Saturday, April 27, 2024

Sân khấu chính trị Ba Đình hỗn loạn!

 Văn Nam/SGN

(Hình: Kayla Ng)

Một sự hỗn loạn dưới bề mặt kinh tế và chính trị Việt Nam đang diễn ra ngay lập tức, khi chủ tịch Quốc Hội Việt Nam Vương Đình Huệ được phép chính thức cho từ chức.

Lời chấp thuận cho ông Huệ từ chức được đăng trên báo chí của Đảng, qua những dòng tin ngắn không có giải thích gì về “những vi phạm và thiếu sót.”

Việc ông Huệ phải từ chức là một dấu hiệu mới về sự bất ổn chính trị đang kéo dài trong suốt vài tháng qua, ảnh hưởng lớn đến nội bộ Đảng CSVN, cũng như với các quốc gia đang có quan hệ ngoại giao lẫn làm ăn với Việt Nam.

Báo chí của nhà nước cộng sản cũng đồng loạt được phát tín hiệu cùng đưa tin việc ông Huệ viết thư từ chức vào ngày 26 Tháng Tư, 2024. Cũng không có tờ báo nào dám viện dẫn hay bình luận nguồn tin riêng cho sự kiện mới này, hầu như mọi nơi đều có cùng một giọng điệu như nhau, úp úp mở mở, buồn tẻ.

Thế nhưng, trên các trang mạng và vỉa hè, chuyện của ông Huệ và tập đoàn Thuận An được bàn tán không ngớt với lời mỉa mai. Đặc biệt câu nói nổi tiếng của người từng đứng đầu Quốc Hội “tiền ở trong dân còn nhiều” luôn được nhắc đến với nụ cười của dân chúng. Những khuyết điểm mà Bộ Chính Trị CSVN nói ông Huệ đã “gây dư luận tiêu cực trong nhân dân” được chỉ ra, là những món lót tay lên đến ngàn tỷ đồng, và kéo dài đã nhiều năm qua, suốt nhiều vị trí của ông.

Ông Vương Đình Huệ, khi còn là bí thư Thành Ủy Hà Nội. (Hình: Đầu Tư)

Đối với các quốc gia và những nhà đầu tư có mặt ở Việt Nam, biến động mới nhất trong giới lãnh đạo cấp cao của Việt Nam đang làm dấy lên mối lo ngại mới về sự ổn định chính trị ở nơi được coi là trung tâm sản xuất mới tại Đông Nam Á, vốn đang phụ thuộc nhiều vào nguồn đầu tư và thương mại nước ngoài.

Ông Vương Đình Huệ, 67 tuổi, được coi là ứng cử viên tiềm năng cho chức vụ Tổng Bí Thư Đảng Cộng sản, chức vụ quyền lực nhất của Việt Nam. Vị trí người đứng đầu quốc hội của ông là một trong bốn chức vụ được mô tả là “trụ cột” của bộ máy lãnh đạo nhà nước.

“Những vi phạm, khuyết điểm của đồng chí Vương Đình Huệ đã gây dư luận tiêu cực, ảnh hưởng đến uy tín của đảng, nhà nước và cá nhân,” ban chấp hành Trung Ương Đảng Cộng sản cho biết trong một báo cáo gửi Quốc Hội.

Việc từ chức của ông Huệ diễn ra rất nhanh, chỉ vài ngày sau khi có thông báo rằng trợ lý của ông là Phạm Thái Hà đã bị bắt vì cáo buộc nhận hối lộ liên quan đến một tập đoàn làm ăn, được coi là sân sau của ông Huệ.

Tuyên bố của Đảng CSVN hôm thứ Sáu 26 Tháng Tư, cho biết đơn từ chức của ông Huệ đã được chấp nhận và ông sẽ bị loại khỏi ban chấp hành Trung Ương và Bộ Chính Trị đầy quyền lực.

Không có thông báo nào được đưa ra về việc ai sẽ thay thế. Đảng CSVN đang đau đầu cần tìm người kế nhiệm lâu dài cho chức chủ tịch quốc hội, lẫn tổng bí thư sắp tới. Việc bổ nhiệm dự kiến ​​sẽ được quốc hội thông qua khi họp phiên thường kỳ vào giữa Tháng Năm, hoặc sớm hơn tại phiên họp bất thường.

Cuộc loại trừ đã để lộ vị trí ứng cử viên chính cho chức vụ cao nhất của CSVN là bộ trưởng Công An Tô Lâm, 66 tuổi, cũng là nhân vật nắm hồ sơ dính chàm của mọi quan chức trong chiến dịch chống tham nhũng mà Đảng trưởng Nguyễn Phú Trọng đề ra.

