Sunday, June 5, 2016

Khẩu hiệu mới của đảng?

Theo Người Việt-05-06-2016 6:10:32 PM 
Phạm Chí Dũng
“Tác giả” là ai?

Quá khó để tìm ra một cái gì đó mới mẻ về “cải cách thể chế” sau đại hội 12. Trong bầu không khí tư tưởng nội bộ vẫn còn cô đặc ấy, “Phụng sự Tổ Quốc, phục vụ nhân dân” có lẽ mang danh nghĩa như một “đổi mới” ghê gớm nhất.

Ngày 22 tháng 4, 2016, khẩu ngữ trên đã lần đầu tiên được giới quan chức cao cấp của chế độ sử dụng. Nhân vật “phát minh” ra khẩu ngữ “Báo chí phải phụng sự Tổ Quốc, phục vụ nhân dân...” và được chính một tờ báo nổi tiếng chuyên chính là Công An Nhân Dân rút tít - lại là ủy viên trẻ nhất trong Bộ Chính Trị - Trưởng ban tuyên giáo trung ương Võ Văn Thưởng, trong ngữ cảnh một hội nghị tổng kết của Hội Nhà Báo Việt Nam.

Ngày 9 tháng 5, 2016, khẩu ngữ “Phụng sự Tổ Quốc, phục vụ nhân dân” một lần nữa được lặp lại vào, khi ứng cử viên đại biểu Quốc Hội - Chủ Tịch Nước Trần Đại Quang tiếp xúc với cử tri quận 1, Sài Gòn.

Sẽ chẳng có gì đáng bàn nếu từ “phụng sự” là rất mới mẻ trong hệ thống danh - động tự chính trị của chính thể một đảng ở Việt Nam. Bởi nhìn ngược lại dĩ vãng, từ ngữ này lại được sử dụng thường xuyên trong chế độ Việt Nam Cộng Hòa và trong “phụng sự Thiên Chúa,” biểu trưng cho không chỉ niềm tin mà còn cả đức tin.

Còn đáng quan tâm hơn, cụm từ “Phụng sự Tổ Quốc, phục vụ nhân dân” được cả hai ông Võ Văn Thưởng và Trần Đại Quang phát ra đều không kèm thêm bổ từ “đảng” hay “chế độ,” cũng không nhắc tới cụm danh từ “Tổ quốc xã hội chủ nghĩa” như cách nói hoặc viết truyền thống trong phát biểu hoặc đảng văn trước đây.

Không quá sớm để có thể cho rằng, “Phụng sự Tổ Quốc, phục vụ nhân dân” đã trở thành một khẩu ngữ được lặp lại và mang tính hệ thống, nếu không phải trong não bộ thì ít nhất đã trên phương diện phát ngôn quan chức. Thậm chí còn có thể hình dung rằng ngay tại thời điểm này, khẩu ngữ trên đã âm thầm trở thành một khẩu hiệu chính trị tạm thời chưa công bố của đảng.

Vì sao và nhằm mục đích gì? Còn có thể hoài nghi rằng Trần Đại Quang và Võ Văn Thưởng - những người tốt nghiệp từ triết học Mác Xít, khó có khả năng là tác giả của khẩu ngữ trên. Hoặc một ai khác - người khuất rèm ẩn mặt - đã sáng tác ra khẩu ngữ trên như một “chủ trương” mới của đảng cầm quyền ở Việt Nam nhằm làm vơi bớt thất vọng của người dân và trí thức về “không biết đến cuối thế kỷ này có được chủ nghĩa xã hội hoàn thiện ở Việt Nam hay không”, cũng như giảm bớt liều lượng của các từ “đảng” và “chế độ” để dân tình đỡ chán ngán thói giáo điều và cũng để “khách quan” hơn trong con mắt quần chúng.

Nhưng dù vì nguyên do gì, khó có thể chối bỏ một thực tế: hiện tượng hai nhân vật cao cấp chủ tịch nước và trưởng ban tuyên giáo trung ương phát ngôn về “Phụng sự Tổ Quốc, phục vụ nhân dân” có thể phản ánh một xu hướng ngày càng nhiều cán bộ chính trị cao cấp dần âm thầm hoặc né tránh hoặc tìm cách thoát khỏi ý thức hệ giáo điều trong đảng Cộng Sản.

Cũng có ý kiến cho rằng sau đại hội 12 vào đầu năm 2016, hiện thời trong nội bộ đảng đang khởi phát vài dấu hiệu cải cách theo tinh thần “thay đổi hay là chết!” Tất nhiên nhiều nhân vật cao cấp thừa hiểu sẽ không thể lái đoàn tàu kinh tế Việt Nam tránh khỏi quỹ đạo lao xuống vực thẳm, không thể làm dịu tâm trạng phẫn nộ chực chờ bùng nổ của người dân nếu không “cải cách thể chế,” mà thực chất là phải thay đổi một số giáo điều chính trị.

Tất nhiên, từ lời nói đến hành động là cả chân trời thăm thẳm. Ở Việt Nam và hầu như bao giờ cũng thế, thay đổi phải đến từ cửa miệng, dù chỉ trên đầu môi chót lưỡi.

Đã quá muộn?

Thực ra, sự thay đổi về mặt ngôn từ của hai ông Võ Văn Thưởng và Trần Đại Quang chỉ là kết quả của một quá trình “biện chứng lịch sử.”

Vào giữa năm 2015, một ủy viên trung ương đảng là Bộ Trưởng Kế Hoạch và Đầu Tư Bùi Quang Vinh được mời đến nói chuyện về các vấn đề kinh tế ở học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Thính giả là lãnh đạo của hầu hết các tỉnh, thành phố. Kết thúc buổi nói chuyện, nhiều người hỏi ông Vinh thế nào là thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Bùi Quang Vinh đáp rất thành thật: “Chúng ta cứ nghiên cứu mô hình đó, mà mãi có tìm ra đâu. Làm gì có cái thứ đó mà đi tìm.”

Ít lâu sau, vào ngày 1 tháng 7, 2015, tại đại hội thi đua quyết thắng toàn quân lần thứ IX và trùng với sự kiện Bộ Trưởng Quốc Phòng Phùng Quang Thanh bị xem là “mất tích,” Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng đã bất ngờ nêu ra khái niệm quân đội “trung thành với dân tộc và Hiến Pháp,” mặc dù có thêm bổ đề quân đội nhân dân Việt Nam cần “nghiêm túc chấp hành sự lãnh đạo của đảng, quản lý của nhà nước.”

Đến đầu tháng 8, 2015, Thủ Tướng Dũng lại nêu ra một quan niệm rất đáng chú ý: “Lực lượng công an nhân dân phải tuyệt đối trung thành với tổ quốc, với nhân dân, với đảng và nhà nước” trong bối cảnh đại hội thi đua vì an ninh tổ quốc lần VII do Bộ Công An tổ chức.

Với phát biểu này, Thủ Tướng Dũng đặt tổ quốc lên vị trí đầu tiên, khác với ưu tiên “phải trung với đảng” luôn được đặt ở hàng đầu trong các bài diễn văn, nghị quyết và trong hệ thống tuyên truyền của khối đảng lẫn giới tuyên giáo.

