Saturday, February 4, 2017

Chủ tịch phường Cầu Kho không biết tiếp thu phản ánh, có ý bao che tiêu cực

PHƯƠNG LINH-13:07 03/02/17
(GDVN) - Dù địa bàn xuất hiện hàng loạt điểm dạy thêm chưa có phép, nhưng bà Chủ tịch phường Cầu Kho không nghiêm túc tiếp thu, mà lại đi tố những điều không đáng.

Trong thời gian vừa qua, thực hiện chủ trương của lãnh đạo TP.Hồ Chí Minh về việc chấn chỉnh hoạt động dạy thêm học thêm tràn lan, tiêu cực trên địa bàn, trong đó nhấn mạnh đến vai trò quản lý địa bàn của chính quyền địa phương, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã có hàng loạt bài viết phản ánh tình trạng này tại rất nhiều quận huyện.
Ngoài địa bàn quận Bình Tân, thì thời gian gần đây, địa bàn phường Cầu Kho – quận 1 cũng nhận được nhiều phản ánh của người dân khi để tồn tại hàng loạt điểm dạy thêm, cho thuê phòng dạy thêm chưa cấp phép.
Đó là điểm ở căn nhà nằm trong hẻm số 459 đường Trần Hưng Đạo của một giáo viên Trường Minh Đức quận 1, điểm nằm trong hẻm 391 đường Trần Hưng Đạo (hiện giờ) của bà Nguyễn Thị Diện và tại Trung tâm học tập cộng đồng phường (hẻm 491 đường Trần Hưng Đạo) cho giáo viên thuê phòng dạy thêm.
Điều đáng nói, qua xác minh từ địa phương, Giám đốc Trung tâm học tập cộng đồng này cũng chính là Phó Chủ tịch UBND phường Cầu Kho – ông Vũ Xuân Việt.
Việc để xảy ra hàng loạt điểm dạy thêm không phép trên địa bàn như vậy, đáng lý ra, với vai trò là Chủ tịch UBND phường, bà Châu Phụng Chi phải nghiêm túc tiếp thu những góp ý của dư luận, giải quyết những vấn đề còn tồn tại trên địa bàn mà mình là người đứng đầu bộ máy chính quyền.
Tuy nhiên, trên thực tế thì bà Chi lại không làm như vậy khi ký một văn bản gửi Báo điện tử Giáo dục Việt Nam và nhiều cơ quan khác tố lại những điều nhỏ nhặt, không đáng.
Căn cứ vào văn bản số 32, được bà Châu Phụng Chi ký ngày 16/1/2017, với yêu cầu làm rõ nội dung đăng trong bài báo “Một Phó Chủ tịch phường ở Quận 1 tự nhận nắm bắt pháp luật kém”.
Toàn cảnh UBND phường Cầu Kho - quận 1, TP.Hồ Chí Minh hiện nay (ảnh: P.L)
Theo văn bản này, bà Chi cho rằng, tiêu đề của bài báo đang cố tình xuyên tạc, vu khống, xúc phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm của cá nhân ông Vũ Xuân Việt – Phó Chủ tịch UBND phường Cầu Kho.
Bởi lẽ, bà Chi nói trong bài viết chỉ nói đến chi tiết ông Việt không nắm rõ Luật Báo chí mới có hiệu lực từ ngày 1/1/2017 bằng phóng viên thôi.
Cũng cần phải nhắc lại rằng, vào sáng ngày 11/1/2017, để tìm hiểu rõ ràng, khách quan việc dạy thêm học thêm tràn lan trên địa bàn phường, phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã đến trụ sở UBND phường Cầu Kho để xin gặp, làm việc với lãnh đạo phường về việc này.
Khi đó, qua điện thoại, chính bà Chi đã giới thiệu cho phóng viên gặp ông Vũ Xuân Việt – Phó Chủ tịch UBND phường phụ trách Văn xã đang có mặt tại trụ sở.
Sau khi trình thẻ nhà báo đúng theo quy định của Nhà nước, ông Vũ Xuân Việt đã yêu cầu phóng viên xuất trình giấy giới thiệu, nhưng sau khi nghe mục đích, nội dung đến làm việc, ông Vũ Xuân Việt bất ngờ yêu cầu phóng viên cần có giấy giới thiệu chi tiết gửi UBND phường, và gửi kèm câu hỏi trước để chuẩn bị.
Khi phóng viên giải thích theo Luật Báo chí mới, phóng viên có thẻ nhà báo thì không cần giấy giới thiệu nữa, ông Việt tự nhận mình không thể nắm được Luật Báo chí bằng các anh (phóng viên) rồi.
Ngoài ra, chính ông Việt khi đó còn giải thích thêm rằng, quy trình tiếp báo chí này là do được đi tập huấn về, nên mới áp dụng theo.
Theo một Luật sư của Đoàn luật sư TP.Hồ Chí Minh, Luật Báo chí hay bất cứ Luật, Nghị định, Nghị quyết, văn bản…là đều nằm trong hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, do các cơ quan ở trung ương ban hành, nên đương nhiên nắm Luật Báo chí cũng là nắm kiến thức pháp luật.
Cần phải nói thêm, trong một bài báo thì tiêu đề không thể nào phản ánh đầy đủ nhất các nội dung ở bên trong, mà muốn nắm được, người đọc cần đọc hết cả nội dung bên trong bài.
Như vậy, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam khẳng định rằng, tiêu đề bài báo nói trên viết như vậy là hoàn toàn không vu khống, không xuyên tạc và cũng không xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín cá nhân ông Việt, mà đây chính là những gì diễn ra trong thực tế, tại cuộc làm việc giữa phóng viên và ông Vũ Xuân Việt.
Cũng trong văn bản số 32, bà Châu Phụng Chi còn nói tấm ảnh đăng kèm theo bài viết được bà Chi nói là đã cũ kỹ, nhếch nhác từ những năm trước, cố tình xúc phạm uy tín của cơ quan mà hiện nay bà Chi đang là người đứng đầu.
Tuy nhiên, trên thực tế, tấm ảnh này được phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam dẫn từ 1 trang báo khác và có dẫn nguồn đúng theo quy định hiện hành.
Ảnh cũng chỉ là cổng bên ngoài của trụ sở UBND phường Cầu Kho, chứ không phải quang cảnh ở bên trong, giống như bà Chi nói trụ sở có niêm yết thủ tục công khai rõ ràng, sạch sẽ.
Trong bối cảnh phường Cầu Kho có rất nhiều điểm dạy thêm không phép bị phản ánh, việc Chủ tịch UBND phường Cầu Kho ký văn bản với những nội dung như vậy, không thể khiến cho dư luận băn khoăn: Phải chăng bà Châu Phụng Chi đang muốn bao che, dung túng cho các sai phạm của cấp dưới?.
Hay bà Chi làm như vậy để làm giảm nhẹ trách nhiệm cá nhân của mình, khi để trên địa bàn xảy ra hàng loạt điểm dạy thêm không phép mà Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã phản ánh trong thời gian vừa qua.
Cách hành xử như của bà Châu Phụng Chi, liệu có đúng với tư cách của một người lãnh đạo địa phương trước những bức xúc của người dân?
Tại sao trước các phản ánh sai phạm rõ ràng thì bà Chi không tiếp thu, khắc phục mà lại tìm cách đổ vạ, đổ vấy với mục đích gì nếu không phải là để trốn tránh trách nhiệm quản lý yếu kém?
Các câu hỏi này, chúng tôi xin được gửi tới lãnh đạo UBND quận 1, UBND thành phố Hồ Chí Minh để tìm câu trả lời.

