Tuesday, November 22, 2016

Hoa Kỳ rút lui, Trung Quốc có cơ hội bá quyền khu vực

 Minh Anh 
Theo RFI- 22-11-2016 14:31 
media
Căn cứ hải quân Futenma của Hoa Kỳ thuộc tỉnh Okinawa, Nhật Bản. Wikimedia 
Washington không thể tự cho phép mình bỏ rơi các đồng minh ở châu Á – Thái Bình Dương. Trên đây là nhận định của Philip Golub, giáo sư trường đại học Hoa Kỳ tại Paris khi trả lời các câu hỏi của phóng viên Bruno Philip, trên báo Le Monde ngày 19/11/2016.
Chuyên gia về quan hệ quốc tế Philip Golub từng là một trong những tổng biên tập của nhật báo Asia Times tại Bangkok. Mới đây ông có viết « Một câu chuyện khác về cường quốc Hoa Kỳ » (nhà xuất bản Le Seuil, 2011) và « Sự hồi sinh của Đông Á » (Polity, 216 trang).
Trung Quốc giờ có thể xoa tay nghĩ rằng Hoa Kỳ từ bỏ châu Á ?
Tôi không nghĩ là dưới thời ông Trump, Hoa Kỳ sẽ nhường chỗ của họ tại Đông Á. Từ thế kỷ XIX, Hoa Kỳ đã là một cường quốc tại Thái Bình Dương, và nhất là kể từ khi kết thúc Chiến tranh Thế giới lần II. Ở vùng này, họ có những lợi ích chiến lược quan trọng hàng đầu và không thể cho phép mình bỏ rơi các đồng minh truyền thống như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore… Một hành động đơn phương thoái lui vào lúc mà Trung Quốc đang trở thành một cường quốc lớn có thể làm thay đổi một cách cơ bản không chỉ thế cân bằng trong khu vực, mà cả chính sức mạnh của Mỹ. Một chính sách như thế dường như sẽ không có lợi ích gì cho ông Trump. 
Bắc Kinh sẽ làm gì nếu chính quyền mới ở Mỹ áp đặt chính sách bảo hộ?
Khi từ bỏ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP, một hiệp định quy tụ 12 quốc gia châu Á – Thái Bình Dương nhưng không có Trung Quốc, ông Trump sẽ cho phép Bắc Kinh thúc đẩy nhanh hơn nữa dự án của họ về một khu vực tự do mậu dịch rộng lớn với trung tâm là Trung Quốc : đó là Khu vực tự do mậu dịch châu Á – Thái Bình Dương (FTAAP).
Trung Quốc sẽ tiếp tục nỗ lực  thành lập các định chế quản lý kinh tế cạnh tranh với Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế IMF và Ngân Hàng Thế Giới, như lập Ngân Hàng Đầu Tư Hạ Tầng Châu Á AIIB, trụ sở tại Thượng Hải, hay như Ngân Hàng Phát Triển Mới NDB, do nhóm BRICS thành lập (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi).
Obama từng hy vọng « xoay trục » sang châu Á. Tuy nhiên, triển vọng này có nguy cơ bị xem xét lại một cách nghiêm trọng…
Đúng vậy, nhưng các định chế về quốc phòng và an ninh Hoa Kỳ và các tác nhân kinh tế mạnh nhất của Mỹ sẽ cực lực phản đối mọi hành động đơn phương rút Hoa Kỳ ra khỏi Đông Á. Nếu Donald Trump tìm cách áp đặt một biện pháp như thế, ông ấy sẽ phải đối mặt với nhiều sự chống đối quan trọng từ bên trong nước Mỹ. Nhất là bởi vì một hành động rút lui của Hoa Kỳ có thể mở ra một không gian quan trọng cho Trung Quốc phát triển quyền bá chủ khu vực. Bởi vì, khi thoái lui, Hoa Kỳ tạo ra một khoảng trống chiến lược mà Bắc Kinh sẽ lấp vào.
Như vậy là ông không tin rằng Hoa Kỳ thoái lui tại châu Á ?
Nhóm cố vấn của ông Trump sẽ định ra một chiến lược thống trị tại Thái Bình Dương. Đổi lại, việc tiếp tục mở rộng sự hiện diện của Mỹ tại châu Á – Thái Bình Dương có thể được thực hiện mà không có vế đa phương và hợp tác mà chính quyền Obama đã triển khai. Điểm khác biệt quan trọng nhất giữa chính sách được tiến hành cho đến lúc này và chính sách dường như đang được Trump chủ trương – hình như không có những ý tưởng rõ ràng về chủ đề này – có lẽ chính là việc Hoa Kỳ từ bỏ cam kết thúc đẩy dân chủ, từng được thể hiện rõ chẳng hạn như trong việc xích lại gần với Miến Điện được Obama quyết định. Với Trump, đó sẽ là thời kỳ « realpolitik » thuần túy.

Ngày đầu tiên làm tổng thống, Trump sẽ rút Hoa Kỳ khỏi TPP

Thanh Phương 
Theo RFI- 22-11-2016 10:36 
media
Donald Trump (trái) và Mitt Romney ngày 19/11/1016. REUTERS/Mike Segar
 Tuy chưa thành lập xong chính phủ mới, tổng thống tân cử của Mỹ Donald Trump vừa loan báo biện pháp đầu tiên mà ông sẽ thi hành ngay sau khi bước vào Nhà Trắng : Rút Hoa Kỳ ra khỏi hiệp định tự do mậu dịch Đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP.

Ông Trump đã thông báo như trên trong một đoạn video ngắn phát hôm qua, 21/11/2016, trình bày 6 biện pháp quan trọng mà ông sẽ thi hành trong 100 ngày đầu tiên cầm quyền. Toàn bộ các biện pháp này đều dựa trên « nguyên tắc căn bản : nước Mỹ trước hết ».
Ngày 20/01/2017, người sẽ trở thành tổng thống thứ 45 của nước Mỹ nhấn mạnh rằng ông muốn « cải tổ » chính trường Hoa Kỳ, gây dựng lại tầng lớp trung lưu Mỹ và « làm cho nước Mỹ tốt hơn cho mọi người ».
Theo chiều hướng đó, ngay trong ngày đầu tiên làm tổng thống, ông Donald Trump sẽ rút Hoa Kỳ ra khỏi hiệp định TPP, đã được 12 quốc gia châu Á – Thái Bình Dương (nhưng không có Trung Quốc) ký kết vào năm 2015. Trong thời gian tranh cử, ứng cử viên Cộng Hòa đã liên tục đả kích hiệp định này, mà theo ông sẽ là một « thảm họa » cho nước Mỹ.
Để có hiệu lực, hiệp định do tổng thống mãn nhiệm Barack Obama khởi xướng phải được Quốc Hội Mỹ, mà phe Cộng Hòa vẫn chiếm đa số, phê chuẩn. Nhưng ngày 11/11 vừa qua ông Obama đã đình hoãn thủ tục đưa TPP ra biểu quyết ở Quốc Hội, để tân tổng thống và Quốc Hội mới quyết định về số phận của hiệp định này.
Ông Trump muốn thương lượng các hiệp định « song phương » thay cho TPP, mà theo ông sẽ giúp đưa việc làm và công nghiệp trở lại nước Mỹ.
Trong khi đó, tổng thống tân cử của Mỹ tiếp tục việc thành lập chính phủ của ông. Nhân vật được dự báo rất có thể sẽ được cử làm bộ trưởng Quốc Phòng tương lai là tướng về hưu James Mattis, 66 tuổi. Còn về chức Ngoại trưởng, có thể ông Trump sẽ chọn một trong hai nhân vật : cựu thị trưởng New York Rudy Giulliani và cựu ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng Hòa năm 2012 Mitt Romney.

Biển Đông : Việt Nam thách thức Trung Quốc

Thanh Phương 
Theo RFI- 22-11-2016  16:36 
media
Ảnh vệ tinh chụp nhà để máy bay mà Việt Nam đang xây ở Trường Sa. @csis/amti 
Với việc nâng cấp phi đạo duy nhất của Việt Nam trên quần đảo Trường Sa và xây dựng các nhà để máy bay mới tại địa điểm này, Hà Nội đáp lại việc Trung Quốc trong thời gian qua đã ồ ạt xây dựng các cơ sở quân sự tại khu vực đang tranh chấp này ở Biển Đông.
Các hình ảnh vệ tinh do Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược (CSIS) công bố vào tuần trước cho thấy là Hà Nội đã mở rộng phi đạo và xây hai nhà chứa máy bay lớn trên một đảo của Trường Sa để có thể tiếp nhận những phi cơ mới của không quân Việt Nam, như máy bay giám sát biển PZL M28B và máy bay vận tải CASA C-295. Để mở rộng phi đạo, Việt Nam đã bồi đắp đảo cho lớn hơn, tương tự như việc Trung Quốc xây các đảo nhân tạo, tức bồi đắp các đá thành những đảo thật sự.
Thật ra thì quy mô của công trình mở rộng phi đạo của Việt Nam chẳng thấm vào đâu so với các công trình của Trung Quốc ở Trường Sa, vì các chiến đấu cơ phản lực chỉ có thể sử dụng một cách hạn chế phi đạo vừa được mở rộng. Nhưng theo ghi nhận của dự án Sáng Kiến Minh Bạch Hàng Hải Châu Á (AMTI), thuộc trung tâm CSIS, hành động nói trên cho thấy là ngay cả khi căng thẳng ngoại giao với Trung Quốc giảm bớt, Việt Nam vẫn tiếp tục hiện đại hóa quân đội và thắt chặt quan hệ an ninh với các nước Nhật, Mỹ, Ấn Độ, để chuẩn bị đối phó với những hành động khác của Trung Quốc trong tương lai nhằm áp đặt chủ quyền của họ ở Biển Đông.
Hãng tin Reuters tháng 8/2016 tiết lộ rằng Việt Nam đã bắt đầu triển khai các dàn tên lửa địa đối không ở quần đảo Trường Sa. Hà Nội đã không xác nhận thông tin này, nhưng theo nhận định của AMTI, hành động đó không có gì là đáng ngạc nhiên khi chúng ta thấy tiềm lực không quân rất mạnh mà Trung Quốc chẳng bao lâu nữa sẽ triển khai ở vùng Trường Sa.
Theo AMTI, Việt Nam có thể sử dụng phi đạo mở rộng và nhà để máy bay mới cho việc tuần tra khu vực Trường Sa. Cho dù tiềm lực quân sự của Việt Nam không thể so với của Trung Quốc, nhưng Hà Nội có vẻ quyết tâm nâng cao khả năng giám sát hoặc khả năng bảo vệ chủ quyền, nếu thông tin về việc triển khai tên lửa là đúng.
Hôm thứ sáu tuần trước, phát ngôn viên bộ Ngoại giao Trung Quốc đã yêu cầu Việt Nam ngưng xây dựng « trên lãnh thổ Trung Quốc », nhưng chắc là Hà Nội sẽ không làm theo yêu cầu này của Bắc Kinh.
Dầu sao thì với nguy cơ chiến tranh tái diễn với Trung Quốc do vấn đề Biển Đông, Việt Nam không có con đường nào khác hơn là phải tiếp tục hiện đại hóa quân sự, một mặt nâng cao khả năng sẳn sàng chiến đấu của quân đội, mặt khác đầu tư phát triển ngành công nghiệp quốc phòng, cùng với việc mua thêm vũ khí và thiết bị quân sự từ nhiều nguồn khác nhau.

