Thursday, October 1, 2015

Kinh tế rất đen tối tiền đồng sẽ mất giá thêm nữa

Trần Nguyên Thao (Danlambao) - Tháng 9, Thu tàn, nền kinh tế xuống dốc thảm bại đưa hai chế độ tàn ngược Bắc Kinh và Hà Nội vào tình thế dao động. Bắc Kinh đang có những vấn đề nội tại nghiêm trọng, đồng thời với xuất cảng suy giảm, tăng trưởng kinh tế nói là 7%, nay thực tế chỉ có 2%. Nội tháng 8, ngoại tệ bị sụt giảm gần 94 tỷ Đôla, dòng vốn chạy khỏi nước Tầu mới nửa đầu năm lên tới 300 tỷ Đôla, chứng khoán lao dốc mất toi trên 5000 tỷ Đôla... Tình huống này buộc Bắc Kinh phải làm đủ cách cứu kinh tế, kể cả phá giá đồng Nguyên để kích thích xuất cảng; dương oai trong cuộc diễn binh 70 năm ăn cướp chiến thắng của Quốc Dân đảng Trung Hoa... nhằm hướng dư luận sang chiều khác. Hà Nội “đồng hội, đồng thuyền” với Bắc Kinh; cả hai hành động tương tự, nhưng càng gỡ, càng rối.

Hà Nội ở vào thế lệ thuộc kinh tế Bắc phương, trong lúc 79% dân Việt Nam chống Tầu ra mặt (*). Mùa Đông này, đích thân người đầu đảng, quyền lực nhất Trung Cộng sẽ đến Hà Nội để xiết chặt thêm ách đô hộ và sắp xếp cho đám thân Bắc Kinh có vai vế trong bộ chính trị qua đại hội Cộng đảng thứ 12 đang ráo riết chuẩn bị. Tiền đại hội 12 là làn sóng ngầm nội bộ thanh toán nhau khốc liệt, từng đưa đến nhiều cái chết, tù đầy, mất chức... để giành cho được quyền lực tương lai.

*

Biến động thị trường chứng khoán và tiền tệ tại Trung Cộng từ giữa tháng 6, tạo ra vệt đen bao trùm đến hết bầu trời Việt Nam: Tiến sĩ Lê đăng Doanh nói là, tác động của việc này tuy chưa toàn diện, nhưng nhiều “thảm đen bất ngờ” đã lộ ra. Ví dụ như bên Than Khoáng Sản do điều chỉnh tỷ giá họ lỗ 1.200 tỷ, ngành điện cũng lỗ… họ dự kiến sẽ tính vào giá điện và như vậy giá điện sẽ tăng, dân sẽ khổ thêm, kỹ nghệ sản xuất sẽ đình đốn và hàng hóa sẽ đắt đỏ theo. Một loạt các doanh nghiệp khác chắc cũng sẽ gặp khó. Theo thời gian, tác động xấu của việc điều chỉnh tỷ giá ở Việt Nam dần dần sẽ lộ ra hết. Còn một tác động nữa không thể xem thường, đó là buôn lậu và biên mậu rất lớn từ Trung cộng. Chênh lệch nhập khẩu từ Trung cộng do Tổng cục Thống kê của Việt Nam công bố thì thấp hơn con số của cơ quan thống kê của Trung cộng khoảng 20 tỷ đô la. Với 20 tỷ đô la đó nhân lên với tỷ giá thị trường tự do là 22.600 đồng/USD thì chúng ta có thể thấy rằng lượng hàng hóa của Trung cộng tràn vào Việt nam lớn như thế nào. Theo tỷ giá mới, hàng hóa từ Trung cộng vào Việt Nam lại còn rẻ hơn nữa thì chuyện này sẽ tác hại rất lớn cho kinh tế Việt Nam chưa thể đánh giá hết được.

Doanh nhân 43 năm kinh nghiệm tại Hoa kỳ, Trung cộng và Việt Nam, Tiến sĩ Alan Phan nhận định:
“tỷ giá đồng Nguyên với Mỹ kim sẽ “xuống” thêm khoảng 12% cho đến cuối 2016. Các bản tệ khác của Châu Á so với Mỹ Kim, cũng sẽ mất khoảng 7% giá trị trong thời gian này. Riêng Việt Nam, vì một nền kinh tế quá buộc chặt vào Trung cộng, đồng bạc VN sẽ lao dốc xuống hơn 10%, mặc cho nỗ lực hay lời cam kết của Ngân Hàng Nhà Nước. Những số nợ thanh toán bằng Đôla sẽ chịu thêm phí tổn và nhiều doanh nghiệp sẽ lao đao với tình huống mới.”

Nợ công của Viêt Nam được Ngân Hàng Thế Giới nói là trên 110 tỷ Đôla, như vậy mỗi người dân đang gánh trên 1.200 Đôla tiền nợ, tương đương hơn nửa năm lợi tức của một người có thu nhập trung bình.

Theo tờ The Economist, dự trữ ngoại hối của Hà Nội trên cung tiền đồng do Ngân Hàng Nhà Nước (NHNN) bơm ra thị trường bình quân (5) năm qua thấp đáng kể, chỉ khoảng 12%. Như thế giá trị thật của đồng bạc VC rất yếu. Tháng trước, khi Bắc Kinh phá giá đồng Nguyên, Hà Nội bị dồn vào bất ngờ, mất tự chủ, phải “cắn môi” làm theo phương Bắc. Thêm một lần NHNN phải “che mặt” trước công chúng vì đã bất lực về khả năng giữ lời cam kết trước đó “không phá giá đồng bạc Việt Nam thêm cho đến hết năm 2015”. Kinh tế của Hà Nội lệ thuộc rất lớn vào Bắc Kinh và liên hệ đến nhiều nước khác; giữa một thế giới đầy biến đổi bất thường. Với bản vị yếu kém của đồng tiền hiện nay, Hà Nội có gì để dám nói tự giữ vững tỷ giá?

Hôm 15 tháng 9, Cộng đảng công bố Dự thảo Báo cáo Chính trị dành cho Đại hội 12; và cho dân 45 để góp ý. Bản dự thảo nhìn lại những “thành tựu và hạn chế trong phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 
qua”. Về thất bại kinh tế, hàng ngũ lãnh đạo cao cấp đổ hết lỗi lầm cho các cấp cán bộ thấp hơn, khi báo cáo chính trị viết rằng: "hạn chế, yếu kém trong công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp, của đội ngũ cán bộ, đảng viên chậm được khắc phục...". Đồng thời đưa ra 4 chỉ tiêu “ưu tiên” phát triển kinh tế cho 5 năm trước mặt. Nghe cứ chắc nịch, như 5 năm tới Việt Nam sẽ thành một thiên thai!