Vì sao Ninh Bình báo cáo “trắng” tai nạn giao thông dịp Tết?

Thái Bá-03/02/2017 - 14:03 

Dân trí Sáng 3/2, Trưởng Phòng CSGT Công an tỉnh Ninh Bình xác nhận, trong 7 ngày nghỉ Tết trên địa bàn tỉnh xảy ra 1 vụ tai nạn giao thông khiến 2 người chết. Về thông tin tỉnh “trắng” TNGT dịp Tết, vị này cho hay, do “anh em báo cáo thiếu”.

Theo thống kê của Cục CSGT (Bộ Công an), Ninh Bình cùng với một số tỉnh khác như Sơn La, Bắc Ninh, Cao Bằng… không xảy ra TNGT trong dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017. Tuy nhiên, sau khi có thông tin trên dư luận đã có những ý kiến trái chiều và nhiều người cho rằng thống kê như vậy là chưa đầy đủ.
Theo đó, trong 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán, tại tỉnh Ninh Bình đã xảy ra 1 vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng khiến 2 người chết. Như vậy, báo cáo tỉnh này “trắng” TNGT là chưa đúng thực tế.
Đám tang bố con ông Vĩnh vào ngày cuối năm sau vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng (ảnh TPO)
Đám tang bố con ông Vĩnh vào ngày cuối năm sau vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng (ảnh TPO)
Cụ thể, khoảng 22h ngày 26/1 (Tức 29 Tết) trên QL10, đoạn qua xã Ân Hòa, huyện Kim Sơn (Ninh Bình) xảy ra vụ tai nạn giao thông giữa xe mô tô và xe taxi. Thời điểm trên, khi ông Vũ Văn Vĩnh (SN 1972, trú xã Ân Hòa) điều khiển xe máy chở theo con trai là Vũ Trung Hiếu (SN 2000) đi sắm Tết, hướng từ huyện Kim Sơn đến TP.Ninh Bình, bất ngờ bị chiếc taxi đi ngược chiều đâm trực diện. Hậu quả, cả 2 bố con ông Vĩnh bị văng xuống sông và tử vong ngay sau đó.
Trao đổi với PV Dân trí, Đại tá Đinh Văn Ninh, Trưởng Phòng CSGT Công an tỉnh Ninh Bình cho biết, vụ tai nạn trên xảy ra ngày 26/1 (Tức 29 Tết), tuy nhiên cán bộ Phòng lại báo cáo từ ngày 30 Tết đến ngày hết ngày mùng 6 Tết.
“Ngày hôm qua (2/2) bộ phận văn phòng đã báo cáo lên Văn phòng Bộ (Công an) để điều chỉnh rồi. Do anh em tính từ ngày 30 đến hết ngày hôm qua (mùng 6) nên không có vụ nào”, ông Minh nói.
CSGT Đà Nẵng lý giải nguyên nhân Đà Nẵng ít tai nạn giao thông
Đà Nẵng là một trong những địa phương có ít tai nạn giao thông xảy ra trong dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017 với 2 vụ tai nạn làm 1 người chết, 1 người bị thương.
Lý giải "điểm sáng" này, Thiếu tá Phạm Hồng Hải – Đội trưởng Đội Tham mưu (Phòng Cảnh sát giao thông, Công an TP Đà Nẵng) – cho biết, năm 2017, Thành ủy, UBND TP Đà Nẵng đã ban hành đề án “Thành phố 4 an”, trong đó có An toàn giao thông. Vì thế, ngay từ đầu năm, công an thành phố đã xây dựng kế hoạch, đề ra các giải pháp, mục tiêu để đảm bảo an toàn trật tự giao thông. Trước Tết, Giám đốc Công an thành phố đã chủ động xây dựng cao điểm đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông trong dịp tết Nguyên đán.
Bên cạnh đó, Công an thành phố cũng đã tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật đến với mọi người dân. Đẩy mạnh hoạt động của trang Facebook cảnh sát giao thông trong dịp Tết Nguyên đán để tuyên truyền, hướng dẫn và nhắc nhở mọi người tham gia đúng luật giao thông.
Đường phố Đà Nẵng bình yên sáng mùng một Tết
Đường phố Đà Nẵng bình yên sáng mùng một Tết
Ý thức của người tham gia giao thông trên địa bàn thành phố được nâng cao nên tình hình trật tự an toàn giao thông trong dịp Tết được đảm bảo, tai nạn giao thông xảy ra nhưng không đáng kể.
Lý giải về việc số liệu của cảnh sát giao thông và các bệnh viện “chênh” nhau (ở bệnh viện số người bị tai nạn giao thông nhiều hơn), Thiếu tá Hải – cho hay, số liệu của cảnh sát giao thông được lực lượng cảnh sát giao thông tiếp nhận. Còn số liệu ở các cơ sở y tế nhiều hơn là có những trường hợp họ tự xảy ra va chạm hoặc có người ta tự gây tai nạn rồi họ tự vào bệnh viện.
“Ví dụ họ tự uống bia, rượu say, đi ngoài đường, trong các đường hẻm họ té, họ tự đi vào bệnh viện nên số liệu nó chênh nhau”, Thiếu tá Hải nói.
Khánh Hồng



