Tuesday, October 18, 2016

Sài Gòn tiếp tục ngập khi thủy triều lên mức cao nhất trong năm

Sài Gòn tiếp tục ngập khi thủy triều lên mức cao nhất trong năm
Một cơn mưa đến giữa lúc thủy triều lên mức cao nhất từ đầu năm đến nay, khiến nhiều khu dân cư trong thành phố Sài Gòn bị ngập sâu trong nước, nhiều con đường tiếp tục bị nhấn chìm.
Truyền thông trong nước cho biết cơn mưa chiều ngày 17 tháng 10, kết hợp với thủy triều lên mức cao nhất trong năm khiến cho hàng trăm gia đình ở khu dân cư Thanh Đa, quận Bình Thạnh, ngập sâu nửa mét. Người dân Sài Gòn cố gắng làm mọi công việc thường ngày trong nước ngập khoảng 30 cm.
Báo mạng VnExpress dẫn lời bà Đặng Thị Út, một thợ làm tóc, cho biết nước dâng từ hồi 5 giờ chiều. Lúc đó bà mới bắt đầu làm tóc cho khách, và bà đã phải tiếp tục làm cho xong.
Một cư dân khác tên là Lan nói rằng bà đã quen với cảnh chuẩn bị bữa ăn tối cho gia đình khi nước ngập hơn gang tay trong nhà bếp. Một số gia đình không bị ngập, do nền nhà được nâng cách mặt đường hơn 1 mét. Nhưng ngay cả đối với họ, việc đi lại vẫn rất khó khăn.
Tại khu vực quận 7, các con đường Huỳnh Tấn Phát, Lê Văn Lương và Trần Xuân Soạn bị ngập sâu. Thủy triều lên tới đỉnh vào giờ tan tầm khiến giao thông ở khu vực này tắc nghẽn.  Công ty thoát nước đặt bảng điện tử để cảnh cáo chỗ ngập sâu.
Một ngôi nhà trên đường Huỳnh Tấn Phát có đám tang, khách và gia chủ phải lội bì bõm trong nước.
Đã thành thông lệ, tình trạng ngập úng tại Sài Gòn do triều cường thường diễn ra vào khoảng cuối tháng 10 hàng năm. Trong đó, khoảng thời gian đạt đỉnh của triều cường rơi vào khoảng từ ngày 15/10 đến 20/10.
Nhà cầm quyền thành phố đã đầu tư hàng chục ngàn tỷ đồng để chống ngập lụt, tuy nhiên, sau ngần ấy thời gian đầu tư tiền của và công sức, tình trạng này vẫn chưa có chuyển biến gì đáng kể.
ngap3
14595713_1471701552846560_4851251421055638005_n
14650044_1471702242846491_6738547694845736697_n
(Ảnh: zing.vn)
Huy Lam / SBTN

Khi lời nói thật bị mạt sát

10/18/2016 - 03:15 

Người ta thường nói sự thật mất lòng, ngay cả một người tự nhận là mình vừa hiếp dâm, giết người, hay nhẹ hơn như ăn cắp, đốt nhà…cho dù là thành thật thì người nghe ban đầu vẫn nghi ngờ cho sự thành thật đó và với bản năng của con người ít nhất một thời gian sau người ta mới có thể hoàn toàn cảm thông, chia sẻ hay tha thứ.
Nhưng có cái thành thật thú nhận lại bị người ta mạt sát và thời gian càng lâu, sự mạt sát càng tăng cường độ bởi lời trần tình ấy được phân tích qua lăng kính một sự thật khác, sự thật của tội ác và lòng tham lam vô tận của một tập đoàn, một chế độ.
Khi ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tuyên bố giữa nhân dân rằng: “Chống tham nhũng khó vì ta tự đánh ta” thì đó là lời thú nhận chân thành nhất. Nó hoàn toàn không lú, không ngớ ngẩn như rất nhiều người cười cợt. Nó thành thật, thành thật đến ngu xuẩn và vì vậy nó bị mạt sát.
Nó bị mạt sát vì đã thò ra đuôi cáo. Con cáo luôn giả vờ ngây ngô để được yên vị trên chiếc ghế cao nhất. Luôn kêu gọi chống tham nhũng để cuối cùng phải tự nhận bọn tham nhũng là chúng ta, những người đảng viên của Đảng Cộng sản Việt Nam, mà tôi, Nguyễn Phú Trọng là người đảng trưởng. Tôi cũng như các đồng chí, chúng ta đều không ít thì nhiều đều tham nhũng vì vậy thật là khó đánh, vì đánh càng trúng thì tôi và chúng ta cùng đau, cùng vỡ đầu sứt trán.
Có lời thú nhận nào khẩn thiết và đáng …mạt sát như vậy hay không, nhất là trong thời điểm này, một thời điểm mà cả nước đang căng lưng dưới bầu trời u ám của bão lũ, của ô nhiễm, từ tiếng khóc đứt ruột của hơn 30 gia đình có người thân vùi thây trong dòng nước cuồng nộ bởi những chiếc đập thủy điện “đúng quy trình”.
Lời thú nhận ấy sẽ còn âm vang sâu rộng trong các bài viết phân tích của nhiều tác giả sau này ngay cả khi ông Trọng và đảng của ông may mắn hạ cánh an toàn và đảng của ông may mắn không bị trả thù theo kiểu “mắt đền mắt, răng đền răng” của người Do Thái. Lời thú nhận ấy cũng sẽ bị đem ra làm bằng chứng cho hành vi của Đảng Cộng sản từng làm trên mảnh đất Việt Nam.
Ông Nguyễn Phú Trọng vắng mặt lúc người dân đau khổ và khi xuất hiện trở lại càng làm cho họ thù hằn uất hận nhiều hơn.
Giá như ông cứ giả bệnh nằm viện trong khi dân chúng lặn hụp trong trùng trùng sóng nước thì người dân sẽ làm ngơ cho ông. Đàng này ông được xum xuê bợ đỡ như một lãnh tụ đạo đức. Ông cười cợt chúc người này, tiếp người khác như ông là người ngoại quốc tới thăm Việt Nam. Ông không ý thức một việc nhỏ nhưng lại lãnh chức lớn nhất Việt Nam chỉ có hai giải thích: Một là hơn bốn triệu đảng viên đều đáng nguyền rủa như ông bởi họ thành tâm muốn ông làm lãnh tụ cho họ. Hai là hơn bốn triệu đảng viên ấy lợi dụng sự lú lẫn của ông để họ tiếp tục được vơ vét bởi tin chắc rằng ông cũng tham nhũng như họ. Hai giải thích tương đối giống nhau nhưng gộp chung lại đó là cách lý giải hay nhất cho vai trò của ông Trọng từ trước tới nay.
Ông là người lãnh đạo Cộng sản đáng được toàn đảng yêu nhất mặc dù bị toàn dân khó chịu và ghét bỏ nhất.
Đó là nguyên do sự thật ông tỏ bày một cách thảnh thật nhất lại đáng bị mạt sát hơn bất cứ lời tự thú nào.
Chính ông ra lệnh đánh Trịnh Xuân Thanh nhưng cũng ra lệnh hoãn binh đối với Đinh La Thăng là thầy của Thanh khi còn ở Tập đoàn dầu khí. Ông đánh thằng nhỏ nhưng lại sợ thằng lớn hơn. Ông đánh kẻ chạy đi nhưng lại phân vân với người đang trừng mắt nhìn ông ngay tại cái thành phố to nhất nước này. Vậy thì ông ơi, nếu người khác là ông họ sẽ không dại gì thú nhận cái sự thật chúng ta đều tham nhũng. Có nghĩa là ông cũng là Thanh là Thăng là hàng ngàn kẻ khác trong cái Đảng này.
Bời vậy người dân mạt sát ông là phải.
Chọn lựa bị mạt sát để đưa ra thông điệp đồng cảm cho hơn bốn triệu đảng viên là một thái độ khôn ngoan. Vì vậy nếu là đảng viên tôi cũng tuyên bố sẽ bầu cho ông thêm một nhiệm kỳ nữa cho tới khi nào lời tuyên bố sắp tới của ông hết bị mạt sát mới thôi.

Thiên tai một, nhân tai mười!