Gần như toàn văn trong dự thảo Báo Cáo Chính trị theo “lề thói cũ”. Những cụm từ lâu nay sử dụng trong văn kiện đảng như "phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; đồng thời đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch"... tiếp tục được sử dụng. Một ngày sau khi Hà Nội công bố dự thảo Báo Cáo Chính Trị, Bắc Kinh, qua lời ngoại trưởng Vương Nghị tuyên bố “Trường Sa là của Trung cộng”. Mất lãnh thổ và tài nguyên biển, Hà Nội vẫn lặng im, chưa hề đưa ra được một phản ứng nào tương xứng! Đúng là đảng ta cái gì cũng vô địch, nhưng lại sợ “địch vô nhà”

Trong một bài trả lời phỏng vấn của nhật báo Thụy Sỹ Le Temps, kinh tế gia Pháp Patrick Artus ghi nhận: “Trung cộng đang ở trong tình trạng không sử dụng được tất cả các năng lực sản xuất của mình: giá hàng công nghiệp giảm mạnh, đầu tư và xuất cảng cũng giảm, kết quả là sự mất mát đáng kể công ăn việc làm trong một nền kinh tế công nghiệp phát triển cao”.

Đối với chuyên gia kinh tế này, tỷ lệ tăng trưởng thực thụ của kinh tế Trung cộng năm nay không phải là 7%, mà chỉ vào khoảng 2% mà thôi. Nếu đúng vậy thì rõ ràng đây là mức thấp nhất từ thời kỳ Mao Trạch Đông cáo chung, năm 1976 đến nay.

Ước tính dự trữ ngoại hối của Bắc Kinh chiếm khoảng 17% lượng cung tiền Bắc Kinh tung ra thị trường, quá mỏng nếu có một cuộc tháo chạy tiền tệ và thấp hơn nhiều so với mức 28% của các quốc gia Đông Á giai đoạn 1997 - 1998. Vậy mà các quốc gia Đông Á đã rơi vào cuộc khủng hoảng tiền tệ nghiêm trọng. Đây mới thật sự là hiện tượng nguy hiểm mà chúng ta cần phải cảnh giác và quan sát thật kỹ.

The Economist xếp sự kiện này vào loại độc đáo trong lịch sử tiền tệ thế giới, cùng với hai sự kiện phá giá thảm họa trước đây của đồng bảng Anh năm 1992 và đồng Peso Argentina năm 2001-2002.

Nhà kinh tế Jean-Pierre Petit trên báo Le Monde nhận định “Tại Trung cộng, thách thức của thị trường sẽ còn kéo dài”. Cuối cùng, sau 35 năm tăng trưởng hầu như liên tục, Trung cộng đang lâm vào một tình huống chưa từng thấy. Các nhà đầu tư không quên các thời kỳ hard landing ở Hoa Kỳ hay châu Âu, nhưng khó thể tưởng tượng những gì đang xẩy ra tại Trung cộng và hậu quả của nó.

Trước đây tỉ lệ tăng trưởng chỉ sụt giảm vào năm 1989 (4,2%, sau vụ thảm sát Thiên An Môn) và năm 1999 (7,6%, sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á), nhưng thời đó Trung cộng chỉ chiếm 3,2% tổng sản phẩm nội địa toàn cầu, còn nay là 13,5%. Thế nên các nhà đầu tư khó mà đánh giá nổi tác động dây chuyền của cú sốc Trung cộng lên phần còn lại của thế giới, đặc biệt đối với các quốc gia mới nổi.

Về phía nhà cầm quyền, Ông Lý khắc Cường, Thủ Tướng Trung cộng vẫn mạnh miệng "Chúng tôi sẽ không bị lay động bởi những biến động kinh tế ngắn hạn trong hướng đi tổng thể. Chúng tôi đã tạo ra hơn 7 triệu việc làm mới cho khu vực đô thị và giữ thất nghiệp ở mức 5.1% trong nửa đầu năm nay cho thấy kinh tế chúng tôi đang đi “khá đúng hướng”.

Sau động thái phá gia đồng Nguyên của Trung cộng, gây tác hại đến nhiều nước, hôm 11 tháng 9, Các Bộ trưởng Tài chính khối APEC đã họp bàn 2 ngày tại Phi luật Tân, đưa ra cam kết: “Chúng tôi tránh tiến hành phá giá cạnh tranh và chúng tôi chống lại mọi hình thức bảo hộ”. Đồng thời công bố nhận đinh“Các biến động của thị trường tài chính và việc tăng cường tiềm năng tăng trưởng kinh tế về dài hạn là những thách thức chính”, do vậy APEC nhấn mạnh duy trì“cam kết tăng cường tăng trưởng kinh tế và tạo thuận lợi cho việc ổn định tài chính trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương”. Nhận đinh này sẽ làm nền tảng cho hội nghị Thượng đỉnh APEC dự liệu diễn ra vào trung tuần tháng 11 tại Philippines, nguyên thủ 21quốc gia hội viên sẽ gặp gỡ đưa ra hướng đi cho toàn khối. (**)

Hôm 10 tháng 9, Hà Nội đưa Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư Bùi Quang Vinh sang Anh Quốc chiêu dụ doanh nhân Âu Châu bỏ thêm tiền vào làm ăn ở Việt Nam. Qua ông Vinh, Hà Nội hứa nhiều ưu đãi dành cho doanh nghiệp nước ngoài về thuế khóa, sửa đổi luật pháp, cải cách thể chế và đổi mới con người, để bảo đảm tính minh bạch...

Năm ngày sau (15-09) BBC trình bày ý kiến của vị Trưởng đại diện Tổ chức Thúc đẩy Ngoại Thương Nhật Bản, ông Ông Asusuke Kawada nói: “Hơn 50% các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam phàn nàn rằng thủ tục thuế của Việt Nam phức tạp, mất nhiều thời gian”. Theo ông Asusuke Kawada, “Thủ tục hành chánh đơn giản đã được áp dụng từ lâu tại các nước thuộc khối ASEAN, trừ bốn nước Việt Nam, Campuchia, Myanmar và Lào”.