Một cuộc khảo sát nhanh và bí mật với hơn 650 lãnh đạo doanh nghiệp do Phòng Thương Mại Nước ngoài tại Việt Nam thực hiện và công bố vào Tháng Ba vừa qua, cho biết các công ty nước ngoài bị thu hút vào Việt Nam, chủ yếu vì sự ổn định chính trị. Nhưng lúc này đa số các doanh nhân đều tỏ ý lo ngại, thậm chí có người còn nghĩ đến phương án làm ăn khác ngoài Việt Nam.

Ông Nguyễn Khắc Giang, nhà phân tích tại Viện ISEAS-Yusof Ishak của Singapore, cho biết: “Sự kiện của ông Huệ làm nổi bật bất ổn cực độ trong một môi trường chính trị, vốn thường được ca ngợi về sự ổn định của nó, với chuyện ba nhà lãnh đạo hàng đầu đã bị sa thải chỉ trong một năm.”

Ông Giang cũng xác định các nguồn tin trước đó, coi ông Huệ là người có khả năng kế nhiệm Trọng. Ông nói: “Sự sụp đổ của Huệ sẽ chỉ làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng kế nhiệm ở Việt Nam.”

Các nhà lãnh đạo tiếp theo của Việt Nam sẽ triệu tập Đại Hội Đảng Cộng Sản vào đầu năm 2026. Trong khi đó, các nhà quan sát thời sự nói rằng, các phe phái trong nội bộ CSVN đang chen lấn để giành vị trí người kế nhiệm ông Trọng, người được bầu vào nhiệm kỳ thứ ba chưa từng có với tư cách là Tổng Bí Thư vào năm 2021.

Và chắc chắn lần này thì ông Trọng sẽ phải về hưu, với độ tuổi khó có khả năng tiếp tục được nhiệm kỳ nào nữa.

Thấy gì qua việc Vương Đình Huệ gãy ghế

 Kim Ngữ

Cuối cùng thì mọi đồn đoán đã thành sự thật: Vương Đình Huệ, chủ tịch Quốc Hội, về bắt đom đóm, chuẩn bị cho một tương lai khác, ngắn ngủi và đen tối trong bóng đêm hoạn lộ.

Ông Vương Đình Huệ. (Hình: STR/AFP via Getty Images)

Ông Huệ không ngã ngựa mà bị đánh văng khỏi ngựa bởi thanh đao của Tô Lâm, bộ trưởng Công An, người vừa mạnh vừa quyết đoán và không chấp nhận thỏa hiệp trước bất kỳ đối thủ chính trị nào.

Bắt ông Phạm Thái Hà, 48 tuổi, trợ lý của ông Huệ, kiêm phó chủ nhiệm Văn Phòng Quốc Hội, là mũi kiếm đã chĩa thẳng vào yết hầu của ông Huệ. Con đường duy nhất muốn sống sót chỉ là buông giáo quy hàng bất kể sau lưng ông Huệ là người đốt lò vĩ đại hay nguyên một nhóm Nghệ Tĩnh phía sau.

Ông Tô Lâm chứng minh sức mạnh vô đối trước mọi đối thủ, không riêng gì ông Huệ, khi nhất quyết giành ngôi bá chủ mà không chấp nhận bất cứ một vị trí nào khác trong cái xứ sở có tới bốn chiếc ghế phân ra cai trị 90 triệu nhân dân cùng non 10 triệu đồng chí.

Câu chữ của Ban Chấp Hành Trung Ương như mọi lần không khác một dấu chấm, ông Huệ được đồng ý thôi giữ chức vụ ủy viên Bộ Chính Trị, ủy viên Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng khóa 13 và chủ tịch Quốc Hội khóa 15.

Nhân dân kháo nhau: Vậy là hạ cánh an toàn. Bè đảng nhìn nhau: Vậy là xong một đối thủ. Bộ Chính Trị bảo nhau: Nhìn đấy mà liệu thần hồn. Cách gì thì chúng ta cũng giải quyết được tin đồn, thứ mà đảng rất sợ bởi từ tin đồn có thể biến dạng thành cách mạng không mấy hồi, giống như các cuộc cách mạng khác nổi đình nổi đám sau một thời gian chín muồi của các thứ tin đồn thất thiệt.

Ông Huệ là người thứ năm tự làm bản kiểm điểm nhận mọi tội lỗi của mình sau khi thằng trợ lý lu loa khai nhận mọi thứ, từ liên lạc đối tác tới lên phương án ăn chia và cuối cùng là một đống tiền không thể đếm bằng tay vì quá lớn. Thằng trợ lý không hề dám chối tội khi biết rằng trong lúc “binh đao nội bộ” này chỉ một cái lắc hay gật đầu thì sinh mạng của nó có thể nhanh hay chậm mà theo chân Bác.

