Thursday, December 3, 2015

Chủ nghĩa xã hội hay chủ nghĩa lệ thuộc?

Đại Nghĩa (Danlambao) - Sau khi thành trì khối CNXH Đông Âu và Liên Xô sụp đổ thì bọn lãnh đạo đảng CSVN sợ mất chỗ dựa, mất CNXH ở Việt Nam nên quay sang thần phục Tàu, cầu xin Đại Hán Thiên triều che chở. Những lời lẽ thù hằn chửi rủa “quân bành trướng Bắc kinh” sau những trận đánh nhau chí tử ở 6 tỉnh biên giới năm 1979, Hà Giang năm1984 và đảo Gạc Ma năm 1988 được xóa bỏ, ngay cả trong Hiến pháp. Hồi ký Trần Quang Cơ thuật lại lời của TBT đảng CSVN Nguyễn Văn Linh nói như sau:

“Trong quan hệ hai nước, 10 năm qua có nhiều cái sai. Có cái đã sửa như việc sửa đổi Lời nói đầu của Hiến pháp, có cái đang sửa”. Anh sốt sắng muốn sang gặp lãnh đạo TQ để ‘bàn về vấn đề bảo vệ Chủ nghĩa xã hội’ vì đế quốc đang âm mưu thủ tiêu CNXH… chúng âm mưu diễn biến hòa bình, mỗi đảng phải tự lực chống lại. Liên xô thành trì XHCN, nhưng lại đang có nhiều vấn đề. Chúng tôi muốn cùng các người cộng sản chân chính bàn vấn đề bảo vệ CNXH… Tôi sẵn sàng sang TQ gặp lãnh đạo cấp cao TQ để khôi phục lại quan hệ hữu hảo. Các đồng chí cứ kêu một tiếng là tôi đi ngay… TQ cần nêu cao ngọn cờ CNXH, kiên trì chủ nghĩa Mác- Lênin”. (Hồi ký Trần Quang Cơ-chương 10)

Tiến sĩ Địa chất Nguyễn Thanh Giang, nhà đấu tranh kiên cường tại Hà Nội trong bài “Bản chất chính quyền Đại Hán” đã nhận định:

“…chính quyền độc đảng Bắc Kinh và Hà Nội đều run sợ trước sự sụp đổ của bức tường Berlin và nhất là sự tan tành của Liên bang Xô viết và phe Xã hội chủ nghĩa, liền bắt tay nhau dù là mới trải qua cuộc ‘chiến tranh giữa hai đồng chí thù địch’ đầu năm 1979, để hòng cùng nhau trụ lại trước định mệnh đã an bài. Đó là bước ngoặt của cuộc hội ngộ Việt-Trung ở Thành Đô-Tứ Xuyên cuối năm 1990, mà ông Nguyễn Cơ Thạch phải la hoảng lên là ‘một thời kỳ Bắc thuộc mới rất nguy hiểm đã bắt đầu’ để lập tức bị mất chức ngoại trưởng kiêm phó thủ tướng, bị gạt khỏi chức ủy viên Bộ chính trị. Thực chất Thành Đô là cái bẫy cực kỳ thâm hiểm mang bản chất Đại Hán mà một loạt kẻ lãnh đạo mù quáng, mất gốc dân tộc Việt đã dại dột chui vào”. (DanLamBao online ngày -1-2012)

Nhà nghiên cưu về Trung cộng Dương Danh Dy, nguyên Bí thư thứ nhất Đại sứ quán VN tại Bắc Kinh, nguyên Tổng lãnh sự VN tại Quảng Châu…trong bài “Hội nghị Thành Đô ‘nguyên nhân và diễn biến” ông Dy viết:

“Các nước XHCN Đông và Trung Âu không còn nữa, Liên xô mất quyền lãnh đạo, sắp tan rã, Việt Nam đứng trước nguy cơ mất chỗ dựa về nhiều mặt (chính trị, kinh tế, quốc phòng) cần phải tìm chỗ dựa mới, và TQ là đối tượng thích hợp nhất. Do đó cần phải tích cực đáp ứng một số yêu cầu của phía TQ nhằm nhanh chóng bình thường hóa quan hệ với họ…

Bây giờ chúng tôi quyết tâm sửa chữa chính sách sai lầm trước đây, khôi phục tình hữu nghị truyền thống giữa hai nước, hai đảng, cùng đi về con đường XHCN tươi đẹp”. (BBC online ngày 10-23-2014) 

Ngày 3-4 tháng 9 năm 1990 một phái đoàn lãnh đạo cao cấp của đảng CSVN do Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh cầm đầu gồm có Thủ tướng Đỗ Mười, cố vấn Phạm Văn Đồng cùng bộ sậu vội vã sang Bắc Kinh khấu đầu phủ phục và xin giữ thân phận chư hầu. 

Lãnh đạo CSVN đã nhục nhã cúi đầu thi hành lệnh của cộng sản Tàu theo Đại tá Nguyễn Đăng Quang thuật như sau:

“Nhớ lại, vào một tối đầu Thu 1987 tại New York, Ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch có nói riêng với người viết bài này khi ông đẫn đầu phái đoàn CHXHCN Việt Nam sang dự khóa họp thứ 42 Đại hội đồng LHQ: ‘Họ công khai ra điều kiện cho lãnh đạo ta là ‘nếu VN thực tâm muốn cải thiện và bình thường hóa quan hệ với TQ thì việc đầu tiên Việt Nam phải làm là loại bỏ Ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch”. (Boxitvn online ngày 5-8-2014)

Từ khi TBT Nguyễn Văn Linh cầm đầu phái đoàn sang Thành Đô ký mật ước mà nội dung cuộc họp bí mật mãi cho đến ngày hôm nay đảng CSVN chưa dám công khai công bố; tuy nhiên Thiếu tướng Lê Duy Mật, nguyên Phó tư lệnh-Tham mưu trưởng Quân khu 2 và Tư lệnh mặt trận 1979-1984 (Hà Giang) trong bức thư gửi“Đ/C Tổng bí thư BCHTW đảng…” ngày 20-7- 2014 ông đã tiết lộ:

“Xin trích một đoạn Thỏa hiệp Thành Đô: ‘…Việt Nam bày tỏ mong muốn sẵn sàng chấp nhận làm một khu vực tự trị thuộc chính quyền Trung ương tại Bắc Kinh, như TQ đã dành cho Nội Mông, Tây Tạng, Quảng Tây…