Đối với các doanh nhân quốc tế, “thời gian không còn nhiều” cho hai chế độ Hà Nội & Bắc Kinh. Cả hai đang hùng hục đấu đá thanh trừng nội bộ, đưa đến mất an toàn chính trị kinh doanh. Vì thế, các dự án FDI (Foreign Direct Investment) sẽ chảy “nhỏ giọt” hay ngưng hẳn về những nơi hiện duy trì
chế độ “giết chết niềm tin nơi doanh nghiệp” để tìm chỗ trú ẩn an toàn ở Âu, Mỹ, Nhật. Và đây chính là “tử huyệt” khó có đường ra so với những biến cố kinh tế trước đây như bong bóng bất động sản, chứng khoán, hàng tồn kho… hay so với nợ công, nợ xấu, tín dụng đen… Nếu Bắc Kinh rơi xuống vực thẳm thì Hà Nội sẽ dựa vào đâu trong tình huống nền kinh tế buộc chặt vào phương Bắc.

Dòng Hồng Hà vĩ đại dài 1.149 cây số, từ Tây Tạng chảy qua 10 tỉnh Việt Nam (kể cả Hà Nội), đầy ắp những đợt sóng ngầm, như lòng người bị Hà Nội và Bắc Kinh khủng bố, trấn áp lâu nay; chắc chắn sẽ có lúc quần cuộn dâng lên tràn bờ, quét sạch hai chế độ tàn ngược nhất lịch sử loài người.

Sept 18-2015


_______________________________________


(*) PEW Reseach Center mới đây mở cuộc thăm dò tại Việt Nam, theo đó 79% dân chúng được hỏi ý kiến tỏ ý công khai “chống Trung cộng”.

(**) Asia-Pacific Economic Cooperation (APEC) chiếm tới 57% tài nguyên thế giới và gần một nửa tổng trao đổi mậu dịch toàn cầu. Tổ chức này có 21 nước hôi viên: Australia, Brunei Darussalam, Canada, Chile, China, Hong Kong-China, Indonesia, Japan, Republic of Korea, Malaysia, Mexico, New Zealand, Papua New Guinea, Peru, Philippines, Russia, Singapore, Chinese Taipei, Thailand, United States, and Vietnam.

CSVN - Còn hơn cả tiền “Chùa”

Hoàng Thanh Trúc (Danlambao) - Ở Việt Nam khi thấy các quan chức cộng sản đua nhau tìm mọi cách bòn rút ngân sách (tiền thuế của dân) bằng các công trình xây dựng hoang phí, mọi người hay nói là họ xài tiền “Chùa” tiền không do mồ hôi nước mắt họ làm ra. Nhưng ngay cả tiền Chùa thật, do khách thập phương cúng dường hiến tặng cũng không thấy nhà chùa nào xài phung phí, vì vậy nên chỉ danh lại cho chính xác hành vi các quan chức cộng sản lạm dụng chức quyền chi tiêu hoang phí ấy là phường sâu dân mọt nước chuyên câu kết với nhau tìm những bình phong che đậy cách đục khoét mồ hôi nước mắt nhân dân, chứ làm sao mà nói tiền ấy là tiền “chùa”…

Theo báo cáo mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB) cuối năm 2014 nợ công của Việt Nam lên tới 110 tỷ usd, nếu chia cho 90 triệu người dân thì một em bé vừa chào đời đã phải gánh nợ 1.200 đô la = 26 triệu đồng tương đương 2/3 thu nhập/năm bình quân đầu người VN. Số liệu này cao hơn mọi công bố từ trước tới nay của các cơ quan kiểm toán, thông kê, Việt Nam- (vnexpress.net-21-07-2015) .

Quí II/2014 - Quốc hội Việt Nam thông báo nợ công sắp vượt trần, trong lúc giới chuyên gia tài chánh cảnh báo mối nguy đang tiềm ẩn. Báo điện tử VnExpress ngày 14/10 dẫn lời Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu trước đại diện các doanh nghiệp châu Âu tại Hà Nội cho biết nợ công có khả năng “suýt soát 64% GDP” vào cuối năm 2015 trong khi mốc kịch trần là 65% GDP - Chi trả lãi nợ vay hiện chiếm gần 7,2% chi ngân sách, lấn át các khoản chi tiêu cần thiết khác. (BBC-14 /10 /2014)

Trong hoàn cảnh “ăn đong” ấy thì mọi nhà nước của dân đều phải “nhắm em xem chợ” cân nhắc chi tiêu những gì thật cấp thiết và mang lại hiệu quả thiết thực cho xã hội cải thiện kinh tế tài chính cân bằng thu chi để bớt thâm thủng hầu còn “tích cốc phòng cơ”. 

Ấy vậy mà có rất nhiều những khoản nhà nước… đã chi... và… dự trù chi, “cười ra nước mắt” chỉ có ở các chế độ CS/độc tài (CS Việt Nam là một) chứ tuyệt nhiên không thể và không bao giờ xảy ra ở các quốc gia đa nguyên dân chủ có nền tự do báo chí, nơi mà một đồng tiền thuế của dân là một giọt máu của quốc gia, mọi chi tiêu đều được người dân thông qua báo chí, quốc hội và các đảng chính trị giám sát chặt chẽ.

Như mọi người đã biết v/v UBND tỉnh Sơn La lập dự án xây tượng đài Hồ Chí Minh lên tới 1400 tỷ bị công luận chỉ trích dử dội thậm chí còn nặng lời công khai rất tệ như Fields GS Ngô Bảo Châu: “Trẻ con ăn không đủ no, áo không đủ ấm, sinh hoạt như lũ thú hoang, mà bỏ ra 1400 tỷ để xây tượng đài thì… hoặc là khốn nạn, hoặc là thần kinh”. 

Vậy mà họ (UBND tỉnh Sơn La) vẫn điềm nhiên trơ mặt chấp nhận mình là những kẻ “thần kinh, khốn nạn” thật. Ngày 5/8/2015, UB/tỉnh Sơn La tổ chức họp báo công bố nghị quyết HĐND tỉnh thông qua để thực hiện dự án xây dựng cụm quảng trường Hồ Chí Minh 1.400 tỷ với nhiều hạng mục, riêng tượng đài HCM được thông báo kinh phí là 250 tỷ đồng (hơn 11 triệu usd) (.vnexpress.net) 

Hiện nay cả nước có tổng cộng 63 tỉnh và thành phố, nhà nước “đảng ta” dự kiến sẽ xây tất cả 192 tượng đài HCM, đã hoàn thành 134 tiếp tục lên kế hoạch xây 58 tượng đài còn lại. 

Thật khôi hài, đến một tỉnh thuộc dạng nghèo nhất nước như Sơn La: “Trẻ con ăn không đủ no, áo không đủ ấm, sinh hoạt như lũ thú hoang” (nhận xét của GS Ngô Bảo Châu) mỗi năm giáp hạt còn phải xin hổ trợ hàng ngàn tấn gạo cứu đói dân nghèo mà cũng quyết xây cho được tượng đài HCM 250 tỷ!? thì không những họ bị thần kinh mà còn là khốn nạn thật rồi.