Song Chi — 10/16/2016 - 12:16

Cảnh tang thương mùa lũ năm nào cũng diễn ra…

Báo chí, truyền thông trong nước cho tới trên facebook mấy hôm nay tràn ngập thông tin, hình ảnh về cơn lũ kinh hoàng ở miền Trung. Không một người VN nào còn có tấm lòng với quê hương với đồng bào, mà không nhói buốt lòng khi nhìn những hình ảnh rớt nước mắt giữa cơn bão lũ: Hàng chục ngàn căn nhà chìm trong nước, bà con leo lên mái chờ nước rút, một người phụ nữ ngồi chông chênh trên mái nhà giữa biển nước mênh mông, những đứa trẻ thò đầu qua cái lỗ trổ trên mái nhà ngóng ra xa chờ sự hỗ trợ, một em bé vừa bơi vừa đội cái thau trên đầu trong đó có con chó ngồi run rẩy, một con bò được cột treo lên, thân chìm trong nước, chỉ còn cái đầu cái mõm nghếch lên thở, một đám tang chạy trong lũ…

Cái nghèo cái khổ vốn đã đeo theo đồng bào miền Trung, lại thêm bão lũ, thiên tai liên miên…Không chỉ tài sản mất hết, hư hại hết, mà đã có ít nhất một chục người chết và hơn một chục người khác bị mất tích. Đó là mới ở Quảng Bình, Hà Tĩnh, còn nữa, Nghệ An, còn nữa, bão lũ vẫn đang chuẩn bị đổ tới…

Nhưng điều đáng nói hơn là bão lũ năm nào cũng xảy ra, nhưng từ trung ương tới địa phương cũng không tính toán được những cách thức làm sao để bà con bớt thiệt hại về tài sản, con người. Năm nào dân cũng phải tự lo, rồi sau đó chính quyền địa phương, có khi quân đội cũng tham gia, cứu hộ bằng sức người là chính, cộng với những phương tiện thuyền bè thô sơ, rồi các tờ báo, các tổ chức dân sự lại kêu gọi cứu giúp, người dân lại “lá rách đùm lá nát” gửi cho nhau những gói mì tôm, chai nước suối…Bao nhiêu năm rồi vẫn cứ là mì tôm, lương khô!

Mỗi vùng nơi hay xảy ra bão lũ lẽ ra nên cấp hàng chục ngàn cái phao cứu sinh cho bà con trước mỗi mùa mưa; tìm cách xây ít nhất vài ba địa điểm lánh nạn tạm thời ở trên cao hoặc nhà cao tầng để sơ tán người và tài sản tạm vài ngày; đất nước có sông ngòi, biển từ Nam ra Bắc sao không có được một đội tàu cứu nạn, cứu trợ to, chuyên nghiệp để cứu trợ dễ dàng hơn; thậm chí, thay vì xây xây bao nhiêu cổng chào, tượng đài hoang phí sao không đầu tư cho một đội trực thăng chuyên cứu nạn, cứu trợ, vừa nhanh vừa hiệu quả v.v…Có vẻ như tài sản của dân chứ có phải của các ông đâu mà các ông đau, xót.

Đã ngu, đã tham lại còn ác!

Điều thứ hai, đáng phẫn nộ hơn là chuyện thủy điện xả lũ làm lũ chồng lũ, thiệt hại nặng nề hơn, năm nào cũng vậy. Như năm nay, một cái đập Hố Hô xả hết cỡ khiến người dân Hà Tĩnh không kịp trở tay, mới qua hai ngày đã có hàng chục ngàn căn nhà chìm trong nước, chưa kể người chết, người mất tích.

Nào đã yên, lại rục rịch chuẩn bị xả lũ ở hồ Vực Mấu là hồ thủy lợi lớn nhất Nghệ An. Báo chí đưa tin, cũng chính đơn vị này, năm 2013 “hồ Vực Mấu đã từng mở tràn xả lũ gây nên trận lụt lịch sử, người dân vùng hạ lưu đã chìm trong biển nước. Hàng ngàn ngôi nhà bị ngập, tổng thiệt hại ước tính gần 800 tỷ đồng”. Và sau đó những người có trách nhiệm trả lời do không lường hết trước được hậu quả! (“Ngày 16/10, sẽ xả lũ ở hồ thủy lợi lớn nhất Nghệ An”, VOV, “Chúng tôi không lường hết hậu quả khi xả lũ”, bài đăng năm 2013 trên VNExpress)…

Một cách trả lời vô cảm, cũng như năm nay, "Ông Vũ Mạnh Hùng, Giám đốc nhà máy thủy điện Hố Hô (công ty CP thuỷ điện Hồ Bốn) cho rằng, việc xả lũ tại Hương Khê là đúng quy trình." ("Thủy điện xả lũ nhấn chìm nhà dân, chủ tịch huyện nóng mặt", VietnamNet). “Đúng quy trình", một cụm từ xài quen trên cửa miệng các quan!

Bao nhiêu tài sản tính mạng của dân, chả ai bồi thường một xu cũng chả ai bị sứt mẻ gì, ghế ai nấy tiếp tục ngồi!

Dẹp mấy cái đập thủy điện đi, nhất là ở khu vực miền Trung, nước ta nắng gió thừa thãi, xách cặp theo học mấy nước châu Âu và Bắc Âu lấy điện từ năng lượng gió, năng lượng mặt trời đi. An toàn hơn thủy điện và điện hạt nhân nhiều. Nhưng do sự bất cập trong chính sách của nhà cầm quyền và một số lý do khác, rất nhiều dự án điện gió, điện mặt trời ở VN vẫn chưa triển khai được, hầu hết đang “bất động” hoặc nhà đầu tư bỏ cuộc. Trong khi đó thì những năm qua nhà cầm quyền VN lại hăm hở phá triển thủy điện, là do các nhà thầu Trung Quốc bỏ thầu thấp, lại rất biết cách “lại quả”, rộng rãi chi “tiền huê hồng”, hoặc do Bắc Kinh “hào phóng” cho vay với điều kiện phải là công ty Trung Cộng thực hiện…

Vì tầm nhìn không quá lỗ mũi nhưng cái chính vì lòng tham vô đáy, nhà cầm quyền VN đã không hề nghĩ gì tới cái hại khi xây thủy điện trong một quốc gia có lượng mưa quá lớn, năm nào cũng có bão lũ nên năm nào cũng xảy ra chuyện xả lũ, lũ chồng lũ như vậy! Chưa kể lại còn lao vào những dự án điện hạt nhân với Tàu với Nga, lại càng thêm nhiều mối lo. Nhiều quốc gia trên thế giới trong đó có Đức đã chính thức dẹp bỏ các nhà máy điện hạt nhân. VN là một nước nhỏ, nghèo, các điều kiện đảm bảo an toàn, cứu trợ đã kém, mà lại đất chật, dân đông, rất không nên phát triển điện hạt nhân. Điện hạt nhân chỉ có thể tiền hảnh ở những quốc gia có trỉnh độ kỹ thuật cao, năng lực ứng phó, cứu trợ hữu hiệu, đất rộng, người thưa…Bài học nổ/rò rỉ nhà máy điện hạt nhân ở Nga, ở Nhật chưa đủ làm nhà cầm quyền VN quan tâm. Với họ, tiền là trên hết, tính mạng tài sản, tính mạng của dân thì là cái đinh gì!

Thiên tai một, nhân tai mười.

Nhìn lại chỉ mới từ đầu năm đến nay, bao nhiêu thảm họa đổ xuống đầu nhân dân. Hạn hán và ngập mặn ở đồn bằng sông Cửu Long khiến mùa màng mất trắng, bà con chỉ còn biế ngồi khóc trong câm lặng trên những cánh đồng khô nứt toác. Thảm họa biển chết, cá chết xảy ra đã hơn nửa năm, hàng chục ngàn hộ ngư dân lâm vào cảnh thất nghiệp hoặc gần thất nghiệp, hàng trăm ngàn người thuộc các lĩnh vực như du lịch, nhà hàng, xuất khẩu thủy hải sản…cũng bị điêu đứng theo, và những nguy cơ ô nhiễm môi trường, bệnh tật kéo dài hàng chục năm treo lơ lửng trên đầu người dân VN. Rồi hiện tượng cá chết lan rộng ra cả những vùng khác, cả những lồng bè nuôi cá, khiến người dân nơi này nơi khác phẫn nộ xuống đường biểu tình, mang theo những con cá chết trương sình, mắt mở trừng trừng đầy ám ảnh. Rồi lũ lụt ở miền Trung v.v…

Nhưng ngẫm cho kỹ tất cả những tai họa trên, thiên tai chỉ là một phần, cái chính là nhân tai-do con người gây nên. Hạn hán, ngập mặn và cả cái chết dần dần của đồng bằng sông Cửu Long, vựa lúa lớn nhất nước là hậu quả từ việc sử dụng nguồn nước thiếu khoa học của các nước láng giềng cộng với việc Trung Quốc xây mấy cái đập thủy điện “khủng” ở đầu nguồn, điều này đã được các nhà khoa học, chuyên môn cảnh báo từ lâu nhưng nhà cầm quyền VN vẫn không chịu tính cách đối phó lâu dài. Bây giờ cứ xảy ra hạn hán, ngập mặn thì lại đi năn nỉ Trung Quốc xả bớt nước!

