Võ Thị Hảo
Theo RFA-2016-05-03
Thảm họa quốc gia về ô nhiễm môi trường đã hiển hiện qua sự kiện cá chết hàng loạt ở các tỉnh ven biển miền Trung. Giới khoa học cho rằng đây là hậu quả của nhiều thập niên phát triển kinh tế bằng mọi giá và xem nhẹ việc hủy hoại môi trường. AFP
Cuộc họp kín liên Bộ mờ ám
"Cá chết không liên quan đến Formosa!"
Đó là câu trả lời gọn lỏn, hết sức vô tình và tàn nhẫn với dân VN được đưa ra sau cuộc họp kín của 7 Bộ và 1 Viện Hàn lâm khoa học VN, khiến dân người ta không khỏi choáng váng. Đây cũng là hành vi kỷ lục về mức độ bao che cho cho thủ phạm rành rành đã xả thải độc ra biển tại Vũng Áng, Hà Tĩnh đã khiến cho cá và sinh vật biển chết hàng loạt, dạt vào bờ thành nhiều đống hôi thối trải dài trên khoảng 250 km dọc 4 tỉnh miền Trung.
Hai mươi ngày đã trôi qua kể từ khi những đống xác cá chết được phát hiện tại các bờ biển miền Trung. Không thể không đặt câu hỏi về sự chậm trễ tới mức đáng ngờ của việc phân tích tìm nguyên nhân độc chất trong nước biển khiến cá chết, với điều kiện thử nghiệm khoa học hết sức dễ dàng ngày nay. Báo chí đã đưa ra rất nhiều chứng cứ rõ ràng mà mọi hướng đều chứng minh thủ phạm là Formosa. Ngay chính quan chức của Formosa cũng đã thừa nhận, vậy mà tại sao 7 Bộ phải đợi đến 20 ngày mới có câu trả lời sau và hành động họp kín mờ ám, cách trả lời rất ám muội? Phải chăng chậm trễ như vậy là có người chỉ đạo cố tình đợi cho thủ phạm phi tang chứng cứ?
Theo nhiều chuyên gia thì chỉ cần khoảng 10 ngày là đủ để thủ phạm phi tang dấu vết. Hơn nữa, câu trả lời đó được đưa ra từ miệng của một Thứ trưởng, chỉ xuất hiện trong cuộc họp báo khoảng 10 phút rồi biến mất, không chịu trả lời bất kỳ câu hỏi nào của các nhà báo. Thậm chí nhà báo còn bị ông Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cấm phỏng vấn và quy kết là hỏi việc có kim loại nặng trong nước biển thì gây tổn hại đến hình ảnh VN!
Trước đó, nhiều tờ báo và chuyên gia khoa học đã tìm hiểu và phân tích nguyên nhân cá chết. Vietnamnet đã công bố và đưa danh mục 45 hóa chất trong số khoảng 300 tấn hóa chất mà Formosa nhập về dùng để súc rửa đường ống, thải thẳng ra biển chưa qua xử lý qua những đường ống có đường kính khoảng 1,4 m và dài tới 1,4 km cho nhiều chuyên gia hóa học nhận diện và phân tích. Kết quả là dù những hóa chất này được nhập và ẩn dưới tên thương mại, nhưng không khó để tra cứu. Phần lớn là chất cực độc, diệt sinh vật, gây bỏng da bỏng mắt, gây ngạt, hủy máu và tồn tại lâu dài sau trong môi trường sau khi thải ra với hậu quả không thể lường được. Loại độc chất này đương nhiên hủy diệt không chỉ cá sống ở tầng đáy biển và các sinh vật khác mà chết cả ngao sò ngay trên bờ, chết cả thợ lặn và hậu quả lâu dài không thể hình dung nổi...
TBT Nguyễn Phú Trọng hôm 22/4 tới thăm công trình cảng Sơn Dương thuộc Dự án Formosa thuộc khu công nghiệp Vũng Áng ở Hà Tĩnh.
Bây giờ công luận đã đúng khi dự đoán rằng Hội nghị liên Bộ tìm nguyên nhân cá chết này hóa ra chỉ nhằm mục đích bao biện cho Formosa khỏi trách nhiệm tàn sát biển và môi trường VN mà thôi.
Trước đó đã có rất nhiều chứng cứ không thể chối cãi mà nhiều nhà khoa học đưa ra và báo chí đã mở những cuộc điều tra sắc sảo.
Làm sao có thể chối cãi trách nhiệm của Formosa, khi ông Phàm - một quan chức đại diện của Formosa hiện đã bị đuổi việc vì tội "nói thật" là VN "hãy chọn đi, hoặc nhà máy thép hoặc tôm cá" với thái độ thách thức.
Cũng theo Vietnamnet, tại cuộc họp báo ngày 25/4/2016 của Hội nghề cá VN, ông Nguyễn Tử Cương, Trưởng Ban phát triển thủy sản bền vững đã nhận định: đến thời điểm này, sau hơn 10 ngày thì nguồn ô nhiễm làm cá chết có thể đã bị phi tang.
