Thursday, January 9, 2014

Bị ném lựu đạn vào nhà lúc nửa đêm vì đấu tranh chống tiêu cực?



Thứ sáu, 2014-01-10 07:39:01 - Nguồn: Docbao.vn
Sau nhiều lần bị đe dọa vì chống tiêu cực, đến rạng sáng ngày 7/1 khi mọi người đang ngủ say, nhà ông Tăng bất ngờ bị ném lựu đạn vào. Rất may quả lựu đạn chưa phát nổ nên không gây thương vong…
 
“Khủng bố” bằng lựu đạn?
 
Sự việc xảy ra lúc 2h30’ sáng ngày 7/1, khi nhà ông Nguyễn Tiến Tăng (thôn Đồng Chùa, xã Quang Yên, huyện Sông Lô, Vĩnh Phúc), đang ngủ. Bất chợt tỉnh giấc vì tiếng va đập vào cửa sổ, ông Tăng phát hiện ra một quả lựu đạn ném trúng thanh sắt chắn ô cửa sổ bật ra ngoài. May mắn quả lựu đạn chưa phát nổ nên không gây thương vong. Sự việc này đã gây chấn động cả một vùng quê nghèo.
 
Ông Nguyễn Tiến Tăng cho biết: "Khoảng 2h30’sáng 7/1, tôi đang ngủ thì có tiếng xe máy đi chậm bên phía vệ đường ngay nhà tôi, sau đó tôi nghe thấy tiếng chó sủa và nghe thấy tiếng động phía bờ rào nên dậy xem thế nào. Tôi soi đèn pin xung quanh thì không có gì, sau đó tôi mở cửa thì thấy quả lựu đạn nằm ngay trước cửa nhà. Tôi hoảng hồn gọi mọi người trong nhà dậy và sau đó gọi cho hàng xóm sang làm chứng. Khi mọi người sang chứng nhận đó là quả lựu đạn, tôi mới gọi cho công an xã xuống lập biên bản. Sau đó phía công an huyện cũng xuống, nhưng khi lập biên bản thì công an lại ghi “hình như là lựu đạn”. Tôi và mọi người không đồng ý với biên bản trên vì rõ ràng là quả lựu đạn nên chúng tôi đấu tranh mãi đến gần 2h chiều hôm đó mới xong”.
 
Rất may quả lựu đạn chưa nổ nên không gây ra thương tích
 
Ông Nguyễn Văn Thịnh (SN 1960), thôn Đồng Chùa, hàng xóm gần nhà ông Tăng cho biết: “Lúc 2h30 phút ông Tăng điện cho tôi nói tôi và ông Đồng đến ngay vì có kẻ ném lựu đạn giết hại nhà ông ấy. Khi chúng tôi và một số người dân đến, quả lựu đạn vẫn chưa nổ mà đang nằm ở hè nhà ông Tăng. Ngay sau đó ông Tăng gọi công an xã Quang Yên đến. Đến khoảng 5h thì công an huyện Sông Lô lên và gọi tôi vào để viết giấy làm chứng. Nhưng mắt tôi mờ không viết được nên tôi nhờ người viết, còn nội dung thì tôi đọc".
 
Trước đó, ngày 3/9/2013, trong buổi liên hoan chi bộ CCB thôn Đồng Chùa, xã Quang Yên, ông Tăng đã bị hai đối tượng là Nguyễn Hữu Nghị (chồng của bà Nguyễn Thị Yến, phó chủ tịch UBND xã Quang Yên) và Nguyễn Mạnh Hà (em rể Nghị) đánh gây thương tích. Theo đơn trình báo của ông Tăng cho biết, khi ông đang ngồi nói chuyện với mọi người thì bị Hà bất ngờ đấm vào ngực trái còn Nghị đã túm cổ đấm vào thái dương và hạ sườn phải. “Hơn 2h đêm rạng sáng ngày 4/9, Công an huyện Sông Lô làm việc, lập biên bản xong đưa tôi về nhà, đến sáng hôm đó gia đình đưa tôi đi viện Quân Đội 109 để điều trị. Tôi nằm viện điều trị khoảng nửa tháng từ ngày 4/9 đến ngày 18/9. Sau đó, tôi ra viện nhưng vẫn còn đau ngực và đau thái dương nên tôi đã phải mua thuốc nam uống từ ngày 22/9 đến 13/10”, ông Tăng cho biết thêm.
 
Sau đó, trong 2 ngày 13 và 15/11/2013, Công an huyện Sông Lô đã khởi tố và bắt tạm giam Lương Quang Minh, nguyên Chủ tịch UBND xã Quang Yên; Hoàng Duy Thành, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Quang Yên và Nguyễn Công Dân nguyên Cán bộ đại chính xã để điều tra về nghi vấn hai ông này đã có hành vi tham nhũng.
 
