Tuesday, June 7, 2016

Chạy trường, chạy lớp và giải pháp hạn chế

Hoàng Dung, thông tín viên RFA 2016-06-07 
000_Hkg10143044.jpg
 Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius và các học sinh trường trung học địa phương tại lễ khai mạc Hội chợ Giáo dục Đại học đầu tiên của Mỹ tại Hà Nội với sự tham dự của khoảng 40 trường đại học Mỹ. Ảnh ngày 30 tháng 1 năm 2015.  AFP PHOTO
Việc chạy trường lâu nay vẫn thường xảy ra ở Việt Nam, đây là một vấn đề mà bộ giáo dục luôn muốn ngăn chặn.
Lý do chạy trường, chạy lớp
Bộ Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa cho biết trong thời gian vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo, UBND các tỉnh, thành phố đã ban hành nhiều quy định và triển khai nhiều giải pháp để chấn chỉnh những tiêu cực phát sinh do việc xin học trái tuyến và học chọn lớp. Tuy nhiên, hiện tượng chạy trường, chạy lớp vẫn còn tồn tại ở nhiều đô thị, khu vực đông dân cư gây áp lực cho cha mẹ học sinh, tạo bức xúc trong xã hội và gây khó khăn cho công tác quản lý của ngành.
Bất kỳ phụ huynh nào cũng muốn con mình học ở những nơi tốt, được dạy tốt, được chăm sóc tốt, được ăn tốt.
- Giáo sư Phạm Minh Hoàng
Chia sẻ về những lý do khiến nhiều bậc phụ huynh chạy trường, chạy lớp cho con, giáo sư Phạm Minh Hoàng cho biết, do xã hội Việt Nam từ lâu đã sống theo vẻ bên ngoài là luôn muốn cho con của họ học những ngôi trường tốt, dù con họ có thành tích học tập không được tốt. Tuy nhiên giáo sư cũng cho biết việc chạy trường, chạy lớp chỉ diễn ra ở những nơi thành phố lớn, ở những gia đình có tiền và có quyền lực.
Giáo sư Phạm Minh Hoàng chia sẻ:
“Bất kỳ phụ huynh nào cũng muốn con mình học ở những nơi tốt, được dạy tốt, được chăm sóc tốt, được ăn tốt. Ở mầm non thì chạy vô cấp 1 tốt hơn, cấp 1 chạy vô cấp 2 tốt hơn, cấp 2 chạy vô cấp 3 tốt hơn. Nếu cấp 3 mà tốt thì chạy vô đại học tốt hơn. Nói tóm lại xã hội Việt Nam họ ganh đua để được vào những trường đại học hay những trường chính quy tốt và nếu làm được như vậy thì họ dạy cho con em của họ biết ganh đua từ khi mầm non.”
Cô giáo Hồng, một giáo viên dạy tiểu học ở thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ một số lý do:
“Phụ huynh muốn con chạy vào trường có điều kiện học tập tốt, có chất lượng tốt, trường có tiếng nói, trường có uy tín, trường có thành tích. Người ta cũng muốn con mình bằng con người khác, được nở mày nở mặt là con mình được vào trường chuẩn, trường ngon mặc dù con mình học không đủ điều kiện nhưng họ chạy tiền để vào.”
Một em học sinh tên Mai ở Nghệ An cũng cho rằng, nhiều phụ huynh thích được con mình vào những trường chuyên, trường điểm để được nở mày nở mặt với bạn bè vì họ là những gia đình có điều kiện:
“Giờ nhiều gia đình giàu có thích chạy cho con cái của mình vào trường tốt, như vậy thì con cái của họ sẽ có sổ học bạ tốt hơn, vì ở Việt Nam giờ chỉ cần học trường tốt là họ có cơ hội tốt hơn những người khác.”
Hậu quả
Vào năm học 2008 – 2009 bộ giáo dục đã ban hành chính sách 2 không với 4 nội dung, trong đó có nội dung nói không với việc ngồi nhầm lớp, tuy nhiên việc chạy trường lại vi phạm điều đó, khi nhiều học sinh có thành tích học tập kém lại học ở những ngôi trường lớn, nổi tiếng.
042_CS_120021_1321389-400.jpg
Học sinh tại Trường Tiểu học Lương Định Của, quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh ngày 5 tháng 9 năm 2015. AFP PHOTO
Không những vậy, tình trạng chạy trường, chạy lớp khiến nhiều học sinh vượt tuyến gây khó khăn cho bộ giáo dục trong cách quản lý học sinh, nhiều trường thì nhiều học sinh còn nhiều trường lại thiếu.