Phía TQ đồng ý và đồng ý chấp nhận đề nghị nói trên, và cho Việt nam thời gian 30 năm (1990-2020) để đảng CSVN giải quyết các bước tiến hành cần thiết cho việc gia nhập đại gia đình các dân tộc TQ. (Hết trích)” (DanChimViet online ngày 20-7-2014)

Nội dung mật ước Thành Đô cũng được tờ Thời Báo Hoàn Cầu và Tân Hoa Xã của Trung cộng vừa cùng nhau công bố những điều cơ mật mà hai cơ quan này gọi là sự thật về “Kỷ Yếu Hội Nghị” trong những ngày vừa qua với những câu chữ như sau:

“Vì sự tồn tại của sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa cộng sản, đảng cộng sản và nhà nước Việt Nam đề nghị phía TQ giải quyết các mối bất đồng giữa hai nước. Phía Việt Nam sẽ cố gắng hết sức mình để vun đắp tình hữu nghị vốn lâu đời có giũa hai đảng… Và Việt Nam bày tỏ mong muốn sẵn sàng chấp nhận làm một khu vực tự trị thuộc chính quyền Trung ương tại Bắc Kinh, như TQ đã dành cho Nội Mông, Tây Tạng, Quảng Tây…

Phía TQ đồng ý và đồng ý chấp nhận đề nghị nói trên, và cho Việt Nam thời gian 30 năm (1990-2020) để đảng CSVN giải quyết các bước tiến hành cần thiết cho việc gia nhập đại gia đình các dân tộc TQ”. (RFA online ngày 6-8-2014)

Đặc biệt, Đại tá QĐND Phạm Quế Dương tiết lộ bí mật Thành Đô rõ ràng từng chi tiết và từng thời điểm quan trọng trong mật ước như sau: 

“Thiếu tướng Hà Thành Châu, Chính ủy Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng Việt Nam, tỵ nạn chính trị tại Hoa Kỳ từ ngày 8-4-2013. Ở đây, ông đã nhờ một viên chức cao cấp Hoa Kỳ trao cho Chủ bút Tạp chí Foreign Policy Magazine một tập tài liệu tối mật liên quan đến quan hệ Việt Nam-Trung Quốc.

Tập tài liệu này xuất xứ từ anh vợ ông là thiếu tướng Chính ủy Tổng cục 2, thời Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh làm Tổng cục trưởng.

Tập tài liệu này chép lại nguyên văn từ cuốn băng nhựa AKAI, mang bí số ML887 ghi những cuộc họp bí mật của các lãnh đạo Việt Nam: Nguyễn Văn Linh, Lê Khả Phiêu, Đỗ Mười, Lê Đức Anh, Nông Đức Mạnh… tại Thành Đô.

Nội dung những cuộc họp bí mật ấy cho biết kế hoạch sáp nhập Việt Nam vào TQ dự kiến tổ chức qua 3 giai đoạn:

Giai đoạn 1: 15-7-2020 Quốc gia tự trị

Giai đoạn 2: 5-7-2040 Quốc gia thuộc trị

Giai đoạn 3: 5-7-2060 Tỉnh Âu Lạc

Tỉnh trưởng vẫn là người Việt, đặt dưới quyền lãnh đạo của Tổng đốc Quảng Châu (TQ)

Sau khi sáp nhập, tiếng TQ là ngôn ngữ chính, tiếng Việt là ngôn ngữ phụ.

Sử dụng thể thức ‘diễn biến hòa bình’, làm cho người Việt Nam và dư luận Quốc tế nhìn nhận rõ là TQ ‘không cướp nước Việt’ mà chính người Việt Nam tự mình ‘dâng nước’ và tự ý đồng hóa vào dân tộc Trung Hoa.

TBT Nguyễn Văn Linh thì khấu đầu trước Đặng Tiểu Bình ‘Nhờ TQ mà đảng CSVN mới nắm được chính quyền, mới thắng được đế quốc Pháp và đế quốc Mỹ, diệt được bọn tư bản phản động”. (DanChimViet online ngày 14-1-2015)

Trong “Thông điệp tháng Tám”, Nhà văn quân đội, Đại tá Phạm Đình Trọng, người đã khỏi đảng cộng sản, cái đảng mà ông đã phục vụ ngót 40 năm, nay nó đã biến thái khiến ông phải kêu lên:

“Nguy cơ chính trị đã đưa đất nước trở về thời ngàn năm Bắc thuộc, đẩy dân tộc Việt Nam vào thân phận nô lệ tủi nhục. Chính trị đồng hóa dân tộc Việt Nam về ý thức hệ Đại Hán, mở đường cho Đại Hán thực hiện tham vọng thôn tính Việt Nam. Nguy cơ mất nước đến từ bên ngoài, nạn ngoại xâm…

Việt Nam đã bẽ bàng sang Thành Đô, Đại Hán cầu xin sự nhìn nhận của Đại Hán, cầu xin được làm thân phận chư hầu để được liên kết thực chất là núp bóng cộng sản Đại Hán…

Từ cuộc gặp ở Thành Đô, những người cộng sản khư khư ôm giữ lý thuyết cộng sản sai lầm và tội lỗi đã thực sự đặt cái gông Bắc thuộc lên đầu, lên cổ nhân dân Việt Nam”. (DanChimViet online ngày 6-9-2012)

Thế là hai năm đã rõ mười, không còn dấu diếm gì được nữa, CSVN đã bán đứng dân tộc và Tổ quốc cho đồng chí bá quyền Đại Hán… Tên Tập Cận Bình vừa mạnh miệng tuyên bố cướp biển đảo của Tổ quốc đã được đảng CSVN trải thảm đỏ, rắc hoa đón rước và những đại biểu của cái gọi là đảng hội CSVN đã dảo lỗ tai nghe lời dụ ngọt của hắn và nhiệt liệt vỗ tay ở Hội trường Diên Hồng… Giáo sư Chu Hảo, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã “bức xúc” viết “Thư ngỏ gửi các đại biểu Quốc hội” có đoạn như sau:

“Vì sao quý vị không có bất kỳ hành động công khai nào phản đối, ngăn chặn Chủ tịch TQ Tập Cận Bình đăng đàn phát biểu tại Quốc hội nước ta, thực chất là với tư cách kẻ xâm lược, đại diện cho bè lũ bá quyền Đại Hán chưa khi nào rời bỏ âm mưu thôn tính Đất nước ta và nô dịch Dân tộc ta?” (Boxitvn online ngày 10-11-2015)

Ông Nguyễn Trung, nguyên Đại sứ của CSVN tại Thái Lan thấy rõ việc CSVN ôm chân Tàu để duy trì chế độ CNXH Việt Nam thực chất là thời kỳ nô lệ mới bắt đầu.