Rất đông người dân đến theo dõi và bàn tán việc nhà ông Tăng bị kẻ thủ ác ném lựu đạn
 
Nhiều người dân cho rằng, vì việc ông Tăng và một số người trong thôn Đồng Chùa làm đơn kiện những hành vi tiêu cực, tham nhũng xảy ra trong xã Quang Yên nên mới bị  ném lựu đạn trả thù.
 
Có công văn mới làm việc (?!)
 
Để tìm hiểu thông tin vụ việc gây chấn động trên, sáng ngày 8/1, phóng viên báo Đời sống & Pháp luật đã tìm đến trụ sở công an huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc gặp lãnh đạo để trao đổi thông tin.
 
Nhưng khi đến trụ sở công an huyện Sông Lô thì chiến sĩ trực ban nói lãnh đạo đi vắng hẹn lúc khác đến. Sau đó, phóng viên đã điện thoại cho ông Đỗ Đức Cường, Trưởng Công an huyện Sông Lô để hẹn lịch làm việc và ông Cường đã hẹn đến 2h chiều ngày 8/1 sẽ tiếp. Đúng 2h phóng viên có mặt thì ông Cường nói là bận đi họp và giao cho ông Lăng Đức Doanh, phó công an huyện sẽ tiếp phóng viên. Tuy nhiên, sau khi kiểm tra thẻ, giấy giới thiệu và ghi chép thông tin của phóng viên thì ông Doanh một mực cho rằng muốn công an huyện trả lời thì phải có công văn của cơ quan báo chí, ghi rõ câu hỏi trong đó.
 
Gia đình ông Tăng luôn cảm thấy bất an sau sự việc kinh hoàng
 
Trước thái độ được cho là “hiếu khách” của phó công an huyện Lăng Đức Doanh, phóng viên đành ra về và hẹn hôm khác xuống sẽ mang theo công văn, văn bản đến làm việc trực tiếp, để có thông tin khách quan, chân thực phản ánh đến bạn đọc.
 
Theo Thành An (Đời Sống & Pháp Luật)

Tượng thánh cũng không yên

Gần đây, dư luận TP.Mỹ Tho (Tiền Giang) rất thắc mắc việc tượng Đức thánh Trần Hưng Đạo nằm trong khuôn viên của Công ty TNHH Chương Dương, đường 30.4, trực thuộc Văn phòng Tỉnh ủy Tiền Giang, bỗng dưng bị trùm kín lại và đục để xoay hướng khác.
Tượng thánh cũng không yên 1
Bức tượng quay mặt hướng về khu nhà làm việc tỉnh ủy trước khi bị sửa chữa

Tượng thánh cũng không yên 2
Bức tượng bây giờ đã được xoay ra hướng bờ sông - Ảnh: H.P
Theo người dân địa phương, bức tượng Hưng Đạo vương có từ trước năm 1975. Ngoài tượng Trần Hưng Đạo đeo gươm, đứng chỉ tay về phía bờ sông, hai bên còn có 2 khẩu súng thần công và cạnh bờ sông có ngôi nhà lợp ngói rất đẹp, gọi là “nhà 9 nóc”. Sau năm 1975, “nhà 9 nóc” được tỉnh sử dụng làm nơi tiếp khách và hội họp, sau đó khu vực này được cải tạo lại, xây thêm nhà hàng, khách sạn và giao cho Công ty TNHH Chương Dương quản lý. Cũng từ đó, 2 khẩu súng thần công được di chuyển đến Bảo tàng Tiền Giang, còn tượng Hưng Đạo vương thì bị xoay lại 180 độ, quay mặt về hướng bắc, đối diện với khu nhà làm việc của tỉnh ủy. Nay khu nhà làm việc của tỉnh ủy đang được sửa chữa lại thì người ta thấy tượng Hưng Đạo vương được xoay về hướng khác.