Doanh nghiệp Việt Nam không thoát khỏi văn hóa 'bôi trơn'

Tăng trưởng của ngành dệt may giảm mạnh từ 20%/ năm ngoái xuống còn khoảng 3-4%/ năm nay. Theo tiến sĩ Doanh, ngoài chi phí vận chuyển tăng cao, chi phí ngoài pháp luật đóng vai trò lớn trong việc cản trở đà tăng trưởng.
Tăng trưởng của ngành dệt may giảm mạnh từ 20%/ năm ngoái xuống còn khoảng 3-4%/ năm nay. Theo tiến sĩ Doanh, ngoài chi phí vận chuyển tăng cao, chi phí ngoài pháp luật đóng vai trò lớn trong việc cản trở đà tăng trưởng.
VOA Tiếng Việt -22.11.2016
Gần một nửa số doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam cho biết phải hối lộ khi tiếp xúc với các cơ quan nhà nước.
Theo kết quả điều tra doanh nghiệp nhỏ và vừa do Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) công bố gần đây cho thấy trong năm 2015, gần phân nửa các doanh nghiệp này bị buộc phải trả các khoản chi phí không chính thức để “bôi trơn” việc kinh doanh của họ.
Báo cáo “Các đặc điểm của môi trường kinh doanh Việt Nam: Bằng chứng từ một cuộc khảo sát của CIEM năm 2015” được phổ biến hôm 10/11 cho thấy mặc dù môi trường kinh doanh của Việt Nam có tiến bộ nhưng các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) vẫn bị sức ép phải hối lộ các cơ quan nhà nước để công việc kinh doanh được thuận lợi.
Nguyên viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương Lê Đăng Doanh nói với VOA Việt Ngữ rằng các điều tra cho thấy “tình hình chi phí ngoài pháp luật vẫn đang diễn biến rất phức tạp và chưa có chỉ dấu nào đáng tin cậy để cho thấy tình trạng đó đã có giảm bớt.”
Với số lượng gần 43% DNNVV ở Việt Nam phải chi những khoản tiền “không chính thức” vào năm 2015, điều tra cho thấy con số này không khác mấy so với 44,6% trong năm 2013 cũng do CIEM công bố.
Theo CIEM, các doanh nghiệp Việt Nam phải trả hối lộ nói các khoản phí này cho phép họ tiếp cận được với các dịch vụ công và có được các giấp phép cũng như đối phó với các cơ quan thuế và hải quan. Tiến sĩ kinh tế Lê Đăng Doanh nói các doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn lớn nếu không “bôi trơn.” Tiến sĩ Doanh cho biết:
"Ví dụ nếu anh không bôi trơn thì container của anh ở cảng sẽ không di chuyển mặc dù có thể có cần cẩu bởi vì những nhân viên của các cơ quan nào đấy sẽ không xử lý vấn đề và container hay xe hàng hóa của anh sẽ không di chuyển được. Vì vậy các doanh nghiệp buộc phải chi hoặc phải ngoan ngoãn chi mặc dù các khoản chi đó của họ là rất lớn và (điều này) hiện nay đang gây sức ép rất là nghiêm trọng tới năng lực cạnh tranh của Việt Nam."
Điều này thể hiện rõ nhất trong ngành dệt may khi tăng trưởng giảm mạnh từ 20%/ năm ngoái xuống còn khoảng 3-4%/ năm nay. Theo tiến sĩ Doanh, ngoài chi phí vận chuyển tăng cao, chi phí ngoài pháp luật đóng vai trò lớn trong việc cản trở đà tăng trưởng.
Theo điều tra của Ngân hàng Thế giới, để kiếm được 1 đồng lợi nhuận, các doanh nghiệp Việt Nam phải chi ngoài pháp luật – hay nói cách khác, là “đút lót” – từ 0,72 đồng tới 1,02 đồng.
Điều tra của CIEM kết luận rằng mặc dù không có những sự thay đổi nào đáng kể trong việc chi trả hối lộ trong các DNNVV ở Việt Nam nhưng rõ ràng là các doanh nghiệp phải trả các khoản phí này không đạt được mức độ tăng trưởng cao hơn những doanh nghiệp không chi trả các khoản phí đó.
Trong bảng xếp hạng Trace Matrix – một tổ chức theo dõi nạn hối lộ có trụ sở tại Mỹ - Việt Nam là 1 trong 10 quốc gia có chỉ số rủi ro hối lộ cao nhất thế giới. Trace International xếp hạng Việt Nam đứng thứ 188/197 nước được điều tra về nạn hối lộ trên thế giới năm 2014. Bảng xếp hạng về chỉ số tham nhũng của Trace International cũng cho thấy Việt Nam nằm trong thứ hạng rất thấp ở châu Á về chống tham nhũng, với chỉ số 31 – dưới mức trung bình 41,8.
Việt Nam đã ban hành luật phòng chống tham nhũng trong hơn 10 năm qua và gần đây có sửa đổi nhưng theo nhận xét của tiến sĩ Doanh tác động của luật này rất hạn chế:
"Chính phủ đã tuyên bố xây dựng một nhà nước kiến tạo, một chính phủ liêm chính và chống tham nhũng. Tuy việc việc đó, dù là được tuyên bố bởi thủ tướng chính phủ, nhưng có lẽ không phải được thực hiện một cách dễ dàng bởi vì nếu thực hiện như vậy thì các quan chức sẽ mất các khoản thu nhập ngoài pháp luật của họ và các khoản thu nhập đó là rất lớn."
Tiến sĩ Doanh cũng cho VOA Việt Ngữ biết rằng các doanh nghiệp thường “than rằng cứ sau 5 năm khi có 1 chính phủ mới ở các tỉnh và địa phương thì lại có một chính sách mới và lại gặp những khó khăn và những vấn đề mới.”
Theo khảo sát của viện Quản lý Kinh tế Trung ương CIEM, các doanh nghiệp nói rằng lượng tiền hối lộ mà họ bị buộc phải nộp sẽ tiếp tục tăng cao trong tương lai. Hơn 2.600 doanh nghiệp vừa và nhỏ ngoài quốc doanh ở 10 tỉnh và thành phố, bao gồm cả Hà Nội, Hải Phòng và thành phố Hồ Chí Minh được phỏng vấn cho cuộc khảo sát này.

Formosa giết chết du lịch miền Trung

Động Thiên Đường nằm trong quần thể Phong Nha – Kẻ Bàng ở tỉnh Quảng Bình, Việt Nam.
Động Thiên Đường nằm trong quần thể Phong Nha – Kẻ Bàng ở tỉnh Quảng Bình, Việt Nam.
VOA Tiếng Việt
22.11.2016 
Thảm họa ô nhiễm môi trường trong những tháng qua đã khiến ngành du lịch ven biển miền Trung bị thiệt hại hơn 2.000 tỷ đồng.
Tổng cục du lịch công bố tình hình hoạt động 10 tháng đầu năm cho thấy Quảng Bình là tỉnh chịu thiệt hại nặng nề nhất với mức thiệt hại vượt ngưỡng 1.500 tỷ đồng. Nghệ An, Quảng Trị, Hà Tĩnh và Thừa Thiên-Huế cũng bị thiệt hại về du lịch do tác động của tình trạng ô nhiễm biển đã được quy cho công ty thép Formosa của Đài Loan ở Hà Tĩnh gây ra.
Tổng cục trưởng tổng cục du lịch Nguyễn Văn Tuấn được báo chí trong nước trích lời nói: Thiệt hại trực tiếp về du lịch đối với 5 tỉnh miền Trung do sự cố ô nhiễm môi trường biển gây ra là rất nặng nề và phải mất rất nhiều thời gian nữa mới có thể phục hồi lại được.”
VOA Việt Ngữ không thể liên lạc được với ông Tuấn để hỏi thêm chi tiết về việc này.
Giám đốc sở du lịch Quảng Bình Hồ An Phong không muốn bình luận về tác động của sự cố ô nhiễm môi trường biển đối với tỉnh này khi được VOA tiếp xúc:
"Vấn đề nó rất lớn cần phải nghiên cứu để trả lời cho nó tốt."
VNExpress dẫn thông tin từ cơ quan du lịch quốc gia cho biết ô nhiễm chất thải từ công ty Formosa dọc theo bờ biển miền Trung hồi tháng 4 đã gần như hoàn toàn phá hủy ngành du lịch của khu vực khi doanh thu từ du lịch giảm tới 90%.
Theo nguồn tin này, phó giám đốc sở du lịch Quảng Bình Nguyễn Văn Kỳ nói tại một cuộc họp của tổng cục du lịch giữa tháng 10 rằng lượng khách du lịch tới tỉnh này đã giảm hơn 70%.
70 tấn cá chết đã dạt vào bờ dọc theo các tỉnh miền Trung từ Hà Tĩnh tới Thừa Thiên-Huế và khiến khách du lịch sợ không dám đến các khu bờ biển nổi tiếng đẹp của miền Trung và cũng như không dám thưởng thức hải sản ở đây, ảnh hưởng nghiêm trọng tới kinh tế địa phương và thu nhập của dân địa phương.
Du lịch được coi là ngành kinh tế mũi nhọn của các tỉnh miền Trung. Các địa điểm được công nhận là di sản văn hóa như thánh địa Mỹ Sơn và phố cổ Hội An, kinh thành Huế hay khu bảo tồn thiên nhiên Phong Nha Kẻ Bàng cùng những bãi biển xanh cát trắng là lý do thu hút nhiều khách du lịch trong và ngoài nước.
Nhưng theo Tuổi Trẻ, nhiều khách sạn ở các tỉnh miền Trung lo rằng sự cố môi trường biển không chỉ ảnh hưởng đến mùa du lịch 2016 mà còn kéo dài trong nhiều năm nữa nếu không có những giải pháp để kích cầu ngành du lịch.
Trước những khó khăn này, tổng cục du lịch đã đề xuất một loạt giải pháp ngắn và dài hạn nhằm vực dậy hoạt động du lịch ở đây, kể cả hỗ trợ các tỉnh với các chương trình quảng cáo du lịch ở nước ngoài và xây dựng các tour du lịch với giá ưu đãi.