Câu hỏi đặt ra: Điều gì tiếp theo đây?

Ông Nguyễn Phú Trọng, tổng bí thư, từ khi cuộc chính biến bắt đầu chưa một lần đưa ra ý kiến. Ông lặng lẽ nhìn tay chân mình bị Bộ Trưởng Tô Lâm thanh toán mà không thể quay mặt hay đối diện với sự thật đang ăn vào sinh mệnh chính trị của ông.

Dĩ nhiên không ai dám động tới chiếc ghế tổng bí thư vì nó quá mục nát, hãy để cho nó tự hủy còn hơn là ra tay trong lúc này. Sự thật đó làm ông Trọng buồn nhiều hơn vui. Ông không có lý do gì để lên tiếng tố cáo kẻ xuống tay vì chúng có đụng tới ông đâu? Chúng lại còn ra vẻ hợp tác vô điều kiện đối với chủ trương đốt lò “không vùng cấm” do ông đưa ra, và cái kết quả hai vị trí thuộc loại chiến lược của ông Trọng là Võ Văn Thưởng và Vương Đình Huệ bị đốn một cách ngọt ngào cho thấy sức mạnh của ông Tô Lâm đã lên tới không còn đối thủ, mà đối thủ không còn thì chiếc ghế của ông Trọng ai còn dám hó hé khi quỹ thời gian của tuổi tác lẫn nhiệm kỳ ngày càng ngắn lại?

Cái đích cuối cùng mà ông Lâm nhắm tới không còn phải bàn cãi, nhưng cái đích ấy sau khi đạt được liệu ba ghế còn lại có an toàn nữa hay không khi nhân dân hiểu rất rõ tính chất đa nghi và quyết đoán của ông Lâm sẽ không dừng lại mà an hưởng vinh quang. Ông ấy biết rằng nếu ba chiếc ghế còn lại không phải tay chân của mình thì trong tương lai việc ông làm ngày hôm nay sẽ được người khác lập lại và ông phải đối đầu với hiểm nguy khi cuộc đấu đá quyền lực sẽ lại xảy ra.

Nhân dân chúng ta hãy thư thả đừng đóng trang Facebook vội mà hãy chờ xem những cảnh tượng trên khán đài chính trị sẽ tiếp tục diễn ra không thua bất kỳ loại phim cung đấu nào của Trung Quốc thời hiện đại. Chỉ khác một điều, thời của Việt Nam hiện nay không tranh giành ngôi thái hậu hay chánh phi mà bốn chiếc ghế nạm vàng nếu tranh được thì hàng trăm thái hậu, chánh phi sẽ tự động thêm vào gia phả của người chiếm ghế. Hãy nhìn ông Huệ thì rõ, chỉ là chủ tịch Quốc Hội thôi đã có trong tay biết bao thứ mà hoàng đế ngày xưa cũng không dám nghĩ.

Có một điều quan trọng nhất mà mọi nhân dân phải lo tới, đó là đừng hào hứng quá độ mà viết lời phê phán cái chế độ này, những gương tày liếp của hàng trăm người viết trên Facebook những điều có thật và họ bị lính ông Tô dẫn thẳng vào nhà giam không cần xét xử thì rõ, cảm thán hay cổ vũ, tức tối đều là những trọng tội.

Điều hay nhất nhân dân nên làm là im lặng chia sẻ những bài báo có cái tựa như sáng ngày Thứ Sáu, 26 Tháng Tư, vừa tung lên của báo Tuổi trẻ: Ban Chấp Hành Trung Ương đồng ý để ông Vương Đình Huệ thôi giữ chức mọi chức vụ mà đảng giao phó!

Cùng lắm thì thả mặt cười bên dưới để chứng tỏ lòng… biết ơn của mình tới một chủ tịch Quốc Hội, người đã xả thân vì đại nghĩa qua tới Bắc Kinh triều kiến vẫn bị bọn xấu gièm pha và châm chọc. [qd]

Lòng dân rẻ hơn… lòng gà!

 Trúc Phương/Người Việt

Trong status Facebook ngày 24 Tháng Tư, một nhân vật “có số má” trên mạng viết (nguyên văn):

“Hai trụ” trong “tứ trụ” Việt Nam thì “một trụ” là ông Võ Văn Thưởng (bìa phải) – chủ tịch nước – bị gãy ghế, “một trụ” là ông Vương Đình Huệ (bìa trái, phía sau) – chủ tịch Quốc Hội – bị lung lay. Chỉ còn “hai trụ” là ông Nguyễn Phú Trọng (thứ hai từ trái) – tổng bí thư – và ông Phạm Minh Chính (không có trong hình) – thủ tướng – còn giữ ghế. (Hình minh họa: Nhac Nguyen/AFP via Getty Images)

CHIẾN DỊCH QUÉT SẠCH NHÀ?