87 tuổi đời, Đảng CSVN quá già hay còn trẻ hả ông Trọng?

Đỗ Thị Anh Thư -3/2/2017
(FB Đỗ Thị Anh Thư)

Trong hình ảnh có thể có: 1 người
Có 2 lý do mà người ta có thể châm chước cho sự bảo thủ, không tiếp thu, không chỉnh sửa lỗi lầm, đó là tuổi trẻ bồng bột và tuổi già lú lẫn. Nhưng ở 2 lý do đó thì thực chất không phải để biện minh cho việc thấy được hạn chế , yếu kém mà không khắc phục, thấy được nhược điểm, trì trệ mà không nghiêm túc sửa đổi vươn lên vì trẻ con thì chưa đến tuổi tham gia việc của người lớn và người già cả lú lẫn thì không thể làm lãnh đạo người tỉnh táo, cần phải nghỉ ngơi dưỡng già.

Tôi nhìn thấy hình ảnh gì đây về một Đảng cộng sản có tuổi đời 87 năm? So với các đảng phái ở nước Mỹ đã hình thành từ ngày lập quốc của họ với tuổi đời 200 năm thì đảng của VN còn quá non trẻ khi chưa được trăm tuổi, nhưng so với chính những gì mà đảng thể hiện thì tôi lại thấy đảng ta quá già nua trong sự chậm trễ với các thích nghi, sự tụt hậu với văn minh và tiến bộ, sự buông lỏng để thói hư tật xấu nảy sinh và sự gian dối, tham nhũng ở bộ phận quan trọng - cơ quan trung ương - bộ não của đảng, của những người làm lãnh đạo. Điều khiến cho tôi thất vọng, thất vọng vô cùng về những gì mà đảng vẫn tự nhận về mình ở thời điểm hiện tại, thời điểm mà đảng không còn tốt đẹp như xưa khi mà các thế hệ ưu tú, đạo đức, một đời cống hiến cho nước cho dân của lớp người xưa đã nghỉ ngơi và nhường lại cho lớp kế cận chèo lái con thuyền chở đầy thành tích, chiến công, đầy kiêu hãnh tự hào.

Vinh quang là phần thưởng, là lợi thế cho những người làm nên chiến thắng, nhưng sẽ là gánh nặng, là sức ép cho những người chẳng phải hy sinh cống hiến gì mà lại được nhận của "hồi môn". Và thế là thói xấu nảy sinh khi lòng tham nổi lên, khi những người không làm ra mà lại được hưởng thành quả, họ không biết trân trọng, không biết cội nguồn để mà tri ân. Họ làm sao mà biết được cái giá của những gì thế hệ đi trước để lại là những giá trị vô giá khi mà cả dân tộc phải đánh đổi bằng máu và nước mắt, cả những vết thương chiến tranh cho đến bây giờ vẫn chưa lành lặn.

Tôi nghĩ rằng những yếu kém của đảng vừa qua đều có liên quan đến Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Tất cả các hệ quả đều rơi vào thời kỳ do ông dẫn dắt. Đó không phải là hậu quả của người trước để lại mà do sự nhu nhược, dễ dãi của TBT. Ông đã để mặc Thủ tướng muốn làm gì thì làm, ông đã không nghiêm trị những kẻ lộng hành, lợi dụng quyền lực của đảng để hà hiếp đảng viên chân chính, áp bức bóc lột nhân dân, ông đã để mặc cho kẻ xấu nhởn nhơ và còn lên chức leo cao tiếp tục sự xấu xa khốn nạn của họ. TBT sẽ không thể đổ trách nhiệm này cho ai vì chính ông rất sợ đảng viên và nhân dân thấy được hạn chế, tệ nạn trong đảng. Ông đã sợ đến nỗi chẳng chỉ đạo xử lý bất cứ ai để được tiếng thơm về cho mình.

