Linh Nguyễn/Người Việt (tổng hợp)
LITTLE SAIGON, California (NV) - Tổng Thống Hoa Kỳ Barack Obama tuyên bố hủy bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận hiệu lực từ nửa thế kỷ, về việc bán vũ khí sát thương cho Việt Nam, trong cuộc họp báo Hôm Thứ Hai, 22 Tháng Năm, cùng Chủ Tịch CSVN Trần Đại Quang, tại Hà Nội. Người Mỹ gốc Việt và một số giới chức dân cử Mỹ có những phản ứng khác nhau về quyết định này.
Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng(Giáo sư môn Chính trị học và Bang giao Quốc tế tại Đại Học George Mason – Virginia, và là thành viên cao cấp của Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quan Hệ QuốcTế CSIS của Hoa Kỳ).
"Quyết định của TT Obama là điều Việt Nam trông đợi. Nhưng quyết định này cũng làm một số người ngạc nhiên. Có lẽ phía chính quyền của ông Obma đã có quyết định rồi nhưng chọn đúng thời điểm khi ông Obama công du Việt Nam để loan báo hòng tạo được ảnh hưởng lớn. Về bối cảnh bang giao Việt – Mỹ, quyết định bỏ cấm vận võ khí cho Việt Nam là hoàn tất tiến trình bình thường hóa bang giao giữa Washington và Hà Nội, từ việc bình thường hóa ngoại giao dưới thời Tổng Thống Clinton, rồi bình thường hóa quan hệ kinh tế thời Tổng thống Bush, và bây giờ là bình thường hóa quân sự thời Tổng thống Obama. Đối với Hà Nội, quyết định này là biểu tượng quan trọng là Washington ủng hộ họ và Việt Nam có sự cộng tác mật thiết với cường quốc mạnh nhất thế giới và cũng giúp cho chính quyền Hà Nội có một sự chính thống nào đó trong quan điểm của người Mỹ đối với đảng cộng sản và chính quyền hiện tại. Còn đối với ông Obama thì đây là quyết định lịch sử, một di sản lịch sử mà ông để lại như những di khác khác là bang giao với Cuba, ký việc ước cấm phổ biến võ khí nguyên tử với Iran và bây giờ là bỏ cấm vận võ khí với Việt Nam. Những di sản này của ông Obama sẽ tạo thuận lợi cho những người thừa kế ông làm việc. Còn đối với nước Mỹ, thì đây là bước tiến tạo nên lòng tin chiến lược giữa hai nước và khuyến khích Việt Nam càng ngày càng đóng vai trò quan trọng hơn trong cán cân quyền lực tại Á Châu để chống lại chính sách khống chế của Trung Quốc tại Biển Đông mà sự khống chế này sẽ làm hại quyền lợi của nước Mỹ.
NV: Thưa giáo sư, trước chuyến công du Việt Nam của TT Obama, một số dân biểu, nghị sĩ Mỹ kêu gọi ông Obama nêu vấn đề nhân quyền tại Việt Nam với giới lãnh đạo Hà Nội, vậy mà ông Obama cho Hà Nội được quyền mua võ khí nhưng không đạt thỏa thuận nào về nhân quyền, vậy khi về lại Mỹ, ông Obama liệu có gặp khó khăn nào với phía Lập pháp không?
G.S Hùng: Tôi không nghĩ ông Obama sẽ gặp khó khăn nhưng trước khi ông đi Việt nam đã có những chỉ trích và áp lực rồi và ngay sau khi ông công bố quyết định bỏ cấm vận võ khí Việt Nam thì lập tức có một số người, một số đoàn thể và cơ quan chỉ trích. Nhưng nên nhớ là báo chí cho biết ông Obama đã liên lạc rất thường xuyên với quốc hội nên tôi tin là ông Obama đã tiên đoán được những phản ứng này. Nhưng phía Hà Nội đã thả Linh mục Nguyễn Văn Lý trước khi ông Obama bỏ cấm vận võ khí; còn phía chính quyền Mỹ thì đã nói việc bỏ cấm vận võ khí chỉ là mở đầu về nguyên tắc thôi, còn mỗi khi Việt Nam mua võ khí thì Mỹ sẽ quyết định theo từng trường hợp và mỗi trường hợp đều gắn liền với vấn đề nhân quyền. Ngoài ra, hiệp ước TPP đã trù liệu Việt Nam phải thi hành quyền lao động vàMỹ cũng đã yêu cầu Hà Nội thi hành và soạn những luật để thi hành quyền này và Mỹ s8ãn sàng giúp đỡ để làm luật đó.