Gã nhắn tin cho một nhân vật rất gần gũi cung đình:

“Chính trường biến động. Dân mong cung đình sạch sẽ một lòng lo cho Dân.”

Nhân vật đó rất kiệm lời, nhắn lại:

-Chiến dịch quét sạch nhà. Tìm chủ giữ nhà của Tổ tiên cho xứng mặt! Nhà ấy bởi của muôn Dân! Không có nhiệm kỳ, không cần quy hoạch!

Vạn đại là Dân! Còn Dân còn nước! Dân làm nên Nước!

Gã đáp:

-Quy trình duy nhất đúng: Lòng Dân.

***

Phản hồi với status này không chỉ là hơn 400 ý kiến thả mặt cười mà còn là hàng trăm bình luận. Tuyệt nhiên không có bình luận nào mang tính tích cực. Dưới đây là một vài:

-Còn có thể chọn lọc ra người tử tế sao…?!

-Nhà toàn đống phân, giòi bọ thì quét sạch kiểu gì?

-Nhưng ai đứng ra chọn, và chọn từ đâu?

-Cung đình nói lời hoa mỹ cho vui tai. Điều đúng nhất là trả cung đình lại cho thời phong kiến, để bây giờ dân có quyền tự chọn người đại diện có nhiệm kỳ, và công nhận chủ nghĩa cơm sườn là chủ nghĩa tào lao lạc hậu. Nhà có nền có tường có nóc còn quét được chớ sống trên đống rác làm sao mà quét!

-Cho tự ứng cử và toàn dân bầu phổ thông đầu phiếu sẽ tìm ra người thôi chứ không khó khăn gì.

-Tôi không tin Việt Nam có thể làm được việc tìm người tận hiếu với dân để dân tin dân quý, với cơ chế này giữ mãi “Độc đảng” khó đấy vì từ trước tới giờ nước mình có dời bỏ được cái đảng ấy đâu. Ở các nước tư bản giãy chết họ có bao nhiêu đảng giám sát nhau, đối trọng nhau cho nên nước họ không có tham nhũng. Anh làm sai tự anh từ chức và lãnh đạo sợ dân và dân sợ pháp luật!

-Nhìn mọi chuyện nâng lên đặt xuống, bắt, hạ bệ và cả tống vào tù những kẻ đang cầm quyền, nghiễm ra thì cũng như trong một gia đình lục đục. Cãi cọ chia phần, đập phá tẩn nhau… rồi đâu lại vào đấy. Chỉ khi bị cháy sập nhà mới hết, mới thôi.

-Ngôi nhà không móng sắp sụp đổ chớ có sửa để tốn tiền gấp 10 rồi lại sụp đổ bất cứ lúc nào. Cái bàn bốn chân có vài cái gãy thì phá bàn đi, đóng cái mới có kèm thuốc bảo vệ chống mối mọt. Đất nước mới 13 tháng thay hai chủ tịch nước, bốn ủy viên Bộ Chính Trị mất chức. 20 ủy viên Trung Ương bị bắt và đi tù. Ủy viên Bộ Chính Trị thứ 5 sắp rụng, số phận thế nào chưa rõ. Còn chính phủ thì hai phó thủ tướng mất chức, một người chết. Cả ban thường trực tỉnh Vĩnh Phúc bị bắt… Muốn trong sạch trước tiên giải tán Ban Chấp Hành Trung Ương, đại hội lại, giải tán Quốc Hội, bầu cử lại, thành lập chính phủ mới cùng nhiều người tài dẫn dắt đất nước!

-CÁI NHÀ ấy không đại diện cho nhân dân, không phải do dân bầu thì ai xuống, ai lên cũng vẫn vậy thôi. Còn duy trì Điều 4, và không thực hiện Điều 25 đã có trong Hiến Pháp thì CÁI NHÀ ấy không phải là của dân, mà là của những nhóm lợi ích độc tài toàn trị.

-Dân là gì mí họ đâu… nói cho có qua chuyện thôi… đâu lại vào đấy… nếu chừng nào không được dân bầu như các nước dân chủ thì dân chỉ là dân đen…

-Còn độc tài thì cung đình là của lũ cai trị, không bao giờ là lãnh đạo, không bao giờ là chính khách, tất cả là những kẻ cai trị độc đoán. Thay và thế, cũng chỉ là thay thằng lưu manh bởi một thằng khốn nạn. Dân vẫn là tầng lớp bị bóp cổ mỗi ngày.