Đi khắp vùng ngoại ô 61 tỉnh thành cả nước chúng ta dễ dàng chứng kiến nhiều lắm những gia đình đồng bào ở hoàn cảnh nghèo không còn cái nghèo nào hơn được nữa, mà một căn nhà nhỏ giá trị chỉ 50 triệu đồng thôi (như nhà để xe của các quan chức CSVN) nhưng đó là cả một ước mơ “vĩ đại” của nhiều cảnh đời nghèo khó ấy – Một tượng đài 250 tỷ x 192 tượng đài HCM, số tiền đủ để xây dựng hàng “trăm ngàn” căn nhà 50 triệu, cũng có nghĩa ngần đó (rất nhiều) gia đình tránh được mưa tạt gió lùa, như người chết có một nấm mồ, họ, người sống có được một mái nhà dù là đạm bạc....

Căn nhà 50 triệu đồng, là ước mơ “vĩ đại”của nhiều cảnh đời nghèo khó 

Có mỉa mai chua chát cay đắng không? Một Hồ Chí Minh phải lau nước mắt thú nhận trước nhân dân rằng mình chỉ đạo sai lầm giết chết 172.008 đồng bào không cần thiết để thử nghiệm mô hình “CCRĐ” cho CNXH/CS, mà bây giờ cái chủ nghĩa ấy bị nhân loại nguyền rủa chôn lấp vì nó không hề có thật, nhưng lạ thay ngoài cái lăng Ba Đình to đùng thì HCM (người nhận lệnh Nga –Tàu triển khai đấu tố giết đồng bào mình ấy) lại còn được đúc tượng tốn kém thêm nữa để thờ tự tôn vinh trong khi nhiều gia đình đồng bào của HCM còn đói nghèo tang thương…Trong khi đó cha ruột của HCM là huyện quan Nguyễn Sinh Sắc chỉ lỡ tay đánh chết một người dân thôi đã bị triều đình cách chức (suýt bị mất đầu) sa thải xuống hàng thứ dân!? Cha chỉ giết một người mà đã như vậy, còn con (HCM) trực tiếp chịu trách nhiệm cái chết của gần hai trăm ngàn đồng bào mà lại được xây Lăng đúc tượng? Thế gian này duy nhất chỉ thấy tại Việt Nam….

“Hỏi khắp thế giới văn minh - Có ai tạc tượng tôn vinh: Giết người”?

Năm 2010- Để chào mừng cái gọi là “kỷ niệm 1000 năm Thăng Long” nhà nước “đảng ta” duyệt chi 2 khoản tiền “ngộp thở” để xây dựng 2 công trình, Bảo tàng Hà Nội trị giá 2.300 tỷ (hơn 100 triệu usd) được khánh thành vào tháng 10/2010 và Làng Văn hóa Du lịch 3.256 tỷ (150 triệu usd) khai trương tháng 10/2010.

Hiện nay Bảo tàng Hà Nội (hơn 100 triêu usd) là “Bảo tàng Gió” (người dân Hà Nội mỉa mai như vậy) vì suốt 4 tầng tòa nhà lèo tèo vài hiện vật nghèo nàn hắt hiu trưng bày, hàng ngày khách viếng đếm trên đầu ngón tay, với kiểu xây dựng “lập dị lộn đầu” không giống ai, như đảo ngược, thách thức định luật vạn vật hấp dẫn của Newton, trọng lượng cả khối nhà dồn lên diện tích chịu lực không cân đối nó cần có một ngân sách duy tu thường xuyên bảo đảm chống lão hóa kết cấu khung sườn nếu không muốn thấy nó sớm bị sập… Nhưng từ ngày khai trương đến nay không thể “bán vé” tạo ra nguồn thu vì vắng khách nên nhà nước lại phải chịu thêm gánh nặng duy tu của một công trình xã hội rất tốn kém mà theo kế hoạch phát thảo nó sẽ thu lệ phí để tự nuôi chính nó!?.....

Bảo tàng “lộn ngược” Hà Nội (2.300 tỷ) Sinh ra để làm: “của nợ”!

Công trình “Làng Văn hóa các Dân tộc Việt Nam” (150 triệu usd) được xây dựng tại Đồng Mô, Hà Nội - Tháng 10/2010 nhân dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, nó được cắt băng khánh thành nhưng… (Chưa bao giờ hoàn thành) vì nó còn nợ nhiều hạng mục… và hiện nay đang bỏ hoang, người dân Hà Nội gọi nó là “Làng Ma” vì rất vắng vẻ, chẳng có khách nào ghé thăm. Công trình bốn mùa phơi mình giữa mưa nắng không chăm sóc nên đã xuống cấp rất nhanh chóng… Không một cơ quan thanh tra nào kiểm toán xác minh xem 3.256 tỷ (150 triệu usd) cái nào còn lại cái nào “bốc hơi”?

Công trình “Làng Ma” Đồng Mô, Hà Nội 3.256 tỷ đồng

Người ta tự hỏi TP/Tokyo Nhật Bản 15 triệu dân có một cái thư viện nào như tòa nhà 5 tầng này không? Nhưng đây là “Thư viện” vừa xây xong của một tỉnh nhỏ Hải Dương Việt Nam chỉ hơn 1 triệu dân, GDP không bằng 1/1000 Tokyo (1191 tỷ usd/năm)- hàng ngày khách vào thường chỉ trên dưới 10 ngón tay.

Người dân nghèo sống kề bên “thư viện” này - Đây là phát triển Văn Hóa kiểu XHCN- của tỉnh Hải Dương.

Như kế thừa từ sự xây dựng vô lý nhưng “ngon ăn” (thư viện to đùng nói trên) UBND Tỉnh Hải Dương lại đang tiếp tục nhổ toẹt vào mặt người dân trong tỉnh và Việt Nam khi dù thực tế, hiện hữu các trụ sở cơ quan hành chính và đảng bộ của tỉnh Hải Dương vẫn rất bề thế, đẹp đẽ, thậm chí khiến nhiều tỉnh khác còn phải “thèm muốn”…

Hiện tại – UBND/ TP Hải Dương khá khang trang, bề thế...

