Saturday, July 20, 2019

CSVN ‘tiền hậu bất nhất’: Nguyễn Xuân Phúc từng khen Zalo, nay đòi thu hồi


Zalo được xem là ứng dụng OTT thu hút người dùng tại Việt Nam. (Hình: VietnamInsider.vn)
HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Công luận hôm 19 Tháng Bảy xôn xao trước tin CSVN yêu cầu thu hồi tên miền Zalo ngay lập tức vì “hoạt động mạng xã hội không phép.”
Báo Tuổi Trẻ cho hay: “Thanh Tra Sở Thông Tin Truyền Thông thành phố ở Sài Gòn vừa có văn bản yêu cầu các nhà đăng ký và quản lý tên miền tại Việt Nam dừng cung cấp hai tên miền Zalo.vn và Zalo.me thuộc sở hữu của Công Ty Cổ Phần VNG. Trước đó, năm 2018, thanh tra sở cũng đã xử phạt hành chính đối với hoạt động mạng xã hội không phép này. Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, phía công ty vẫn không tiến hành xin phép mạng xã hội cho Zalo. Các bên liên quan phải dừng cung cấp tên miền Zalo.vn và Zalo.me trước ngày 19 Tháng Bảy.”
Việc thu hồi tên miền Zalo cũng diễn ra chỉ vài ngày sau khi Bộ Trưởng Thông Tin Truyền Thông CSVN Nguyễn Mạnh Hùng mạnh miệng “đòi làm mạng xã hội thay thế Facebook vì triết lý của Facebook giờ không còn phù hợp với thế giới nữa.” Điều này khiến dấy lên suy đoán trên mạng xã hội rằng đây là cách “cướp có chính danh” thị phần và hệ thống của Zalo để giao lại cho một mạng xã hội khác “có tính định hướng” như VCNET do Ban Tuyên Giáo CSVN vừa thiết lập.
Đến nay, Zalo được nhiều người trẻ ở Việt Nam sử dụng chủ yếu là nhờ ứng dụng OTT (nghe, gọi video miễn phí qua Internet) và OTT này được xem là chiến lược thành công của Công Ty VNG sau thất bại khi làm mạng xã hội Zing Me nhái theo Facebook.
Người dùng app Zalo có thể tham gia nhiều hoạt động với ứng dụng này, như Zalo Shop theo mô hình thương mại điện tử, Zalo Food với dịch vụ giao đồ ăn, dịch vụ đặt xe Zalo Transport, hay dịch vụ tổng hợp tin tức Zalo Channel…
Đến nay, đại diện Zalo Group, trực thuộc VNG, luôn khẳng định Zalo trước sau như một, chỉ phát triển theo mô hình OTT chứ không phải mạng xã hội. Tuy nhiên, do trong các quy định quản lý công nghệ ở Việt Nam hiện nay không có quy định về quản lý OTT nên cơ quan chức năng… xử phạt Zalo với lý do “không xin phép mạng xã hội.”
Trong khi một loạt báo nhà nước răm rắp đăng “tuyên ngôn” của Bộ Trưởng Hùng về mạng xã hội “made in Vietnam,” đáng lưu ý là chuyên trang công nghệ ICTNews của chính Bộ Thông Tin Truyền Thông hôm 17 Tháng Bảy lại đưa ý kiến “trái chiều”: “Các chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp trong nước nếu muốn phát triển mạng xã hội cần bỏ qua những suy nghĩ thiển cận như làm ra ‘để cạnh tranh với Facebook, để đánh bại Facbook’ rồi quảng bá trên trời… Thay vào đó các doanh nghiệp nên tập trung vào làm sản phẩm cho tốt, tạo thiện cảm để lôi kéo người dùng về sử dụng sản phẩm của mình, nhất là luôn sáng tạo và đón đầu các xu hướng cũng như nền tảng công nghệ mới. Bởi mạng xã hội không phải chỉ là Facebook mà còn nhiều lĩnh vực và công nghệ khác.” (T.K.)

