Theo vietdaikynguyen- Matthew Robertson, Epoch Times 9 Tháng Một , 2015
Ông Bạch Thư Trung – Cựu Cục trưởng Cục Quân y trực thuộc Tổng cục Hậu cần Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc
Một cuộc điện đàm được bí mật ghi âm bởi một nhóm chuyên điều tra hành vi vi phạm nhân quyền tại Trung Quốc đã làm sáng tỏ một câu hỏi: Liệu cựu Lãnh đạo Đảng Cộng Sản Trung Quốc Giang Trạch Dân có phải là người trực tiếp ra lệnh cho hoạt động tội ác diệt chủng, thông qua những phương thức tàn ác và chưa từng có đối với một nhóm thực hành tín ngưỡng tôn giáo hay không?
Năm 2000, một sự việc đáng chú ý đã bắt đầu diễn ra trong ngành công nghiệp cấy ghép nội tạng ở Trung Quốc: tỉ lệ cấy ghép nội tạng tăng vọt, nhiều trung tâm cấy ghép nội tạng được mở ra và một loạt các trang web quảng bá rằng chỉ cần một khoảng thời gian ngắn chưa đến một tuần là có thể thực hiện được ca cấy ghép các bộ phận nội tạng quan trọng. Điều này không thể xảy ra ở các nước phát triển, nơi có thời gian chờ đợi để được cấy ghép một lá gan hay tim phải mất hàng nhiều năm.
Nghi vấn về nguồn gốc nội tạng
Những năm trước, sự việc này làm dấy lên nhiều nghi vấn.Trung Quốc lúc đó vẫn chưa lập ra hệ thống hiến tạng tự nguyện (giống như tại các nước phát triển) và chỉ nói chung chung rằng những nội tạng ấy được lấy từ tử tù – là những người phạm tội bị kết án tử hình. Tại Trung Quốc nội tạng – rất đơn giản – được lấy ra và đem bán.
Tuy nhiên, không tương ứng với tỉ lệ án tử hình, tỉ lệ các ca cấy ghép nội tạng đột ngột tăng vọt vào năm 2000. Trên thực tế, theo số liệu từ tổ chức Đối thoại - một tổ chức chuyên về vấn đề nhân quyền tại Trung Quốc thì số lượng án tử hình tại Trung Quốc đã giảm trong nhiều năm qua.
Một vài năm sau, bắt đầu từ năm 2006 và 2007 các nhà điều tra đã tìm ra nguyên nhân tại sao số ca cấy ghép nội tạng lại đột nhiên tăng vọt: những nội tạng được rao bán trên mạng internet năm 2000 được lấy từ một nguồn khác, không chỉ từ những tử tù mà từ những học viên Pháp Luân Công, một môn tu luyện tâm linh.
Pháp Luân Công là một hệ thống những bài tập thiền tịnh và những bài giảng đạo đức đã được phổ biến rất rộng rãi tại Trung Quốc vào những năm 1990. Tuy nhiên tháng 7 năm 1999, Lãnh đạo Đảng Cộng Sản Trung Quốc bấy giờ là ông Giang Trạch Dân đã khởi xướng một chiến dịch nhằm hủy diệt triệt để môn tu luyện này. Môn tu luyện này đã phát triển phổ biến đến nỗi ông ta cho rằng đó là một mối đe dọa. Ông ta nhìn nhận việc đàn áp như là cơ hội để khuếch trương thế lực của mình trong Đảng.
Theo số liệu tại các bệnh viện, theo lời khai báo của các nhân chứng, các cuộc điện đàm điện thoại được ghi âm cùng với một loạt các bằng chứng khác, những người điều tra phát hiện được kể từ đầu năm 2000 những học viên Pháp Luân Công bắt đầu trở thành nguồn cung cấp nội tạng chính và hữu dụng cho ngành công nghiệp cấy ghép tạng tại Trung Quốc. Nội tạng của những học viên Pháp Luân Công đã thúc đẩy sự phát triển ào ạt các bệnh viện và trung tâm chuyên cấy ghép nội tạng, là những nơi rầm rộ diễn ra hoạt động buôn bán nội tạng, nhiều trong số nội tạng đó được bán cho người nước ngoài với giá trên 100.000 đô la Mỹ.
Cùng với các bằng chứng trên, vẫn còn dai dẳng một câu hỏi: liệu việc thu hoạch nội tạng từ học viên Pháp Luân Công bùng phát như vậy tại Trung Quốc chỉ đơn thuần do “kinh doanh” ở cấp độ địa phương, hay đó là mệnh lệnh từ lãnh đạo?