TS. Ánh: Việt Nam có thể chậm cải cách khi Mỹ rời TPP

Đại sứ Việt Nam: Không có TPP, VN-Hoa Kỳ vẫn là đối tác toàn diện
An Tôn - VOA
22.11.2016 
Một giảng viên ngành thương mại ở Hà Nội quan ngại rằng cải cách ở Việt Nam sẽ chậm lại khi Mỹ rời bỏ TPP.
Tổng thống tân cử của Mỹ Donald Trump hôm 21/11 đã công bố video cho hay một trong những việc ưu tiên của ông trong ngày đầu tiên nắm quyền ở Tòa Bạch Ốc là rút Mỹ khỏi hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương TPP. Ông Trump sẽ bắt đầu nhiệm kỳ từ ngày 20/1/2017.
TPP là hiệp định về tự do hóa thương mại giữa 12 nước ven Thái Bình Dương trong đó có Việt Nam. Hồi đầu năm nay, nhiều nước đã ký kết hiệp định nhưng nó phải được quốc hội các nước thông qua mới có hiệu lực.
Với các điều khoản chứa đựng các tiêu chuẩn cao về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, minh bạch, giảm vai trò của doanh nghiệp nhà nước, cũng như thúc đẩy cải cách và công đoàn độc lập, nhiều chuyên gia và doanh nhân Việt Nam kỳ vọng TPP sẽ tăng tốc độ cải cách thể chế cũng như tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.
Giờ đây, khi Mỹ sẽ không tham gia TPP nữa, bà Nguyễn Hoàng Ánh, một giảng viên của Đại học Ngoại thương Hà Nội, nhìn nhận đó là “một bước lùi đáng tiếc” cả về kinh tế, xã hội và chính trị đối với Việt Nam.
Nói qua điện thoại với VOA hôm 22/11, Phó Giáo sư Tiến sỹ Ánh coi việc Mỹ rời bỏ TPP là một tin không vui cho phe cấp tiến ở Việt Nam. Bà nói:
“Bất kỳ chính phủ nước nào cũng có phe cấp tiến và phe bảo thủ. Bây giờ, cán cân khi Mỹ rút ra thì đối trọng rơi vào phe bảo thủ nhiều hơn. Điều đó cũng sẽ làm cho Việt Nam chậm lại trong tiến trình cải cách của mình. Điều này chắc chắn cũng sẽ ảnh hưởng đến địa chính trị của khu vực, cũng như ảnh hưởng đến quan hệ thương mại, phát triển quan hệ thương mại giữa Việt Nam với Mỹ”.
Bà Ánh phân tích rằng thế giới và bản thân nước Mỹ đã thay đổi trong hàng chục năm qua, do vậy việc Mỹ tự thu hẹp vai trò của mình có thể gây bất lợi cho chính họ về dài hạn:
“Có thể trong ngắn hạn, nước Mỹ có thể tránh được việc phải chia sẻ lợi ích của một đất nước giàu có hơn, phát triển hơn với những nước cùng trong khu vực mà kém phát triển hơn. Tuy nhiên, không có lợi thế nào là vĩnh viễn, và như vậy Mỹ sẽ để ngỏ cửa gây ảnh hưởng đối với những nước trong khu vực cho Nhật, cho Trung Quốc. Chúng ta cũng biết là về mặt vị thế, Mỹ không có được như những năm 40, 50, 60 của thế kỷ trước. Cho nên nếu Mỹ rời bỏ cái sân đấy thì chắc chắn có nhiều người sẵn sàng nhào vào. Về dài hạn, tôi tin chắc chắn đấy là một bước lùi của Mỹ”.
Từ cách đây vài tháng, khi có những phát ngôn không ủng hộ TPP của cả hai nhân vật tranh cử tổng thống Mỹ, ông Trump của đảng Cộng hòa và bà Clinton của đảng Dân chủ, các nước đã chú ý nhiều hơn đến cuộc thương thảo về Hiệp định RCEP.
Với tên đầy đủ là Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực, hiệp định này từng được coi là đối trọng của TPP. Cuộc đàm phán về hiệp định thương mại tự do này đã bắt đầu từ năm 2012 giữa 10 nước ASEAN trong đó có Việt Nam, Trung Quốc và một số nền kinh tế lớn khác ở châu Á-Thái Bình Dương, song không có Mỹ.
Tuy nhiên, Phó Giáo sư Tiến sỹ Ánh dự báo rằng tác động của các hiệp định thương mại khu vực khác sẽ không có tính cơ bản như TPP:
“Tôi nghĩ rằng chắc là các hiệp định sau người ta sẽ không tham vọng như TPP. Bởi vì nói chung hầu hết sẽ còn các nước châu Á thôi. Các nước châu Á nói chung cũng mang tính dĩ hòa vi quý hơn. Cho nên chắc là phạm vi của hiệp định sẽ bị thu hẹp lại, và chắc chắn nó sẽ tập trung vào kinh tế nhiều hơn. Tại vì những nước còn lại như Nhật Bản những nước đấy không quan tâm lắm đến tác động của cải cách thể chế cho các nước thành viên. Và nếu mà Trung Quốc có ý định tham gia vào thì thực tế mà nói thì cũng chưa chắc là tin hay cho Việt Nam”.
Với những điều kiện về xuất xứ của nguyên liệu trong TPP, nhiều người kỳ vọng Việt Nam sẽ giảm dần việc lệ thuộc thương mại và nhiều mặt khác vào Trung Quốc. Nay TPP trong tình trạng “chết lâm sàng” và RCEP nổi lên, một số nhà quan sát dự báo Việt Nam khó có thể giảm sự lệ thuộc vào Trung Quốc.
Hồi tuần trước, trả lời chất vấn tại Quốc hội, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc nói Việt Nam “đã chuẩn bị đầy đủ điều kiện tham gia” TPP, tuy nhiên, sau khi Mỹ “tuyên bố dừng”, Việt Nam “chưa có đủ cơ sở” trình Quốc hội thông qua việc tham gia TPP.
Ông Phúc nói thêm rằng dù có hay không tham gia TPP, Việt Nam “vẫn tham gia hội nhập sâu rộng” về nền kinh tế. Ông nhấn mạnh Việt Nam hiện tham gia 12 hiệp định tự do thương mại.

Sao dám mạnh miệng "đóng cửa Formosa nếu tái phạm"  ?

11/21/2016 - 12:19 


Thời gian gần đây lần lượt Phó Thủ tướng rồi Thủ tướng tuyên bố rất quyết liệt là sẽ đóng cửa Formosa nếu tập đoàn này tái phạm.
Thừa hiểu nếu điều này xảy ra, Chính phủ sẽ phải đối mặt với (1) yêu cầu đòi bồi thường từ Formosa dựa vào Thỏa thuận Bảo hộ Đầu tư Đài Bắc - Hà Nội hoặc (2) một vụ kiện ở Toà án trọng tài Phòng thương mại Quốc tế mà phần thắng chưa biết nghiêng về ai. Khả năng nào cũng gay go, vậy sao Thủ tướng vẫn mạnh miệng đòi đóng cửa Formosa nếu nó tái phạm?
Đơn giản thôi, vì Formosa sẽ không-thể-nào tái phạm, hay ít nhất sẽ không tái phạm theo cách hiểu của Chính phủ.
Vì sao nói như vậy?
Hãy nhớ lại khoảng thời gian khi Chính phủ tuyên bố Formosa là thủ phạm gây ra thảm họa và hứa với quốc dân là sẽ khởi tố Formosa nếu nó tái phạm. Sau đó không lâu Formosa bị phát hiện đổ chất thải rắn trái phép, Chính phủ đã lờ đi lời hứa trước đó, vì họ không coi hành vi đó của Formosa là 'tái phạm'.
Thêm nữa, trong 53 vi phạm của Formosa, nghiêm trọng nhất là việc tự ý đổi công nghệ từ cốc khô (chi phí cao, ô nhiễm ít) khi đề xuất dự án sang cốc ướt (chi phí thấp, ô nhiễm nhiều) trên thực tế. Nay, Chính phủ đồng ý cho Formosa tiếp tục sử dụng công nghệ cốc ướt ô nhiễm này cho tới hết năm 2019 có phải là đang tạo điều kiện cho nó tái phạm liên tục trong 3 năm tới đây không? Hay đây vẫn chưa được coi là tái phạm?
Nếu cả hai trường hợp trên đều bị Chính phủ từ chối coi là tái phạm thì chắc hẳn định nghĩa 'tái phạm' của Chính phủ không gắn với bản chất của hành động mà gắn với hậu quả của hành vi. Nghĩa là, Formosa chỉ được coi là tái phạm nếu gây ra hiện tượng cá chết hàng loạt trên một vùng biển dài gây rúng động dư luận như hồi tháng 4.
Nếu quả vậy thì ở điểm này Chính phủ đang chơi trò mưu mẹo với quốc dân của mình.
Thử phân tích nhé, để có một hiện tượng cá chết hàng loạt trên một vùng biển dài gây rúng động dư luận, cần ít nhất những điều kiện sau:
(1) Còn nhiều cá gần bờ, đủ nhiều để khi trúng nước thải có độc thì lượng cá chết dạt bờ ở mức đáng kể;
(2) Báo chí được phép tự do đưa tin, ghi hình, phỏng vấn cư dân địa phương trong suốt quãng thời gian cá chết;
(3) Các nhà hoạt động xã hội được tự do tiếp cận khu vực cá chết, đưa tin liên tục trên mạng xã hội.
Hẳn mọi người còn nhớ ngay sau khi công bố Formosa là thủ phạm, phái đoàn kiểm tra của Bộ TN-MT với các giáo sư đầu ngành đã nhận định hệ sinh thái biển gần bờ 4 tỉnh Bắc Trung Bộ bị hủy hoại nghiêm trọng, cả nửa thế kỷ chưa biết có hồi phục nổi không. Lượng hải sản gần bờ theo đó cũng sụt giảm nghiêm trọng, vậy thì điều kiện (1) - còn nhiều cá gần bờ - coi như bị loại. [*]
Riêng với hai điều kiện còn lại, Chính phủ chắc chắn đã rút ra được nhiều kinh nghiệm sâu sắc về kiểm soát truyền thông từ hồi tháng 4. Do đó, ngay cả khi bây giờ cá có chết dạt bờ họ cũng sẽ (i) chỉ đạo báo chí nhà nước không đưa tin, phóng viên không được tiếp cận; (ii) chính quyền địa phương cắt cử người đi thu gom ngay lập tức và tăng cường an ninh trấn áp ngay các đối tượng lạ mặt tiếp cận quay phim, chụp ảnh. Bằng chứng là rải rác vào tháng 7, tháng 8 vẫn có cá chết dạt bờ ở bãi biển Kỳ Phương (liền kề phía Nam của Formosa) nhưng vẫn không khiến dư luận thực sự chú ý vì truyền thông không đủ mạnh.
Vậy thì, khi cả 3 điều kiện trên không tồn tại, sẽ chẳng thể nào xuất hiện sự kiện cá chết hàng loạt gây rúng động dư luận như hồi tháng 4 nữa, ngay cả khi Formosa có đẩy ra biển những thứ độc hại nhất của họ.
Mà như thế nghĩa là họ sẽ không thể tái phạm, ít nhất theo cách hiểu của Chính phủ.
Nghĩa là, Chính phủ sẽ chẳng thể nào đóng cửa, hay khởi tố Formosa, như những gì họ hứa.
Cũng dễ hiểu thôi, họ sẽ chẳng làm điều mà họ thực sự không muốn.
[*] Để dễ hình dung, ai sống ở Hà Nội đều biết con sông Tô Lịch hôi thối, đen đủi vì bị biến thành kênh dẫn nước thải cho thành phố. Nó đã từng trong xanh. Cũng đã từng có một ngày nào đó là ngày đầu tiên nó nhận nước thải và cũng có cá chết. Nhưng sau đó chẳng ai lố bịch đến mức tuyên bố 'Nếu cá sông Tô Lịch mà chết nữa thì tôi sẽ thế này, thế kia', vì ai ai cũng hiểu, xả nước thải liên tục vào như thế thì còn cá đâu nữa mà chết, để mà còn nhận ra là cá chết?

