Monday, May 2, 2016

Tân chính phủ Việt Nam đối mặt với thách thức lớn từ cuộc biểu tình vụ cá chết

Người biểu tình cầm biểu ngữ phản đối doanh nghiệp Đài Loan Formosa và các thông điệp về môi trường, Hà Nội, Việt Nam, ngày 1 tháng 5 năm 2016.
Người biểu tình cầm biểu ngữ phản đối doanh nghiệp Đài Loan Formosa và các thông điệp về môi trường, Hà Nội, Việt Nam, ngày 1 tháng 5 năm 2016.
Theo Bloomberg, VOA-03-05-2016
Hàng triệu con cá chết trải dài hơn 200km dọc bãi biển miền trung Việt Nam đang đặt ra những thử thách lớn nhất cho đến nay đối với tân chính phủ.
Chính quyền Cộng sản do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đứng đầu đã bị chỉ trích trên các phương tiện truyền thông xã hội vì sự thiếu minh bạch và phản ứng chậm chạp, với hàng ngàn người biểu tình ở những thành phố lớn và các tỉnh lân cận hôm Chủ Nhật.
Chính phủ cho biết họ không biết lý do vì sao những con cá bị chết trên bờ biển của 4 tỉnh từ ngày 6 tháng 4 đến ngày 18 tháng 4. Tuyên bố của chính phủ ngày 28 tháng 4 cho biết, hiện tượng “gây thiệt hại kinh tế và môi trường, ảnh hưởng tiêu cực đến ngành công nghiệp thủy sản, và đặc biệt dẫn đến hoang mang tâm lý người dân”.
Ở một đất nước hiếm có những cuộc biểu tình, sự tức giận trước việc cá chết hàng loạt đã tạo ra một thách thức cho phản ứng của các giới chức: Trong khi một chi nhánh của Formosa đã bị chất vấn về vụ việc và đã thu hút sự tức giận trên phương tiện truyền thông xã hội, chính phủ cũng phải đảm bảo các công ty nước ngoài được hoan nghênh tập trung đầu tư để thúc đẩy nền kinh tế.
“Đó là cuộc khủng hoảng đầu tiên của họ và nó thực sự nhạy cảm. Hàng triệu sinh kế gặp rủi ro. Người dân thì bất mãn”, ông Fred Burke, đối tác quản lý tại công ty luật Baker & McKenzie (Việt Nam) nói. Ông Burke là một thành viên của hội đồng chính phủ và tư vấn cho các dự án đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
Với rất ít thông tin, vụ việc đã làm dấy lên những quan ngại về thiệt hại đối với môi trường, an toàn thực phẩm và làm thế  nào để quản lý các doanh nghiệp. Truyền thông nhà nước đã đặt ra nhiều câu hỏi về đường ống xả thải chạy xuống biển từ nhà máy thép Formosa ở Hà Tĩnh.
Chính phủ cho biết hiện không có bằng chứng cho thấy trách nhiệm là do Formosa gây ra. Cá có thể bị chết bởi chất độc thải ra từ các hoạt động của con người hoặc do hiện tượng tảo nở hoa hay còn gọi là thủy triều đỏ.
Mặc dù vậy, hàng ngàn người đã xuống đường biểu tình ở nhiều khu vực hôm Chủ Nhật 1/5, bao gồm cả thủ đô Hà Nội. Ở Tp. Hồ Chí Minh, đám đông khoảng 1,000 người đã mang các biểu ngữ “hãy trả lại biển sạch cho chúng tôi” và “ngừng xả nước thải vào biển”.
Truyền hình Việt Nam đưa tin hôm Chủ Nhật, dẫn lời các quan chức cấp tỉnh cho biết cảnh sát đã bắt giữ hai người vì cho rằng họ đã thu thập và phân tán thông tin trên mạng để kích động biểu tình qua vụ cá chết, và một người bị tình nghi đột nhập khu vực nhà máy Formosa tháng trước để quay phim và phỏng vấn người dân địa phương.
Tuy nhiên, truyền thông Việt Nam đã không đưa tin về các cuộc biểu tình hôm Chủ Nhật.
Ông Trịnh Hữu Long, một nhà hoạt động nhân quyền hiện đang sống ở Philippines nói: “Điều đó không gì khác là có chỉ thị từ Ban Tuyên giáo xuống là không được đưa tin. Có một cái định hướng nào đó. Điều này tôi biết chắc vì có nhà báo ở trong nước thông báo cho tôi. Và báo chí trong nước chắc chắn là không được đưa cái tin đó”.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà (phải) và Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân (trái) trong một cuộc họp nội bộ về vụ cá chết hàng loạt trong thời gian gần đây.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà (phải) và Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân (trái) trong một cuộc họp nội bộ về vụ cá chết hàng loạt trong thời gian gần đây.
Xin lỗi công khai
Trong một phản ứng thẳng thắn bất thường, chính phủ thừa nhận đã phản ứng chậm chạp, và tân Bộ trưởng Môi trường Trần Hồng Hà đã xin lỗi công khai. Chính quyền nói trong một tuyên bố ngày 28 tháng 4: “Quá trình xử lý ban đầu là thụ động”.
Sự giận dữ lan truyền trên mạng xã hội sau khi một quan chức của Formosa Hà Tĩnh nói Việt Nam nên lựa chọn giữa ngành hải sản hoặc nhà máy thép. Theo truyền thông địa phương, Formosa sau đó đã xin lỗi về bình luận này.
Hơn 100.000 người đã ký vào thỉnh nguyện thư kêu gọi Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama nêu ra vấn đề với Việt Nam trong chuyến thăm vào tháng này.
Thi Nguyen, một nhà tư vấn môi trường độc lập ở Tp. Hồ Chí Minh cho biết: “Đầu tư nước ngoài là quan trọng, nhưng chính phủ Việt Nam không nên thu hút đầu tư nước ngoài bằng bất cứ giá nào, và thảm họa này đã chứng minh điều đó”.
Chính phủ Việt Nam đã tìm kiếm đầu tư nước ngoài để giúp đạt mục tiêu tăng trưởng 6.7% năm nay. Kinh tế Việt Nam tăng trưởng 5.46% trong quý đầu năm nay so với 7.01% trong quý cuối của năm ngoái khi thu nhập từ sản xuất dầu thô và sản phẩm nông nghiệp sụt giảm.
Theo số liệu của chính phủ, Đài Loan là nhà đầu tư lớn thứ 3 vào Việt Nam trong quý đầu với 465.6 triệu đôla, đứng sau Hàn Quốc và Singapore.
Formosa từng là tâm điểm giận dữ của người dân Việt Nam trước đây. Vào tháng 5 năm 2014, công ty này và các doanh nghiệp khác của Đài Loan đã bị tấn công bởi những người biểu tình sau khi Trung Quốc đưa giàn khoan dầu vào vùng biển tranh chấp ngoài khơi bờ biển Việt Nam. Formosa cho biết, vụ bạo loạn đã khiến một công nhân Trung Quốc thiệt mạng vì đột quỵ, gây thua lỗ 3 triệu đôla. Công ty này sau đó đã nhận được 30 tỉ đồng tiền bồi thường.

Tận cùng của sự ngu xuẩn

Thạch Đạt Lang (Danlambao) - Bàn đến những lời nói dốt nát, ngu xuẩn của các lãnh đạo cộng sản Hà Nội thì đã có quá nhiều người đề cập tới, trở thành như chuyện thường ngày ở huyện. Tuy nhiên từ trước đến nay, người dân Việt Nam thường chỉ thấy lãnh đạo CS biểu lộ sự ngu dốt, xuẩn động của họ qua lời nói, ít ai thấy họ hành động như đã tuyên bố.

Tuy nhiên vừa qua, biến cố cá chết hàng loạt ở 4 tỉnh miền Trung đã tác động không ít đến tư duy (ngu dốt, xuẩn động) của các cán bộ lãnh đạo CS, biến những tư duy này không những chỉ trở thành lời nói mà còn thành hành động.