Những thay đổi trên là đáng chú ý và phân tích, trong bối cảnh một nền chính trị vừa xung đột ghê gớm vừa chẳng biết đi về đâu và làm sao để có hậu.

“Hậu sự” của đảng Cộng Sản là trong những năm gần đây, ngày càng xuất hiện nhiều dư luận trong trí thức, nhân dân, thậm chí cả quan chức cho rằng đã đến lúc lực lượng vũ trang, đặc biệt là quân đội, phải thể hiện lòng trung thành với tổ quốc và nhân dân, thay vì bị chi phối quá nhiều bởi ý thức hệ chính trị độc đảng; không để bị biến thành công cụ cưỡng chế chiếm đất của nông dân thay cho việc ra mặt trận đối đầu với kẻ thù.

Cũng trong nhiều năm qua và đặc biệt từ đầu năm 2013 khi xuất hiện phong trào “Kiến nghị 72” cho đến nay, ngày càng xuất hiện nhiều trí thức và người dân phản bác về tình trạng quá ư bảo thủ khi đảng khăng khăng giữ định hướng xã hội chủ nghĩa nhưng lại chẳng biết phải định hình và tiến tới nó như thế nào, còn chế độ thì ngày càng tham nhũng ghê gớm, đời sống người dân ngày càng bất an, cơ cực.

Trong bối cảnh mang nhiều chỉ dấu bế tắc đó, rất thường là những cải cách không thể từ chối sẽ được bắt đầu một cách đầy khiên cưỡng, hay nói cách khác là mang màu sắc “cải cách thời thượng.” Một số quan chức bắt đầu nói về những từ ngữ lạ tai và thậm chí có vẻ “phản nghịch” như một cách khiến người dân và báo chí tiếp tục được ru ngủ. Vấn đề là sau những lời lẽ hoa mỹ đó, chế độ có làm gì tiếp và việc làm của họ có mang tính thực chất hay không.

Bởi nếu không thực chất, cho dù có phải nhờ vả đến đức tin “phụng sự” của Kitô Giáo, chế độ cầm quyền ở Việt Nam vẫn không thể thoát khỏi chủ đích mị dân và hậu quả hộc rỗng.

Tuy nhiên, “Phụng sự Tổ Quốc, phục vụ nhân dân” cùng những “khẩu hiệu” khác được phát minh trong những tháng năm tới - cứ cho là một cải cách nào đó - lại rất ít hy vọng để nhận được sự ủng hộ “muộn còn hơn không,” mà đang trở nên quá trễ với đảng. Quá nhiều hứa hẹn trong “đổi mới” lần đầu vào năm 1986, “đổi mới” trong những kỳ đại hội đảng sau đó đã chẳng đi đến đâu và dìm nỗi thất vọng của dân xuống tận đáy, đang khiến hứa hẹn mới nhất về “đổi mới lần hai” sau Đại Hội 12 của đảng cầm quyền rất đậm đà hương vị bánh vẽ.

Biển Đông: Không dừng lại, Trung Quốc sẽ bị cô lập

SINGAPORE (NV) - Toàn bộ các quốc gia trong vùng Đông Nam Á đang xích lại với nhau, nếu không chấm dứt bành trướng tại Biển Đông, Trung Quốc sẽ bị cô lập.


Ông Carter, bộ trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ và ông Gen Nakatani cùng ký một hiệp định về Quốc Phòng tại Đối Thoại Shangri-La 15. (Hình: defense.gov)

Ông Ashton Carter, bộ trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ vừa cảnh báo như thế tại Đối Thoại Shangri-La 15.

Đối Thoại Shangri-La là cách gọi diễn đàn thường niên về an ninh Châu Á giữa 28 quốc gia trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương và luôn có thêm nhiều quốc gia, tổ chức khác quan tâm đến an ninh Châu Á dự khán. Năm nay là lần thứ 15 diễn đàn thường niên về an ninh Châu Á diễn ra tại khách sạn Shangri-La ở Singapore. Đối thoại Sahangri-La 15 diễn ra trong ba ngày, từ 3 đến 5 tháng 6. Tổng số quốc gia cử đại diện tham dự vượt quá 50.

Ngoài viễn cảnh sẽ bị cô lập, bộ trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ nhấn mạnh, nếu Trung Quốc tiếp tục dấn tới, Hoa Kỳ và các quốc gia trong khu vực sẽ hành động để đáp trả.

Ông Gen Nakatani, bộ trưởng Quốc Phòng Nhật thì khẳng định, Nhật sẵn sàng hỗ trợ các quốc gia Đông Nam Á đương đầu với các hành động đơn phương, nguy hiểm và mang tính áp đặt tại Biển Đông. Theo ông Nakatani, sẽ không có quốc gia nào khoanh tay ngồi nhìn những hoạt động bổi đắp, xây dựng với tốc độ nhanh, trên quy mô lớn để hỗ trợ các mục tiêu quân sự tại Biển Đông.

Biển Đông không chỉ liên quan đến Đông Nam Á mà còn rất quan trọng với Nhật và nhiều quốc gia khác bởi tại đó có một hải lộ mà lượng hàng hóa lưu thông có giá trị đến năm ngàn tỷ Mỹ kim/năm.

Nếu kiểm soát được Biển Đông, Trung Quốc sẽ dễ dàng tiến tới kiểm soát biển Hoa Đông và khu vực Tây Thái Bình Dương.

Bởi tình hình Biển Đông liên quan đến an ninh của Nhật, ông Nakataki khẳng định, Nhật sẽ tiếp tục hỗ trợ các quốc gia Đông Nam Á gia tăng khả năng tuần tra, bảo vệ an ninh hàng hải thông qua các đợt tập trận chung và các hoạt động hợp tác nhằm ứng dụng, phát triển công nghệ, trang thiết quân sự mới.

Tất nhiên là Trung Quốc có phản ứng trước những cảnh báo, khuyến cáo như thế. Một đô đốc phụ trách quan hệ đối ngoại của Bộ Quốc Phòng Trung Quốc, bảo rằng, các cảnh báo, khuyến cáo Trung Quốc tại Đối Thoại Shangri-La 15, cho thấy, đó là lối suy nghĩ của thời “Chiến tranh Lạnh.”

Gần đây, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã nói như thế vài lần.

Một chuyên gia an ninh - quốc phòng của Trung Quốc thì tuyên bố, chính Hoa Kỳ đã khiến cho mức độ căng thẳng tại Biển Đông gia tăng khi vin vào “bảo vệ quyền tự do lưu thông” để điều động phi cơ, chiến hạm tiến vào những khu vực thuộc “lãnh thổ của Trung Quốc.”

Chuyên gia tên là Giả Khánh Quốc cũng cho rằng, tình hình Biển Đông đã bị thổi phồng quá mức và ông ta chất vấn ông Carter rằng, tại sao Hoa Kỳ lại chỉ để ý đến Trung Quốc trong lúc các quốc gia khác cũng có những hoạt động bồi đắp tại các khu vực đang có tranh chấp. Bộ Ngoại Giao Trung Quốc đã đưa ra những ý kiến tương tự vài chục lần.