Rồi nếu không phá rừng bừa bãi, xây đập thủy điện vô tội vạ thì lũ lụt đâu có kinh hoàng đến thế. Nếu không mở cửa cho Formosa vào xây nhà máy thép với những điều kiện hết sức lỏng lẻo thì thảm họa biển chết đâu diễn ra. Còn nữa, họa “bùn đỏ” bauxite Tây Nguyên, họa rò rỉ phóng xạ hạt nhân từ các nhà máy hạt nhân do Trung Cộng xây sát biên giới VN và chính VN cũng đang triền khai mấy nhả máy điện hạt nhân, cũng lại ở khu vực miền Trung…

Nếu người Việt mình đừng giỏi chịu đựng đến thế…

Bao nhiêu thảm họa xảy ra nhưng từ thái độ cho tới cách ứng phó của nhà cầm quyền như thế nào? Suốt thời gian qua trước hậu quả nghiêm trọng của thảm họa môi trường do Formosa gây nên, tập đoàn lãnh đạo đảng và nhà nước cộng sản VN làm gì? Sau khi ép được tụi Formosa nhả ra 500 triệu USD gọi là bồi thường, ngược lại, phía VN phải bồi hoàn tiền thuế còn lớn hơn cả số tiền đó, nhà cầm quyền tự cho như thế là xong. Dân đen ai biểu tình phản đối liền bị bắt giữ, hạch sách, nhà cầm quyền còn công khai đứng về phía Formosa, đưa quân đội, vũ khí, xây hàng rào bảo vệ Formosa, sẵn sàng quyết chiến với dân.

Hội nghị Trung ương đảng lần thứ tư khai mạc. “Xây dựng, chỉnh đốn Đảng luôn là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa sống còn đối với Đảng và chế độ, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh trong phát biểu khai mạc hội nghị Trung ương lần thứ tư, sáng 9/10.”

Thảo luận, ra nghị quyết về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ... Bởi vì đó là mối quan tâm lớn nhất của Tổng Trọng và tập đoàn Ba Đình. ("Tổng bí thư: Ngăn chặn “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”, VNEconomy).

Khi lũ lụt xảy ra tang thương ở miền Trung, tập đoàn lãnh đạo đảng và nhà nước cộng sản VN làm gì? Ông Thủ thì gửi "công điện hỏi thăm đồng bào", ra chỉ thị cho cấp dưới chống lũ, rồi ông và đám phó, đám đại biểu ngồi trong phòng máy lạnh êm ru nhắn tin ủng hộ người nghèo (“Thủ tướng nhắn tin ủng hộ người nghèo”, VNExpress); bà Chủ tịch Quốc hội thì chưng diện áo dài, mặt tươi hơn hớn đi dự khai mạc Festival áo dài tại Hà Nội (“Chủ tịch Quốc hội dự khai mạc Festival áo dài”, Tuổi Trẻ). Ông Chủ tịch lặn đâu không biết, ông Tổng Trọng còn đang bận kêu gọi dân cứu đảng, dân cứu đảng còn ai cứu dân? Rõ rồi, dân đen tự lo cứu nhau, trước giờ vẫn thế. Còn các quan đầu đẳng thì chờ khi nào dân chửi quá hoặc nước rút hết thì mới có một hai tay làm bộ xắn quần xuống vùng lũ ngó ngó chỉ tay năm ngón…

Phải nói thật, quá rõ bản chất cái nhà nước này, thế nhưng tôi vẫn chưa bao giờ hết kinh ngạc về mức độ vô cảm, tàn ác của họ đối với dân với nước, cũng như chưa bao giờ thôi sửng sốt trước sức chịu đựng vô bờ bến của người VN!

Nếu người dân Việt mình đừng giỏi chịu đựng đến thế...

songchi's blog

Người dân chết vì “Đúng quy trình”

 Mặc Lâm, RFA 2016-10-17 
Nhà cửa, ruộng vườn chìm trong biển nước vì xả lũ.

Nhà cửa, ruộng vườn chìm trong biển nước vì xả lũ. Courtesy of NLĐ

Lũ lụt ba tỉnh miền Trung năm nay được xem là khủng khiếp ngay cả nếu so với trận lụt năm 2010. Thiệt hại nhân mạng tài sản người dân quá lớn không có gì bù đắp nổi và báo chí đã lần ra nguyên nhân làm cho thiên tai lớn hơn chính là quy trình xả lũ của thủy điện Hố Hô nằm giữa hai tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình.
“Đúng quy trình”
Thảm họa xả lũ
Vài năm nay cụm từ “Đúng quy trình” luôn được cán bộ các cấp mang ra thanh minh cho việc sai trái của cơ quan hay cá nhân. Từ phân bố nguồn nhân sự của Bộ Nội vụ cho tới sai phạm chết người trong ngành Y tế, hay lỗi kỹ thuật của một công trình xây dựng, cứ mang cụm từ này ra là dư luận không còn cách nào phản biện.
Trong trận lũ ngày 14 tháng 10 năm nay, câu “Đúng quy trình” lại được công ty Hố Ba mang ra che chở cho sai phạm của mình sau khi thủy điện Hố Hô làm cho cả huyện Hương Khê của Hà Tĩnh chìm trong biển nước. Đã có 20 người chết, 9 người mất tích cùng hàng chục ngàn căn nhà chìm dưới nước. Tài sản người dân trôi theo nước ra biển và bản thân họ ngay sau khi lũ rút đi vẫn không biết đâu là nhà để trở về.
Ông Vũ Mạnh Hùng Giám đốc thủy điện Hố Hô khi bị truy vấn đã trả lời là mọi cuộc xả nước đều đúng quy trình bởi đã thông báo cho các xã chung quanh để họ có thời gian di dời hay tránh lụt.
Tuy nhiên ông Lê Ngọc Huấn, chủ tịch UBND huyện  Hương Khê đã mạnh mẽ phản bác, đáng ra khi đài truyền thanh báo áp thấp nhiệt đới thì thủy điện phải xả trước vài ngày, đợi đến khi mưa về mới xả thì làm sao mà đúng quy trình? Theo ông Huấn, việc điều tiết xả lũ của thuỷ điện Hố Hô vào đêm 14 tháng 10 huyện không nhận được thông báo bằng văn bản để cảnh báo cho người dân biết.
Nhà văn, nhà báo Nguyễn Quang Vinh một người sống trong vùng lũ cho biết nhận xét của ông về cụm từ “Đúng quy trình” này:
“Bao giờ thì người ta cũng trả lời là đúng quy trình nhưng mà giám đốc của công ty thủy điện Hố Hô đã có một câu họ trả lời hớ, đó là theo quy định của Bộ Công thương thì khi mực nước lên cao trình 700 thì mới được xả, nhưng tại thời diểm Hố Hô xả thì chính giám đốc công ty Hố Hô thừa nhận là chưa tới cao trình 700.
Họ cũng nói Bộ Công thương ra quy định như vậy là sai họ sẽ kiến nghị sửa! Đấy là cái thứ nhất. Thứ hai, đúng là có cả văn bản thông báo được coi là quy trình nhưng nó vô nghĩa vì anh để văn bản ấy một cách quan liêu cho vài lãnh đạo trong thời gian mà người ta đang vẫy vùng trong lũ. Điện và thông tin không có làm sao người ta thông báo đến toàn dân được cho nên trước hết nói gì thì nói sự thiệt hại khủng khiếp như vừa rồi của Hà Tĩnh chắc chắn thủy điện Hố Hô không thể nào đứng ngoài trách nhiệm của mình được”.
Nhà báo Hoàng Đức cũng cho biết những gì mà đồng nghiệp của anh chia sẻ:
“Theo như bạn bè đồng nghiệp của tôi thông tin thì Quảng Bình Quảng Trị bị rất nặng. Ở Hà Tĩnh Hương Khê người ta nói hơn 100 năm nay mới có một trận lụt như thế. Vì thế này, nó có lý do của nó do họ xả nước từ hồ Hố Hô, nó ngấm ngầm nó xả cho nên dẫn đến cái chuyện là quá bất ngờ chỉ trong vòng 30 phút mà nước từ 1 mét dâng lên 2 mét rưỡi, rất là kinh khủng đặc biệt vùng Hương Khê dân chúng cực kỳ lao đao”.
Linh mục Trần Chính Trực quản xứ nhà thờ giáo xứ Tân Hội, xã Đồng Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình cho chúng tôi biết về những gì đang xảy ra tại Tuyên Hóa:
“Bảy giáo xứ của cha thuộc huyện Tuyên Hóa mà tính đến sáng ngày hôm nay thì khoảng 6.000 ngôi nhà bị lũ nhấn chìm, 5 người chết rồi riêng giáo xứ của cha thì có 170 ngôi nhà bị nhấn chìm hoàn toàn. Trôi bò trôi trâu nước vào phân nửa cái nhà 50% thì rất nhiều còn nhấn chìm luôn thì khoảng 200 nhà. Của cải như cái xoong cái nồi, vật dụng trong gia đình nó trôi hết, phương tiện như honda không đi được.