-Chiến dịch quét sạch này không do người dân tiến hành, không đại diện cho dân, cho nên chỉ luẩn quẩn thay ngôi đổi chủ trong giới chức đảng. Cách hạ bệ nhau sẽ gây ra oán thù kéo dài trong các phe nhóm… Dân Việt còn khổ chừng nào không được tự do chọn người lãnh đạo đất nước.

-Phải trả cho Dân quyền chọn mới là chính quyền của Dân!

-Vậy là Dân được chọn người lãnh đạo à?

-Đã là “cung đình” lại còn đòi “dân chủ?”

-Trong lịch sử phát triển của nhân loại trên thế giới, có nhiều cuộc cách mạng, nhiều cuộc chiến tranh để cướp chính quyền, thay đổi chế độ. Nhưng có lẽ chỉ có chế độ chuyên chính vô sản là thành công nhất, cướp triệt để nhất và bảo vệ thành quả cướp được lâu nhất.

-Cung đình đầy rác rưởi và gian trá, lấy đâu ra chỗ cho dân. Phong kiến phong kiến hẳn, còn hơn nhiều cái thứ nửa dơi nửa chuột…

***

Tất cả cho thấy người dân đã chán cái “chủ nghĩa cơm sườn” (nói láy của “chủ nghĩa cộng sản”) như thế nào; và người dân bất mãn chế độ “nửa dơi nửa chuột” đang cai trị đất nước như thế nào.

Lòng dân – một khái niệm thiêng liêng với những giá trị gắn liền với sinh mệnh tổ quốc và sự thăng trầm của một quốc gia – bây giờ đã mất giá đến mức nó trở thành thứ để người ta mỉa mai cười cợt.

Nói lòng dân rẻ hơn… lòng gà là còn nhẹ. Lòng dân trong bối cảnh đất nước Việt Nam ngày nay chẳng còn chút giá trị nào. Trong lịch sử thể chế cai trị của đảng cộng sản Việt Nam, tương tự Trung Quốc hay Bắc Hàn, chưa bao giờ có chỗ cho lòng dân, dù “lòng dân” luôn được lôi ra làm bình phong cho những phát ngôn mị dân.

Còn nữa, “lòng dân” còn luôn được đi kèm với “ý đảng!” Ngay cả khái niệm “lòng dân” cũng bị bóp méo cho vừa với cái khuôn chính trị. Trong bài “Xây dựng và phát huy mạnh mẽ ‘thế trận lòng dân’ trong nền quốc phòng toàn dân” trên tạp chí Cộng Sản, tác giả Nguyễn Hữu Tuấn (thượng tá, khoa Lịch Sử Đảng Cộng Sản Việt Nam, Học Viện Chính Trị Quân Sự) viết: “Xây dựng ‘thế trận lòng dân’ là quá trình phát huy lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, ý chí, niềm tin, quyết tâm của toàn dân tộc, tạo thành nền tảng chính trị – tinh thần vững chắc để huy động sức mạnh tổng hợp của cả dân tộc trong quá trình xây dựng và bảo vệ tổ quốc dưới sự lãnh đạo của đảng, sự quản lý của nhà nước. Do đó, để phát huy mạnh mẽ ‘thế trận lòng dân,’ thì việc đẩy mạnh xây dựng đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ có vai trò quan trọng, để đảng ta thực sự ‘là đạo đức, là văn minh’ xứng đáng với niềm tin của nhân dân…”

Làm thế quái nào mà “đảng ta” có thể “là đạo đức, là văn minh” được?! “Đảng ta” chẳng bao giờ có thể là đại diện của đất nước hay của lòng dân. Xét ở một góc độ, bộ máy tuyên truyền của chế độ dường như đang chứng kiến rõ rệt sự thất bại thảm hại. Chưa bao giờ bằng lúc này người dân và lòng dân lại khao khát môi trường chính trị dân chủ và sự thay đổi thể chế cai trị bằng lúc này.

Người dân không hề muốn “Tìm chủ giữ nhà của tổ tiên cho xứng mặt!” – như một cách nói mà chỉ khiến thiên hạ thả mặt cười. Đó chỉ là cách nói lấp liếm của thứ ngôn ngữ mị dân quen thuộc của hệ thống tuyên truyền cộng sản, với ẩn ý rằng ngôi nhà chỉ cần thay chủ, rằng đảng chỉ cần “minh quân,” rằng hệ thống cai trị chỉ cần sửa lại “lỗi cơ chế.”