Ông Carter đáp lại thắc mắc vừa kể, theo đó, Hoa Kỳ quan tâm đặc biệt đến Trung Quốc vì các hành động khiêu khích của Trung Quốc diễn ra thường xuyên với số lượng vượt xa các quốc gia khác.

Có một sự kiện đáng chú ý là bên lề Đối Thoại Shangri-La 15, chiều 3 tháng 6, Đô đốc Tôn Kiến Quốc, phó tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc, đồng thời là trưởng đoàn Trung Quốc tại Đối Thoại Shangri-La 15 đã hội đàm với Thượng Tướng Nguyễn Chí Vinh, thứ trưởng Bộ Quốc Phòng Việt Nam, trưởng đoàn Việt Nam tại Đối Thoại Shangri-La 15.

Kết thúc hội đàm, hai trưởng đoàn của Trung Quốc và Việt Nam cùng lên tiếng ca ngợi các nỗ lực hợp tác của quân đội hai bên. Ngay sau đó, Trung Quốc tổ chức phát các tài liệu, khẳng định hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của Trung Quốc.

Trả lời BBC về sự kiện này, viên tướng Việt Nam, người mà cách nay vài năm từng và lần khẳng định, Việt Nam phải cân nhắc để giữ cho bằng được sự cân bằng quan hệ giữa ba bên Việt Nam-Trung Quốc-Hoa Kỳ, đặc biệt là phải chú trọng gìn giữ quan hệ với Trung Quốc vì Việt-Trung “có cùng ý thức hệ,” nói rằng, Đối Thoại Shangri-La là một diễn đàn mở, mọi thứ đều được công khai và các bên luôn trân trọng lắng nghe nhau, muốn khẳng định chủ quyền thì cứ tuyên bố rõ ràng với cộng đồng quốc tế, thành ra nếu là ông ta thì ông ta không phát tài liệu có tính chất giống “tờ rơi” như thế. (G.Đ)

05-06-2016 3:50:48 PM 

Mỹ điều tra công ty Huawei của Trung Quốc

WASHINGTON (NV) - Công ty kỹ thuật cao Huawei của Trung Quốc, đối thủ trực tiếp của công ty Cisco, đang bị Bộ Thương Mại Mỹ điều tra vì liên hệ đến các vụ buôn bán với Bắc Hàn, Iran và Cuba.

Sản phẩm của Huawei tại Hội Chợ Điện Tử ở Shanghai. Hình minh họa. (Hình: STR/AFP/Getty Images)

Bản tin của hãng thông tấn UPI cho hay cuộc điều tra được mở ra tiếp theo loan báo mới đây của Bộ Tài Chánh Mỹ cho hay Bắc Hàn là đối tượng quan tâm chính về các vụ rửa tiền. Luật Mỹ cấm mọi quốc gia không được giúp Bắc Hàn chuyển tiền trong các dịch vụ ngân hàng.

Chính phủ Mỹ đã đòi Huawei phải cung cấp tin tức về các vụ xuất cảng sang Bắc Hàn, Cuba, Iran, Syria và Sudan, theo tờ New York Times.

Huawei phải giao nạp hồ sơ xuất cảng trong năm năm qua, kể cả các kiện hàng gửi đến các quốc gia nói trên qua trung gian các công ty khác.

Huawei, vốn có số thương vụ khoảng $60 tỷ mỗi năm bán trang bị viễn thông, không đề cập đến án lệnh của Mỹ nhưng nói rằng “Huawei tuân hành mọi luật lệ tại các thị trường hoạt động cũng như của cộng đồng quốc tế.”

Tại Trung Quốc, loan báo này gặp các phản ứng chống đối mạnh mẽ.

Một cơ quan truyền thông nhà nước Trung Quốc gọi hành động của Mỹ là có “thái độ thù nghịch.”

Năm 2012, Ủy Ban Tình Báo Hạ Viện Mỹ gọi Huawei là một mối đe dọa an ninh và công ty này vẫn còn bị cấm tham gia vào các cuộc đấu thầu quan trọng về viễn thông ở Mỹ.

Huawei có sáu trung tâm nghiên cứu tại Mỹ và trụ sở chi nhánh Mỹ đặt tại Dallas, tiểu bang Texas. Huawei cũng làm ăn chung với nhiều công ty Mỹ và nếu bị coi là vi phạm luật Mỹ, các công ty khác như HP, Microsoft và Oracle cũng có thể bị giới hạn trong liên hệ với Huawei. (V.Giang)

Con mắt có đuôi: Sài Gòn, Hà Nội nhìn theo Obama! (*)

Theo Người Việt-05-06-2016 3:39:16 PM
 Tạp ghi Huy Phương

“Tôi thực sự xúc động.
 

Tình cảm của nhân dân Việt Nam đã lay động trái tim tôi.
Chưa bao giờ tôi thấy gần gũi với Việt Nam như thế.”
(Barack Obama)

Bức tranh vẽ Obama bằng bút chì than của Bùi Anh An được đánh giá là đẹp nhất, với hơn 6,000 likes.

“Người ơi người ở đừng về,
Em níu vạt áo em đề bài thơ...”

Câu hát quan họ tình tứ của xứ Bắc Ninh ngày trước để nói về một người thương, khi chia xa còn bịn rịn, không ngờ hôm nay, con người Việt Nam lại có thể ứng dụng vào cho ông Barack Obama.

“Yêu Nàng, bao nhiêu người làm thơ...” Chúng ta vẫn thường làm thơ cho người yêu, có khi làm thơ nói về Mẹ, có khi làm thơ cho con, nhưng chưa bao giờ thấy ai làm thơ cho một chính khách ở một đất nước xa xôi, vừa ghé thăm thành phố của mình. Người ấy phải có cái mãnh lực hấp dẫn chừng nào mới làm cho trái tim con người lay động đến thế, những con tim tưởng chừng đã khô máu bởi chiến tranh, tù đày và bây giờ bởi những khổ đau xót xa phải chịu đựng của kiếp con người.

Xin các bạn hãy nghe câu thơ sau đây của một người con gái Việt Nam vô danh, không phải dành cho người yêu của cô, mà chính là dành cho vị tổng thống Mỹ, người mà cô chỉ có thể thấy đằng xa, hay không được thấy, cũng có thể là chỉ thấy qua hình ảnh trên báo chí hay màn ảnh, mà bỗng dưng cô đã “phải lòng!” Tình yêu ấy cô đọng trong hai câu thơ ngũ ngôn:

“Sao yêu Anh đến thế,
Anh chạm trái tim Em!” (PT.)

Tác giả Nguyễn Hữu Thao với những dòng thơ tự do:

“Đừng vội về Obama ơi, làm chúng tôi đau buồn
Dẫu biết rằng phút chia tay rồi sẽ đến
Mới ba ngày bên nhau mà vô cùng quyến luyến
Anh đã ‘lay động hàng triệu con tim chúng tôi!’”

Và khi Air Force One đi rồi, ông Thao, một người Việt Nam, còn thấy cả bầu trời trống trải:

“Đừng vội nâng thang lên, máy bay khoan đóng cửa. 
Giờ nhìn lên bầu trời trống trải dõi theo...”

Trong trang Facebook của Nguyễn Thị Lan:

“Ôi! Tổng thống nhà người ta ơi...!
Có quá nhiều điều Ngài chạm được trái tim dân tôi!”