Sở Xây dựng - Sở Kế hoạch Đầu tư - Cục thuế Tỉnh Hải Dương

Sở Nội Vụ - Sở Công thương - VP/Tỉnh ủy Hải Dương

Nhưng UBND tỉnh Hải Dương đã triển khai xin Thủ tướng chấp thuận cho xây dựng mới khu Trung tâm Hành chính tỉnh rộng 19 héc ta tại khu đô thị của thành phố Hải Dương với tổng mức đầu tư khoảng 2.060 tỉ đồng để thay thế (Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý về nguyên tắc)!? - Dự kiến, trung tâm hành chính này sẽ là nơi làm việc tập trung của các cơ quan quản lý nhà nước và chính quyền của tỉnh Hải Dương!?.(*)

Người ta phải ngán ngẩm lắc đầu tự hỏi, chẳng lẽ từng đó những con người gọi là “lãnh đạo” nhà nước và đảng CSVN tỉnh Hải Dương đang an tọa làm việc trong các tòa nhà bề thế tiện nghi khang trang hiện hữu nói trên, tất cả họ bị đau mắt “mờ” hết không còn nhìn rỏ những khối nhà ấy nó còn tốt như thế nào à?

Xin thưa là không! Tất cả họ mắt còn rất tốt, sáng hơn cả người bình thường, các vị lãnh đạo tỉnh Hải Dương cùng nhau nhìn rất rỏ những con số thể hiện đầy tính “thuyết phục” mà không cần mang mắt kính…Tiền tỷ nào nào là ngân sách trung ương, tiền tỷ nào là của địa phương và tiền tỷ nào là vay thêm ngân hàng (thế chấp tạm thời bằng toàn bộ cơ sở cơ quan hiện tại) sau khi hoàn thành tất cả dọn sang khu Trung tâm Hành chính mới thì tiến hành “bán đấu giá hay hóa giá” cơ sở và đất đai cơ quan củ để trả ngân hàng (Tất nhiên chỉ có “nhà nước và đảng ta” của Hải Dương lãnh đạo chỉ đạo việc hóa giá này) Nói chung là ngoài % của 2.060 tỉ đồng xây dựng “lại quả” (ít ra củng vài ba trăm tỷ) thì giải quyết khối nhà cửa đất đai cơ quan củ đang nằm trên vị trí đắt địa rất hấp dẫn (củng màu mỡ không kém cạnh) .

Màu mỡ và quá nhiều để không ai lo thiếu phần, và vì vậy dù có là liệt vào hạng “thần kinh hay khốn nạn” (nói như GS Ngô Bảo Châu) thì “mạnh vì gạo, bạo vì tiền” tập thể lảnh đạo nhân dân tỉnh Hải Dương “chúng ta cùng nhất trí cao, chỉ đạo” là không có gì khó hiểu!

Câu hỏi phụ - Vô lý vì hoang phí như thế tại sao (Thủ tướng Chính phủ đồng ý về nguyên tắc)? – Đơn giản, bởi vì (đ/c X) Thủ tướng đang trong thế “dầu sôi lữa bỏng” tranh chấp quyền lực (chưa muốn về hưu sớm) để leo lên cao hơn, mà điều này tùy thuộc khá lớn vào những lá phiếu từ các thành viên Ban Chấp Hành/TW đảng (gồm Bí Thư &Chủ Tịch các tỉnh thành) trong đại hội trung ương đảng CSVN sắp tới, vì vậy không phải tiền túi của mình thì… ngu sao? không đồng ý duyệt cho nó…Còn mới chỉ “đồng ý về nguyên tắc” chứ chưa chính thức là… chờ xem chúng mày bỏ phiếu cho ai!. 

Đây là “công thức vàng” mà không chỉ riêng UB/tỉnh Hải Dương hay Sơn La mà lãnh đạo các tỉnh, Tp cả nước cũng luôn tận dụng để… “Tham nhũng hợp pháp” trong xây dựng hoang phí.

Nhưng cũng may (dù rất hiếm hoi) có một ngài ĐB/QH biết xót lòng khẳng định với công luận: “Không thể chấp nhận được. Đối với một tỉnh xây trụ sở như thế là không có ý nghĩa. Tôi đã nói rồi, phải dừng!” (ĐBQH Ngô Văn Minh - Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội) (*)


CSVN và những gói thầu bán nước

Đại Nghĩa (Danlambao) - Phải nói ngay rằng thực trạng những gói thầu xây dựng trong nước Việt Nam ngày nay hết 90% nằm trong tay Trung cộng, người Việt Nam nào có lòng âu lo cho vận mạng của đất nước cũng phải quan tâm và suy nghĩ.

Nhà thầu Trung cộng thường dùng thủ đoạn “móc ngoặc” để nhận thầu với giá thấp để được trúng thầu và rồi tìm cách ‘móc ngoặc” đội giá lên sau nầy. Những nhà thầu này thường làm không đúng tiến độ do thiếu tay nghề cũng như dụng cụ kỹ thuật thô sơ, cho nên chủ đầu tư Việt Nam thì cười... trong khi người dân Việt Nam lãnh đủ.

“Ông Mai Anh Tuấn, Tổng giám đốc VEC cho biết, nhà thầu thi công yếu kém về năng lực, phương tiện huy động ra hiện trường không đầy đủ theo yêu cầu. ‘Máy móc, thiết bị cũng như nguyên vật liệu chỉ đáp ứng được 50%. Lực lượng quản lý công trường cũng thiếu…

Các nhà thầu xây dựng nước ngoài sau khi bằng mọi giá để trúng thầu xây dựng tại Việt Nam, làm ăn bê bối, nhiều khi bỏ của chạy lấy người, để lại hậu quả nặng nề cho các chủ dự án, chủ đầu tư, đã xảy ra nhiều năm nay, nhưng đến thời điểm này vẫn không khắc phục được”. (VietnamNet online ngày 23-7-2012)

Báo Tuổi Trẻ đưa tin trong bài tường thuật về buổi tọa đàm hôm 27-3-2009 của Tổng hội Xây dựng Việt Nam, trong đó nhiều cử tọa đã đưa ra lời cảnh báo về thực trạng “lấn sân” của nhà thầu Trung cộng. Họ mang sang từ người lao động phổ thông đến cây bù lon con tán của nước họ sản xuất. Sau này máy móc có hư hao hay cần tu bổ ta đều lệ thuộc vào người Trung cộng hay nói đúng hơn là nhà cầm quyền Trung cộng.