Điện thì cắt mấy ngày rồi, không có điện không có nước không có lương thực cho nên từ ngày hôm qua đến nay cha phải đi cứu trợ lương thực như mì tôm và lương khô nước sạch cho họ ăn. Họ ăn mì tôm sống ăn khô như vậy. Cha phát mỗi nhà một thùng để ăn tạm trong mấy ngày. Nước nó bao vây cắt đứt tất cả chỉ đi bằng thuyền mới được”.
Thủy điện luôn là đề tài không chấm dứt của báo chí không phải tới khi nó gây hại người ta mới nói tới nhưng ngay từ lúc dự án bắt đầu cho đến lúc khởi động có không biết bao nhiêu là vấn đề xảy ra cho nguồn điện mà nhà nước rất cần này.
Phá hoại môi trường sống của người dân bằng cách di dời họ ra khỏi nơi quen sinh sống nhiều chục năm. Khi mùa nắng thì giữ nước để phát điện bất kể khô hạn bên dưới hạ du của người nông dân. Mùa mưa thì xả lũ khi thấy lượng nước lên cao mà không cần theo quy định của Bộ Công thương về mức nước phải tuân thủ.
Những điều mà thủy điện gây ra trên khắp cả dải đất miền Trung không còn là dự báo nữa mà nó đã hiện thực và khó chối cãi những di hại mà thủy điện mang tới cho người dân.
Sau khi nhận được tin xã lũ gây tai họa của thủy điện Hố Hô, Bộ công thương đã cử một nhóm chuyên viên điều tra đến để rà soát lại cái “quy trình” mà ông Vũ Mạnh Hùng tuyên bố. Nhà báo Nguyễn Quang Vinh cho biết:
“Bộ trưởng Bộ Công thương chiều tối muộn ngày hôm qua đã quyết định thành lập ngay tổ kiểm tra chứng tỏ Bộ trường đã nhìn thấy một sự bất thường nên mới cho kiểm tra gấp như vậy. Lãnh đạo Tỉnh, Huyện, Xã ở đấy đã khẳng định một cách chắc chắn rồi. Đời thủa nào Chủ tịch Huyện gọi cho công ty yêu cầu dừng lại cho chúng tôi vài tiếng thôi để cho dân đi, bởi vì đang dêm mà anh, mà họ cũng không dừng họ chỉ hăm hăm bảo vệ công trình của họ mà họ bất cần số phận người dân.
Một lãnh đạo huyện kêu gào anh dừng cho tôi vài tiếng thôi để dân có thời gian di dời, đủ thời gian trèo lên mái nhà, đủ thời gian để gìn giữ trâu bò nhưng họ vẫn không chấp thuận mà vẫn tiếp tục xả. Chẳng ai mà xả một lượng nước khổng lồ như vậy 1.800m3 một giây. Ầm ầm như vậy từ 5 giờ chiều cho tới khuya thì còn gì nữa?”
Tai họa nào cũng để lại hậu hoạn cho người dân. Trước hoàn cảnh dầu sôi lửa bỏng của người bị nạn chính quyền địa phương không có cách nào khác khi có quá ít phương tiện ứng cứu trong tay. Một vài chiếc ca nô không thể bao quát một vùng trời nước mênh mông trắng xóa hàng ngàn cây số vuông. Nhà báo Hoàng Đức cho biết:
“Chẳng có một biện pháp gì cả gần như người dân người ta tự cứu mình là chính. Người ta leo lên các quả đồi, những mỏm đá hay chạy ra đường Hồ Chí Minh để lánh nạn, còn chính quyền thật ra họ cũng bất lực muốn làm nhưng chả làm được đâu, nó cũng bó tay thôi chả làm được gì đâu”.
Người dân bây giờ đã qua cơn khủng hoảng điều họ cần là gầy dựng lại những gì mà cơn lũ đã cuốn trôi. Báo chí xác định nhà nước nếu không đủ sức trợ giúp toàn bộ cho họ lần này thì cũng phải giải quyết tới gốc căn bệnh “Đúng quy trình” nếu không những trận xả lũ khác trong tương lai vẫn lại xảy ra và nguy cơ người chết, tài sản tiêu tan rồi sẽ được lập lại.

Chia cắt, ngăn cản giáo dân khiếu kiện Formosa

BTV Mặc Lâm 2016-10-17  
Tập trung tại nhà thờ Phú Yên
 Tập trung tại nhà thờ Phú Yên RFA
Đúng như thông cáo báo chí của linh mục Đặng Hữu Nam đưa ra vào ngày hôm qua, một ngàn giáo dân giáo xứ Phú Yên đã tập trung vào sáng sớm hôm nay ngày 18 tháng 10 năm 2016 tại nhà thờ Phú Yên để bắt đầu cuộc hành trình hơn hai trăm cây số tới Tòa án Kỳ Anh, tiếp tục nộp đơn khởi kiện Formosa sau khi 506 gia đình bị tòa Kỳ Anh bác đơn khởi kiện.
Vào lúc 4 giờ sáng giáo dân tập trung tại nhà thờ, 5 giờ sáng một số giáo dân đã lặng lẽ dùng các loại xe có được lên đường tới tòa án Thị xã Kỳ Anh.
Ngay chiều tối ngày hôm qua đã xảy ra một vụ bắt cóc tài xế xe chở đoàn và bị đánh đập, hăm dọa nếu chở người khởi kiện sẽ bị hành hung, mất giấy phép hành nghề. Sáng nay đoàn khởi kiện hầu như di chuyển bằng hệ thống xe taxi vì hầu hết xe buýt đều bị cô lập.
Vào lúc 7 giờ sáng, tất cả các ngã đường đều bị CSGT và các lực lượng an ninh chặn lại.
8 giờ sáng: nhóm giáo dân đầu tiên bị chặn tại Ngã tư Cầu Giác thuộc thị trấn Quỳnh Lưu một số lớn xe chở giáo dân không tới được. Một số côn đồ rải đinh và cố tình gây tai nạn.
Lúc 8 giờ 30 sáng linh mục Nam cho chúng tôi biết tình hình sau nhiều giờ bị phá sóng:
“Tình hình rất căng thẳng bởi vì Bộ Công an đã vào đi đến tất cả các nhà xe trên địa bàn tỉnh Nghệ An và nhà nào có xe cũng vào cả. Họ tuyên bố rõ ràng là cấm và hứa hẹn sẽ bị đàn áp. Một số nhà xe bị bắt cóc, bị đánh đập. Bây giờ trên đường kể cả xe taxi cũng bị ngăn cản, bắt bớ. Có một hiện tượng kỳ quái là trên đường đi có những người đi trước rải đinh giữa đường để cho xe bị cán đinh sẽ nằm lại”
Cùng lúc đó Công ty Taxi Mai Linh đã kêu gọi các tài xế bỏ cuộc, không chở giáo dân đi Kỳ Anh nữa.
Bộ Công an đã gọi điện cho linh mục Nam để điều đình về vụ khởi kiện.
Khi được hỏi trong tình trạng bị chia cắt như vậy liệu có thể gom thành một nhóm nhỏ để chuyển đơn khiếu kiện cho kịp với thời gian mà Tòa án quy định hay không linh mục Nam cho biết:
“Bộ Công an cũng như chính quyền không cho đi cho nên bây giờ chúng tôi quyết định là sẽ tìm cách đi theo một nhóm người nhỏ vì không thể đi được cả ngàn người”.
Sau khi trao đổi với chúng tôi, linh mục Đặng Hữu Nam đã dùng loa phóng thanh cầm tay kêu gọi anh chị em giáo dân trở về lại Phú Yên còn cha và một nhóm nhỏ tiếp tục vào Kỳ Anh:
“Anh chị em chúng ta vui lòng trở lai xe của mình trở về Phú Yên và cha sẽ cùng với ít người đại diện vào trong tòa. Đồi với các nhà xe chúng ta không thực hiện được chương trình của mình thì không phải lỗi của tôi, không phải lỗi của anh em nhưng vì nhà cầm quyền ngăn cản vì chén cơm manh áo của anh nữa cho nên cha sẽ hỗ trợ cho anh em. Anh em giúp cha đưa người về Phú Yên lại”
Lúc 9 giờ linh mục Đặng Hữu Nam cùng với một nhóm hơn hai mươi người đã khởi hành về Tòa án Kỳ Anh. Đích thân linh mục Nam lái xe. Lúc 11 giờ xe linh mục Đặng Hữu Nam bị chận lại không cho vào địa phận của tỉnh Hà Tình. Giấy tờ xe của linh mục Nam bị tạm giữ, Cha Nam cho biết sẽ đợi Đức cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp đến đây giải quyết và có thể Đức cha sẽ đưa phái đoàn đến Tòa án Thị xã Kỳ Anh gửi đơn khiếu nại. Linh mục Nam tố cáo công an đã lôi một số bà con ngư dân đang ở trên xe xuống và hành hung. Cùng lúc ấy nhiều người trên cộng đồng mạng tẩy chay hãng xe taxi Mai Linh vì tổng giám đốc điểu hành hãng xe này là Hồ Huy đã trực tiếp ra lệnh cho anh em tài xế hoặc là phải bỏ về hoặc là sẽ mất việc. Chúng tôi tiếp tục theo dõi và cập nhật ngay khi có diễn biến mới xảy ra.