Hiến pháp và pháp luật: Sự nhập nhằng bên trọng bên khinh

Cát Linh, phóng viên RFA 2016-11-22  
Hiến pháp Nước CHXHCN Việt Nam.
Hiến pháp Nước CHXHCN Việt Nam.  Courtesy photo
Quốc hội Việt Nam vào ngày 18 tháng 11 vừa qua đã thông qua Luật tín ngưỡng và tôn giáo. Đồng thời, các Dự luật như Lập hội, Biểu tình và Sửa đổi Bổ sung Luật Hình sự sẽ được bàn thảo ở kỳ họp thứ ba. Vấn đề này dưới góc nhìn của các cá nhân và đại diện của các tổ chức xã hội dân sự như thế nào?
Vào ngày 20 tháng 10, Hội đồng Liên tôn Việt Nam, gồm đại diện các đạo Cao Đài, Công giáo, Phật giáo, Phật giáo Hòa Hảo, và Tin Lành, cũng từng đưa ra kháng thư do 27 vị chức sắc ký tên bác bỏ dự luật Tín ngưỡng- Tôn giáo, và nêu ra một số chỉ trích về điều khoản của Dự luật Tín ngưỡng, tôn giáo mang nặng tính kiểm soát quyền tự do tôn giáo và chỉ chú trọng quản lý nhà nước.
Vào thời điểm đó, hoà thượng Thích Không Tánh, thuộc giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất cũng ký vào kháng thư, tuy nhiên ngài tỏ ra không mấy hy vọng ý kiến sẽ được cơ quan chức năng lắng nghe:
“Với tấm lòng, hoài bão chúng ta cũng lên tiếng nhằm mục đích đánh động dư luận có thêm một số nhận thức, còn sự thực không hy vọng gì nhà nước này để tâm tới.”
Sự lo lắng của Hoà thượng Thích Không Tánh đã trở thành sự thật khi ngày 18 tháng 11 vừa qua, Luật tín ngưỡng và tôn giáo đã được Quốc hội thông qua do có số phiếu đồng thuận cao, 117 vị đại biểu quốc hội bỏ phiếu tán thành.

Khống chế tôn giáo

Linh mục Anton Đặng Hữu Nam, từ giáo xứ Phú Yên, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An cho chúng tôi biết đây là một luật “rất khôi hài” vì đa số những người đưa ra và thông qua Luật tín ngưỡng và tôn giáo là những người theo chủ thuyết vô thần:
Gần như 100% những đại biểu quốc hội là Đảng viên Đảng Cộng sản, là những người sống theo chủ thuyết vô thần. Một người vô thần làm 1 luật cho tôn giáo là một sự hài hước.
-LM Đặng Hữu Nam
“Với bản thân tôi, tôi thấy là một sự khôi hài. Thứ nhất, Quốc hội đây là ai? Mặc dù với danh nghĩa là đại diện cho tiếng nói nguyện vọng của người dân, cũng như tham gia quyền lực của người dân vào trong chính phủ, nhưng gần như 100% những đại biểu quốc hội là Đảng viên Đảng Cộng sản, là những người sống theo chủ thuyết vô thần. Một người vô thần làm 1 luật cho tôn giáo là một sự hài hước.
Điều thứ hai, với nhà cầm quyền Việt Nam ngày hôm nay, Đảng Cộng Sản Việt Nam độc tài để lãnh đạo đất nước này, họ coi tôn giáo là kẻ thù, và đặc biệt với chúng tôi là những người công giáo thì họ càng ghé bỏ nhiều hơn nữa.”
Báo mạng Dân Trí vào  ngày 18 tháng 11 trích dẫn nội dung Luật Tín ngưỡng, tôn giáo vừa được Quốc hội thông qua rằng mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Mỗi người có quyền bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo; thực hành lễ nghi tín ngưỡng, tôn giáo; tham gia lễ hội; học tập và thực hành giáo lý, giáo luật tôn giáo.
Tuy nhiên, theo Linh mục Đặng Hữu Nam, Luật Tín ngưỡng tôn giáo không phải tạo điều kiện cho những người có niềm tin tôn giáo thực thi quyền của mình, vì quyền tôn giáo là “quyền” chứ không phải “ơn huệ xin cho”:
“Ở các nước trên thế giới, những người sống trong chế độ văn minh, người ta không bao giờ đả động đến luật tôn giáo. Vì chính tôn giáo của họ có luật.
Đặc biệt sự hài hước ở đây là những người vô thần làm ra một luật cho tôn giáo. Vì thế luật tôn giáo ở Việt Nam làm ra để bóp chặt, để hạn chế, và để khống chế tôn giáo chứ không phải để mở đường cho tự do tôn giáo.”

Quyền lợi cho nhà cầm quyền

Cũng trong ngày 18 tháng 11, báo Kinh tế online cho biết có 443/460 đại biểu đồng ý chưa thông qua Luật Về hội. Lý do các đại biểu đưa ra là nhiều nội dung trong dự thảo luật chưa phù hợp với thực tiễn của hoạt động hội trong những năm qua, có những quy định còn hạn chế so với pháp luật hiện hành, nặng về yêu cầu quản lý nhà nước.
chat-van-3-171116-489a4
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc trả lời chất vấn của Quốc hội ngày 17/11/2016. Courtesy chinhphu.vn
Và cũng trên 90% đại biểu đồng ý hoãn việc thông qua dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Bộ Luật Hình sự Việt Nam.
Điều này được Luật sư Trần Vũ Hải nhận định theo góc nhìn chuyên môn:
“Chúng tôi cho rằng luật mà còn bất lợi hơn nữa thì thà đừng có còn hơn. Những dự thảo mà hiện nay chúng tôi được biết là cuối cùng bất lợi hơn, thà không có có khi còn tốt hơn. Chúng tôi cho rằng trước mắt chúng ta nên xem các dự thảo khác nếu tiến bộ thì ủng hộ còn bất lợi thì phải lên tiếng.”
Cũng chính Luật sư Trần Vũ Hải, trên trang cá nhân của mình, có đưa ra ý kiến đề nghị nên vận động thành lập Hội Luật Hình Sự Việt nam, chúng tôi xin trích dẫn lời kêu gọi của ông nguyên văn sau đây:
“Tôi nghĩ đã đến lúc, thành lập Hội luật hình sự Việt nam để tập hợp những chuyên gia luật hình sự, tham gia bàn bạc và soạn thảo các văn bản về luật hình sự (kể cả lĩnh vực tố tụng hình sự), nghiên cứu các vụ việc hình sự được các cơ pháp luật giải quyết như thế nào, đưa ra các khuyến nghị thiết thực, đồng thời phát triển khoa học luật hình sự tại Việt nam, hoà nhập với luật lệ về hình sự quốc tế, góp phần giảm thiểu những vụ án hình sự được xử tréo ngoe, gây oan sai trong thời gian qua.”
Nhằm lên tiếng phản đối Luật Về Hội, một tổ chức có tên “Nhóm làm việc vì sự tham gia của người dân” đã thành lập hẳn một trang mạng có tên “Hoãn thông qua Luật Về Hội”. Trong đó ghi rõ nếu Luật về hội được thông qua thì những Hội đồng hương, Hội cựu sinh viên, Hội những người khuyết tật, Hội những người yêu môi trường…có thể trở thành bất hợp pháp, bị ngăn cản hoạt động nếu không được nhà nước cấp phép.
Giáo sư Chu Hảo, nguyên thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, từ Hà Nội cho chúng tôi biết nhận định của ông về ảnh hưởng của việc hoãn thi thành Luật Về Hội sẽ là một trở ngại đối với các tổ chức xã hội dân sự ở Việt Nam hiện tại:
“Nó là cái điều mà những nhà cầm quyền thấy rằng bây giờ ra cái luật đó thì chưa thật là có lợi cho việc quản lý, quản trị nhà nước. Cho nên có lợi là có lợi cho nhà cầm quyền, chứ không thật đáp ứng nhu cầu của các xã hội dân sự.”

