Ảnh Xóm nhiếp ảnh
Các bạn thân mến.
Năm ấy tôi lên sáu tuổi. Tôi là cậu bé ở một vùng quê của dải đất miền trung nghèo nàn, cơ cực. Trời mưa liên tiếp mấy ngày, tôi đứng bên hiên nhà, nhìn chung quanh nước tràn bốn phía, màu nước đục vàng đe dọa. Thuở đó, làm gì có tin tức khí tượng được lan truyền tới những vùng quê, vẫn còn quen thuộc với ánh sáng của ngọn đèn dầu hôi. Người dân quê miền trung nước Việt chỉ đoán định thời tiết nhờ vào kinh nghiệm của bản thân hay của ông bà truyền lại.
Nếu tôi nhớ không lầm, trận lụt ghê gớm năm đó xảy đến vào tháng Mười năm 1964 thì phải. Nhìn cơn mưa càng lúc càng dai dẳng, Ba tôi rất lo lắng. Ông bảo Mẹ tôi và chị Bảy, lớn hơn tôi ba tuổi, lo vun vén đồ đạc trong nhà, những thứ như gạo, lúa, quần áo hay giấy tờ không thể nào ngâm trong nước, tất cả được chuyển dần lên trên gác lửng.
Sáng hôm ấy, mực nước ngoài sân từ từ dâng cao. Ba tôi không còn chờ cơn mưa dứt và nước sẽ rút đi khi nhìn màu trời xám xịt, ẩm thấp. Ba tôi đội áo mưa, cầm rựa ra vườn, lựa những thân chuối hột khá lớn, ông đốn chúng và trẩy lá, chỉ để thân chuối. Tôi còn nhỏ quá, nhưng đứng cạnh đó, Ba sai gì thì tôi làm nấy. Ba đóng sáu thân chuối lại làm thành chiếc bè, có thể di chuyển trên mặt nước. Gần trưa, nước đã khá cao, nếu tôi đứng ngoài sân thì đã cao quá đầu. Nhà tôi ở gần đường xe lửa, từ con dốc đường rây vào tới nhà tôi khoảng chừng hơn trăm mét. Thế nên chiếc bè chuối mà Ba tôi mới đóng, chỉ là để dùng đưa cả nhà và những vật dụng tối cần như gạo, mắm, muối, hột vịt v.v... từ trong nhà ra tới con dốc đường xe lửa, không xa lắm. Lúc đó không có mái chèo, mà dẫu có mái chèo, Ba tôi cũng không rành chèo chiếc bè như người dân trong miền tây nam bộ, ông ngâm mình trong nước đẩy chiếc bè có Mẹ tôi, chị Bảy và tôi trên đó từ từ ra phía con dốc. Thời gian đó không có các anh lớn của tôi ở nhà vì đã ra ngoài thị xã trọ học.
Chúng tôi đi lên con dốc cao, từ nơi này, nhìn ra cánh đồng ruộng phía bắc, tất cả đều một màu vàng đục của nước lũ. Tôi mang bọc nhỏ quần áo và cái mền, sức của tôi chỉ chừng đó, bước thấp bước cao theo chân chị Bảy và Ba Mẹ, dọc theo đường rây xe lửa, đi về hướng Nam. Đi bộ hơn hai cây số, chúng tôi đã đến nơi cần đến, đó là một ngôi chùa được xây cất trên một ngọn đồi khá cao đối với tôi lúc đó. Dọc đường, đầu óc thơ ngây của tôi lần đầu tiên thu vào những hình ảnh thê thảm mà tôi vẫn nhớ hoài. Trước mắt tôi, những con heo, bò, chó và đồ gia dụng của cư dân trong thôn làng trôi theo giòng nước hung hãn của cơn lũ. Những cái đầu heo, đầu bò lúc còn lúc mất, chập chờn trên mặt nước với những tiếng kêu tuyệt vọng, thảm thiết. Sau này mỗi khi nhớ lại lần tản cư tránh lũ năm ấy, tôi đều cảm thấy may mắn, vì nếu lúc đó tôi nhìn thấy thảm cảnh con người bị trôi đi trong cơn lũ, không biết tôi còn bị ám ảnh tới đâu!
Trong chùa có nhiều gia đình đã đến trước chúng tôi. Sư thầy và mấy chú tiểu giúp chúng tôi sắp xếp chỗ ở tạm. Quanh chùa, tôi thấy những nồi cơm bắc trên mấy cái kiềng ba chân, củi đốt là những thân cây ẩm nước khiến khói bốc lên mù mịt. Mưa vẫn không ngớt, bầu trời còn nguyên màu xám xịt. Bữa cơm mùa lũ với cơm và hột vịt luộc dằm mắm mà sao tôi nghe nó ngon quá chừng. Ba Mẹ tôi không ngớt lo lắng vì hoa màu và lúa ngoài đồng ruộng đã gần tới mùa gặt mà bị lũ thế này thì có khác gì mất trắng. Riêng tôi, thuộc hạng lo chưa tới, cứ thế mà ngủ khì trong đêm đó.