Hành động ngu xuẩn đầu tiên là của các lãnh đạo trong ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng, từ chủ tịch Huỳnh Đức Thơ đến phó chủ tịch, trưởng phòng, sở... các cái ra bãi biển Đà Nẵng tắm, sau đó làm việc và ăn cá nục hấp ở cảng cá Thọ Quang.
Ông Nguyễn Điểu - giám đốc Sở TN&MT Đà Nẵng tắm biển sáng 30-4 - Ảnh: Hoàng Khánh Hưng

Tương tự như đồng chí (và đồng rận) Huỳnh Đức Thơ, giám đốc (đốc chứ không làm) sở Tài Nguyên & Môi Trường tỉnh Hà Tĩnh Võ Tá Định đã cùng nhân viên trong sở (anh dũng) đi tắm ở bãi biển Thiên Cầm, tắm xong các "ngài" vào nhà hàng đớp hải sản (tươi sống) tại chỗ.
Dàn lãnh đạo chủ chốt của Đà Nẵng cùng xuống "tắm biển". Ảnh Báo Giao Thông

Những hành động (can đảm) chỉ thua (anh hùng) Lê Văn Tám (một sợi tóc) này được báo chí lề phải trong nước như Tuổi Trẻ, Thanh Niên, VOV... chụp hình, loan tin đưa lên báo mạng khen nức nở khiến nhiềungười nhẹ dạ hoan nghênh (quá cỡ thợ mộc).
   Tắm xong các "ngài" vào nhà hàng ăn hải sản (tươi sống) tại chỗ. Ảnh Zing

Không nói đến chuyện hình ảnh có thể được lắp ráp bởi photoshop, so sánh 2 bản tin nói về Huỳnh Đức Thơ và Võ Tá Định, người ta có thể thấy rõ giám đốc sở Tài Nguyên & Môi Trường Hà Tĩnh Võ Tá Đinh khôn ranh, láu cá vặt hơn chủ tịch UBND Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ, bởi ông Đinh đi tắm biển ở Thiên Cầm nằm về phía Bắc và tương đối xa thị xã Kỳ Anh, trong khi dòng thủy triều nhiễm chất độc từ Formosa chảy xuống phía Nam.

Hơn nữa nước biển, dù nhiễm độc hay chứa kim loại nặng thì những chất này cũng không thấm nhanh qua da. Chất độc hay kim loại nặng trong nước biển chỉ thấm nhanh qua đường ruột, phổi, mang, tức là đường hấp thụ oxy để đi vào máu. Thí nghiệm của VTO cho thấy cá chết chỉ trong hai phút bơi trong nước biển lấy ở Vũng Áng chứng minh điều đó vì cá thở bàng mang, nước biển đi qua mang, được lọc lấy oxy rồi thải ra ngoài.

Ngâm mình vào trong nước nhiễm độc hay kim loại nặng với nồng độ nhẹ vài ba phút để chụp hình sẽ không có khả năng nguy hại nếu ngay sau đó tắm lại bằng nước tinh khiết. Trường hợp có cũng khó phát hiện được ngay, phải chờ thời gian, có thể là vài năm hay cả chục năm sau mới thấy được triệu chứng, ảnh hưởng.

Tuy nhiên nếu nồng độ nhiễm độc chất cao, ngâm người lâu trong nước thì chất độc sẽ thấm qua da và có ảnh hưởng nhanh hơn, nhưng cũng không thể làm chết hoặc có dấu hiệu tổn thương ngay.

Do đó hình ảnh tắm biển, ăn cá hấp, hải sản của các lãnh đạo CS ở Đà Nẵng, Hà Tĩnh có là thật đi nữa thì những hành động đó cũng chỉ nói lên nếu không gian manh thì là sự ngu xuẩn tột cùng của họ.

Làm người dân bình thường mà ngu xuẩn thì cũng chỉ chết một mình hoặc nhiều lắm thêm một số ít người chung quanh. Làm lãnh đạo mà ngu xuẩn thì chết cả dân tộc.

Sự ngu dốt và xuẩn động đó sẽ có tác hại rất nhiều vì người dân, nếu nhẹ da tin theo họ mà tắm biển lâu hay ăn cá nhiễm chất độc sẽ bị hậu quả khó lường.

Đà Nẵng, Hà Tĩnh đều có sở Tài Nguyên & Môi Trường, những cán bộ, chuyên viên, tiến sĩ, kỹ sư của nơi này sống bằng tiền thuế của dân, đã làm gì trong gần một tháng qua mà không có được một báo cáo về phân tích, thử nghiệm nước nơi cá chết để đến nỗi ông chủ tịch UBND và giám đốc sở TN&MT phải chứng minh nước biển sạch, an toàn bằng những hành động anh hùng rơm được dàn dựng, đạo diễn khéo léo?

Nếu các ông Huỳnh Đức Thơ, Võ Tá Định thật sự muốn chơi đẹp, chứng tỏ bản lãnh của lãnh đạo, hãy đến ngay vùng biển có cá chết ở Vũng Áng, ngâm mình trong nước 30 phút cho người dân chài ở đó mãn nhãn, đồng thời thưởng thức hải sản của người dân vừa đánh bắt.

Còn không thì nên dẹp ngay cái trò xúi trẻ ăn cức gà bằng những hình ảnh mị dân hay những lời dao to, búa lớn như định vị khu vực cá ngư dân đánh bắt được hoặc kiểm tra cá sạch đóng 3 con dấu của sở y tế, nông nghiệp, công thương.

Ngư dân đi biển làm sao có được những dụng cụ hải hành tân tiến, bản đồ để có thể báo cáo chính xác vùng biển đánh bắt cá? Rồi cán bộ đâu để kiểm soát, định vị ngư trường của người dân? Có điều gì bảo đảm cán bộ của 3 sở y tế, nông nghiệp, công thương không ăn hối lộ để đóng dấu cá không chết vì nhiễm độc?

Xin các ông đừng đùn đẩy, bán cái cho nhau bằng những lý luận vớ vẩn, những biện pháp chắp vá, những hứa hẹn mơ hồ không biết bao giờ thực hiện và có thực hiện được hay không.

Đã gần một tháng trôi qua từ ngày biến cố xảy ra, chẳng những trong tứ đầu chế gồm Phúc, Quang Trọng, Ngân, 3 người đã trốn biệt không thấy tăm hơi, chỉ còn lại Xuân Phúc thỉnh thoảng ló ra, thụt vào như cái đầu rùa mà ngay cả 500 ông bà nghị (gật) "cuốc hội" khóa 13 cũng bốc hơi không kèn, không trống. Chẳng thấy ông bà nào ló mặt ra đến vùng biển có cá chết, thăm hỏi dân tình, tìm hiểu sự việc.

Chưa có một công bố kết quả chính thức nào về một việc chỉ cần 24-48 tiếng đồng hồ là kiểm nghiệm, phân tích nước tại vùng biển ở những nơi cá chết cũng như nguyên nhân gây ra.

Những tuyên bố rời rạc, chòng chéo nhau, những phản ứng yếu ớt với công ty Formosa, những lời hứa rỗng tuếch sẽ thế này, sẽ thế kia... và những trò hề tắm biển, ăn hải sản để xoa dịu lòng dân, cho họ yên tâm đã chứng tỏ thái độ hèn hạ và sự ngu xuẩn tột cùng của các lãnh đạo chế độ CSVN với vấn nạn đất nước.

Cá chết, cờ đỏ cũng băng hà

Nguyễn Bá Chổi (Danlambao) - Một vành khăn sô khác cho Tháng Tư đang vắt lên bờ biển Việt Nam trắng xóa bằng hàng trăm, nghìn tấn cá chết do “thủy triều đỏ”. Nhưng cá chết, cờ đỏ cũng đang chết theo.

Cờ đỏ đã chết? Chết sao được, nó vẫn “đứng đầy đường”, “ngồi” chễm chệ trên báo giấy, báo mạng; nó vẫn thắm tươi máu - máu quân thù thì ít mà máu anh em bị Cắt Mạng “thà phanh thây, uống” thì nhiều, đấy chứ.

Hoàn toàn “nhất trí đồng ý” chuyện cờ đỏ đang đứng đầy đường, ngồi trên báo là có thật, không phải như chuyện “TV ngoài ấy chạy đầy đường” hay “cái nồi ngồi trên cái cố” ngày nào “đại thắng 4V-Day”. 

Nhưng hôm nay, cờ đỏ “đứng” đó, “ngồi” đó như kẻ mất hồn; xác không hồn; nó đang trong thời kỳ quá độ “chết lâm sàng”.

Nó bị vạch mặt chỉ tên. “Mày” địch thực là cờ Phúc Kiến, bên Tàu: Những người đứng đầu nhà nước CHXHCNVN vừa mới đây đứng trước “mặt mày”, cờ Đỏ, đặt tay trên sách Đỏ, đọc lời thề hứa trung thành với, và họ đã làm đúng với lời thề, bằng thái độ bao che cho tập đoàn Formosa, khinh miệt, hỗn láo với người dân trước thảm trạng cá chết xuất phát từ Vũng Áng, Hà Tĩnh. 