Từ trước ĐH Đảng 12 và trong suốt năm 2016 vừa qua tôi đã bất chấp tất cả để bảo vệ và ủng hộ ông ở lại trên cương vị Tổng Bí thư, đến giờ tôi xin nói thật đây, đó là vì tôi muốn ông ở lại để sửa sai, nếu không sửa được thì cũng muốn ông phải nhận lấy trách nhiệm của chính mình.

87 tuổi đời của đảng CSVN, mốc thời gian có ý nghĩa sống còn đây với con số 13 năm nữa thì tròn 100 tuổi. Đảng sẽ phải làm gì, ông Tổng Bí thư sẽ phải làm gì? Đảng đang bị bệnh mà không dùng thuốc chữa thì đảng sẽ chết vì bạo bệnh. Đến lúc này thì tôi không cứu đảng đâu vì đảng mà chết thì Việt Nam sẽ không cần đảng phái nào hết. Việt Nam chỉ cần tổ chức Nhà nước pháp quyền coi pháp luật là thượng tôn, không cần một tổ chức đảng lãnh đạo nhân dân bằng pháp luật nhưng lại mặc kệ cho cán bộ đảng viên vi phạm pháp luật. Điều đó tạo nên bất công, sự trắng trợn, tạo nên chế độ áp bức nô lệ thời hiện đại, chế độ vua quan phong kiến kiểu mới. Thành quả cách mạng do nhân dân làm ra cho nên nhân dân phải là người định đoạt.

Sang năm 2017, là năm Đinh Dậu mọi thứ đã khác, suy nghĩ của tôi cũng đổi thay. Nếu như từ trước đến nay tôi vẫn luôn muốn chứng minh trong đảng có những người tốt giống như tôi, thì bây giờ lại muốn mọi người nhìn ra một sự thật khác, đó là những đảng viên tốt ở trong một tổ chức đảng tha hóa thì sẽ bị chính những người ở trong đó đẩy ra bên ngoài để họ thu nạp những phần tử cùng "chí hướng" đục phá của nhà nước và nhân dân.

Năm nay tôi sẽ không ủng hộ đảng nữa đâu, với tôi 5 năm đảng vô trách nhiệm với mình là quá đủ. Hãy để mọi thứ diễn ra tự nhiên, không có sự ủng hộ của tâm linh đến từ tôi, thì một là đảng phải sửa đổi tiến bộ, hai là đảng sẽ tan thành mây khói. Tôi sẽ tôn trọng sự lựa chọn của lịch sử, thay vì mong muốn những điều tốt đẹp dành cho đảng trong khi đảng chẳng còn xứng đáng với tình yêu và sự kính trọng của tôi.

‘Vị thế Việt Nam rất được tôn trọng và đề cao’?

Lê Dung-04-02-2017
(VNTB) - Vẫn chưa có gì thay đổi trong não trạng giới ngoại giao Việt Nam, mà đằng sau đó là đảng cầm quyền bằng lối tuyên giáo một chiều và như luôn đề cao lòng dối trá.  

   Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Phạm Quang Vinh 

Mấy chục năm làm ngoại giao, đi nhiều, gặp nhiều và nhìn lại, tôi thấy vị thế của Việt Nam rất được trân trọng” và “Sức sống, sức vươn lên của dân tộc là không thể phủ nhận”- Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Phạm Quang Vinh nói với báo Lao Động trong một cuộc trả lời phỏng vấn trước tết nguyên đán 2017, được báo Lao Động rút tít thành một niềm tự hào “Vị thế Việt Nam rất được tôn trọng và đề cao”.

Nhưng ngay trước tết nguyên đán 2017, một lần nữa vài tờ báo quốc tế bùng lên thông tin về thực tế chỉ có 8% du học sinh Việt Nam tại Nhật Bản là thực chất học, số còn lại chỉ đến Nhật như một con đường để lao động chui hoặc làm ăn buôn bán, kể cả buôn lậu.

Thậm chí một số du học sinh Việt ở Nhật cho rằng tỷ lệ 8% trên vẫn còn là cao, bởi con số thực sang Nhật du học còn thấp hơn nhiều.

Cũng trong những năm gần đây, số biển báo tại các nhà hàng Nhật cấm người Việt gây mất trật tự, xả rác, cảnh báo người Việt ăn cắp đồ đột ngột tăng vọt. Quá nhiều dư luận đang ồn ã về sự ô nhục quốc thể gây ra bởi chính nhiều người Việt ở đất nước Phù Tang. Nổi hổ thẹn và hạ cấp chưa bao giờ lớn như lúc này dối với dân tộc “ngàn năm văn hiến” của chúng ta.

Vậy thì “Vị thế Việt Nam rất được tôn trọng và đề cao” dựa trên cơ sở nào?

Hay chỉ là một tuyên truyền dối trá trong suốt bao nhiêu năm qua?

Nếu “rất được tôn trọng và đề cao”, tại sao người Việt lại rơi vào tình cảnh bị kỳ thị và bị xua đuổi không chỉ ở Nhật mà ở cả Hàn Quốc, Malaysia và nhiều nước phương Tây?

Nếu “rất được tôn trọng và đề cao”, tại sao sau 4 năm kể từ thời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tha thiết đề nghị Mỹ công nhận nền kinh tế thị trường của Việt Nam, cho tới giờ cả Mỹ và Liên minh châu Âu đều chưa xem xét và chưa biết bao giờ mới xem xét đề nghị này?