Chỉ trẻ con mới có thể bị lừa tin rằng mọi việc sẽ ổn nếu ngôi nhà chỉ cần thay chủ. Ông chủ mới nào có “tài thánh” để sửa lại ngôi nhà mục nát ấy? Điều cần bây giờ là đập nát cái ngôi nhà ấy, đập nát luôn cả cái móng cũ, để xây lại một ngôi nhà mới hoàn toàn, chứ không phải trấn an và vỗ về thiên hạ về việc “tìm chủ giữ nhà!” [qd]

Tô Lâm ‘không sạch sẽ hơn các đồng đảng’


 “Cách phòng thủ tốt nhất của Tô Lâm là tấn công và rõ ràng là ông ta đã tham gia vào chiến dịch đốt lò của ông Trọng. Ông ấy đã hạ gục hết nhà lãnh đạo này tới nhà lãnh đạo khác, doanh nhân này nối tiếp doanh nhân khác, và ông ta thực sự đang ở một vị trí không thể bị tấn công,” Giáo sư Abuza nói.

Giáo sư Zachary Abuza từ Đại học National War College (Mỹ) cho rằng Tô Lâm “không sạch sẽ hơn các nhà lãnh đạo khác”.

Bộ trưởng Bộ Công an Việt Nam cũng từng dính vào vụ bê bối khi video ông ăn bò dát vàng do đích thân bếp nổi tiếng “Thánh rắc muối” Salt Bae phục vụ tại nhà hàng ở London (Anh) vào năm 2021.

Theo công bố của Chính phủ Việt Nam, lương bộ trưởng Công an tính tới năm 2020 là 16,64 triệu đồng/tháng, trong khi mỗi phần bò này có giá hơn 850 bảng Anh (gần 27 triệu đồng), chưa tính 15% phí phục vụ và các món ăn kèm. Cả ông Tô Lâm và Chính phủ Việt Nam đều chưa từng bình luận về video này.

“Cách phòng thủ tốt nhất của ông ta là tấn công và rõ ràng là ông ta đã tham gia vào chiến dịch đốt lò của ông Trọng. Ông ấy đã hạ gục hết nhà lãnh đạo này tới nhà lãnh đạo khác, doanh nhân này nối tiếp doanh nhân khác, và ông ta thực sự đang ở một vị trí không thể bị tấn công,” Giáo sư Abuza nói.

Tuy nhiên, cũng theo Giáo sư Abuza, Nguyễn Phú Trọng hiện nay vẫn là người có quyền lực và ảnh hưởng đáng kể. Nếu Ủy ban Kiểm tra Trung ương bắt đầu cuộc điều tra về ông Tô Lâm thì bản thân ông cũng không thể ngăn cản việc đó. Mặc dù vậy, chuyên gia này cho rằng một cuộc điều tra ông Lâm sẽ không xảy ra vào lúc này.

Trong một diễn biến khác, vào năm 2017, ông Tô Lâm từng có chuyến công du tới Slovakia. Bộ Nội vụ nước này sau đó đã quan ngại việc chuyến thăm có thể bị “lợi dụng” cho những mục đích vượt ra ngoài phạm vi hợp tác và hữu nghị song phương.

Vụ việc diễn ra sau khi truyền thông Đức nói rằng Slovakia “có thể đã có dính líu” vào vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh hồi 7/2017 tại Berlin.

Chính phủ Đức khẳng định, sau 11 tháng đến Đức xin tỵ nạn, ông Trịnh Xuân Thanh đã bị bắt cóc tại Berlin vào ngày 23/7/2017 để đưa về Việt Nam.

Theo tài liệu của tòa án Đức, ông Thanh sau đó đã được đưa sang Slovakia, và đi cùng ông trên chiếc máy bay đang chờ là Bộ trưởng Bộ Công an Việt Nam, một ngôi sao đang lên trong Đảng Cộng sản cầm quyền: Tô Lâm.

Ông Lâm chưa công khai thừa nhận có liên quan đến vụ việc. Nhà chức trách Việt Nam thì luôn khẳng định rằng ông Trịnh Xuân Thanh đã chủ động về “đầu thú” tại Việt Nam.

Sau khi bị đưa về Việt Nam, ông Trịnh Xuân Thanh đã nhiều lần phải ra tòa và lãnh hai án chung thân.

Vụ bắt cóc đã gây ra căng thẳng ngoại giao, khi Đức tạm thời đình chỉ quan hệ đối tác chiến lược với quốc gia Đông Nam Á, gọi vụ bắt cóc là “sự vi phạm trắng trợn và chưa từng có” đối với luật pháp Đức và quốc tế.

Slovakia đã đóng băng quan hệ với Việt Nam một thời gian vì vụ việc này.

(Theo BBC)

‘Tứ trụ’ còn ‘nhị trụ’ mà ‘ổn định chính trị’ nỗi gì?

Nguyễn Phú Trọng và hai đồng đảng vừa mất ghế

Vương Đình Huệ theo chân Võ Văn Thưởng mất ghế vì “những sai phạm” mơ hồ được coi là dấu hiệu mới về sự bất ổn chính trị của CSVN.