Trong các cuộc xuống đường biểu tình bảo vệ môi trường khắp ba miền đất nước VN vừa qua, không một bóng dáng cờ đỏ nào xuất hiện trên tay người dân.

Cá chết, cờ đỏ cũng băng hà trong lòng dân Việt.


Hai người quay phim biểu tình ở Quảng Bình bị bắt

HÀ TĨNH (NV) - Công an Hà Tĩnh và Quảng Bình đã bắt giữ hai thanh niên chụp hình, quay phim và phỏng vấn người dân đi biểu tình phản đối Formosa xả thải độc hại làm chết cá biển.

Một số báo điện tử tại Việt Nam trong đó có VietNamNet đưa tin như vậy hôm Thứ Hai, 2 tháng 5, 2016 và vu cho Trương Minh Tam (46 tuổi) và Chu Mạnh Sơn (27 tuổi), tội “phát tán thông tin trên mạng Internet, kích động người dân.”



Hai “nghi can” Trương Minh Tam (trái) và Chu Mạnh Sơn (phải) khi bị thẩm vấn ở trụ sở ccông an. (Hình: VNExpress)


Cũng giống như những vụ người dân biểu tình chống chính sách thất nhân tâm của nhà cầm quyền trước đây, chế độ Hà Nội luôn luôn tìm một số người làm vật tế thần nhằm đe dọa đám đông. Lần này là Trương Minh Tam và Chu Mạnh Sơn.

Theo các nguồn tin này, “Ngày 26 tháng 4, Trương Minh Tam vào khu công nghiệp Formosa, quay phim, chụp ảnh, phỏng vấn ở xã Kỳ Lợi, Kỳ Hà, thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh. Ý đồ là biên tập phóng sự, tán phát lên các trang mạng xấu để kích động, biểu tình gây phức tạp về ANTT trên địa bàn,” tờ VietNamNet viết.

VietNamNet viết tiếp rằng, “Tổ công tác thu giữ tài liệu liên quan đến hoạt động của đối tượng. Quá trình tham gia tổ chức, Trương Minh Tam thường xuyên được ‘Con đường Việt Nam’ trả lương (khoảng 400USD/tháng) để phục vụ các hoạt động theo chỉ đạo của tổ chức. Tổ công tác đã thu giữ tài liệu phạm pháp số đối tượng phản động bên ngoài chuyển cho Trương Minh Tam và các thành viên phong trào ‘Con đường Việt Nam’, với tổng số tiền khoảng 3,000 USD.”

Còn về trường hợp Chu Mạnh Sơn, VietNamNet viết rằng, “Ngày 30 tháng 4, Sơn cùng một số đối tượng đón xe khách vào Quảng Bình thu thập thông tin, hình ảnh quần chúng tụ tập gửi cho các đối tượng để tán phát trên các trang mạng phản động.”

Theo nguồn tin này, “Ngày 30 tháng 4, Chu Mạnh Sơn có mặt tại huyện Quảng Trạch, Quảng Bình, sử dụng điện thoại di động ghi lại 3 tấm hình bà con nhân dân tụ tập trên quốc lộ 1A, gửi qua facebook thì bị công an Quảng Bình, Hà Tĩnh, phát hiện tạm giữ cùng nhiều phương tiện phục vụ việc thu thập thông tin.”

Cả Trương Minh Tam và Chu Mạnh Sơn đều là các thành viên của mạng xã hội dân sự, tham gia các buổi biểu tình chống Trung Quốc bá quyền bành trướng mấy năm trước. Cả hai cũng đều bị nhà cầm quyền bỏ tù với những lý cớ khác nhau. Ra tù họ vẫn không hề sợ hãi mà tiếp tục dấn thân, bất chấp những lần bị công an hành hung đổ máu.

Chu Mạnh Sơn là một trong 14 thanh niên Công Giáo tại giáo phận Nghệ An bị nhà cầm quyền CSVN hồi năm 2011 bỏ tù với các bản án khác nhau khi bị vu cho tội tham gia các hoạt động “âm mưu lật đổ.”

Chu Mạnh Sơn từng tham gia khóa huấn luyện về truyền thông do Linh Mục Lê Ngọc Thanh, một linh mục thuộc Dòng Chúa Cứu Thế, hướng dẫn. Thời gian gần đây, anh làm phóng viên cho trang mạng “Tin Mừng Cho Người Nghèo.”

Theo bản tuyên bố của “Hội Cựu Tù Nhân Lương Tâm Thanh Niên Công Giáo” thì “từ khi ra tù vào năm 2014, anh Chu Mạnh Sơn vẫn tiếp tục đóng góp cho đất nước trên nhiều lãnh vực, đặc biệt là lãnh vực thông tin trên các mạng xã hội, nhằm chuyển tải những dữ kiện trung thực về đất nước và xã hội. Anh đi Hà Tĩnh trong mục tiêu này, với tư cách là một con người tự do, có những quyền tự do về ngôn luận và báo chí, tự do thu thập và tiếp cận thông tin, như điều 25 của Hiến Pháp Việt Nam quy định. Công an Hà Tĩnh và Quảng Bình bắt giữ anh Chu Mạnh Sơn và anh Trương Minh Tam không những vi phạm các quyền nói trên, mà còn chà đạp lên quyền tự do đi lại của công dân Việt Nam.”


Hàng ngàn người tại Việt Nam đã biểu tình tuần hành tại Hà Nội, Sài Gòn và một số tỉnh khác chống công ty gang thép Formosa xả chất thải độc hại làm cá chết dạt vào bờ suốt một dải hơn 200km từ Hà Tĩnh đến Ðà Nẵng. Nguyên nhân đích thực cá chết là gì thì nhà cầm quyền Hà nội vẫn cố tình bao biện và chỉ làm một số cử chỉ tuyên truyền đánh lừa dân chúng. (TN)

05-02-2016 4:42:06 PM 

Trấn an bằng cách ăn cá, tắm biển là phản khoa học

HÀ NỘI (NV) - Dù chế độ Hà Nội thực hiện nhiều động tác kèm nhiều tuyên bố, khẳng định, những vùng biển mà cá từng chết trắng nay đã an toàn nhưng các động tác và tuyên bố này có nhiều mâu thuẫn.

Cuối tuần vừa qua, từ phó thủ tướng đến một số bộ trưởng của các bộ hữu trách và viên chức chính quyền một số địa phương như Ðà Nẵng, Hà Tĩnh đã ra biển để tắm và ăn hải sản cho báo giới quay phim, chụp ảnh nhằm chứng minh biển đã sạch. Tổng Cục Môi Trường thì mới loan báo nước tại các vùng biển thuộc bốn tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế đã đạt “quy chuẩn Việt Nam.”


Viên chức Ðà Nẵng, Quảng Nam tắm biển để trấn an dân rằng biển đã sạch. (Hình: Tuổi Trẻ)

Cũng vào cuối tuần vừa qua, chính quyền Việt Nam đã tổ chức đón những tàu đánh cá vừa cập bến để mua hết số cá mà ngư dân đánh được, kèm tuyên bố sẽ cấp “giấy chứng nhận hải sản sạch” để ngư dân có thể bán cá.
Ngoài việc cấp gạo cứu đói, chính quyền Việt Nam cũng đã yêu cầu Ngân Hàng Nhà Nước chỉ đạo hệ thống ngân hàng thương mại xóa nợ hoặc giãn nợ, giảm lãi suất để giảm áp lực và sự bất bình nơi các nạn nhân của thảm họa môi trường - cá chết trắng biển.

Ngày 1 tháng 5, 2016, ông Nguyễn Xuân Phúc, tân thủ tướng Việt Nam cam kết với dân chúng rằng sẽ giải quyết thảm họa một cách nghiêm túc, khách quan. Tân thủ tướng Việt Nam yêu cầu các cơ quan hữu trách nhanh chóng “điều tra, làm rõ nguyên nhân cá chết,” kể cả phối hợp với các chuyên gia ngoại quốc.

Cho đến nay, chính quyền Việt Nam chỉ xác định thảm họa cá chết trắng biển là do nước biển nhiễm độc nhưng không xác định nước biển nhiễm loại độc tố nào và độc tố từ đâu mà ra.