Nếu “rất được tôn trọng và đề cao”, tại sao từ tháng 7/2017, Chính phủ Việt Nam sẽ phải vay vốn ODA với lãi suất tăng gấp gần 3 lần và thời gian ân hạn giảm một nửa so với những đềuu kiện ưu đãi trước đây?

Nếu “rất được tôn trọng và đề cao”, tại sao chính Bộ Ngoại giao Mỹ và Nghị viện châu Âu phải thường xuyên nêu ra các báo cáo, nghị quuyết lên án chính quyền Việt Nam về tình trạng đàn áp nhân quyền đặc biệt nghiêm trọng? Tại sao nước Mỹ vừa phải ban hành luật Nhân quyền Magnitsky Toàn cầu nhằm chế tài những quan chức vi phạm nhân quyền, trong đó có quan chức Việt Nam?

Và nếu “rất được tôn trọng và đề cao”, tại sao ngay một số tòa đại sứ Việt Nam ở Hà Lan, Pháp, Séc… đã bị cộng đồng người Việt ở những nơi đó phản ứng rất mạnh mẽ đối với chế độ thu phí visa cùng nhiều hành vi đậm dấu đòi hỏi của các nhân viên ngoại giao Việt Nam?...


Năm 2017. Vẫn chưa có gì thay đổi trong não trạng giới ngoại giao Việt Nam, mà đằng sau đó là đảng cầm quyền bằng lối tuyên giáo một chiều và như luôn đề cao lòng dối trá. 

Hơn 100 thương binh đến công an huyện Chương Mỹ yêu cầu xử nghiêm vụ đánh cựu chiến binh

Theo Trí Thức Trẻ-04-02-2017

Hơn 100 thương binh đến công an huyện Chương Mỹ yêu cầu xử nghiêm vụ đánh cựu chiến binh
Ông Vin điều trị tại viện và ảnh cắt từ clip

"Tôi đã trực tiếp giải thích với các thương binh là mọi việc xử lý phải tuân thủ theo quy định của pháp luật", Trưởng Công an huyện Chương Mỹ khẳng định.

Liên quan đến vụ việc thương binh Hoàng Tiến Vin bị nhóm thanh niên đánh do va chạm giao thông vào ngày 28 Tết, Trung tá Trần Trí Dũng, Trưởng Công an huyện Chương Mỹ (Hà Nội) cho biết, đơn vị đã nhận được đơn yêu cầu khởi tố vụ án hình sự của nạn nhân gửi vào ngày 2/2. Quan điểm của công an huyện là sẽ xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.
"Vào sáng nay (3/2), hơn 100 thương binh đã đến trụ sở công an huyện yêu cầu chúng tôi phải xử lý nghiêm minh, bắt giam những kẻ hành hung ông Vin.
Mọi người cho rằng công an huyện xử lý chậm trễ sự việc này, tuy nhiên tôi đã trực tiếp giải thích với các thương binh là mọi việc xử lý đều phải tuân thủ theo quy định của pháp luật.
Chúng tôi đang chờ kết quả tiếp theo của cơ quan điều tra cũng như kết quả giám định sức khỏe, sau đó mới đưa ra quyết định xử lý vụ việc", Trung tá Dũng nêu rõ.
Còn theo bà Đỗ Thị Thơm, vợ ông Hoàng Tiến Vin, hiện ông vẫn kêu đau ê ẩm khắp người, vùng mặt và phía sau gáy ở khu vực bả vai phải còn vết thâm tím. Các bác sĩ cho biết, xương bả vai ông Vin bị rạn.
Bà Thơm cho hay, gia đình những người đánh ông Vin đã đến thăm hỏi và xin được giải quyết hòa giải. Tuy nhiên, gia đình bà Thơm chưa đồng ý vì còn đợi ông Vin ra viện về bàn bạc để có hướng giải quyết tiếp theo.
"Quan điểm của gia đình tôi là phải xử lý những kẻ hành hung ông Vin thật nghiêm minh theo quy định của pháp luật",  bà Thơm nói.
Trước đó, cựu chiến binh Hoàng Tiến Vin đã có đơn gửi Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cùng các cơ quan tố tụng của TP Hà Nội và huyện Chương Mỹ ngày 2/2.
Trong đơn, ông Vin đề nghị các cơ quan tố tụng khởi tố vụ án hình sự theo Điều 104, Bộ luật Hình sự về "Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ người khác" đối với nhóm thanh niên đã dùng hung khí gây thương tích cho ông.
Theo công an huyện Chương Mỹ, sự việc xảy ra vào chiều 25/1 (tức 28 Tết Âm lịch), nạn nhân bị đánh là ông Hoàng Tiến Vin (SN 1955, trú tại xã Phụng Châu, huyện Chương Mỹ).
Do ông Vin lái xe ba gác va quệt làm xước sơn một chiếc ô tô nên chủ xe và một số người khác đuổi theo hành hung.
Ông Vin đi bộ đội năm 1972, vào tháng 5-1974, ông bị thương trong một trận chiến đấu tại Quảng Nam. Ông hiện được hưởng chế độ thương binh hạng 2/4, tỉ lệ mất sức khoẻ 61% với 1 chân bị cụt đến đầu gối, phải dùng chân giả.

Giới chóp bu VN đang hạn chế nhắc đến cụm từ ‘xã hội chủ nghĩa’

Lê Dung-05-02-2017

(VNTB) - “Chúng ta cứ nghiên cứu mô hình đó, mà mãi có tìm ra đâu. Làm gì có cái thứ đó mà đi tìm”.