Tôi nhớ rằng gia đình tôi đã ngủ ở trên ngôi chùa đó trong hai ngày. Khi trời dứt mưa, nước bắt đầu rút đi, chúng tôi chân thành cảm ơn Sư Thầy và bắt đầu hồi cư về làng.
Bước chân vào trong sân, tôi kinh ngạc nhận ra sự tàn phá của cơn lũ. Trong sân, trên nền nhà nhầy nhụa bùn đất. Vật dụng trong nhà cái còn cái mất. Mấy con gà mẹ tôi nuôi, nhờ bay lên cành cao ngủ trên đó thì còn, riêng mấy con heo thì mất tiêu. Căn nhà trong lúc bình thường thì ấm áp với hơi người, với bếp lửa, bây giờ đứng giữa căn nhà sau cơn lũ tôi thấy trống vắng và lạnh lùng phát sợ. Tôi còn nhớ hôm đó tôi bị nhiễm lạnh và phát sốt, trên thân mình nổi mề đay ngứa ngáy, cũng may có lẽ chỉ là dị ứng bình thường, chứ không có gì nghiêm trọng.
Thuở đó, miền trung mùa hạ nắng lửa nung trời, mùa đông lũ lụt là chuyện bình thường, nhưng cơn lũ năm đó quá lớn đã khiến người dân miền trung Việt Nam bàng hoàng với những tổn thất về nhân mạng, về nhà cửa hoa màu. Tuy vậy nỗi khốn khổ vì lũ lụt miền trung thập niên 60 so với tình trạng lũ lụt cả nước bây giờ thì chả có gì là ghê gớm. Rõ ràng đã có những hiện tượng cực kỳ bất thường đang xảy ra trên đất nước của chúng ta. Thành phố Sài Gòn ngày nay, chỉ cần mưa không dứt trong vòng một tiếng đồng hồ, thì ngoại trừ những khu đất khá cao, tất cả nẽo đường đều chìm trong nước. Hiện tượng này, theo những người am hiểu địa thế của thành phố Sài Gòn, là do sự thiếu hiểu biết trong việc quy hoạch xây dựng những công trình, những khu gia cư. Những giòng chảy để nước lũ rút nhanh bây giờ đã bị những công trình, những khu chung cư chận lại, hỏi làm sao không gây ra ngập lụt đường phố? Những người CSVN, sau khi thắng trận năm 1975 đã có niềm tự hào của một anh nhà giàu mới nổi, cứ "duy ý chí" một cách ngu đần rằng ta đây đánh thắng hai đế quốc sừng sỏ thì việc gì cũng ở trong tầm tay. Những đề nghị, những ý kiến xây dựng hữu ích của những người, tuy không ưa gì CS nhưng nghĩ đất nước giờ đã hoà bình, cần đóng góp xây dựng, hoàn toàn không lọt vào tai những kẻ ngu, cứ hỉnh mặt lên, lấy cái vốn bổ túc văn hóa của mình ra để dạy đời cho thạc sĩ, tiến sĩ, giáo sư miền Nam. Tình trạng ngập lụt mỗi khi mưa lớn của đường phố Sài Gòn hiện nay là kết quả tất yếu của một đường lối hành chính, quy hoạch ngu xuẩn.
Còn miền Bắc và miền Trung Việt Nam thì riêng năm 2016 đã có những hiện tượng rất bất thường. Chưa có năm nào mà tình trạng lũ chồng lũ lại gây tác hại nghiêm trọng về nhân mạng, của cải, hoa màu như thế. Từ đầu năm 2016 đến nay mà chỉ riêng miền trung, đã có hơn 250 người chết và mất tích, thiệt hại nói chung là hơn 70 triệu US dollars. Lý do, một phần do nền kỹ nghệ nặng sản xuất vượt mức trong khu vực, khiến khí thải tuôn vào không gian, làm thay đổi thời tiết, khí hậu, một phần quan trọng khác chính là nạn phá rừng cực kỳ nghiêm trọng. Theo một số liệu không chính thức, diện tích rừng của Việt Nam trong mấy mươi năm qua hiện còn chưa tới 1/3. Quan tham cấu kết với lâm tặc, thi nhau khai thác rừng bừa bãi, chả thèm để ý gì tới lợi ích về lâu về dài của đất nước, của dân tộc. Cây rừng giúp hút và giữ nước để tránh nạn nước lũ chảy về đồng bằng miền trung Việt Nam bây giờ hầu như đã tàn, nước lũ không có gì ngăn cản, hỏi sao không ngập lụt. Lại thêm những đập thủy điện, mỗi khi mưa nhiều, sợ vỡ đập, cứ xả lũ vô tội vạ, không cần kế hoạch điều tiết gì, cũng không cần thông báo trước cho cơ quan xã, huyện địa phương. Chỉ để cận giờ, nhắc điện thoại nói qua loa cho xong, gọi là đúng quy trình, sau đó xả lũ thẳng tay, mặc cho người dân đen lúng túng, không đủ thì giờ vun vén những vật dụng cần thiết tránh lũ.
