Monday, May 29, 2017

Hãy lên tiếng cho những người yêu nước chưa ai biết tên

Hồn Nhiên (Danlambao) - Biểu tình là một hành động chính đáng, hợp hiến, hợp pháp và hợp với đạo lý làm người trước sự ức hiếp, xâm lấn của tàu cộng. Thế nhưng, với một thể chế đã trót nhận giặc làm cha, thì hành động biểu tình ấy như một sự khiêu khích, chọc giận bọn quan thầy của thể chế này. Dần dà, bộ mặt phản quốc của thế chế ấy đã lộ ra qua hành động trả thù thật hạ cấp và đê tiện. Quý vị nghĩ xem, thay vì một nhà nước biết lo cho sự an nguy của dân tộc, lẽ ra phải cùng với toàn dân, cùng với các linh mục ở miền Trung lên tiếng và đòi hỏi Formosa phải chấm dứt hoạt động trên mảnh đất ấy và bồi thường thỏa đáng cho dân, thì ngược lại, họ toa rập với Formosa bắt người dân vô luật, vô pháp. Xem thường mạng sống của dân qua việc quảng cáo trên báo chí "biển sạch, cá sạch, mọi người yên tâm tắm biển ăn cá".

Từ nhiều ngày qua, những nhân tố nổi cộm như Linh Mục Đặng Hữu Nam, linh mục Nguyễn Đình Thục, những vị chủ chăn đáng kính đã phải chịu sự đấu tố hèn hạ, bịa chuyện lăng nhục các vị, rồi tới những bạn trẻ can đảm đưa tin và livestream những hình ảnh các giáo dân và lương dân đi biểu tình đòi công lý thì bị bắt cóc, bị truy bức đến nỗi phải trốn chui trốn nhủi, rất thương tâm. Họ có tội gì? Họ chẳng có tội gì cả! Đơn giản họ chỉ muốn đất nước này, người dân này được bình yên sinh sống làm ăn trong một môi trường sạch sẽ, tươi tốt. Những nguy cơ khiến môi trường bị hủy diệt buộc lòng họ phải nói lên, họ phải cảnh báo cho toàn dân rằng môi trường biển của chúng ta không còn trong sạch nữa, tất cả rồi sẽ bị hủy diệt trước sự tham lam và quỷ quyệt của giặc, đặc biệt có sự tiếp tay của một số thành phần lãnh đạo ngu si của đảng csVN, Chỉ có chừng ấy mà bắt bớ họ sao? Vậy cái nhà nước này đang làm việc cho ai? Họ có coi chủ quyền của VN ra cái gì không? Sao lại có chuyện thông đồng với giặc mà hủy diệt dân khí của nước nhà? Lương tâm của họ đã bị đồng tiền khống chế rồi à?

Những người tôi đã nêu tên ở trên như Cha Nam, Cha Thục và các bạn trẻ như Hoàng Bình, Bạch Hồng Quyền thì có lẽ nhiều người đã biết, còn những người chưa ai biết tới cũng đang gặp rất nhiều khó khăn, họ bị truy bức, bị kêu mời lên đồn CA làm việc, thậm chí khi ra đường, tự nhiên ở đâu có một đám lạ mặt xách dao đâm chém, người nào nhanh chân lẹ mắt thì thoát được, còn người nào chậm chạp thì bị mất mạng.

Không ai hay biết, báo chí trong nước có biết cũng lặng thinh. Cái gọi là luật pháp dưới chế độ cộng sản hiện nay tôi cho là một gọng kìm vĩ đại. Hay còn gọi là vòng kim cô siết cổ dân đen. Tôi muốn giới thiệu đến anh chị em một khuôn mặt rất âm thầm mà cái đảng cs này đang ra sức truy đuổi. Đây có thể là một khuôn mặt tiêu biểu của giới trẻ hiện nay, em tên là Nguyễn Xuân Hiển, là một trong những em đã từng tham gia biểu tình trong những ngày qua. Vừa rồi, em bị cộng sản "chiếu tướng" gởi giấy mời lên phường làm việc. Sợ rồi số phận của em giống anh Nguyễn Hữu Tấn nên tôi khuyên em là đừng chấp hành theo lệnh trên tờ giấy mời đó. Hiện nay em đang cần những lời cầu nguyện của mọi người. Riêng tôi, tôi sẽ giúp em bằng tất cả những gì nằm trong khả năng của tôi. Xin anh chị em giúp tôi bằng cách share rộng bản tin này. Cầu xin mọi sự bình an đến với em và với tất cả những anh chị em có lòng và có cùng lý tưởng như em.


30/5/2017


Thử thách hay cơ hội?

Phong Pham (Danlambao) - Đàn áp, bắt bớ, không phải là biểu hiện của sức mạnh mà là dấu hiệu cho thấy ĐCSVN đang ở vào thời kỳ lâm nguy nhất của họ. Công cuộc đấu tranh vẫn còn nhiều khó khăn nhưng chúng ta sẽ làm được vì chúng ta có chính nghĩa, Chúng ta tranh đấu vì dân tộc, vì sự tốt đẹp của đất nước chứ không vì một cá nhân hoặc một tổ chức riêng biệt nào. Khi có chính nghĩa, chúng ta sẽ có lòng dân. Không một chính thể nào đi ngược lại lòng dân mà có thể tồn tại lâu dài được. Và khi có sự ủng hộ của người Dân, chúng ta sẽ thay đổi được mọi thứ. 

*

Các cơn bão chính trị tiếp tục làm rung chuyển thủ đô Washington, trung tâm chính trị của nước Mỹ và thế giới. Với các diễn biến được cập nhật gần nhất cho thấy, chính quyền của ông Donald Trump tiếp tục hứng chịu các cuộc tấn công từ mọi phía, cũng như là các sơ xuất của ông Trump, việc bị tố cáo có liên hệ với Nga trong thời gian bầu cử, sa thải giám đốc FBI, từ chối trao hồ sơ khai thuế hoặc việc các quan chức của Chính phủ còn non trẻ của ông thể hiện sự yếu kém trong việc quản lý, lãnh đạo, tiếp cận và sử dụng các quyền lực được trao từ chính quyền Obama, cũng như những nhân vật nắm giữ những chức vụ trọng yếu trong chính quyền Trump thiếu những kinh nghiệm cần thiết để có thể vận hành chính phủ một cách suôn sẻ, đã tạo ra nhiều sơ hở cho các đối thủ của ông Trump tấn công và hạ bệ uy tín, những yếu tố hết sức cần thiết trong 100 ngày đầu làm việc của vị tổng thống khác người này. Điều này đã làm cho uy tín Chính trị của TT Donald Trump xuống đến mức thấp nhất. Đã có nhiều lời đùa cợt rằng "nghề kém may mắn nhất tại Washington chính là làm thuộc cấp của ông Trump".

Và mặc dù, các tin tức dồn dập về chuyến đi của ông Trump đến Trung đông mà nước đầu tiên ông đến thăm là Isael, một sự tiếp nối truyền thống của nhiều đời tổng thống Mỹ đã dập tắt những đồn đoán về chính sách "hạn chế can thiệp" đã đưa ra lúc tranh cử, tái khẳng định sự lãnh đạo của Mỹ tại chảo lửa Trung đông và trấn an các đồng minh tại vùng Vịnh về việc tiếp tục lãnh đạo của Mỹ tại vùng này. Tuy vậy, tại nước Mỹ, vận đen vẫn tiếp tục đeo đuổi ông Trump, đến nỗi người ta đã cho rằng, khi đến thăm Bức tường than khóc nổi tiếng. Ông Trump đã đến cầu nguyện và chạm tay vào bức tường là mong cho vận đen hãy rời bỏ mình và nội các của mình tại USA.