Kết luận cũng chỉ rõ: "chính yếu tố gây độc trong môi trường nước tại vùng biển Vũng Áng bắt đầu từ nguồn nước thải chưa được xử lý nhưng được đổ trực tiếp ra sông, biển, gây ô nhiễm nguồn nước, làm cá bị ngộ độc chết, và cá bị chết là cá tầng đáy. Cá tầng đáy sống định cư, sau nguồn chết đầu tiên ở Hà Tĩnh thì lan dần xuống Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế. "
Làm sao có thể chối bỏ vì ngay trong thời kỳ Formosa xả thải, nước biển tại Vũng Áng độc đến nỗi một thợ lặn của Formosa đã chết và nhiều thợ lặn khác đang bị những triệu chứng nguy hiểm. Người dân còn không dám nhúng chân xuống nước biển. Nước đục ngầu khác lạ và chỉ ngửi thôi cũng đã đủ choáng váng. Bờ biển nhung nhúc giòi bọ và mùi nồng nặc từ những đống xác cá thối rữa là nguồn dịch bệnh thêm đe dọa tính mạng người dân. Không còn đất để chôn xác cá, sinh vật biển và hàng trăm tấn nghêu thối rữa.
Theo thử nghiệm trực quan ngay trên truyền hình của VTC1, chỉ trước cuộc họp kín của liên Bộ 1 ngày thôi, hàng triệu khán giả chứng kiến rõ ràng hai con cá đang sống khỏe mạnh trong chậu nước thường đã hấp hối và chết ngay sau 2 phút khi bị thả vào khoảng 1/3 chậu nước do người dân múc lên ngay từ biển Vũng Áng gần chỗ Formosa xả thải.
Tình trạng này tại VN hệt như phim kinh dị. Cảnh hai con cá chết ngay sau khi bơi 2 phút trong chậu nước múc trực tiếp lên từ biển Vũng Áng khiến người ta không thể không rùng mình lo sợ cho mạng sống mong manh của người dân miền Trung trong thảm họa này.
Cá chết và dân chết. Thủ phạm được lãnh đạo tưởng thưởng
Cuộc họp báo mang những dấu hiệu "bảo kê" cho thủ phạm, hại dân hại nước ấy đã chứng minh sự vô sỉ của nhiều lãnh đạo có trách nhiệm. Sự dối lừa trắng trợn ấy đã khơi dậy lòng căm phẫn của người dân và công luận.
Hành xử này của quan chức họp liên Bộ VN là hoàn toàn phù hợp với hành xử của "người cầm lái" Nguyễn Phú Trọng. Ngày 22 tháng 4, tức đã 16 ngày sau khi phát hiện cá chết hàng loạt liên quan đến Formosa, sinh mạng dân đang như bị đốt trên chảo lửa, không có ngay cả một lời chia sẻ với dân nhưng ông Tổng Bí thư điềm nhiên dẫn một đoàn quan chức hớn hở thăm Formosa, không một lời nhắc đến thảm họa và trách nhiệm. Theo thông lệ thì những chuyến thăm của nguyên thủ xuống cơ sở đều mang ý nghĩa của một phần thưởng, một sự cổ vũ và ngợi khen.
Ngư dân và tất cả những ngành nghề liên quan đến hải sản và du lịch của các tỉnh miền Trung đang bị hãm vào cái chết môi sinh và sự đói khổ không phương cứu chữa. Biển bị độc chất hủy diệt trước hết là Vũng Áng Hà Tĩnh và sau đó là xuôi theo dòng hải lưu về phía nam đến Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và bây giờ bắt đầu ở biển Đà Nẵng. Khoảng 1/5 bờ biển VN đã chết vì chất độc xả từ súc rửa đường ống đợt đầu của khu công nghiệp.
Đặc biệt nghiêm trọng là tác hại sẽ còn lớn hơn theo thời gian. Các chuyên gia cho biết khi mùa hè đến, dòng hải lưu sẽ chảy ngược ra Bắc mang chất siêu độc, chủ yếu là chất diệt sinh vật từ các ống xả nhà máy. Khi đó biển các tỉnh phía Bắc đến tận Hải Phòng và Quảng Ninh cũng bị hủy diệt. Mùa hè, vào tháng 6 năm 2016, Formosa chính thức vận hành, mức độ xả thải độc còn gấp nhiều lần, trong khi đó, báo chí đã trích lời nhiều nhà khoa học cho thấy trạm quan trắc chất thải Formosa tại Vũng Áng hầu như không có năng lực phát hiện chất độc!
Văn bản của Bộ Tài nguyên Môi trường về kết quá điều tra vụ cá chết hàng loạt ở miền Trung (trang 2)
Trong tương lai cận kề, nếu nhà cầm quyền VN vẫn bao che và tiếp tay cho thủ phạm như hiện nay, toàn cõi biển VN sẽ chết.
Chưa cần phải trên toàn cõi, những gì hiện ra trên khoảng 250km biển hiện nay tại 4 tỉnh miền Trung đã vượt sức chịu đựng của con người.