Sự thay đổi mới nhất của “tứ trụ” diễn ra bối cảnh chiến dịch chống tham nhũng lan rộng có thể làm dấy lên mối lo ngại mới về sự ổn định chính trị ở trung tâm sản xuất Đông Nam Á, vốn phụ thuộc nhiều vào đầu tư và thương mại nước ngoài.

Huệ, 67 tuổi, từng được coi là ứng cử viên tiềm năng cho ghế tổng bí thư.

Việc từ chức của Huệ diễn ra chỉ vài ngày sau vụ bắt trợ lý Phạm Thái Hà với cáo buộc nhân hối lộ liên quan đến tập đoàn Thuận An.

Huệ ra đi trong lúc đảng đang tìm người thay thế Võ Văn Thưởng. Việc bổ nhiệm dự kiến sẽ được Quốc hội thông qua khi họp phiên thường kỳ vào trung tuần tháng 5 hoặc sớm hơn tại phiên họp bất thường.

Trong chiến dịch “đốt lò”, hàng trăm quan chức nhà nước cấp cao và giám đốc điều hành doanh nghiệp cấp cao đã bị truy tố hoặc buộc phải từ chức.

Thưởng là chủ tịch nước thứ nhì từ chức chỉ sau hơn một năm, khiến giới quan sát cảnh báo rằng sức hấp dẫn của Việt Nam với định vị là điểm đến đầu tư có thể bị ảnh hưởng bởi cuộc đấu đá phe phái kéo dài trong nội bộ đảng chưa có dấu hiệu chấm hết.

Một cuộc khảo sát với hơn 650 lãnh đạo doanh nghiệp do Phòng Thương mại nước ngoài tại Việt Nam thực hiện và công bố vào tháng 3 cho biết các công ty nước ngoài bị thu hút đến Việt Nam chủ yếu vì sự ổn định chính trị.

Mới đây, Trương Mỹ Lan, chủ tịch tập đoàn Vạn Thịnh Phát, đã bị kết án tử hình vì tham gia vào vụ lừa đảo tài chính trị giá hàng tỷ USD, gây ra tình trạng rút tiền ồ ạt tại ngân hàng SCB, buộc Ngân hàng Nhà nước phải chi đến 24 tỷ USD trong cuộc giải cứu chưa có tiền lệ để tránh ngân hàng đổ vỡ dây chuyền.

Theo Đất Việt

Tại sao quan chức và doanh nhân Việt Nam đều là tù nhân dự bị?

04/26/2024 — nguyenvandai 


Hệ thống chính trị, pháp luật của nhà nước cộng sản Việt Nam được thiết kế như những cái bẫy cho người dân, doanh nhân và chính các quan chức từ trung ương tới địa phương.


Đối với người dân

Hiến pháp Việt Nam công nhận các quyền tự do, dân chủ như quyền tự do, ngôn luận, tự do báo chí, hội họp, lập hội, biểu tình.

Trong khi đó, Bộ Luật hình sự lại qui định các điều luật như 117, 331 để phạt tù người dân khi họ thực hiện các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, hội họp,..

Điều 109 để phạt tù người dân khi họ thực hiện quyền tự lập hội, lập đảng.

Điều 118 và 318 để phạt tù người dân thực hiện quyền tự do biểu tình.

Mục đích là để đảng CSVN độc quyền cai trị đất nước và người dân. Đảng CSVN không chấp nhận bất cứ tiếng nói đối lập, khác biệt nào. Đảng CSVN cũng không chấp nhận các cá nhân, tổ chức đối lập.

Mọi người dân Việt Nam đều là tù nhân dự bị khi họ muốn sống ngay thẳng, chính trực, thực hiện quyền con người theo Hiến pháp và lên tiếng trước những bất công của xã hội.

Đối với quan chức.

Nhà nước CSVN trao cho các quan chức từ trung ương tới địa phương quyền lực. Các quan chức có quyền lực, có quyền cấp phép, phê duyệt các dự án, có quyền ban phát ân huệ, lợi ích cho quan chức cấp dưới, doanh nghiệp và người dân,…

Trong khi đó, hệ thống chính trị thiếu vắng tất cả các cơ chế giám sát quyền lực như không có các đảng đối lập, không có tam quyền phân lập, không có báo chí tự do, các tổ chức xã hội dân sự,…

Bởi vậy trước khi trở thành quan chức thì họ đã bị tha hoá về tư tưởng và nhận thức. Khi trở thành quan chức từ địa phương tới trung ương, rất nhanh chóng họ bị quyền lực làm tha hoá về nhân cách và mọi hành vi công vụ.

