Wednesday, September 14, 2016

Trung ương tặng thêm một món quà lợi quả cho bà chủ tịch Yên Bái

CTV Danlambao - Sau cú máu nhuộm bãi Yên Bái - đồng chí bắn đồng bọn làm 3 ông quan cộng sản đang sống chuyển sang từ trần, con đường hoạn lộ của đồng chí Phạm Thị Thanh Trà xem ra lại... đường ta rộng thênh thang tám thước: được ngồi vào ghế bà trùm tỉnh ủy Yên Bái, thay thế cho Phạm Duy Cường đã đang ngồi ghế phải xuống nằm hòm.

Hôm 9/9 vừa rồi, bà Phạm Thị Thanh Trà trong cương vị chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái đã tỉnh bơ ký quyết định bổ nhiệm em ruột của bà là Phạm Sỹ Quý vào chức vụ Giám đốc Sở Tài nguyên & Môi trường. (1)

Nói là tỉnh bơ vì bà chẳng cần biết vụ "chị bổ nhiệm em" này có "đúng quy trình" hay không, có phù hợp với lời dạy dỗ của thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc "Tìm người tài, không tìm người nhà?" và "đừng để nhiệm kỳ này tai tiếng về cán bộ”, có làm thêm một "ví dụ đang rất “nóng” và có cơ sở để nghi ngờ là việc đề bạt, bổ nhiệm, thuyên chuyển ông Trịnh Xuân Thanh, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, việc bổ nhiệm ông Vũ Quang Hải tại Tổng công ty Sabeco" hay không (2).

Trong khi dư luận đang ngóng cổ xem thủ Phúc và Trung ương Ba Đình sẽ có thái độ gì về chuyện này, thì không phải chờ lâu, người dân đã có câu trả lời cũng rất tỉnh bơ từ Trung ương: ngày 14/9, bà Phạm Thị Thanh Trà được sắp xếp cho ngồi vào ghế Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái khóa 18, nhiệm kỳ 2015- 2020, thay thế cho đồng chí Phạm Duy Cường bị đồng bọn bắn chết.

Dĩ nhiên, sắp xếp nào trong thể chế "dân chủ đến thế là cùng" cũng phải kinh qua giai đoạn bầu bán: "với tỷ lệ bầu 100%, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái, bà Phạm Thị Thanh Trà đã trúng cử chức danh Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái khóa 18, nhiệm kỳ 2015- 2020." (3)

Không những thế, trung ương còn cho bà Trà ở vào tình thế "một mông 2 ghế", ngồi luôn vào ghế Chủ tịch HĐND tỉnh Yên Bái - là chỗ ngồi của đồng chí Ngô Ngọc Tuấn - cũng vừa ăn đạn K59 trong "sự cố" đồng chí bắn đồng bọn.

Tính ra "sự ra đi của hai đồng chí Phạm Duy Cường, Ngô Ngọc Tuấn, một mất mát vô cùng to lớn của đảng và nhân dân Yên Bái (!), nỗi đau buồn vô hạn của các đồng chí phe ta..." lại là niềm sung sướng vô hạn của đồng chí Thanh Trà: Từ chủ tịch UBND tỉnh leo lên ngồi vác cẳng cả 2 ghế Chủ tịch HĐND và Bí thư tỉnh ủy.

Sau "quy trình" chôn cất gấp gáp 3 cái xác trong vụ án mạng Yên Bái, xác suất 100% là vụ đồng chí bắn đồng bọn sẽ bị chìm xuồng. Với món quà lại quả mà TƯ dành cho bà trùm bí thư Yên Bái, xác suất chìm xuồng sẽ lên đến 1000%.

Vở tuồng máu nhuộm bãi Yên Bái chính thức kéo màn, chỉ còn lại chăng là lời ra tiếng vào của các đồng chí hơi bị ghen ăn tức ở với bà Trà: 

- Phải chăng bà này cũng ăn phần trong thương vụ "làm trống" 2 cái ghế Bí thư tỉnh uỷ và Chủ tịch HĐND tỉnh?

- Phải chăng đây là kết quả sau cùng của phương án giải quyết tình trạng bà chủ tịch UBND là ủy viên trung ương đảng nhưng lại cúi đầu nhận lệnh của "thằng Cường" không phải là ủy viên trung ương?

15.09.2016



___________________________________


Tuyên giáo trung ương: dừng phản biện, đưa tin về dự án thép Hoa Sen - Cà Ná

CTV Danlambao - Theo facebook của Lê Nguyễn Hương Trà (1), ngày 13.9, Tuyên giáo TƯ đã ra lệnh cho báo chí lề đảng ngưng việc đưa tin và bài vở về dự án Liên Hợp Luyện Cán Thép Hoa Sen tại Cà Ná - Ninh Thuận. Thông báo này được ký bởi Phạm Văn Linh - Phó Trưởng ban Tuyên giáo gửi cho giới báo chí qua thư điện tử.

Vào ngày 25/8/2016 Bộ trưởng Bộ Công thương là Trần Tuấn Anh, cũng là anh em cột chèo với Lê Phước Vũ, chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Hoa Sen (HSG) ký quyết định số 3516/QĐ-BCT để chạy nước rút đưa dự án 10,6 tỉ đô vào "quy hoạch". Hành động này của Trần Tuấn Anh nhằm phục vụ cho âm mưu khai triển dự án thép tại Cà Ná bằng mọi giá của liên minh bịp bợm Lê Phước Vũ - Nguyễn Xuân Phúc đã gặp nhiều phản biện và chống đối của dư luận như:

- Sản xuất thép đang dư thừa. (2)

- Bổ sung thêm dự án Thép Cà Ná Quy hoạch Phát triển Hệ thống sản xuất là vội vã.

- Tình trạng hạn hán tại Ninh Thuận. (3)

- Mối quan tâm về một Formosa thứ hai tại Ninh Thuận với công nghệ được giao cho nhà thầu CISDI của Tàu cộng.

...

Bên cạnh đó là những phát biểu kiểu đại ngôn của Lê Phước Vũ như "ngu gì không làm thép""đừng thấy Formosa mà sợ"... đã làm nóng các kênh truyền thông lề dân cũng như lề đảng.

Kết luận người đọc có thể rút ra từ những thông tin, phân tích báo chí là dự án thép của Tôn Hoa Sen là một hiểm hoạ lớn đối với môi trường, một cuộc phiêu lưu đầu tư nhiều rủi ro, hay tệ hơn là một trò lừa bịp với những ý đồ về lợi nhuận cá nhân và tiếp tay cho Tàu cộng tiếp tục âm mưu làm ô nhiễm môi trường Việt Nam.

Trước nguy cơ ngày càng bị vạch trần, sau khi "hoàn tất nhiệm vụ" chính thức đưa dự án 10,6 tỉ đô vào quy hoạch, tuyên giáo đảng đã ra lệnh bịt miệng báo chí với ý đồ âm thầm xúc tiến "quy hoạch" này cho đến lúc mọi sự đã "vượt qua ngưỡng cửa có thể hủy dự án".