Asanzo sắp kiện báo Tuổi Trẻ vì bị cáo buộc ‘hàng Tàu đội lốt Việt’

Ông Phạm Văn Tam, CEO Asanzo. (Hình: SoHa.vn)
SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – “Chúng tôi tổn thất rất lớn. Số liệu thực tế của các đơn vị lớn, nhỏ cộng thêm các doanh số không bán được ước tính thiệt hại vài trăm tỷ đồng (hàng triệu đô la Mỹ). Doanh nghiệp bao nhiêu năm xây dựng đã sụp đổ coi như chẳng còn gì,” ông Phạm Văn Tam, CEO Asanzo, được trang tin kinh tế BizLIVE và SoHa.vn hôm 18 Tháng Bảy dẫn lời.
Hành động này liên quan đến vụ báo Tuổi Trẻ hồi tháng trước gây chấn động công luận với phóng sự cáo buộc Asanzo “là hàng Trung Quốc đội lốt hàng Việt Nam.” Loạt bài của tờ báo dẫn đến việc một loạt chuỗi cửa hàng kinh doanh điện máy ở Sài Gòn tiến hành thu đổi sản phẩm Asanzo trong lúc công luận dấy lên làn sóng đòi tẩy chay thương hiệu này vì tội “lừa dối.”
Theo các trang tin nêu trên, ông Tam “xác nhận công ty đang làm các thủ tục để khởi kiện báo Tuổi Trẻ” và “sắp làm việc với tòa án.”
Ông Tam cũng đưa cáo buộc báo tờ báo này “không hợp tác.”
Ông Phạm Văn Tam được trích lời trên trang SoHa.vn: “Trong quy trình sản xuất sản phẩm mang thương hiệu Asanzo, dù 100% linh kiện nhập nhưng khi hoàn thiện khâu cuối cùng ở Việt Nam thì công ty vẫn có thể ghi là ‘Made in Vietnam.’ Hiện rất nhiều doanh nghiệp có mô hình kinh doanh tương tự như Asanzo và công ty đang chờ cơ quan trách nhiệm xác minh sự việc. Giải quyết việc làm cho 2,000 công nhân là vấn đề nhức đầu, kho bãi nhà xưởng hiện nay treo hết, đối tác họ e ngại đòi tiền, đó là hệ lụy không thể đo được bằng tiền.”
Trong vụ Asanzo “là hàng Trung Quốc đội lốt hàng Việt Nam,” có thuyết âm mưu trên mạng xã hội cho rằng đây là chiêu thức tận dụng cơn khủng hoảng truyền thông của đối thủ để giành thị phần của Asanzo. Để củng cố giả thuyết này, một số blogger dẫn link bài trên báo điện tử Người Đồng Hành cho hay Vingroup “đang nghiên cứu sản xuất máy lạnh, TV; xây VinTech thành thung lũng Silicon.”
Trong vụ khủng hoảng của Asanzo, hầu hết các Facebooker đứng về phía báo Tuổi Trẻ. Nhưng cũng có người như Facebooker Hưng Phạm Ngọc đưa ý kiến trái chiều. Người này viết trên trang cá nhân: “Để có chiếc TV đó, Tam giảm bớt số cổng giao tiếp cho rẻ, thiết kế lại bo mạch bảo đảm điện thế sụt xuống 90V vẫn không chết, rồi viết phần mềm TV để người không rành công nghệ vẫn dễ dàng sử dụng. Chỉ cần ba điểm chính đó, tôi kết luận ngay TV Asanzo có giá trị sáng tạo đích thực bắt nguồn từ thực tiễn, không vay mượn, không gian dối.”
“Thế nên, không cần căn cứ vào luật định rằng xuất xứ hàng hóa là nơi thực hiện công đoạn sản xuất cuối cùng, thì giá trị đó cũng đủ để Asanzo tự nhận là ‘hàng Việt’ với tư thế ngẩng cao đầu. Tôi tin chắc rằng, nếu cơ quan chức năng làm việc sòng phẳng, Asanzo phải được rửa sạch tai tiếng, và Tuổi Trẻ sẽ phải chịu trách nhiệm về đòn bẩn của mình,” theo Facebook Hưng Phạm Ngọc.
Trong bối cảnh báo chí nhà nước đã có tiền lệ tạo nên các đợt khủng hoảng truyền thông như “nước mắm nhiễm asen,” “cà phê bẩn”… vào các năm trước, công luận khó có cái nhìn chính xác về những gì đang diễn ra bên dưới các bài báo “gây chấn động.” Do vậy, với vụ Asanzo “là hàng Trung Quốc đội lốt hàng Việt Nam,” công luận còn phải chờ xem diễn biến sắp tới thế nào. (T.K.)