Trong những ngày tết nguyên đán 2017, Hãng tin BBC Việt ngữ có một bình luận đáng chú ý: Lời chúc Tết đăng trên báo chí Việt Nam của lãnh đạo Đảng Cộng sản, Nhà nước và Chính phủ đều nhấn mạnh đến tinh thần dân tộc, chủ đề tổ quốc chứ dường như không nhắc tới ý thức hệ xã hội chủ nghĩa nữa.

Các lời trích cho thấy ông Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh đến tính dân tộc hơn là ý thức hệ cộng sản hoặc chủ nghĩa xã hội.

Ngay cả khi gặp gỡ, chúc Tết quân đội, ông Trọng cũng không nhắc đến chủ nghĩa xã hội nữa, ít ra là theo những gì báo chí Việt Nam tường thuật.

Ngoài bình luận của BBC, một số dư luận mà trong dó đặc biệt là giới cán bộ lão thành cũng cho rằng không chỉ Tổng bí thư Trọng, mà cả những nhân vật khác trong “tứ trụ” và trong Bộ Chính trị cũng rất ít đề cập đến cụm từ “xã hội chủ nghĩa” hay “chủ nghĩa xã hội” trong lời chúc tết hoặc trong những bài diễn văn.

Hiện tượng hạn chế “xã hội chủ nghĩa” đã từng diễn ra khi trong cả diễn văn khai mạc lẫn thông báo bế mạc của Hội nghị trung ương 12 đảng Cộng sản Việt Nam, kéo dài suốt một tuần từ ngày 5 đến ngày 11/10/2015 giữa những người bên đảng và phía chính phủ tranh nhau các vị trí trong “tứ trụ” cùng chức vụ tổng bí thư, đã chỉ một lần tính từ “xã hội chủ nghĩa” được nhắc đến mà không xuất hiện bất kỳ danh từ “chủ nghĩa xã hội” nào trong các đoạn văn chính trị. Ngay cả cụm từ trước đây rất thường thấy là “xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa”, nay cũng được lược bớt phần đuôi tại Hội nghị trung ương 12. Duy nhất một lần “xã hội chủ nghĩa” được dùng trong thông báo của Hội nghị trung ương 12 khi đề cập đến vấn đề “tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa”.

Cần nhắc lại, những từ ngữ “xã hội chủ nghĩa” và “chủ nghĩa xã hội” được dùng một cách kinh viện, tràn ngập và không thể thiếu trong văn bản của tất cả các hội nghị trung ương, đại hội đảng trước đây. 

Nhiều năm qua và đặc biệt từ đầu năm 2013 khi xuất hiện phong trào “Kiến nghị 72” cho đến nay, ngày càng xuất hiện nhiều trí thức và người dân phản bác về tình trạng quá ư bảo thủ khi đảng khăng khăng giữ định hướng xã hội chủ nghĩa nhưng lại chẳng biết phải định hình và tiến tới nó như thế nào, còn chế độ thì ngày càng tham nhũng ghê gớm và đời sống người dân ngày càng bất an, cơ cực.


Năm 2014 và sang 2015, bắt đầu xuất hiện những lời nói thật. Cùng thời gian diễn ra Hội nghị trung ương 11 vào giữa năm 2015, một ủy viên trung ương đảng là Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh được mời đến nói chuyện về các vấn đề kinh tế ở Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Thính giả là lãnh đạo của hầu hết các tỉnh, thành phố. Kết thúc buổi nói chuyện, nhiều người hỏi ông Vinh thế nào là thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Ông đáp rất thành thật: “Chúng ta cứ nghiên cứu mô hình đó, mà mãi có tìm ra đâu. Làm gì có cái thứ đó mà đi tìm”.

Muốn chống “suy thoái”, đảng phải tự do báo chí và có cơ chế kiểm soát quyền lực

Nguyễn Đăng Quang-03-02-2017

(VNTB) - Nói “tự do báo chí” mà không cho phép báo chí tư nhân hoạt động thì không thể nói là có “tự do báo chí” được!         

Trung tuần tháng 10/2016, Hội nghị Trung ương 4 ĐCSVN (Khóa XII) họp trong 6 ngày. Hội nghị tập trung bàn thảo chủ yếu về công tác xây dựng Đảng, mà đề tài nóng bỏng là sự SUY THOÁI đang diễn ra trong Đảng lúc này! Kết thúc Hội nghị, theo lệ thường, là sự ra đời một bản Nghị quyết quan trọng! Lần này bản Nghị quyết có tên khá dài là “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; và một số vấn đề khác.” Ngay trong bài diễn văn khai mạc Hội nghị, TBT Nguyễn Phú Trọng đã cảnh báo: “Tình trạng suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” vẫn chưa được ngăn chặn và đẩy lùi; có mặt còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn, có thể gây ra những hậu quả khôn lường!

        Trước hết, cần khẳng định, cũng như THAM NHŨNG, hiện tượng SUY THOÁI là khuyết tật của riêng Đảng, khởi nguồn ngay trong nội bộ Đảng chứ không phải là tác động khách quan từ bên ngoài dội vào hàng ngũ Đảng, càng không phải là của “các thế lực xấu, thù địch chống phá Đảng”! Trong vấn đề này, hoàn toàn không có thế lực nào chui được vào trong nội bộ Đảng để có thể bôi nhọ hoặc làm mất uy tín của Đảng! Thứ đến, xem chừng hiện tượng này đã đến điểm nút và rất nguy cấp, đến mức ông Nguyễn Phú Trọng phải lo lắng thốt lên “có thể gây ra những hậu quả khôn lường!” . Hậu quả khôn lường ở đây, theo thiển ý của người viết, có thể là Đảng đang đứng trước nguy cơ “vỡ trận” chăng?!