Ðáng lưu ý là dù các viên chức chính quyền từ trung ương đến địa phương thi nhau tắm biển, ăn cá để trấn an dân chúng thì hôm 1 tháng 5, thủ tướng Việt Nam chỉ dám khẳng định: “Hải sản đánh bắt cách bờ từ 20 đến 30 hải lý đã an toàn.” Ông ta không nói gì đến tình trạng vùng biển gần bờ.

Ðề nghị của một số chuyên gia, xét nghiệm các mẫu cá chết để tìm độc chất, lấy mẫu nước trong lòng đường ống dẫn chất thải của Formosa tống ra biển để đối chiếu vì dễ làm vẫn không được chính quyền Việt Nam thực hiện. Các cơ quan hữu trách chỉ lấy mẫu nước ở những nơi từng có cá chết để xét nghiệm. Ai cũng biết nước biên chuyển động liên tục thành ra khó có thể tìm câu trả lời thật sự thỏa đáng.

Ngoài việc chỉ “liên tục quan trắc chất lượng nước biển” và “kiên quyết” không xét nghiệm cá chết để xác định độc tố nào gây ra thảm họa còn có nhiều dấu hiệu khác cho thấy, chính quyền Việt Nam vẫn chỉ tiếp tục “hớt phần ngọn, bỏ phần gốc.”

Chẳng hạn sau khi ngư dân phát giác một “đường ống khổng lồ” dài khoảng 1.5 cây số, đường kính khoảng 1.1 mét, dẫn nước thải từ Formosa Hà Tĩnh thuộc khu kinh tế Vũng Áng ra biển, một thứ trưởng của Bộ Tài Nguyên-Môi Trường Việt Nam tuyên bố, Bộ này không hề bất ngờ về sự hiện diện của “đường ống khổng lồ” vì chính họ cấp giấy phép cho Formosa Hà Tĩnh.

Ðến khi công chúng sôi lên vì giận, ông Trần Hồng Hà, bộ trưởng Tài Nguyên-Môi Trường của Việt Nam tuyên bố, không cho phép Formasa đặt ống dẫn nước thải ở đáy biển. Ông Hà yêu cầu Formosa phải nâng ống dẫn nước thải lên khỏi mặt nước.

Trong một thư ngỏ gửi cho ông Hà, ông Tô Văn Trường, một chuyên gia trong lĩnh vực tài nguyên-môi trường, nhận định, yêu cầu của ông Hà là... bậy bạ. Ông Trường nhấn mạnh, giống như nhiều quốc gia khác, Luật Bảo Vệ Môi Trường của Việt Nam không cấm đặt ống xả nước thải dưới đáy biển.

Mặt khác để giảm tác động của việc xả nước thải đến sự ổn định của đáy biển, giảm độ đục của nước biển ở khu vực gần bờ, miệng ống dẫn nước thải ra biển cần phải cách bờ cả cây số. Nếu nâng ống dẫn nước thải lên khỏi mặt nước thì phải xây dựng hệ thống đỡ đường ống. Hệ thống đó sẽ gây rối loạn sinh hoạt và giao thông trong khu vực cận bờ. Cũng vì vậy chẳng có ai yêu cầu như thế.

Ông Trường nhắc nhở ông Hà rằng giám sát chất lượng nước thải là việc phải làm trước khi nước thải trong hồ chứa nước thải được xả vào biển. Việt Nam đã không làm điều này và đó là chuyện chính mà một bộ trưởng Tài Nguyên-Môi Trường phải quan tâm nhưng ông Hà lại chưa đề cập.

Ông Trường đề nghị là phải xem lại quy chuẩn Việt Nam vì quy chuẩn hiện nay quá sơ sài. Ông Trường lặp lại những thắc mắc mà nhiều chuyên gia kinh tế và môi trường từng nêu nhiều lần đối với cách ứng xử khác thường của chính quyền Việt Nam đối với Formosa.

Chẳng hạn ngày 15 tháng 1 năm 2008, Formosa mới có thư từ Ðài Bắc gửi thủ tướng Việt Nam, trình bày về ý định xây dựng nhà máy thép tại Vũng Áng. Thế nhưng ngày 16 tháng 1 năm 2008, ông Võ Kim Cự (lúc đó là phó chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh, sau này là bí thư kiêm chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh) đã biết và gửi “Tờ trình” đề nghị thủ tướng Việt Nam chấp nhận dự án của Formosa.

Chẳng hạn theo luật, chính quyền các tỉnh chỉ được phép cho thuê đất trong 50 năm nhưng khi chính quyền tỉnh Hà Tĩnh ký hợp đồng cho Formosa sử dụng Vũng Áng đến 70 năm, tuy nhiều người phản đối, ông Nguyễn Tấn Dũng - lúc đó là thủ tướng Việt Nam vẫn gật đầu.

Ông Trường nhấn mạnh, khi Formosa - một tập đoàn từng được tặng “Giải Hành Tinh Ðen” do hủy hoại môi trường, lại được dành cho đủ loại ưu ái về tiền thuê đất, về tiền thuế,... thì tất nhiên là dân chúng sẽ liên tưởng đến “đa kim ngân, phá luật lệ.”

Ông Trường nói thêm, chuyện các viên chức thi nhau tắm biển và ăn hải sản là thiếu sức thuyết phục về mặt khoa học. Sự nguy hiểm không nằm ở những hải sản đã chết vì chẳng ai ăn mà nằm trong hải sản vẫn còn sống nhưng đã bị nhiễm độc và độc chất sẽ tích lũy trong cơ thể những người ăn loại hải sản này. Theo ông Trường, thay vì tắm và ăn, chính quyền Việt Nam nên dồn sức phân tích độc chất. (G.Ð)

02-05-2016 2:17:34 PM 

Ô nhiễm môi trường: Huế, dân bịt khẩu trang đi ngủ vì mùi thuốc sâu, Hải Phòng cơm ăn không nổi vì lò đốt rác ngay cạnh

ô nhiễm môi trườngLò đốt rác thải thủ công tại An Lão, Hải Phòng được xây dựng từ nguồn ngân sách UBND thành phố Hải Phòng nhưng không đảm bảo xử lý an toàn xả thải, gây ô nhiễm nghiêm trọng môi trường xung quanh. (Dân Việt)

Sau vụ cá biển chết hàng loạt dọc ven biển miền Trung nghi do đường ống súc xả của Formosa, ô nhiễm môi trường do xả thải hóa chất công nghiệp ở Việt Nam ngày càng trầm trọng, đặc biệt là nhà máy thuốc trừ sâu tại Huế gây ô nhiễm nghiêm trọng khiến hàng loạt hộ dân trong cảnh điêu đứng, nguy hại cho sức khỏe và lò đốt rác ngay cạnh khu dân cư ở Hải Phòng làm dân nuốt không nổi cơm với nhiều hệ lụy đáng lo ngại.

Ô nhiễm môi trường do hoạt động sản xuất công nghiệp ở Việt Nam đang ở tình trạng báo động hơn bao giờ hết, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sinh hoạt hàng ngày của người dân và nguy hiểm hơn là sức khỏe của họ.