Về phía chính trường của VN, các sự thay đổi, những đấu đá trong nội bộ ĐCSVN trước ngày khai mạc đại hội 5, việc các thế lực trong Đảng, giành giật và tìm cách đưa người vào nắm giữ những vị trí trong Đảng, và với việc hệ thống chính trị của Việt Nam không hề có sự minh bạch, công khai và bình đẳng, đã làm cho tình hình đang ngày càng trở nên rối ren hơn. Các bình luận và nhận xét gần đây nhất cho rằng, khả năng là ông Nguyễn Phú Trọng sẽ tiếp tục giữ chức TBT thêm 2 năm nữa đang ngày càng trở nên hiện thực. Bên cạnh đó, đề xuất của ông Võ văn Thưởng, đương kim Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đề xuất việc đề nghị ban lãnh đạo Đảng xem xét tổ chức "đối thoại" với những người có ý kiến khác biệt với Đảng đang làm dấy lên những bình luận và ý kiến khác nhau.

Một số đã hoan nghênh ý kiến này và cho rằng đây là dấu hiệu tốt về khả năng đối thoại giữa đảng cầm quyền và người dân nói chung và những người bất đồng chính kiến nói riêng. Các ý kiến khác cũng cho rằng: đây không phải là chủ trương mới của Đảng Cộng sản. Tuần sau sẽ diễn ra Đối thoại Nhân quyền Việt - Mỹ tại Hà Nội. Phát ngôn của ông Võ Văn Thưởng dường như gửi một tín hiệu cho chính quyền Mỹ rằng Việt Nam cũng "sẵn lòng lắng nghe" đối lập.
 
Việc này cũng chỉ là một thủ thuật của CSVN nhằm đánh lừa chính quyền Mỹ như những lần trước.
Nói tóm lại, đây chỉ là một đòn gió của ĐCSVN nhằm làm dịu bớt những chỉ trích về thành tích nhân quyền tệ hại của CSVN. Liên tục những cuộc bắt bớ các nhân vật hoạt động nhân quyền, dân chủ trong thời gian qua mà nổi bật là vụ bắt Hoàng Bình và Mẹ Nấm, Thuý Nga đã chứng tỏ lập luận: "bắt để trao đổi là chiêu trò của CS". Vì xưa nay, "ĐCSVN chưa bao giờ quen đối thoại thẳng thắn và thật lòng. Đối với ai yếu hơn, họ luôn tìm cách áp đặt ý kiến chứ chưa bao giờ muốn đối thoại. Đối với ai ngang bằng sức mạnh, đối thoại chỉ là giải pháp tình thế và luôn kết thúc bằng lật lọng. Bắt giam và bôi nhọ vẫn là hai phương thức truyền thống mà toàn bộ giới lãnh đạo cộng sản hiện nay vẫn tiếp tục dùng đối với giới bất đồng chính kiến" (Trích LeCongDinh-BBC). Họ sẽ tiếp tục đi theo con đường của họ, càng lâu càng tốt, để nắm giữ quyền lực, kiếm tiền và cuối cùng là tẩu thoát hoặc "hạ cánh an toàn" chứ làm gi có thực tâm đối thoại vì quê hương, đất nước, tổ quốc, dân tộc. 

Nhìn về phía lực lượng dân chủ. Kể từ đầu năm đến nay, số lượng người bị bắt và bị tù tính ra đã hơn chục người. Việc các nhân vật đối lập bị bắt và bị cầm tù với số lượng ngày càng tăng, đã chứng tỏ dự đoán của tôi là chính xác. Trong bối cảnh, tình hình chính trị của Mỹ và thế giới đang rối ren, việc gia tăng đàn áp, bắt bớ để giữ vững chế độ của CSVN là điều chắc chắn xảy ra. Vì vậy, giả vờ tỏ ra sẵn sàng đối thoại, chỉ là một đòn hỏa mù nhằm che đậy và giảm nhẹ những tội ác của chế độ trước thế giới.

Tình hình cũng có thêm chuyển biến mới, với việc các lãnh đạo Công giáo mà đặc biệt là Đức Cha Nguyễn Thái Hợp và các Linh Mục khác trong chuyến công du tìm sự ủng hộ của thế giới trong vấn đề Formosa, đã đạt được một số thành công nhất định. Và việc các tổ chức NGO và tổ chức Ân xá Quốc Tế liên tục lên tiếng v/v CSVN gia tăng đàn áp đối lập và những nhà hoạt động Dân chủ và Nhân quyền trong nước. Sẽ làm gia tăng áp lực lên nhà cầm quyền CSVN, buộc họ thả đối lập và tôn trọng những cam kết Nhân quyền mà họ đã ký kết với thế giới. 

Ở một góc độ khác, về tổng quát, dù chịu nhiều bắt bớ và đàn áp nhưng cũng có thể xem đây cũng là cơ hội cho phong trào dân chủ:

- Trước tình hình, mạng internet ngày càng phát triển rất mạnh tại Việt Nam đã làm mất đi khả năng kiểm soát tin tức và kềm tỏa xã hội của nhà cầm quyền CS. Người dân đã có thêm nhiều cơ hội truy cập thông tin, nhìn thấy tổng quát thực trạng của đất nước, tham gia góp ý kiến, lên tiếng về những vấn đề mà từng người một thực sự quan tâm. Đưa đến việc người Dân ngày càng tham gia tích cực vào đời sống Chính trị. Càng tham gia, họ sẽ càng nhìn thấy rõ thực chất của chế độ CS.

- Tin tức được lan tỏa ngày càng rộng cũng từng bước một, vén tấm màn đen che đậy, bưng bít của CS, phơi bày bản chất ung thối của ĐCSVN, tạo nên sự bất mãn và mất niềm tin không phải chỉ trong dân chúng mà còn trong chính hàng ngũ cán bộ của họ. Nhân dân ngày càng mất niềm tin nơi lãnh đạo và đang tạo nhiều áp lực lên ĐCSVN. Bên cạnh đó, ĐCSVN cũng đang đối phó với nhiều khó khăn trên mọi mặt từ kinh tế đến chính trị, họ phải đối phó tham nhũng, với TQ...

Tất nhiên, cơ hội cũng sẽ là thử thách của giới hoạt động dân chủ với những khó khăn trước mắt có thể nhìn thấy đó là:

- Phong trào dân chủ vẫn chưa đủ khả năng huy động quần chúng vì thiếu nhân sự trầm trọng. Việc các nhân vật đấu tranh có tên tuổi lần lượt bị bắt, đã làm khả năng vận động quần chúng, tạo nên dư luận bị yếu đi. Bên cạnh đó, một số những nhà hoạt động do nhiều lý do đã không còn xuất hiện nhiều trên các diễn đàn trên mạng xã hội và trong hoạt động đời thường, cũng đã làm cho sức sống của phong trào Dân chủ tạm lắng dịu.

- Đa số đồng bào vẫn còn chưa dám tham gia đấu tranh vì còn cảm thấy bất lực trước một bộ máy cai trị tàn khốc. Phần lớn đồng bào của chúng ta còn rất nghèo, chỉ nội việc mưu sinh kiếm sống của họ cũng đủ làm cho họ trở nên hết sức mệt mỏi, chưa kể đến việc bị vây bủa bởi an ninh, đánh phá làm giảm uy tín trong nội bộ và không liên kết với những tổ chức khác để có thêm hỗ trợ, càng làm cho sức hoạt động của họ bị giảm sút đáng kể.