Bây giờ nhiều người nói như vậy là không đúng với lịch sử, vì ngày xưa Trần Hưng Đạo chỉ huy đánh trên sông. Vì vậy, chúng tôi xin ý kiến xoay bức tượng trở lại hướng bờ sông... nhưng cũng xéo xéo một chút qua hướng tây nam chừng 15 độ, vì nếu xoay trực diện ra sông thì sẽ... đưa đít thẳng qua khu nhà làm việc của tỉnh ủy
Ông Đoàn Văn Lập - Giám đốc Công ty TNHH Chương Dương
Ông Nguyễn Công Trung, Chánh văn phòng Tỉnh ủy Tiền Giang cho biết: “Trước giải phóng, bức tượng này quay ra hướng sông Tiền. Đến khoảng năm 1979, khi hội trường Chương Dương được sửa chữa thì mấy ổng nói phải xoay bức tượng lại, vì nếu để... day đít vô (khu nhà làm việc của tỉnh ủy -PV) thì kỳ. Vì vậy, lúc đó bức tượng được quay ngược về đường 30.4. Bây giờ có ý kiến của mấy vị cán bộ hưu trí nói Trần Hưng Đạo đánh trận Bạch Đằng, đường thủy, vì vậy phải quay ra hướng bờ sông. Sẵn dịp đang sửa lại “nhà 9 nóc” nên mình xoay bức tượng trở lại hướng bờ sông như cũ. Việc này không liên quan gì đến chuyện mê tín như bức tượng chỉ tay ra, chỉ tay vô gì cả”.
Tương tự, ông Đoàn Văn Lập, Giám đốc Công ty TNHH Chương Dương, giải thích: “Bây giờ nhiều người nói như vậy (tượng quay mặt ra đường - NV) là không đúng với lịch sử, vì ngày xưa Trần Hưng Đạo chỉ huy đánh trên sông. Vì vậy, chúng tôi xin ý kiến xoay bức tượng trở lại hướng bờ sông, chớ không liên quan gì đến chuyện phong thủy”. Cũng theo ông Lập, xoay bức tượng hướng ra sông “nhưng cũng xéo xéo một chút qua hướng tây nam chừng 15 độ, vì nếu xoay trực diện ra sông thì sẽ... đưa đít thẳng qua khu nhà làm việc của tỉnh ủy”.
Hoàng Phương

Giật mình: Nhiều CSGT phải điều trị tâm thần

“Thời gian gần đây có khá nhiều cảnh sát giao thông (CSGT) đến bệnh viện lấy thuốc tâm thần và mời các bác sĩ của bệnh viện về nhà khám liên quan đến áp lực về tâm lý, đau đầu, mất ngủ...”, bác sĩ Lý Trần Tình, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Hà Nội cho biết.

Trong năm 2013, rất nhiều những vụ việc gây dậy sóng từ các lực lượng CSGT. Đáng chú ý nhất là vụ một chiến sĩ CSGT do bị ức chế, dồn nén tâm lý đã bắn chết cấp trên của mình cùng nhiều chiến sĩ khác bị thương ngày 22/9/2013 ở ngay trạm tuần tra kiểm soát giao thông Suối Tre (thuộc Phòng CSGT đường bộ, đường sắt Công an tỉnh Đồng Nai).

Tiếp đến tối 24/9, một vụ TNGT nghiêm trọng xảy ra trên QL1A, thuộc huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam khiến một người thiệt mạng, liên quan đến việc các CSGT làm nhiệm vụ ra hiệu dừng xe. Cũng trong tháng 9, vụ CSGT của tỉnh Thanh Hóa rút súng bắn nhiều phát vào người điều khiển xe máy gây bất bình trong dư luận.

Bác sĩ Lý Trần Tình lo ngại bởi CSGT chưa nhận được sự chia sẻ từ người dân.
Bác sĩ Lý Trần Tình lo ngại bởi CSGT chưa nhận được sự chia sẻ từ người dân.

Hầu hết, những vụ việc nói trên, dư luận đều bày tỏ sự không đồng tình với cách ứng xử của những chiến sĩ CSGT. Và tất nhiên, sau đó có sự sự can thiệp, xử lý nghiêm của cơ quan chức năng. Tuy nhiên, nó thêm một hồi chuông cảnh báo đối với lực lượng CSGT khi làm nhiệm vụ.

Ở một góc độ khác, nhiều ý kiến bày tỏ các chiến sĩ CSGT luôn cảm thấy bị áp lực, căng thẳng trong công việc và chưa nhận được sự chia sẻ từ người dân. Thực tế, không ít trường hợp phải tìm đến các bệnh viện thâm thần để khám bệnh và lấy thuốc an thần.

Trao đổi với PetroTimes, Trung úy Phùng Ngọc Hiệp, Bí thư chi đoàn Đội CSGT số 3 (Phòng CSGT TP Hà Nội) chia sẻ: “Ngành nào cũng có những áp lực riêng, tuy nhiên CSGT nó có những đặc thù riêng biệt. Những ngày lễ, ngày Tết rồi ngày mưa gió anh em vẫn làm nhiệm vụ kể cả ngày và đêm. Làm tốt thì không sao nhưng có gì chưa đúng là gặp ngay những lời chê trách. Lúc làm nhiệm vụ cũng vậy, khi người dân sai phạm mình nhắc nhở, xử phạt họ nhiều khi còn bị mắng, bị chửi là vô tâm”.