Việt Nam: Cái giá đắt của Phát triển Kinh tế

Bộ Môi trường Việt Nam tiết lộ mức ô nhiễm không khí đã trở nên tệ hại hơn tại nhiều khu vực thành thị, đặc biệt tại thủ đô Hà Nội và Hạ Long, cũng như tại TP. HCM.
Bộ Môi trường Việt Nam tiết lộ mức ô nhiễm không khí đã trở nên tệ hại hơn tại nhiều khu vực thành thị, đặc biệt tại thủ đô Hà Nội và Hạ Long, cũng như tại TP. HCM.

Theo VOA-19-10-2016

Nền kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng giữa lúc thương mại toàn cầu chậm lại, được ca ngợi như là một gương thành công của châu Á. Tuy nhiên các chuyên gia cảnh giác rằng Việt Nam đang phải trả một cái giá ngày càng đắt hơn về môi trường để đánh đổi đà tăng trưởng nhanh chóng của nền kinh tế.
Các giới chức cấp cao của Việt Nam cảnh báo rằng mức ô nhiễm không khí tại Hà nội và TP. HCM nay mai có thể sánh kịp với mức ô nhiễm không khí ở Bắc Kinh, thủ đô của Trung Quốc. Ngân hàng Phát triển Á Châu (ADB) cảnh báo rằng đà tăng trưởng của ngành công nghiệp Việt Nam cũng có nghĩa là “mức ô nhiễm đất đai, nguồn nước và không khí” cũng đang gia tăng nhanh chóng.
Dựa trên kết quả một cuộc khảo sát thực hiện từ năm 2011 tới năm 2015, Bộ Môi trường Việt Nam tiết lộ mức ô nhiễm không khí đã trở nên tệ hại hơn tại nhiều khu vực thành thị, đặc biệt tại thủ đô Hà Nội và Hạ Long, cũng như tại TP. HCM.
Đáng quan tâm nhất là nồng độ ni-tơ dioxít, ký hiệu NO2, đo được ở Hà Nội cao gấp 1,3 lần mức cho phép, tại Hạ Long nồng độ NO2 cao gấp 1,2 lần và tại TP. HCM, thủ đô thương mại của Việt Nam, mức NO2 cao gấp hai lần mức cho phép.
Ni-tơ dioxít đặc biệt có hại cho trẻ con và người cao tuổi, thành phần có phổi yếu hơn, dẫn đến các trường hợp sưng cuống phổi và các vấn đề về đường hô hấp.
Phó Tổng cục trưởng Cục Môi trường, ông Hoàng Dương Tùng, nói với truyền thông địa phương rằng giao thông và các hoạt động công nghiệp là nguyên nhân chính dẫn tới ô nhiễm không khí ở Hà Nội và TP. HCM. Tại Hạ Long, nạn ô nhiễm có liên quan tới các mỏ than và các nhà máy điện.
Giàu có hơn, nhiều xe cộ hơn
Sự phồn thịnh đang tăng ở Việt Nam có nghĩa là nhiều người hơn có đủ khả năng sắm xe hơi hoặc xe gắn máy. Cảnh sát giao thông ở Hà nội nói trung bình có tới 19,000 xe mới của tư nhân được đăng ký mỗi tháng.
Một phúc trình về môi trường công bố năm 2013 cho thấy có tới 265 ngày mức ô nhiễm không khí tại Hà nội bị xuống cấp từ “không tốt cho sức khoẻ”, thành “có thể gây hại cho sức khoẻ.”
Ông Hoàng Dương Tùng nói trừ phi nạn ô nhiễm được giải quyết, Hà Nội và TP. HCM có thể đuổi kịp Bắc Kinh về mức độ ô nhiễm ‘trong một tương lai không xa’.”
Nạn ô nhiễm đã bắt đầu ảnh hưởng tới sinh kế của người dân. Hồi tháng Tư, các cộng đồng ngư dân tại nhiều khu vực đã giận dữ phản đối sau khi hơn 100 tấn cá chết được phát hiện ngoài khơi 4 tỉnh miền trung Việt Nam.
Hình tư liệu _Người dân chôn cá chết trên một bãi biển ở Quang Binh, Việt Nam, ngày 28 tháng 4 năm 2016.
Hình tư liệu _Người dân chôn cá chết trên một bãi biển ở Quang Binh, Việt Nam, ngày 28 tháng 4 năm 2016.
Các cuộc điều tra kết luận rằng nhà máy thép Formosa ở Hà Tĩnh do người Đài Loan làm chủ, là nguồn xả nước thải độc hại, gây ô nhiễm. Tháng 6 vừa rồi, công ty Formosa nhận trách nhiệm và cam kết đền bù thiệt hại tổng cộng tới 500 triệu đôla.
Thủ Tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc công bố sắc lệnh để bồi thường cho các nạn nhân bị tác động bởi nạn ô nhiễm, mà công ty Formosa có trách nhiệm chi trả. Chính phủ Việt Nam nói các khoản tiền bồi thường đó, từ 130 đến 1,600 đôla cho mỗi người lớn, đã bắt đầu đến tay người dân trong tháng này.
Nhưng một toà án Việt Nam đã bác hàng trăm đơn khiếu kiện của ngư dân đòi công ty Formosa phải trả thêm các khoản phụ trội.
Ông Jonathan London, giáo sư môn kinh tế chính trị toàn cầu tại đại học Leiden ở Hà Lan, nói nền kinh tế “không kiềm chế” của Việt Nam đã làm dấy lên những quan tâm về tác động đối với môi trường.
Ông nói chính quyền hiện tại của Việt Nam “đại diện cho một sách lược kinh tế tự do, không kiềm chế mà có người cho là một khuôn mẫu cai quản kinh tế sai trái, mạnh mẽ cổ vũ cho đầu tư nước ngoài, nhưng cùng lúc không mấy quan tâm tới quyền sở hữu.”
Ông London nói chiến lược này không phải là bao giờ cũng đưa đến thành công, đặc biêt khi nói tới vấn đề bảo vệ môi trường. Ông chỉ ra việc công ty Formosa Hà Tĩnh đã được để cho xả chất thải độc hại bừa bãi là một ví dụ điển hình.
Các thách thức đối với chính quyền
Chính phủ Việt Nam trong kế hoạch dài hạn đã đưa vấn đề bảo vệ môi trường thành một trong các mục tiêu của chương trình cải cách cấu trúc, công bằng xã hội, và ổn định kinh tế vĩ mô.
Hình tư liệu - Các nhà hoạt động Việt Nam trong một cuộc biểu tình kêu gọi Formosa Hà Tĩnh chịu trách nhiệm trong vụ thảm họa cá chết, ở Đài Bắc, Đài Loan, ngày 10 tháng 8 năm 2016.
Hình tư liệu - Các nhà hoạt động Việt Nam trong một cuộc biểu tình kêu gọi Formosa Hà Tĩnh chịu trách nhiệm trong vụ thảm họa cá chết, ở Đài Bắc, Đài Loan, ngày 10 tháng 8 năm 2016.
Ông Xavier Depouilly là Tổng Giám đốc của công ty Indochina Research. Ông nói tình hình môi trường tệ hại hơn chỉ là một trong nhiều thách thức mà chính phủ Việt Nam phải đối mặt.
Ông nói:
“Cho tới bây giờ thì mọi sự còn tốt đẹp. Người dân có lương thực để ăn, có nước để uống. Nhưng các vấn đề khác, như nạn ô nhiễm đang làm cho người dân vô cùng giận dữ. Chính quyền Việt Nam cần phải cải thiện tình hình theo một mức độ nào đó.”
Mặc dù vậy, viễn tượng kinh tế của Việt Nam vẫn còn tích cực đối với giới đầu tư nước ngoài.
Các nhà kinh tế thuộc tập đoàn Capital Economics ở London ước lượng đà tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, vốn đã chậm lại đôi chút từ mức 6,7% trong năm 2015 xuống còn 6% trong năm nay, dự kiến sẽ tăng trở lại tới 7% trong năm tới.
Kinh tế gia Gareth Leather của Capital Economics nhận định, Việt Nam sẽ nhanh chóng chiếm lại vị thế là một trong các nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực.
Chính phủ Việt Nam cho biết trong năm 2015, đầu tư trực tiếp vào Việt Nam tăng 12,5% lên tới 22,8 tỉ đôla. Trong những năm sắp tới, nhiều tiền đầu tư dự kiến sẽ đến từ Trung Quốc, giữa lúc các doanh nghiệp tìm kiếm những địa điểm rẻ hơn về chi phí điều hành trong bối cảnh chi phí làm ăn ở Trung Quốc đang ngày càng tăng cao. Các nước chủ yếu đầu tư vào Việt Nam gồm có Hàn Quốc, Malaysia, Nhật Bản, Hoa Kỳ và Đài Loan.

