Trọng Nghĩa
Sinh viên Philippines biểu tình phản đối Trung Quốc triển khai tên lửa địa đối không trên đảo Phú Lâm (Woody Island) ngày 19/02/2016 trước lãnh sự Trung Quốc ở Manila. REUTERS/Erik De Castro
Từ cuối tháng Giêng 2016, tranh chấp chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa giữa Việt Nam với Trung Quốc (và Đài Loan) đã đột nhiên được quốc tế chú ý nhiều hơn. Mối quan tâm của dư luận thế giới bắt nguồn trước tiên từ một loạt động thái từ phía Mỹ, vạch trần các hành động của Trung Quốc bị tố cáo là nhằm quân sự hóa khu vực bị Bắc Kinh chiếm đóng, nhưng bị hai láng giềng Việt Nam và Đài Loan đòi chủ quyền.
Cơ hội tốt cho một hồ sơ ít được chú ý
Đối với Việt Nam, thu hút được sự chú ý của thế giới đến vấn đề Hoàng Sa là một điều rất tốt, vì lẽ trong hồ sơ này, Việt Nam hầu như đơn độc trước Trung Quốc, toàn bộ quần đảo đã bị Trung Quốc đánh chiếm vào năm 1974, từ đó đến nay Bắc Kinh vừa tìm cách khẳng định chủ quyền của mình trên thực tế, dùng sức mạnh xua đuổi tàu bè Việt Nam trong khu vực, vừa không chấp nhận đàm phán về một vùng lãnh thổ mà họ cho là « không có tranh chấp ».
Trả lời phỏng vấn của RFI, giáo sư Ngô Vĩnh Long thuộc trường Đại Học Maine (Hoa Kỳ) cho rằng sự chú ý của quốc tế đến vấn đề Hoàng Sa là một cơ hội rất tốt để vận động dư luận thế giới ủng hộ Việt Nam trong việc tố cáo các hành vi gây hấn của Trung Quốc tại Biển Đông. Tuy nhiên, muốn tranh thủ cơ hội này, Việt Nam cần phải thay đổi một số lập luận trên vấn đề chủ quyền Hoàng Sa, nhằm tăng sức thuyết phục cho lập trường của Việt Nam.
Phải tố cáo các hành vi bạo lực của Trung Quốc trong và sau khi đánh chiếm Hoàng Sa
Đối với giáo sư Ngô Vĩnh Long, Việt Nam cần phải đặc biệt « nhấn mạnh đến chuyện Trung Quốc đã chiếm đảo Phú Lâm bằng bạo lực và đang tiếp tục đe doạ tánh mạng của ngư dân Việt Nam, cũng như quyền tự do thông thương của các nước trong khu vực và trên thế giới qua việc chiếm đóng ».
Sau đây, mời quý vị theo dõi bài phỏng vấn giáo sư Ngô Vĩnh Long.
RFI : Vấn đề Hoàng Sa đột nhiên được Mỹ nêu bật trở lại với chiến dịch FONOP của chiếc USS Curtis Wilbur. Tiếp theo đó là một loạt thông tin về vũ khí mà Trung Quốc triển khai tại Hoàng Sa (do CSIS tiết lộ), thu hút sự chú ý của công luận thế giới nhiều hơn đến tranh chấp riêng giữa Việt Nam và Trung Quốc trên vấn đề Hoàng Sa. Giáo sư giải thích sao về động thái đó của Mỹ ? Ý tưởng nằm phía sau quyết định tuần tra Tri Tôn là gì ?
G.S. Ngô Vĩnh Long : Về ý tưởng nằm sau quyết định tuần tra Tri Tôn của Mỹ, thông cáo chính thức của bộ Quốc Phòng Mỹ ngày 30/01/2016 cho biết : « thách thức » (challenge) những « yêu sách thái quá trên biển » (excessive maritime claims) của các bên đang tranh chấp chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa.
Thông cáo đó nói tiếp là hoạt động đó là để thách thức những cố gắng của 3 nước đang tranh chấp - Trung Quốc, Đài Loan và Việt Nam - để hạn chế quyền thông thương và những quyền tự do trên biển (navigation rights and freedoms) xung quanh những bộ phận (features) của quần đảo Hoàng Sa bằng những chính sách bắt buộc phải được phép trước hay phải thông báo trước khi đi qua khu vực lãnh hải (territorial seas). Những yêu sách thái quá đối với Tri Tôn là không đúng theo luật quốc tế như phản ánh trong Công Ước về Luật Biển của Liên Hiệp Quốc (UNCLOS).