Theo mệnh lệnh hay có liên đới?
Trong cuốn sách “Cuộc Thảm Sát” – một công trình khảo sát kỹ lưỡng về vấn đề thu hoạch nội tạng từ các học viên Pháp Luân Công – khi chưa có chứng cứ cụ thể, tác giả Ethan Gutmann đã đưa ra giả thuyết ngầm định mỉa mai rằng quy trình thu hoạch rất “có hệ thống”.
Nhưng mới đây vừa tiết lộ một cuộc điện thoại được ghi âm bí mật, cho thấy một quan chức cấp cao của Trung Quốc đã rõ ràng thừa nhận, rằng cuộc sát hại hàng vạn học viên pháp luân công để lấy nội tạng không phải là một hiện tượng bất lương được lan truyền nhanh chóng từ cấp dưới lên cấp trên nhằm trục lợi, mà trên thực tế đã được chỉ thị từ cấp trên xuống. Từ chính ông Giang Trạch Dân.
"Lúc đó, là lệnh của Chủ tịch Giang. Đã có chỉ thị bắt đầu tiến hành việc này, việc cấy ghép nội tạng.
—Ông Bạch Thư Trung, Cựu Cục trưởng Cục Quân y trực thuộc Tổng cục Hậu cần Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc
Viên quan chức này cho biết: “Lúc đó, là lệnh của Chủ tịch Giang. Đã có chỉ thị bắt đầu tiến hành việc này, việc cấy ghép nội tạng”. Ông ta lặp đi lặp lại rằng ông Giang Trạch Dân (chủ tịch Ủy ban Quân sự Trung Ương, cơ quan chủ lực của Đảng, lãnh đạo quân đội) nói “Tôi nghe có văn bản chỉ thị…..bán thận, phẫu thuật…”
Khi được hỏi rằng “Tổng cục Hậu cần đã giam giữ một số học viên Pháp Luân Công để làm đối tượng lấy tạng, có đúng không?”. Ông Bạch đã trả lời: “Cái này … cái này … lúc đó, à, tôi nghĩ, ít nhất thì theo như tôi nhớ, bởi vì sau khi Chủ Tịch Giang ra chỉ lệnh, tất cả chúng tôi đã làm rất nhiều việc chống lại Pháp Luân Công.”
Ông cho biết thêm: “Chúng tôi đã trực tiếp điều hành trường đại học quân y, có liên kết chặt chẽ với Tổng cục Hậu cần Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA), và họ nhận lệnh liên tục, bởi vì lúc đó ông Giang đặc biệt chú trọng vấn đề này, đặc biệt nhấn mạnh vấn đề này”. Người gọi hỏi: “Ai là người đã nhấn mạnh vấn đề này?”. Ông Bạch trả lời: “Ông Giang Trạch Dân, lúc ông còn đương quyền”.
Cuộc gọi kéo dài trong vài phút. Giọng nói không phải ai khác ngoài ông Bạch Thư Trung – Cựu Cục trưởng Cục Quân y trực thuộc Tổng cục Hậu cần Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc. Trên cương vị một cán bộ quân đội nổi tiếng, những đoạn ghi hình về những phát biểu của ông được đăng tải rất nhiều trên mạng, có thể dùng để so sánh. Qua đó xác định được giọng nói trong đoạn ghi âm chính là của ông Bạch Thư Trung.
Các cuộc gọi
Làm thế nào một nhóm điều tra có thể khiến ông ta nói chuyện trên điện thoại, và thậm chí còn nhanh chóng bắt đầu đàm thoại về một thông tin chính trị nhạy cảm như vậy? Đây lại là một vấn đề khác.
Ông Uông Trí Viễn là phát ngôn viên tại New York của Tổ chức Thế giới Điều tra về cuộc Đàn áp Pháp Luân Công (WOIPFG), một cơ quan nghiên cứu chuyên tìm hiểu và thu thập bằng chứng về việc đàn áp môn thực hành tâm linh này. Ông và nhóm điều tra không cho phép phóng viên được phỏng vấn người thực hiện cuộc gọi. Ông cho biết điều đó sẽ tiết lộ thân phận của người gọi.
Ông Uông cũng không cho biết cá nhân này ở bên trong hay bên ngoài Trung Quốc. Nhưng ông nói rằng phương pháp mà họ sử dụng đã được rèn dũa qua nhiều năm, lấy được thông tin nhờ những người trong cuộc đồng ý tiết lộ.