“Ông Trần Ngọc Hùng, chủ tịch Tổng hội Xây dựng VN, được trích lời nói tại cuộc tọa đàm về kích cầu trong xây dựng rằng nhiều công trình trọng điểm về điện, xi măng, hóa chất…đều về tay nhà thầu TQ…

Ông Hùng cho hay: ‘Nhà thầu TQ thường đem theo hàng ngàn công nhân và đem cả thiết bị của họ sang, trong khi những thiết bị đó ở Việt Nam hoàn toàn có thể sản xuất được’…

Tuy nhiên, giới xây dựng Việt Nam cảnh báo tình trạng nhà thầu ngoại chỉ dùng công nhân và nguyên vật liệu của nước họ dẫn tới việc ‘triệt tiêu nội lực”. (BBC online ngày 28-3-2009)

Nhận định về nhà thầu Trung cộng, ông Phạm Sỹ Liêm, nguyên Thứ trưởng bộ Xây dựng trả lời phóng viên báo Đất Việt như sau:

“Ai cũng rõ những mánh khóe của các nhà thầu TQ, bỏ thầu giá rẻ, chờ cơ hội đội vốn, đưa công nghệ thấp, sử dụng nhân công giá rẻ…Tuy nhiên, cũng phải khẳng định, mánh khóe này không phải chỉ riêng với nhà thầu TQ, họ thực hiện được là do sự chủ tâm cộng với sự kém cỏi của ta”. (ĐatViet online ngày 9-5-2014) 

Là người Việt Nam, chắc không còn ai không nghi ngờ rằng những gói thầu của cả nước lại tập trung vào tay Trung cộng đến 90% mà không có hiện tượng tham nhũng. Những dự án thuộc về quốc phòng mà cũng dễ dàng lọt vào tay thầu Trung cộng là điều... không khó hiểu!

Tiến sĩ Nguyễn Quang A, chuyên gia nghiên cứu độc lập từ Hà Nội nhận định “Nghi vấn TQ thắng thầu nhờ “đi đêm”, nghĩa là không loại yếu tố tham nhũng trong các cuộc đấu thầu giá rẻ của Trung cộng.

“Tham nhũng ở trong những dự án đầu tư lớn thường xảy ra nếu chủ đầu tư và chủ thầu lại ‘đi đêm’ với nhau trước rồi thì lúc đó là vô phương và phải có những giải pháp khác để giải quyết, chứ còn chỉ bằng các thủ tục đấu thầu thì không nổi. Khi chủ đầu tư mà ham giá rẻ thì nhiều khi dẫn đến chất lượng kém”. (Boxitvn online ngày 8-9-2010)

Chủ đầu tư Việt Nam chấp nhận thầu giá thấp của nhà thầu Trung cộng không khỏi có nhận lót tay cho nên, họ đã nhắm mắt giao trứng cho ác, những dự án quan trọng về an ninh, quốc phòng nhất là năng lượng điện một cách vô tư.

“Một nghịch lý xảy ra trong giai đoạn thiếu điện giữa mùa World Cup và cũng là mùa hè nóng nực ở Việt Nam hiện nay là vì tất cả các dự án xây nhiệt điện chạy than đều có tiến độ chậm…

Một trong những nguyên nhân hàng đầu, theo ông Hoàng Tiến Dũng, là nhà chủ đầu tư thiếu tiền và nhà thầu non tay.

Còn ông Lê Tuấn Phong, Vụ phó phụ trách nhiệt điện của Vụ Năng lượng cho rằng việc chậm trễ trong các dự án nhiệt điện là do ‘năng lực nhà thầu TQ không đáp ứng được nhu cầu”. (BBC online ngày 30-6-2010)

Việt Nam đã “Đối mặt nguy cơ mất điện diện rộng” hồi năm rồi:

“Mới đầu hè, 8 tỉnh phía Bắc đã phải trải qua cảnh mất điện diện rộng, chỉ vì một trạm biến áp 500 kV bất ngờ bị hỏng. Đến nay. Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vẫn chưa tìm ra được nguyên nhân…

20 ngày sau khi xảy ra sự cố, máy biến áp AT2 vẫn chưa thể hoạt động trở lại... Tuy nhiên, phải mất tới 25 ngày, đến cuối tháng 6, trạm biến áp 500 kV Hiệp Hòa mới được bổ sung máy biến áp mới”. (VietNamNet online ngày 14-6-2014)

Ngày nay nhiều chủ đầu tư ở Việt nam đã: “Ăn ‘quả đắng’ nhà thầu TQ”. Báo Tiền Phong của nhà nước đưa tin:

“Việc hiện 90% dự án nhiệt điện hiện nay đều do TQ thắng thầu sẽ dẫn tới sự phụ thuộc, có nguy cơ mất an ninh năng lượng khi có sự cố xảy ra, vì khi đó chúng ta có cái gì làm đối trọng. Đây là điều đáng nghĩ. -Giáo sư Bùi Huy Phùng, Viện Khoa học Năng lượng”. (TienPhong online ngày 24-9-2010)

Điện, là dây thần kinh của quốc gia, ấy thế mà những dự án nhiệt điện Việt Nam đều giao trứng cho ác: đồng chí Trung cộng. Gương của nước bạn bị “Tình báo TQ làm mất điện diện rộng ở Ấn Độ” có đáng là bài học xương máu cho nhà cầm quyền CSVN không?

“620 triệu người ở 20 trên tổng số 28 bang của Ấn Độ chịu ảnh hưởng của sự mất điện hôm 30-7-2012…

Sau khi điều tra, cơ quan tình báo Ấn Độ phát hiện ra các linh kiện nhập khẩu từ TQ lẫn trong hệ thống điện lưới quốc gia đang ‘có vấn đề’ của Ấn Độ…

Cơ quan tình báo Ấn Độ cáo buộc tình báo TQ đang lợi dụng các thiết bị phần cứng máy tính và linh kiện bán cho nước này để thu thập các tin tức tình báo, đẩy mạnh các hoạt động tấn công Ấn Độ”. (NguoiLaoDong online ngày 23-8-2012)

Thế giới ngày nay đã biết cảnh giác khi làm ăn với Trung cộng, nhất là tập đoàn Huawei, bọn chúng đã phù phép nhiều điều tai hại mà đối tác không thể khám phá ra ngay cho nên họ đã đề cao cảnh giác hoặc tẩy chay vì “Mối lo ngại từ Huawei”…

“Một số nước và vùng lãnh thổ đang quan ngại sâu sắc về vấn đề an ninh đối với Huawei (Hoa Vi), nhà cung cấp thiết bị viễn thông lớn nhất TQ. Trong khi đó, hầu hết các nhà mạng đang hoạt động tại Việt Nam đều có sử dụng thiết bị của Huawei…

-Tờ Taipei cuối tháng trước đưa tin Cơ quan quản lý viễn thông Đài Loan (NCC) áp đặt lệnh cấm các nhà cung cấp mạng viễn thông đảo này sử dụng các thiết bị mạng cốt lỏi do tập đoàn viễn thông TQ Huawei cung cấp do có nhiều lo ngại về an ninh thông tin…

-Theo tờ The Wall Street Journal, Sprint Netex đã phải loại trừ cả Huawei lẫn một nhà cung cấp thiết bị viễn thông khác của TQ là ZTE khỏi dự án nâng cấp trị giá khoảng 8,5 tỉ USD. Một số quan chức Mỹ cho rằng quân đội TQ có thể sử dụng các thiết bị của Huawei hoặc ZTE để phá vỡ và đánh chặn thông tin của nước này”. (ThanhNien online ngày 22-7-2011)