Theo tâm lý chung, người dân đi đường hễ gặp CSGT trong đầu luôn nghĩ bản thân sẽ có thiệt hại nên trong họ có sự phẫn nộ sẵn. Bởi đối với người tham gia giao thông hầu hết ai cũng bị CSGT thổi còi để dừng phương tiện một vài lần và có thể bị phạt. Vì thế mỗi lần đối diện với CSGT hay xảy ra đôi co, tranh cãi. Một số CSGT vì áp lực công việc không kiềm chế được bản thân đã vô ý nảy ra những lời lẽ hơi nặng nề với nhân dân. Vì những lý do đó, nhiều CSGT bị người dân trách nhầm.

Hai chiến sĩ CSGT TP Nam Định phải nhập viện do bị lái xe vi phạm tấn công.
Hai chiến sĩ CSGT TP Nam Định phải nhập viện do bị lái xe vi phạm tấn công.

Thiếu úy Nguyễn Chí Công, chiến sĩ CSGT đội 6 bày tỏ: “Về đặc thù công việc của CSGT thì ai cũng biết, nhiều hôm thức trắng đêm làm nhiệm vụ rồi giải tỏa, cứu hộ đường lúc mưa bão. Có điều, nhiều khi không nhận được sự ủng hộ của người dân nhiều anh em cảm thấy không thực sự được vui mặc dù mình đã cố gắng hết sức.

Ví dụ như gần đây, các đội CSGT đang làm chuyên đề về áp dụng đội mũ bảo hiểm đối với trẻ em. Nhưng khi kiểm tra những trường hợp phụ huynh không đội mũ bảo hiểm cho các cháu lúc đến trường họ lại bảo: Đi đường bao nhiêu người không đội sao các anh không bắt. Các anh bắt hết họ đi rồi tôi nộp phạt. Thật sự chúng tôi đang gặp phải những áp lực không hề nhỏ trong khi làm nhiệm vụ”.

Trao đổi về vấn đề này, bác sĩ Lý Trần Tình, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Hà Nội cho rằng: Nghề nào cũng có áp lực riêng và khi xã hội càng phát triển nhanh chóng thì áp lực càng nhiều. Khi ấy, con người không kịp thích nghi nên dễ dẫn tới stress hay trong bệnh lý tâm thần là bệnh rối loạn sự thích ứng. Riêng ở Việt Nam có một số nghề mà đặc biệt là nghề phải tiếp xúc với cộng đồng dân cư, xã hội, tiếp xúc với công chúng như CSGT thì chịu rất nhiều áp lực, bởi vì người ta soi vào từ hành động, suy nghĩ, trang phục, thái độ của người đó.

Trong một cộng đồng như vậy, lại ở một khu vực nóng bỏng, nhạy cảm thì gánh nặng tâm lý, áp lực của CSGT quả thực là rất lớn. Thêm vào đó, họ gần như không có ngày nghỉ, càng những ngày lễ, ngày tết khi mọi người nghỉ thì họ lại phải túc trực làm nhiệm vụ.

Chưa kể đến tai nạn giao thông luôn cận kề với họ, rồi một bộ phận người tham gia giao thông của mình không hiểu biết hết về luật giao thông và giao thông thì theo kiểu lấp chỗ trống, mạnh ai người đó đi, cố thoát khỏi ùn tắc... Những điều đó đã tạo áp lực, ức chế, xung đột rất lớn đối với CSGT.

Vụ CSGT tại tỉnh Thanh Hóa nổ súng bắn người vi phạm giao thông trên đường.
Vụ CSGT tại tỉnh Thanh Hóa nổ súng bắn người vi phạm giao thông trên đường.

Bác sĩ Tình cũng cho hay, trong thời gian vừa qua cũng có khá nhiều cảnh sát giao thông đến bệnh viện và mời các bác sĩ của bệnh viện về nhà khám liên quan đến áp lực về tâm lý, đau đầu, mất ngủ... Tuy nhiên, việc điều trị chủ yếu là ngoại trú còn nằm điều trị nội trú trong bệnh viện thì chưa có. Do vậy, cần có hệ thống trị liệu tâm lý, các nhà tâm lý học dành riêng cho CSGT. Nó sẽ giải quyết rất nhiều thứ về đời sống tâm lý trong xã hội, làm giảm đi rất nhiều xung đột trong cuộc sống, đời sống, xã hội.