“Trong lịch sử ngoại giao Việt Nam kể từ sau khi đất nước đã hoàn thành sự nghiệp độc lập thống nhất ngày 30-4-1975 cho đến hôm nay, sự kiện hội nghị bí mật Thành Đô tháng 9-1990 giữa hai đoàn đại biểu cấp cao hai nước Việt-Trung để bình thường hóa quan hệ là một thất bại nhục nhã của nước ta, bẻ ghi con đường phát triển của nước ta dẫn đến tình hình đất nước như hôm nay. Một lần nữa TQ lại trở thành mối uy hiếp trực tiếp và nguy hiểm nhất đối với độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và con đường phát triển của nước ta”. (Boxitvn online ngày 13-8-2012)

Đảng CSVN đang tuần tự thi hành mật ước Thành Đô để đến kỳ hạn sẽ hoàn tất việc chuẩn bị gia nhập đại gia đình Hán tộc. Theo nhận định của Đại tá Phạm Đình Trọng thì:

“Ông đảng trưởng đương kiêm Nguyễn Phú Trọng và ông đảng trưởng tiền nhiệm Nông Đức Mạnh là hai ông đầu đảng đã rước Tàu cộng vào nước ta ồ ạt nhất, sâu rộng nhất. Tàu cộng làm chủ những dãy đất rừng đầu nguồn chiến lược rộng lớn ở biên cương. Tàu cộng rầm rập kéo đến mảnh đất boxit Tây Nguyên. Tàu cộng lặng lẽ nhưng cấp tập đổ bộ vào những vùng đất đắc địa kinh tế, hiểm yếu về quân sự dọc bờ biển nước ta”. (DanLamBao online ngày 22-11-2015)

Thực ra thì ngày hôm nay người CSVN không còn tin nơi ảo tưởng CNXH nhưng nó là một cái phao chỉ để lừa gạt những người nhẹ dạ để tạo thành sức mạnh của một băng đảng duy trì quyền lực dù cho phải làm nô lệ ngoại bang. Chính TBT Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại tổ về dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, ông Trọng nói:

“Có thể nói là trong công cuộc xây dựng CNXH và bảo vệ tổ quốc chứ không nên nói trong công cuộc xây dựng CNXH và đổi mới. Đổi mới chỉ là giai đoạn, còn xây dựng CNXH còn lâu dài lắm. Đến hết thế kỷ này không biết đã có CNXH hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa”. (ThanhNien online ngày 26-10-2013)

Qua lời phát biểu ngu ngơ của TBT đảng CSVN, Đại tá QĐND Phạm Xuân Phương, người nhiều năm phục vụ trong Cục Chính trị của QĐND Việt Nam trả lời câu hỏi tại sao Nguyễn Phú Trọng không thay đổi mục tiêu tiến tới CNXH, Đại tá Phương đáp:

“Cơ bản ông ấy không đủ khả năng để ông ấy hiểu nhưng bên cạnh ấy nó cũng là quyền lợi. Ông ta ngu dốt lại hưởng tất cả mọi quyền lợi thì việc gì mà thay đổi trong khi ông ta đang làm vua ở xứ sở này…

Giáo sư Đặng Phong, một chuyên gia kinh tế chính trị Đại học Kinh tế Quốc dân: ‘Xã hội chủ nghĩa là sự vớt vát thuộc quá khứ mà mình không thể chấp nhận nó nữa nhưng mình không thể thẳng thắn tuyên bố giã từ nó cho nên dùng một chữ rất mơ hồ chung chung như vậy. Bây giờ mà mải mê đi tìm XHCN thì không bao giờ tìm thấy giá trị thật của nó đâu”. (RFA online ngày 30-10-2013)

CNXH chỉ là một ảo tưởng để cộng sản Tàu “xỏ mũi” CSVN và CSVN khư khư bám lấy CNXH có nghĩa là khư khư cam tâm làm nô lệ cho giặc Tàu. Tiến sĩ Hà Sĩ Phu viết trong bài: “Dạy môn Công dân và Tổ quốc’, nhưng Tổ quốc tên là gì?” Có phải yêu tổ quốc Xã hội chủ nghĩa Việt Nam? Ông kể Tàu đã ra lệnh CSVN như sau:

“Còn nhớ hồi ông Lê Khả Phiêu đang làm TBT, có đoàn đại biểu TQ sang thăm trao đổi về những vấn đề lý luận… Phía TQ nói VN cần sửa lại lịch sử của mình. Theo ý TQ, VN chỉ là ‘đứa con hoang’ cần trở về với mẹ thì những trang sử oanh liệt chống ngoại xâm của Lê Lợi, Hưng Đạo, Quang Trung… chẳng qua là những vụ phản loạn của địa phương, như bọn giặc cỏ nổi lên chống lại chính quyền Trung ương chứ có khác gì?” (DanChimViet online ngày 26-11-2015)

Nhà nghiên cứu Trung cộng Dương Danh Dy nói rõ:

“Nếu không thấy hết những dại khờ, non yếu của chúng ta, không vạch trần những mưu ma chước quỷ của kẻ mà cho đến tận giờ phút này trong chúng ta vẫn còn có không ít người lầm tưởng họ là những đồng chí cộng sản, những người đang cùng chúng ta xây dựng chủ nghĩa xã hội thì sẽ là một nguy hại to lớn, lâu dài, tiềm ẩn đối với dân tộc”. (BBC online ngày 10-25-2014)

03/12/2015

Khi đại biểu, CT/Quốc hội “ngủ quên”!?

Hoàng Thanh Trúc (Danlambao) - Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, xét về tổng quy mô nợ công trên GDP, tỷ lệ của Việt Nam cuối năm 2014 ở mức trên 60%, cao nhất khi so sánh với các nước đang phát triển trong khu vực (Malaysia, Thái Lan, Philippines, Indonesia). Nợ công Việt Nam hiện nay lên tới hơn 2, 7 triệu tỷ đồng. Ngân hàng Thế giới (WB) đưa ra con số 110 tỷ USD; Nếu dựa trên con số này và mức dân số cuối năm 2014 là 90,7 triệu người, bình quân mỗi người dân Việt Nam gánh 1.212 USD (26, 6 triệu/người) nợ công(VnExpress.net).