Say thuốc trừ sâu ở Phú Bài, Hương Thủy, Thừa Thiên Huế
Gia đình bà Tôn Nữ Thị Kính (tổ 17, phường Phú Bài) nằm cách nhà máy thuốc trừ sâu của Công ty Cổ phần Thuốc sát trùng Việt Nam khoảng 150m. Bởi vậy ở nhà bà, ai ai cũng cảm nhận rất rõ mùi hôi của thuốc trừ sâu. “Giờ là ban ngày nên còn đỡ, chứ ban đêm khi họ xả thải là chịu không nổi, nó hôi đến mức lộn ruột lộn gan”, bà Kính nói với phóng viên Dân Việt.     
Bà Kính kể, đã rất nhiều lần gia đình bà đang ăn cơm tối thì mùi thuốc trừ sâu nồng nặc theo gió tấp vào nhà khiến ai cũng buồn nôn nên bỏ bữa giữa chừng. Chuyện các thành viên trong nhà phải bịt khẩu trang khi ngủ cũng xảy ra thường xuyên.
“Sống mà người luôn trong trạng thái lơ ngơ do say thuốc trừ sâu như thế này thì không biết chết khi nào”- bà Kính lo lắng.
ô nhiễm môi trường
Nhà máy thuốc trừ sâu ở Phú Bài luôn đóng chặt cửa tránh người dân xung quanh bị ảnh hưởng tới biểu tình phản đối. (Dân Việt)
Cùng cảnh ngộ với gia đình bà Kính là hàng loạt hộ dân khác ở tổ 17 của phường Phú Bài và vùng phụ cận. Ông Trần Văn Tranh cho biết, từ rất lâu rồi người dân trong vùng không dám sử dụng nước giếng để sinh hoạt do nguồn nước này đã bị nhiễm độc. “Điều khiến chúng tôi lo lắng nhất là việc ngày càng có nhiều người sống gần nhà máy chết vì bệnh ung thư, trong đó có người chết khi mới 25 tuổi”- ông Tranh nói.
Trước việc môi trường sống bị hủy hoại, người dân trong vùng đã nhiều lần kéo đến nhà máy phản đối, đại diện nhà máy hứa khắc phục nhưng rồi mọi chuyện vẫn tái diễn. Thời gian gần đây, để đối phó trước sự phản đối của người dân, nhà máy luôn đóng kín cổng.
Dân chờ đến bao giờ?
Trao đổi với PV NTNN, ông Trần Quốc Việt- Chủ tịch UBND phường Phú Bài thừa nhận tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng do nhà máy thuốc trừ sâu của Công ty Cổ phần Thuốc sát trùng Việt Nam gây ra.
Theo ông Việt, việc nhà máy này gây ô nhiễm môi trường đã và đang khiến cuộc sống của khoảng 50 hộ dân khổ sở. Những năm qua, người dân và lãnh đạo phường đã rất nhiều lần kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền sớm di dời nhà máy đến nơi khác nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả.
Thanh tra Sở TNMT tỉnh Thừa Thiên -Huế năm 2013 từng kiểm tra công tác bảo vệ môi trường tại nhà máy này và phát hiện nhiều sai phạm nghiêm trọng về xử lý rác thải và phạt doanh nghiệp này 105 triệu đồng. Tuy nhiên ngay sau khi nộp phạt, nhà máy này vẫn tiếp tục “bức tử” môi trường mà không thấy chính quyền có động thái gì tiếp.
Ông Phan Bồng- Phó trưởng Phòng TNMT thị xã Hương Thủy cho biết, UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế từng có chủ trương sẽ di dời nhà máy này vào một khu quy hoạch ở xã Phú Sơn (thuộc thị xã Hương Thủy), cách vị trí nhà máy hiện nay khoảng 6km. Tuy nhiên, do nhiều vướng mắc nên đến thời điểm hiện tại việc di dời nhà máy này vẫn chỉ nằm trên giấy.        
Hải Phòng: Dân ói bên mâm cơm vì… lò đốt rác
Trong khi đó, những ngày qua người dân thôn Bạch Câu, xã Quốc Tuấn, huyện An Lão, HP rất khổ sở trước cảnh ruồi nhặng từ bãi rác tập trung tràn vào khu dân cư ảnh hưởng đến sức khỏe và sinh hoạt hàng ngày của gần 300 hộ dân. Câu chuyện chưa có hồi kết thì nay lại gánh thêm nỗi lo khi lò đốt rác công nghệ lạc hậu bắt đầu hoạt động khiến người dân nơi đây “khổ càng thêm khổ”.
Lò đốt rác ở huyện An Lão, Hải Phòng tại vị trí cách bãi rác của xã Quốc Tuấn khoảng 30m và đi vào hoạt động được 4 – 5 ngày nay, gây khói, khét, mùi thối lan tỏa theo chiều gió khiến người dân lân cận thêm lo lắng, bức xúc, trong khi ruồi nhặng chẳng thuyên giảm.
Bà Lê Thị Hân ở thôn Bạch Câu cho biết, những ngày gió bấc, khói của lò đốt rác nằm cạnh đó bay vào làng với mùi khét khó chịu, những người lớn tuổi có cảm giác tức ngực, khó thở.
Cách khu vực lò đốt rác chừng 1km, tại thôn Trực Đào người dân bức xúc không kém gì thôn Bạch Câu. Anh Lê Văn Tước ở thôn Trực Đào cho biết: Từ hôm lò đốt rác hoạt động cứ hễ gió tây là cả làng ngửi đủ mùi thối lẫn mùi khét, ai cũng phát ói. Không những thế, người dân ở đây còn lo lắng nước từ bãi rác rỉ xuống các cánh đồng liền kề ngấm xuống khu vực mương Cái chảy ra sông Văn Úc nơi cung cấp nước cho một số nhà máy nước sạch mini của địa phương.
Lý giải về lò đốt rác đặt tại xã Quốc Tuấn, ông Trần Văn Tuấn- Phó chủ tịch UBND huyện An Lão cho biết: Lò đốt rác này khi xây dựng có đầy đủ các sở ngành có liên quan thẩm định, khoảng cách với khu dân cư nằm trong phạm vi cho phép còn mùi khét thì không thể tránh được vì dây truyền xử lý lạc hậu.
Qua tìm hiểu thực tế của Dân Việt, lò đốt rác “thủ công” này được xây dựng từ nguồn ngân sách do UBND thành phố Hải Phòng cấp nhưng hầu hết có công suất, quy mô nhỏ, rác không cháy kiệt tồn đọng nhiều ảnh hưởng đến vệ sinh khu vực quanh lò. Đặc biệt, chưa có hệ thống xử lý khói và nước rỉ rác chảy ra môi trường khiến nguồn nước mặt, nước ngầm, cây trồng chung quanh bãi rác ảnh hưởng nghiêm trọng.
30/04/2016
Tổng hợp từ Dân Việt, Báo Mới

Hỏa hoạn tại Khu đô thị Văn Khê - Hà Đông

 CAO NGUYÊN-7:5 PM, 02/05/2016

Hiện trường vụ hỏa hoạn.
Khoảng 15h30 ngày (2.5) một đám cháy lớn bùng phát tại ngôi nhà 4 tầng trong khu đô thị Văn Khê, quận Hà Đông, Hà Nội.
    Theo một số nhân chứng, vào khoảng thời gian trên khói bốc nghi ngút bao trùm ngôi nhà biệt thự liền kề 4 tầng. Nhiều người dân hoảng hốt và thông báo cho cơ quan chức năng để đến dập lửa. 
    Ngay sau đó, lực lượng PCCC đã có mặt tại hiện trường để khống chế ngọn lửa. Đến 16h, đám cháy vẫn đang bùng phát dữ dội, cột khói cao hàng chục mét bao trùm cả khu, xe thang được huy động cũng được huy động đến hiện trường. 
     
     Lực lượng PCCC đang khống chế ngọn lửa. 

    Theo ghi nhận, ngôi nhà là biệt thự liền kề gồm 4 tầng rộng cả trăm mét vuông. Một số người dân cho hay, bên trong ngồi nhà chứa hàng tấn giấy khiến lửa lan nhanh và rất khó để khống chế. Do cửa của ngôi nhà bị khóa chặt nên lực lượng PCCC phải phá các tấm tôn ở tầng 2 và tiếp cận ngôi nhà từ toà bên cạnh để phun nước vào trong. Đến 18h ngọn lửa cơ bản đã được khống chế, thông tin ban đầu cho biết, hiện không có thiệt hại về người. Số tài sản thiệt hại vẫn chưa thống kê được. 
    Nguyên nhân vụ cháy đang được cơ quan chức năng điều tra làm rõ.
    Theo LĐO

    Khi nào có thể khởi tố vụ án cá chết?

     BÌNH MINH-10:04 02/05/2016 
    BizLIVE - Hôm 1/5, phát biểu kết luận tại cuộc làm việc với các địa phương bị ảnh hưởng do hiện tượng hải sản chết bất thường, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Bộ Công an khẩn trương thu thập toàn bộ chứng cứ, nếu phát hiện vi phạm có dấu hiệu hình sự thì kiên quyết xử lý theo quy định của pháp luật, không phân biệt tổ chức, cơ quan hay cá nhân nào.