“Đối với lực lượng CSGT, như tôi đã phân tích ở trên thì thực sự là rất cần có một hệ thống trị liệu tâm lý riêng cho họ để giúp họ giải toả căng thẳng, áp lực. Bên cạnh đó phải tăng cường sự nghiêm minh của, các cơ quan chức năng cũng cần có những biện pháp đồng bộ từ hướng dẫn luật cho người dân, thiết kế, đặt các biển báo, đèn tín hiệu... hợp lý nhằm giúp đỡ, tạo thuận lợi, tránh quá tải, áp lực, xung đột đối với CSGT khi thực thi công vụ.

Và nếu như không nhận được sự cảm thông, chia sẻ từ xã hội thì e rằng sẽ tiếp tục có nhiều CSGT phải tìm đến bệnh viện tâm thần điều trị do căng thẳng”, bác sĩ Lý Trần Tình nhấn mạnh.

Theo Thảo Phượng Năng lượng mới

Vinh Danh Ngụy Văn Thà - Hải Chiến Hoàng Sa 1974 !

Thực hư tưởng niệm Hoàng Sa và chiến tranh Việt-Trung?



Nam Nguyên, phóng viên RFA
clip_image001
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm Hội Khoa học Lịch sử ở Hà Nội vào buổi chiều 30-12-2013. Courtesy chinhphu.vn
Mặc dù dư luận có nhiều hoài nghi, nhưng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ghi điểm khi ông cho biết Chính phủ lên kế hoạch kỷ niệm 40 năm sự kiện Trung Quốc đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam (1974) và 35 năm sự kiện tháng 2 năm 1979-chiến tranh bảo vệ biên giới phía bắc. Hơn nữa Thủ tướng còn chỉ đạo đưa các vấn đề này vào sách giáo khoa.
Trích lời Thủ tướng cũng bị gỡ?
Hai bản tin trên mạng chiều 30/12/2013 của Thanh Niên Online và Việt NamNet có trích lời Thủ tướng về vấn đề liên quan sau đó đã bị gỡ xuống. Đây chính là điều gây ra những nghi vấn. Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam đã có những phát biểu rất đặc biệt, trong dịp ông đến thăm Hội Khoa học Lịch sử ở Hà Nội vào buổi chiều cuối năm.
Dù đã bị gỡ xuống, nhưng các thông tin này đã được sao chép đầy trên mạng. VietnamNet trích lời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về việc đưa chủ quyền Hoàng Sa Trường Sa vào sách giáo khoa : “Đấu tranh bảo vệ chủ quyền là vấn đề khác, bằng các giải pháp hòa bình, còn lịch sử là lịch sử, sự thật là sự thật”. Trong khi đó Thanh Niên bản điện tử  chạy tít lớn với dẫn nhập: “Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cho biết, hiện Bộ Ngoại giao đang lên kế hoạch kỷ niệm 40 năm sự kiện (1974) Trung Quốc đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam và 35 năm sự kiện tháng 2 năm 1979-chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc.”
Trả lời Nam Nguyên vào tối 2/1/2014, TS Nguyễn Quang A thuộc nhóm chủ trương Diễn đàn Xã hội Dân sự nói rằng, vị thế của Việt Nam khiến cho chính phủ Việt Nam hiện tại và mai sau đều cần có chính sách hữu hảo với Trung Quốc nhưng Việt Nam phải giữ sự tự chủ của mình. Ông nói:
Theo tôi những vấn đề như Hoàng Sa Trường Sa, nếu mà tin trên mạng bị gỡ xuống là có thể do phản ứng ngoại giao mà những cơ quan chức năng của Chính phủ đề nghị những tờ báo mạng đó gỡ xuống.
-Nhà báo Nguyễn Quốc Thái
“Kỷ niệm 40 năm Hoàng Sa là việc rất nên làm và rất tốt bởi vì đấy là một sự kiện lịch sử và người dân Việt Nam phải được ghi nhớ. Tất nhiên là quan hệ với Trung Quốc có thể căng thẳng nhưng mà mình cần có cách làm phù hợp, hoặc là kỷ niệm sự kiện 1979 chẳng hạn. Đã là sự kiện lịch sử thì phải luôn luôn được kỷ niệm ở trong mức độ tùy hoàn cảnh từng thời gian. Nhưng lãng quên những sự kiện ấy là một tội đối với dân tộc.”
Nhà báo Nguyễn Quốc Thái, nguyên Tổng thư ký báo Doanh Nghiệp hiện nghỉ hưu ở TP.HCM cho biết đã đọc được thông tin liên quan trên báo mua ở sạp. Ông nói:
“Theo tôi những vấn đề như Hoàng Sa Trường Sa, nếu mà tin trên mạng bị gỡ xuống là có thể do phản ứng ngoại giao mà những cơ quan chức năng của Chính phủ đề nghị những tờ báo mạng đó gỡ xuống…Những bản báo in rồi thì làm sao thu hồi được, mà cũng không nên thu hồi một cách trắng trợn như vậy bởi vì đây là một sự thật lịch sử do Thủ tướng một quốc gia nói, không phải sự vu cáo hoặc lăng mạ một vùng lãnh thổ hoặc quốc gia nào đó. Thủ tướng tuyên bố ‘sự thật là sự thật, lịch sử là lịch sử’ một công dân của một quốc gia có lòng tự trọng nói về một hoàn cảnh của quốc gia mình đó là điều đáng quí trọng.”
Mâu thuẫn nội bộ?
Các trang mạng xã hội bày tỏ nhiều hoài nghi, các nhà báo công dân nhắc lại sự kiện trong quá khứ Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thường đưa ra các phát biểu chính trị vào những thời điểm thích hợp để vực dậy uy tín đã mất do điều hành kinh tế thất bại.