Sau "mệnh lệnh" bịt mồm báo chí của Phạm Văn Linh vào ngày 13.9, các bài báo có nội dung không thuận tai với liên minh Phúc-Vũ-Anh đã không còn thấy xuất hiện. Ngược lại chỉ có một vài bài báo được đăng tải với nội dung ủng hộ dự án thép của Tôn Hoa Sen:

Bộ Công Thương khẳng định đưa Hoa Sen - Cà Ná vào quy hoạch là không “đốt cháy giai đoạn” (4)

- Ninh Thuận lên tiếng về dự án thép Hoa Sen - Cà Ná"Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận nêu rõ quan điểm: “Ủng hộ chủ trương đầu tư dự án Khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná của Tập đoàn Hoa Sen tại huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận nếu dự án đáp ứng các yêu cầu về môi trường, công nghệ tiên tiến kiểm soát được môi trường theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ..." (5)

Báo Đất Việt đăng bài: 

Dự án thép Cà Ná: Ninh Thuận trả lời chưa thống nhất

Trong đó đề cập chuyện "Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận ủng hộ dự án thép 10 tỷ USD, một lãnh đạo khác lại nói chưa có chủ trương gì." cũng như phản ứng của một số chuyên gia về chuyện "quy hoạch" của Bộ Công thương mà họ gọi là"quy hoạch kiểu điền vào chỗ trống" hay "quy hoạch ngẫu hứng". (6)

Bài báo này đã được lệnh gỡ xuống nhưng nội dung vẫn còn lưu lại trong bộ nhớ của Google (7)

Bài này được đăng lại và đang thoát lưới kiểm duyệt, hiện còn tồn tại trên Báo Mới (8)

Tóm lại, sau một thời gian khua chiêng gõ trống lên tận trời xanh để chào hàng cho dự án lừa bịp và tàn phá môi trường này, sau khi bị lộ hành vì dư luận vạch trần, đảng và tuyên giáo quay lại chiêu trò cũ: im lặng để âm thầm vừa ăn, vừa phá cơ đồ Việt Nam.

15.09.2016



________________________________









Kít nổi cá chìm

Tư nghèo (Danlambao) - Xin lỗi bà con cô bác, Tư nghèo chạy cái tít hơi bị dơ nhưng không biết giựt sao cho chuẩn mà không cần chỉnh về sự tình Thanh nổi lềnh bềnh trong ao bác, cá chết thì chìm lỉm đáy biển sâu đang theo lệnh của đảng phải tự hồi phục.

Trong cái ao bác vĩ đại của một đám đi theo đảng này, đang chợt lềnh bềnh một cục trôi về bên ven, tỏa mùi cùng cây cỏ rằng cục tui thơm thơm còn cái cục bự kia thúi hoắc. Cục tui không còn tin tưởng cục bự ấy nữa và tui từ giã phân bắc để trở thành phân xanh.

Thế là cả đám phân bắc nhôn nhao tụm lại nhau thi hành chỉ thị của cục bự khai trừ cục nhỏ phân xanh.

Thế là bà con ta, trong đó có cả Tư nghèo, dừng chân ghé lại cái ao thúi rùm, đứng trên bờ, dí mũi ngửi, dí mắt xem trận đấu đá đầy mùi giữa đám phân xanh và bầy phân bắc.

Chuyện đời nó thiệt là lạ như vậy chớ. Nếu có ai đó buồn buồn đặt một chậu hoa bên đường, Tư nghèo tui đi ngang sẽ lẩm bẩm - huỡn thiệt nghe! nghèo thấy cha, đói thấy mẹ ở đó mà bày đặt lãng mạn như cục sạn. Nhưng có một tên cà chớn chạy đầy đường nào đó đổ một thùng phân thì y như rằng Tư tui chạy tới coi cái gì mà thúi dzậy ta. Chưa kịp ngửi đủ thì thấy chung quanh, úi da người đâu như kiến bu lại như ngày xuân đạp dẫm lên nhau viếng hội đền Hùng. Chưa hết, quay qua quay lại tích tắc là thấy có một đàn quanh gánh đổ thêm phân xanh, bồi thêm phân bắc cho thêm nồng nàn.

Thế là ao cá của bác, thúi từ ngày phân ra khỏi động phân ngồi vào dinh được Tư nghèo và "đồng bọn" phán cho một câu: ừ thúi thiệt!

Làm như hồi đó đến giờ nó chưa thúi!?

Nhưng cũng có một ai đó, trước kia là phân bắc, sau này thành phân xanh, rồi trở thành cựu phân và "nguyên" cục (trưởng) gì đó - vừa hửi vừa lẩm bẩm: nó thúi như vậy làm sao mình kiến nghị, góp ý, thỉnh nguyện để nó thơm ra hè?!

Cũng có ai đó hì hì một câu chí lý - thúi như vậy mà cả đám trên bờ mũi vẫn điếc, vẫn vô tư đêm đêm ngửi mùi hương, mùi hoa thúi nhà Người (chữ người viết hoa nghe bà con) - cho nên phải khai triển độ thúi lên nhiều cấp nữa may ra bà con ta mới hết được bệnh điếc mũi mà vùng lên giải phóng đời mình ra cái môi trường ô nhiễm từ cái thuở... trong tim bừng nắng hạ!!!

Còn anh Năm xe ôm của tui thì một câu rất cách mạng rằng: muốn diệt thúi thì tay phải dính phân.

Riêng Tư tui thì mới có mấy ngày ngửi riết cái mùi phân bắc phân xanh đầy ao cá Ba Đình này chợt giựt cái mình: ủa mùi cá chết bởi Mu Sa nó Phọt sao không còn ngửi thấy được nữa cà!? Sao kỳ vậy ta!?

Người đẹp lựu đạn đang ngồi thổi lửa phang ngay một câu: kỳ cái đầu ông í! nghề chận mùi hôi này, tung mùi thúi khác, cho mùi hương bay bổng, để mùi khắm là đà thì ai qua được mấy đồng chí cục lớn, cục nhỏ, cục vừa, cục bé bé của đảng ta!!! Mới có một cục thiên thanh màu xanh xanh mà đã thế, chờ đến cục La to, cục đại Q tuyên bố bỏ phân bắc để thành phân xanh thì ông sẽ điếc cái mũi luôn.