Quán tính, khi mắc nợ thì ai cũng tiết kiệm tránh chi tiêu hoang phí tần tiện làm ăn để lo trả nợ cho bớt gánh nặng tiền lãi, và vì vậy cho dù là không vướng bận nợ nần chăng nữa thì một nông dân hay doanh nhân cũng không ai dám bỏ hoang ruộng đồng, xí nghiệp của mình một mùa, một năm thôi chứ đừng nói là đến 5 năm. 

Vậy mà một nhà máy hiện đại trị giá hơn 100 triệu USD vừa xây xong cho ra mẻ sản phẩm đầu tiên rồi bỏ xó hoang phí tới 5 năm liền. Đó là Nhà máy Cán Thép tấm khổ rộng đầu tiên và lớn nhất Việt Nam được đầu tư gần 3.000 tỷ đồng tại “Cái Lân”, TP/Cát Bà, Tỉnh Quảng Ninh. 

Nhà máy cán nóng thép tấm Cái Lân Vinashin, được triển khai xây dựng tại Khu Công nghiệp Cái Lân, TP Cát Bà, trên diện tích 15 ha có tổng mức đầu tư khoảng 2.900 tỷ đồng với các thiết bị như: lò nung (công suất 8 tấn/giờ), máy cán, máy nắn, sàn nguội, máy cắt chiều dài (tùy theo yêu cầu của khách hàng) và hệ thống các xưởng bảo dưỡng, trục căn, tỳ. Để bảo đảo cung ứng nguồn điện năng, kèm theo nhà máy Thép này là nhà máy phát điện diesel công suất 39MW ký hợp đồng EPC (chìa khóa trao tay) trị giá 36 triệu USD (800 tỷ - bị nhà thầu Trung cộng lừa gạt). Toàn bộ dây chuyền thiết bị của Đức, nhập khẩu từ Trung cộng, trên cơ sở công nghệ Đức, khi đi vào hoạt động sẽ có công suất 1 triệu tấn thành phẩm/năm, sản xuất ra các tấm thép có độ dày từ 5mm đến 50mm, rộng từ 1, 6 m đến 3 m; dài từ 6m đến 18m đạt tiêu chuẩn đăng kiểm trong nước và quốc tế dành cho ngành đóng tàu như: DNV (Na Uy), Lloy'ds (Đức), NK (Nhật Bản), ABS (Mỹ), BV (Pháp) và VR (Việt Nam). Đây cũng là nhà máy cán nóng thép tấm lớn nhất Đông Á.

Ngày 2/6/2010, Nhà máy Cái Lân Vinashin đã ra lò sản phẩm thép tấm đóng tàu khổ rộng, đây là lần đầu tiên, Việt Nam sản xuất thành công sản phẩm chủ lực cho ngành đóng tàu. So với giá thép nhập khẩu thì giá sản phẩm thép đóng tàu trong nước sẽ rẻ hơn, như vậy có thể tiết kiệm được nhiều triệu USD mỗi năm (Nguồn: Đảng Cộng sản Việt Nam). 

Mẻ thép tấm (khổ lớn) đầu tiên nhưng cũng là... mẻ thép cuối cùng 
(Công nhân nhà máy vận hành thiết bị xử lý thép thành phẩm).

Tuy nhiên vận hành vừa nóng lò cán thép thì ngày 4.8.2010, “trái tim” nhà máy bị “sốc” nặng không do lỗi kỹ thuật mà do con người, khi cơ quan an ninh điều tra đã thực hiện quyết định khởi tố, tiến hành bắt tạm giam ông Phạm Thanh Bình, chủ tịch Hội đồng quản trị tập đoàn công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) vì tội tham ô và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

PTT/Nguyễn Sinh Hùng và Vũ Đức Đam (phía sau bên phải) 

Chỉ 10 ngày, sau cú “sốc” của Vianashin, ngày 14/08/2010 Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng (CT/Quốc Hội hiện nay) đến kiểm tra nhà máy Cán Thép Cái Lân. Cùng đi có cả ông Vũ Đức Đam, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh (Phó thủ tướng hiện nay). Ông Nguyễn Sinh Hùng và Vũ Đức Đam khẳng định Chính ohủ và đảng bộ TP Cát Bà Hạ Long tỉnh Quảng Ninh sẽ làm hết trách nhiệm, tạo điều kiện cho Nhà máy Cán Thép Cái Lân hoạt động.(*)

Dư luận, báo chí và cán bộ nhân viên nhà máy cán thép Cái Lân (tại thời điểm ấy) cứ nghĩ rằng trong cơ thể trẻ trung mới toanh trái tim nhà máy chỉ bị “sốc” phản vệ nhất thời thôi, nó sẽ đều nhịp đập trở lại sau khi “Bác Sĩ” Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng và “y sĩ” Vũ Đức Đam, Bí thư Tỉnh ủy đã khám bệnh biết rõ Nhà máy Cán Thép Cái Lân hoàn toàn khỏe mạnh. 

Nhưng không phải vậy. Nó tắt thở ngừng đập luôn, từ đó đến nay là 5 năm. 

5 năm. Đúng như vậy. Kể từ Quốc hội Việt Nam khóa XIII nhiệm kỳ 2011-2016 (được bầu vào ngày 22 tháng 5 năm 2011). Kỳ họp đầu tiên được tổ chức vào tháng 7 năm 2011, ông Nguyễn Sinh Hùng “lên chức” ngồi vào ghế mới CT/QH và Vũ Đức Đam “lên chức” Bộ trưởng Chủ nhiệm VP/Chính Phủ thì gần như Nhà máy Cán Thép Cái Lân cũng trôi vào cái chết “lâm sàng” nhưng không ai khai tử, dù nó không có bệnh tật gì cả và 493 đại biểu QH vừa bầu xong cũng không ai biết, ngay cả tại địa phương Quảng Ninh có 07 ĐB/QH trong đó PTT/Bộ trưởng ngoại giao Phạm Bình Minh là một, cũng không thấy luôn, dù Nhà máy Cán Thép đồ sộ nằm liền kề TP/Biển Hạ Long (!?) - 5 năm với 10 kỳ họp Quốc Hội trôi qua không thấy Đại Biểu của dân nào chất vấn Chính Phủ hay cụ thể là ông CT/QH Nguyễn Sinh Hùng (người biết rõ) về khối tài sản mồ hôi nước mắt của dân đang từ từ rỉ sét này?.