Người ta không thể cầm lòng đau đớn và không còn bút nào tả xiết nỗi đau khổ của ngư dân miền Trung trước những đống khổng lồ cá tôm, nghêu chết dạt vào bờ, lúc nhúc dòi bọ và là một nguồn lây nhiễm dịch bệnh. Miếng ăn của họ cùng tương lai của con cái họ bỗng chốc bị cướp đi và kẻ cướp thì được chính quyền bảo kê che giấu.
Hậu quả còn tiếp diễn. Theo Đầu báo.com, bài "Có cá chết ở Đà Nẵng – Quảng Nam", ngày 27/4/2016, tình trạng cá chết tại Quảng Bình tăng trở lại và cá chết xuất hiện thêm trên các bãi biển ở Đà Nẵng, Quảng Nam, Cù Lao Chàm gây hoang mang cho dân và khách du lịch. Tại bãi Đá Nhảy ngày hôm đó có tới khoảng 3km dày đặc cá chết dạt vào bờ, có cả cá đã phân hủy và nhiều cá mới chết. Tại Đà Nẵng đã phát hiện thêm nhiều loạt cá chết bất thường dù Chi cục Thủy sản TP Đà Nẵng ra thông báo sai sự thật là chỉ có 17 con cá chết và không phải chết do chất độc, biển vẫn an toàn tới mức có thể tắm được. Trong khi đó theo phát hiện của phóng viên báo Người Lao động và người dân, ngay trong lúc chi cục này ra thông báo, thì tại bãi biển Mân Thái chỉ trong 300m cũng đã có rất nhiều cá chết. Chỉ tính riêng bãi biển Cù lao Chàm cũng đã có tới vài trăm xác cá chết.
Không chỉ ngư dân hay hải sản mà mọi ngành nghề đều bị trực tiếp hoặc gián tiếp ảnh hưởng nguy hại. Lâu nay người VN đã phải sống hoảng loạn trong tình trạng không ăn thì chết đói, mà ăn thì chết độc, sớm muộn gì cũng chết bởi thực phẩm độc từ mọi nguồn nuôi trồng chế biến và dịch vụ trên đất liền và bây giờ là từ biển. Ngành du lịch vốn đã sống dở chết dở, bây giờ thì còn ai đến tắm và ăn đồ biển VN?
Ngay cả bầu không khí Hà Nội trong những ngày gần đây đã có thành phần thủy ngân vượt xa mức cho phép, người già và trẻ em được cảnh báo nếu đi ra đường sẽ gặp nguy hiểm.
Nguồn ô nhiễm thủy ngân tại TP Hà Nội và những nơi khác tại VN là do đâu? Ai là thủ phạm? Làm sao chặn đứng nó để cứu người HN và người dân VN?
Họa diệt chủng đến từ nhà cầm quyền
Không phải vô lý khi nhận định rằng người dân VN đang là nạn nhân của một quy mô diệt chủng rộng lớn chưa từng có! Họa này đến từ TQ và đau lòng thay, là một thác lũ đổ vào giết dân VN từ sự tiếp tay thực hiện mẫn cán của các quan chức VN "cõng rắn cắn gà nhà".
Họa diệt chủng mà Đảng và nhà cầm quyền VN tự rước vào cho dân VN sẽ thêm kinh hoàng, khi nhà máy điện hạt nhân vẫn đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng tại Ninh Thuận bất chấp sự phản đối đầy thuyết phục của các nhà khoa học và người dân.
Thực tế cho thấy, lời cam kết của nhà đầu tư và lời hứa của nhà cầm quyền VN về sự an toàn, với lòng tham và vô lương tâm của hầu hết cán bộ quản lý hiện nay, cộng thêm sự dốt nát, bất chấp tính mạng người dân và đất nước luôn bị vi phạm và thất hứa. Quan chức chỉ cần tiền lót tay là cho qua mọi sự. Họ lập tức trở thành kẻ đàn áp dân và bảo vệ quyền lợi của những ông chủ đầu tư hám lợi tàn nhẫn. Thảm họa sự cố hạt nhân tất yếu sẽ tàn sát dân VN từ những nhà máy này.
Tại miền Trung và nhiều nơi ở VN, chính quyền đang tàn nhẫn đàn áp những nạn nhân khốn khổ của hành vi hủy diệt biển khi họ dám ra đường phản đối thủ phạm và đòi công bằng, bảo vệ môi trường biển VN. Hành xử như vậy, chính quyền đã chứng tỏ họ cùng kẻ hủy diệt là một khối liên minh quyền lợi.
Đến bây giờ thì hẳn rằng không còn một người VN nào dù ngây thơ đến mấy cũng không hiểu ra rằng thể chế chính trị và nhà cầm quyền tác động sinh tử đến bản thân mỗi công dân đến mức nào.
Từ đó, mọi người cần chung tay vào vào một chương trình hành động chặt chẽ để đòi lại công bằng và quyền sống sót cho mình cùng cộng đồng VN.
*Nội dung bài viết không phản ảnh quan điểm RFA.