Tử hình công an Hải Phòng vì trộm 5 kg ma túy tang vật đem bán

Các bị cáo (từ trái) Ngọc Anh, Phạm Quốc Việt, Bùi Thị Quyên, Phạm Đức Công tại phiên tòa sơ thẩm. (Hình: VTC)
HẢI PHÒNG, Việt Nam (NV) – Một công an tỉnh Hải Phòng đã bị tòa tuyên án tử hình do trộm ma túy tang vật của đơn vị đem đi bán.
Theo báo Zing, ngày 15 Tháng Bảy, 2019, Tòa Án thành phố Hải Phòng đã mở lại phiên tòa sơ thẩm xét xử hai cựu cán bộ công an về tội “mua bán trái phép chất ma túy.”
Tại phiên án lần này, tòa đã tuyên tử hình bị cáo Phạm Quốc Việt (26 tuổi, cán bộ Đội 3, Phòng Cảnh Sát Điều Tra Tội Phạm Về Ma Túy, Công An Hải Phòng) và 20 năm tù bị cáo Phạm Đức Công (34 tuổi, cán bộ Công An phường Thượng Lý, quận Hồng Bàng).
Riêng hai nữ bị cáo là bạn gái của Việt và Công là Bùi Thị Quyên bị 15 tháng tù giam và Trần Thị Ngọc Anh bị 12 tháng tù treo do “không tố giác tội phạm.”
Theo cáo trạng của Viện Kiểm Sát Nhân Dân thành phố Hải Phòng, Việt khai ngày 8 Tháng Hai, 2018, với chức vụ là trinh sát Công An Hải Phòng đã tham gia vụ bắt quả tang ông Bùi Công Doanh (56 tuổi) vận chuyển trái phép 5.85 kg ma túy dạng đá.
Sau khi cơ quan hữu trách lấy mẫu ma túy đi giám định, số lượng còn lại hơn 5.75 kg được lãnh đạo Phòng Cảnh Sát Điều Tra Tội Phạm Về Ma Túy, Công An Hải Phòng giao cho Đội 3 cất giữ tại tủ sắt ở cơ quan.
Cuối Tháng Ba, 2018, động lòng tham Việt cạy tủ lấy cắp số ma túy tang vật trên và đánh tráo bằng 6 kg đường phèn. Toàn bộ số ma túy này, Việt chia nhỏ thành nhiều túi mang về nhà trọ của bạn gái cất giữ rồi liên hệ với Công tìm khách tiêu thụ.
Tin cho biết, đến 1 giờ 15 phút khuya ngày 27 Tháng Tư, 2018, Phòng Cảnh Sát Hình Sự phối hợp với Công An quận Hồng Bàng kiểm tra một nhà nghỉ, bắt quả tang Công đang tàng trữ trái phép hơn 500 gram ma túy đá.
Khai với giới hữu trách, Công cho biết 10 ngày trước Việt có gọi điện thoại nhờ tìm người tiêu thụ ma túy đá. Công nhận lời và đòi có “hàng” để khách kiểm tra phẩm chất rồi mới thỏa thuận giá cả.
Nửa đêm ngày 17 Tháng Tư, 2018, Công chạy xe gắn máy ra gần cầu vượt Lạch Tray nhận hơn 500 gram ma túy đá rồi trở về nhà nghỉ đợi bạn gái đến. Sau đó chẳng may bị đồng nghiệp ập vào bắt giữ.
Hay tin Công bị bắt, Việt bỏ trốn khỏi nơi cư trú. Khám phòng trọ nơi bạn gái Việt ở, cảnh sát thu 13 gói ma túy đá. Hai hôm sau, Việt ra đầu thú khai nhận hết tội của mình. (Tr.N)