Hay hai câu lục bát sau đây của HT7:

“Chuyến thăm tốt đẹp không ngờ
Ba ngày như một giấc mơ tuyệt vời!”

Không làm thơ, thì người Việt Nam bày tỏ tình cảm của mình qua những dòng tâm sự.

Một nữ độc giả từ Việt Nam, viết trong một email:

“Ông Obama đi rồi, em vẫn còn lâng lâng. Em nhớ ông ấy!”

Tâm trạng lâng lâng như vừa nhấp một chút rượu nồng này phải chăng là dấu hiệu của tình yêu. Nếu là phái Nam, bạn đã bao giờ được nghe một người con gái nói với bạn những lời ngọt nào như thế bao giờ chưa? -Anh đi rồi, hồn em lâng lâng. Em nhớ Anh!

Rapper Suboi, người may mắn đã được gặp mặt và trao đổi với Obama thì tâm sự:

“Tôi cảm thấy ấm áp từ trong tim khi tiếp xúc với người đúng đầu Nhà Trắng Mỹ.”

Nguyễn Trần Phương Linh:

“Dường như Ngài đã xóa tan khoảng cách giữa một vị tổng thống và người dân bằng những nụ cười hạnh phúc. Mãi mãi yêu quý Ngài!”

Người ta gọi Obama bằng đủ thứ đại danh từ, từ Ông, Bác, Ngài, Chú, Anh:

“Giỏi giang, thân thiện, tình cảm, vui tính. Con thật yêu quý Bác Barack Obama!”

“Nụ cười tỏa nắng! Yêu quý Ngài.” (Li Zealous )

“Chúng tôi yêu vẻ đẹp tỏa từ Ngài.” (Thương Hoài)

“Công nhận, mik rất thích ‘chú’ tổng thống này!” (Thoa Nguyen)

“Đứng chờ ông gần 3 tiếng đồng hồ... khoảnh khắc xe ông chạy tới..cảm xúc thật khó tả...mặc dù không thấy được mặt ông nhưng cảm thấy cực kỳ hạnh phúc.” (Cheryl Chung)

“Thông qua bức tranh mình muốn gửi gắm tình cảm người Việt Nam nói chung và bản thân mình nói riêng rất quý mến Ngài và cảm nhận được một điều gì đó từ Ngài đã chạm đến trái tim người Việt Nam. Bên cạnh đó, khi thực hiện bức tranh này thể hiện niềm vui, sự phấn khởi của mình khi Ngài đặt chân tới Sài Gòn nơi mình sinh sống.”(HS. Huỳnh Quốc Tuấn)

Không những làm thơ, viết văn những người yêu quý Obama còn vẽ chân dung ông như Nguyễn Tấn Đạt (Đồng Nai) Túy Nguyệt (Thủ Dầu Một) Nguyễn Thị Hường (Hải Phòng) Nguyễn Tấn Hậu (Hà Nội) Võ Thị Thịnh ( Quảng Nam) Lê Công Duy Tính (Gia Lai) Minh Hy, Bảo Trâm, Đặng Tuấn Bảo & Võ Quốc Vẹn đã thức suốt 2 đêm để vẽ bức tranh màu nước Obama với Chùa Một Cột, chàng trai 9X Huỳnh Quốc Tuấn, sinh viên năm 4 của trường đại học Hutech đã dùng tro giấy đốt để thực hiện một bức tranh đặc biệt cho Obama... Trong số họa sĩ chuyên và không chuyên này, bức tranh của Bùi Anh An được coi như là đẹp nhất với 6,000 likes.

Có người đã so sánh chuyến viếng thăm Việt Nam trong tháng 5, 2016 của Tổng Thống Hoa Kỳ Barack Obama với Chủ Tịch Cập Tận Bình vào tháng 11, 2015, cũng như đối với hai vị tổng thống Hoa Kỳ tiền nhiệm là Ông George W. Bush và Bill Clinton. Chưa bao giờ dân Việt Nam đón một vị tổng thống nước ngoài đến thăm Việt Nam nồng nhiệt đến như vậy. Không phải Sài Gòn mà Hà Nội, nơi đã chịu những trận bom của Mỹ, đã tràn ra đường để đón Obama, không như là một cựu thù mà là một người bạn thiết lâu năm trở về. Chắc chắn là nhiều người không thể đến gần để bắt tay ông, nhưng chỉ thấy đoàn xe ông chạy qua ở xa là đã thấy vui rồi.

Ở trong các chế độ độc tài Cộng Sản, chính phủ thường phải kêu gọi trong loa phường hay gõ cửa từng nhà đi bắt dân ra đường đứng nắng để đón lãnh tụ, nhưng đối với Tổng Thống Obama, người dân tự động vẽ bích chương, biểu ngữ chào mừng ông, và đổ xô ra đường đi đón ông.

Người ta kể một mẩu chuyện vui là ngày ông Obama đến Hà Nội- Sài Gòn, mẩu tin nhắn được đọc nhiều nhất trong trong cả triệu điện thoại cầm tay là: “Hôm nay, em chịu khó đi đón con ở trường. Anh bận đi đón tổng thống!”

Nếu được nói rõ ra, dân Việt Nam cần gì, thì như Suboi đã vừa khóc vừa nói: “Cháu vô cùng cảm kích về những gì Tổng Thống Obama nói về tự do, dân chủ và nhân quyền. Mong sao chúng ta sớm có được như vậy.” Đó là những gì người dân Việt Nam hiện không có, đang khao khát, những khao khát nhiều lúc không thể nói ra.

Người dân Việt Nam có dịp nhìn rõ con người, lối sống, đất nước... biết so sánh giữa cái đẹp, cái xấu. Obama lại đến Việt Nam giữa lúc chúng ta đang lúc khổ đau, phiền muộn.

Phải chăng như phát biểu của một người trẻ ở Việt Nam, câu nói nghe buồn và tuyệt vọng: “Ông đến đây cho chúng tôi một niềm vui lẫn hy vọng... bây giờ ông lại đi, chúng tôi buồn và trở về cuộc sống cũ...”

Xin đừng ngồi yên. Tương lai đất nước này ở trong tay các bạn!
“Tôi ơi đừng tuyệt vọng!” (TCS)

(*) Liếc đưa nhau đi rồi,
Con mắt còn có đuôi. (Phan Khôi)

Biểu tình chống phái đoàn Việt Nam tại ASEAN Fest 2016, Costa Mesa

Lâm Hoài Thạch/Người Việt
COSTA MESA (NV) - Trưa Thứ Bảy, 4 Tháng Sáu, đông đảo đồng hương tham dự biểu tình, chống ASEAN Fest 2016 - Celebration of Southeast Asian Nation - tổ chức tại South Coast Plaza, Costa Mesa.
Đoàn biểu tình tại South Coast Plaza, Costa Mesa. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Ban tổ chức biểu tình gồm Liên Ủy Ban Tranh Đấu Chống Cộng Sản và Tay Sai, Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Nam California, Cộng Đồng Việt Nam Nam California, với sự hợp tác của nhiều đoàn thể đấu tranh khác.
ASEAN gồm các quốc gia Brunei, Cambodia, Indonesia, Laos, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thailand và Việt Nam.