- Nội bộ ĐCSVN vẫn còn khả năng làm chủ tình hình. Việc chấp nhận đối thoại với người dân Đồng Tâm, Mỹ Đức đã chứng tỏ rằng, CSVN đã cảm thấy sức nóng của phong trào Dân chủ, Dân sinh, và nhận thấy phản ứng của người Dân đã ngày mạnh hơn. Họ đã cảm thấy mối nguy của việc dồn Dân đến đường cùng và rất lo sợ. Tuy vậy, với bạn chất lừa lọc của người CS, tin rằng sớm muộn gi họ cũng sẽ trả thù một cách lén lút và âm thầm. Bề ngoài, họ chấp nhận đối thoại, họ chịu lùi một bước, nhưng ngay sau đó lại âm thầm mượn diễn đàn của Quốc Hội bù nhìn, đòi trả thù những ai dám chỉ trích họ. Và với việc họ vẫn tiếp tục khống chế truyền thông báo chí, sử dụng Quân đội, Công an để đàn áp thẳng tay các hoạt động Dân chủ, phần nào đó đã chứng tỏ họ vẫn còn có khả năng làm chủ tình tình hoặc ít nhất họ cũng còn tự tin như vậy khi chấp nhận lùi một bước để đối thoại với Dân Đồng Tâm - Mỹ Đức.

Đàn áp, bắt bớ, không phải là biểu hiện của sức mạnh mà là dấu hiệu cho thấy ĐCSVN đang ở vào thời kỳ lâm nguy nhất của họ. Công cuộc đấu tranh vẫn còn nhiều khó khăn nhưng chúng ta sẽ làm được vì chúng ta có chính nghĩa, Chúng ta tranh đấu vì dân tộc, vì sự tốt đẹp của đất nước chứ không vì một cá nhân hoặc một tổ chức riêng biệt nào. Khi có chính nghĩa, chúng ta sẽ có lòng dân. Không một chính thể nào đi ngược lại lòng dân mà có thể tồn tại lâu dài được. Và khi có sự ủng hộ của người Dân, chúng ta sẽ thay đổi được mọi thứ. 

29/5/2017

Chúng tôi không đối thoại với những kẻ vô tư cách

Chị bán hàng rong bị công an đánh dã man
S.T.T.D Tưởng Năng Tiến (Danlambao) - Về cơ bản, chị là loại rác rưởi bật lại công an, những kẻ cặn bã này đéo phải dân, chúng là tội phạm, cần được tóm lên đồn... Nguyễn Quang

Vâng. Chúng tôi không đối thoại với những kẻ vô tư cách. Chấm hết!

*

Tú Xương tên thật là Trần Tế Xương, người làng Vị Xuyên - Mỹ Lộc - Nam Định. Ông sinh năm 1870, và từ trần vào năm 1907.

Thế còn bà Tú?

Bà ấy chào đời lúc nào? Tạ thế năm nao? Quê quán nơi đâu? Nhũ danh là gì?

Sách của nhà văn học Vương Trí Nhàn (Cánh Bướm Hoa Hướng Dương – Phác Thảo Chân Dung 39 Nhà Văn, NXB Phụ Nữ, Hà Nội: 2006) có ba bài viết Tú Xương nhưng cũng không một chữ nào nhắc đến người bạn đời của ông!

Bà Tú âm thầm đi bên cạnh cuộc đời của nhà thơ sông Vị như một cái bóng mờ, và chỉ được độc giả biết rất lơ mơ, qua năm ba câu thơ (ngăn ngắn) của chồng:

Quanh năm buôn bán ở mom sông
Nuôi đủ năm con với một chồng
Lặn lội thân cò khi quãng vắng
Eo sèo mặt nước buổi đò đông...

Tôi băn khoăn tự hỏi: những chiều “lặn lội thân cò khi quãng vắng” (hay những sáng “eo sèo mặt nước buổi đò đông”) có hôm nào bà Tú bị một tên sai nha bạo hành, nắm tóc kéo lê trên đường đê, vì tội “buôn bán ở mom sông” không? Câu hỏi này chợt đến đêm rồi, một đêm khó ngủ, sau khi tôi tình cờ đọc xong một bài báo ngắn (Người Phụ Nữ Bị Công An Túm Tóc, Kéo Lê Gây Thương Tích Lên Tiếng”) trên trang Gia Đình Việt Nam. Xin ghi lại toàn văn:

"Đêm 29/9, trên mạng xã hội lan truyền một clip công an túm tóc, kéo lê một người phụ nữ bán hàng dong bên vệ đường khiến chị chảy máu đầu đã khiến cư dân mạng xôn xao. Qua tìm hiểu, được biết, chị Nguyễn Thị Thu Thảo (39 tuổi, ngụ phường 12, quận Bình Thạnh) bị Thiếu úy Bùi Xuân Hải (công tác tại Công an phường 6, quận 3, TPHCM) túm tóc, kéo lê gây thương tích.

Chia sẻ với Dân trí, chị Thảo cho biết, hàng ngày chị bán hàng rong ở khu vực hồ Con Rùa từ khoảng 17h đến 1h sáng hôm sau.

Chị Thảo thừa nhận, lúc bị công an yêu cầu không được lấn chiếm lòng lề đường, chị có chửi Thiếu úy Hải. "Tôi bán hàng lương thiện chứ có bán heroin đâu mà đuổi. Vợ anh ở nhà có cực khổ như tôi đâu mà anh biết… Sau đó ảnh đuổi theo túm cổ áo, nắm tóc tôi. Anh Hải đánh vào đầu tôi, vết rách trên đầu là do nhẫn của ảnh gây ra".

Chị Thảo chia sẻ thêm: "Có thể lúc đó anh Hải sốc vì câu chửi của tôi, sẵn hơi men nên mới làm vậy. Chứ ngày thường tôi cũng nói chuyện với ảnh, thường ngày ảnh chỉ nhắc nhở, đuổi đi chứ không hung dữ như tối hôm đó”.

Trưa ngày 30/9, chị Thảo và mẹ được Công an phường 6, quận 3 mời lên xin lỗi, đề nghị bồi thường chi phí chữa trị vết thương. “Anh trưởng công an phường nói là cha mẹ anh Hải muốn gặp mặt Thảo để xin lỗi nên mời 2 mẹ con tôi lên phường, khi tiếp xúc nhìn họ cũng rất hiền và chân thành nên 2 mẹ con tôi đã chấp nhận lời xin lỗi. Họ có đưa cho Thảo ít tiền nói là để bồi bổ sức khỏe và lo chi phí thuốc men, chứ tôi cũng không đòi hỏi gì cả”, bà Nguyễn Thị Thu Cúc (mẹ chị Thảo) chia sẻ với Dân trí.

Tôi biết bán hàng rong ở hồ Con Rùa là vi phạm pháp luật nhưng vì không có việc nào khác để kiếm tiền trong khi sức khỏe mình lại yếu. Hàng ngày, tôi phải ra hồ bán hàng từ lúc 5h chiều cho đến 1h sáng ngày hôm sau mới được nghỉ nhưng cũng chỉ thu được hơn trăm ngàn.