    Khi nào có thể khởi tố vụ án cá chết?
    Cá đục chết hàng loạt, ruồi nhặng, dòi bọ bâu đầy gây ô nhiễm môi trường. Ảnh: T.Nhung.
    Khả năng cơ quan bảo vệ pháp luật phải vào cuộc điều tra đã có thể nhìn thấy trước sau khi Bộ Tài nguyên và môi trường họp báo công bố bước đầu khoanh vùng hai nhóm nguyên nhân gây ra thảm họa, trong đó nói có nguyên nhân là do tác động của độc tố hoá học thải ra từ hoạt động của con người trên đất liền và trên biển. 
    Mặc dù cho đến thời điểm này chưa có bằng chứng nào kết luận mối liên hệ của Formosa đến cá chết hàng loạt, tuy nhiên nhiều mối nghi ngờ vẫn đang hướng về nhà máy này khi đường ống xả thải bị chôn ngầm dưới mặt nước biển, điều mà theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà vừa thừa nhận là pháp luật Việt Nam không cho phép. 
    Vụ việc càng được dư luận quan tâm khi thời điểm Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015 chuẩn bị có hiệu lực (1/7/2016), thay thế BLHS năm 1999, trong đó có quy định việc xử lý trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân. Với hậu quả hàng trăm tấn cá biển tự nhiên và cá nuôi chết hàng loạt, câu hỏi đặt ra là, có thể khởi tố vụ án để điều tra, truy tìm nguyên nhân của thảm họa này hay không?
    Trả lời câu hỏi này của phóng viên, theo Luật sư Lê Văn Kiên, Đoàn luật sư Hà Nội, thời điểm hiện nay, do BLHS chưa có hiệu lực nên nếu thảm họa môi trường trên là do một doanh nghiệp gây ra thì cũng chưa có cơ sở truy cứu trách nhiệm hình sự đối với doanh nghiệp đó. Cơ quan điều tra chỉ có thể xử lý hình sự đối với thủ phạm là cá nhân gây ra thảm họa môi trường nghiêm trọng này, nếu đó là hậu quả của hành vi do con người gây ra.
    Theo Điều 183 BLHS năm 1999 về tội "gây ô nhiễm nguồn nước" thì "Người nào thải vào nguồn nước dầu mỡ, hoá chất độc hại, chất phóng xạ quá tiêu chuẩn cho phép, các chất thải, xác động vật, thực vật, vi khuẩn, siêu vi khuẩn, ký sinh trùng độc hại và gây dịch bệnh hoặc các yếu tố độc hại khác, đã bị xử phạt hành chính mà cố tình không thực hiện các biện pháp khắc phục theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm".
    Vậy, để việc điều tra có hiệu quả, có cần thiết phải khởi tố hình sự để điều tra hay không? Luật sư Nguyễn Chí Đại, Chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Lai Châu cho rằng, về khách quan, chúng ta đã xác định được hậu quả, xác định được hành vi cả một số tổ chức có dấu hiệu của việc xả chất thải ra môi trường. Tuy nhiên, mối quan hệ giữa hành vi xả thải và hậu quả là cá chết thì chưa xác định được. Do đó, đến thời điểm này,  cũng chưa có cơ sở để quy kết trách nhiệm hành chính cho tổ chức bị ghi ngờ và trách nhiệm hình sự đối với người đại diện của tổ chức đã ra quyết định "xả thải".
    Hơn nữa, để khởi tố cá nhân về tội danh "gây ô nhiễm nguồn nước" (theo BLHS 1999) buộc phải có điều kiện là cá nhân vi phạm "đã bị xử lý hành chính" về hành vi gây ô nhiễm môi trường, thì mới đủ điều kiện hình sự.
    Trong khi đó, hầu hết các sự kiện gây ô nhiễm môi trường do pháp nhân gây ra thì pháp nhân bị xử lý hành chính chứ không phải cá nhân. Cũng không thể lấy lý do pháp nhân đã bị xử lý hành chính để xử lý hình sự người đứng đầu pháp nhân. Do đó, rất khó để xử lý hình sự đối với cá nhân. Do vậy, việc khởi tố vụ án để truy cứu trách nhiệm thủ phạm làm chết cá trong trường hợp này hoàn toàn không phải là việc đơn giản. 
    Bên cạnh đó, khởi tố vụ án cũng không phải là giải pháp hợp lý nhất trong tình huống này. Sự kiện cá chết hàng loạt, vừa là sự kiện cần lý giải về khoa học, kỹ thuật vừa là sự kiện cần quy kết trách nhiệm pháp lý.
    Nếu các cơ quan quản lý chuyên ngành như Bộ Tài nguyên và môi trường, Bộ Khoa học - công nghệ chứng minh được nguyên nhân cá chết hàng loạt là do lỗi của tổ chức, cá nhân gây ra chứ không phải là do bất thường của môi trường tự nhiên, lúc đó mới cần khởi tố vụ án để các cơ quan pháp luật xử lý trách nhiệm.
    Việc khởi tố vụ án trước khi xác định được nguyên nhân chính xác có thể khiến cơ quan khởi tố rơi vào thế "việt vị" vì vụ án có thể phải đình chỉ do không tìm được bị can.
    Tình huống này cũng cho thấy sự bất cập của chính sách hình sự đang tồn tại trong BLHS 1999. Nếu so sánh quy định về gây ô nhiễm môi trường do xả thải trái pháp luật giữa BLHS 1999 và BLHS 2015 thấy, quy định của BLHS 2015 cụ thể và rõ ràng hơn nhiều. Trong đó, BLHS năm 2015 có nhiều thay đổi về quy định liên quan đến tội phạm này. Hành vi gây ô nhiễm nguồn nước được quy định chung trong một tội về  gây ô nhiễm môi trường và áp dụng cho cả cá nhân, pháp nhân.
    Theo đó, hành vi gây ô nhiễm nguồn nước được quy định là hành vi '"xả thải ra môi trường từ 5.000 m3/ngày đến dưới 10.000 m3/ngày nước thải có các thông số môi trường nguy hại vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 10 lần trở lên" thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm (Điều 235 BLHS).
    Và theo quy định mới sẽ được áp dụng từ ngày 1/7/2016, cũng không cần chờ đến khi cá chết hay phải bị xử lý hành chính, nếu tổ chức, cá nhân nào xả ra môi trường khối lượng từ 5.000m3/ngày đêm nước thải vượt tiêu chuẩn môi trường từ 10 lần trở lên là có thể bị xử lý hình sự ngay. Quy định này rất cụ thể và đảm bảo tính khả thi để xử lý vụ việc như đang xảy ra.
    Trong cuộc họp ngày 1/5/2016, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo phải tìm cho ra thủ phạm và không bao che, cho dù là tổ chức hay cá nhân nào nhưng việc không hình sự hóa các quan hệ hành chính, thương mại cũng là chủ trương mà chỉ cách đây ít hôm Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo và yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương phải quán triệt và thực hiện đúng. Và quan trọng hơn hết, lúc này cần sự nhanh chóng, khách quan và chí công vô tư của các cơ quan khoa học, cơ quan bảo vệ pháp luật để thủ phạm được nhanh chóng đưa ra ánh sáng, tạo niềm tin cho người dân.
    BÌNH MINH

    Tưởng niệm 41 năm quốc hận và 13 năm Tượng Đài Chiến Sĩ Việt-Mỹ

    Lâm Hoài Thạch/Người Việt
    WESTMINSTER, California (NV) - Hôm Thứ Bảy, ngày 30 Tháng Tư, Ủy Ban Xây Dựng Tượng Đài Chiến Sĩ Việt-Mỹ long trọng tổ chức Lễ Tưởng Niệm 41 Năm Quốc Hận và 13 Năm Thành Lập Tượng Đài Chiến Sĩ Việt-Mỹ, Westminster.

    Lễ rước quốc quân kỳ Việt-Mỹ vào Tượng Đài Chiến Sĩ Việt-Mỹ. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

    Chủ tọa đoàn, gồm các cựu đại tá Lê Bá Khiếu, Phạm Văn Thuần, Trần Ngọc Thống, và Nguyễn Kỳ Nguyên.

    Quan khách đến tham dự có Thượng Tọa Thích Viên Huy, trụ trì chùa Điều Ngự, Westminster; Linh Mục Nguyên Thanh, và Mục Sư Phùng Quang, cùng các vị dân cử như bà Janet Nguyễn, thượng nghị sĩ tiểu bang California; Luật Sư Andrew Đỗ, giám sát viên Orange County; ông Tạ Đức Trí, thị trưởng Westminster; ông Bảo Nguyễn, thị trưởng Garden Grove; ông Vincent Sarmiento, phó thị trưởng Santa Ana; ông Phát Bùi, nghị viên Garden Grove kiêm chủ tịch Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Nam California; bà Diana Carey, nghị viên Westminster; Bác Sĩ Võ Đình Hữu, chủ tịch Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Liên Bang Hoa Kỳ; ông Craig Mandeville, chủ tịch Ủy Ban Xây Dựng Tượng Đài, ông Vĩnh Lộc Trần, phụ tá của bà Michelle Steel, giám sát viên Orange County...

    Thay mặt ban tổ chức, bà Thúy Phương chia sẻ niềm đau thương trong ý nghĩa của ngày tưởng niệm Tháng Tư Đen.