Cuộc biểu tình xuất phát từ Tượng Đài Đức Thánh Trần, Westminster. Sau nghi thức xuất phát, mọi người cùng đến South Coast Plaza, Costa Mesa.

Rất nhiều cờ vàng VNCH, cờ Mỹ và khẩu hiệu cùng những tiếng hô vang như “No Freedom, No Deal,” “Communist go home,” “Freedom for VietNam,” “Hợp đồng Formosa là văn kiện bán nước,” “Biển chết, dân chết - Đất nước diệt vong,” “Đả đảo cộng sản bán nước”... của đoàn biểu tình tại khuôn viên bãi đậu xe South Coast Plaza.
Đồng hương phản đối phái đoàn Cộng Sản Việt Nam đến tham dự. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Nơi tổ chức ASEAN Fest 2016 tại Carousel court, tầng 1 bên trong thương xá này, với đề tài Arts và Culture của các quốc gia Đông Nam Á. Có khoảng 10 gian hàng của các quốc gia này trưng bày những tranh ảnh, vải vóc, quần áo truyền thống, tượng, dịch vụ du lịch... Ngoài ra, còn có những màn trình diễn ca vũ truyền thống, biểu diễn thời trang, văn hóa... của các quốc gia này.

Theo ban tổ chức cuộc biểu tình, ban an ninh của thương xá không cho người đi biểu tình mang cờ lớn hoặc bảng khẩu hiệu vào nơi tổ chức ASEAN Fest 2016 mà chỉ được đến dự mà thôi. Tuy nhiên, có rất nhiều đồng hương mang theo cờ vàng VNCH và cờ Mỹ nhỏ cầm tay, và những khăn choàng cổ với dạng lá cờ vàng hoặc những chiến nón lá có vẽ cờ VNCH.

Nơi tổ chức, một sân khấu trình diễn và khoảng 60 ghế ngồi cho cư dân đến xem trình diễn văn nghệ của các quốc gia Đông Nam Á. Có rất nhiều đồng hương Việt Nam đến ngồi hàng ghế đầu, một số trên tay cầm cờ vàng VNCH và cờ Mỹ, một số choàng khăn bằng cờ vàng.

Bàn trưng bày những sản phẩm đến từ Việt Nam có tranh ảnh, tượng, trống đồng... và một vài nam nữ trẻ Việt Nam đứng tại quầy. Một số đồng hương đến ngay gian hàng của Việt Nam, nói lớn: “Vietnam Communist go home.” Rồi sau đó, không còn thấy những nhân viên Việt Nam đứng trong gian hàng của Việt Nam nữa.
Gian hàng triển lãm của Việt Nam. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Màn trình diễn văn nghệ của các quốc gia Đông Nam Á bắt đầu trình diễn. Sau những màn trình diễn này, vẫn chưa thấy tiết mục của Việt Nam. Tin tức cho biết là màn trình bị hủy bỏ.

Chờ mãi không thấy đoàn văn nghệ Việt Nam xuất hiện, và đến màn trình diễn của Laos thì một số đông người Việt đứng lên, trên tay với cờ vàng VNCH và cờ Mỹ la to “đả đảo cộng sản,” “Communist go home”... Nhân viên an ninh và một số thành viên trong ban tổ chức đến yêu cầu họ rời nơi trình diễn.

Nghị viên Phát Bùi, chủ tịch Cồng Đồng người Việt Quốc Gia Nam California, cho biết: “Khi nghe tin phái đoàn Cộng Sản Việt Nam gần 100 người từ tòa tổng lãnh sự Việt Nam ở San Francisco xuống đây để triển lãm những sản phẩm ở South Coast Plaza, Costa Mesa, chúng tôi phải cấp tốc ngưng tất cả mọi việc tranh cử để cùng đồng hương đứng lên phản đối nhà cầm quyền cộng sản trong một số vấn đề vi phạm nhân quyền và tự do, cũng như việc cứ để cho tệ nạn ô nhiễm môi trường tiếp tục lan rộng mà không có biện pháp giải quyết cụ thể để dân nghèo và ngư phủ được sinh sống bằng nghề biển của mình.”
Khuôn viên tổ chức ASEAN Fest 2016, lúc có màn trình diễn của Thái Lan. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Ông Dương Văn Tấn, đến từ Canada, nhân chuyến đến thăm viếng Nam California, cũng tham gia cuộc biểu tình.

“Sáng nay, tôi được tham dự lễ chào cờ tại Tượng Đức Thánh Trần và nghe có vụ biểu tình nên tôi rất hưởng ứng tham dự. Tinh thần của người Việt mình ở hải ngoại là phải chống Cộng, vì thế bất cứ có vụ biểu tình nào chống Cộng là tôi tham dự.” Ông Tấn nói.

Nhạc sĩ Xuân Điềm chia sẻ, “Ban Tù Ca Xuân Điềm luôn yểm trợ các tổ chức đấu tranh chống Cộng. Hôm nay, chúng tôi đến đây để đi biểu tình chống phái đoàn Cộng Sản Việt Nam để góp tiếng nói đấu tranh của cộng đồng ở hải ngoại nhằm yểm trợ cho đồng bào trong nước.”
Poster tổ chức. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Ông Phạm Hữu Sơn, chủ tịch Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Bắc California, đến từ San Jose, cho biết chiều hôm qua ông nhận được email khẩn cấp thông báo sẽ có cuộc biểu tình ở Nam California, bởi vì phái đoàn của Cộng Sản sẽ tổ chức một buổi triển lãm. Nghe tin này, ông Sơn và một số anh em khác lập tức thành lập phái đoàn, xuống hỗ trợ tinh thần đấu tranh của anh em Nam California.

“Chúng tôi ở gần bên tòa tổng lãnh sự của Việt Nam, cho nên những tên cộng sản đi đến đâu là chúng tôi đuổi theo đến đó để chống đối và đuổi ra khỏi lãnh vực của chúng ta.” Ông Sơn nói.

Buổi triển lãm kết thúc lúc 6 giờ chiều cùng ngày.

05-06-2016 5:18:50 PM 

Việt Nam: Doanh nghiệp tư nhân lại tố hệ thống công quyền

HÀ NỘI (NV) - Sau khi nghe chủ các doanh nghiệp tư nhân kể khổ, một viên phó thủ tướng Việt Nam tên là Vương Đình Huệ chỉ hứa là sẽ sớm có... luật mới!

Cuộc trò chuyện giữa một phó thủ tướng Việt Nam với chủ doanh nghiệp tư nhân hồi cuối tuần trước. (Hình: TBKTSG)

Cuối tuần vừa qua, chính phủ Việt Nam đã tổ chức một cuộc trò chuyện với 100 doanh nhân trẻ, được xem là xuất sắc trong “khởi nghiệp” của năm 2016.

Giống như nhiều cuộc trò chuyện khác với chủ các doanh nghiệp tư nhân, cuộc trò chuyện vừa kể ngập trong các lời tố cáo về hệ thống công quyền và kết thúc với... vài lời hứa.