Vì không chịu được cái nghèo, chồng tôi đã rũ bỏ trách nhiệm, để lại 2 đứa con còn ngây dại cho mình tôi nuôi. Ngoài ra, tôi phải nuôi thêm bố bị tai biến nằm một chỗ, mẹ bị hở van tim và 2 đứa cháu nữa. Hàng tháng, tiền ăn, tiền học cho con, tiền thuốc men cho bố mẹ đã khiến cho tôi thêm gánh nặng mưu sinh, phải liều lĩnh để kiếm tiền nuôi họ”, chị Thảo buồn bã cho biết.

Chia sẻ thêm với Trí thức trẻ, chị Thảo nói: "Sự việc đã xảy ra rồi, tôi cũng có phần sai nên không oán trách gì anh Hải. Phía Công an P.6 và gia đình anh Hải cũng nói lời xin lỗi và hỗ trợ thuốc men nên tôi muốn kết thúc sự việc ở đây.”."

Bà Thảo dù bị nắm tóc kéo lê trên đường phố nhưng vẫn nhận “phần sai” về mình, cũng không dám “oán trách” ai cả, và chỉ “muốn kết thúc sự việc” cho nó êm xuôi thôi. Đó là một thái độ cần thiết của một người hiểu biết. Bà biết rằng cuộc đời mình sẽ còn phải gắn liền với ghánh hàng rong (cho tới chết) để nuôi con thơ, cùng bố mẹ già nên cần nhẫn nhục với lực lượng công an và dân phòng.

Tuy biết điều như thế nhưng bà Thảo vẫn bị đám dân phòng trên mạng, trực thuộc Ban Tuyên Giáo, đánh bồi thêm một trận nữa (cũng) tàn bạo và kinh hoàng không kém:

"Chị lừng danh hồ con Rùa với ngoại hiệu Thảo xì ke, hay Hồ thị thu Thảo, chị thu tiền bảo kê và cho vay lãi, thân nhân lẫn nhân thân của chị tuyệt đối xấu, toàn nghiện. đéo tin tôi, ra hồ con Rùa hỏi luôn hehe.

không 1 người tử tế nào nghe danh chị mà không lạnh toát sống lưng, chị là bất hủ. Chị có hành vi chửi bới và chống cự anh công an tội nghiệp, nếu ở nước Anh thần thánh của tôi, chị sẽ bị cớm đấm đá đạp và thậm chí bắn chết.

Sự tồn tại của loại cặn bã như chị hoàn toàn phí phạm tài nguyên. Và lũ dân đen đang bênh chị và chửi công an hãy nắc não, chúng mày đang hòa mình với quân rác rưởi. (ảnh của lũ kền kền chó đẻ đang cố xây dựng chị như là 1 người hàng rong nghèo tội nghiệp, nhưng chị vẫn lòi ra bộ mặt của 1 nữ sát thủ nghẹo. Tôi cũng kính đề nghị các anh công an đéo làm việc 1 tuần, kệ mẹ dân với lũ cặn bã, xem chúng nó (dân) có kêu như cháy đồi không??"

Thiếu úy Hải kéo lê chị Thảo. Ành & chú thích: GĐVN

Bài báo thượng dẫn (“Thông Não Siêu Nhanh Vụ Công An Kéo Lê Phụ Nữ”) đã được phổ biến trên rất nhiều trang mạng:


....

Không thể nói ông Trưởng Ban Tuyên Giáo Trung Ương và năm vị phó ban (Mai Văn Ninh,Võ Văn PhuôngLâm Thị Phương ThanhPhạm Văn LinhBùi Thế ĐứcTrương Minh Tuấn) hoàn toàn không hay biết chi về những bài viết ti tiện cùng thứ ngôn ngữ thô tục và bẩn thỉu (đến thế) trên những trang web do nhà nước tài trợ.

Tuy thế, vào hôm 18 tháng 5 vừa qua, ông Võ Văn Thưởng vẫn mặt dầy mày dạn tuyên bố rằng: "Chúng ta không sợ đối thoại, không sợ tranh luận, bởi vì sự phát triển của mỗi lý luận và của học thuyết cách mạng nào rồi cũng phải dựa trên sự cọ xát và tranh luận. Và cũng chính sự tranh luận đó tạo ra cơ sở để hình thành chân lý."

Tội quá, ông Thưởng ơi! "Lý luận và học thuyết cách mạng" thì còn gì để mà "tranh luận" nữa? Nó đã "cọ xát" với thực tế ở nhiều nơi trên thế giới (cả trăm năm qua, khiến cho hằng trăm triệu người oan mạng) và đã bị nhân loại vứt vào thùng rác từ thế kỷ trước rồi mà!

Còn những vấn đề khác của đất nước hiện nay thì e rằng chuyện "đối thoại" cũng là điều bất khả vì chúng tôi không cùng chung băng tầng với cái thứ ngôn ngữ (đầu đường xó chợ) của qúi vị:


Vâng. Chúng tôi không đối thoại với những kẻ vô tư cách. Chấm hết!

29/5/2017

Nghề luật sư và nghề "đảng viên"

Trần Nhật Phong (Danlambao) - Nghề luật sư bên Mỹ thế nào bạn? Bên Việt Nam hình như nghề này không có cửa để phát triển, ngành này càng lúc càng thui chột, chán quá bạn ạ.

Một người bạn làm nghề luật sư ở Sài Gòn inbox cho tôi, tâm tình sau khi có việc đề xuất ở cái gọi là quốc hội Việt Nam, đòi luật sư phải “tố giác” thân chủ, anh hỏi thăm tôi về ngành luật bên Mỹ như thế nào, và lần đầu tiên tôi lắng nghe sự bất mãn của anh dưới cái gọi là cơ chế đảng trị.

Nói thật, tôi “ngán” nhất nghề luật sư, mặc dù thân phụ của tôi từng là luật sư trước năm 1975, nhưng tôi không thích theo ngành luật, vì việc này ông đã từng giận tôi suốt 2 năm liền khi tôi còn học đại học và chọn ngành… đạo diễn, không theo ngành cha truyền con nối. 

Sống ở Mỹ càng lâu năm, nhất là những ai có tài sản nhiều thì càng “ngán” mấy ông luật sư hơn ai hết, tôi vẫn thường đùa với các bạn bè rằng, xã hội Mỹ, không sợ “thằng” nào cả, không sợ công an, cảnh sát, không sợ chính phủ, mà chỉ sợ luật sư thôi, vì chỉ duy nhất có các ông luật sư là có khả năng “lột” sạch tài sản tích tụ cả đời của mình, nếu "xúi quẩy" vướng vào các vụ kiện tụng.

Nhưng nếu nói một cách nghiêm túc, trong xã hội pháp trị đúng nghĩa như ở Hoa Kỳ và các quốc gia tây phương, các luật sư chính là những “hung thần” đối với những kẻ có quyền thế và lại là “hiệp sĩ” đối với những người thế cô, nghèo khó. 

Ở những xã hội này luật sư chính là lực lượng quân bình xã hội một cách tương đối, nhờ có luật sư mà những cơ quan công quyền, những kẻ nắm quyền lực không thể lạm quyền, họ sử dụng tối đa những điều luật lệ cho phép để bảo vệ cho thân chủ, họ sẵn sàng đề xuất và vận động bãi bỏ, hoặc điều chỉnh các dự luật, đạo luật mà họ thấy có những điều phi lý hay bất công trong bộ luật hiện hành. 

Quyền lực của luật sư ở những xã hội pháp trị mạnh vô cùng, hầu hết các cơ quan quan công quyền, từ tổng thống, chính phủ, cảnh sát. Cơ quan điều tra như FBI, các cơ quan bảo vệ an ninh quốc gia như CIA, NSA cho đến các viên chức đều “sợ” luật sư, vì luật sư có thể khiến cho họ tán gia bại sản, thân bại danh liệt, đôi khi còn phải đi tù nếu những người làm việc cho các nơi này có dấu hiệu lạm quyền, vi phạm luật pháp hay hiến pháp. 