Nhà máy có công suất 500 nghìn tấn/năm, 
bằng dây chuyền công nghệ của Đức, 
do các cán bộ, kỹ sư trong nước lắp đặt và vận hành.

Các chuyên gia đã hoàn thiện lắp đặt hơn 16 nghìn tấn thiết bị, 
đấu nối và chạy liên động toàn bộ dây chuyền công nghệ nhà máy.

Nhà máy đã chạy thử, cho ra mẻ thép tấm đầu tiên đạt tiêu chuẩn, 
sau đó bị bỏ hoang hàng trăm tấn sản phẩm đầu tiên 
sau khi ra lò vẫn nằm ngổn ngang hoen rỉ trong khuôn viên.

5 năm trùm mền với cây cỏ 

Hiện tại là một nhà máy bỏ hoang thiết bị phơi mưa nắng

Thiếu bảo trì- vào giai đoạn hoen rỉ

Không một bóng công nhân, cỏ lau vây kín cao gấp hai đầu người, hoang tàn, sắt thép hoen rỉ, cáu bẩn, nhà máy phát điện diesel tại KCN Cái Lân (TP. Hạ Long) hơn 35 triệu USD cũng cùng chung số phận sau hơn 5 năm bị bỏ mặc. Trong khu vực nhà máy rộng hàng chục hecta, không một máy móc, động cơ nào hoạt động và cũng chẳng có một bóng dáng công nhân. Toàn bộ giàn máy các loại trong một nhà xưởng rộng mênh mông bị phủ bụi và hoen rỉ, đó là cảm nhận của phóng viên báo chí vào tham quan.

Khái quát sự việc và ngắm nhìn những hình ảnh này, chúng ta, hàng chục triệu những người dân một nắng hai sương hàng ngày phải bớt đi hột cơm, con cá, để đóng thuế sẽ suy nghĩ sao đây? 

Dù “quả đấm thép” Vinashin có vỡ vụn như đất sét thì còn đó VNSTEEL (Công ty thép Miền Nam) công suất luyện thép 500.000 -700.000 tấn/năm gồm các loại Thép tròn, Thép vằn, Thép góc, Thép cuộn, Thép lá tấm nhỏ (VNSTEEL không có dây chuyền sản phẩm thép tấm dày 50mm, rộng 3 m; dài 6m đến 18m dành cho ngành đóng tàu biển như nhà máy Cái Lân).

Và hàng chục công ty nhà máy sản xuất thép quốc doanh và liên doanh, thì vì sao và lý do gì sau khi quả đấm thép Vinashin “tan chảy” Chính Phủ không quyết định giao ngay (hoặc buộc phải tiếp quản) nhà máy Cái Lân cho VNSTEEL (Công ty thép Miền Nam) tại thời điểm đó (2010-2011)? Hay giao cho bất kỳ nhà máy thép nào (đang hoạt động) mà lại để nó tàn tạ sau 5 năm nằm bất động như hiện nay?

Chúng ta, những người dân đóng thuế có quyền hỏi: Nếu là tài sản của cá nhân quí vị (các thành viên ĐB Quốc Hội) có ai can đảm duy trì hiện trạng này? Nhà máy cán thép: Trị giá 2.900 tỷ và nhà máy phát điện diesel công suất 39MW trị giá 36 triệu USD (800 tỷ) vị chi gần 4 ngàn tỷ, trong tổng nợ công, tiền lãi phải trả cho 4 ngàn tỷ này trong 5 năm hết là bao nhiêu? Chắc không hề ít, người ta không biết.

Nhưng ai cũng biết những người chịu trách nhiệm hay buộc phải có trách nhiệm với nó (Nhà máy cán thép Cái Lân) như sau đây, đang có tham vọng tại chức và leo lên cao hơn. Đó là bộ sậu hiện nay: Nguyễn Sinh Hùng (CT/QH) Vũ Đức Đam (P. Thủ Tướng) Phạm Bình Minh (P. thủ tướng-ĐB/QH tỉnh Quảng Ninh) và đích thân ông Thủ Tướng CP Nguyễn Tấn Dũng. 

Có điều cần suy nghĩ. Gần 500 Đại Biểu/Quốc Hội mà hàng ngày hạt cơm nhân dân vẫn dính kẻ răng, hàng tháng suốt 5 năm liền họ rất tỉnh táo không quên tháng nào để ngửa tay nhận (lương lậu, bổng lộc, quyền lợi) từ ngân sách (túi tiền của dân) chi trả, nhưng họ “ngủ quên” với một đống mồ hôi nước mắt nhân dân đang phơi mưa nắng và hình như đó cũng là lời đáp cho câu hỏi: Tại sao chúng ta vẫn cứ phải đóng thuế nhưng nợ hàng năm bình quân đầu người cứ tăng lên hơn thiên hạ (Malaysia, Thái Lan, Philippines, Indonesia). 



_________________________________________


Từ “nhạy cảm” đến mất nước xa bao nhiêu?

Phạm Trần (Danlambao) - Trong chế độ nhà nước Cộng sản ở Việt Nam, đến cuối năm 2015 và sau 40 năm thống nhất đất nước, không có Lịch sử Dân tộc mà chỉ có Lịch sử Đảng nên không ai dám nói khoảng cách giữa tránh “nhạy cảm” với Trung cộng đến chỗ mất nước là bao xa. Lý do của sợ hãi vì nói ra sẽ bị trù dập, có khi đến mục xương trong tù và họa còn lây đến tận 3 đời dòng họ. Nhưng sự thiếu khí phách của một bộ phận gọi là "trí thức" đảng, trong đó có trách nhiệm rất lớn của 6,000 hội viên Hội Khoa học Lịch sử với bề dày 49 năm hoạt động cũng phải minh bạch.

Nhiều người trong số họ đã bị lôi vào thói quen vô cảm vì“mọi việc đã có Đảng và Nhà nước lo” nên tự hạ thấp nhân cách để viết sử theo ý đảng, dù biết làm như thế là trái với lòng dân.

Vì vậy mà mọi người đã thắc mắc: Tại sao cho đến bây giờ mà Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam vẫn còn phải kiến nghị:“Trong lúc chưa biên soạn sách giáo khoa mới, cần bổ sung nội dung về lịch sử xác lập và đấu tranh bảo vệ chủ quyền quốc gia đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa”?

Đáng lý ra Hội Khoa học Lịch sử đã phải làm hơn việc chỉ biết “kiến nghị” bằng các bài viết phản bác công khai cho dân biết để giáo dục con em, chứ nỡ lòng nào lại để kéo dài tình trạng nói dối với học sinh và lịch sử như thế?