15.09.2016

Cháy xe hơi trong phi trường Nội Bài, 1 người chết

Nhà ga T2 phi trường Nội Bài, nơi xảy ra vụ cháy xe hơi “chưa rõ nguyên nhân.” (Hình: Báo Bưu Điện Việt Nam)
HÀ NỘI (NV) – Chiếc xe hơi 4 chỗ của Trung Tâm Điều Hành Phi Trường Nội Bài đậu trong nhà ga T2 bất ngờ bốc cháy trong đêm khiến một người tử nạn, trong khi lãnh đạo nơi này cố bưng bít thông tin.
Báo Bưu Điện Việt Nam loan tin, nhà chức trách phi trường cho biết lúc 0 giờ 45 ngày 14 tháng 9 tại khu vực phía Tây của Cảng Hàng Không Quốc Tế Nội Bài, một chiếc xe hơi 4 chỗ của Trung Tâm Điều Hành Phi Trường Nội Bài bất ngờ bị bốc cháy, người ngồi trong xe được cho là tài xế đã chết do không kịp thoát ra ngoài.
Nói với phóng viên báo Bưu điện Việt Nam, đại diện phi trường Nội Bài cho hay, lực lượng cứu hỏa của phi trường sau 2 phút chữa cháy đã khống chế được đám cháy.
“Thiệt hại ghi nhận là 1 xe hơi bị cháy và lái xe bị chết. Vụ việc không ảnh hưởng gì đến các hoạt động khai thác và an toàn bay cũng như các tài sản khác tại cảng. Nguyên nhân của vụ việc đang được các cơ quan chức năng điều tra và sẽ thông tin khi có kết luận cuối cùng,” vị đại diện này nói.
Ngay sau vụ cháy xe, an ninh phi trường được thắt chặt, hiện trường được phong tỏa để chờ cơ quan điều tra.
Tuy nhiên, nói với phóng viên báo Bưu Điện Việt Nam vào sáng 14 tháng 9, ông Nguyễn Văn Hưng, chánh văn phòng Cảng Hàng Không Quốc Tế Nội Bài chỉ cho biết: “Chúng tôi đang kiểm tra thông tin này.”
Trong khi đó ông Trần Hoài Phương, giám đốc cảng vụ hàng không miền Bắc thì lại phủ nhận “Tôi không xác nhận thông tin đó.” (Tr.N)

Dân cắt cỏ cho bò ăn trên đường phố Hà Nội

Cỏ trên các tuyến phố mọc thoải mái như những cánh đồng bỏ hoang lâu ngày giữa đô thị sầm uất. (Hình: Báo điện tử Dân Trí)
HÀ NỘI (NV) – Nhiều thảm cỏ, vườn hoa ở Hà Nội trở nên nhếch nhác do thiếu sự chăm sóc kể từ khi chính quyền ngưng chi tiền tỷ cho việc cắt cỏ.
Trong khi chờ đợi đề án tổng thể về quản lý hệ thống công viên, cây xanh thảm cỏ và rà soát, cân đối bố trí ngân sách, chính quyền Hà Nội đã chủ trương dừng toàn bộ việc cắt tỉa, chăm sóc thảm cỏ trên các giải phân cách. Do vậy, nhiều đường phố ở Hà Nội, cỏ mọc um tùm mà không được cắt tỉa thường xuyên kể từ ngày 1 tháng 7 năm 2016.
Theo mô tả của phóng viên báo điện tử Dân Trí, ngày 14 tháng 9, trên tuyến đường Trần Duy Hưng, những tàu lá già của cây cau cảnh đã rụng cả tháng trời không được ai chăm sóc. Cỏ trên tuyến phố này mọc theo lối tự nhiên như những cánh đồng bỏ hoang lâu ngày.
“Nhìn những bãi cỏ um tùm như thế này có khi hổ đẻ ở trong đó cũng không biết được,” ông Nguyễn Thế Chương (45 tuổi), chạy xe ôm ở góc phố Hoàng Đạo Thúy – Trần Duy Hưng hóm hỉnh ví von.
Còn bà Trần Thị Loan (32 tuổi), nhà ở huyện Sóc Sơn, bán hàng rong tỏ ra đầy tiếc rẻ: “Ước gì lũ trẻ chăn trâu ở nhà được mang qua đây chăn thì có phải là lợi cả đôi đường không!”
Giải phân cách này trước kia có hàng rào bằng tre thấp được cắm mau để tránh người đi bộ qua lại giẫm lên cỏ, còn nay đã không còn rào chắn. Khi tắc đường, nhiều người đi đường thiếu ý thức đã chạy cả xe máy lên đây, quần nát hết cây cỏ.
Tương tự, trên đường Nguyễn Chí Thanh, nơi trước kia được đánh giá là “tuyến đường đẹp nhất thủ đô,” cỏ mọc lan ra đường đến cả nửa mét.
Ngay gần ngã tư Giảng Võ – Giang Văn Minh cũng chung cảnh ngộ với các tuyến phố khác khi cỏ mọc um tùm, xanh mướt suốt giải phân cách. Con đường này trước đó đã phải chi 53 tỷ đồng tiền ngân sách dành cho việc chăm sóc, cắt tỉa trong 1 năm.
Ngoài ra, một số công viên, vườn hoa trong trung tâm Hà Nội, cỏ mọc lâu ngày không được cắt tỉa đã trổ bông. Ông Nguyễn Văn Tư (48 tuổi), ở huyện Phúc Thọ, chạy xe ôm ở gần triển lãm Giảng Võ tranh thủ cắt cỏ ở giải phân cách trên phố giảng Võ về cho bò ăn. “Khoảng hai tuần trở lại đây, cứ cuối ngày là tôi tranh thủ mang liềm ra cắt cỏ về cho bò ăn. Chỉ khoảng 20 phút là tôi có đầy cả một xe máy cỏ xanh non chở về nhà rồi,” ông Tư nói. (Tr.N)

Chết phải bó chiếu, chở bằng xe gắn máy, vì quá nghèo

Do không có tiền thuê xe hơi nên gia đình bà P. nhờ người quen dùng xe máy chở thi thể về mai táng. (Hình: Facebook Tùng Hải)
SƠN LA (NV) – Một phụ nữ ở huyện Quỳnh Nhai mắc bệnh chết, do gia đình quá nghèo không có tiền thuê xe hơi chở thi thể về nhà, phải nhờ người cuốn chiếu chở bằng xe máy để lộ 2 chân, khiến dư luận tại Việt Nam phẫn nộ với nhà cầm quyền.
Trả lời truyền thông Việt Nam trước hình ảnh người đàn ông chở một thi thể cuốn chiếu để lộ hai chân ra ngoài ở Sơn La, ngày 14 tháng 9, cơ quan công an tỉnh Sơn La, cho biết “nạn nhân tử vong do bệnh lý và được người quen dùng xe máy chở về nhà mai táng.”
Theo báo Dân Việt, qua điều tra được biết, người qua đời là bà P., ở xã Mường Sại, huyện Quỳnh Nhai. Bà P bị bệnh lao phổi được gia đình đưa đi điều trị tại bệnh viện lao và bệnh phổi tỉnh Sơn La nhưng bệnh quá nặng đã không qua khỏi. Do nhà quá nghèo không có tiền thuê xe hơi chở thi thể từ bệnh viện về nhà như quy định, nên gia đình bà P. buộc phải thuê người quen chở từ bệnh viện lao và bệnh phổi tỉnh Sơn La về huyện Quỳnh Nhai để mai táng.
Thi thể người xấu số được chở bằng xe gắn máy. (Hình: Facebook Tùng Hải)
Thi thể người xấu số được chở bằng xe gắn máy. (Hình: Facebook Tùng Hải)
Hai ngày trước, trên Facebook người có nickname Tùng Hải đưa lên một tấm hình ghi lại cảnh một người đàn ông đi xe máy chở một vật ở phía sau, nhìn kỹ thấy cuốn trong chiếu và lộ 2 chân người ra bên ngoài. Tấm hình được anh Tùng Hải chụp lại trên đoạn đường chạy qua phường Quyết Tâm, thành phố Sơn La vào khoảng 13 giờ 15 chiều ngày 12 tháng 9.
Nghi thi thể người chết “có điều bất thường” nên anh Tùng Hải đã đưa lên Facebook với mục đích giúp cơ quan điều tra có tư liệu khi xác minh.
Nhiều người dùng Facebook khi xem tấm hình cũng bày tỏ ý sự nghi ngờ có thể đây là hậu quả của một tội ác nào đó. Thế nhưng sự thật đau lòng là sự cùng khổ của một gia đình có người thân đến lúc chết cũng không được yên thân.
Sơn La là tỉnh từng có dự án xây dựng tượng đài ông Hồ Chí Minh với chi phí 14 ngàn tỷ đồng, tương đương với khoảng $700 triệu, công bố hồi năm ngoái khiến dư luận tại Việt Nam phản đối quyết liệt.

