Cho đến nay, danh tính hai người này chưa được công bố. Cục Điều tra Liên bang Mỹ FBI đang rà soát dấu vân tay trong cơ sở dữ liệu, sau khi nhận được thông tin do quan chức Malaysia cung cấp hôm 10.3. Những dấu vân tay này lấy được từ khu check-in tại sân bay Kuala Lumpur và được Chính phủ Malaysia gửi cho các cơ quan tình báo và thực thi pháp luật khắp thế giới.
"Họ sẽ so sánh với những gì chúng ta có trong cơ sử dữ liệu những kẻ khủng bố. Đó là danh sách những người bị cấm bay, những kẻ có liên quan đến khủng bố và những người có lý do để bị tình nghi" - nghị sĩ Mỹ Peter King phát biểu với CNN. 
Một quan chức tình báo Mỹ ghi nhận rằng, hoàn cảnh xung quanh việc sử dụng hộ chiếu đánh cắp cũng giống như mô hình tương tự của những đường dây buôn lậu người, và có thể không có bất cứ điều gì liên quan đến vụ máy bay mất tích.
Trong khi đó, theo các quan chức cảnh sát Thái Lan, một người đàn ông Iran có tên là Kazem Ali đã mua vé hộ 2 người bạn, bởi họ nói rằng muốn quay trở về nhà ở Châu Âu. Cảnh sát cho hay, khi Ali đặt vé qua điện thoại, hoặc Ali, hoặc ai đó đại diện cho anh ta, đã trả tiền vé bằng tiền mặt.
Tuy nhiên, nhà phân tích pháp luật của CNN Tom Fuentes cảnh báo rằng không nên đưa ra kết luận quá nhiều từ các chi tiết của cảnh sát. "Chúng ta không biết liệu những thông tin đó có đáng tin cậy hay không. Chúng ta chỉ biết rằng đó là một đầu mối và đã cung cấp cho cảnh sát Thái. Họ cung cấp lại cho các cơ quan khác. Nhưng điều tôi quan tâm là, cần phải xác định người đàn ông đó là ai".
Những bí ẩn xung quanh cuốn hộ chiếu bị đánh cắp làm dấy lên những lo ngại về chủ nghĩa khủng bố, nhưng các quan chức cũng thận trọng cảnh báo rằng, còn quá sớm để đưa ra bất kỳ kết luận nào. Một lời giải thích có thể chấp nhận được về những quyển hộ chiếu bị đánh cắp là nhập cư bất hợp pháp. Trước đó đã có 5 trường hợp sử dụng hộ chiếu giả để nhập cư bất hợp pháp vào các nước phương Tây. Trong khi đó, Đông Nam Á được biết đến là một thị trường đang bùng nổ về các đường dây làm hộ chiếu giả.
Tuy nhiên, cũng có một số suy đoán rằng, vụ việc có thể là một bài thử nghiệm của tổ chức khủng bố để lên kế hoạch cho vụ tấn công sau này. Vụ việc có một số điểm tương đồng với những sự cố tương tự trong quá khứ. Chẳng hạn vụ đánh bom một chiếc máy bay của Philippines năm 1994 đã được các nhà điều tra chứng minh là để thử nghiệm cho âm mưu đánh bom nhiều hãng hàng không khác - Tổng thanh tra Bộ Giao thông Mỹ Mary Schiavo nói với CNN.