Trần Bắc Hà, đàn em thân tín của Nguyễn Tấn Dũng, chết trong tù

Trần Bắc Hà và Nguyễn Tấn Dũng. (Hình: Facebook Khanh vũ)
HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Ông Trần Bắc Hà, cựu chủ tịch Ngân Hàng Đầu Tư và Phát Triển Việt Nam (BIDV), người còn được biết đến là một đàn em thân tín của cựu Thủ Tướng CSVN Nguyễn Tấn Dũng, đột ngột chết trong tù sau hơn bảy tháng bị khởi tố, tạm giam.
Truyền thông trong nước đồng loạt loan tin vào Thứ Năm, 18 Tháng Bảy.
Báo Tuổi Trẻ cùng ngày tường thuật: “Ông Trần Bắc Hà bị tạm giam ở một trại quân đội tại Sóc Sơn và được xác định tử vong với nguyên nhân được cho là ‘bị bệnh.’ Nguồn tin xác nhận ông Bắc Hà được đưa vào Viện 105 sáng 18 Tháng Bảy và được xác định ‘tử vong ngoại viện’ (mất trước khi đưa vào bệnh viện). Ông Hà nhiều năm nay có trọng bệnh về gan và từng chữa trị ở nước ngoài.”
Hồi Tháng Mười Một, 2018, Cơ Quan Cảnh Sát Điều Tra Bộ Công An CSVN (C03) tống đạt các quyết định khởi tố bị can và thi hành lệnh bắt tạm giam, khám xét đối với ông Trần Bắc Hà để điều tra về tội “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng” theo Điều 206 Bộ Luật Hình Sự CSVN năm 2015.
Thời điểm đó, mạng xã hội dậy sóng trước tin ông Trần Bắc Hà bị bắt ở ở Pakse, Lào, và dẫn giải về Việt Nam, vì từng có tin đồn ông Hà bị ung thư và điều trị tại Singapore.
Do ông Hà khá kín tiếng trên truyền thông nhà nước, nên có nhiều “giai thoại” về ông được lan truyền trên mạng xã hội, và một số blogger tin rằng ông “từng phang cả ghế vào vị phó chủ tịch tỉnh Bình Định; chửi quan chức cấp tỉnh như chửi con ở; nằng nặc đòi hút thuốc giữa sàn chứng khoán Tokyo; bắt cả chuyến bay dừng lại đợi mình tới trễ…”
Đến Tháng Ba, 2019, ông Trần Duy Tùng, 34 tuổi, con trai ông Trần Bắc Hà và là chủ tịch Hội Đồng Quản Trị Công Ty Cổ Phần An Phú ở Quy Nhơn, Bình Định – cũng bị khởi tố, bắt tạm giam về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.”
Tin gần đây nhất là hôm 15 Tháng Bảy, Sở Kế Hoạch-Đầu Tư tỉnh Bình Định cho biết Ủy Ban Nhân Dân tỉnh này đã ban hành tiêu chí đấu giá quyền sử dụng đất thực hiện dự án tại khu đất K200 trên đường An Dương Vương, sát bờ biển Quy Nhơn. Đây là “khu đất vàng” từng được ưu ái giao cho ông Trần Duy Tùng.
Vào cuối Tháng Năm, 2018, Ủy Ban Kiểm Tra Trung Ương đưa ra kết luận về những vi phạm của ông Trần Bắc Hà trong vụ án Ngân Hàng BIDV là rất nghiêm trọng.
Những sai phạm của ông Trần Bắc Hà được kể ra như “vi phạm quy trình, thủ tục, thẩm quyền, quy định về tín dụng trong việc phê duyệt chủ trương, quyết định một số khoản vay, bảo lãnh, đầu tư, quản lý nợ, bao gồm việc phê duyệt chủ trương cho vay 4,700 tỷ đồng (hơn $20.1 triệu) với 12 công ty liên quan đến vụ án xảy ra tại Ngân Hàng Xây Dựng (VNCB).”
Sau kỳ họp của Ủy Ban Kiểm Tra Trung Ương đảng CSVN vào cuối Tháng Sáu, 2018, ông Trần Bắc Hà bị kỷ luật bằng hình thức “khai trừ khỏi đảng CSVN.” Quyết định này đã thu hút nhiều sự chú ý của dư luận vì theo phân tích của những nhà quan sát chính sự Việt Nam, ông Hà từng có một vai trò rất quan trọng bên cạnh ông Nguyễn Tấn Dũng.
Theo nhận định của một số nhà báo độc lập ở Việt Nam, mặc dù lúc đó ông Hà chỉ là chủ tịch Hội Đồng Quản Trị của BIDV nhưng qua mặt cả ông Nguyễn Văn Bình, là thống đốc Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam.
Nhiều nguồn thạo tin trong nước còn biết đến ông Trần Bắc Hà là một Phật tử mộ đạo, cúng dường vô số cho nhiều chùa chiền.
Ông Trần Bắc Hà sinh năm 1956 tại Bình Định, có 35 năm làm việc tại BIDV. Với 8 năm 8 tháng giữ chức chủ tịch Hội Đồng Quản Trị của BIDV, ông Hà được coi là “linh hồn” của ngân hàng này trong suốt thời gian dài. Thế nhưng, công luận biết đến ông Trần Bắc Hà nhiều hơn ở vị thế là “đàn em thân tín của cựu Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng, người có quyền uy đầy tai tiếng một thời.” (T.K.)