Đông nhưng dã tâm không thay đổi.

Tác giả Ngưu Bạch Vũ trong bài “Nước cờ chiến lược Trung – Mỹ”, đăng trên tờ “Văn Trích” của Trung Quốc ngày 17/6/2014 đã khuyên lãnh đạo Trung Quốc phải nhớ tới kế “Tu đạo bảo pháp” trong Binh pháp Tôn Tử. Ông cho rằng kế này của Tôn Tử đưa ra cách đây hơn 2.400 năm hiện vẫn còn nguyên gía trị đối với các nhà lãnh đạo.
Tác giả viết cách đây hơn 2.400 năm, Tôn Tử đã viết: Kế sách này nhấn mạnh khi tiến hành chiến tranh điều trước tiên phải tự hoàn thiện mình, đảm bảo không được phạm sai lầm chí mạng, phải hoàn thiện mình mới nắm bắt được thời cơ, mới chiếm được ưu thế, người cầm quân phải đánh giá đầy đủ điều kiện cơ bản của ta và địch, từ đó mới định ra chiến lược đúng đắn. 
Tác giả viết: Hiện nay Trung Quốc vẫn chưa tự hoàn thiện mình về cả ba mặt: - Một là, trong nội bộ còn nhiều vấn đề mâu thuẫn, an ninh không ổn định. Hai là, kinh tế tuy là thứ hai thế giới, nhưng hiện bộc lộ rất nhiều yếu kém, chưa hoàn thiện. Các chuyên gia cho rằng kinh tế Trung Quốc hiện nay tuy không thể sập đổ ngay, nhưng những yếu kém và tồn tại có thể từng bước làm kinh tế suy sụp. Ba là, ngoại giao chưa hoàn thiện. Hai vấn đề lớn nhất trong đối ngoại hiện nay là ngoại giao nước lớn và ngoại giao láng giềng thì Trung Quốc chưa hoàn thiện. Trong khi cần ổn định láng giềng ở Biển Đông và chưa nên khơi ra cuộc đấu với Mỹ trên toàn cầu thì Trung Quốc đã không làm được. Giữ ổn định cả hai chiến tuyến để hoàn thiện mình là thượng sách.
Tờ “Văn Hối” ngày 18/8/2014 dẫn phát biểu của Giáo sư Lý Kim Minh, Phó Chủ nhiệm Trung tâm nghiên cứu chính sách và pháp luật biển Đại Học Hạ Môn, chuyên viên Trung tâm nghiên cứu phát triển Hải dương Trung Quốc nói chuyến thăm Việt Nam lần này của Ủy viên quốc vụ Dương Khiết Trì có tầm rất quan trọng. Bởi lẽ, Trung Quốc không muốn “nổ súng” xung đột vũ trang ở Biển Đông để gây căng thẳng. Nếu tình hình tiếp diễn căng thẳng sẽ không lợi cho bất cứ bên nào. Chuyến thăm này chứng tỏ phía Trung Quốc kiềm chế và có thiện chí để bày tỏ lập trường giải quyết vấn đề Biển Đông thông qua đối thoại hiệp thương trực tiếp giữa hai bên.
Học giả Thái Vĩnh Vĩ viết trên Tờ “Liên hợp buổi sáng” của Singapo ngày 18/6/2014: “chuyến thăm Việt Nam của Ủy viên quốc vụ Dương Khiết Trì là tiến triển tích cực” để làm ổn định tình hình.
Tuy nhiên các học giả trên của Trung Quốc cũng nhấn mạnh về vấn đề chủ quyền Biển Đông, Trung Quốc sẽ không nhượng bộ, chuyến thăm này chỉ là thăm dò bước đầu để ổn định tình hình. Tờ “Liên hợp buổi sáng” dẫn phát biểu của Học giả Thời Ân Hồng, Khoa quan hệ quốc tế, Trường Đại học nhân dân Trung Quốc nói Trung Quốc sẽ quyết không nhượng bộ về vấn đề Biển Đông và vấn đề thăm dò dầu khí ở Biển Đông.    Rõ ràng, do điều kiện quốc tế và trong nước lúc này rất bất lợi, nên Trung Quốc buộc phải xuống thang, nhưng dã tâm lấn chiếm Biển Đông vẫn không hề thay đổi./.
20:10 | 19/06/2014
Kiều Tỉnh
                                                                                                                

No comments:

Post a Comment