Nhập nhằng

Nhà cầm quyền không cho phép tổ chức, thành lập hội nhóm mặc dù Hiến pháp quy định con người được quyền như thế.
-LM Đặng Hữu Nam 
Quyền tự do lên tiếng, quyền biểu tình, quyền lập hội, quyền tự do tôn giáo…là những vấn đề cơ bản đã được ghi rõ trong Hiến pháp, là pháp luật cao nhất của nhà nước Việt Nam.
Một ví dụ cụ thể là tại Điều 24, Chương II, Hiến pháp 2013 quy định: “Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật”.
Tuy nhiên, bên dưới Hiến pháp đó còn có Luật, Nghị định, Pháp lệnh, những văn bản vi phạm pháp luật…là những văn bản thấp hơn Hiến pháp. Linh mục Đặng Hữu Nam đưa ra chất vấn về mục đích sử dụng những văn bản có giá trị thấp hơn này trong hệ thống hành pháp:
“Đó là tìm mọi cách để hạn chế, cũng như khống chế tôn giáo cũng như các tổ chức xã hội. Ngày hôm nay, nhà cầm quyền không cho phép tổ chức, thành lập hội nhóm mặc dù Hiến pháp quy định con người được quyền như thế. Điều đó để nói rằng ở Việt Nam chúng tôi Hiến pháp, pháp luật có được coi trọng hay không?”
Như Giáo sư Chu Hảo đã có bày tỏ, ông cho rằng những chủ trương hoãn lại là chưa thật sự đáp ứng nguyện vọng của nhân dân. Điều này, được bạn Hoàng Thành, một thành viên của nhóm Green Trees chia sẽ rõ thêm:
“Nếu như có Luật Về hội thì nhóm Green Trees sẽ có cơ sở để dựa vào bất kể luật đó tốt hay xấu. Đó là 1 cái tin để mình chắc chắn về hội. còn nếu như họ vẫn chưa thông qua thì em nghĩ rằng con đường mục đích của các nhóm hội nói chung thì vẫn có một con đường dài để tiếp tục.”
Qua bày tỏ của những cá nhân ở các vai trò khác nhau, có thể nhận thấy rằng những luật được thông qua và những luật được hoãn lại đều nhằm vào mục đích vì quyền lợi của nhà cầm quyền. Còn các tổ chức xã hội dân sự, những người dân thì phải đặt câu hỏi giữa Hiến pháp và pháp luật, cái nào có giá trị thực sự?

Nhiều tổ chức lên tiếng về cách hành xử của chính quyền với người dân

RFA 2016-11-22  
Lực lượng chức năng đến cưỡng chế Chợ Vĩnh Tân tại huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai, vào sáng 22/11 bất chấp phản đối của tiểu thương buôn bán lâu nay.
Lực lượng chức năng đến cưỡng chế Chợ Vĩnh Tân tại huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai, vào sáng 22/11 bất chấp phản đối của tiểu thương buôn bán lâu nay.  Citizen photo
Hơn 20 tổ chức dân sự độc lập cùng với 39 cá nhân và 2 tổ chức chính trị hôm nay công bố một bản lên tiếng về cách hành xử phi pháp của nhà cầm quyền và nhân viên công lực đối với người dân Việt Nam.
Những tổ chức và cá nhân tham gia ký tên trong bản lên tiếng nêu rõ nhà cầm quyền Việt Nam luôn đàn áp những việc làm mà người dân thực hiện theo các quyền dân sự chính đáng và hợp pháp được quy định trong Điều 25 Hiến pháp 2013 để biểu tình đòi đất đai sinh kế, lương bổng xứng hợp, tự do tín ngưỡng, sinh thái trong lành…
Với tình trạng đàn áp bằng nhiều hình thức phi pháp của nhà cầm quyền như trấn áp biểu tình, bắt bớ, đánh đập, sách nhiễu… các tổ chức và cá nhân tuyên bố phản đối cách thức hành xử như thế; đồng thời nhắc nhở nhà cầm quyền Hà Nội cần phải chu toàn bổn phận đối với nhân dân cũng như nhân viên công lực phải thực hiện trách nhiệm bảo vệ dân chúng.
Các tổ chức và cá nhân tham gia ký kết bản lên tiếng cũng khẳng định trong thời gian tới tiếp tục những việc làm chính đáng theo quy định của pháp luật và sẽ phản kháng chống lại những việc làm sai trái của nhà cầm quyền, chẳng hạn như tự vệ đối với hành xử côn đồ của các lực lượng không mặc sắc phục bằng cách trói lại giao cho cơ quan công quyền mà không bị gán tội “chống người thi hành công vụ”.

Lạm bàn chuyện Mỹ mà nghĩ tới mình

Lê Hải Phòng (Danlambao) - ...Đem cái chuyện của Mỹ để thấy xã hội trong chế độ dân chủ, từ quan tới dân ai cũng có quyền mở miệng nói lên ý nghĩ và chính kiến của mình. Quan tự trọng là biết lắng nghe tiếng nói đa chiều dù là bị đau như bò đá. Cũng nhờ thế mà đất nước đi lên, quan làm việc bất kỳ cương vị nào trong chính quyền làm cái gì sai lo nhận lỗi mà chấn chỉnh, nhiều lúc gặp áp lực phải từ chức để chịu trách nhiệm và bảo toàn danh dự...

*

Nhìn lại quá trình tranh cử trong đảng Cộng Hoà, Donald Trump đã buộc 16 ứng cử viên chịu thua cuộc. Thế là ông đã thắng cuộc đua mà phần đông các vị có tên tuổi trong chính trường cũng như trong Quốc hội đều chấp nhận bỏ chạy. Trump khi được tiến cử trở thành con ngựa cuối cùng của đảng Cộng Hoà, phải đối diện người đàn bà đã từng quen thuộc đường đi nước bước giao thiệp của chồng trong 8 năm tại White House, cũng như kinh nghiệm 8 năm Thượng nghị sĩ tiểu bang New York, và 4 năm Bộ trưởng ngoại giao dưới thời Obama. 

Bà Clinton được một số tỷ phú thường được nhắc nhở nhiều trên báo chí. Họ lên tiếng ủng hộ cũng như chi tiền cho vận động. Tiêu biểu là George Soros, Warren Buffet... Bà còn được 57 tờ báo ủng hộ trong đó có nhiều tờ lớn như New York Times, Washington Post. 

Ông Trump chỉ có 2 tờ báo công bố ủng hộ. Bên cạnh đó bà có lợi thế một số đài TV chuyên môn đưa tin có lợi cho bà mà phân tích hướng dẫn quan điểm chính trị theo chiều hướng bất lợi cho Trump. Phải nói là một số đài lớn ủng hộ ra mặt như ABC (phóng viên Martha Raddatz đã khóc khi biết ông Trump thắng). Theo chân ABC có, CBS, CNN (Cable New Network người ta chế diễu là Clinton News Network) NBC và đài cable MSNBC. Coi như bà Clinton nắm trong tay thuận lợi về phía truyền thông. Ông Trump chỉ có đài Fox News như là luật sư biện hộ cho ông giữa phiên tòa mà bị cáo chỉ có 2 nhân vật cô đơn. 

Giới gây ảnh hưởng công chúng không phải là nhỏ như những celebrities, các ngôi sao màn ảnh, các ca sĩ... Họ nói Trump thắng họ sẽ dọn ra nước khác ở (Bryan Cranston, Jon Stewart, Chelsea Handler, Whoopi Goldberg, Amy Schumer Neve Campbell, Barbra Streisand, Barry Diller, Cher, Lena Dunham, Keegan-Michael Key, Samuel L. Jackson, George Lopez, Chloë Sevigny, Al Sharpton, Miley Cyrus...) Bên cạnh đó Clinton được vợ chồng Obama vận động ráo riết. Obama không bỏ lở cơ hội nào dù là đi nước ngoài hay gặp các lãnh đạo các quốc gia khác tới Mỹ, để tấn công Trump là không thích hợp, không đủ tư cách (unfit, unqualified) cho chức vụ Tổng thống. Ngoài ra Trump phải chiến đấu với đồng đội kỳ cựu trong đảng Cộng Hoà cũng như phe nhóm cơm chẳng lành canh chẳng ngọt trong đảng. 

Kết cục Trump là người kế tiếp làm chủ toà Bạch Ốc. Hơn thua phổ thông bầu phiếu (popular vote) không thành vấn đề vì luật lấy cử tri đoàn Electoral vote làm chuẩn (mỗi tiểu bang đều có 2 Thượng nghị sĩ cộng với số Dân biểu làm thành tổng số electoral vote cho bang đó). Cả nước có 538. Ông Trump thắng quá số cần thiết để trở thành tổng thống được bầu là 270 và chờ ngày 20 tháng Giêng tuyên thệ nhậm chức. 

Trong lúc lo liệu thành lập nội các, ông không có thì giờ nhiều để tổ chức họp báo, cũng như ông đã không cho báo chí tháp tùng khi tới Toà Bạch Ốc gặp Obama. Ông bị báo chí cánh tả nhất là tờ New York Times và nhiều tờ báo đã từng ủng hộ phe thua cuộc, đem so chiếu các đời tổng thống tiền nhiệm rồi phê bình chỉ trích transition team (ban sắp đặt nội các bàn giao quyền lực). Trong lúc tổng thống đắc cử Trump đang dồn mọi nỗ lực hàn gắn chia rẽ sau cuộc bầu cử gây ra, thì ông gặp phải rải rác các cuộc biểu tình có nơi dẫn tới bạo động, mà bà giám đốc quản lý vận động tranh cử (campaign manager) Kellyanne Conway phát biểu là có bàn tay chuyên nghiệp nhúng vào, ám chỉ một tổ chức đảng đối lập đứng đằng sau. Ông nghị sắp về hưu Harry Reid lãnh tụ thiểu số Thượng viện đổ dầu vào lửa khi nói: Kẻ xàm xỡ đàn bà thua phổ thông đầu phiếu (Trump a 'sexual predator who lost). Obama trong chuyến đi châu Âu cuối nhiệm kỳ đã nói trong cuộc họp báo tại Đức về những người biểu tình chống tổng thống đắc cử Trump là hãy tham dự đừng có im lặng. (urging those taking part not to remain "silent.") Dù là đổ dầu lên đám cháy nhưng đó là sinh hoạt trong một nước dân chủ tự do, mọi công dân kể cả tổng thống đều có quyền góp tiếng nói của mình. 

Dầu ai đánh vào bả sườn, vào mông, ông Trump vẫn không thù vặt một người nào, tiếp tục tiếp đón gặp gỡ bàn thảo cộng tác đại sự với các đối thủ một phen sống mái khi tranh cử như TNS Ted Cruz, và có thể người gặp được chọn chức vụ trong nội các, đáng kể là ông Mitt Rommey dù không là ứng cử viên nhưng chơi xấu Trump sát ván từ sơ bộ đến ngày đại hội đảng tiến cử Trump, có khi dùng diễn đàn trường đại học để công kích Trump thậm tệ. Rommey gọi Trump là lừa dối, láo khoét (phony). Trump đáp trả lại là kẻ thua cuộc (loser), ám chỉ cuộc bầu cử 2012 Rommey thua Obama. 