Theo tờ Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn thì tại cuộc trò chuyện, ông Đỗ Huy Hiệu, giám đốc công ty DVH-Bransons, chuyên tổ chức đào tạo cho các doanh nghiệp, tố cáo rằng, DVH-Bransons thường phải mời các chuyên viên ngoại quốc vào Việt Nam hướng dẫn. Tuy thời gian hướng dẫn chỉ chừng hai hoặc ba ngày nhưng bắt buộc phải xin giấy phép. Ông Hiệu khẳng định, nếu không “lót tay” sẽ không thể nhận được giấy phép. Tuy đã “lót tay” nhưng hồ sơ xin giấy phép phải nộp trước tối thiểu một tháng, nếu không, hồ sơ sẽ bị trả lại, song nếu chi thêm 15 triệu thì chỉ trong vài ngày là cầm được giấy phép.

Ông Hiệu nói thêm, hoạt động của ngành thuế dường như không nhằm thu thuế cho nhà nước nên nộp thuế rất gian nan. Mới đây, nhân viên ngành thuế đã trách nhân viên của ông rằng: “Công ty thành lập đã ba năm rồi mà giờ mới đến ‘thăm’ các anh chị à!” Ông hiệu nhấn mạnh, chúng tôi là doanh nghiệp nhỏ, không có đủ tiền để ‘lót’ quá nhiều cửa như vậy đâu!”

Bà Võ Thị Tuyết Hà, giám đốc công ty Song Long ở Khánh Hòa, chuyên sản xuất thức ăn cho thủy sản, kể thêm, công ty của bà muốn đăng ký sản phẩm dưới dạng thảo dược nhưng tại Việt Nam không có bộ phận đảm trách loại sản phẩm này nên cuối cùng phải đăng ký sản phẩm ở dạng dược và trở thành đối tượng để hết cảnh sát kinh tế, tới quản lý thị trường... thay nhau kiểm tra, thanh tra liên tục.

Giống như ông Hiệu và bà Hà, chủ nhiều doanh nghiệp tư nhân thay nhau than phiền về thủ tục rườm rà, những lời hứa về ưu tiên, ưu đãi cũng chỉ là lời hứa.

Giống như tiền nhiệm và nhiều viên chức lãnh đạo khác, viên phó thủ tướng tên là Vương Đình Huệ tiếp tục cam kết sẽ “đồng hành với doanh nghiệp,” sẽ “tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp,” đồng thời cho biết đã soạn “luật hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ” để trình Quốc Hội Việt Nam.

Cần lưu ý rằng, riêng năm ngoái, có 80,000 doanh nghiệp tư nhân tại Việt Nam phá sản, xin giải thể hoặc tạm ngưng hoạt động. So với những năm trước đó thì con số này tiếp tục tăng chứ không giảm. Trong vòng mười năm vừa qua, cho dù nhiều chuyên gia kinh tế liên tục cảnh báo, doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam đang kiệt sức và có thể sẽ bị bóp chết nhưng chính quyền Việt Nam không những không hỗ trợ mà còn thực thi những chính sách giúp các doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư của ngoại quốc (FDI) chèn ép giới này.

Thậm chí, tại hội thảo về Kinh Tế Việt Nam 2015 hồi Tháng Giêng năm nay, bà Phạm Chi Lan, một chuyên gia kinh tế, khẳng định, nhà nước đang trở thành nhân tố thứ ba chèn ép khu vực tư nhân. Khu vực tư nhân thu hẹp rồi chết là tất nhiên.

Đến đầu năm nay, các số liệu thống kê của Tổng Cục Thống Kê Việt Nam cho biết, chỉ có giá trị hàng hóa xuất cảng của các doanh nghiệp FDI tăng, còn giá trị hàng hóa xuất cảng của các doanh nghiệp Việt Nam giảm gần 9%. Các doanh nghiệp FDI hiện chiếm khoảng 50% giá trị sản xuất công nghiệp và khoảng 70% giá trị xuất cảng và điều đó không bảo đảm cho “phát triển bền vững.”

Tuy nhiên đến giờ, động lực của kinh tế Việt Nam vẫn là những doanh nghiệp FDI và sắp tới có lẽ “cũng vẫn như vậy!”

Theo kết quả một cuộc khảo sát do Ngân Hàng Thế Giới thực hiện thì tại Việt Nam, khối doanh nghiệp tư nhân phải đóng góp tới 40.8% lợi nhuận cho nhà nước thông qua các khoản thuế, phí. Cũng vì vậy đã có một số chuyên gia kinh tế “thắc mắc,” khi nhà nước “hăng hái” thu tiền cho ngân sách như vậy thì phải hiểu thế nào về những tuyên bố liên quan tới “cải thiện môi trường kinh doanh?”

Càng ngày mức độ bi quan của các chuyên gia kinh tế nào Việt Nam càng lớn vì nợ nần quốc gia tăng vọt, nội lực của doanh giới thì suy giảm trầm trọng chưa từng thấy. (G.Đ)

05-06-2016 3:58:19 PM 

Dân thắp nhang tế sống cô hồn các đảng côn an cộng sản

Bạn đọc Danlambao - Hàng trăm tiểu thương chợ Cái Sao (phường Mỹ Thới, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang) đã phải thắp nhang vái lạy, van xin nhà cầm quyền đừng triệt hạ đường sống của gia đình. 

Vụ việc xảy ra sáng ngày 4/6/2016 sau khi lực lượng CA kéo đến nhằm yêu cầu người dân phải di dời sang một ngôi chợ do tư nhân xây dựng.

Trong video ghi lại tại hiện trường, có thể thấy rõ những khuôn mặt vô cảm của lực lượng công quyền, chung quanh là tiếng van xin và than khóc của những người tiểu thương lam lũ.

Nhiều chị phụ nữ vừa thắp nhang vừa khóc lóc van lạy: "Con lạy mấy cha, mấy cha tha cho tui đi! Khổ lắm rồi!"

Được biết, chợ Cái Sao đã có từ trước năm 1975, nằm sát bên bờ sông Hậu, là nguồn thu nhập chính của hàng trăm hộ dân trong vùng.

Vào cuối năm 2015, UBND phường Mỹ Thới đã cấu kết với công ty TNHH Đầu tư và Chế biến lương thực Thiên Ngọc xây dựng một khu chợ mới, sau đó ép buộc bà con tiểu thương phải di dời sang.

Tuy nhiên, đa số bà con không đồng ý di dời vì chợ Cái Sao phù hợp với tập quán mua bán của người dân, các tiểu thương cũng đã gắn bó với chợ hàng chục năm năm trời. 

Khu chợ mới do tư nhân xây dựng lại quá xa, không phù hợp với việc buôn bán. Thậm chí, người dân muốn kinh doanh tại chợ mới phải đóng 38 triệu đồng (chưa tính lệ phí hàng năm), vượt quá khả năng của bà con, trong khi mức phí hiện nay tại chợ Cái Sao chỉ khoảng 1,5 triệu đồng/năm.

Do người dân không đồng ý di dời, cho nên từ nhiều ngày qua, nhà cầm quyền địa phương đã dùng nhiều thủ đoạn để quấy phá và ngăn cản việc buôn bán của người dân. 

Sang đến ngày 4/6/2016, lực lượng CA tiếp tục kéo đến nhằm ép buộc các tiểu thương phải đóng chợ và di dời sang nơi khác.