Nguyên tắc của luật sư ở các quốc gia pháp trị là bảo vệ tuyệt đối quyền lợi của thân chủ, dù đó là quyền lợi về pháp lý hay quyền lợi về tài chánh. 

Và hầu hết trong các xã hội pháp trị, những người theo học ngành luật đều là những người luôn tạo ra các cuộc cách mạng thay đổi xã hội, điều chỉnh cho luật lệ càng lúc càng hữu hiệu hơn và công bằng hơn. 

Từ những chuyện nhỏ như đụng xe, các tài xế luôn nhờ đến luật sư để bảo vệ quyền lợi cua họ trước những "lắt léo" ngôn ngữ hợp đồng của các hãng bảo hiểm, cho đến những chuyện to lớn như ô nhiễm môi sinh khu vực, hay lạm quyền của ngành cảnh sát, tất cả đều nhờ đến luật sư để bảo vệ quyền lợi cho các phía. 

Bởi vì trong xã hội pháp trị, mọi việc đều được giải quyết ở tòa án, mà tòa án là ngành tư pháp độc lập hoàn toàn với chính phủ, muốn làm quan tòa, muốn làm công tố viên thì cũng phải tốt nghiệp ngành luật và phải từng hành nghề luật sư. 

Do đó trong xã hội pháp trị, lực lượng tranh đấu cho công bằng xã hội hàng ngày chính là ngành luật hay nói một cách khác là các luật sư, nhờ đó mà xã hội càng lúc càng hoàn chỉnh hơn, luật lệ có sư công bằng tương đối hơn.

Còn trong xã hội đảng trị, các luật sư chỉ là những công cụ không hơn không kém, họ không có quyền hạn gì, ngay cả quyền đại diện cho thân chủ cũng phải "đi xin" và chờ “cho phép”.

Ở trên tòa, các ý kiến đề xuất của họ hay các lý luận về pháp lý của họ đều không được đối xử công bằng, vì còn chờ, đảng quyết định, công an thì thao túng toàn bộ ngành tư pháp, họ kiểm soát toàn bộ tòa án, luật sư chỉ đóng vai trò làm… bình bông cho các vụ kiện tụng. 

Cứ nhìn Formosa thì dể so sánh, nếu trong các xã hội pháp trị hay pháp quyền, Formosa không những phải bồi thường trực tiếp cho các người dân bị ảnh hưởng, tối thiểu nếu có luật sư đại diện cho họ thì mỗi người được bồi thường tệ lắm cũng vài trăm ngàn Mỹ kim cho đến vài triệu Mỹ kim, tùy theo từng trường hợp, còn cá nhân những kẻ điều hành công ty này sẽ đối diện với án tù nhiều năm vì gây ra thảm họa có thể đưa tới những bệnh dịch diệt chủng con người và sinh thái. 

Còn trong xã hội đảng trị thì Formosa được bảo vệ đến tận kẻ răng, luật pháp của xã hội đảng trị chỉ để bảo vệ cho những kẻ vô trách nhiệm nhưng có tiền và có thế. 

Nếu trong xã hội pháp trị như tây phương, những vụ ngộ độc thức ăn trong các công xưởng làm việc, thì các công nhân đã được luật sư bảo vệ và lấy được những bồi thường thỏa đáng cho bản thân của họ và các chủ công xưởng cũng sẽ chờ bị truy tố trước pháp luật về tội cẩu thả, gây hại đến sức khỏe của công nhân.

Còn trong xã hội đảng trị, các công nhân không được bồi thường một xu, ngay cả khi đi cấp cứu trong bệnh viện, cũng phải “bao bì” cho bác sĩ để bản thân được khám trước, các chủ công xưởng thì phây phây không cần chịu trách nhiệm gì cả. 

Luật sư ở xứ đảng trị nói nhẹ nhàng thì chỉ là… bình bông, nói thẳng thắn thì chỉ là thứ công cụ của chính quyền đảng trị, họ vốn không có cơ hội để phục vụ một cách đúng mức cho xã hội. 

Ngành luật sư ở các xứ sở mà đảng trị không phải là chế độ pháp quyền, thì luật sư chỉ kiếm tiền bằng vài ba vụ ly dị ly hôn, “xúi” thân chủ nhận tội để được giảm án, chứ không hề có cơ hội làm một “thầy cãi” đúng nghĩa trên tòa. 

Tôi nói với anh bạn luật sư ở Sài Gòn rằng, nghề luật sư ở Mỹ vừa có danh, vừa có tiền, chỉ coi là anh có “tâm” hay không mà thôi, luật sư ở Mỹ, lợi tức trung bình một năm cũng khoảng 300 ngàn Mỹ kim, người nào mới ra trường được vài năm thì khoảng hơn 100 ngàn Mỹ kim, người nào làm luật sư lâu năm thì cả triệu Mỹ kim một năm, so với luật sư ở Việt Nam thì thế nào?

Anh cười nói với tôi rằng, nghề kiếm bạc triệu ở Việt Nam chỉ cần có “thẻ đảng”, chủ tịch xã thì kiếm vài trăm ngàn cho đến chủ tịch tỉnh hay bí thư tỉnh thì vài triệu Mỹ kim chỉ là chuyện nhỏ, nếu “đúng tần số” điều hành mấy công ty quốc doanh của nhà nước chỉ vài năm vài chục triệu chỉ là con số “nhỏ” đối với các “đảng viên” thôi, Việt Nam làm gì có cửa cho nghề luật sư kiếm bạc triệu, không đi tù là may mắn rồi.

30/5/2017


Người Việt đang cần thứ gì?

Vũ Bất Khuất (Danlambao) - Hiện tượng mất nước đang càng lúc càng lộ rõ. Áp lực của Trung Cộng từ mọi phương diện đang càng cúc càng đè nặng trên khắp đất nước từ mọi phía: kinh tế suy sụp, chính trị rối loạn, xã hội xuống cấp và môi trường thì dơ hết chỗ nói, tham nhũng thì như rươi. Kiên Giang là tỉnh thành cuối cùng luôn dị ứng với Trung Quốc cũng bắt đầu bị xâm hại bởi bàn tay lông lá. Từ thành phố Rạch Giá, thị xã Hà Tiên đến huyện đảo Phú Quốc.

Trên trường quốc tế thì Lào, Kampuchia trở chứng, Philippin thì bất nhất, Malaysia thì lấp lửng, vì áp lực quá mạnh của Trung Quốc ở biển Đông và việc ô nhiễm môi trường nặng nề ở biển Đông đã làm tuyệt đường sinh lộ của ngư dân đã đẩy một lượng khá lớn ngư dân phải dạt về nam đánh bắt ở ngư trường chồng lấn ở Indonesia, đã có những va chạm nhỏ, nhưng lại là mầm mống của sự bất hòa trên tầm quốc gia. Trong khi khối Asean thì chưa bao giờ có tiếng nói chung. Mà nếu như có thì họ cũng nhìn vào Việt Nam bằng một con mắt dè chừng, không phải vì Việt Nam là một thế lực mạnh, mà vì Việt Nam được điều hành bởi một đảng Cộng Sản quen thói lật lọng, mà vì họ biết Việt Nam là một quốc gia đang đối diện với nguy cơ bị xâm lược lớn nhất và nhanh nhất.