Của chung ai khéo vẫy vùng…?

Ảnh minh họa.
Bùi Tín
Theo VOA-17.10.2016 
Trong cuốn sách Le Capital au 21ème Siècle (Tư bản thế kỷ 21) nhà nghiên cứu Thomas Piketty cho rằng về kinh tế học, vấn đề bao trùm quan trọng nhất trong mọi xã hội xưa nay là vấn đề phân phối và tái phân phối của cải xã hội.
Cuốn sách ông đồ sộ hơn nghìn trang, có hàng nghìn thống kê, biểu đồ, hàng vạn số liệu, tỷ lệ, ghi lại các nền sản xuất từ thời cổ đại đến nay, hơn 20 thế kỷ. Cuốn sách của ông phát hành năm 2013, được dịch ngay ra 14 thứ tiếng, bán chạy đến mức kỷ lục suốt 2 năm 2014 và 2015, và nay vẫn còn ăn khách, trở thành sách kinh điển mới nhất về kinh tế cho giới nghiên cứu và sinh viên. Cuốn sách của ông làm chấn động công luận, nhất là giới kinh tế học trẻ về tình trạng căng thẳng, bi thảm, nguy hiểm nhất hiện nay, đó là tình trạng thu nhập chênh lệch nhau giữa nhóm người giàu nhất và nhóm người nghèo nhất, giữa người giàu nhất và người nghèo nhất trong xã hội,và đang ngày càng mở rộng đến mức kinh hoàng, phi lý nhất.
Thomas Piketty mất hàng chục năm sưu tầm số liệu về vấn đề bất công xã hội lớn nhất hiện nay, đó là người giàu cứ giàu thêm mãi, và người nghèo ngày càng nghèo thêm. Một lao động châu Phi với lợi tức trung bình 600 đôla/năm phải làm việc 1.000 năm mới có thu nhập bằng 1 năm của 1 tỷ phú Hoa Kỳ. Nhìn chung trên thế giới, nhóm 10% những kẻ giàu nhất sở hữu hơn 50% tài sản toàn cầu, trong khi nhóm 90% số dân chúng chia nhau 50% tài sản còn lại. Và 86 người gìàu nhất thế giới thuộc các nước phát triển cao hiện chiếm hơn một nửa giá trị - trên 50% - tài sản của toàn thế giới. Có những kẻ giàu hàng trăm, nghìn tỷ đôla và có người nghèo không có 1 đôla dính túi, không đất, không nhà, còn mắc nợ dài dài.
Ở Việt Nam không ai biết rõ tình trạng thu nhập thật sự của cả quan chức lẫn dân thường vì tài chính không công khai minh bạch. Tình trạng bất công xã hội ngày càng thêm gay gắt, người giàu nhanh do quyền lực ngày càng đông đảo, người dân càng nghèo thêm do lương thấp, năng suất kém, thuế má cao, thất nghiệp nhiều và nhất là tham nhũng tràn lan, càng chống càng phát triển mạnh hơn.
Một tâm lý xã hội rất nguy hiểm đang lan rộng: của chung không ai xót. Của xã hội, tha hồ vét.
Xin kể vài trường hợp tiêu biểu. Một xe tải chở các két bia của một công ty quốc doanh hồi tháng 2/2016 đi qua Long An gần Sài Gòn bị tai nạn, vài két bia rơi xuống lòng đường. Thế là dân qua đường tranh nhau từng lon bia, và chỉ trong vài phút cả 2.000 lon bia chở trên xe biến mất sạch; dân sống hai bên đường cũng nô nức tham gia hôi của; người lái xe cũng nhanh tay giữ 4 két bia cho mình.
Tôi nhớ lại nhà sử học Trần Quốc Vượng từng nói về chính sách "ruộng đất là thuộc sở hữu toàn dân" của đảng Cộng sản, như sau:
Trống làng ai đánh thì thùng,
Của chung ai khéo vẫy vùng... thành riêng!
Ai là ai? Là đảng Cộng sản chứ còn ai nữa!
Ở gần nhà máy xi măng Hải Phòng cũng vậy. Một đoàn xe chở đầy xi măng quốc doanh đỗ ngoài cổng, một đêm xi măng biến sạch, công nhân và bà con chung quanh tha hồ xúc chia nhau, hòa cả làng. Của chung là thuộc mọi người. Sở hữu toàn dân là thế. Cha chung không ai khóc là vậy.
Tình hình nhà máy điện Dung Quất hồi năm 2014 cũng tương tự. Nhà máy tuyển hàng trăm công nhân trẻ từ Nghệ An vào tập sự. Chỉ trong một đêm, các công nhân mang tâm lý tiểu nông vụ lợi đã thi nhau dùng kềm lớn tháo hơn 20.000 viên ốc bù lon lớn của nhà máy và đường xe lửa đem ra chợ Cồn bán rẻ cho các bà buôn đồng nát lấy tiền uống bia. Với họ, đó là của chung, của trời cho, tội gì mà không lấy, không lấy là dại.
Đó cũng là tâm lý của các quan chức Cộng sản. Hàng trăm tỷ đôla của các quỹ ODA và FDI là của trời cho, lấy chia chác ngầm cho nhau là chuyện nhỏ, dại gì mà không lấy!
Cuộc họp Trung ương đảng cuối năm và cuộc họp Quốc hội ngày 10/10 bàn về việc thúc đẩy nổ lực chống nạn tham nhũng rất nên thảo luận một đề tài rộng lớn hơn, thiết thực hơn, đó là vì sao chủ trương "Nhà nước kiến tạo phát triển và công bằng xã hội" lại dẫn đến kết quả thành "Nhà nước kiến tạo bất công, tham nhũng", "Nhà nước tàn phá tài nguyên quốc gia, Nhà nước làm kiệt quệ nền tài chính và tạo nên nợ nần chồng chất".
Các cán bộ nhà nước và các ông bà nghị sỹ rất nên tìm đọc kỹ cuốn sách Le Capital au 21ème Siècle Thomas Piketty (bản lược dịch sang tiếng Việt của Nguyễn Quang hiện có trên mạng Thời Đại Mới và mạng Việt-Studies). Các nhà kinh tế Việt Nam nên có nhiều thống kê về tình hình thu nhập của các lớp dân cư nước ta, chênh lệch giàu nghèo ra sao, vì sao bất công mở rộng đến mức kỷ lục hiện nay. Các tỷ phủ Cộng sản mới vượt rất xa các ông chủ thực dân Pháp, các đại điền chủ Gò Công – Cần Thơ, các nhà tư bản lớn cỡ Bạch Thái Bưởi, Hui Bon Hoa thời xưa.
"Của chung ai khéo vẫy vùng... thành riêng". Biển bị ô nhiễm, rừng bị tàn phá, ruộng đồng khô cằn nhiễm mặn, lòng tham không đáy của kẻ cầm quyền cướp đoạt vô hạn tài sản của nước, của dân, tạo nên nghịch cảnh "người ăn không hết, kẻ lần không ra". Các thế hệ tương lai rồi sẽ ra sao?
Bên cạnh những thành tích lịch sử "dỏm" của đảng Cộng sản được phô trương trơ trẽn trên khẩu hiệu, đó là thành tích thật nổi bật nhất mà các người lãnh đạo phải nhìn thẳng cho thật rõ và có những biện pháp có hiệu quả, trước sự mong đợi, giám sát của toàn dân.
* Blog của nhà báo Bùi Tín là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