Những điểm vừa trích trong thông cáo của Bộ Quốc Phòng Mỹ cần được giải thích để độc giả hay thính giả có thể hiểu thêm :
Về những quyền và những tự do trên biển thì theo luật quốc tế và Công Ước về Luật Biển là các “quyền” gồm có quyền di chuyển không có ý định gây phương hại (innoccent passage) - như tấn công hay phóng uế - quyền quá cảnh (transit right) và quyền sử dụng những đường thông thương qua các quần đảo (archipelagic sea lanes passage).
Còn những “tự do” gồm có tự do di chuyển trên mặt biển, tự do bay trong vùng trời trên biển, tự do đặt giây cáp truyền thông và ống dẫn dầu khí dưới biển, và những tự do khác mà luật quốc tế cho sử dụng.
Những quyền và tự do này được bảo đảm cho tất cả loại thuyền bè và máy bay dân sự và quân sự, trong đó có quyền được tuần tra để bảo vệ thông thương (Freedom of Navigation Operation, FONOP).
RFI : Như vậy, ý nghĩa chính của chiến dịch tuần tra Tri Tôn có thể là gì ?
G.S. Ngô Vĩnh Long : Tri Tôn là một mỏm đá khi chìm khi nổi và không có thể gọi là đảo, cũng chưa chắc gì có thể có được lãnh hải 12 hải lý như đề cập đến trong Điều 3 của Công Ước về Luật Biển. Thế mà năm 2014, công ty dầu khí ngoài khơi của Trung Quốc CNOOC đã đặt giàn khoan Hải Dương 981 cách Tri Tôn 17 hải lý về phía Việt Nam và trong thềm lục địa của Việt Nam, để thách thức Việt Nam và luật quốc tế cũng như để tìm cách thiết lập vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) từ đó.
Đó là lý do tại sao thông cáo của Lầu Năm Góc ngày 30/01/2016 khẳng định rằng những yêu sách đối với Tri Tôn là thái quá.
Và đúng như Mỹ đã nhận định, ngày hôm sau, bộ Ngoại Giao Trung Quốc đã đưa ra một tuyên bố nói rằng chiến thuyền của Mỹ đã ngang nhiên « vi phạm luật lệ của Trung Quốc bằng cách đi vào lãnh hải của Trung Quốc mà không được cho phép trước ». Do đó, phía Trung Quốc đã cảnh cáo Mỹ là phải tôn trọng và tuân thủ luật của Trung Quốc để duy trì sự tin tưởng lẫn nhau cũng như an ninh trong khu vực.
Trung Quốc cũng doạ rằng tuần tra của Mỹ là một hoạt động quân sự hoá Nam Hải (Biển Đông) và do đó sẽ thúc đẩy Trung Quốc tăng cường xây dựng đảo nhân tạo. Tuần trước đó, trong một tường trình tại Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế CSIS, đô đốc Harry B. Harris Jr. (tư lệnh quân đội Mỹ tại Thái Bình Dương), đã cho biết rằng chỉ trong 18 tháng trước đó, Trung Quốc đã bồi đắp và xây dựng khoảng 1.215 ha đảo nhân tạo, so với tổng số 87 ha mà các nước Việt Nam, Maylaysia, Philippines, và Đài Loan bồi đắp trong hơn 40 năm.
Mỹ lo ngại là các đảo nhân tạo của Trung Quốc có đường bay và cảng có thể dùng cho máy bay và tàu chiến cũng như những thiết bị quân sự khác, cho nên Mỹ sẽ phải có những hoạt động FONOP thường xuyên hơn để bảo vệ an ninh trên biển và trong khu vực.
RFI : Việt Nam còn có thể làm gì được khi mà đảo thì đã bị Trung Quốc chiếm, mà đòi đàm phán thì lại bị Trung Quốc bác bỏ thẳng thừng ?
G.S. Ngô Vĩnh Long : Trung Quốc chiếm Hoàng Sa bằng vũ lực và đã giết hại người Việt, không những trong lúc chiếm năm 1974 mà còn dùng vị trí chiếm được để tiếp tục gây tổn thương cho ngư dân Việt Nam cũng như đe doạ an ninh của khu vực và thế giới.
Nay Mỹ và nhiều nước trên thế giới đã hiểu rõ âm mưu thâm độc của Trung Quốc cho nên Việt Nam cần dùng cơ hội rất tốt này để vận động sự trợ giúp tích cực trong việc gây sức ép đối với Trung Quốc.
Việt Nam là nước bị Trung Quốc làm tổn thương lớn nhất, một phần vì có lãnh hải dài nhất trong khu vực, và một phần là vì gần đảo Phú Lâm nhất, cho nên Việt Nam có tiếng nói nhất định nếu có chiến lược đối ngoại và đối nội thích hợp, và có những hoạt động tích cực. Bằng không thì Trung Quốc sẽ tiếp tục đe doạ an ninh của Việt Nam trên biển, trên đất liền, và cả từ trên không.