Hãy tính từ khi Hoàng Sa rơi vào tay quân Tàu tháng 1/1974 đã là 41 năm mà tên Hoàng Sa không có trong sách sử thì lấy lý do nào để trách Trung cộng không muốn nhắc đến chuyện Hoàng Sa mỗi khi phía Việt Nam nói đến?

Ngay phía đảng / nhà nước CSVN cũng không nhìn nhận 74 chiến sĩ Việt Nam Cộng hòa hy sinh trong trận chiến bảo vệ Hoàng Sa thì Hoàng Sa của ai?

Đến Trường Sa thì cũng đã qua 27 năm kể từ trận chiến để mất 7 đảo và bãi đá vào tay quân Tầu tháng 3/1988 và 64 người lính Quân đội Nhân dân bỏ mình ở đó, nhưng học sinh Việt Nam lại không được học về Trường Sa thì ai là chủ của quần đảo này?

BIỂN ĐẢO Ở ĐÂU 30 NĂM?

Nhưng khi thắc mắc như thế thì phải hỏi kẻ nào đã ra lệnh không ghi hai quần đảo của Tổ tiên để lại vào sách sử? Và những bài viết và kiến nghị của Hội Khoa học Lịch sử có đến tai các Tổng Bí thư và Bộ Chính trị từ thời Khóa đảng VI (Nguyễn Văn Linh), sang Đỗ Mười (Khóa VII), qua Lê Khả Phiêu (Khóa VIII), rồi đến Nông Đức Mạnh Khoá IX và X) để cuối cùng đến khóa XI (Nguyễn Phú Trọng) và sắp đến khóa đảng XII?

Chẳng lẽ những người đứng đầu có trách nhiệm này đều tai điếc từ bẩm sinh nên đã không nghe thấy, mắt họ đều mờ nên không đọc được nên không phản ứng gì?

Cùng đồng lõa với đảng còn có cả Quốc hội từ khoá đảng VI với thời gian 30 năm dài đến khóa đảng XI năm 2011 cũng đã làm thinh trước sự việc sách sử không ghi Hoàng Sa và Trường Sa thì nhân dân biết nói sao?

Cũng nên biết trong số các Đại biểu Quốc hội còn có cả ông Dương Trung Quốc, Nhà sử học, Tổng thư ký Hội Khoa học Lịch sử mà cũng phải nhắm mắt theo chân số đông để mò mẫm đi tìm sự thật thì lấy đèn đâu để soi cho dân nhờ?

Thắc mắc này cũng đã được nêu lên tại cuộc “Hội thảo khoa học Quốc gia về dạy học môn lịch sử ở trường phổ thông Việt Nam” tổ chức tại Đà Nẵng hồi tháng 08/2014 tập trung vào chủ quyền biển đảo Hoàng Sa, Trường Sa.

Báo Giáo dục Việt Nam tường thuật ngày 24/08/2014:“GS.TS. Nguyễn Quang Ngọc - Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển đã khẳng định trong bài tham luận của mình: “Chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa và Trường Sa là trang sử bi hùng được viết bằng máu xương của lớp các thế hệ người Việt Nam từ thời Vương quốc Chăm Pa cho đến Chúa Nguyễn, Vương triều Nguyễn và tiếp diễn cho đến ngày nay... Thế mà có cả một thời gian dài vấn đề hiển nhiên và trọng đại này lại bị coi là “nhạy cảm” để rồi lịch sử của một đất nước không có lấy một dòng nào về chủ quyền biển đảo thiêng liêng. Ai là người phải chịu trách nhiệm trước cả tiền nhân và hậu thế về sự lệch lạc này của lịch sử đất nước?”.

Nhưng ai đã ra lệnh coi việc xác nhận chủ quyền của Việt Nam trên Hòang Sa và Trường Da là “nhạy cảm”, và “nhạy cảm với ai”?

Nếu ai đó trong lãnh đạo CSVN xem việc đụng đến hai quần đảo này là chạm đến Trung cộng nên phải tránh thì có khác nào đã tự ý dâng đất Tổ tiên cho ngoại bang? Và cũng đã thừa nhận Công hàm năm 1958 nhìn nhận chủ quyền của Trung cộng ở Hoàng Sà và Trướng Sa của Thủ tướng cộng sản miền Bắc Phạm Văn Đồng là chính xác?

Báo GDVN viết tiếp: “Một trong những vấn đề nóng hổi thu hút sự quan tâm và thảo luận của các đại biểu Về yếu tố lịch sử và pháp lý quốc tế, Hiến pháp và nhiều bộ luật của Việt Nam đều khẳng định chủ quyền về 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Sách giáo khoa Địa Lý Việt Nam bậc học phổ thông cũng đã đề cập vấn đề chủ quyền của 2 quần đảo này là của Việt Nam. Nhưng SGK môn Lịch sử phổ thông lại không có một dòng nào với tên gọi là “chủ quyền” khi viết về Hoàng Sa và Trường Sa.

Trong thời gian gần đây, “vấn đề Biển Đông” lại được đề cập nhiều hơn trên các phương tiện truyền thông thì những kiến thức về “chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ” càng trở nên cần thiết đối với thế hệ trẻ nói chung và học sinh phổ thông nói riêng, càng nên khẩn trương được bổ sung vào nội dung chương trình môn Lịch sử.”

Cũng tại cuộc Hội thảo này, Giáo sư Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch Sử Việt Nam cho hay: “Hội KHLS đã có công văn kiến nghị với Ban Tuyên giáo TW và Bộ GD&ĐT phải nhanh chóng đưa nội dung về chủ quyền quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa vào giảng dạy cho học sinh phổ thông. Nếu lớp trẻ lớn lên không hiểu biết hoặc hiểu biết rất lơ mơ về vấn đề này thì rất nguy hiểm... Không trang bị những kiến thức cơ bản ấy là có tội với thế hệ trẻ, có tội với lịch sử”.

SỬ ĐẢNG HƠN SỬ DÂN TỘC?

Vì lý do đảng không muốn cho dân biết sự thật về lịch sử dân tộc nhưng lại tìm mọi cách để khoe sử không thật của đảng nên môn sử không được học trò muốn học là vì thế.