        Vậy đâu là nguyên nhân của sự SUY THOÁI này và giải pháp thoát khỏi nó là gì? Thực ra, tình trạng SUY THOÁI trong Đảng không phải là hiện tượng mới, nó đã có từ trên 20 năm nay! Ngay từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII (6/1996), Đảng đã lên tiếng cảnh báo về nguy cơ này rồi! Và, cũng giống như THAM NHŨNG mà Đảng coi là căn bệnh ung thư cách đây đã trên 25 năm (từ Đại hội Đảng lần VII, 6/1991), nguy cơ SUY THOÁI cũng không dễ ngăn chặn và đẩy lùi được! Thực tế, các nguy cơ trên cứ sau mỗi kỳ Đại hội Đảng, nó hình như lại được “nuôi dưỡng” để trở nên lớn mạnh không ngừng! Vậy, đâu là căn nguyên gốc rễ đưa đến vấn nạn này, và đâu là giải pháp chủ yếu để ngăn chặn, đẩy lùi nguy cơ mà TBT Trọng coi là “sẽ gây ra những hậu quả khôn lường”?

       Ông Vũ Ngọc Hoàng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Trưởng ban thường trực Ban Tuyên Giáo Trung ương (Khóa XI) đã chỉ ra nguyên nhân chủ yếu, nguyên nhân gốc rễ của nạn SUY THOÁI trong Đảng hiện nay. Trong số các nguyên nhân chính, ông Hoàng (ông Vũ Ngọc Hoàng chứ không phải là ông Vũ Huy Hoàng) nhấn mạnh việc thiếu vắng 2 cơ chế là Kiểm soát quyền lực và Tự do tư tưởng, tự do ngôn luận và minh bạch thông tin!  Nhưng ông Hoàng không đề xuất và kiến nghị được giải pháp cụ thể nhằm ngăn chặn nạn SUY THOÁI này! Song ông Hoàng đã nói rất đúng, 2 cơ chế này đâu đã có, nó hoàn toàn thiếu vắng trong sinh hoạt Đảng từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đến nay!

        Trước hết, xin được bàn qua về cơ chế Kiểm soát quyền lực! Nói đến cơ chế này, phải nói đến Ủy ban Kiểm tra các cấp của Đảng. Từ khi Đảng ra đời, tất cả Ủy ban Kiểm tra các cấp của Đảng đều do Đảng bộ cấp đó chỉ định, không thông qua qua bầu cử! Ngay cả Ủy ban Kiểm tra Trung ương hiện nay cũng vậy, đều do Ban Chấp hành Trung ương chỉ định. Cơ cấu nhân sự gồm những ai, quy chế hoạt động ra sao đều do TBT và BCT quyết định, chứ không do Đại hội Đảng bầu ra! Đây là một khiếm khuyết vô cùng nghiêm trọng! Được biết, từ năm 1980, trước và trong mỗi kỳ Đại hội toàn quốc, rất nhiều đảng viên, trong đó có người viết bài này, kiến nghị Đại hội Đảng phải trực tiếp bầu ra Ủy ban Kiểm tra Trung ương, chứ không thể để Ban Chấp hành Trung ương chỉ định ra Ủy ban này! (Cũng như UBKT các cấp phải do Đại hội Đảng bộ và Chi bộ bầu, chứ không thể do Đảng ủy hay Chi ủy cử như hiện nay!) Nhưng tất cả các ý kiến này đều bị phớt lờ hoặc bịt đi, không được chấp nhận! Như mọi người đều rõ, quyền lực của Đảng trước nay chủ yếu tập trung vào các chức vụ chủ chốt như Tổng Bí thư, các Ủy viên Bộ Chính trị và Ban Bí thư! Nhưng Đảng lại không có cơ chế kiểm soát các vị này một khi họ có dấu hiệu vi phạm Điều lệ Đảng hoặc vi phạm Hiến pháp và Pháp luật Nhà nước, chẳng hạn như các hiện tượng “SUY THOÁI về chính trị biểu hiện qua các hiện tượng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” hoặc “SUY THOÁI về đạo đức, lối sống biểu hiện qua các hiện tượng như lợi ích nhóm, tham nhũng chính sách, tham nhũng quyền lực, tham ô công quỹ, nhận hối lộ v.v...”  Chủ động tiến hành việc ngăn chặn, đẩy lùi hoặc xử lý những hiện tượng này là Ủy ban Kiểm tra Trung ương ư? Không đâu! Ủy ban này chỉ được làm những vụ việc do TBT hoặc BCT trực tiếp ra lệnh hoặc cho phép. Nếu tự tiện làm những vụ việc mà chưa được lệnh hoặc không có sự đồng ý của TBT hoặc BCT thì ngay lập tức sẽ bị “tốp” lại ngay, và ông Chủ nhiệm hay Phó Chủ nhiệm hoăc toàn bộ Ủy ban Kiểm tra sẽ bị bãi chức, bị giải thể lập tức! Nhưng nếu UBKTTƯ do Đại hội bầu thì lại khác, sẽ khác hoàn toàn với UBKTTƯ như hiện nay, vì Ủy ban này không phụ thuộc vào BCHTƯ, họ chịu trách nhiệm và chỉ chịu trách nhiệm trước Đại hội Đảng toàn quốc, chứ không phụ thuộc vào TBT hay BCT như hiện nay! Do vậy, họ có toàn quyền kiểm tra, giám sát những vụ việc, hoặc bất cứ tổ chức hay cá nhân nào, kể cả TBT và các Ủy viên BCT, một khi Ủy ban này thấy có dấu hiệu vi phạm pháp luật hoặc vi hiến, lạm quyền như Dự án Bauxite Tây Nguyên, 2 vụ Vinashines, Vinalines, vụ cảng nước sâu Sơn Dương và Formosa Vũng Áng (Hà Tĩnh), hoặc các vụ cấp phép cho Trung Quốc thuê 300 ngàn héc ta rừng đầu nguồn ở các tỉnh biên giới trong những năm đầu thập kỷ 2010’s! Tôi tin rằng, nếu có UBKTTƯ do Đại hội Đảng bầu ra, chắc chắn rất nhiều dự án, trong đó có các dự án nói trên, sẽ không hình thành, và do vậy lúc này Đảng đâu phải lo lắng đối phó với “Tình trạng SUY THOÁI có thể gây ra những hậu quả khôn lường” như ông Nguyễn Phú Trọng đang lo lắng và than thở!