RFI : Việt Nam có thể làm gì để tranh thủ sự chú ý bắt nguồn từ việc Mỹ tuần tra Hoàng Sa và để thúc đẩy lập trường của Việt Nam trên vấn đề Hoàng Sa ?
G.S. Ngô Vĩnh Long : Việc Mỹ nhắc đến những yêu sách thái quá về Hoàng Sa mà có đề cập đến tên của 3 quốc gia - Trung Quốc, Việt Nam và Đài Loan - là cơ hội rất tốt để Việt Nam giải thích cho nhân dân Mỹ và nhân dân thế giới tại sao Việt Nam không giống như Trung Quốc và không « thái quá ».
1/ Việt Nam không nên tiếp tục tụng khẩu hiệu « Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam », mà nên xoáy vào chuyện Trung Quốc đã chiếm đảo Phú Lâm bằng bạo lực và đang tiếp tục đe doạ tánh mạng của ngư dân Việt Nam, cũng như quyền tự do thông thương của các nước trong khu vực và trên thế giới qua việc chiếm đóng đó.
2/ Việt Nam cũng nên khẳng định là Việt Nam không dùng luật của Việt Nam để đòi hỏi lãnh hải 12 hải lý xung quanh những bãi hay những mỏm đá ngầm như Trung Quốc, qua đó hạn chế những quyền và tự do trên biển như luật quốc tế và Công Ước về Luật Biển đã ghi rõ. Việt Nam nên tuyên bố là Việt Nam nhất thiết tuân thủ luật quốc tế và Công Ước về Luật Biển và các quyền và tự do được ghi nhận.
3/ Thêm vào đó Việt Nam nên yêu cầu thế giới tìm cách đo đạc những đảo, bãi ngầm, và mỏm đá, kể cả Tri Tôn, để khẳng định cái gì là cái gì, hòng bảo vệ các quyền tự do vừa đề cập đến.
Lẽ dĩ nhiên là Trung Quốc sẽ từ chối, nhưng qua đó Việt Nam sẽ được sự ủng hộ quốc tế cũng như đặt Trung Quốc vào thế bị động. Việt Nam không nên tiếp tục thụ động và để cho Trung Quốc cứ gây hấn, giết hại ngư dân Việt Nam và đe doạ bằng mọi cách.
Mỹ là nước ngoài khu vực và đã nhiều năm và nhiều lần khẳng định là không dính líu đến việc tranh chấp chủ quyền ở các vùng đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Cho nên Mỹ chỉ có thể giúp bảo vệ các quyền và tự do trên biển theo các luật quốc tế, và có lý do đưa Trung Quốc ra trước công luận quốc tế, cũng như các tòa án quốc tế.
Việt Nam là nước bị Trung Quốc lấy mất đảo và từ đó gây thiệt hại về nhiều mặt, thì Việt Nam là nước phải lên tiếng mạnh nhất và rõ ràng nhất để giúp Mỹ và các nước khác có lý do ủng hộ Việt Nam.
*****
Sự chú ý của thế giới đến vấn đề Hoàng Sa được xem là một cơ hội tốt cho Việt Nam để đánh động công luận quốc tế về tranh chấp chủ quyền giữa Việt Nam và Trung Quốc trên quần đảo này, một tranh chấp vốn không được chú ý bằng vấn đề Trường Sa, nơi có đến 4 nước ASEAN cùng với Đài Loan đối kháng với Trung Quốc.
Sự kiện đầu tiên có tác dụng thu hút sự quan tâm đến tranh chấp Hoàng Sa là chiến dịch tuần tra khẳng định quyền tự do hàng hải được Hải Quân Mỹ bất ngờ tiến hành hôm 30/01/2016 bên trong vùng 12 hải lý của đảo Tri Tôn, quần đảo Hoàng Sa.
Dư âm của chiến dịch này trong công luận chưa dứt, thì ngay trong tháng Hai, đến lượt Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế CSIS tại Washington công bố một loạt ảnh vệ tinh mới nhất, cho thấy là Trung Quốc đã triển khai tên lửa địa đối không trên đảo Phú Lâm, đảo lớn nhất trong vùng quần đảo Hoàng Sa.
Tiết lộ của trung tâm tham vấn Mỹ đã làm dấy lên những mối quan ngại chính đáng trước việc Trung Quốc triển khai vũ khí trong khu vực này, đe dọa quyền tự do lưu thông trên không và trên biển, nhất là khi sau đó, Bắc Kinh lại bị tố cáo là đã điều chiến đấu cơ phản lực hiện đại đến Phú Lâm.
Phong van G.S. Ngo Vinh Long_Hoang Sa