Dẫn lời của giáo sư Nguyễn Lân Dũng trả lời tạp chí văn nghệ quân đội cho biết: Ảnh hưởng của việc "chạy" trường đối với ngành giáo dục và xã hội là rất nghiêm trọng, nó làm cho chất lượng giáo dục đi xuống, nó ảnh hưởng đến đạo đức, lối sống của nhiều thế hệ tương lai.
Là một giáo viên dạy tại một trường chuẩn quốc gia, cô giáo Hồng cho biết trường của chị hàng năm có rất nhiều học sinh cố gắng để vào, nhưng việc chạy trường cũng có nhiều hậu quả.
Cô giáo Hồng chia sẻ:
“Tạo áp lực học tập lên con em mình, trường dẫn đến chỗ thiếu chỗ thừa học sinh, tiêu cực trong giáo dục như tham ô, tham nhũng.”
Là một học sinh học trường chuyên, nên em Mai cho biết, có nhiều em học sinh sau khi được chạy vào thì học lực của họ không đủ tiêu chuẩn để học, như vậy họ sẽ không theo kịp những em học sinh khác và thành tích học tập của họ giảm hẳn rõ rệt:
“Vì không theo kịp lớp nên nhiều bạn trong lớp rất bị áp lực, muốn chuyển lớp nhưng gia đình lại không cho, nên những bạn đó chỉ đi học cho có.”
Giải pháp
Trong nhiều năm qua, cứ mỗi khi bắt đầu vào năm học mới, thì bộ giáo dục luôn có những biện pháp để ngăn chặn việc chạy trường, chạy lớp nhưng sự việc vẫn không có gì thay đổi.
Trên trang Dân Việt cho biết, vào ngày 3 tháng 6 năm 2016, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển vừa có văn bản yêu cầu khắc phục tình trạng chạy trường, chạy lớp trong năm học mới, trong đó thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho biết Bộ Giáo dục sẽ tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm khắc các hiện tượng chạy trường, chạy lớp.
Tạo áp lực học tập lên con em mình, trường dẫn đến chỗ thiếu chỗ thừa học sinh, tiêu cực trong giáo dục như tham ô, tham nhũng.
- Cô giáo Hồng
Để tìm hiểu thông tin thêm về những giải pháp mà Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành thì chúng tôi có liên lạc với Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Nghĩa và bà cho biết:
“Bộ vừa rồi đã có văn bản các giải pháp khắc phục tình trạng đó.”
Trong văn bản của bộ giáo dục cho biết: Sẽ tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp chạy trường, chạy lớp. Tuyên truyền phổ biến cho phụ huynh để hạn chế việc chạy trường, chạy lớp, tổ chức thi cử một cách minh bạch, nghiêm cấm việc tổ chức thi chọn trường chuyên ở các cấp.
Tuy nhiên, theo giáo sư Phạm Minh Hoàng thì việc đó rất khó để hạn chế, không thể hạn chế việc đó bằng cách tuyên truyền mà cần phải có thời gian dài để mọi người có thể thay đổi:
“Về lâu về dài tốt nhất nên tạo các trường bình đẳng với nhau, tuy nhiên việc này rất là khó, vì nhiều trường giỏi người ta lại lựa chọn các em học sinh giỏi, các em không đủ trình độ phải học trường thấp, nhưng xã hội Việt Nam lại không chấp nhận chuyện ấy, nhiều phụ huynh đều muốn con mình học trường tốt. Muốn làm được việc này không phải chỉ một vài lời là có thể thay đổi, mà chúng ta phải thay đổi ngay từ cái tư duy.”
Cô giáo Hồng chia sẻ một số giải pháp:
“Làm theo quy tắc đủ điều kiện, đủ tiêu chuẩn thì được vào, học đúng tuyến, theo sổ hộ khẩu để học.”
Giáo sư Phạm Minh Hoàng cũng chia sẻ với chúng tôi, năm nay trước khi vào đầu năm học bộ giáo dục và đào tạo đã có văn bản để giải quyết việc này đó là một điểm mừng, giáo sư cũng hy vọng rằng việc này sẽ ngăn chặn được việc chạy trường, chạy lớp và xa hơn nữa là việc tham nhũng, tham ô trong giáo dục, tuy nhiên trên một bình luận của bài viết về việc bộ giáo dục và đào tạo ra văn bản này thì một khán giả đã viết như sau: “Nói nhiều nhưng vẫn không có sự thay đổi nào đáng kể.”

No comments:

Post a Comment