      Còn về cơ chế “Tự do tư tưởng, tự do ngôn luận và minh bạch thông tin”, nói gọn lại đó chính là tự do báo chí, tự do biểu đạt! Vâng, song song với cơ chế Kiểm soát quyền lực, nhất thiết phải có cơ chế tự do báo chí! Nhưng cơ chế này đã thiếu vắng ở đất nước ta tròn nửa thế kỷ qua! Nói “tự do báo chí” mà không cho phép báo chí tư nhân hoạt động thì không thể nói là có “tự do báo chí” được! Tự do báo chí nhất thiết phải chấp nhận báo chí tư nhân! Tổng Biên tập và Tòa soạn các báo phải tuân theo và chỉ tuân theo Luật Báo chí do Quốc hội ban hành, và chịu trách nhiệm trước độc giả và nhân dân, chứ không tuân theo chỉ thị (miệng hay văn bản) của bất cứ ai, tổ chức nào ngoài Luật Báo chí! Tình trạng như hiện nay, trên 800 tờ báo, bao gồm báo in, báo nói, báo hình và báo mạng mà chỉ có một “Tổng Biên tập” duy nhất, đó là Ban Tuyên giáo Trung ương! Tình trạng này không nên kéo dài, vì nó rất tai hại cho đất nước và xã hội! Quyền lực thứ tư (sau quyền lập pháp, tư pháp và hành pháp) mà nằm gọn trong tay của một tổ chức, một đảng chính trị thì sao có thể gọi là “tự do tư tưởng, tự do ngôn luận và minh bạch thông tin” được?  Chính vì thế, Đảng nên chấp nhận tự do báo chí vì cơ chế này rất có lợi cho tiến bộ  xã hội nói chung và làm trong sạch nội bộ Đảng nói riêng, vì nó sẽ loại bỏ ngay “nạn SUY THOÁI, nạn THAM NHŨNG” từ trong trứng nước, chứ không để đến mức chúng trở thành bầy sâu, thậm chí cả tập đoàn sâu như hiện nay được! Tôi dám chắc, điều mà ông Trọng lo lắng “sẽ xảy ra những hậu quả khôn lường” chắc chắn sẽ không thể xảy ra nếu Đảng chấp nhận và thực thi 2 cơ chế Kiểm soát quyền lực vàTự do báo chí (tức tự do tư tưởng, tự do ngôn luận và minh bạch thông tin) mà ông Vũ Huy Hoàng đã chỉ ra nhưng không dám đề xuất và kiến nghị Đảng áp dụng!  

       Trong dịp Tết Đinh Dậu vừa qua, nhiều trang mạng xã hội trong và ngoài nước đã đăng tải 4 kỳ liên tiếp một bài viết rất đặc sắc có đầu đề là “Đảng Cộng sản Việt Nam, ngã ba đường lịch sử.” của tác giả ký tên Lãng Anh. Trong bài viết rất sắc sảo này, tác giả Lãng Anh đã tổng hợp và phân tích sâu sắc những khuyết tật bẩm sinh dẫn đến sự thất bại tất yếu của các Đảng Cộng sản theo chủ thuyết Marxist-Leninist trên toàn thế giới! Hai trong các khuyết tật khiến các Đảng Cộng sản đồng loạt sụp đổ ở Liên Xô và các nước Đông Âu cuối những năm 1980’s, đầu những năm 1990’s có lẽ chính là sự thiếu vắng 2 nguyên lý mà ông Vũ Ngọc Hoàng, nguyên UVTƯ Đảng, nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương đã nêu lên, đó là “Nhà nước không có cơ chế kiểm soát quyền lực và Xã hội không có tự do báo chí”!  Tôi tin rằng, nếu ĐCSVN chấp nhận và áp dụng cơ chế “Kiểm soát quyền lực” và cơ chế “Tự do tư tưởng, Tự do ngôn luận và Minh bạch thông tin” thì ĐCSVN hoàn toàn có thể yên tâm, tránh được nguy cơ SUY THOÁI “sẽ gây ra những hậu quả khôn lường” mà TBT Nguyễn Phú Trọng, Giáo sư-Tiến sỹ hàng đầu chuyên về Xây dựng Đảng, đã lo lắng cảnh báo trong Hội nghị Trung ương 4 vừa qua!  

 Hà Nội, ngày Kỷ niệm thành lập Đảng, 3/2/2017.
   N.Đ.Q.