Cụ thể trong trường hợp này, người gọi đóng vai một quan chức cấp cao của Trung Quốc đang điều tra vấn đề này. Ông Uông cho biết: “Đó là tên của một quan chức cấp cao, một người mà ông Bạch Thư Trung phải trả lời, và là người mà ông ta phải e sợ”. Vậy tại sao ông Bạch Thư Trung không biết giọng nói của người này? Ông Uông giải thích: “Có rất nhiều quan chức cấp cao tại Trung Quốc. Họ chưa từng gặp mặt nhau”. Ông Uông còn cho biết, nhóm điều tra đã cẩn thận nghiên cứu thông tin về các đối tượng gọi điện và những người mà họ mạo danh – đôi khi họ không thành công, các quan chức nghe điện thoại sinh nghi và gác máy. Những lần khác thì các quan chức trả lời khá cởi mở.
Khi được hỏi về tính xác thực của các cuộc gọi, ông Uông cho biết tổ chức của ông có thể cung cấp cho một tòa án quốc tế hoặc một cơ quan có thẩm quyền khác chi tiết về toàn bộ các cuộc gọi đã được thực hiện, cũng như số điện thoại gọi đi và gọi đến. Ông Uông cho biết, các cuộc gọi khác được thực hiện qua các tổng đài điện thoại của các cơ quan tại Trung Quốc, trong đó cho thấy việc trao đổi với nhân viên tổng đài và những trao đổi tương tự, không cuộc gọi nào trong số đó có thể bị làm giả. Ông cho biết hiện giờ WOIPFG không thể công bố thông tin đó bởi vì như thế họ khó mà sử dụng lại phương cách này.
Ngoài ra, ông còn lưu ý: “Nếu chúng tôi làm giả việc này, tại sao ông Bạch Thư Trung không đứng ra và chứng minh rằng chúng tôi sai? Điều đó dễ mà, phải không? Tại sao họ không nói gì cả?”
‘Một tên Đại sát nhân’
Ông Tập Cận Bình, nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản, đang thực hiện chiến dịch thanh trừng trong bộ máy Đảng và quân đội. Các nhà quan sát đều thấy rằng nhiều mục tiêu của ông Tập là các quan chức có liên quan đến cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân. Trong bối cảnh này, hoàn toàn dễ hiểu nếu một quan chức thực sự tin rằng mình đang bị chất vấn bởi một thanh tra quân đội hoặc đại loại như vậy, rồi quy tội ông Giang.
Tuy nhiên ông David Matas – luật sư nhân quyền người Canada, đồng tác giả một cuốn sách và báo cáo đáng chú ý về việc Đảng đã chỉ đạo mổ cướp nội tạng các học viên Pháp Luân Công – không hoàn toàn tán đồng với cách đưa ra câu hỏi mà đã biết câu trả lời kiểu như vậy.
“Thông tin này nghe có vẻ hợp lý, nhưng không thể xác minh được. Đó là thông tin mà mọi người đều quan tâm”, ông nói trong một cuộc điện thoại phỏng vấn.
"Tôi không ngạc nhiên nếu Giang Trạch Dân đã ra mệnh lệnh ấy, bởi đó là một phần con người ông ta… ông ta là một tên đại sát nhân.
— David Matas, luật sư nhân quyền và điều tra viên về lạm dụng cấy ghép nội tạng.
Ông Matas còn nói thêm rằng: “Theo tôi, bằng chứng sát hại học viên Pháp Luân Công để thu hoạch nội tạng là khá thuyết phục, và chúng tôi cũng biết ông Giang công khai phát động cuộc bức hại Pháp Luân Công.” Bản thân cuộc gọi này không xác định được liệu tội ác này có xảy ra hay không – điều đó đã được minh chứng rồi, ông Matas nói – nhưng “có thể cho chúng ta biết một vài cơ chế như tội ác này diễn ra như thế nào, điều gì dẫn dắt việc thi hành.”
Ông Matas xem cuộc gọi điện thoại này có tính chất gợi ý và có khả năng “chỉ trích”, mặc dù bản thân nó không “vững chắc lắm”. Ông nói: “Tôi không ngạc nhiên nếu Giang Trạch Dân đã ra mệnh lệnh ấy, bởi đó là một phần con người ông ta… ông ta là một tên đại sát nhân.”