    “Ngày 30 Tháng Tư, năm 2016, người Việt Nam trên thế giới nói chung và tại Hoa Kỳ nói riêng đang bước vào năm thứ 41 của kiếp sống xa quê hương, và hai chữ 'tổ quốc' mãi hoài là nỗi đau khắc khoải trong lòng,” bà Thúy Phương nói.

    Bà nói tiếp, “Đã 41 năm kể từ ngày Sài Gòn bị mất tên, từ ngày người miền Nam Việt Nam bị rơi vào tay Cộng Sản, chúng ta đã từng ngậm đắng nuốt cay để mong góp tay, góp sức xây dựng lại một quê hương Việt Nam đổ nát sau chiến tranh. Nhưng rốt cuộc, hàng triệu triệu người Việt Nam trong 41 năm qua đã lưu lạc khắp nơi trên thế giới.”

    Ông Peter Nguyễn, phó chủ tịch Ủy Ban Xây Dựng Tượng Đài, kiêm chủ tịch Hội Quốc Gia Nghĩa Tử, ngỏ lời chào mừng và cám ơn quan khách và đồng hương tham dự. Ông cho biết, mục đích buổi lễ là để cùng nhau tưởng niệm đến những ngày này cách đây 41 năm về trước, Cộng Sản đã cưỡng chiếm miền Nam tự do, áp đặt một chế độ hà khắc đảng trị đưa đất nước vào vòng đói nghèo, chậm tiến, đưa cả dân tộc vào vòng nô lệ chủ nghĩa Cộng Sản...

    “Hôm nay cũng là ngày kỷ niệm 13 năm Tượng Đài Chiến Sĩ Việt-Mỹ được xây dựng, biểu tượng những hy sinh cao cả của người lính Việt Nam Cộng Hòa và đồng minh,” ông tuyên bố.

    Kế đến là nghi thức khai mạc, do Tổng Hội Cựu Sinh Viên Sĩ Quan Đại Học Chiến Tranh Chính Trị, Hội Ái Hữu Cựu Nữ Sinh Gia Long, Nam California, và Biệt Đội Văn Nghệ QLVNCH thực hiện, trước khi tiến hành nghi lễ đặt vòng hoa của Ủy Ban Xây Dựng Tượng Đài Chiến Sĩ Việt Mỹ, Hội Ái Hữu Cựu Sinh Viên Sĩ Quan Trường Đại Học Chiến Tranh Chánh Trị Đà Lạt, Hội Ái Hữu Cựu Tù Cộng Sản Suối Máu, Tăng Đoàn Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại, chùa Điều Ngự, Hội Ái Hữu Cựu Nữ Sinh Gia Long Nam California, Hội Ái Hữu Liên Trường Nam California, Hội Ái Hữu Tây Sơn Bình Định, và Hội Quốc Gia Nghĩa Tử Nam California. 

    Quan khách niệm hương trước bàn thờ tổ quốc. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

    Kế đến là lễ cầu nguyện và dâng hương trước bàn thờ tổ quốc do các đại diện tôn giáo thực hiện, theo sau là quan khách, đại diện chánh quyền, đoàn thể và đồng hương đến niệm hương trước bàn thờ tổ quốc.

    Chương trình được tiếp tục với ông Hồ Ngọc Minh Đức, đại diện Ủy Ban Xây Dựng Tượng Đài Chiến Sĩ Việt-Mỹ.

    Ông nói: “Trong thời gian chiến tranh Việt Nam, hàng trăm ngàn quân nhân, công chức, cán bộ và các lực lượng đồng minh đã hy sinh mạng sống để cố gắng bảo vệ tự do, dân chủ của miền Nam Việt Nam. Đài Tưởng Niệm Chiến Sĩ Việt-Mỹ này được xây dựng lên không chỉ để tưởng niệm 250,000 binh sĩ miền Nam Việt Nam, 58,000 binh sĩ Mỹ, mà còn để bảo đảm rằng, sự hy sinh sau cùng của họ cho tự do của Việt Nam sẽ không bao giờ bị lãng quên. Họ sẽ luôn luôn được vinh danh.”

    “Hôm nay, chúng ta may mắn được có nhiều vị lãnh đạo các tôn giáo có mặt để hướng dẫn chúng ta cầu nguyện. Chúng ta cần phải cầu nguyện nhiều hơn nữa, không chỉ cầu nguyện cho các vị anh hùng, liệt nữ chết trong cuộc chiến, các vị tướng lãnh và quân dân cán chính tuẫn tiết, mà chúng ta cũng nên nhớ cầu nguyện cho những người kém may mắn không thể thoát ra khỏi Việt Nam,” ông nói thêm.

    Thượng Nghị Sĩ Janet Nguyễn phát biểu: “Đây là ngày Cộng Sản chiếm miền Nam Việt Nam, bắt hàng ngàn chiến sĩ VNCH vào tù, lấy tài sản và bắt đồng bào đi kinh tế mới xa xôi hiểm nghèo. Hơn 40 năm qua, họ làm cho văn hóa Việt Nam bị tồi tệ, để hải đảo mất vào tay Trung Cộng. Người Việt Nam ở hải ngoại trên thế giới đều ghi nhớ Tháng Tư Đen, tháng đau khổ nhất của dân tộc Việt Nam.”

    Bà cũng cho biết, hôm Thứ Năm, 28 Tháng Tư, bà đã đưa ra một nghị quyết, được Thượng Viện California đồng thuận thông qua, chính thức công nhận Tháng Tư năm 2016 là tháng tưởng niệm Tháng Tư Đen, nhằm tưởng nhớ các chiến sĩ đã hy sinh cho tự do và dân chủ. Và nghị quyết này cũng để tưởng nhớ đến các anh linh các chiến sĩ chết trong tù Cộng Sản và những đồng bào chết trên đường vượt biên tìm tự do.


    Tiếp theo là phần phát biểu của Thị Trưởng Garden Grove Bảo Nguyễn, cựu Đại Tá Lê Bá Khiếu, và cô Roxanne Chow, đại diện ông Tom Daly, dân biểu tiểu bang California.

    05-01-2016 2:18:33 PM 

    Đoàn Nguyên Đức và 'giấc mơ tỷ phú đô la'

    Theo Người Việt-05-01-2016 4:01:54 PM 
    Phạm Chí Dũng
    Ông Đoàn Nguyên Đức, vẫn thường được gọi là Bầu Đức, chủ nhân công ty cổ phần Hoàng Anh-Gia Lai, và luôn được giới kinh tài xếp vào một trong những người giàu nhất Việt Nam, xứng đáng là nhãn tiền cho bi kịch “người giàu cũng khóc” ở đất nước mà ai cũng có thể chết này. 

    Kết cục “giấc mơ tỷ phú đô la”

    Năm 2011, chỉ vài tháng trước khi Hoàng Anh-Gia Lai bất ngờ bị một tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế là Standard & Poor (S&P) hạ bậc tín nhiệm từ B xuống B-, Bầu Đức đã tuyên bố rất tự tin với báo giới rằng chậm nhất đến năm 2014, ông sẽ trở thành tỷ phú thế giới.

    Hẳn là Hoàng Anh-Gia Lai đã từng trải qua buổi bình minh êm dịu, trước khi ráng hoàng hôn đầu tiên hiện ra.
    Năm 2013, màu tối hoàng hôn bắt đầu phủ sẫm lên Hoàng Anh-Gia Lai. Công ty này bị một tổ chức hoạt động vì môi trường có tiếng trên thế giới là Global Witness (GW) cáo buộc đã phá rừng ở Cambodia và Lào với việc công bố một báo cáo mang tên “Các ông trùm cao su: Cách thức các công ty Việt Nam và các nhà tài phiệt quốc tế đang tiến hành cuộc khủng hoảng chiếm đất tại Cambodia và Lào.” Theo đó, tập đoàn Hoàng Anh-Gia Lai và tập đoàn Công Nghiệp Cao Su Việt Nam (VRG) “có liên quan đến việc chặt đốn khu rừng nguyên vẹn trong và ngoài phạm vi ranh giới nhượng quyền, trái với các quy định của pháp luật.” Giới truyền thông không chỉ trong nước mà cả quốc tế lập tức lên tiếng mổ xẻ về sự tàn nhẫn của Hoàng Anh-Gia Lai khi đuổi nông dân để lấy rừng. Bầu Đức đã phải khốn khó mới “làm êm” được vụ tai tiếng này.