Ngay sau khi hai Thủ tướng Thái Lan và Trung cộng vừa ký thỏa thuận đầu tư trên 10 tỷ nhằm xây dựng hai đường sắt tại Thái Lan thì trong một bài báo của Thái Lan The Nation đã nhắc nhở nhà cầm quyền của họ rút kinh nghiệm từ bài học của Việt Nam: “Hãy coi chừng nhà thầu TQ”. Không biết nhà cầm quyền Việt Nam có học được gì trong bài học của mình không hay cũng sẽ nhắm mắt tiền thầy bỏ túi rồi việc ra sao thì ra trong khi báo chí Thái Lan kêu gọi cảnh giác:

“…dự án đường sắt do TQ tài trợ sẽ mang lại nhiều thuận lợi cho Thái Lan nhưng cũng hàm chứa nhiều hiểm nguy. Có hai bài học từ Việt Nam và Miến Điện mà chính quyền Prayut Chan-o-cha cần rút tỉa kinh nghiệm…Các nước trong khu vực đã có nhiều kinh nghiệm trong việc làm ăn với các nhà hầu TQ, và không phải lúc nào cũng có kết quả tốt”. (RFI online ngày 13-1-2015)

Bài học mà Thái Lan học của Việt Nam là chuyện Việt Nam tự đưa đầu vào rọ cho nên dù “Nhà thầu TQ kém nhưng không bỏ được”. Chính Bộ trưởng Giao thông của CSVN Đinh La Thăng cũng phải lên tiếng phân trần…

“Nhà thầu TQ rất yếu kém, nhiều lần tôi muốn thay thế song không thể vì ràng buộc các điều kiện hiệp định vay vốn. Do đó, rất mong mọi người chia sẻ”. Bộ trưởng Thăng nói”. (VNEpress online ngày 9-6-2015)

Theo Bauxite Việt Nam thì nhà cầm quyền CSVN “Mua 13 đoàn tàu TQ: ‘Muốn thay thế cũng không được” mặc dù:

“Ngồi tàu TQ thì cũng như ăn gạo nhựa TQ, lái xe máy TQ…nghĩa là vừa xài vừa…run. Tuy nhiên, người ‘run’ là người nghèo, vì chỉ có người nghèo mới dùng tàu hỏa, còn người mua tàu, đương nhiên, không bao giờ đi tàu hỏa, họ ngồi xe Mẹc, cưỡi máy bay. Có rủi, tàu rơi lộn cổ xuống đất, hoặc bốc cháy trên cao họ cũng vẫn bình chân như vại”. (Boxitvn online ngày 10-6-2015)

Theo nhà báo Hà Hà Văn Thịnh, giảng viên trường Đại Học Khoa học Huế thì xăng dầu được xem như là máu huyết của dân tộc, ấy vậy mà những chủ đầu tư của Việt Nam vì lợi ích riêng tư lại giao sinh mạng dân tộc mình vào bàn tay lông lá của đồng chí gian manh, tham lam, lém lỉnh. Ở Việt Nam mấy năm gần đây, nhất là từ năm 2012 trở lại, đủ loại xe ô tô, xe gắng máy đang chạy tốt, bổng nhiên bốc cháy “dột xuất” rất nhiều, không loại trừ nguyên nhân do xăng “made in China”. 

Mai mốt Trung cộng đưa quân sang đánh mà xe, tàu của ta chở quân đi tự nhiên bị cháy hết thì làm sao đánh giặc giữ nước? Ông Hà Văn Thịnh “tâm tư”:

“Tôi không biết dùng từ nào hơn khi nghe tin Petrolimex đang dự định ký hợp đồng với PetroChina để lắp đặt đường ống dẫn dầu từ Quảng Tây sang Quảng Ninh dài 200 km để mỗi năm ‘được’ mua từ TQ khoảng trên dưới 3 triệu tấn dầu!...

Chao ơi là buồn khi vận mệnh quốc gia, tương lai xã tắc được bỏ (bị cướp đoạt) vào tay Petrolimex và những người cùng phe phái chụp giựt của cải của đất nước theo cái ‘lý lẽ’ ngu hết biết: Cứ làm giàu cho gia đình con cái đi, cứ thế gửi tiền ra nước ngoài, có việc gì thì…chạy! Còn đất nước Việt Nam đói khổ, nghèo hèn ra sao kệ xác cho lũ dân ngu khu đen lãnh đủ”. (Boxitvn online ngày 13-7-2011)

Ông Dương Danh Dy, nguyên Tổng lãnh sự của CSVN tại Quảng Châu sau khi đọc báo Tiền Phong số ra ngày thứ sáu 24-9-2010 ông viết bài “Đâu chỉ là quả đắng nhà thầu TQ” có đoạn như sau:

“Chủ đầu tư nhiều dự án nhiệt điện: ‘Ăn quả đắng nhà thầu TQ’. Sau khi đọc xong bài viết, tôi nghĩ không phải chỉ là ăn quả đắng nhà đấu thầu, mà những hành động của những người phụ trách chủ yếu của TKV- đương chức hoặc đã ‘an toàn hạ cánh’- phải khép vào tội ‘làm tay sai bán nước cho ngoại bang”. (Boxitvn online ngày 26-9-2010)


Trung Cộng áp sát Đà Nẵng 34 hải lý, hải quân Việt Nam ở đâu?

Bạn đọc Danlambao - Tại buổi tiếp xúc cử tri Đà Nẵng sáng 1/10/2015, phó chủ tịch quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn đã gây chú ý khi tiết lộ rằng nhiều lượt tàu Trung Cộng đã xâm nhập rất sâu vào vùng biển Việt Nam, có khi chỉ cách Đà Nẵng chỉ 34 hải lý.

“Lực lượng chức năng của ta đã phát hiện nhiều lượt/chiếc tàu Trung Quốc xâm phạm vùng biển của ta, cách phía Đông - Đông Nam đến Bắc bán đảo Sơn Trà, TP Đà Nẵng chỉ từ 34 - 89 hải lý!”, báo Infonet trích lời vị thượng tướng, cựu tư lệnh quân khu 5 cho biết.

Như vậy, tàu Trung Cộng có thể dễ dàng đi vào vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam mà không ai hay biết. Thậm chí, chỉ khi những tàu này tiến sát vùng tiếp giáp lãnh hải Việt Nam thì mới bị “phát hiện”.