Bởi người dân không có quyền lên tiếng

Người đàn ông chèo thuyền để vận chuyển hàng cứu trợ trong trận lụt ở huyện Hương Khê, Hà Tĩnh, ngày 18/10/2010.
Người đàn ông chèo thuyền để vận chuyển hàng cứu trợ trong trận lụt ở huyện Hương Khê, Hà Tĩnh, ngày 18/10/2010.
Hoàng Giang 
Theo VOA-17.10.2016
Tính đến thời điểm hiện tại, khoảng 70.000 ngôi nhà đã bị ngập tại Quảng Bình, hơn 24.000 ngôi nhà bị ngập tại Đà Nẵng. Mùa mưa đến, mùa lũ về, người dân miền Trung có thể đã quá quen với cuộc sống song hành cùng thiên tai. Nhưng nó trở nên khủng khiếp và đau lòng hơn khi chính chính quyền của dân “tiếp tay” cho dòng lũ thêm dữ bằng cách xả lũ từ nhà máy thủy điện mà không hề báo trước. Chúng ta bàng hoàng nhận ra đây như một phiên bản Việt của câu chuyện chính quyền Trung Quốc đột ngột xả đập gây lũ kinh hoàng khiến hàng trăm nghìn người dân thành phố Thiên Môn, tỉnh Hồ Bắc gặp nạn vào tháng 7 năm 2016. Trên các kênh truyền hình hay báo chí nhà nước, không một thông tin nào về việc xả đập được đề cập đến, người dân chỉ biết thông báo cho nhau qua các trang mạng xã hội khi nước đã tràn đến cách cửa nhà chỉ vài cây số. Trong cuộc họp báo trả lời những chất vấn của người dân, chính quyền thành phố Thiên Môn chối bay chối biến rằng không có vấn đề xả nước mà không thông báo trước cũng như không hề có người thiệt mạng.

Người dân miền Trung, họ còn gì? Sau sự kiện Formosa gây ô nhiễm biển khiến cá chết tràn lan khắp 4 tỉnh miền Trung, kế sinh nhai từ công việc đánh bắt, buôn bán hải sản coi như chấm dứt. Họ đã thôi hoang mang và thay vì chấp nhận sự im lặng hèn hạ của nhà nước, họ tìm cách tự đấu tranh. Ngày 2/10/2016, ước tính khoảng 18.000 người dân tại huyện Kỳ Anh tỉnh Hà Tĩnh đã tập trung trước cổng tập đoàn Formosa để biểu tình. Người dân hiểu rằng 500 triệu đôla bồi thường không giải quyết được vấn đề, số tiền ấy không cứu sống được cuộc sống của họ, không bảo đảm được tương lai con cái họ. Biển không còn, người dân miền Trung nay sống nhờ vào các hoạt động nông nghiệp ruộng vườn. Nhưng đến ngày hôm nay, đất cũng chẳng còn. Cả xã Hương Khê, Hà Tĩnh, đang chìm trong biển nước vì thủy điện Hố Hô xả lũ ồ ạt với lưu lượng 1.800 m3/giây cùng mưa lớn. Vẫn là ra rả “thương lắm miền Trung”, vẫn là ra rả những chỉ thị “đúng quy trình”, và vẫn còn đó từng đứa trẻ con đứng ngồi trên nóc nhà, nhìn bốn bề nước ngập cuốn theo cả gia tài con trâu con bò ít ỏi - sinh kế cuối cùng của gia đình mình. Có 20 người đã chết và mất tích trong cơn lũ.
Đây liệu có phải chỉ câu chuyện của quy trình, của trách nhiệm? Hay cơn lũ còn như một cái tát trời giáng vào mặt những người dân miền Trung, rằng chúng ta còn cơ cực lắm, chúng ta còn mạt hạng lắm, lo giữ lấy của cải, giữ lấy mạng sống vốn đã nghèo nàn của mình, đừng mơ tưởng đi biểu tình mà đòi lấy công bằng cho cuộc sống vốn dĩ đã quá nhiều bấp bênh. Trên các trang báo, tìm mỏi mắt cũng chẳng thấy nổi một thông tin về biểu tình chống Formosa, chỉ thấy một miền Trung nghèo khó và khổ sở trăm bề. Họ không được chính quyền bảo vệ, ngược lại, còn cố tình dìm chết họ, vô tình và vô ý như cơn xả lũ trong mùa mưa về. Với 500 triệu đôla trong số 10 tỉ đôla từ quỹ đầu tư vào nhà máy, Formosa vừa làm vừa lòng dư luận khi các cuộc biểu tình tại Sài Gòn và Hà Nội ngay lập tức chấm dứt; vừa mua đứt được sự an toàn khi được chính quyền Việt ra sức bảo vệ. Giờ đây dân Hà Tĩnh có lẽ đã tự tìm được câu trả lời cho câu hỏi của họ trong cuộc biểu tình mới chục ngày trước: “Chọn dân hay chọn Formosa?” bởi số phận của họ, trớ trêu thay, hiện không khác gì những sinh vật chết ngập dưới biển độc, hay dưới bộ máy chính quyền đầy rẫy những thứ quy trình bán rẻ đất nước và coi thường mạng sống của chính người dân.
* Blog 'Trong lòng Hà Nội' của Hoàng Giang là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

Nhiều loại nước mắm ở Việt Nam chứa đầy thạch tín

Người tiêu dùng bối rối không biết chọn loại nước mắm nào cho bữa ăn gia đình. (Hình: báo điện tử VOV)
HÀ NỘI (NV) – Theo kết quả khảo sát của Hội Tiêu Chuẩn và Bảo Vệ Người Tiêu Dùng Việt Nam công bố, chiều 17 tháng 10, 100% mẫu nước mắm có độ đạm trên 45 đều có hàm lượng thạch tín vượt ngưỡng gấp 3 đến 4 lần.
Theo đó, trong 150 mẫu nước mắm được sử dụng rất phổ biến ở thị trường Việt Nam, có 125 mẫu “có ít nhất 1 trong 5 chỉ tiêu về hóa học không đạt so với công bố của nhà sản xuất. Trong đó, 51% mẫu không đạt về hàm lượng đạm, 67% mẫu không đạt về chỉ tiêu arsenic (thạch tín). Ðáng báo động, các mẫu nước mắm có độ đạm càng cao thì hàm lượng thạch tín đều vượt ngưỡng quy định của Bộ Y Tế.
Trả lời báo chí bên lề cuộc họp, ông Vương Ngọc Tuấn, phó tổng thư ký Hội Tiêu Chuẩn và Bảo Vệ Người Tiêu Dùng (Vinatas) cho rằng, tuy tỷ lệ mẫu không đạt về thạch tín tổng kể trên là cao, nhưng trong số này thì không phát hiện arsenic vô cơ (với giới hạn phát hiện là 0.01mg/l). “Như vậy là nước mắm ở Việt Nam vẫn an toàn,” ông Tuấn nói.
Tuy nhiên để chống chế, ông Tuấn lái qua vấn đề khác là độ đạm công bố trên các sản phẩm của nhà sản xuất nang tính chung chung: “Mỗi năm Việt Nam sử dụng tới 200 triệu lít nước mắm theo phương pháp sản xuất truyền thống lẫn công nghiệp. Việc hàm lượng đạm thấp hơn công bố cho thấy, người tiêu thụ đang phải bỏ số tiền cao gấp nhiều lần so với giá trị thật để mua nước mắm có hàm lượng đạm cao, nhưng thực chất là hàm lượng đạm ảo.”
Theo báo Giáo Dục Việt Nam, tại buổi công bố, nhiều câu hỏi được báo chí đặt ra nhưng chưa có câu trả lời thỏa đáng. Chẳng hạn, vì sao không bố những thương hiệu, nhà sản xuất nước mắm không đạt tiêu chuẩn về chất lượng, có hàm lượng thạch tín cao… Song, Vinatas cho rằng, đây là một khảo sát mang tính “cảnh báo” người tiêu thụ.
Thế nhưng điều này khiến người dân thêm hoang mang, bởi không biết bỏ và chọn loại nước mắm nào, mặc dù họ đã biết có những loại (không rõ tên) có nguy hiểm với sức khỏe.
Ông Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công Nghệ Thực Phẩm, Ðại Học Bách Khoa Hà Nội nhận định: “Nước mắm làm bằng 3 nguyên liệu chính là nước, cá và muối. Nếu nước mắm có chứa thạch tín thì chính nguồn nước, nguồn muối hay nguồn cá này đã nhiễm thạch tín. Người ăn phải nước mắm có chứa chất này tích tụ lâu dài trong cơ thể có thể gây ra ngộ độc, bệnh tật, ung thư thậm chí chết,” ông Thịnh nói.
Viện Hàn Lâm Khoa Học Hoa Kỳ cảnh báo, chất thạch tín trong nước uống, dù rất ít, cũng làm tăng nguy cơ phát triển bệnh ung thư. Ở dạng hợp chất vô cơ, thạch tín rất độc nếu sử dụng với liều lượng cao. Chỉ 0.06g thạch tín vào cơ thể cũng đủ gây ngộ độc. Với liều lượng gấp đôi, nó sẽ gây tử vong. (Tr.N)