-NV: Giáo sư nghĩ sao về lời tuyên bố của TT Obama là việc bãi bỏ lệnh cấm bán võ khí cho Việt Nam không nhắm vào Trung Quốc?
-G.S Hùng: Ông Obama nói thế thôi chứ Ngoại trưởng Mỹ Kerry đã tuyên bố bỏ cấm vận võ khí nhằm giúp Việt Nam có khả năng phòng thủ thì đó là rõ ràng nhắm vào Trung Quốc rồi.
Ông Nguyễn Xuân Nghĩa(Nhà bình luận)
Thời Chiến tranh lạnh, vào năm 1976, Quốc hội Hoa Kỳ đã có Đạo luật Kiểm soát Xuất cảng Võ khí (Arms Export Control Act - AECA) theo đó, Tổng thống được phép quyết định việc xuất nhập cảng võ khí và dịch vụ liên quan tới quốc phòng. Khai triển đạo luật ấy là Những Quy định về Giao dịch Võ khí Quốc tế (International Traffic in Arms Regulations – ITAR) được trao cho Bộ Ngoại giao thi hành nhằm bảo vệ an ninh và quyền lợi của Hoa Kỳ, để các loại võ khí siêu hạng không rơi vào tay đối thủ hay kẻ thù. Việt Nam rơi vào những quy định của ITAR từ năm 1984 vì lý do vi phạm nhân quyền. Sau khi hai nước thiết lập bang giao từ năm 1995, Việt Nam vẫn còn bị những hạn chế đó.Từ năm 2014, Chính quyền Barack Obama đã có ý gỡ bỏ những cản trở cho Việt Nam nhưng phải đi từng bước, với từng loại quân trang rồi quân cụ từ cấp thấp nhất. Việc Tổng thống Obama thông báo tại Hà Nội hôm 23 rằng từ nay Việt Nam sẽ hết bị cản trở là bước sau cùng để hoàn toàn bình thường hóa quan hệ giữa hai nước.
Điều đáng tiếc là ông Obama lại phải khẳng định rằng quyết định ấy “không nhắm vào Trung Quốc” là một phát biểu không cần thiết. Đáng tiếc hơn vậy là ông gạt qua một bên mối quan tâm về tình trạng vi phạm nhân quyền quá trắng trợn của Hà Nội đã được Quốc hội và các tổ chức tranh đấu cho nhân quyền nêu ra. Và ông được chế độ đáp lễ bằng cách ngăn cản việc ông tiếp xúc với một số nhân vật bất đồng chính kiến, thậm chí còn giam giữ họ để họ khỏi gặp Tổng thống Mỹ.
Hai điều ấy gây thất vọng cho nhiều người về sự quyết đoán của tổng thống Hoa Kỳ.
Nhưng dù quyết định gỡ bỏ việc xuất cảng võ khí được thông báo một cách ngoạn mục – hay nhục nhã – sự thật thì việc Hà Nội mua võ khí của Hoa Kỳ vẫn sẽ được cứu xét qua từng hồ sơ và Quốc hội Mỹ vẫn có tiếng nói trong từng quyết định ấy để các loại võ khí siêu hạng của Hoa Kỳ không lọt vào tay một đối thủ, là Trung Cộng, cường quốc chống lưng cho chế độ Hà Nội, và yếu tố nhân quyền sẽ còn chi phối từng quyết định xuất cảng. Quả thật Hoa Kỳ muốn bình thường hóa quan hệ với một chế độ không bình thường trong quan hệ của chế độ với chính người dân của mình. Lại một thành tích khác của Barack Obama! Không đáng ngạc nhiên nhưng đáng buồn.
Tiến Sĩ Nguyễn Bá Tùng(Trưởng Ban Phối Hợp Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam)
"Mỹ bỏ cấm vận là chuyện đương nhiên, thuần túy lợi ích kinh tế. Tôi thấy xót xa, vì cố tìm chữ nhân quyền trong những lời nói của Tổng Thống Obama, nhưng không thấy. Có lẽ cộng đồng người Việt ở hải ngoại không đủ mạnh để Tổng Thống Obama quan tâm."