clip_image002
Chiến hạm HQ4 của Hải quân Việt Nam Cộng Hòa tham gia bảo vệ Hoàng Sa năm 1974. File photo.
Nhiều người tự hỏi là những kế hoạch kỷ niệm 40 năm Hoàng Sa thất thủ và 35 năm chiến tranh biên giới phía Bắc mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng công bố, có phải là một chủ trương nhất quán của Bộ Chính trị và Trung ương Đảng hay không. TS Nguyễn Quang A nêu ra hai giả thiết:
“Giả thiết thứ nhất ông Thủ tướng thực lòng nói như thế và muốn làm như thế. Nhưng mà ở trong nội bộ lãnh đạo, thí dụ Tổng Bí thư hay lực lượng khác lại cản trở ông ấy. Giả thiết này nó phản ánh sự mâu thuẫn nội bộ, nếu mà nó đúng như thế thì tôi nghĩ cũng là chuyện bình thường và qua mấy hội nghị của Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về vấn đề kiểm điểm người về vấn đề kỷ luật này khác thì chúng ta thấy là sự mâu thuẫn nội bộ đã bộc lộ không cần phải che dấu nữa. Nếu giả thiết này đúng thì tôi nghĩ người dân nên ủng hộ những người có tư tưởng tiến bộ cải cách thí dụ trong trường này là ông Thủ tướng.
Giả thiết thứ hai là ông ấy chỉ nói như vậy thôi để lấy lòng dân, củng cố uy thế của mình trong hàng ngũ lãnh đạo. Ở trường hợp giả thiết thứ hai thì tôi nghĩ là một điều rất tồi tệ…không thể bình luận và không thể biết sự thật thế nào.”
Trở lại buổi viếng thăm Hội Khoa học Lịch sử chiều cuối năm ở Hà Nội. Theo VietnamNet, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói rõ là kỷ niệm sự kiện biên giới phía Bắc, Hoàng Sa thì phải tổ chức thế nào cho vừa đạt yêu cầu đối nội, vừa đạt yêu cầu đối ngoại. Đó cũng là lợi ích nhân dân. Bộ Chính trị rất quan tâm đến việc kỷ niệm này.
Giả thiết thứ nhất ông Thủ tướng thực lòng nói như thế và muốn làm như thế. Nhưng mà ở trong nội bộ lãnh đạo, thí dụ Tổng Bí thư hay lực lượng khác lại cản trở ông ấy.
-TS Nguyễn Quang A
Như vậy đối với sự kiện Trung Quốc xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa sau trận hải chiến đánh bại Hải quân VNCH ngày 17/1/1974, Hà Nội sẽ nhìn nhận thế nào đối với 74 chiến sĩ trận vong trong đó có Hạm trưởng Thiếu tá Ngụy Văn Thà đã chết theo con tàu của mình. TS Nguyễn Quang A nhận định:
“Quân đội ở dưới bất kỳ chế độ nào cũng là để bảo vệ quốc gia. Những chiến sĩ VNCH đã hy sinh trong cuộc bảo vệ Hoàng Sa là những anh hùng của dân tộc Việt Nam này. Tôi nghĩ là bất luận chính thể nào cũng phải trân trọng và tôn vinh những người như thế. Khi mà một chính phủ, một chế độ không làm được điều ấy thì trong người dân người cũng làm việc đó, có lúc thì âm thầm có lúc thì công khai. Những chuyện ấy rất là bình thường và lịch sử nhân dân Việt Nam sẽ luôn luôn ghi nhớ những người ấy như là những người con thân yêu của đất nước.”
Trong cùng ý nghĩa mà TS Nguyễn Quang A vừa chia sẻ, nhà báo Nguyễn Quốc Thái nhắc lại sự kiện 27/7/2011 tại Saigon, lúc đó Câu lạc bộ Phao Lô Nguyễn Văn Bình tổ chức lễ tưởng niệm đồng bào chiến sĩ hy sinh trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía bắc, phía Tây Nam và Hoàng Sa Trường Sa. Ông Nguyễn Quốc Thái phát biểu:
“Hôm đó tôi nhớ có bà quả phụ Ngụy Văn Thà đến dự. Việc Hoàng Sa bị đánh chiếm, lịch sử đã ghi nhận, báo chí toàn cầu đã ghi nhận không thể phủ nhận được. Giải thích bằng cách nào thì cũng phải hiểu rằng đó là một phần lãnh thổ Việt Nam bị nước ngoài xâm chiếm. Ngày đó là một ngày lịch sử chúng ta tưởng niệm thì chẳng có gì chúng ta phải sợ hãi. Tôi rất khinh những người sợ hãi khi nói đến những vụ xâm chiếm của nước ngoài, xâm chiếm Hoàng Sa và Trường Sa. Đất nước bị xâm chiếm thì phải lên tiếng, phải bảo vệ và tìm cách lấy lại. Tôi không biết lấy lại bằng cách nào nhưng điều đó không thể thiếu vắng trong tâm khảm của chúng ta mỗi ngày.”
Những phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Hội Khoa học Lịch sử chiều 30/12/2013 ở Hà Nội về việc tổ chức kỷ niệm sự kiện Trung Quốc xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa vào ngày 17/1/1974, lúc đó thuộc chủ quyền VNCH, cũng như kỷ niệm cuộc chiến tranh biên giới Việt Trung 1979 mà hàng vạn liệt sĩ đã bị lãng quên được mô tả là một sự thay đổi tư duy hợp lòng dân. Nhưng lời nói có đi đôi với việc làm hay không thì phải chờ thời gian trả lời.
N. N.
Nguồn: rfa.org