Thạc sĩ Đào Tiến Thi, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Ngôn ngữ học Việt Nam viết: “ Trong bộ Lịch sử Việt Nam (2012), giai đoạn từ thành lập Đảng (1930) – 2005 chiếm 1134 trang, tức hơn 1/ 3 dung lượng bộ sách, trong khi về thời gian nó chỉ có 75 năm (75 năm/ 2700 năm kể từ khi vua Hùng lập nước).

Chính sử được viết mất cân đối như vậy nên môn Sử trong nhà trường cũng mất cân đối theo và còn mất cân đối hơn: Học sinh chủ yếu học lịch sử hiện đại (từ thành lập Đảng). Và nhất là, thi tốt nghiệp, thi đại học cũng chỉ ra trong phạm vi này, chưa bao giờ ra các giai đoạn trước đó. Thói thường với nền giáo dục “thiết thực” của ta, chỉ cái gì thi thì mới học, thành ra học sinh chỉ biết lịch sử đất nước “từ khi có Đảng”, còn lại mấy nghìn năm của dân tộc thì mơ mơ màng màng. Bây giờ cứ thử hỏi sinh viên kể tên các triều đại phong kiến Việt Nam thôi, tôi tin không mấy sinh viên kể đủ và kể đúng thứ tự.” (Theo blog Nguyễn Xuân Diện,30/11/2015)

Khi nói vế tính phô trương, chủ trương cả vú lập miệng em, đồng hóa sử đảng vào sử dân, Thạc sỹ Thi viết: “Lịch sử dân tộc từ bao năm đã bị đồng nhất vào lịch sử Đảng. Học lịch sử dân tộc chẳng khác gì học lịch sử Đảng. Về Đảng lại chỉ toàn nói mặt hay, lờ đi những sai lầm hoặc bào chữa cho những sai lầm hoàn toàn có thật. Trang sách lịch sử vì thế trở nên một thứ tụng ca phiến diện và khô khan.

Có một vấn đề nhức nhối trong các bộ chính sử cũng như SGK Lịch sử kể từ Hội nghị Thành Đô (1990) đến nay là cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam (do Khmer Đỏ gây ra trong sự xúi giục và hậu thuẫn trực tiếp của Đảng Cộng sản Trung cộng) và cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979 (do Đặng Tiểu Bình - người đứng đầu Đảng Cộng sản Trung cộng lúc đó - phát động) vẫn cố tình bị “quên” đi. Ấy là chưa kể các cuộc xâm lược và chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa (1974), 7 bãi đá ở Trường Sa (1988) của Trung Cộng.

Việc này không chỉ làm mất đi một mảng lịch sử chống ngoại xâm oai hùng và bi thương mà nguy hiểm hơn: thế hệ trẻ không tin vào những gì chúng học trong lịch sử nữa. Chỉ từ việc này mà lớp trẻ có quyền nghi ngờ, rằng lịch sử mà chúng được người ta dạy thực ra đã bị cắt xén, bị “sáng tác lại”.

Như thế thì học sử làm gì để bị đồng hoá với gian dối? Thà đừng có lịch sử còn hơn.

Do đó, thật buồn với “mệnh nước nổi trôi” khi chúng ta có thể hình dung được những dòng nước mắt của ông Thi đang tuôn ra giữa những con chữ nhạt nhòa: “Tôi rất đau xót khi dân mình ngày càng vô cảm với lịch sử dân tộc. Nhưng một khi người dân thấy mình không có quyền gì với đất nước, tức là thấy đất nước không phải là của mình, một đất nước “đã có Đảng và Nhà nước lo”, thì tất nhiên họ thơ ơ, không sao trách được. Và vì tất cả bạn bè, đồng nghiệp, anh em, cấp trên, các cán bộ an ninh,… hầu như bao giờ cũng khuyên tôi nên biết sống cho mình và cho gia đình mình. Và vì thế, chuyện quốc gia, xã hội trở thành chuyện viển vông, chỉ dành cho những kẻ “phản động” hay “điên điên” mà thôi!”

Vậy thì có ý nghĩa gì khi Quốc hội khóa XIII ngày 27-11-2015 đã có Nghị quyết xác định “tiếp tục giữ môn lịch sử trong chương trình và sách giáo khoa mới”.

Nhưng giữ nó ở chỗ nào, có bắt buộc không trong nền giáo dục vẫn còn là chuyện nan giải. Phía Hội Khoa học Lịch sử và nhiều giáo viên dạy sử đòi phải đặt môn sử vào vị trí quan trọng hàng đầu và thay đổi cách dạy làm sao hấp dẫn được học trò.

Nhưng muốn học sinh ham mê lịch sử thì trước tiên Lịch sử phải hết sức trung thực, công bằng và trong sáng. Lịch sử Dân tộc không phải cũng là lịch sử đảng chỉ biết nói hay, nói tốt cho đảng Cộng sản và Chủ nghĩa Mác-Lênin và cái gọi là Tư tưởng “cách mạng dân tộc” của Hồ Chí Minh. Còn những gì của đối phương Việt Nam Cộng hòa thì cũng xấu, trận nào cũng thua to mà “quân ta thì toàn thắng”, không tổn thất gì ráo như sách sử hiện đang lưu hành!

Ông Hồ Chí Minh là người Cộng sản và ông chỉ muốn lấy Chủ nghĩa Cộng sản làm nền tảng xây dựng đất nước. Nhưng đó là chuyện của những năm 1930-1954. Từ 1954 đến 1975, con người Việt Nam không thuần nhất là Cộng sản mà còn có cả khối trên 20 triệu dân chống Chủ nghĩa Cộng sản và chống cả ông Hồ ở miền Nam Việt Nam, từ vĩ tuyến 17 đến mũi Cà Mau.

Và sau đó, từ 1975 đến 2015, Thế giới Cộng sản do Nga Sô lãnh đạo đã tan rã, Chủ nghĩa Mác-Lênin đã thoái trào và lạc hậu. Cả thế giới chỉ còn lại 4 Quốc gia theo Chủ nghĩa Cộng sản gồm Trung cộng, Việt Nam, Bắc Hàn và Cuba.

Nhưng Bắc Kinh lại bày ra “Chủ nghĩa Xã hội đặc sắc Trung cộng”, theo cách xào nấu của người Hoa. Việt Nam lại còn đang mò mẫm “bỏ qua chủ nghĩa Tư bản” để “quá độ lên Xã hội chủ nghĩa” mà, nói theo lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thì: “Đổi mới chỉ là một giai đoạn, còn xây dựng CNXH còn lâu dài lắm. Đến hết thế kỷ này không biết đã có CNXH hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa.” (báo Thanh Niên, 24/10/2013).