Tiến Sĩ Lê Minh Nguyên(Thành viên Mạng Lưới Nhân Quyền)
Chính quyền Obama đã nhịn nhục Đảng CSVN một cách quá đáng. Để được gì? - Một hy vọng (hay là một cam kết trong bí mật?) là Việt Nam sẽ ngã về phía Hoa Kỳ trong vấn đề an ninh và thương mại, phục vụ cho chủ trương xoay trục của Hoa Kỳ?
Nhân quyền thì luôn luôn bị nằm nguội lạnh phía sau (back burner). Nhìn CSVN cư xử nhân quyền trong chuyến Obama viếng thăm này:
- Thả LM Nguyễn Văn Lý sớm được hơn 1 tháng.
- Bắt công dân Mỹ Nancy Nguyễn.
- Đàn áp thô bạo người dân quan tâm môi trường.
Chính quyền Obama chỉ hổ trợ nhân quyền Việt Nam trên đầu môi chót lưỡi.
Rồi nhìn cách CSVN cho người ra phi trường Nội Bài đón ông Obama tối Chủ Nhật 22/5: chỉ là hai nhân vật cấp thấp của Bộ Ngoại Giao (Thứ Trưởng Hà Kim Ngọc) và Phủ Chủ Tịch (Chủ Nhiệm Văn Phòng Đào Việt Trung) - Một sự hạ thấp vị thế của Tổng Thống Obama cũng như của siêu cường số một thế giới.
Tờ Hoàn Cầu Thời Báo, tờ báo thuộc cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng Sản Trung Quốc, hôm 19/5 viết rằng việc “Việt Nam tiến lại gần hơn Mỹ là một tiến trình tự nhiên đối với việc phát triển nền kinh tế dựa vào xuất khẩu ở Đông Nam Á, nhưng điều này không đồng nghĩa với việc Hà Nội có ý định xa lánh Trung Quốc..." “Nếu Hoa Kỳ tính dùng Việt Nam để khống chế Trung Quốc thì đó là điều vô vọng." Nó cho thấy hai điều: (1) Trung Quốc vẫn khống chế toàn diện Đảng CSVN và (2) Đảng CSVN chỉ lợi dụng Hoa Kỳ.
Chính quyền Obama tương nhượng đến thế là cùng!
Tạ Phong Tần(Blogger)
"Năm 2012, tôi đọc báo Nhân Dân phỏng vấn ông Nguyễn Chí Vịnh, thứ trưởng quốc phòng Việt Nam thời đó rêu rao quân đội Việt Nam chính quy, hiện đại, nhưng sự thưc hải quân CSVN quá yếu. Ngay cả khi ngư dân Việt Nam bị Trung Quốc tấn công, có bảo vệ gì được cho dân. Không có vũ khí để tranh chấp trên biển."
"Năm 2014, Ngoại Trưởng Mỹ John Kerry tuyên bố bỏ một phần cấm vận. Lập tức truyền thông trong nước cho đó là một thắng lợi cho Việt Nam. CSVN quên rằng người Mỹ có câu thòng rằng, phải được Tổng Thống Mỹ phê duyệt. Như thế bỏ cấm vận vẫn như chưa bỏ mà thôi."
"Ngày nay, Tổng Thống Mỹ tuyên bố bỏ cấm vận hoàn toàn, là một người dân thường, trên thực tế làm sao biết có câu thòng nào hay không? Không ai biết chi tiết!"
"Tóm lại ai cũng thấy Trung Quốc leo thang ở biển Đông, họ coi cứ như ở ao nhà của mình. Việt Nam không có khả năng chống. Khi Mỹ bỏ lệnh cấm vận thì CSVN buộc phải theo Mỹ thôi!"
Loretta Sanchez
(Dân Biểu Liên Bang Hoa Kỳ)
Dân Biểu Loretta Sanchez (CA-46), phát biểu rằng Hạ Viện Hoa Kỳ tuần trước thông qua phần đề nghị tu chính của bà, rằng sự gia tăng liên hệ về quân sự với Việt Nam phải tùy thuộc điều kiện Việt Nam thực thi cải tổ về nhân quyền.