Đây quả là một thông tin hết sức đáng báo động, trong đó trách nhiệm lớn thuộc về lực lượng hải quân Việt Nam. 

Hải quân đã ở đâu và làm gì khi để tàu Trung Cộng có thể tự tung tự tác như chỗ không người như vậy?

Xác một chiếc thuyền cá của ngư dân Cam Ranh bị đánh chìm - 'chiến lợi phẩm' của lực lượng hải quân vùng 4

Xin thưa, cái gọi là lực lượng ‘hải quân nhân dân Việt Nam’ đang bận đi đối đầu với các ngư dân  -những người đang tuyệt vọng vì mất kế sinh nhai trên vịnh Cam Ranh. 

Trong cuộc đối đầu không cân sức hôm 29/9/2015, ‘chiến thắng’ đã thuộc về bộ tư lệnh hải quân vùng 4, thuộc quân chủng hải quân, hiện đang trú đóng tại quân cảng Cam Ranh, Khánh Hòa.

Sau trận đánh đẹp nhằm bảo vệ việc thi công hút cát, lực lượng này đã hợp đồng tác chiến với bọn quant ham Khánh Hòa, thẳng tay đánh chìm 2 ghe cá khiến nhiều ngư dân bị thương. 

Ít nhất 4 ghe cá khác của ngư dân cũng bị hư hỏng nặng sau ‘chiến tích’ đầy ô nhục này. 

Trong khi đó, 9 vạn tàu cá Trung Cộng vẫn nhởn nhơ tràn ngập Biển Đông.

2 triệu ngư dân Việt Nam bất chấp mạng sống vẫn đang kiên cường bám biển, trở thành những cột mốc sống bảo vệ chủ quyền đất nước.

Ngược lại, lực lượng hải quân thì đang loanh quanh bám bờ. Lãnh đạo bộ quốc phòng thì lo triệt hạ lẫn nhau, chây lỳ bám ghế.

Quả đúng là một chế độ hèn với giặc, ác với dân!

Cam Ranh: Biểu tình lớn phản đối hải quân vùng 4 đâm chìm thuyền cá ngư dân

Bạn đọc Danlambao - Hàng trăm ngư dân Cam Ranh đã xuống đường biểu tình sau khi bị lực hải quân vùng 4 cố tình đâm chìm thuyền cá khiến nhiều người bị thương.

Bắt đầu từ trưa ngày 30/9/2015, cuộc phản kháng đã khiến quốc lộ 1A - đoạn đi qua Mỹ Ca bị ách tắc trong nhiều giờ. 

Video cho thấy cảnh người dân kéo hẳn xác một chiếc ghe cá bị hư hại ra giữa đường nhằm tố cáo tội ác của lực lượng hải quân vùng 4. 

Ngư dân khốn đốn vì hải quân vùng 4

Nguyên nhân vụ việc bắt đầu từ cuối năm 2014, bộ tư lệnh hải quân vùng 4 đã tiến hành nạo vét vịnh Cam Ranh với lý do ‘phục vụ mục đích quân sự’.

Tuy nhiên, việc thi công hút cát ồ ạt đã gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Cá tôm của dân nuôi trên vịnh Cam Ranh bị chết hàng loạt, nhiều người rơi vào cảnh trắng tay, nợ nần.

Đỉnh điểm vụ việc xảy ra vào ngày 20/4/2015, người dân đã kéo đến trụ sở UBND xã Cam Phú Bắc (TP. Cam Ranh) yêu cầu giới chức địa phương can thiệp. Do bị các quan chức địa phương trốn tránh và không tiếp, nhiều người dân phẫn nộ đã mang đổ cả tôm, cá chết tràn lan ra quốc lộ để phản đối.

Để xoa dịu tình hình, ông Nguyễn Ngọc Sơn, phó chủ tịch TP. Cam Ranh khi ấy đã phải ra lệnh ngừng nạo vét, đồng thời cam kết sẽ bồi thường thỏa đáng cho người dân.

Tuy nhiên, đây cũng chỉ là thủ đoạn lừa đảo, câu giờ của các quan chức Khánh Hòa. Chỉ 5 tháng sau, vào sang ngày 29/9/2015, việc nạo vét lại tiếp tục tái diễn trên vịnh Cam Ranh.

Quá phẫn uất, hàng trăm ngư dân đi trên 60 ghe cá đã kéo đến ngăn cản các phương tiện thi công hút cát. 

Đáp lại, hải quân vùng 4 đã ra lệnh cho các tàu vũ trang đến đối đầu với ngư dân. Trong lúc xô xát, tàu hải quân đã đâm chìm 2 thuyền cá khiến nhiều ngư dân bị thương. Ngoài ra, 4 thuyền cá khác cũng bị hư hại nặng.

Xác một chiếc thuyền cá hư hại bị lực lượng hải quân vùng 4 đâm chìm

Đảng bộ Khánh Hòa giở thói láo xược với dân

Trưa ngày 30/9/2015, hàng trăm ngư dân xuống đường biểu tình khiến quốc lộ 1A, đoạn đi qua TP. Cam Ranh bị tê liệt trong suốt nhiều giờ. 

Ngoài ra, xác một chiếc thuyền cá hư hỏng nặng cũng được kéo ra giữa đường như một bằng chứng tố cáo tội ác của lực lượng hải quân vùng 4.

Hàng trăm cảnh sát cơ động, trong đó có cả quân đội đã được huy động để ngăn chặn biểu tình và ngăn cấm xe cộ.

Báo Khánh Hòa Online – cơ quan ngôn luận của đảng bộ Khánh Hòa cũng liền giở thói láo xược khi đe dọa những người dân biểu tình ‘đã vượt quá giới hạn’.

Tờ báo này dẫn lời ông Nguyễn Ngọc Sơn, phó chủ tịch TP. Cam Ranh tuyên bố: “Đây là dự án phục vụ an ninh quốc phòng nên dứt khoát phải tiến hành. Nếu người dân không hợp tác sẽ bị cưỡng chế di dời. Trước mắt, UBND TP. Cam Ranh chỉ đạo cơ quan công an làm rõ những đối tượng gây rối để có hình thức xử lý theo pháp luật.”

Sáng ngày 1/10/2015, con em của một số ngư dân trong vùng cũng đã phải nghỉ học vì lo lắng trước cảnh gia đình bị mất nguồn sống.

Do mức giá đền bù quá rẻ mạt, hàng trăm hộ ngư dân trên vịnh Cam Ranh đã không chấp nhận di dời. Dự kiến, tình hình tiếp tục diễn biến căng thẳng trong những ngày tới.

Lực lượng hải quân vùng 4 sẽ tiếp tục đối đầu với những ngư dân bị mất hết nguồn sống này đến bao giờ?