Một người có nickname Sad bày tỏ trên Facebook: “Nhìn các công trình tượng đài ngàn ngàn tỷ lãng phí, thấy thân phận người nghèo sao khốn cùng đến vậy. Ôi, đồng bào tôi, đọc mà rơi nước mắt… cái nghèo!” (Tr.N)

Trung Quốc bỏ của chạy lấy người khỏi Venezuela

Nguyên Lam & Nguyễn-Xuân Nghĩa, RFA 2016-09-14  
000_G54Y4.jpg
Những nhà hoạt động đối lập bên ngoài đại sứ quán Bolivia tại Caracas, venezuela ngày 14 tháng 9 năm 2016.  AFP photo
Tình hình kinh tế bế tắc và xã hội bất trắc tại xứ Venezuela khiến lãnh đạo Bắc Kinh lúng túng không ít. Họ vừa lo mất tiền cho vay lên tới 60 tỷ đô la, lại sợ kiều dân của họ bị sát hại trong một xứ mà tỷ lệ tội ác và lạm phát đang dẫn đầu thế giới. Diễn đàn Kinh tế tìm hiểu về cuộc phiêu lưu thất bại của Trung Quốc tại một quốc gia thuộc loại giàu nhất lục địa Nam Mỹ nay sắp vỡ nợ vì chủ trương xã hội chủ nghĩa với màu sắc cộng sản….
Vì đâu nên nỗi?
Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin chào chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa. Thưa ông, nền Cộng hòa Bolivar Venezuela đang bị khủng hoảng muôn mặt mà chưa thấy lối ra sau 16 năm theo đuổi con đường xã hội chủ nghĩa do cố Tổng thống Hugo Chávez đề xướng từ năm 1999. Là quốc gia giàu tài nguyên nhất lục địa Nam Mỹ, ngày nay Venezuela lại dẫn đầu thế giới về suy thoái kinh tế với đà tăng trưởng có thể sụt 10%, về mức lạm phát lên tới 100%, về nạn khan hiếm lương thực khiến người ta cướp thức ăn trong trường học, và nhất là về tỷ lệ tội ác tính theo đầu người. Trong khung cảnh đó, thế giới mới nói tới sự lúng túng của lãnh đạo Bắc Kinh vì họ đã đầu tư nhiều nhất vào xứ này, nay kiều dân của họ có thể bị sát hại nên đã lánh nạn qua hai nước lân bang là Colombia và Panama. Thưa ông , thính giả của chúng ta có thể tò mò tự hỏi là “vì đâu mà nên nỗi như vậy?”
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tôi nghĩ rằng câu trả lời sẽ gồm có hai phần. Thứ nhất, vì đâu mà một quốc gia giàu có lại đến nỗi phá sản và tan hoang như vậy? Thứ hai, vì sao Trung Quốc trút tiền và người vào xứ này và nay chưa biết làm sao thu hồi lại vốn và bảo vệ mạng sống cho kiều dân của họ?
Về phần nhất, trên diễn đàn này từ hơn ba năm trước, khi ông Hugo Chávez tạ thế, chúng ta cũng đã đề cập và tiên báo các vấn đề ngày nay của Venezuela. Tôi xin được cập nhật lại các chi tiết mới. Số là sau khi giành được nền độc lập từ Đế quốc Tây Ban Nha vào đầu thế kỷ 19 nhờ ông Simon Bolivar, thì Venezuela có hai đặc sản là nạn độc tài và tài vỡ nợ. Trong phạm vi của chương trình kinh tế, ta hãy nói đến nạn vỡ nợ. Tính bình quân thì từ năm 1825 đến 1900, cứ 12 năm rưỡi lại vỡ nợ một lần. Trong ba chục năm gần đây thì bốn lần vỡ nợ, bình quân là bảy năm một lần, mới nhất là vào năm 2004 và nay sắp là lần thứ năm với 100 tỷ đô la trái phiếu sẽ đáo hạn.
Nguyên Lam: Nhưng thưa ông, vì sao trước đây người ta vẫn tin rằng xứ này giàu tài nguyên và thuộc loại trù phú của lục địa Nam Mỹ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Câu trả lời ngắn gọn là sự hồ hởi sảng vì tài nguyên quan trọng là bộ não trên đầu, không là quặng mỏ dưới đất! Tìm hiểu kỹ thì ta thấy nạn lạc quan tếu vì tài nguyên phong phú khiến giới đầu tư vay tiền và thổi bong bóng chả khác gì hiện tượng bể bọt trên sóng tại vùng biển Nam Mỹ nổi tiếng của Đế quốc Anh vào thế kỷ 18, gọi là "South Sea Bubble". Qua thế kỷ 20, người ta lại hồ hởi nữa khi tìm ra dầu mỏ tại Venezuela từ năm 1922. Xứ này có trữ lượng khoảng 300 tỷ thùng dầu thô, hàng thứ nhì thế giới, và thành cột trụ của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa OPEC mà cũng bị hoạn nạn chính là vì nguồn tài nguyên đó.
Hơn 30 năm trước, Venezuela đã có dân chủ và tương đối thịnh vượng nhờ kho dầu. Nhưng bất ổn kinh tế vì dầu thô sụt giá và nạn tham ô đã gây bất mãn. Sau khi đảo chánh không thành, Hugo Chavez bèn bơi trên làn sóng phẫn nộ của quần chúng mà tham gia bầu cử và thắng lớn. Ông lập ra một chế độ quyến rũ là "độc tài mị dân". Mị dân nghèo để tập trung quyền lực vào phe đảng của mình, trên cùng là bản thân, tới khi gần chết mới buông. Có tài hùng biện và khẩu hiệu cách mạng của anh hùng Bolívar, tinh thần độc lập chống Hoa Kỳ và chủ trương xây dựng xã hội chủ nghĩa cho dân nghèo, v.v... Chavez đã thắng và cầm quyền trong 14 năm nhờ đảng Xã hội Chủ nghĩa Thống nhất Venezuela và lực lượng dân quân có 125 ngàn tay súng, nằm ngoài quân đội mà trong hệ thống quyền lực của mình. Ông Chavez cũng lập ra mạng lưới liên hội cộng đồng có cái vỏ của "dân chủ từ cơ sở" mà thực chất là thu vén quyền hành và quyền lợi của các địa phương vào tay những kẻ thân tín của lãnh tụ.
Nguyên Lam: Còn về chính sách kinh tế thì người sáng lập ra chế độ xã hội chủ nghĩa này đã làm những gì, thưa ông?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Vì ỷ vào dầu khí là nguồn thu chính, chế độ Chávez quốc hữu hóa khu vực năng lượng mà không phát triển các khu vực sản xuất khác cho nên kinh tế bị mất cân đối, phải nhập khẩu lương thực, bị lạm phát mà công nghiệp dầu khí lại tụt hậu và mắc nợ vì nạn bao cấp nên mới càng lệ thuộc vào Trung Quốc. Nói chung, Venezuela nay đã cạn tiền và thành phần nghèo khổ bắt đầu thất vọng nhưng chế độ dân chủ nửa vời của Hugo Chavez đã tiêu diệt mọi lực lượng và giải pháp khác nên giờ này các đảng phái đối lập mới chật vật đối phó.
Vì sao Trung Quốc sa lầy?
000_G56FX.jpg-400.jpg
Người dân mua bánh mì ở một tiệm bánh ở Caracas, ngày 14 Tháng Chín năm 2016. AFP photo
Nguyên Lam: Nguyên Lam xin bước qua phần hai là vì đâu mà Trung Quốc lại lâm vào tình trạng khó khăn ngày nay tại Venezuela? Thưa ông, chẳng lẽ Bắc Kinh không học được bài học về nạn bể bọt đầu tư đã từng xảy ra tại Venezuela và nhiều xứ Nam Mỹ khác hay sao?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Thật ra họ đã tiếp thu kinh nghiệm quốc tế và có bản lĩnh chứ không mơ hồ. Chuyện này có đầy khúc mắc nên tôi xin từng bước giải thích.
Về đại thể, Trung Quốc là xứ đói ăn khát dầu nên cần bảo đảm nguồn cung cấp nguyên nhiên vật liệu và lương thực về lâu dài, nếu không thì bị loạn. Ưu tiên thứ hai là khi tiến hành việc đó, lãnh đạo Bắc Kinh quan tâm đến yêu cầu phát triển thế lực ngoại giao với các nước, bất kể bản chất của chế độ sở tại. Sở dĩ họ thi hành được là nhờ hệ thống tư bản nhà nước với sức huy động và phối hợp phương tiện mà các nền kinh tế tự do khó cạnh tranh nổi. Từ đó, Bắc Kinh bành trướng ảnh hưởng đến Á Châu, Phi Châu và Nam Mỹ qua hai mũi công là Ngân hàng Phát triển Quốc gia, được gọi tắt theo Anh ngữ là CDB, và các tập đòan nghiệp nhà nước. Ngắn gọn thì ngân hàng CDB cho các nước có tài nguyên vay tiền để thực hiện  dự án do doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc tiến hành hầu bảo đảm nguồn tiếp vận tài nguyên và qua đó củng cố thế lực ngoại giao của Bắc Kinh với các nước đang phát triển, kể cả các nước độc tài, và nhất là các nước độc tài.