Trong khi đó thì có một số người dân Việt có vẻ như đang “cứ để cho nhà nước no”, một số khác thì “để cho Mỹ Nhật nó lo và trông chờ cho Nam Bắc Hàn choảng nhau để tạo một cú domino” dù hầu hết họ đều biết rõ nguy cơ, nhưng vẫn cứ thờ ơ. Thậm chí, những người tham gia các cuộc biểu tình tuần hành vẫn cứ chủ trương bất bạo động để đưa đầu cho chúng bụp phun máu, đưa tay cho chúng còng rồi đưa vào hộp.

Thế nên bọn Cộng Sản ở Việt Nam đang sử dụng loa hết công suất để quảng bá trong cán bộ, công nhân viên chức nhà nước, quân đội, công an cái gọi là tư tưởng hồ chí minh và định hướng xã hội chủ nghĩa.

Càng lúc bọn chóp bu Cộng Sản ở Việt Nam càng sợ các “thế lực thù địch” mà không xác định được cái thế lực thù địch đó là thằng nào. Chủ trương đánh tham nhũng nhưng lại sợ vỡ bình. Chửi rùm trời bọn “tự chuyển hóa” như Gorbachov – Elsine mà không biết rằng những tay Cộng Sản chóp bu hết thời hay còn thần thế thì cũng chẳng ai tin và cũng không đủ tầm để làm nên chuyện.

Trong cơn thậm bối rối này, bọn chúng bắt nói rất xàm và làm rất bậy. Ấy vậy mà chúng đã thành công một phần nào khi biến toàn dân Việt trở dốt nát với một nền giáo dục cà khịa, biến nhân dân cả nước trở nên nghèo đói với một cách điều hành nền kinh tế đất nước theo phương án làm đâu thì lỗ đó.

Nhưng chúng không nhìn thấy một điểm sáng duy nhất là tư tưởng thoát Trung, chống Tàu và không còn ưa gì bọn cộng sản, thậm chí còn ghét nữa. Điều đó gần như là một tư tưởng thống nhất của toàn dân. Người Việt (và có lẽ cả các dân tộc khác) không sợ chết. họ sợ đói, sơ nhục. Thế nên, liệu có ai biết họ đang cần gì?

30/5/2017

Tàu đánh cá tiền tỉ bất khả dụng: Nhà nước đổ lỗi cho ngư dân

Ða số tàu đánh cá với vỏ bằng thép thả neo tại bờ vì bất khả dụng. (Hình: Tuổi Trẻ)
BÌNH ÐỊNH (NV) – Một đoàn công tác đặc biệt thuộc Bộ Nông Nghiệp-Phát Triển Nông Thôn đến Bình Ðịnh để khảo sát về tình trạng gần như tất cả tàu đánh cá vỏ thép, đóng bằng tiền chính phủ cho ngư dân vay đều bất khả dụng và đổ lỗi này cho ngư dân.
Năm 2014, chính phủ Việt Nam ban hành Nghị Ðịnh 67, khẳng định sẽ đầu tư-phát triển hoạt động thủy sản, đặc biệt là sẽ dành ra một “gói” trị giá 14,000 tỉ hỗ trợ ngư dân bám biển, nhằm khẳng định chủ quyền của Việt Nam ở biển Ðông.
14,000 tỉ vừa kể chủ yếu được dùng vào việc chuyển đổi các tàu đánh cá bằng gỗ thành tàu có vỏ thép, hiện đại.
Trên thực tế gần như các tàu đánh cá vỏ thép đều không thể ra khơi vì sau một hay vài chuyến hải hành, máy móc, thiết bị đều hư, sửa chữa dù rất tốn kém nhưng không hiệu quả. Chẳng riêng máy móc, thiết bị không an toàn mà vỏ thép của các tàu đánh cá này cũng bị xem là đáng ngờ về chất lượng. Ngoài chuyện rỉ sét rất nhanh và nhiều, có tàu như BÐ 99939 của ông Nguyễn Thư, ngụ ở xã Hoài Thanh, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Ðịnh, bị phá nước, chìm giữa biển lúc áp thấp nhiệt đới đang đổ đến ngang trong chuyến hải hành đầu tiên.
Ðáng nói là những tàu đánh cá vỏ thép đang dìm các chủ tàu chìm trong nợ. Phá sản được xem như tất nhiên, chỉ chưa biết là lúc nào.
Mới đây, theo tường thuật của tờ Tuổi Trẻ thì ông Nguyễn Ngọc Oai, tổng cục phó Tổng Cục Thủy Sản, nhân vật giữ vai trò trưởng đoàn công tác đặc biệt, bảo rằng, dù thực tế đúng là như vừa kể nhưng đó là điều mà các cơ quan hữu trách của chính phủ Việt Nam đã “lường trước.” Ông Oai nhấn mạnh, trong quá trình thực hiện Nghị Ðịnh 67, nếu phát hiện trục trặc thì sẽ tìm nguyên nhân để điều chỉnh kịp thời nhằm hỗ trợ cho ngư dân.
Qua các cuộc họp với đoàn công tác đặc biệt, những công ty có liên quan đến chương trình đổi tàu đánh cá vỏ gỗ thành vỏ thép đã lên tiếng. Ðại diện công ty cung cấp máy tàu (Doosan-Nam Hàn) và Nam Triệu – một công ty đóng tàu thuộc Bộ Công An Việt Nam, cho rằng máy tàu hư hỏng vì: (1) Ngư dân vận hành sai với hướng dẫn. (2) Ngư dân tự cải tạo, thay đổi kết cấu của máy. Do vậy, Doosan chỉ thay phụ tùng chứ không đổi máy mới.
Ðối với chuyện vỏ tàu bị gỉ sét nhanh và nhiều, ông Oai nhận định có thể do… sơn chưa tốt. Trưởng đoàn công tác đặc biệt cho rằng “qui trình” (chuyển tiền cho một số công ty đóng tàu để giao cho ngư dân) “rất tốt.” Trách nhiệm giám sát việc đóng tàu (kể cả kỹ thuật) thuộc về ngư dân.
Sau khi nghe ông Oai nhận định, ông Võ Thiên Lăng, phó chủ tịch Hội Nghề Cá Việt Nam, tuyên bố, ông không đồng tình. Ông Lăng nêu thắc mắc, tại sao đã “lường trước” mà không chịu ngăn chặn? Tại sao “qui trình rất tốt” mà gần như toàn bộ tàu đánh cá vỏ thép đều bất khả dụng? Ông Lăng đề nghị thủ tướng Việt Nam nên cử thanh tra, thanh tra toàn diện chương trình đổi tàu đánh cá vỏ gỗ bằng vỏ thép.
Không chỉ có ông Lăng, một phó chủ tịch của tỉnh Bình Ðịnh vừa nói với tờ Pháp Luật TP.HCM rằng, chuyện các công ty đóng tàu tự ý thay thép làm vỏ tàu của Nhật, Nam Hàn bằng thép Trung Quốc, trái với hợp đồng đã ký là không thể chấp nhận. Các công ty này phải đóng lại vỏ tàu bằng thép đúng với cam kết. Máy tàu cũng phải thay mới. Nếu các công ty từ chối, Bình Ðịnh sẽ hỗ trợ ngư dân kiện các công ty ra tòa.
Việt Nam có hơn một triệu ngư dân và 28,000 tàu đánh bắt xa bờ. Thỉnh thoảng, chính quyền Việt Nam lại đưa ra một chương trình hỗ trợ ngư dân bám biển song đến nay, những chương trình hỗ trợ đó chỉ tạo ra cơ hội cho viên chức nhiều ngành, nhiều cấp đục khoét, ngư dân mang thêm nợ rồi mạt.
Năm 1997, chính quyền Việt Nam từng thực hiện chương trình hỗ trợ ngư dân “đánh bắt xa bờ.” Ðến Tháng Tư năm 2006, sau khi ngốn hết 1,400 tỉ, kết quả thanh tra cho thấy, 95% của khoản 1,400 tỉ này bị tham nhũng. Các tỉnh-thành phố, quận-huyện, phường-xã của 29 tỉnh, thành phố nằm trong chương trình này đã thi nhau dựng ra những hợp tác xã ma, công ty ma để rút bằng hết nguồn vốn vay có tính ưu đãi cho ngư dân để chia chác với nhau.
Sau chương trình hỗ trợ ngư dân “đánh bắt xa bờ” hồi 1997, cuối thập niên 2000, chính quyền Việt Nam đề ra một chương trình hỗ trợ khác dành cho ngư dân. Ðó là “lắp thiết bị định vị vệ tinh cho tàu đánh cá.” Chương trình này đã thực hiện thí điểm với 2,000 tàu đánh cá và sau đó, hàng loạt thuyền trưởng của các tàu đánh cá được chọn “thí điểm” đã yêu cầu được trả lại thiết bị vì chất lượng tồi, hiệu quả kém mà lại quá nhiều ràng buộc. (G.Ð)

