Song Chi
THeo RFA-2017-11-21
Các sinh viên chụp hình kỷ niệm lễ tốt nghiệp ở Văn Miếu Hà Nội hôm 18/11/2014 AFP
"Tại phiên họp toàn thể Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhằm chuẩn bị các báo cáo thẩm tra trình tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết, thất nghiệp tăng, riêng năm nay có 20.000 cử nhân thất nghiệp.
Ông cho biết thêm, thực tế, có 80% sinh viên, cử nhân ra trường hiện đang chạy xe cho Uber, Grab." ("80% tài xế xe ôm Grab, Uber là sinh viên, cử nhân thất nghiệp", VTC News)
Nếu dự án chi 12.000 tỷ đồng để đào tạo thêm 9.000 tiến sĩ của Bộ Giáo dục mà thành hiện thực, thì mai mốt đi chăn lợn, chạy xe ôm cũng phải có bằng tiến sĩ chứ nếu không thừa tiến sĩ quá biết dùng làm gì?
Lâu nay chúng ta đã nói nhiều về sự lãng phí tiền bạc, phung phí các tài nguyên thiên nhiên sẵn có trong cách điều hành lãnh đạo đất nước suốt mấy chục năm qua của đảng và nhà nước cộng sản VN. Đất nước còn nghèo, đa số người dân còn sống hết sức chật vật, chạy ăn từng bữa, nhưng sự phung phí của nhà cầm quyền vào những dự án vô bổ, những công trình “khủng” về mặt kinh phí nhưng chất lượng thì tồi, thấp, chưa hoạt động được bao lâu đã xuống cấp, hư hỏng, phải đổ tiền ra sửa chữa, những vụ tham nhũng, thất thoát với những con số lên đến hàng trăm triệu đô la…cứ diễn ra trong mọi lĩnh vực, từ địa phương tới trung ương, với mức độ ngày càng lớn. Một kết luận ngắn gọn về nhà cầm quyền VN: Làm thì ít, thì dở, mà phá hoại thì nhiều, hoặc nói như bà Cựu Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan: “Người ta ăn của dân không từ cái gì”.
Do vậy, ngay từ khi Bộ Giáo dục đề cập đến dự án sẽ chi 12.000 tỷ đồng để đào tạo thêm 9.000 tiến sĩ, dư luận nhìn chung đã không có chút tin tưởng nào vào sự chính đáng hay sự thành công của dự án. Mặc cho ông Bộ trưởng Bộ Giáo dục Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã trình bày lý do, rằng: “Tỉ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ ở nước ta hiện nay khoảng 21% như vậy là thấp nên phải nâng tỷ lệ này lên. Mục tiêu của đề án 911 là phải đạt 35%. Với 9.000 tiến sĩ như trong đề án này thì cũng mới đạt được 30%. Bên cạnh đó, 9.000 tiến sĩ này cũng không phải là đào tạo mới và đề án này cũng không phải là đề án mới. Đây là đề án chỉnh sửa, nâng cao chất lượng từ đề án 911, trong đó tập trung vào việc thu hút các tiến sĩ đã đào tạo ở nước ngoài. Rồi cơ chế, chính sách làm sao để cho các tiến sĩ làm việc tốt, đặc biệt là với các tiến sĩ kiêm nhiệm. Chúng ta phải tạo điều kiện cho các nhà khoa học về các trường Đại học để cống hiến…” (“12.000 tỷ đồng đào tạo 9000 tiến sĩ: Bộ trưởng Giáo dục nói gì?”, Tiền Phong)
Lại “âm mưu” vẽ chuyện để kiếm chác từ tiền thuế của nhân dân đây, hoặc, lại một dự án phung phí tiền bạc nữa-nhiều người lên tiếng trên các trang mạng xã hội. Trong bài phỏng vấn trên đài RFA, “Thêm 9000 tiến sĩ: “Một dự án sớm thất bại!”, Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Đăng Hưng và đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc cũng tỏ ra không tin tưởng, không đồng tình. Vì một thực tế ai cũng thấy, VN không phải đang có tỷ lệ tiến sĩ quá thấp như ông Bộ trưởng Bộ Giáo dục nói mà ngược lại, VN có quá nhiều tiến sĩ có “chất lượng” chẳng ra sao, và vấn đề không phải là “số lượng” mà là “chất lượng”.
Ở đây không chỉ là lãng phí tiền bạc mà còn là lãng phí về con người đối với xã hội khi đào tạo mà không hiệu qủa, và đối với bản thân chính người đó, là lãng phí thời gian trong đời, khi bỏ ra mấy năm học mà cuối cùng lại không làm được việc. Trường hợp hàng ngàn Cử nhân ra trường rồi thất nghiệp, ra trường chạy xe ôm, taxi hay về quê chăn lợn như vừa nói ở trên là thực tế đang diễn ra. Tiến sĩ cũng vậy, tiến sĩ nhiều nhưng từ đề tài, luận văn tốt nghiệp cho tới những công trình khoa học thực sự có giá trị thì ít.
Thực sự VN đang cần thợ cho ra thợ, thợ giỏi tay nghề trong nhiều lĩnh vực chứ không cần nhiều tiến sĩ “giấy”, ông Bộ trưởng Bộ Giáo dục ạ.
Thay vì chi 12.000 tỷ đồng để đào tạo thêm 9.000 tiến sĩ có lẽ nên nghiên cứu lại mấy trường dạy nghề ở VN, làm sao có những khóa/ngành đào tạo thợ trong nhiều lĩnh vực cho tốt, có tay nghề hẳn hoi, từ điện, điện tử, cơ khí, xây dựng, nấu ăn, nhà hàng, bảo mẫu, hộ lý, chăm sóc người già v.v…Học xong vừa kiếm sống được mà nếu có xin đi lạo động ở nước ngoài, có tay nghề giỏi nước người ta còn chuộng hơn là có mấy cái bằng với mớ kiến thức nặng lý thuyết, sách vở!