Bắc Kinh đã xây dựng quan hệ với chế độ Chávez tại Caracas từ lâu nhưng bàn trướng mạnh là từ sau năm 2008. Một phần ba các khoản tín dụng của ngân hàng CDB ra hải ngoại là trút vào Venezuela, nay lên tới hơn 60 tỷ đô la. Song song, doanh nghiệp nhà nước Bắc Kinh cũng được ngân hàng này cho vay để thực hiện các dự án gọi là "thuộc diện chính sách", trong đó nhiều dự án được hoàn thành tại xứ Venezuela. Nhờ tín dụng của ngân hàng CDB, tập đoàn quốc doanh Venezuela còn đầu tư ngược vào Trung Quốc làm người dân càng tin vào uy thế của Chávez trên con đường xây dựng xã hội chủ nghĩa gọi là Chavismo của ông ta.
Năm 2007, sau khi quốc hữu hóa khu vực năng lượng và đuổi doanh nghiệp Âu Mỹ ra ngoài, ông Chavez tuyên bố rằng tài nguyên của Venezuela là tài sản của toàn dân. Thật ra tài nguyên ấy vẫn do nhà nước Trung Quốc thống nhất quản lý nhờ vai trò của ngân hàng CDB và doanh nghiệp Bắc Kinh. Đây là điều mỉa mai mà truyền thông Venezuela hay quốc tế khó phanh phui vì ngần ấy nghiệp vụ là bí mật về an ninh của Trung Quốc! Tới khi Venezuela lâm khủng hoảng thì Bắc Kinh sợ mất cả chì lẫn chài nên đang cố mồi chài giải pháp khác!
Nguyên Lam: Có lẽ vì vậy mà quốc tế mới loan tin Bắc Kinh đã tiếp xúc với các nhân vật đối lập và doanh gia Venezuela để chuẩn bị giải pháp thay thế chế độ hiện hành của Tổng thống Nicolás Maduro và nhất quyết không cho chế độ này vay thêm một đồng nào nữa. Thưa ông, liệu Bắc Kinh có hy vọng thành công hay không?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Ta không quên là sinh thời, Hugo Chávez rất phục Mao Trạch Đông và sau khi ông mất ngày năm Tháng Ba năm 2013, chính quyền kế nhiệm của Phó Tổng thống Nicolás Maduro quyết định cho ướp xác Hugo Chavez để toàn dân chiêm bái ông ta. Đâm ra ngày nay có năm lãnh tụ độc tài là những xác chết chưa chôn, là Lenin bên Nga, Mao bên Tầu, hai cha con Kim Nhật Thành và Kim Chính Nhật tại Bắc Hàn và ông Hồ tại Việt Nam. Tôi còn nhớ khi ấy tuần báo The Economist tại Anh có một chữ rất ác, là “Dân Mỹ Châu La Tinh đi vào mùa tử dâm” dịch từ "necrophiliac streak". Tôi xin lỗi quý thính giả, khoa thần kinh tâm lý học nói đến một bệnh lạ là "necrophilia", ham muốn tình dục với xác chết. Có thể dịch là "ái tử thi", "lạc thi bệnh" hoặc đơn giản mà cũng hiểu được là "thi dâm" hay "tử dâm".
Nghĩ vậy thì lời phê của tờ báo là quá nặng, mà chưa đủ vì ngày nay thế giới bên ngoài còn nhiều người mắc bệnh sùng bái Chavez khi ca tụng di sản của ông ta là chế độ cho dân nghèo. Chỉ vì thiếu am hiểu kinh tế nhập môn họ không hiểu dân nghèo mới là nạn nhân và hậu qủa là đầu tháng này, ông Maduro bị cư dân trong khu vực được coi như thành lũy của chủ nghĩa Chavismo rượt đuổi. Cho nên chưa chắc là họ đã ưa thích gì chủ nợ của Venezuela là chính quyền Bắc Kinh. Vì vậy mà Hoa kiều tại Venezuela mới bị bắt cóc và sát hại hàng loạt.
Nguyên Lam: Thưa ông, nếu có thay đổi chính trị tại Venezuela thì liệu Bắc Kinh có thu lại được các món nợ của mình không? Tính ra thì 60 tỷ đô la cũng là nhiều lắm!
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tôi xin giải thích thêm vài chi tiết chuyên môn để ta hiểu ra tương lai.
Thứ nhất, khi cho vay, Bắc Kinh vẫn có thể nắm dao đằng chuôi. Trong quan hệ với các nước giàu tài nguyên, họ nhấn mạnh đến khẩu hiệu họ gọi là "song doanh" theo lối nói "win-win" của giới kinh tế, tức là đôi bên cùng có lợi. Thật ra, Bắc Kinh lời gấp đôi vì vừa nắm nguồn cung cấp vừa tìm ra nhiều hợp đồng cho doanh nghiệp của mình. Venezuela đi vay mà trả bằng dầu, mỗi ngày trả 430 ngàn thùng thì mới đủ. Nguồn dầu ấy lại do các tập đoàn dầu khí Trung Quốc như Sinopec hay CNPC khai thác để xuất khẩu ra ngoài. Chi tiết ly kỳ là sự sai biệt giữa lượng dầu chở từ Venezuela để trả nợ so với số dầu nhập khẩu vào Trung Quốc, vốn là những số liệu được đôi bên giữ kín. Các chuyên gia quốc tế tìm mãi mới hiểu khúc mắc bên trong.
Do đặc tính địa chất, dầu Venezuela thuộc loại "nặng" và "chua" chứ không "nhẹ" và "ngọt" như dầu của Á Rập Saudi, nên khó lọc thành xăng vì cần loại kỹ thuật Trung Quốc chưa có. Thứ hai, dù mua với giá rẻ thì việc chuyển vận từ Venezuela về Trung Quốc cũng tốn kém. Vì vậy, doanh nghiệp Trung Quốc lặng lẽ đem dầu Venezuela bán cho các xưởng lọc dầu Châu Mỹ để kiếm lời ở giữa. Điều ấy mới giải thích vì sao thống kê Hải quan về số dầu nhập vào Trung Quốc lại thấp hơn số dầu xuất khẩu từ Venezuela. Tức là nhờ Chávez, Trung Quốc trở thành tay buôn dầu đáng kể trên các thị trường Bắc Mỹ khi giá dầu còn cao! Nay họ than là đã cho Venezuela vay 60 tỷ đô la thì ta nên tính lại. Và chế độ Venezuela sau này sẽ đòi tính lại.
Nguyên Lam: Tức là ông cho rằng Bắc Kinh cũng có thể bị rủi ro mất nợ tại Venezuela?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Venezuela có truyền thống bốc đồng vì dầu và nhờ dầu mà xây dựng hệ thống chia chác quyền lợi nên mới gặp bất ổn chính trị. Đấy là một rủi ro cho Trung Quốc ở bên ngoài. Trường hợp ấy từng xảy ra tại các nước được Bắc Kinh viện trợ mà bị động loạn và nội chiến nên càng dễ xảy ra tại Venezuela. Vả lại, dân bản xứ không tin vào thiện chí của Bắc Kinh và lề lối giao tế trịch thượng của các doanh nghiệp Trung Quốc. Nếu Venezuela thay đổi thì sẽ có ngày dân chúng xứ này nêu vấn đề về các "món nợ đáng tởm", là điều mà dân Việt Nam chúng ta nên biết. Số là trên thế giới có nhiều trường hợp mà quần chúng, phe đối lập hay chế độ mới đòi điều tra và hủy bỏ các món nợ do chế độ cũ cam kết với xứ khác. Người ta gọi đó là "món nợ đáng tởm" hay "odious debts" vì chế độ cũ nhân danh quốc gia đi vay nước khác để trục lợi riêng cho tay chân hay thân tộc rồi lại bắt người dân phải trả. Chúng ta còn theo dõi chuyện ấy trong nhiều năm tới.
Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin cảm tạ chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa về bài 
http://www.rfa.org/vietnamese/programs/EconomicForum/prc-s-alternative-in-venezuela-09142016145638.html/trung-quoc-bo-cua-chay-lay-nguoi-khoi-venezuelaphân tích kỳ này.