Quá phẫn uất, nhiều người dân đã phải quỳ xuống thắp nhang, van xin CA đừng phá chợ.

Mỹ và Trung Quốc tố nhau khiêu khích tại Biển Đông

Tú Anh Đăng
 Theo RFI-05-06-2016 11:48 
media
Đô đốc Tôn Kiến Quốc tại Diễn đàn an ninh khu vực Shangri-La. Ảnh ngày 05/06/2016. Reuters 
Ngày cuối cùng tại Diễn đàn an ninh Shangri-La -Singapore, 05/06/2016, Mỹ và Trung Quốc lên án nhau « khiêu khích » tại biển Đông, nơi Bắc Kinh xây dựng một loạt tiền đồn và tuyên bố chủ quyền trên 80% diện tích bất chấp phản đối của các quốc gia Đông Nam Á.
Theo tuyên bố của đô đốc Trung Quốc Tôn Kiến Quốc (Sun Jianguo) : « Hồ sơ Biển Nam Hải (Biển Đông) trở thành nghiêm trọng do có sự can thiệp của một vài nước bên ngoài vì quyền lợi ích kỷ không muốn đồng hành hoà bình với Trung Quốc ». Trưởng đoàn Trung Quốc không nhắc tên Hoa Kỳ nhưng cho rằng Trung Quốc « không tạo vấn đề cũng không sợ vấn đề ».
Tuyên bố này có lẽ để đáp trả lời cảnh cáo của bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter. Ngày hôm trước, trưởng đoàn Mỹ khẳng định chính sách « xây tường thành ở biển Đông sẽ làm Trung Quốc bị cô lập và sẽ bị Mỹ cùng các quốc gia trong khu vực đáp trả ».
Nhân cơ hội công du Mông Cổ, nền dân chủ nằm giữa Nga và Trung Quốc, từ Oulan-Bator, ngoại trưởng Mỹ John Kerry lên án chính sách « quân sự hóa » Biển Đông của Bắc Kinh. Ngoại trưởng John Kerry một mặt nhắc lại lập trường của Washington « không bênh vực yêu sách chủ quyền của phe nào » nhưng « yêu cầu Bắc Kinh không nên « gây hấn » và « đơn phương quân sự hóa » Biển Đông.
Nếu Trung Quốc ban hành « vùng nhận dạng phòng không trên Biển Đông » thì « hành động kiêu khích này sẽ tức khắc làm tình hình căng thẳng lên ». Chiều ngày 05/06/2016, ngoại trưởng Mỹ sẽ đến Bắc Kinh trong khuôn khổ Đối thoại Chiến lược và Kinh tế Mỹ Trung mở ra trong hai ngày 06 và 07/06/2016.
Chính sách của Trung Quốc độc chiếm biển Đông bằng sức mạnh không được một cường quốc nào hậu thuẫn cho dù trưởng đoàn Bắc Kinh phủ nhận là « không bị cô lập ».
Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Manohar Parrikar đề nghị một « khuôn khổ » an ninh khu vực không giải quyết tranh chấp bằng đe dọa và vũ lực.
Dại diện cho Pháp tại diễn đàn an ninh khu vực, bộ trưởng Quốc phòng Jean- Yves Le Drian tuyên bố « tranh chấp Biển Đông có liên quan trực tiếp đến Liên Hiệp Châu Âu, không phải chỉ vì quyền lợi kinh tế mà còn vì nguyên tắc tự do lưu thông phải được tôn trọng». Bộ trưởng Pháp đề nghị « Hải quân Liên Hiệp Châu Âu » tham gia tuần tra tại Biển Đông một cách « thường xuyên và rõ rệt ».

Ngoại trưởng Trung Quốc nổi nóng - Chính phủ Canada lãnh đủ

Trần Gia Hồng Ân

(VNTB) - Tuần này, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc – Vương Nghị đến thăm Canada. Ông đã để lại một hình ảnh xấu nếu không nói là khá thô lỗ sất sược trên truyền thông và cả trong lòng người Canada.

 Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc – Vương Nghị 

Sáng thứ Tư, tại buổi họp báo chung giữa hai Bộ trưởng Ngoại giao, Stéphane Dion và Vương Nghị, nữ phóng viên Canada, Amanda Connolly của tờ iPolitics đặt câu hỏi cho Ngoại trưởng Canada:

“Có quá nhiều  nỗi lo lắng về thành tích nhân quyền của Trung Quốc. Thí dụ, việc giam giữ bất hợp pháp những người bán sách tại Hong Kong. Vợ chồng Garratts nguời Canada bị buộc tội làm gián điệp mà không có bằng chứng.  Chưa kể đến tham vọng lãnh thổ ở Biển Đông, quân sự hoá vùng biển này. Đó là những quan ngại lớn. Tại sao Canada lại theo đuổi chính sách thân thiện với Trung Quốc? Với vai trò là Ngoại trưởng Canada, ông định làm gì để cải thiện tình trạng nhân quyền và an ninh trong vùng Đông Nam Á? Ông có đặc biệt đưa trường hợp giam giữ Garratts ra bàn thảo với Ngoại trưởng Trung Quốc hôm nay không?”

Câu hỏi của nữ phóng viên Canada, giành cho Ngoại trưởng Canada, nhưng Vương Nghị lấn sân để trả lời:   

“Tôi muốn trả lời câu hỏi này mà phóng viên vừa nêu lên mối quan tâm về Trung Quốc. Tôi nói thẳng rằng, câu hỏi của bà là kỳ thị chống lại Trung Quốc với thái độ kiêu ngạo mà tôi cũng không biết nó đến từ đâu. Câu hỏi này không thể chấp nhận. Bà có hiểu tý gì về Trung Quốc khổng? Bà đã tới Trung Quốc chưa? Bà có biết rằng Trung Quốc từ một quốc gia lạc hậu nhưng đã đưa 600 triệu người thoát cảnh đói nghèo. Bà có biết rằng giờ đây Trung Quốc là cường quốc kinh thế thứ hai thế giới với thu nhập bình quân 8000 Mỹ kim đầu người / năm. Nếu chúng tôi không bảo vệ nhân quyền, liệu Trung Quốc có thể đạt được thành tựu vĩ đại này không? Bà có biết rằng Trung Quốc viết rõ quyền con người vào trong Hiến pháp không? Tôi nói cho bà biết. Chỉ có người Trung Quốc, chính người Trung Quốc mới hiểu rõ thành tích nhân quyền của họ. Không phải bà.  Bà không có quyền để nói về vấn đề này. Bởi vậy, làm ơn đừng nêu ra những câu hỏi vô trách nhiệm nữa. Trung Quốc nghe những ý kiến  xây dựng, nhưng chúng tôi phủ nhận tất cả những cáo buộc không có cơ sở.”   

Đó là chưa kể đến thái độ và cử chỉ hống hách trịch thượng của Vương Nghị khi trả lời.

Cùng dự buổi họp báo có các phóng viên của The Canadian Press, The Globe and Mail, Reuters, CBC, The Wall Street Journal and The Tyee, The New York Time.