Xây metro ở Hà Nội: Tiền Trung Quốc nên ‘nguy cơ không an toàn

Chưa dùng nhưng tuyến metro Cát Linh-Hà Ðông đã có hàng loạt dấu hiệu không an toàn. (Hình: Thanh Niên)
HÀ NỘI (NV) – Hội Ðồng Nghiệm Thu các công trình xây dựng của Bộ Xây Dựng Việt Nam vừa kết luận, hệ thống đường ray của tuyến metro Cát Linh-Hà Ðông tiềm ẩn nguy cơ không an toàn!
Tờ Thanh Niên cho biết, sau khi kiểm tra, hội đồng này phát giác tuyến metro Cát Linh-Hà Ðông “có một số vấn đề về chất lượng”: Tuy chưa dùng nhưng một số đoạn ray đã bị rỉ sét vì không được phủ lớp chống rỉ. Khe hở ở một số mối nối không đáp ứng yêu cầu cầu kỹ thuật là 8 mm nên các mối nối có thể bị chạy hay ray bị gãy dưới tác động của nhiệt độ. Tại một số vị trí, nhiều ốc liên kết giữa phụ kiện với ray cũng không đúng yêu cầu kỹ thuật.
Hội Ðồng Nghiệm Thu các công trình xây dựng của Bộ Xây Dựng Việt Nam nhận định, nhà thầu Trung Quốc, chưa tính toán rõ ràng những tác động bởi nhiệt độ và hoạt động của các đoàn tàu đến các tấm bê tông liên kết các thanh ray với dầm để đề ra các giải pháp phù hợp về kỹ thuật, tránh hiện tượng nứt. Tuyến metro Cát Linh-Hà Ðông chưa hoạt động nhưng tại một số vị trí đã xuất hiện các vết nứt dài và sâu. Những thanh ray gỗ lắp đặt tại các ga cũng có vết nứt.
Nhà thầu Trung Quốc cũng chưa thực hiện đầy đủ các thí nghiệm theo yêu cầu kỹ thuật về độ đàn hồi, cường độ của phụ kiện, các chỉ tiêu cơ lý của tấm đệm cao su, nhất là chỉ số lão hóa,…
Tuyến metro Cát Linh-Hà Ðông còn tiềm ẩn nguy cơ không an toàn ở các cầu thang lên xuống nhà ga (thiếu dây cứu sinh, lưới an toàn, biển báo)…
Kết luận vừa kể có từ cuối Tháng Tư nhưng đến nay mới được báo chí tiết lộ, sau khi chính quyền Việt Nam ký khế ước vay Trung Quốc thêm 250 triệu Mỹ kim để hoàn tất dự án metro Cát Linh-Hà Ðông hồi trung tuần Tháng Năm.
Tuyến metro Cát Linh-Hà Ðông là dự án metro đầu tiên tại Việt Nam. Lẽ ra dự án này phải hoàn tất vào năm 2013 nhưng đến nay vẫn còn dở dang. Sau nhiều lần điều chỉnh, giới hữu trách Việt Nam… hy vọng là đến giữa năm 2018 sẽ có thể đưa tuyến metro Cát Linh-Hà Ðông vào khai thác thương mại!
Tuyến metro Cát Linh-Hà Ðông được xem là điển hình cho hợp tác Việt-Trung về vốn, nhà thầu, công nghệ nhằm phát triển kinh tế-xã hội.
Trong quan hệ hợp tác bám sát phương châm “16 chữ vàng” (láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai) và “tinh thần bốn tốt” (láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt) vì “có cùng ý thức hệ và thể chế chính trị” này, Việt Nam luôn luôn “ngậm đắng, nuốt cay.”
Sau nhiều lần thất hứa, năm 2014, nhà thầu Trung Quốc thề sẽ hoàn tất công trình xây dựng tuyến metro Cát Linh-Hà Ðông vào Tháng Sáu năm 2015 nhưng đến Tháng Sáu năm 2015 thì có thông báo là thời điểm khánh thành được dời lại đến cuối năm 2015. Ðến cuối năm 2015, có tin phải đến hết quí 1 năm 2016 tuyến metro Cát Linh-Hà Ðông mới hoàn tất và cho chạy thử, song trong năm 2016, sự kiện đáng chú ý nhất liên quan tới tuyến metro Cát Linh-Hà Ðông là Việt Nam phải ký một thỏa thuận đề nghị vay thêm tiền từ Trung Quốc nhằm hoàn tất dự án này (thỏa thuận đó vừa chính thức được ký kết dưới sự chứng kiến của ông Trần Ðại Quang, chủ tịch nhà nước Việt Nam, trong chuyến thăm Trung Quốc từ 11 đến 15 Tháng Năm).
Ngoài sự nổi tiếng vì chậm trễ, công trình xây dựng tuyến metro Cát Linh-Hà Ðông còn nổi tiếng vì thiếu an toàn. Ðến nay đã có ít nhất sáu vụ tai nạn do: Cẩu bị sập, cẩu đứt cáp làm rớt lúc thì cọc thép, lúc thì dầm thép, đè chết và làm người đi đường trọng thương, giàn giáo đột nhiên sập xuống khi đang đổ bê tông.
Dự án tuyến metro Cát Linh-Hà Ðông còn gây phẫn nộ vì sự tráo trở của nhà thầu Trung Quốc. Nhà thầu Trung Quốc đã đòi nâng vốn đầu tư dự án từ 553 triệu Mỹ kim lên 892 triệu Mỹ kim. Tuy yêu sách này phi lý song bất chấp sự can gián của chuyên gia nhiều giới, chính quyền Việt Nam vẫn vay thêm của Trung Quốc 339 triệu Mỹ kim để đáp ứng đòi hỏi của… nhà thầu Trung Quốc!
Khi đến thăm Trung Quốc hồi Tháng Chín năm ngoái, thủ tướng Việt Nam từng đề nghị thủ tướng Trung Quốc “sớm khai triển khoản vay bổ sung cho dự án xây dựng tuyến metro Cát Linh-Hà Ðông, bảo đảm tiến độ, chất lượng, đưa công trình này vào sử dụng theo đúng dự kiến là… năm 2018”!
Theo báo chí Việt Nam thì tổng vốn đầu tư cho dự án xây dựng tuyến metro Cát Linh-Hà Ðông chỉ tăng thêm 250.62 triệu Mỹ kim chứ không phải là 339 triệu Mỹ kim như chính quyền Việt Nam từng đồng ý hồi Tháng Bảy năm 2015!
Lúc đó, ông Nguyễn Hồng Trường, thứ trưởng Bộ Giao Thông-Vận Tải Việt Nam, thú nhận, sở dĩ “lộ trình” thực hiện tuyến metro Cát Linh-Hà Ðông liên tục thay đổi vì tất cả mọi thứ đều phụ thuộc hoàn toàn vào nhà thầu Trung Quốc. Cũng vì vay tiền của Trung Quốc nên ngoài việc phải dùng nhà thầu Trung Quốc, Việt Nam còn phải mua những thứ còn lại của Trung Quốc.
Theo ông Trường, việc mua hệ thống đường ray, hệ thống thông tin-tín hiệu và 13 đoàn tàu có tổng trị giá là 200 triệu Mỹ kim.
Hồi Tháng Hai vừa qua, giới hữu trách Việt Nam cho biết, muốn vận hành tuyến metro Cát Linh-Hà Ðông thì phải tuyển 600 người và phía Việt Nam đã tuyển, gửi 200 người sang Trung Quốc nhờ đào tạo.
Tin vừa kể tiếp tục làm công chúng Việt Nam sôi sùng sục vì một tuyến metro 13 cây số mà cần chừng đó lao động thì khi hoàn tất 300 cây số metro ở Hà Nội như dự trù sẽ cần bao nhiêu người? Tại sao trong khi metro ở các quốc gia khác đã được tự động hóa thì tuyến metro Cát Linh-Hà Ðông lại cần nhiều nhân lực đến vậy? Phải chăng công nghệ Trung Quốc quá lạc hậu và nếu vậy thì việc gì phải vay Trung Quốc hơn 800 triệu Mỹ kim? (G.Ð)