Vỡ ống thủy điện ở Quảng Nam 'do bão'

Theo BBC-14 tháng 9 2016

Image captionTruyền thông Việt Nam đưa tin về vụ việc
Nhiều người mất tích sau khi đường ống dẫn nước từ đập về nhà máy thủy điện Sông Bung 2 (Nam Giang, Quảng Nam) bị vỡ chiều 13/9.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nói nguyên nhân ban đầu của sự cố là do ảnh hưởng của bão số 4 khiến nước lũ về hồ chứa với lưu lượng rất lớn.
Tuy nhiên ông Huỳnh Khánh Toàn nói thêm hiện mới có nguyên nhân ban đầu, phải chờ Hội đồng liên bộ vào xác minh nguyên nhân thì mới quy trách nhiệm cụ thể, xem lỗi thiết kế hay lỗi thi công.
Trong khi đó GS.TS Phạm Hồng Giang, Chủ tịch Hội Đập lớn và phát triển nguồn nước Việt Nam, nói với báo VnExpress về nguyên tắc, thiết kế công trình thủy điện Sông Bung 2 phải tính toán tất cả các vấn đề có thể xảy ra, đảm bảo an toàn của hầm dẫn dòng khi có lũ lớn.
"Song thực tế vẫn xảy ra sự cố, cho thấy đây là lỗi kỹ thuật, thi công của công trình".
Ông Toàn được truyền thông trong nước dẫn lời mô tả "nhiều thông tin không chính thống cho rằng vỡ đập nên Thủ tướng rất quan tâm đến sự cố này".
Tin cho hay nước cuốn trôi hai công nhân và hai ngôi nhà.
Trang VnExpress đưa tin chiều 13/9, “lũ thượng nguồn đổ về gây tràn, vỡ đường ống dẫn nước từ đập về nhà máy thủy điện”.
Còn phóng viên VietNamNet có mặt tại hiện trường chân thuỷ điện Sông Bung 2 nói hai bên bờ dưới con đập bị sạt lở rất nặng.
Được biết công trình thủy điện Sông Bung 2 được nghiệm thu, cho phép tích nước hồ chứa từ ngày 25/8, hoàn thành đóng cửa van hầm dẫn dòng vào ngày 3/9.
Đại diện chính quyền Quảng Nam được Vnxpress dẫn lời cho rằng sự cố xảy ra trên địa bàn tỉnh, nhưng chủ đầu tư là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
"Khi Hội đồng nghiệm thu nhà nước nghiệm thu công trình, tỉnh không được tham gia. Trách nhiệm thuộc về EVN, phải báo cáo với Bộ Công thương và Thủ tướng về sự cố," báo mạng này đưa tin.

