Saturday, January 25, 2014

“Thành tích” ngân hàng



BANK-NO

Trong chuyến “vi hành” cuối năm tại 2 tỉnh Tây Bắc là Điện Biên và Lai Châu, có vô số những dữ liệu tưởng chừng trái ngược nhau được đặt lên bàn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.
Trong khi tỉ lệ nợ xấu ngân hàng bình quân cả nước vào khoảng 4%, thì tại hai tỉnh có tỉ lệ hộ nghèo – khoảng 38%, gấp 3-4 lần mức bình quân chung của cả nước (trên dưới 10%) này – tỉ lệ nợ xấu ngân hàng chỉ chiếm lần lượt là 0,82% (ở Lai Châu) và thậm chí chỉ có 0,29% (ở Điện Biên).
Và trong khi nguồn vốn huy động tại chỗ chỉ đáp ứng được phân nửa nhu cầu vay vốn, thì tỉ lệ tăng trưởng tín dụng năm 2013 trong các báo cáo của các tỉnh này lại rất cao, lần lượt là 16% và 19%.
Thời báo Kinh tế Việt Nam dẫn lời Thống đốc, rằng: “Trong khi cả nước đang phải đau đầu với nợ xấu, thì tại đây nợ xấu lại rất nhỏ như vậy”, Thống đốc Nguyễn Văn Bình sau đó “đúc kết một góc nhìn”. Nguyên văn: “Càng những tỉnh nghèo, càng cho thấy người dân và doanh nghiệp vay vốn và trả nợ ngân hàng rất có trách nhiệm”.
Một góc nhìn không sai, cho dù chính xác thì phải là: Càng người nghèo càng sợ nợ, và càng nghèo, càng khó có khả năng “được nợ”! Hôm qua, anh nông dân K’Song ở Ðác Nia, Gia Nghĩa (Ðắc Nông) đã xuất hiện trên báo với câu chuyện buồn của những người nông dân “sinh ra đã trót nghèo”.
Năm 2013, do không có vốn đầu tư chăm sóc vườn cà phê, K’Song được Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Ðắc Nông cho vay 20 triệu đồng diện hộ sinh sống ở vùng khó khăn. 20 triệu đồng, chỉ đủ mua phân bón một đợt. Vẫn thiếu vốn cho ít nhất 2 đợt bón phân kế tiếp, K’Song mang giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) ra các ngân hàng thương mại để thế chấp vay vốn. “Phía ngân hàng trả lời là không có tiền”.
Bất đắc dĩ, người nông dân khốn khổ phải vay lãi tư nhân với lãi suất 5%/tháng. “Cao quá, nhưng nếu không có vốn đầu tư thì vườn cà phê sẽ rụng trái, khô cành, chết dần, không chỉ thất thu năm nay mà các năm sau cũng mất trắng, nên tôi chấp nhận vay 40 triệu đồng”- người nông dân nói.
Thế nhưng, tai họa kép đã giáng xuống đầu K’Song ngay sau đó khi cà phê mất mùa, 2ha chỉ thu được 2,5 tấn càphê nhân, trong khi giá liên tục giảm, giờ chỉ còn 34.000 đồng/kg.
Dù cho giá thấp tới “đáy”, nhưng thu được hạt cà phê nào về, K’Song đều phải bán hết hạt đó, để bớt đi một ngày “lãi mẹ đẻ lãi con”. Và sau một năm đổ mồ hôi, nhà K’Song không còn hạt càphê nào, không biết lấy gì để nuôi con cái ăn học, không một đồng vốn lận lưng cho tương lai.
Nông dân, người nghèo chắc còn thắc mắc rất nhiều, rằng: Vì sao khi nguồn vốn huy động tại chỗ chỉ đáp ứng được phân nửa nhu cầu vay vốn, mà tỉ lệ tăng trưởng tín dụng lại cao. Và nợ xấu cũng như vậy: “Rất ít, rất thấp” phải là vấn đề, chứ không thể coi là thành tích của ngân hàng ở những nơi có nhiều người nghèo nhất.
Vì thế, cái tam đoạn luận của Thống đốc, bên cạnh kết cục trách nhiệm trả nợ “rất có trách nhiệm” của người vay, còn phải là trách nhiệm của những người giữ tiền đang để xảy ra tình trạng: Người nghèo lại hoàn nghèo sau một năm đổ mồ hôi, vì không thể vay được nguồn vốn ngân hàng lẽ ra phải ưu tiên dành cho họ.
Theo Lao động

No comments:

Post a Comment