Hãy lấy ví dụ từ các nước Bắc Âu, như Na Uy chẳng hạn, họ đã làm rất giỏi trong việc cân bằng giữa tỷ lệ “thầy” và “thợ”.
Chương trình trung học ở Na Uy được chia như sau: Barneskole, ungdomsskolevà videregående. Barneskole tức bậc tiểu học là 7 năm, từ lớp 1 đến lớp 7, ungdomsskole tức bậc trung học cơ sở (theo cách gọi ở VN bây giờ) hay trung học đệ nhất cấp (theo cách gọi thời chế độ VNCH) là 3 năm. Videregående tức trung học phổ thông (theo cách gọi ở VN bây giờ) hay trung học đệ nhị cấp (theo cách gọi thời chế độ VNCH). Ở bậc videregåendehọc sinh có thể chọn lựa giữa chương trình học kiến thức tổng hợp hoặc chương trình học nghề. Những học sinh chọn học kiến thức tổng hợp sẽ học thêm 3 năm, tổng cộng 13 năm để hoàn tất chương trình trung học, sau đó tiếp tục theo học đại học hoặc cao đẳng.
Những học sinh chọn chương trình học nghề sẽ phải mất 4 năm: 2 năm lý thuyết ở trường và 2 năm thực tập. Chương trình dạy nghề có nhiều ngành khác nhau để các em lựa chọn theo thiên hướng, sở thích, ví dụ: kỹ thuật và công nghiệp, điện tử, xây dựng, nhà hàng và phục vụ, y tế và chăm sóc xã hội v.v…Với những em không có khả năng học lên cao, sẽ chọn học nghề.
Lý do khiến cho tỷ lệ chọn học lên cao và chọn học trường nghề ở Na Uy không quá chênh lệch, tạo ra sự cân bằng giữa các ngành nghề, vị trí trong xã hội, là do chế độ lương bổng, đãi ngộ, an sinh xã hội rất tốt dành cho mọi nghành nghề, dù học cao, là kỹ sư bác sĩ, Tiến sĩ hay chỉ là người lái xe, người bán hảng trong siêu thị. Thậm chí, càng học nhiều, lương càng cao thì càng phải đóng thuế thu nhập nhiều hơn, ví dụ người lương ít thì thuế khoảng 20%, lương cao thuế 30%, 36%, thậm chí trên 40%. Điều đó giúp khoảng cách giàu nghèo trong xã hội không quá chênh lệch. Điều quan trọng hơn là cái nhìn của xã hội. Người dân ở các nước Bắc Âu không bị sức ép về bằng cấp, sức ép phải là ông này bà kia, có nhà to, có xe đẹp; người giàu người không giàu, người học cao người học thấp đều cảm thấy nhẹ nhàng, không đến nỗi phải khổ sở vì mặc cảm thua sút, mình là người thất bại, như ở một số quốc gia khác.
Trong khi đó, ở VN, sở dĩ có tình trạng mất cân đối giữa thầy và thợ, tình trạng cố chen vào đại học, tình trạng chạy bằng, mua bằng, bằng cấp giả tràn lan...là do những nguyên nhân sau: Một, văn hóa VN từ xưa đến giờ vốn trọng bằng cấp, tâm lý nhiều người Việt cũng vậy, chuộng cái bằng, ham làm thầy hơn làm thợ, nhà nghèo, cực khổ đến đâu cũng ráng chạy vạy cho con vào được đại học dù sau này học xong cũng thất nghiệp, nhưng vẫn là “thất nghiệp có chữ, có học”! Rốt cuộc “thầy chẳng ra thầy, thợ chẳng ra thợ”, dở dang, chỉ khổ thêm cho mình và cho cha mẹ, gia đình.
Chế độ công sản đã làm nảy sinh thêm những «căn bệnh» thành tích, hình thức, chạy theo bề ngoài, học không phải để có kiến thức thực sự mà để có bằng, bằng cấp càng cao thì càng tìm được những cái «ghế» ngon lành ngồi trên đầu trên cổ thiên hạ v.v...Thứ hai, mức lương bổng, đãi ngộ giữa những người có bằng cấp và những người chỉ làm thợ, làm lao động chênh lệch rất xa, nên không mấy ai muốn đi làm những công việc bình thường.
Chừng nào những điều này còn chưa thay đổi, thì chừng đó «căn bệnh» chuộng bằng cấp vẫn còn và những dự án kiểu như đào tạo hàng nghìn tiến sĩ với suy nghĩ «tỷ lệ tiến sĩ ở VN vẫn còn quá thấp» của ông Bộ trưởng Bộ Giáo dục vẫn sẽ được triển khai. Lo đào tạo Tiến sĩ làm gì khi đời sống của đa số giáo viên, người thầy giáo còn quá vất vả, lương không đủ sống, dẫn đến chuyện dạy thêm, «phong bì», làm mất đi hình ảnh được tôn trọng của người thầy trong mắt xã hội. Hoặc lo đào tạo Tiến sĩ làm gì khi từ sách giáo khoa ở bậc Tiểu học cho đến băng rôn, biểu ngữ trên đường, ngay trên TV, báo đài quốc gia...còn viết sai chính tả, nói ngọng tùm lum? Mà ngay bản thân người đứng đầu ngành Giáo dục là ông Bộ trưởng cũng không thèm chỉnh sửa cái tật nói ngọng, lẫn lộn l, n của mình?