Cơn mưa ‘bóc trần’ gian dối dự án đường tiền tỷ

Con đường dài 664 mét đầu tư 1.4 tỉ đồng mới bàn giao đã bị nước mưa làm xói lở, chia cắt thành 3, 4 đoạn. (Hình: báo Tầm Nhìn)
HÀ TĨNH (NV) – Người dân xã Kỳ Hưng gọi con đường qua xã này là đường “Kỳ Hư” do dù mới bàn giao vài tháng, nhưng sau cơn mưa nặng hạt đã bị lở xói, từng thảm nhựa bị bóc lên từng tảng, chia cắt thành nhiều khúc.
Theo mô tả của phóng viên báo điện tử Tầm Nhìn,con đường trục chính dài khoảng 700 mét nối xã Kỳ Hưng, thị xã Kỳ Sơn ra quốc lộ 1A, xây 1.4 tỉ đồng, do ủy ban thị xã Kỳ Anh làm chủ đầu tư, công ty Hòa Bình thi công đã bị hư hỏng hoàn toàn, với mặt đường bị xói lở, nhựa trên mặt đường bị bong tróc thành từng mảng lớn, khiến các lớp cát sỏi bên dưới trôi theo dòng nước mưa.
Bà Phùng Thị Thi (67 tuổi), xóm Tân Hà, xã Kỳ Hưng cho biết, đoạn đường này vừa làm xong mới mấy tháng, nhưng sau đợt mưa vừa rồi đã bị nước mưa làm bong tróc cuốn trôi từng mảng nhựa, chia đường thành 3, 4 đoạn.
“Trước khi làm, người dân đã cảnh báo với đơn vị thi công là đoạn này khi có lũ về thường bị ngập sâu, các dòng chảy từ con sông Cầu Trí chảy thẳng vào đây. Ðáng lý ra họ nên xây các con mương lớn để cho nước thoát nhưng họ không quan tâm, giờ chỉ cần một trận mưa lớn là trôi hết…,” bà Thi ngao ngán nói.
Ông Nguyễn Văn Huy (52 tuổi) cho biết thêm, do hệ thống mương 2 bên làm quá nhỏ thoát nước không kịp, nên nước mưa tràn cả vào nhà, thậm chí xói lở làm hư hại nhiều nền sân nhà của người dân.
Thế nhưng, nói với phóng viên báo điện tử Tầm Nhìn ngày 16 tháng 10, ông Nguyễn Anh Tàì, chủ tịch xã Kỳ Hưng biện minh: “Ðoạn đường này chỉ mới ‘nghiệm thu sơ bộ’ đang còn một số chỗ chưa hoàn thành, vì vậy khi mưa lớn, nước chảy mạnh đã gây ra tình trạng trên.” (Tr.N)

Tới lượt ngành du lịch muốn Formosa bồi thường thiệt hại

Bãi biển Thiên Cầm, cách thành phố Hà Tĩnh 20 cây số trong mùa du lịch. (Hình: Lao Ðộng)
HÀ TĨNH (NV) – Nhà cầm quyền Việt Nam đã sa lầy và sẽ lún sâu hơn do đơn phương thỏa thuận với Formosa về bồi thường thiệt hại.
Chưa rõ tại sao và dựa trên cơ sở nào mà chính quyền Việt Nam xác định, toàn bộ thiệt hại do Formosa gây ra đối với môi trường, sinh hoạt, sinh kế của cư dân bốn tỉnh phía Bắc miền Trung (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế) chỉ là $500 triệu. Càng ngày, khoản này càng có vẻ nhỏ, đặc biệt là chẳng đáng gì khi so với nhân tâm.
Ngoài việc phải thay Formosa đối phó với ngư dân, nông dân do mức bồi thường thiệt hại quá thấp, nay chính quyền Việt Nam sắp phải đối đầu với các doanh nghiệp du lịch ở bốn tỉnh phía Bắc miền Trung.
Báo chí Việt Nam cho biết, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch, những cá nhân kiếm sống nhờ hoạt động du lịch đang muốn được bồi thường thiệt hại, hỗ trợ vượt qua khó khăn vì thảm họa cá chết như ngư dân và nông dân.
Giống như ngư nghiệp, nông nghiệp, mức độ thiệt hại mà du lịch ở bốn tỉnh phía Bắc miền Trung phải gánh chịu do thảm họa cá chết cũng được ước đoán là nhiều ngàn tỉ đồng. Chính quyền các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế cùng xác nhận rằng từ khi xảy ra thảm họa cá chết, gần như không còn đưa khách đến khu vực phía Bắc miền Trung.
Cuối tuần vừa qua, trong một cuộc họp giữa đại diện Bộ Văn Hóa-Thể Thao-Du Lịch với đại diện Sở Du Lịch của các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, những cơ quan quản quản lý du lịch của bốn tỉnh phía Bắc miền Trung đã công bố nhiều số liệu cho thấy, thiệt hại mà thảm họa cá chết gây ra không nhỏ chút nào.
Ví dụ, sau thảm họa cá chết, doanh thu trực tiếp từ du lịch của Hà Tĩnh giảm 90% so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu của những doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ phục vụ du lịch (khách sạn, nhà hàng, vận chuyển…) giảm 50%.
Ðại diện Sở Du Lịch của tỉnh Quảng Bình cho biết, thiệt hại riêng với ngành du lịch của tỉnh này là 1,900 tỉ đồng. Tương tự, đại diện Sở Du Lịch của tỉnh Quảng Trị loan báo, thiệt hại riêng với ngành du lịch ở Quảng Trị là 250 tỉ đồng. Ðại diện Sở Du Lịch của tỉnh Thừa Thiên-Huế thì xác nhận du lịch biển bị thiệt hại nhưng vì còn nhiều hình thái du lịch khác thay thế nên không thất thu.
Khi trò chuyện với tờ Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn, ông Nguyễn Văn Kỳ, phó giám đốc Sở Du Lịch tỉnh Quảng Bình, cho biết, so với năm ngoái, năm nay, lượng du khách đến Quảng Bình giảm 70%. Ðáng ngại là 30% còn lại chỉ tạt ngang, ở lại rồi đi trong ngày nên thiệt hại kinh tế rất lớn. Ðáng ngại là sau thảm họa cá chết, không chỉ những doanh nghiệp du lịch và những doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ du lịch điêu đứng mà nhiều doanh nghiệp đang đầu tư vào các lĩnh vực này tại Quảng Bình cũng tạm ngưng thực hiện dự án của họ ở Quảng Bình vì viễn cảnh quá ảm đạm. Từ cuối tháng 4 đến nay, tại Quảng Bình có 17 dự án xây dựng khách sạn bị bỏ dở. Theo ông Kỳ, trung bình, chủ mỗi dự án đầu tư vào du lịch chi từ 15 tỉ tới 17 tỉ, do vậy thiệt hại vì thảm họa cá chết rất nặng nề nhưng họ lại không được bồi thường, hỗ trợ.
Một điểm đáng chú ý khác là thiệt hại trong lĩnh vực du lịch không phải chỉ là thiệt hại tức thời (trong và ngay sau thảm họa) mà sẽ kéo rất dài trong nhiều năm.
Ông Nguyễn Ðức Quỳnh, phó tổng giám đốc Furama Resort Ðà Nẵng, bảo với tờ Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn rằng, ông ta chưa nghĩ ra cách nào có thể giúp du lịch hồi phục vì du khách không chỉ lo ngại về chuyện nước biển bị nhiễm độc, nhiều loại hải sản không thể ăn mà còn ngần ngại không đến khu vực phía Bắc miền Trung bởi những khía cạnh khác có liên quan tới thảm họa như: nguồn nước ô nhiễm, thực phẩm như rau củ, gia cầm có an toàn hay không… (G.Ð)