Thủ tướng CSVN Nguyễn Xuân Phúc đến Mỹ trong ‘lặng lẽ’

Thủ Tướng CSVN Nguyễn Xuân Phúc tới phi trường John F. Kennedy ở New York sáng Thứ Hai, 29 Tháng Năm, 2017 (Hình: Tuổi Trẻ Online)
NEW YORK (NV) – Không thấy bất kỳ một giới chức Hoa Kỳ nào có mặt trong buổi lễ đón thủ tướng CSVN khi máy bay chở ông Nguyễn Xuân Phúc và phái đoàn đáp xuống phi trường John F. Kennedy vào lúc 8 giờ sáng (giờ New York) hôm Thứ Hai, 29 Tháng Năm, bắt đầu chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ theo lời mời của Tổng Thống Donald Trump.
Hầu hết báo chí Hoa Kỳ không đề cập đến sự kiện ông Nguyễn Xuân Phúc đặt chân đến Hoa Kỳ mà chỉ có tờ Tuổi Trẻ cùng hai trang mạng Zing.vn và Vietnamnet nhắc đến. Tuy nhiên tin tức cũng như hình ảnh của ba tờ báo này không thấy nhắc đến một giới chức nào của Hoa Kỳ tham gia lễ đón.
Theo các trang này, “đón phái đoàn Thủ tướng Việt Nam tại sân bay JFK có Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Phạm Quang Vinh và Trưởng phái đoàn Việt Nam tại Liên Hợp Quốc Nguyễn Phương Nga.”
Ngoài một vài bức hình được chụp tại phi trường đăng ở ba trang mạng nói trên, không thấy có bất cứ hình ảnh nào khác nhắc đến sự kiện này từ các hãng thông tấn tại Mỹ.
Thủ tướng CSVN Nguyễn Xuân Phúc đến Mỹ trong 'lặng lẽ'
Ngoài đoàn cán bộ CSVN tại Mỹ và Liên Hiệp Quốc, không thấy có bóng dáng của nước chủ nhà ra đón Thủ Tướng Phúc tại phi trường JFK (Hình: Tuổi Trẻ Online)
Cũng theo Tuổi Trẻ, chiều cùng ngày, Thủ Tướng Phúc sẽ có các cuộc gặp riêng rẽ với một số doanh nhân thành đạt gốc Việt, trí thức Việt kiều và vợ chồng giáo sư Ngô Thanh Nhàn, người đang làm việc tại Đại học New York. Cũng trong tối này, ông Phúc sẽ có cuộc gặp và nói chuyện với cán bộ, nhân viên phái đoàn Việt Nam tại Liên Hợp Quốc.
Liên quan đến sự kiện này, BBC hôm nay có bài “Những kỳ vọng từ chuyến đi Mỹ của Thủ tướng Phúc” của tác giả Jonathan London, Đại học Leiden University, Hòa Lan.
Theo tác giả Jonathan London, chuyến đi của thủ tướng Việt Nam sẽ có ảnh hưởng tới ba vấn đề lớn.
Thứ nhất là vấn đề thương mại. “Trong vấn đề này, thách thức đặt ra là phải tìm được con đường dẫn đến các giải pháp hai bên cùng có lợi.”
Thứ hai là chủ đề về an ninh, “đặc biệt là việc Việt Nam sẽ cùng Mỹ và các quốc gia khác phối hợp ra sao để có thể thúc đẩy việc hiện thực hóa một môi trường an ninh hàng hải Đông Á tuân theo luật pháp quốc tế.”
Thứ ba là vai trò và vị trí của Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc. Theo tác giả Jonathan London, “Đó là vị trí không chắc chân cho lắm của ông Phúc trong sự phát triển chính trị và kinh tế của Việt Nam, và việc liệu ông Phúc trở thành một lực lượng quan trọng hùng mạnh tới mức nào trong sự phát triển của đất nước.”
Thông tin trước đó cho biết Tổng Thống Donal Trump sẽ tiếp Thủ Tướng Phúc tại Tòa Bạch Ốc vào ngày Thứ Tư, 31 Tháng Năm.
Trong khi đó, nhiều nguồn tin cho hay, cộng đồng người Mỹ gốc Việt khắp nơi sẽ biểu tình chống Thủ Tướng CSVN Nguyễn Xuân Phúc khi ông đến Tòa Bạch Ốc.
“Nhiều cộng đồng người Việt các nơi sẽ cử phái đoàn về thủ đô Washington, DC để cùng với cộng động người Việt Nam tại vùng này biểu tình chống ông Nguyễn Xuân Phúc,” ông Đinh Hùng Cường, chủ tịch Cộng Đồng Người Việt vùng Washington, DC, Maryland và Virginia, cho nhật báo Người Việt biết qua điện thoại.
Theo ông, ngoài cộng đồng người Việt vùng thủ đô Hoa Kỳ và phụ cận, ít nhất có thêm các cộng đồng New York, New Jersey, Massachusetts, Connecticut, New Hampshire, Georgia, và Florida đã loan báo sẽ có phái đoàn tới hợp sức biểu tình.
Bức thư của cộng đồng này gửi các cộng đồng bạn về chuyện phối hợp hành động chung gọi ông Nguyễn Xuân Phúc là “Một tên Cộng Sản với guồng máy cai trị độc ác và tàn bạo, đã chà đạp, đánh đập lương dân vô tội, và giam giữ những nhà đấu tranh dân chủ tại quê nhà.” (N.L)