Trịnh Xuân Thanh và cú vồ hụt của Nguyễn Phú Trọng

— 9/14/2016 - 19:12 

Như một vở hài kịch được sắp sẵn, nhưng vừa đưa ra diễn bị cháy, vụ việc Trịnh Xuân Thanh đang là tâm điểm dư luận mấy ngày qua tại Việt Nam. Nhiều báo chí và mạng xã hội tập trung vào chủ đề này, thậm chí đến mức quên đi cả điều hết sức lớn lao đang từng ngày gây nhức nhối xã hội như Thảm họa Biển Miền Trung - cho đến nay đã gần nửa năm, người dân vẫn không được đền bù thiệt hại.
Trịnh Xuân Thanh - Một cán bộ là con cựu cán bộ cao cấp, được trung ương chăm bẵm, nâng niu ưu tiên đủ thứ, công danh leo vòn vọt từ chức nọ đến chức kia, con đường quan lộ ít ai so bì được, may ra chỉ có con của Thủ tướng.
Bỗng dưng báo chí lôi ra vụ dùng biển xanh lắp vào xe biển trắng rằng là vi phạm luật, là nọ, là kia... cứ như những việc đó ở Việt Nam là lạ lắm không bằng. Gì chứ việc quan chức lạm quyền và làm những điều ngang ngược, coi pháp luật không bằng cái quần lót ở Việt Nam thì chỉ là chuyện bụi bám áo quần. Tưởng rồi  chuyện cũng qua đi như bao chuyện tương tự hoặc hơn thế nhiều.
Nhưng không phải thế.
Cú ra đòn bẩn thường thấy
Người dân thấy ngạc nhiên là chuyện cái biển xanh gắn xe biển trắng được báo chí đưa lên, ông Tổng bí thư lại quan tâm yêu cầu kiểm tra. Nghe tin này, người dân cứ tưởng hồi này ông TBT tiến sĩ xây dựng đảng không có việc làm nên có đọc báo và quan tâm những chuyện bụi đường?
Thế rồi bắt đầu báo chí được phép khai thác, móc chuyện cũ về bổ nhiệm Trịnh Xuân Thanh, rồi việc thua lỗ ở công ty anh ta từng làm... Thậm chí cả việc con anh ta được cất nhắc từ thằng nhân viên quèn lên làm quan chức.
Thế rồi lại TBT chỉ đạo quyết liệt moi ra việc anh ta được bổ nhiệm dù "đúng quy trình", dù có cả ý kiến của bộ máy đảng, là "tinh hoa dân tộc" có "trăm tay nghìn mắt", "sáng suốt tài tình" đồng ý và phê duyệt cất nhắc anh ta, thì lỗi vẫn thuộc về anh ta. Nghe chuyện này, người dân cứ nghĩ đến chuyện đảng đang kỷ luật con dao, còn người cầm dao đâm chết người thì vô can!
Rồi đảng cho khai thác chuyện ở PVC, nơi anh ta được bổ nhiệm năm 2009 làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị. Đến lúc này, người ta mới biết rõ rằng cái Công ty PVC thuộc ngành dầu khí này đã thua lỗ trầm trọng trong những năm đó.
Oái oăm thay, chính năm đó, PVC lại được nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới! Mà để đạt được danh hiệu này, thì đơn vị đó phải có những tiêu chuẩn "nghiêm ngặt" của Nghị định Số 42/2010/NĐ-CP ngày 15/4/2010 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng. Trong đó quy định chỉ tặng cho các đơn vị "có thành tích đặc biệt xuất sắc, trung thành với Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, là tấm gương sáng, mẫu mực về mọi mặt."?
Vậy thì việc khen thưởng của tổ chức do đảng sáng suốt lãnh đạo bao năm nay đã thành trò đùa hoặc trò lừa bịp người dân cả nước. Một lần nữa vạch trần việc phong tặng, khen thưởng là trò bịp bợm sau vụ Hồ Xuân Mãn, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế bị tước danh hiệu Anh hùng do bị chính đồng đội y tố cáo dối trá, bịa đặt, lấy tội làm công để được phong anh hùng.
Thế rồi dù kết quả của cuộc bầu cử "dân chủ đến thế là cùng" mà anh ta trúng vào Quốc hội với số phiếu rất cao, thì Ủy ban bầu cử Quốc gia vẫn không công nhận anh ta là đại biểu Quốc hội, chỉ vì Ban Kiểm tra trung ương yêu cầu. Có nghĩa là cái Ban này hơn cả đám "nhân dân" mà đảng vẽ ra bấy lâu nay.
Thế mới hiểu thêm một điều: Cái gọi là bầu cử, ý dân, nguyện vọng của nhân dân, sự sáng suốt bầu người có tài, có đức vào Quốc hội mà đảng luôn khua chiêng, gõ mõ bấy lâu nay chỉ là một trò hề.
Và việc bầu anh ta vào chức vụ trong bộ máy tỉnh Hậu Giang đã phải dừng lại.
Xem xét cái "quy trình" của vụ này, người ta nhớ đến những việc đảng vẫn hay làm với các nhà đấu tranh cho dân chủ hoặc bất đồng chính kiến. Người ta nhớ đến vụ án "Hai bao cao su đã qua sử dụng bỗng nhiên thành chống lại nhà nước CHXHCN Việt Nam" của Cù Huy Hà Vũ hoặc vụ án "Trốn thuế trở thành Tuyên truyền chống Nhà nước"  của Nguyễn Văn Hải - Điếu Cày.
Thì vẫn bài cũ, tuồng tích cũ diễn lại, dù là đồng chí, đồng đảng với nhau.
 Thế nhưng, qua vụ các đồng chí chơi nhau theo kịch bản này, lại là dịp cho người dân được "đảng cho ta sáng mắt, sáng lòng".
Thực chất của vở bi hài kịch
Người dân biết rõ rằng câu ca dao: "Mèo tha miếng thịt thì đòi. Hổ tha con lợn, mắt coi trừng trừng" là chuyện ngày càng được chứng minh trong chế độ này.
Ai cũng biết rằng, Trịnh Xuân Thanh, với vai trò và chịu trách nhiệm của người đứng đầu trong một đơn vị làm ăn và đốt của người dân đến hơn 3.000 tỷ đồng là tội đáng chém. Thế nhưng, số vụ việc và quan chức làm hại đất nước cỡ Trịnh Xuân Thanh trở lên ở Việt Nam thì "đông như quân Nguyên", nếu bị móc ra trừng trị, thì nói như Nguyễn Sinh Hùng là "lấy đâu ra cán bộ mà làm việc".