Truyền thông đã chỉ trích Ngoại trưởng Canada không can thiệp để Vương Nghị chiếm diễn đàn, không bảo vệ phóng viên. Ông bào chữa rằng nữ phóng viên Connolly là một cây viết cự phách, nhiều  kinh nghiệm, chẳng cần đến sự cứu giúp.

Tuy vậy, Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã công khai bày tỏ sự  không hài lòng với cách xử sự của cả Ngoại trưởng Vương Nghị và viên Đại sứ Trung Quốc tại Canada. Ông tuyên bố: Tự do ngôn luận, tự do biểu đạt là những quyền vô cùng quan trọng trên đất Canada. Công việc của giới truyền thông là để hỏi về những vấn đề gai góc.

Có đôi lời về việc chồng Kevin Garratt và vợ Julia Dawn Garratt, bị Trung Quốc bắt vào tháng 8/2014 về tội gián điệp. Sự thực, vợ chồng Garratt là những người truyền giáo Tin Lành. Họ đã tới vùng hẻo lánh nằm giữa biên giới Trung Quốc và Bắc Triều Tiên, mở một quán café nhỏ để sống và truyền đạo.

Ngay sau khi Canada tố cáo Trung Quốc dùng hacker để đánh cắp tài liệu của Ủy ban Nghiên cứu Quốc gia, thì Trung Quốc bắt vợ chồng Garratt và buộc tội gián điệp. Những bằng chứng mà phía Trung Quốc nêu ra thì phíaCanada cho là vô căn cứ. Sau những trận đấu ngoại giao bà Garratt đã trở về Canada, nhưng chồng vẫn đang bị giam giữ.

Clement nguyên ngoại trưởng dưới thời chính phủ của đảng Bảo Thủ phát biểu: Cư xử của Vương Nghị là không thể chấp nhận trên đất Canada. Nếu chúng ta tới Bắc Kinh với vai trò một bộ trưởng hay thủ tướng. Chúng ta luôn tôn trọng văn hóa Trung Quốc và sự khác biệt giữa hai quốc gia. Còn ông ta đến đây ông ngồi xốm lên những giá trị thiên liêng của Canada. Không thể chấp nhận được.

Ngoại trưởng Canada cùng với cả chính phủ của tân Thủ tướng Justin Trudeau đang bị dư luận Canada phê phán nghiêm khắc về việc phản ứng quá chậm và quá yếu trước thái độ hỗn láo của Vương Nghị.

Canada, Saturday 4/6/2016

Xót xa phận người gánh thuê bị bỏ lại sau cơn lốc đô thị hóa ở Trung Quốc

Thu Hằng-05-06-2016

Xót xa phận người gánh thuê bị bỏ lại sau cơn lốc đô thị hóa ở Trung Quốc

Các "tiểu đoàn" gánh thuê hay còn gọi là "cửu vạn" cá biệt chỉ có ở Trùng Khánh và đã trở thành một nét đặc trưng của Trùng Khánh. Giờ đây họ chẳng còn việc để làm vì đã có những phương tiện hiện đại thay thế.

Trong cơn mưa tầm tã, ông Yu Xiao Yan đang ôm chiếc đòn gánh tre, đợi chờ việc để làm tại gần trung tâm thành phố Trùng Khánh- một thành phố lớn ở phía Tây Nam Trung Quốc. Người đàn ông đã 60 tuổi gầy guộc nhưng rắn rỏi, với mái tóc hoa râm, bộ râu thưa thớt trong dáng vẻ cam chịu, ông đăm chiêu tâm sự: "Tôi đã ngồi ở đây suốt 20 năm, nhưng chưa bao giờ thấy công việc khó khăn nhưng vậy". Ông được người dân địa phương gọi là ông lão gánh thuê.
Yu là một trong những người gánh thuê mà qua nhiều thế hệ đã từng thồ hàng hóa trên dọc đoạn sông Dương Tử và Gia Lăng, trong lòng thành phố Trùng Khánh. Chỉ bằng những chiếc gậy tre và dây thừng, họ phải kéo hàng tá hàng hoá lên những sườn dốc. Tất tần tật mọi thứ từ TV màn hình rộng đến những khối đá gạch lớn hay cả những chiếc lốp xe đều được buộc sẵn vào gậy ngắn và sẵn sàng để cho họ vác lên đôi vai trai sạm của mình.
Các "tiểu đoàn" gánh thuê hay còn gọi là "cửu vạn" cá biệt chỉ có ở Trùng Khánh và đã trở thành một nét đặc trưng của thành phố này (cũng bởi trước đó người dân Trung Quốc ít có xe đạp để đi, và khi họ trở lên giàu có thì những người gánh thuê như thế này lại càng ít thấy ở khắp nơi).
Năm 2014, khi Thủ tướng Lí Khắc Cường đến thăm nơi đây, ông đã gọi những người này là "một hình ảnh biểu trưng cho tinh thần lao động chăm chỉ của người dân Trung Quốc".
Nhưng công việc của họ đang mất dần. Ông Yu cho hay: "Lần đầu tiên tôi đặt chân tới đây, đã có hàng ngàn người làm nghề gánh thuê như tôi, và có hàng tá việc để làm, nhưng giờ chẳng còn được bao nhiêu..." Theo một phóng sự năm 2015 của kênh truyền hình quốc gia, trong cuối những năm 90, toàn thành phố có đến hơn 300,000 người đàn ông làm nghề khuân bê bốc vác như vậy. Thế mà hiện giờ con số này chỉ còn có 3,000 người.
Theo như lời ông Yu "chẳng ai có học thức mà lại đi làm cái nghề này, tất cả chúng tôi đều là những người đã già cả"
Đúng như ông nói. Qua một cuộc khảo sát vào năm 2015 của nhóm sinh viên Chen Hong, Liu Dapei, và Du Zhongbo thuộc trường đại học Trùng Khánh trên khoảng 400 người công nhân gánh thuê cho thấy: 2/3 số họ đã ngoài 50 tuổi. Viện trưởng viện kinh tế và phát triển xã hội Trùng Khánh - ông Zhou Xuexin nhận định rằng: "Sự suy giảm của nghề này tượng trưng cho sự lão hóa của xã hội Trung Quốc"
Điều này cũng phản ánh sự phát triển cơ sở hạ tầng đô thị. Khi mà đường xá còn thô sơ chưa được trải nhựa và các tòa nhà thì chưa có thang máy, thì sức người (hay sức mạnh cơ bắp) là cách duy nhất được tận dụng để chuyển hàng hóa lên xuống những đồi dốc cao hoặc vào trong các tòa tháp lớn. Nhưng điều này đã từ lâu không cần thiết nữa khi mà đường xá được nâng cấp và các tòa nhà hiện đại có thang máy mọc lên.
Thay vào đó là sự xuất hiện của các công ty giao hàng với những nhân công trẻ cường tráng trên những chiếc xe gắn máy. Họ lập thành một nhóm trực tuyến để phân chia những việc làm có sẵn
Yu ngậm ngùi giãi bày: "Nhiều người đã phải trở về quê của họ". Rồi người đàn ông đáng thương ấy quay sang viết tên mình, dùng tay vẽ các kí tự lên viên đá hoa nơi ông ngồi. Tất cả bị cơn mưa chiều xóa đi chóng vánh...
Theo Trí thức trẻ/Economist