Các quan chức bắt đầu lợi dụng các sơ hở của pháp luật, chính sách để tham ô, chuộc lợi; lập nhóm lợi ích trong cơ quan để tham nhũng; liên kết với các quan chức ở các ngành khác, địa phương khác để cùng tham nhũng; lập các nhóm lợi ích với các doanh nghiệp; áp bức người dân để chiếm đoạt đất đai, tài sản,…

Có thể nói rằng 80% đến 90% các hành vi, các hoạt động công vụ hàng ngày của các quan chức là hành vi vi phạm pháp luật, hành động phạm tội.

Quan chức có chức vụ càng cao, thâm niên làm việc càng dài thì thành tích vi phạm của họ càng lớn.

Như vậy khi trở thành quan chức tức là họ đã trở thành tù nhân dự bị.

Khi các hành vi vi phạm pháp luật của họ bị phát giác do các cuộc đấu đá tranh giành quyền lực với các đối thủ trong đảng của họ. Họ trở thành tù nhân chính thức. Đồng thời, họ cũng kéo theo các doanh nghiệp, doanh nhân sân sau của vào vòng lao lý.

Đối với doanh nhân.

Trong chế độ chính trị thối nát và hủ bại ở Việt Nam. Mọi người dân Việt Nam đều có thể thấy được rằng nếu họ khởi nghiệp kinh doanh mà được một quan chức nào đó, chức vụ càng cao càng tốt bảo kê, giúp sức,… thì chắc chắn công việc kinh doanh sẽ vô cùng thuận lợi.

Bởi vậy có những người trước khi khởi nghiệp kinh doanh, họ đã tìm đến với các quan chức để bàn bạc, thoả thuận,…, và cuối cùng cấu kết với nhau để người thì lập doanh nghiệp kinh doanh, người sẽ dùng quyền lực chính trị để bảo kê, giúp sức,…

Có những người mà họ có người nhà, người thân làm quan chức, thì họ thành lập doanh nghiệp để được quan chức là người nhà, người thân bảo kê, giúp sức,…

Ở chiều ngược lại, mỗi quan chức ở mỗi vị trị khác nhau, họ đều biết cần đến những doanh nghiệp sân sau để phục vụ cho lợi ích của họ.

Bởi vậy, các quan chức trực tiếp tìm đến doanh nghiệp để hợp tác làm ăn.

Ở Việt Nam, những người kinh doanh nhỏ để kiếm sống qua ngày như những người bán hàng nước, hàng ăn sáng, ăn trưa, ăn tối ở vỉ hè, lòng đường,… cũng đều bị các quan chức chính quyền, công an cấp phường, xã cưỡng bức để bảo kê. Hàng tháng những người kinh doanh nhỏ này phải nộp tiền bảo kê cho các quan chức trên. Nếu không thì những người kinh doanh nhỏ không thể tồn tại bởi sự sách nhiễu, gây khó khăn của các quan chức địa phương.

Các quan chức sẽ giúp các các doanh nghiệp, doanh nhân các hành vi vi phạm pháp luật như: trốn thuế; vi phạm các quy định về đấu thầu; vi phạm các quy định về quản lý đất đai; đưa hối lộ; lừa đảo; tham ô; buôn lậu; kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng; thao túng thị trường chứng khoán;…

Như vậy, gần như 100% các doanh nhân đều có từ một tới nhiều hành vi vi phạm pháp luật trong suốt quá trình kinh doanh của họ. Thời gian kinh doanh càng lâu thì mức độ vi phạm pháp luật càng trầm trọng.

Trở thành doanh nhân cũng là bắt đầu trở thành tù nhân dự bị.

Và khi các hành vi vi phạm pháp luật của các doanh nhân bị phát giác do sự tố cáo của các doanh nghiệp đối thủ, do các quan chức bảo kê ngã ngựa. Các doanh nhân trở thành tù nhân chính thức.

Những ví dụ điển hình trong thời gian gần đây về mối quan hệ giữa doanh nhân và quan chức:

Vụ Vạn Thịnh Phát của doanh nhân Trương Mỹ Lan đã kéo hàng loạt các quan chức của Ngân hàng nhà nước vào vòng lao lý;

Vụ tập đoàn Phúc Sơn của doanh nhân Nguyễn Văn Hậu kéo theo bí thư, chủ tịch, các phó chủ tịch của tỉnh Vĩnh Phúc, tỉnh Quảng Ngãi vào vòng lao lý. Và Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng bị mất chức.

Vụ tập đoàn Thuận An của doanh nhân Nguyễn Duy Hưng đã kéo Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, kiêm trợ lý của Chủ tịch QH Vương Đình Huệ là Phạm Thái Hà vào vòng lao lý. Và danh sách các quan chức có liên quan chưa dừng lại.

Tóm lại, dù là doanh nhân, hay quan chức mọi cấp ở Việt Nam đều là tù nhân dự bị.