Chưa biết đích xác chính sách đối nội đối ngoại ra sao khi ông chưa thực sự ngồi vào ghế tổng thống. Ông bắt tay làm thân thiện với những người đã chống đối ông trong thời gian qua vì quyền lợi chung. Ông đã biểu dương tinh thần võ sĩ không đạp đối phương khi đã gục ngã, và có thể đây là bài học quý giá chứng tỏ cho lãnh đạo các nước độc tài CS biết thế nào khi có quyền trong tay không chơi hèn hạ trả thù ai mà lại ca tụng tôn sùng để cùng nhau làm việc lợi ích cho quốc gia. Nước Mỹ giàu có văn minh tiến bộ là nhờ những bộ óc biết giải hòa những dị biệt xung khắc như chuyện Trump gặp mặt cả bạn lẫn người khác chính kiến khi bắt tay vào việc thành lập nội các. 

Đem cái chuyện của Mỹ để thấy xã hội trong chế độ dân chủ, từ quan tới dân ai cũng có quyền mở miệng nói lên ý nghĩ và chính kiến của mình. Quan tự trọng là biết lắng nghe tiếng nói đa chiều dù là bị đau như bò đá. Cũng nhờ thế mà đất nước đi lên, quan làm việc bất kỳ cương vị nào trong chính quyền làm cái gì sai lo nhận lỗi mà chấn chỉnh, nhiều lúc gặp áp lực phải từ chức để chịu trách nhiệm và bảo toàn danh dự. 

Nhìn người ta mà ngẫm tới mình. Ở VN, 71 năm qua bao nhiều cái mùa thu lá rụng bên thềm, người dân âu sầu nhìn lá đỏ muôn chiều. Cái đảng côn đồ cứ thể dùng côn an trấn áp bóp miệng dân, Nhà tù mở rộng cửa đón người dân oan kêu gào mất đất trong tay đảng cướp. Tượng đài cất thật nhiều tốn kém hàng chục tỷ tới hàng trăm cho dân đói rách ngắm nhìn mà quên cái bao tử đang cồn cào đòi miếng ăn. Những kiểu chụp mũ phản động, những màn bắt người bỏ tù và xử tội theo luật rừng của đảng đặt ra. Tất cả đã bóp chết mọi tiếng nói lương tâm yêu nước thương nòi của mọi tầng lớp dân chúng. 

Cũng vì cứa cổ ngay khi tiếng nói của dân vừa ra khỏi họng, đảng vì ôm chặt cái ngai vàng đã làm đất nước chìm đắm trong đáy vực kinh tế, xã hội suy thoái đạo đức, văn hóa tiêm nhiễm lai căng của kẻ thù truyền kiếp Tàu cộng, học đường mất hẳn tính giáo dục căn bản nhân văn mà nặng phần nhồi sọ tư tưởng của những kẻ đưa con người vào biển khổ vì chủ thuyết cộng sản. Việt Nam thụt lùi sau Miên, Lào là hoàn toàn lỗi lầm do đảng CS cai trị bằng sắt máu. 

Tuy nhiên người dân phải chịu gánh phần trách nhiệm vì chịu sống dưới ách nô lệ cho đảng, chấp nhận đói cho đảng no, bằng lòng chịu áp bức để yên thân. Nếu như cứ thủ phận tôi đòi, bàng quan đứng nhìn công nhân đòi quyền lợi vô tù, nếu như để mặc cho nông dân đòi lại đất bị cướp vô tù, nếu như không quan tâm nhà báo, trí thức, luật sư... vô tù vì họ chống lại đường lối sai lầm của đảng. Nếu như cứ để quan đảng từ dân sự tới quân đội tha hồ hút máu và ngủ trên xác chết nhân dân, đặc biệt là thảm họa 4 tỉnh miền Trung do đảng bao che Formosa. Nếu như cứ để đảng sống dai bảo vệ nồi cơm bằng cách bán và chuyển nhượng đất liền, biển đảo cho Tàu cộng. Tất cả cái nếu đó tồn tại mà dân chúng không hợp quần chịu đồng hành đứng lên bằng hình thức này hay phương thức khác như đánh canh bạc chấp nhận cháy túi hoặc nhận phần thắng, hay chơi hợp quần là sức mạnh bằng cách mỗi cá nhân tự thắp ngọn đuốc chờ góp tay cho trận đại hồng thủy nay mai. 

Ông Trump thấy thua trước mắt, chiến đấu tới cùng ông đã thắng. Liên bang Sô Viết tan rã, bức tường Bá Linh sụp đổ. Việc xảy ra có thể xảy ra. Đảng CSVN cũng không thể tồn tại lâu dài theo bánh xe lịch sử quay. Có điều tan rã mau là phúc đức cho dân tộc VN sớm thoát khỏi cảnh đọa đày lầm than làm nô lệ cho Trung cộng mà ĐCSVN đã và đang cấu kết vừa dâng vừa bán giang san Tổ tiên chúng ta đổ bao nhiêu xương máu để lại cho con cháu. 

22.11.2016

Hết “tàu lạ” đến “tàu quen” đâm tàu dân

Tàu cá ngư dân bị chính tàu của Kiểm ngư Thanh Hoá đâm chìm
Hạ Trắng (Danlambao) - Vào khoảng 8h30 phút ngày 16/11/2016, tàu của ngư dân Thanh Hóa đang dò cá tại khu vực tọa độ 19,33.500 Bắc – 105,5.432 độ Đông thì bị một chiếc tàu sắt của Kiểm ngư mang biển kiểm soát TH-0002/KN đâm thẳng vào mạn phải.

Ngư dân Dương Văn Đồng kể lại rằng "Cú đâm mạnh làm vỡ mạn tàu, sau đó chiếc tàu này còn quay lại húc lần nữa làm hư hỏng hoàn toàn". Hai ngư dân đã bị thương và hậu quả của hai cú đâm liên tiếp dẫn đến tàu ngư dân bị chìm.

Ông Hoàng Văn Tân, Phó chánh thanh tra Sở NN-PTNT Thanh Hóa đã xác nhận có xảy ra vụ việc trên và ông mô tả đây là một vụ “va chạm”. Nguyên nhân dẫn đến việc tàu mang số hiệu TH-0002 của Thanh tra Sở NN-PTNT Thanh Hóa đâm tàu ngư dân là vì tàu cá này có dấu hiệu vi phạm, như: không ghi số hiệu tàu, chuẩn bị đánh bắt trên vùng biển bị cấm hành nghề lưới vây. 

Khi thanh tra ra tín hiệu dừng tàu để kiểm tra thì chiếc tàu cá này bỏ chạy. Tàu thanh tra truy đuổi và đâm thủng tàu cá của dân. Thông tin cho hay, trong quá trình kiểm tra, thuyền trưởng tàu cá “không xuất trình được đăng ký, đăng kiểm và giấy phép khai thác thủy sản nên lực lượng thanh tra đã lập biên bản, tuy nhiên ngư dân không ký”. 


“Sau khi thống nhất, thanh tra đã để cho tàu cá của ngư dân quay trở về cảng Lạch Bạng, còn tàu của thanh tra về cảng Lạch Hới vào lúc khoảng 12h cùng ngày” (?).

Tuy nhiên, đến khoảng 16h30, đoàn Thanh tra của Sở NN-PTNT nhận được tin báo từ trạm bảo vệ nguồn lợi thủy sản Lạch Bạc rằng tàu cá của ngư dân Dương Văn Đồng đã bị chìm ngoài biển.

Ông Tân khẳng định rằng vụ “va chạm” không đến mức thủng thuyền, đồng thời đặt câu hỏi “trong quá trình vào bờ không biết họ xử lý thế nào”. Ông này cũng cho biết rằng “Hiện chúng tôi đang tiến hành xem xét vụ việc, nếu lực lượng thanh tra vi phạm quy trình công tác, chúng tôi sẽ xử lý nghiêm”.

Tuy nhiên, đến sáng ngày 22/11/2016, Phó cục trưởng Cục Kiểm ngư Hà Lê khẳng định, “va chạm” với tàu cá của ngư dân là tàu thanh tra hoạt động đánh bắt thủy sản chứ không phải tàu của lực lượng kiểm ngư.

Có lẽ không cần xác định rõ thủ phạm đâm tàu cá của ngư dân là tàu Thanh tra hay tàu Kiểm ngư (mặc dù mang biển số tàu Kiểm ngư), nhưng lần này, kẻ tấn công ngư dân Việt Nam không phải là “tàu lạ” như vô số lần trước, mà là “tàu quen” mang nhãn hiệu Ma-dzê-in Việt Nam (hẳn hoi).

Qua lời tường thuật của nhân chứng, nạn nhân Dương Văn Đồng, thì sau khi đâm “tàu dân” lần thứ nhất, “tàu quen” đã chạy ra xa (chắc để lấy đà) rồi quay lại đâm tiếp lần thứ hai. Cú đâm thứ hai khiến hai ngư dân trên tàu là anh Hoàng Văn Huy và anh Lê Văn Nhi bị hất văng xuống biển. Mọi người trên tàu phải vứt can nhựa xuống dưới nước để cứu những người này. Gây án xong, “tàu kiểm ngư lùi ra xa cách mấy chục mét, không ứng cứu”. Nhưng nước ngấm vào tàu rất nhanh và anh Đồng phát đi tín hiệu gọi ứng cứu, tàu kiểm ngư mới tiếp cận và bơm nước ra khỏi tàu, nhưng kết quả không khả quan. Trong lúc tàu đang bị chìm dần, cán bộ kiểm ngư vẫn một mực bắt anh Đồng ký vào các biên bản phạm tội.

Anh Dương Văn Đồng. Ảnh Vietnamnet
“Sau đó, cán bộ kiểm ngư yêu cầu đưa tàu về cảng để xử lý. Khi đã thống nhất phương án đưa tàu vào bờ thì tàu kiểm ngư bỏ đi. Tàu của tôi được tàu của anh em lai dắt....” 

“Tuy nhiên, tàu đi được khoảng 2, 3 hải lý (tương đương 5km) thì nước ngập sâu và chìm dần, các thuyền viên phải sang tàu khác để vào bờ.”Anh Đồng kể.

Theo ông Hà Lê, Phó cục trưởng Cục kiểm ngư thì việc “húc vào mạn tàu cá, nếu có, là hành động "không thể chấp nhận được". Khi xảy ra những vụ việc sai phạm, gây thiệt hại nghiêm trọng về tính mạng và tài sản cho người dân thì các cơ quan chức năng thường phản ứng một cách chiếu lệ và sử dụng các khái niệm nước đôi, tối nghĩa nhằm đánh tráo sự thật. 

"Ngay cả trong tình huống tàu bị kiểm tra có hành vi chống đối, chống người thi hành công vụ, hoặc thậm chí tình huống nguy hiểm nhất là chống đối đe dọa an toàn tính mạng của lực lượng làm nhiệm vụ, người thi hành công vụ cũng không được sử dụng tàu húc vào tàu vi phạm đến mức làm chìm tàu như vậy” - ông Lê quả quyết.

