Sunday, April 6, 2014

Nhân viên hàng không ăn cắp, buôn lậu có hệ thống?

 Chủ Nhật, 06/04/2014 10:19

(Tin tức thời sự) - Phi công từ chính đến phụ, từ tiếp viên tới nhân viên mặt đất liên tục gây ra scandal vì tổ chức trộm cắp - tiêu thụ đồ gian.

Từ phi công, tới nhân viên

Đại diện Hãng hàng không Vietnam Airlines (VNA) thừa nhận, tình trạng trộm cắp tài sản của hành khách trên các chuyến bay của hãng đang có chiều hướng gia tăng.

Nhân viên VNA ăn cắp, buôn lậu gây bức xúc dư luận. (Ảnh minh họa)
Nhân viên VNA ăn cắp, buôn lậu gây bức xúc dư luận. (Ảnh minh họa)

Theo thống kê của VNA, trong năm 2012 đã xảy ra 28 vụ khách bị mất tài sản trên chuyến bay, năm 2013 xảy ra 15 vụ và tính từ đầu năm đến hết tháng 3/2014 đã xảy ra 9 vụ.

Ông Lê Trường Giang, người phát ngôn VNA, cho biết tài sản mất thường là tiền hoặc đồ vật giá trị như laptop, máy tính bảng, điện thoại... và 11 thủ phạm bị bắt mang nhiều quốc tịch khác nhau.

Trên thực tế, phi công và tiếp viên của VNA đã buôn lậu đủ thứ và từ khắp nơi, gây tai tiếng khắp thế giới.

Trong hàng chục năm qua, phi công từ chính đến phụ, tiếp viên từ nam đến nữ, từ nhân viên phi hành đoàn tới nhân viên mặt đất của ngành hàng không liên tục gây ra scandal ở cả Nhật, lẫn Đại Hàn, Úc,… vì tổ chức trộm cắp - tiêu thụ đồ gian.

Nhân viên của VNA còn buôn lậu, chuyển ngân lậu, dính líu đến các tổ chức buôn bán ma túy.

Chẳng hạn vụ hai tiếp viên của VNA là Nguyễn Quý Hiển và Nguyễn Hoàng Hương Xuân bị Hải quan Nam Hàn tạm giữ vì vận chuyển trái phép khoảng 300,000 USD vào Nam Hàn hồi tháng 2/2008.

Tháng 3/2008, ông Lại Quốc Việt, 58 tuổi, phi công chính của VNA bị Ủy ban Chống tội phạm của Úc bắt tại phi trường Sydney, vì giúp một tổ chức buôn lậu ma túy rửa tiền, bằng cách chuyển bất hợp pháp 3.7 triệu USD ra khỏi Úc.

Đến tháng 4/2008, Hải quan Nam Hàn tạm giữ thêm một tiếp viên khác vì vận chuyển trái phép 30 ngàn USD vào Nam Hàn...

Kế đó, tháng 4/2009, Nhật đã trục xuất ông Đặng Xuân Hợp – một phi công của VNA- giao lại cho chính quyền Việt Nam sau khi đưa ra xử và phạt 30 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 4 năm, phạt tiền 500,000 yen, vì là thành viên trong một tổ chức chuyên trộm cắp tại Nhật rồi vận chuyển số hàng hóa.

Và mới đây nhất là vụ việc nữ tiếp viên Nguyễn Bích Ngọc (sinh năm 1988) bị cáo buộc xách lô hàng lậu trị giá 3 triệu Yen lên máy bay và nhận tiền công vận chuyển từ tháng 6/2013.

Điều đáng nói, việc làm của nữ tiếp viên này lại được sự đồng ý và giới thiệu của cơ phó.

Ngoài việc triệu tập 1 cơ phó và 4 tiếp viên của VNA, Cảnh sát Nhật Bản còn nghi ngờ 20 nhân viên khác của Vietnam Airlines tham gia vào đường dây tiêu thụ hàng ăn cắp này.

Chính ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, thú nhận “không loại trừ khả năng” nhận hối lộ khi tuyển dụng - một trong những nguyên nhân chính khiến phi công, tiếp viên liên tục phạm pháp.

Tuồn hàng qua rác thải

Trong khi đó, Tuổi Trẻ vừa thông tin ngày 5/4, đại diện Trung tâm an ninh hàng không sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất cho biết đã lập biên bản bàn giao công an một nhân viên Xí nghiệp thương mại mặt đất Tân Sơn Nhất (TIAGS) vì vận chuyển hàng hóa có giá trị lớn, không rõ nguồn gốc ra bên ngoài sân bay.

Vụ việc được phát hiện vào khoảng 16h, ngày 4/4, tại cổng số 8 (cổng dành cho nhân viên sân bay).

Khi kiểm tra rác thải do nhân viên N.V.T. của Tiags vận chuyển ra bên ngoài, các nhân viên an ninh hàng không sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất đã phát hiện lẫn trong nhóm rác này có bốn điện thoại hiệu Samsung Galaxy Note 3 còn mới trong bao kín, chưa qua sử dụng.

Nhân viên N.V.T. không thừa nhận các điện thoại này do mình vận chuyển và cũng không cho biết nguồn gốc từ đâu. Giá trị của món hàng lên tới gần 60 triệu đồng.

Trung tâm an ninh hàng không sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất đã lập biên bản bàn giao cho Công an phường 2, Q.Tân Bình xử lý.

Đến tối 5/4,  Công an Q.Tân Bình đã cho gia đình bảo lãnh N.V.T. về, chờ điều tra ra thời gian, địa điểm và chủ nhân của những chiếc điện thoại này.

Thái An

No comments:

Post a Comment