Trong khi Bắc Hàn thì tiếp tục nghèo nàn và lạc hậu và Cuba thì đã biết chuyển hướng đề bình thường quan hệ ngoại giao với Mỹ sau 50 năm sống lầm than với cái đầu già nua và ương ngạnh Fidel Castro!

Bây giờ, sau 30 năm gọi là “đổi mới”, Việt Nam chưa làm nổi con ốc vít. Từ sợi chỉ, cây kim cho đến máy móc, hàng tiêu dùng và nhiều thứ khác đều phải nhập vào từ Trung cộng để lệ thuộc sâu thêm mỗi năm.

Từ lệ thuộc kinh tế, sách sử Việt Nam lại không dám xác quyết Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam mà lãnh đạo đảng lại không dám động viên nhân dân có quyết tâm bảo vệ lãnh thổ thì Việt Nam là của ai trong nay mai?

Cũng ngạc nhiên khi không thấy các nhà Khoa học và lý luận hàng đầu của đảng, bấy lâu nay vẫn oang oang ra sức bảo vệ đảng có lý do chính đáng để cầm quyền mãi mãi, đã không dám hé răng đòi điều tra cho ra kẻ cấm không cho Hoàng Sa-Trường Sa vào cách giáo khoa.

Những người này cũng im lìm để nghe lời tuyên bố của Tập Cận Bình: “Các hòn đảo ở biển Nam Trung Hoa, từ thời cổ đại, là lãnh thổ của Trung cộng. Chúng tôi có toàn quyền bảo vệ chủ quyền lãnh thổ hợp pháp của chúng tôi, cũng như các quyền lợi chính đáng về hàng hải”.

Nhưng tại sao những nhà thông thái của đảng lại lạnh cảm đến thế nên không có gì khó hiểu tại sao giới cầm quyền ở Việt Nam vẫn chưa biết đo xem từ chỗ tránh nói đến Hoàng-Trường Sa để khỏi “nhạy cảm” với Trung cộng đến ngày nước mất là bao xa?

Hay là những thỏa hiệp bí mật ở Thành Đô (Tứ Xuyên) Trung cộng năm 1990 giữa Nguyễn Văn Linh-Đỗ Mười-Phạm Văn Đồng và phiá Trung cộng gồm Giang Trạch Dân và Lý Bằng đã khóa miệng lãnh đạo CSVN và xóa luôn cả sách sử của Dân tộc? 

03.12.2015

Dân oan 3 miền Bắc - Trung - Nam diễn hành quanh hồ Hoàn Kiếm đòi công lý


Trần Quang Thành (Danlambao) - Sáng nay ngày 3/12/2015, nhiều dân oan 3 miền Bắc-Trung-Nam đã tổ chức cuộc diễn hành tại tượng đài Lý Thái Tổ và quanh hồ Hoàn Kiếm đòi công lý. Bà con đã giương cao các biểu ngữ đòi nhà cầm quyền CSVN hủy bỏ bản án oan sai với các tử tù Nguyễn Văn Chưởng, Lê Văn Mạnh, Hồ Duy Hải và hô vang những khẩu hiệu Tự do cho Nguyễn Văn Chưởng, Tự do cho Lê Văn Mạnh, Tự do cho Hồ Duy Hải.

Cuộc diễn hành ôn hòa và trật tự nhưng vẫn bị lực lượng công an Hà Nội đàn áp, buộc phải giải tán bằng cách cưỡng bức những người tham gia diễn hành đòi công lý lên xe buýt đưa về trụ sở công an ở phố Ngô Thì Nhậm, quận Hà Đông.

Sau đây là một số hình ảnh cuộc diễu hành do Trương Thanh Quang, Trịnh Bá Phương, Nguyễn Huy Tuấn thực hiện:



Đường Điện Biên Phủ thành biển xe ngay từ cầu Sài Gòn

HỮU KHOA- 03/12/2015 11:10 
TTO - Khoảng 7g 30 phút ngày 3-12, đường Điện Biên Phủ hướng từ cầu Sài Gòn về giao lộ Điện Biên Phủ - Đường D1, Q.Bình Thạnh (TP.HCM) hàng nghìn xe kẹt cứng...
Nhiều xe máy trần lên lề đường tìm hướng đi nhưng vẫn không có lối thoát - Ảnh: Hữu Khoa
Nhiều xe máy trần lên lề đường tìm hướng đi nhưng vẫn không có lối thoát - Ảnh: Hữu Khoa
Theo ghi nhận, tại đường Điện Biên Phủ đoạn ở P.21, Q.Bình Thạnh hàng trăm chiếc xe ô tô kẹt kéo dài trên đường. Ngoài ra xe máy xen lẫn với nhiều xe buýt nằm giữa đường. Nhiều người dân cho xe chạy lên vỉa hè và chen vào làn xe ô tô để thoát khỏi cảnh kẹt xe.
Trong khi đó, tại đoạn giao nhau giữa đường D1 - Điện Biên Phủ, xe cộ cũng ùn ứ, giao thông hỗn loạn.
Tại đường D1, nhiều xe ôtô chạy từ đường Nguyễn Hữu Cảnh ra Điện Biên Phủ phải xếp hàng dài vì kẹt xe. Nhiều tài xế cho xe quay đầu lại tìm lối đi khác nhưng cũng bất thành vì số lượng xe đổ về mỗi lúc một đông.
Hàng nghìn xe máy và ô tô kẹt kéo dài khiến khói bụi và khí thải của các xe này thải ra đường làm khói mù mịt.
Đến gần 9g thì tình trạng giao thông tại khu vực này mới bắt đầu giảm.
Hàng nghìn phương tiên tham gia giao thông kẹt kéo dài hướng từ cầu Sài Gòn về Vòng xoay Hàng xanh - Ảnh: Hữu Khoa
Hàng nghìn phương tiên tham gia giao thông kẹt kéo dài hướng từ cầu Sài Gòn về Vòng xoay Hàng xanh - Ảnh: Hữu Khoa
Xe máy và ôtô chen lấn hỗn loạn trên đường - Ảnh: Hữu Khoa
Xe máy và ôtô chen lấn hỗn loạn trên đường - Ảnh: Hữu Khoa
Xe cộ đội nắng hít khói bụi và khí thải xe trên đường - Ảnh: Hữu Khoa
Xe cộ đội nắng hít khói bụi và khí thải xe trên đường - Ảnh: Hữu Khoa