Với những gì ông quan chức này phán, thì anh ngư dân Dương Văn Đồng và đồng nghiệp cứ liệu hồn. Tốt nhất là đừng có “ho he” gì. Một tàu cá bị đâm chứ đến mấy tàu bị đâm cũng nên ngậm miệng. Không ngậm miệng, thì chuyện bóc lịch trong tù với bản án “chống người thi hành công vụ”, đe dọa tính mạng của lực lượng làm nhiệm vụ đang treo lơ lửng trên đầu. Bị đâm chìm tàu, bị đe dọa, bị trọng thương là nhẹ lắm rồi.

Ngư dân Việt Nam mưu sinh dưới chế độ xã hội chủ nghĩa đúng là lắm gian truân, có thể nói là từ chết đến bị thương. Chắc không có nơi nào như trên đất nước Việt Nam mà hết “tàu lạ” đến “tàu quen” đâm tàu dân ngay trên vùng biển thuộc chủ quyền của quốc gia mình.



__________________________________________

Bài tham khảo:

Dân oan phải chăng không tranh đấu cho nhân quyền?!

Linh mục Phê-rô Phan Văn Lợi - Giải Nhân quyền VN trao cho bà Cấn Thị Thêu và bà Trần Ngọc Anh năm nay là lời công nhận phong trào dân oan đấu tranh đòi đất chính là đòi nhân quyền, và qua nhiều hành động khác, họ là một lực lượng đấu tranh nhân quyền rất đáng khâm phục và rất đáng được hỗ trợ. Đừng cho rằng đó là lợi dụng họ, là xúi bẫy họ kiểu "xịt chó vô gai", là đẩy họ vào trò chính trị nguy hiểm! Không có những lực lượng quần chúng như nông dân, công nhân, ngư dân, tín đồ, thì những “bộ óc dân chủ” thông minh cũng chẳng làm gì được...

1- Ba nhân tố thống trị con người của chế độ cộng sản

Ông Milovan Djilas (1911-1995), từng là phó tổng thống Nam Tư bên cạnh Tito, sau đó phản tỉnh rồi bị bỏ tù, có viết một cuốn sách tố cáo cộng sản rất sâu sắc và nổi tiếng mang tên “Giai cấp mới” (bản dịch tiếng Việt của Phạm Minh Ngọc đăng trên Talawas 2005). Trong tác phẩm ấy, có những đoạn đáng nhớ như sau:

“Chủ nghĩa cộng sản là chủ nghĩa toàn trị với ba nhân tố thống trị con người - quyền lực, sở hữu và tư tưởng - Cả ba đều là độc quyền sở hữu của một đảng chính trị duy nhất hay như tôi đã trình bày và gọi ở trên là “Giai cấp mới”, Còn trong tình hình cụ thể hiện nay thì là độc quyền của nhóm chóp bu của đảng đó hay giai cấp đó. Không có chế độ toàn trị nào trong quá khứ và cả hiện nay, ngoài chế độ cộng sản, có được cùng một lúc cả ba tác nhân thống trị đối với con người như vậy”. (Chương Bản chất, đoạn 2). “Tước bỏ quyền của những người cộng sản đối với sở hữu cũng có nghĩa là thủ tiêu họ như một giai cấp. Đấu tranh để buộc họ cho những lực lượng xã hội khác tham giai quản lí tài sản (giống như các nhà tư sản bị các cuộc đình công và quốc hội buộc phải cho công nhân tham gia vào việc phân chia lợi nhuận) cũng có nghĩa là tước bỏ của họ độc quyền đối với tài sản, độc quyền tư tưởng và độc chiếm chính quyền. Đấy sẽ là khởi đầu của dân chủ và tự do dưới chế độ cộng sản”. (Chương Giai cấp mới, đoạn 3).

Trong bài này chỉ xin nói đến nhân tố thống trị con người thứ hai của cộng sản: “độc quyền sở hữu tài sản” tức chỉ mình làm chủ mọi tài nguyên đất đai của quốc gia.

Điều này đã bắt đầu từ cuộc Cải cách Ruộng đất ở miền Bắc thập niên 50 của thế kỷ trước (1953-1956). Nay ai cũng biết cuộc cải cách này không phải là đem lại công bằng xã hội, càng không phải là “thực hiện ước mơ nghìn đời của nông dân là có ruộng cho người cày”. Vì sau khi một số cố nông và bần nông được chia ruộng, thì năm 1957-1958, đảng cộng sản đã bắt đầu lùa họ vào hợp tác xã để tập thể hoá nông nghiệp, nghĩa là họ không còn làm chủ ruộng đất của mình nữa. Rồi đến khi sửa đổi Hiến pháp sau ngày thống nhất đất nước vào năm 1980, bằng điều khoản 19+20, Đảng đã nhẹ nhàng quốc hữu hoá toàn bộ ruộng đất trong cả nước dưới mỹ từ lừa đảo: “thuộc sở hữu toàn dân… do nhà nước thống nhất quản lý”! Đến khi có Luật Đất đai ban hành năm 1993, thì điều đầu tiên vẫn chính là: “Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước thống nhất quản lý”. Hiến pháp 2013, điều 53 còn nói trắng trợn hơn nữa: “Đất đai, tài nguyên... là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý”. Điều này dễ hiểu. Muốn độc quyền cai trị đất nước dài lâu, thì ngoài việc độc quyền định hướng tư tưởng nhân dân qua việc phải nắm cho được các phương tiện truyền thông, các trường học lớn nhỏ, các tổ chức văn hóa và tinh thần… đảng còn phải độc quyền sở hữu tài nguyên đất nước, một là để làm giàu cho mình, cụ thể cho nhóm chóp bu trong đảng, hai là để trả lương cho các lực lượng bảo vệ chế độ, cụ thể là công an chìm và nổi, ba là để nắm bao tử của đại đa số nhân dân, vốn làm nông nghiệp. Thành ra phải nói vấn đề ruộng đất ở Việt Nam (như ở các nước cộng sản khác) không đơn thuần là vấn đề kinh tế mà chủ yếu hơn hết là vấn đề chính trị, vì ruộng đất không chỉ là điều kiện để phát triển quốc gia mà còn là và nhất là phương tiện để đảng duy trì quyền lực của mình.

Từ khi bộ sậu lãnh đạo Ba Đình buộc phải đổi mới, chấp nhận kinh tế thị trường, cho ngoại quốc vào đầu tư từ năm 1985, thoát khỏi chết chùm cả nước, thì vấn đề đất đai lại nổi lên với những bi kịch mới. Chủ trương quy hoạch đô thị, phát triển khu kỹ nghệ, kiếm đất cho các công ty nước ngoài thuê mướn để xây dựng nhà máy… đã động đến hàng triệu con người lâu nay sống trên và với mảnh đất mà dù họ chỉ được quyền sử dụng chứ không được quyền sở hữu nhưng vẫn tạm yên lành. Nghĩa là họ buộc phải rời bỏ nhà cửa, ruộng vườn đã thừa hưởng từ cha ông, đã lấy đó làm kế sinh nhai, đã bao năm gắn bó máu thịt, để nhường chỗ cho những chủ nhân mới với những công trình mới.

2- Tranh chấp về đất đai hay tranh đấu vì đất đai?

Vấn đề là họ phải rời bỏ nhà đất không phải vì có những kẻ mưu sâu thế mạnh trong xã hội đến lừa đảo, ức hiếp, hay là vì có thỏa ước trực tiếp “thuận mua vừa bán” với những người cần đất. Tuyệt đại đa số các trường hợp rời bỏ nhà đất tại Việt Nam hôm nay chính là bị cưỡng bức bởi nhà cầm quyền. Thay vì được tự do thương thuyết rồi bằng lòng giá cả với những công ty xí nghiệp bản địa hay ngoại quốc cần đất (như thường thấy ở hầu hết mọi nơi trên toàn thế giới), thì hàng chục vạn, và có thể tới hàng triệu thị dân lẫn nông dân Việt Nam đã bị nhà cầm quyền trước tiên dùng biện pháp hành chính với lệnh “thu hồi đất” (dựa trên nguyên tắc bất công phi lý là đối với đất đai, người dân chỉ có quyền sử dụng), kèm theo mức bồi thường do chính nhà nước ấn định. Trong đa phần trường hợp, mức bồi thường này -nếu bằng tiền- thì không tương xứng, chẳng đủ để mua nhà mới, tậu đất mới, học nghề nghiệp mới và có vốn làm ăn mới. Có trường hợp chỉ bằng 1-2% thực giá, hết sức khốn nạn và trắng trợn! Nếu bằng đất thì lắm khi phải di dời tới những nơi không thể sống và làm ăn như cũ được. Ví dụ trường hợp mấy trăm gia đình thuộc giáo xứ Đông Yên, Hà Tĩnh, vốn nằm cạnh Vũng Áng và làm nghề biển nhưng nay phải dời lên Đèo Ngang với muôn ngàn khốn đốn.

Nếu người dân không đồng thuận mức đền bù hoặc chỉ muốn định cư tại chỗ (trường hợp tập thể như giáo dân Cồn Dầu Đà Nẵng, cư dân bán đảo Thủ Thiêm, nông dân Hưng Yên… trường hợp cá thể như gia đình Nguyễn Trung Can+Mai Thị Kim Hương+Nguyễn Mai Trung Tuấn hoặc chùa Liên Trì của Hòa thượng Thích Không Tánh…) thì a lê hấp, nhà cầm quyền sai lực lượng hùng hậu gồm công an, dân phòng, đầu gấu tới cưỡng chế bằng bạo lực, với dùi cui, lựu đạn cay, súng ống. Có khi sau đó còn bỏ tù và san bằng nhà cửa. Xin nêu ra một ví dụ điển hình là trường hợp bà Cấn Thị Thêu, dân oan Dương Nội (trích đơn đề cử bà nhận giải Nhân quyền VN 2016):

“Từ cuối năm 2007 đến đầu năm 2008, nhà cầm quyền tỉnh Hà Tây cũ (nay là quận Hà Đông, Tp Hà Nội) đã ra hàng loạt quyết định thu hồi đất. Trong quá trình này, nhà cầm quyền đã không tổ chức cho người dân Dương Nội được họp bàn dân chủ, được đào tạo nghề nghiệp mới; các quy trình thủ tục thu hồi đất lại mắc nhiều sai phạm, gây hậu quả là hàng nghìn người lâm cảnh thất nghiệp và nghèo đói. Khi đó bà Cấn Thị Thêu đã đứng lên phản đối việc làm trái pháp luật này và yêu cầu nhà cầm quyền phải bàn thảo và được sự đồng ý của người dân trước đã. Tiếp đó bà tập hợp những ai có cùng tiếng nói để đứng lên đấu tranh đòi quyền lợi chính đáng cho mình. Nhưng nhà cầm quyền đã bất chấp công lý, không làm đúng luật pháp hiện hành, còn sử dụng bạo lực để cưỡng chiếm đất đai. Đền bù cho dân với giá 201.600 VNĐ/1m2, Trung tâm quỹ đất của quận Hà Đông sau đó rao bán trên mạng với giá khởi điểm là 31.500.000 VNĐ/1m2, gấp 150 lần so với giá đền bù.