Đơn giản là ngay Nguyễn Phú Trọng, khi còn là người đứng đầu Hà Nội, với vai trò Bí thư Thành ủy - một ông vua tại Thủ đô, thì chỉ riêng Dự án Ciputra đã trốn thuế đến 3.000 tỷ đồng, nhưng rồi vẫn rơi vào im lặng. Vậy trách nhiệm của ông ta là người đứng đầu, lãnh đạo toàn diện... để ở đâu? Liệu ông ta có bị khai trừ đảng?
Chỉ nói riêng trong ngành dầu khí Việt Nam, thời Trịnh Xuân Thanh, người đứng đầu ngành dầu khí là Đinh La Thăng, thì ngành này đã đốt bao nhiêu tiền dân? Chỉ nêu vài phi vụ "làm ăn" của ngành này sẽ hiểu.
Hàng trăm tỷ đồng mà ngành Dầu khí đổ vào Sân Golf Hoàng Gia, Ninh Bình, để rồi thu lại được con số âm hàng trăm tỷ. Cũng tương tự, ngành dầu khí đã đầu tư và mất trắng 800 tỷ đồng tại OceanBank thì đã sao.
Cứ tưởng con số mất trắng 800 tỷ đồng đã là lớn ư? Chưa ăn thua. Nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ với con số 7.000 tỷ đồng do Tập đoàn Dầu khí đầu tư để rồi... đắp chiếu. Chỉ sau hơn một năm hoạt động, nhà máy liên tục “đắp chiếu”, lỗ hơn 1.700 tỉ đồng và đứng trước nguy cơ phá sản.
Những tưởng sự thiệt hại, thất thoát, đến con số đó là khủng khiếp và dừng lại? Xin thưa là chưa.
Dự án mà Ngành Dầu khí Việt Nam đầu tư ở Venezuela góp 40% vốn trong tổng mức đầu tư giai đoạn 2009-2014 là 1,825 tỷ USD,đã buộc phải dừng lại vào cuối 2014. Con số 40% Dầu khí Việt Nam góp vốn tại đây giai đoạn này là 730 triệu dola, nghĩa là 16.200 tỷ đồng tiền của người dân Việt Nam đã được "gửi hương cho gió".
Thế thì đã sao? Đinh La Thăng vẫn được điều sang làm Bộ trưởng một ngành huyết mạch hơn, nắm nhiều tiền của hơn, vung tay thoải mái hơn: Bộ Giao thông Vận Tải.
Và khi số tiền 16.200 tỷ tại Venezuela chính thức phá sản, thì Đinh La Thăng vẫn ung dung vào Bộ Chính Trị.
Có thể nói không ngoa điều này: Ngay trong Trung ương Đảng Cộng sản, nếu lấy tội trách nhiệm làm lãng phí, phá hoại, tham nhũng, hối lộ ra mà xét thỉ thử hỏi, mấy người thoát tội? Và thử hỏi cả ngàn Ủy viên Trung ương Đảng, có được mấy người hoặc nói cụ thể hơn là có tìm được người nào dám đứng thẳng, hiên ngang không sợ xấu hổ rằng: Tôi thanh bạch, tôi không tham nhũng, hối lộ mà tôi chỉ sống bằng đồng lương và những đồng tiền chân chính của tôi?
Có lẽ, đó lại là câu chuyện trong Kinh Thánh về thành Sodom và Gomorrah bị tiêu diệt vì không tìm ra được chỉ 10 người công chính.
Trên hết, tất cả những tham nhũng, thì vật chất, tiền bạc... vẫn chưa gây hậu quả lớn bằng việc tham nhũng quyền lực, chiếm cứ ngôi vị, vị thế quyền lực nhằm phục vụ phe nhóm mình và làm đất nước tụt hậu, nghèo nàn và đời sống người dân đi vào cùng khổ, dân tộc đi vào con đường nô lệ. Mà điều này, không cần nói thì ai cũng biết Đảng CS và dẫn đầu là Nguyễn Phú Trọng chiếm giải quán quân.
 Thực chất của vụ việc chỉ là sự thanh trừng phe nhóm nội bộ của đảng. Những chuyện nhân danh chống tham nhũng, nhân danh vì sự trong sạch, liêm khiết của đảng, lấy lại lòng tin với người dân... cứ như những vở tuồng diễn lại bao năm nay đã không còn lạ với người dân Việt Nam vốn đã có thời gian thừa thãi lòng tin và giờ đây thấm đòn.
 Cú vồ hụt và vị thế của Nguyễn Phú Trọng
Tưởng rằng, việc đứng ở vị trí đỉnh cao của quyền lực độc tài, TBT Nguyễn Phú Trọng mở màn vụ thanh trừng bằng nút mở Trịnh Xuân Thanh dễ như trở bàn tay. Để rồi từ đó, đường dây phe nhóm dần dần bị lôi ra khỏi vị thế của mình và ông Trọng một mình một ngựa.
Đâu ngờ mọi việc không như mong đợi.
Dù đã chuẩn bị công phu bằng tuyên giáo, báo chí mở màn bằng những bài viết mổ xẻ, kết tội Trịnh Xuân Thanh. Dù đã chỉ thị, yêu cầu và thậm chí họp xét khai trừ Trịnh Xuân Thanh khỏi Quốc hội, khỏi đảng và các chức vụ... cứ tưởng như Trịnh Xuân Thanh chỉ còn chờ ngày bị người ta thò tay vào giỏ để lôi ra.
Đùng một cái, Trịnh Xuân Thanh biến mất.
Thế rồi anh ta làm nóng cư dân mạng xã hội bằng đơn, thư, hình ảnh... từ nước ngoài hoặc nơi bí mật nào đó, kể tội không chỉ Nguyễn Phú Trọng mà cả đám bộ sâu Trung ương đảng.
Điều này nói lên hai khả năng:
Thứ nhất, là cuộc chiến phe nhóm lợi ích và quyền lực ngày càng gay gắt và đến hồi quyết liệt. Đã có những thanh toán nhau bằng súng, bằng nhiều cách và giờ đây là thanh toán trực tiếp bằng Chỉ thị.
Thứ hai, là vị thế của Nguyễn Phú Trọng nói riêng, Đảng CS nói chung đã không đủ để làm người ta khiếp sợ và cung cúc chấp nhận những sự bất minh mà điều này vốn đã thành lệ xưa nay.
Qua vụ việc này, nếu có chút suy nghĩ, hẳn Nguyễn Phú Trọng sẽ nhìn thấy khả năng, uy tín hiện đang ở đâu, không chỉ trong lòng dân mà ngay cả trong lòng các "đồng chí" của mình.
Hà Nội, ngày 15/9/2016