    Có thể câu chuyện “làm ác” như thế đã không mang lại hậu sự ngọt dịu. “Đến hẹn” năm 2014, những con số nợ nần lớn chưa từng thấy của Hoàng Anh-Gia Lai phát lộ. Hai năm sau đó, trong bối cảnh số doanh nghiệp Việt Nam phải ngừng hoạt động và phá sản vào quý 1 năm nay tăng tới 23% so với cùng kỳ năm 2015, một lần nữa người ta nghe tiếng kêu than từ Hoàng Anh-Gia Lai. Nợ nần phát tác.

    2016 rõ ràng là “một năm kinh tế rất khó khăn” - như trần thuật của chính những chuyên gia nhà nước. Có người còn bình thêm: Tình hình này không có đại gia chết mới là lạ.

    Cuộc suy thoái kinh tế đã kéo dài đến năm thứ tám trên dải đất hình chữ S, không chỉ vắt kiệt sức chịu đựng của tầng lớp bình dân, mà hàng hàng lớp lớp đại gia nhiều ngành nghề khác nhau đã dần đội nón ra đi.

    Mở đầu năm nay, không phải tập đoàn Tân Tạo của ứng cử viên độc lập quốc hội vừa bị loại là Đặng Thành Tâm, mà chính Hoàng Anh-Gia Lai của Đoàn Nguyên Đức đang là cái tên rơi vào vòng nguy khốn có thể phá sản.

    Tính đến cuối năm 2015, theo báo cáo hợp nhất kiểm toán của Hoàng Anh-Gia Lai, công ty này có tổng vay nợ gần 27,100 tỷ đồng, đặc biệt là 8,297 tỷ đồng sẽ đến hạn thanh toán trong năm 2016. Trong đó chủ nợ là các ngân hàng chiếm 24,870 tỷ đồng còn lại là trái phiếu phát hành cho tổ chức tài chính khác.

    Để ngân hàng chấp nhận những khoản vay, Hoàng Anh-Gia Lai đã phải thế chấp nhiều tài sản. Trong đó, đáng chú ý nhất chính là công ty của Bầu Đức phải thế chấp cả khu liên hợp học viện bóng đá. Để vay một số khoản vay ngắn hạn nữa, Hoàng Anh-Gia Lai cầm cố thêm bệnh viện đại học y dược Hoàng Anh-Gia Lai.

    “Domino” ngân hàng?

    Trong số các chủ nợ là ngân hàng có Ngân Hàng Đầu Tư Phát Triển (BIDV) với dư nợ lớn nhất - hơn 10,600 tỷ đồng, bao gồm 1,870 tỷ cho vay ngắn hạn và 2,870 tỷ cho vay dài hạn và lượng lớn còn lại 5,900 tỷ đồng trái phiếu.

    Ngân hàng Eximbank cũng “dính” với Hoàng Anh-Gia Lai gần 4,000 tỷ đồng.

    Đáng chú ý, cả BIDV và Eximbank đều là nhóm ngân hàng thuộc loại mạnh nhất trong hệ thống ngân hàng Việt Nam. Trong quan điểm của Ngân Hàng Nhà Nước, có thể cho phá sản một số ngân hàng nhỏ, nhưng BIDV và Eximbak luôn phải là những lô cốt cuối cùng.

    Nhưng mới đây, một phó giám đốc chi nhánh BIDV tại Long An đã treo cổ tự tử, chưa rõ vì nguồn cơn gì. Có thể cho đây là cái chết đầu tiên theo nghĩa đen của một quan chức BIDV. Trước đó, nhiều vụ bị bắt bớ, truy tố và “tự chết” chỉ thường xảy đến với lớp quan chức của Agribank - cũng là một trong số ngân hàng “con cưng” của Ngân Hàng Nhà Nước.

    Trong trường hợp Hoàng Anh-Gia Lai có “mệnh hệ” gì, chắc chắn hai ngân hàng BIDV và Eximbank sẽ phải chịu ảnh hưởng không nhỏ. Vấn đề là khi đó Ngân Hàng Nhà Nước có dang tay “cứu” BIDV và Eximbank, hay để hai ngân hàng này “tự bơi.”

    Vào năm 2014 và 2015, Ngân Hàng Nhà Nước đã tìm cách cứu vớt ba ngân hàng Đại Dương, Xây Dựng và GP bằng cách mua lại với giá 0 đồng, nếu không cả ba ngân hàng này đã hoàn toàn phá sản.

    Cũng vào năm 2014, lần đầu tiên nợ xấu thực của Việt Nam được chính ông Nguyễn Văn Bình, khi đó còn là thống đốc Ngân Hàng Nhà Nước, thừa nhận lên đến khoảng 500,000 tỷ đồng, tức chiếm đến 17% tổng dư nợ, trong khi những năm trước Ngân Hàng Nhà Nước và Chính phủ chỉ báo cáo tỉ lệ nợ xấu từ 3-4%.

    Vấn đề đang trở nên căng thẳng hơn rất nhiều so với quá khứ. Nếu trong quá khứ, không một cơ quan nào từ Ủy Ban Giám Sát Tài Chính Quốc Gia đến Ngân Hàng Nhà Nước biết rõ con số nợ xấu của từng ngân hàng thương mại cổ phần là bao nhiêu, thì tình thế hiện thời cũng không thể khá hơn. Công ty quản lý tài sản quốc gia (VAMC) được Ngân Hàng Nhà Nước đẻ ra từ năm 2013 để “ôm” nợ xấu, nhưng cho đến nay mới chỉ mua được chưa đầy 10% nợ xấu bằng tiền mặt, số còn lại chỉ “xử lý” trên giấy tờ.

    BIDV là một trong những đại gia ngân hàng bị đồn đoán có tỉ lệ nợ xấu cao hơn hẳn số báo cáo dưới 3%. Một trong những bằng chứng đáng lo ngại nhất là số cho vay hàng chục ngàn tỷ đồng của ngân hàng này đối với Hoàng Anh-Gia Lai sẽ “không cánh mà bay.”

    Những chính khách nào?

    Ông Đoàn Nguyên Đức từng được Wall Street Journal, một tờ báo có uy tín bậc nhất trong hệ thống truyền thông tài chính của Mỹ, bình chọn là một trong 29 doanh nhân quyền lực nhất Đông Nam Á. Nhưng ở chiều ngược lại, chưa cần bàn đến kế hoạch phát triển hay giấc mơ tỷ phú đô la của ông, mà chỉ cần trong năm 2016, Hoàng Anh-Gia Lai có đủ tiền để trả nợ ngắn hạn và lãi vay cho ngân hàng cũng sẽ là một thành công khó tưởng tượng.

    Chi tiết oái oăm là số nợ của Hoàng Anh-Gia Lai hiện thời lại lên đến khoảng $1.2 tỷ theo tỷ giá quy đổi, vượt hơn cả “giấc mơ tỷ phú đô la” của Bầu Đức cách đây năm năm.

    Giờ đây, lần đầu tiên hàng chục ngân hàng phải ngồi lại với nhau để kiến nghị chính phủ cho “tái cơ cấu nợ của Hoàng Anh-Gia Lai.” Cơ hội kéo dài hấp hối của tập đoàn này cũng vì thế vẫn còn nhen nhóm.

    Nhưng không có nghĩa là mọi rủi ro phá sản sẽ trôi tuột.

    Nếu trong thời gian tới Hoàng Anh-Gia Lai phá sản, đây sẽ là câu chuyện ra đi đầu tiên của một đại gia nằm trong số những người giàu nhất Việt Nam, báo hiệu cơn khủng hoảng kinh tế rất cận kề của đất nước khốn khổ về tham nhũng, phân hóa giàu nghèo và tính người này. Tiếp theo đó, gần như chắc chắn sẽ xuất hiện hàng loạt cái tên ngân hàng khác lâm vào tình cảnh mất cân đối tài chính mà Ngân Hàng Nhà Nước không thể mãi “ôm.”

    Chưa kể, sự ra đi của Hoàng Anh-Gia Lai có thể làm bục ra nhiều mối quan hệ với những chính khách nào đó - từ cấp địa phương đến cấp trung ương. Nhất là trong bối cảnh chưa bao giờ các nhóm lợi ích và nhóm quyền lực “sống chết” với nhau như hiện thời.

    Thời gian tới lại có thể hiện ra một chiến dịch “chống tham nhũng” của đảng cầm quyền để qua đó “tinh giản nhân sự” và cắt đi những hậu họa không nên để quá lâu.