“Ngày 28-11-2012 nhà cầm quyền sai hàng chục tên đầu gấu xã hội đen kéo đến nhà bà Thêu đe dọa giết cả nhà. Nhóm người này đã chỉ vào mặt bà và nói: “Nếu bà còn đi khiếu kiện nữa thì gia đình sẽ không được yên thân. Đừng để việc công ảnh hưởng đến gia đình”. Ngày 25-4-2014 nhà cầm quyền đã đưa hàng nghìn công an, bộ đội, côn đồ đầu gấu về đàn áp và tước đoạt đất đai của nông dân Dương Nội lần thứ 2 (lần 1 năm 2010). Bà Thêu lúc đó đã bị đánh tàn bạo đến độ bất tỉnh trên một chiếc chòi, khi bà đang quay phim ghi hình cuộc đàn áp. Sau đó từ trên xe cứu thương, công an lại đưa thẳng bà vào trại giam số 3 CATP Hà Nội. Bà bị bắt cùng với chồng là ông Trịnh Bá Khiêm. Sau khi bị bắt về đấy, bà đã tuyệt thực 11 ngày để phản đối hành vi sai trái của quân cướp đất. Ngày 19-09-2014 rồi ngày 25-11-2014, qua hai cấp tòa, bà Cấn Thị Thêu đã bị tuyên án 15 tháng tù với tội danh "chống người thi hành công vụ" theo khoản 1 điều 257 BLHS. Chồng bà bị kết án 15 tháng tù với cùng tội danh”.

Thành ra phải nói ở Việt Nam, tranh chấp về đất đai (giữa cá nhân với cá nhân, với tập thể, hay thậm chí với một cơ quan nhà nước) thì cũng có như mọi nơi trên hoàn cầu, nhưng rất ít so với việc nhà cầm quyền tước đoạt từ nhà đến vườn, từ ruộng đến sạp chợ của người dân để các quan chia chác cho nhau hay bán lại với giá cao ngất trời cho các công ty xí nghiệp ngoại quốc hoặc bản địa, khiến người dân phải tranh đấu, một cuộc tranh đấu vì đất đai, mà lại tranh đấu trong vô vọng, làm nên hiện tượng và tầng lớp DÂN OAN chưa từng có trong lịch sử Dân tộc. Và có thể nói đây là vấn đề nhân quyền lớn nhất tại Việt Nam hiện nay.

3- Dân oan phải chăng không tranh đấu cho nhân quyền?

Tuy nhiên có người nói Dân oan chỉ đấu tranh cho lợi riêng, hay cùng lắm là cho dân sinh chứ không phải cho nhân quyền, và càng không phải cho nhân quyền của toàn thể dân Việt!?!

Trước hết, xin lưu ý rằng theo Luật sư Nguyễn Hữu Thống (“Từ Hiến chương 1977 cho Tiệp Khắc đến Tuyên ngôn 2006 cho Việt Nam” 15-4-2006), các Tuyên ngôn và Công ước Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc đã xác định con người có 26 nhân quyền cơ bản: 8 quyền về thân thể, 6 quyền về an cư, 8 quyền về lạc nghiệp, 4 quyền về tự do dân chủ. Để an cư, để lạc nghiệp, chẳng cần phải có một ngôi nhà để ở, để sinh hoạt, để làm ăn buôn bán? một mảnh đất để cày bừa, trồng tỉa, để nuôi gia súc và đào ao cá (như phần lớn dân Việt vốn làm nghề nông) sao? Nay bị nhà cầm quyền ngang nhiên tước đoạt những thứ quan yếu đó một cách bất công và bằng bạo lực, các nạn nhân đứng lên đòi lại, đó chẳng phải là vì nhân quyền sao?

Đồng ý là các dân oan đòi nhà đất trước hết bị thúc đẩy bởi sự bất công giáng xuống cho bản thân và gia đình họ (đa phần các nhà đối kháng VN hiện đứng lên đòi tự do, dân chủ cũng chẳng phải đi từ kinh nghiệm bị đàn áp của mình à?). Về điều này, tác giả Nguyễn Thị Bích Ngà, trong bài mới đưa lên mạng “Đôi lời về sự đấu tranh của Dân oan”, đã minh giải như sau: “Các vị [trí thức] bảo: "Dân oan chỉ đấu tranh cho quyền lợi của chính mình." Vâng, rất đúng. Và đó là cách đấu tranh đúng. Con người có các nhu cầu chính đáng và các nhu cầu đó cần được tôn trọng như: quyền được sống, được tự do thể hiện chính kiến, tự do tín ngưỡng, có quyền tư hữu, quyền bất khả xâm phạm thân thể... Khi một trong các nhu cầu này bị xâm phạm bởi tập đoàn độc tài, họ lên tiếng đấu tranh cho chính mình thì có gì sai? Các vị cho rằng phải đấu tranh cho người khác thì mới cao cả còn đấu tranh cho chính mình là thấp kém? Đó là một nhận định hết sức sai lầm và vô hình trung chia rẽ lực lượng đấu tranh ra làm hai thành phần. Nhìn lại thực tế ta thấy, những người được gọi là đấu tranh cho người khác thì vẫn là đấu tranh cho chính mình. Họ đấu tranh cho lẽ phải, cho công bằng, cho môi trường, cho quyền con người, cho tự do, cho dân chủ... thì vẫn là cho chính bản thân họ trước, gia đình họ trước rồi mới tới xã hội”.

Nhưng khi đấu tranh cho chính mình như thế thì xã hội cũng được hưởng lợi từ những thành quả mà cuộc đấu tranh của họ mang lại. Đó là hai mối liên hệ có tính tương hỗ, gắn liền với nhau. Ngoài ra, như đã nói trên, vấn đề đất đai tại VN bao trùm hết tất cả mọi người Việt (vì ai cũng chỉ có quyền sử dụng mảnh đất trên đó mình đang sinh sống hay đang sản xuất). Dân oan khi tranh đấu đòi lại đất chính là đánh vào nguyên tắc mang tính chất và hậu quả chính trị: "Nhà nước sở hữu đất đai" hết sức vô lý và phi pháp, khiến mọi người ý thức rằng đó là một nguyên tắc không thể chấp nhận. Còn nguyên tắc đó thì đảng CS đúng là đảng cướp sản, cướp tài sản và cướp đầu óc để kéo dài việc cướp quyền lực như Milovan Djilas đã từng phân tích về 3 nhân tố thống trị của chế độ. Ngoài ra, nếu may mắn mà phong trào dân oan lớn mạnh (tiếc là họ đang phân mảnh) thì sẽ là một lực lượng cần thiết cho cuộc cách mạng lật đổ chế độ CS (bên cạnh lực lượng tín đồ, lực lượng công nhân, lực lượng ngư dân đang ngày càng đông đảo và được tổ chức tốt dần).

Dù thế vẫn có người nói: Nếu ngày mai nhà cầm quyền CSVN có 1 chính sách giải quyết hợp lý: ví dụ như có tiền để đền bù cho họ tương xứng giá thị trường - thì ngày mốt "lực lượng cách mạng dân oan đấu tranh đòi quyền sở hữu đất đai" sẽ không còn 1 mống biểu tình. Nói kiểu này thì cũng ảo tưởng như mối hy vọng rằng đảng cộng sản tự nhiên lên cơn “sám hối” hay nổi chứng “phục thiện” mà trả lại mọi quyền cho nhân dân!!!

Ngoài ra, cũng phải thấy rằng từ vài năm qua, lực lượng dân oan cũng lên tiếng trước các bất công xã hội khác và vì những loại nạn nhân khác, chứ không chỉ ôm đơn kêu gào vô vọng như chục năm trước đây. Nào là dân oan bị đánh, bị bắt, bị bỏ tù theo điều 258 như trường hợp anh Nguyễn Văn Thông ở tỉnh Tây Ninh. Nào là dân oan tham gia kêu gào công lý cho tử tù oan bên cạnh thân nhân của Hồ Duy Hải và Nguyễn Văn Chưởng. Nào là dân oan hợp lực đấu tranh bảo vệ môi trường, lên tiếng bênh vực các nhà dân chủ, tham gia các phiên tòa xử những người đối kháng. Họ hiện diện ở nhiều sự kiện chính trị, như kỷ niệm ngày Việt Nam Cộng hòa bị Cộng sản xâm chiếm, ngày Tuyên ngôn Tự do Dân chủ và Khối 8406 mừng đệ thập chu niên…. Vì chẳng còn gì để mất (cái chi thiết thực và sát sườn với cuộc sống hơn mảnh đất và ngôi nhà?) nên một đàng họ tỏ ra can trường dũng cảm, đàng khác cũng rất thông cảm với những mảnh đời nghiệt ngã kiểu khác. Họ nhiệt tình và quyết liệt trong bênh vực người bị đánh đập, bắt bớ vô cớ, hô to “đả đảo Cộng sản” ngay trước đồn công an. Họ không chùn bước bỏ cuộc dù đói rét (các nhà dân chủ biểu tình về thì có cơm ăn, nhưng dân oan xuống đường xong thì nhịn đói, chỉ mong ai cho cơm hộp). Họ cũng ngày càng tiến bộ về khả năng viết, nói, trình bày, lập luận, giao tiếp, kết hợp trong đấu tranh. Và phải nhớ là rất nhiều dân oan đã bị đánh đập tàn bạo, bị giam nhốt bất công và bị kết án nặng nề.

Giải Nhân quyền VN trao cho bà Cấn Thị Thêu và bà Trần Ngọc Anh năm nay là lời công nhận phong trào dân oan đấu tranh đòi đất chính là đòi nhân quyền, và qua nhiều hành động khác, họ là một lực lượng đấu tranh nhân quyền rất đáng khâm phục và rất đáng được hỗ trợ. Đừng cho rằng đó là lợi dụng họ, là xúi bẫy họ kiểu "xịt chó vô gai", là đẩy họ vào trò chính trị nguy hiểm! Không có những lực lượng quần chúng như nông dân, công nhân, ngư dân, tín đồ, thì những “bộ óc dân chủ” thông minh cũng chẳng làm gì được.

Huế ngày 21-11-2016

Nhân dịp bà Cấn Thị Thêu và bà Trần Ngọc Anh được trao Giải Nhân quyền 2016