Trích Thông Cáo Báo Chí:
"Tôi sợ rằng sớm bỏ lệnh cấm vận vũ khí đối với Việt Nam, Hoa Kỳ làm suy yếu một cách nguy hiểm đòn bẩy của chúng ta để bảo đảm cải cách nhân quyền tại Việt Nam trong tương lai. Bây giờ, còn ưu đãi gì để dành cho chính phủ Việt Nam thấy ý nghĩa, để thực hiện những cải cách nhân quyền và tôn trọng các quyền dân sự của người dân Việt Nam? Chúng ta đã cho họ một vé miễn phí kèm theo một cảnh báo nghiêm khắc mà Việt Nam có thể dễ dàng bỏ qua."
"Tổng thống Obama sẽ gặp các nhà hoạt động nhân quyền vào sáng mai tại Hà Nội. Nhưng hầu hết, nếu không nói là tất cả, các nhà hoạt động này đã bị quản thúc tại gia hoặc bị công an bắt giữ. Vì thế, ngay trong chuyến thăm của tổng thống, chính phủ Việt Nam tiếp tục có các hành vi vi phạm nhân quyền trắng trợn, có hệ thống và nghiêm trọng đối với người dân Việt Nam, từ việc hành hung và giam giữ các nhà hoạt động ôn hòa, nhà báo và gia đình của họ; để đàn áp dữ dội về tự do ngôn luận, bất đồng chính kiến và tự do báo chí. Tôi sẽ tiếp tục lên tiếng quan ngại nghiêm trọng của tôi về triển vọng ưu tiên thương mại hoặc sức mạnh quân sự mà không có nhân quyền."
"Hôm qua, Phụ Tá Ngoại Trưởng Patrick Murphy, đặc trách Đông Á và Thái Bình Dương, gọi tôi và chúng tôi đã có một cuộc thảo luận về chính sách mới của chính quyền. Tôi đã nói với ông Murphy rằng sự lựa chọn của chính quyền Mỹ trong việc theo đuổi các chính sách mới này sẽ được các sử gia đánh giá gay gắt. Theo ông Murphy việc thả Linh Mục Lý sớm trước khi mãn hạn tù, là một sự nhượng bộ lớn cho chính phủ Việt Nam, tuy nhiên đó vẫn không đủ. Chính phủ Việt Nam phải thả tất cả các tù nhân chính trị nhằm thể hiện cam kết của họ để cải thiện nhân quyền. Đó là một ngày buồn cho chính sách đối ngoại của Mỹ và nhân quyền."
Alan Lowenthal
(Dân Biểu Liên Bang Hoa Kỳ)
Trích Thông Cáo Báo Chí:
“Quyết định của Hoa Kỳ bãi bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam là quá sớm và thất sách. Tôi vô cùng thất vọng khi chúng ta mất đi thêm một cơ hội nhằm thúc đẩy chính quyền Việt Nam đưa ra bất kỳ cam kết nào về việc cải thiện nhân quyền của người dân Việt Nam."
“Bằng bất kỳ phương thức đo lường nào, Việt Nam gần đây vẫn chưa có tiến triển hướng tới việc tôn trọng những quyền tự do của chính người dân của họ. Chỉ trước thời gian Tổng Thống Obama đến ViệtNam, chính quyền CSVN đã đàn áp các cuộc biểu tình vì thảm họa môi trường đang xảy ra tại bốn tỉnh Miền Trung Việt Nam và sau đó là cuộc bầu cử Quốc Hội CSVN được dựng lên và các ứng viên độc lập không được Đảng Cộng Sản phê chuẩn đã bị loại bỏ. Ba ngày trước đây, một người Mỹ gốc Việt hoạt động vì nhân quyền là cô Nancy Nguyễn từ Nam California đã bị mất tích tại Việt Nam. Trong ngày Tổng Thống Obama đặt chân đến Việt Nam, các nhà hoạt động và một số ký giả dự trù sẽ gặp Tổng Thống đã bị ngăn chặn bởi các thế lực của chính quyền CSVN."
“Việt Nam tiếp tục bắt giam các tù nhân lương tâm thuộc mọi giới, từ các luật sư nhân quyền, bloggers, cho đến các nhà hoạt động vì quyền lao động và các vị lãnh đạo tôn giáo. Nếu Việt Nam muốn xây dựng một mối quan hệ mạnh mẽ hơn với Hoa Kỳ, và trước khi Hoa Kỳ bán bất kỳ vũ khí sát thương nào cho Việt Nam, thì chính quyền CSVN phải bắt đầu tôn trọng các quyền tự do và căn bản của người dân Việt Nam.”