Mấy tháng trước, Hà Tĩnh chịu nhiều thiệt hại của lũ, gây ra bởi thiên tai, cộng với nhân tai là việc xả lũ vô trách nhiệm của Đập Thủy Điện Hố Hô, gây ra thảm cảnh người chết, nhà xiêu, hoa màu, gia súc thất tán. Thế mà tên tiến sĩ Nguyễn Bách Phúc, chủ tịch của cái hội tư vấn khoa học công nghệ gì đó dám khoe cái mất dạy, vô lương, ngu dốt của mình khi câng câng cái mặt tuyên bố: "Nước xả ấy có phải của Hố Hô không? Không phải, vì bản thân hồ không sinh ra nước, mà chỉ xả hết nước lũ mà hồ không thể chứa được." Không biết tên này nó ăn cái giống gì mà nó ngu xuẩn phát sợ! Chính vì chế độ có quá nhiều đứa ngu như nó, nhiều đứa tham lam như nó mà trong mấy ngày qua, người dân Bình Định đã trải qua những bi thảm mà ai nghe đến cũng nghẹn lòng. Một bé trai 11 tuổi, vì lũ lụt nên trường cho về sớm, em đã vĩnh viễn không về được tới nhà. Một cô công nhân 23 tuổi cũng tan ca về sớm với chồng con, cô cũng vĩnh viễn ra đi, để lại bé con 2 tuổi. Tôi đọc tin tức mà nghẹn ngang. Chế độ cứu trợ vật phẩm, gạo, mì gói, đặc biệt là 1500 tấn muối. Từ những kinh nghiệm của những toán cứu trợ lũ Hà Tĩnh kỳ vừa rồi, tôi không biết mỗi gia đình có nhận được vài gói mì, vài hạt muối hay tất cả đều về trú ngụ tại mấy nhà xã trưởng, thôn trưởng? Tôi không tùy hứng nói sảng đâu! Kỳ lũ Hà Tĩnh, khi đoàn cứu trợ ra khỏi làng, những tên cán bộ mặt heo đã không đến thu bớt tiền cứu trợ lũ lụt đó sao?
Các bạn thân mến.
Mấy mươi năm qua, trong chế độ CSVN, cái tình giữa người với người đã trở nên mong manh như sợi chỉ. Những truyền thống yêu thương, tình anh em, nghĩa đồng bào, đã bị cái chủ nghĩa thực dụng khốn nạn của tập đoàn CS làm cho thui chột. Con người duy lợi, vô cảm trước khốn cảnh của tha nhân. Tôi hoàn toàn không cường điệu nói ẩu, mà tình trạng đen tối đó thực sự đang tràn lan trên mảnh đất này. Hiện giờ chế độ khốn nạn đang nắm quyền, và ước vọng chính đáng của toàn dân Việt Nam là mong cho chế độ đó lụi tàn sớm ngày nào hay ngày ấy. Nhưng ngay cả khi mấy tên cộng sản đó đội nón ra đi, thì người dân Việt Nam chúng ta cũng sẽ mất hàng 10 năm, 20 năm để xây dựng lại niềm tin, xây dựng lại những truyền thống tốt đẹp của dân tộc chúng ta. Hành trình nào cũng có điểm khởi đầu. Chúng ta hãy khởi đầu ngay hôm nay.
Hãy vì đồng bào miền trung của chúng ta đang trong cảnh khổ mà chia cơm xẻ áo. Ở vị trí của mỗi người trong chúng ta, hãy tìm hiểu phương cách hữu hiệu và thực dụng nhất, góp chút lòng cho đồng bào miền trung. Cá nhân tôi cũng đâu khác gì các bạn. Cũng chỉ là một tấm lòng, quan tâm tới vận mệnh của đất nước và đồng bào.
Kính