Vận động được 73 triệu đồng ủng hộ gia đình tử sĩ Hoàng Sa !?!

 Vận động được 73 triệu đồng ủng hộ gia đình tử sĩ Hoàng Sa

Thông qua các diễn đàn, nhiều người, trong đó có bà Vũ Kim Hạnh (nguyên Tổng biên tập báo Tuổi Trẻ), bà Thế Thanh (nguyên Tổng biên tập báo Phụ Nữ)... đứng ra vận động quyên góp vật chất để ủng hộ cho gia đình của các tử sĩ Hoàng Sa.

Tính đến 1 giờ chiều hôm nay (9.1), đã có 17 người tham gia ủng hộ với số tiền chuyển qua tài khoản ngân hàng là 73.700.000 đồng.
 
Được biết, số tiền này sẽ được chuyển đến gia đình của những tử sĩ hoặc những người lính trực tiếp tham gia trận hải chiến giữ đảo năm 1974 còn gặp khó khăn trong cuộc sống.
 
Nguyễn Minh

Tạm giam nguyên trưởng công an xã nhập hộ khẩu khống

Ngày 8.1, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Long An bắt tạm giam Phan Công Bằng (48 tuổi, nguyên Trưởng công an xã Long Hiệp, H.Bến Lức, Long An) về hành vi “giả mạo trong công tác và nhận hối lộ”; Nguyễn Ngọc Thanh (công an viên xã Long Hiệp) về hành vi “giả mạo trong công tác” và  Nguyễn Văn Kịch (34 tuổi, ngụ xã Minh Đức, H.Mỏ Cày Nam, Bến Tre) về hành vi “đưa hối lộ”.
Trước đó, Bộ Công an đã ký quyết định tước danh hiệu CAND đối với trung tá Phan Công Bằng. Thiếu tá Nguyễn Văn Dưỡng, Phó trưởng công an xã Long Hiệp cũng bị Giám đốc Công an tỉnh kỷ luật với hình thức khiển trách và bố trí công tác khác.
Theo hồ sơ điều tra, trong thời gian công tác tại xã Long Hiệp, Bằng đã nhập hộ khẩu khống cho 14 Việt kiều vào các hộ dân tại xã Long Hiệp theo yêu cầu của Cao Thành Trọng (37 tuổi, ngụ H.Bến Lức, Long An) và Nguyễn Văn Kịch nhằm hoàn chỉnh thủ tục cho 14 Việt kiều được miễn thuế nhập khẩu 14 ô tô đã qua sử dụng. Sau đó Bằng, Thanh được Trọng, Kịch “bồi dưỡng” bằng nhiều cuộc nhậu và hơn 5 triệu đồng.
Lê Văn

Tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng cao hơn năm trước

Ngày 9.1, Công ty cung cấp giải pháp nhân sự Adecco Việt Nam công bố, trong 5 ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng cao nhất năm 2013, bán hàng chiếm tỷ lệ cao nhất với 28,6%. Tuy nhiên, nguồn cung lao động trong lĩnh vực này chỉ đạt khoảng 12,71%. Trái lại, nguồn cung ứng lao động cho kế toán đạt gần 10,62% trong khi nhu cầu thực tế chỉ có 4,37%.
Adecco Việt Nam dự báo, tỷ lệ thất nghiệp năm 2014 sẽ tăng cao hơn so xu thế toàn cầu tỷ lệ thất nghiệp đang cao. Năm 2013, tỷ lệ thất nghiệp ở Việt Nam là 2,37%. Tuy nhiên, sẽ có sự thay đổi trong tỷ lệ lao động có tay nghề do xu  hướng các nước chuyển một số ngành công nghiệp sản xuất sang các nước mới nổi như Việt Nam, Thái Lan.
Ng.Nga

Điều tra nghi án trẻ sơ sinh ở bệnh viện bị 'biến mất'

Hôm qua 9.1, Công an Q.7 (TP.HCM) vào cuộc điều tra nghi án 1 trẻ sơ sinh tại Bệnh viện Q.7 (TP.HCM) bị kẻ xấu đưa ra khỏi bệnh viện vào sáng 9.1.
Theo trình báo của gia đình sản phụ N.T.M.T (40 tuổi, ngụ Q.7), chiều 8.1, bà T. đã sinh 1 bé trai, nặng 3,2 kg tại Bệnh viện Q.7; sau 15 phút nhập viện. Sau đó, bà T. cùng con đã được đưa đến phòng hậu sản để chăm sóc. Tối 8.1, trong lúc đang nằm cùng con trai, có một phụ nữ đeo kính đã đến tiếp cận làm quen với bà T., sau đó nằm ngủ dưới đất sát giường bà. Đến khuya, người nhà của bà T. ra về, chỉ còn bà với con trai ở lại bệnh viện. Đến sáng (khoảng 8 giờ) 9.1, bà T. đi vệ sinh ra thì phát hiện đứa con trai biến mất cùng với người phụ nữ nói trên. Gia đình bà T. đã đến công an trình báo vụ việc.
Theo ghi nhận ban đầu của cơ quan công an, vào thời điểm trên, có nhân chứng đã thấy người phụ nữ đeo kính cận bồng con trai của bà T. đi ra khỏi phòng nhưng tưởng người nhà nên không phản ứng. Sau đó, người phụ nữ này đã bồng đứa bé ra cổng bệnh viện đón xe ôm chở đến khu vực cầu Tân Thuận 2. Hiện cơ quan công an vào cuộc điều tra truy xét người phụ nữ nói trên.
Đàm Hu

Hàng lậu cực lớn lọt lưới hải quan


Thứ Năm, 09/01/2014 23:04

10 container chứa nhiều chủng loại hàng nhập lậu với số lượng cực lớn vào TP HCM bằng đường chính ngạch l Chủ hàng có dấu hiệu bỏ trốn

    Ngày 9-1, Đội 2 thuộc Phòng CSĐT tội phạm về quản lý kinh tế và chức vụ (PC46) Công an TP HCM và Đội 2A Chi cục QLTT TP HCM đã mở tiếp 2/10 container hàng bị tạm giữ đêm 30-12-2013 để kiểm đếm. Đến chiều cùng ngày, vẫn còn 6 container hàng còn nguyên niêm phong và dự kiến phải đến ngày 12-1, công việc kiểm đếm mới hoàn tất.
    Phải thuê bốc vác hỗ trợ
    Theo một cán bộ QLTT, hàng hóa trong container có rất nhiều loại. Có container chứa trên 10 loại mặt hàng, cũng có container chứa đến 30-40 mặt hàng nên việc kiểm đếm phải hết sức tỉ mỉ.
    Lực lượng chức năng kiểm đếm hàng hóa trong các container 
Ảnh: VIẾT THUẬN
    Lực lượng chức năng kiểm đếm hàng hóa trong các container Ảnh: VIẾT THUẬN
    Trong ngày, lực lượng chức năng ghi nhận nhiều loại hàng có giá trị cao như: máy may công nghiệp, máy xay sinh tố, đồ điện gia dụng, mỹ phẩm... Ngoài ra, còn có pháo điện trang trí, giấy dán tường, ổ khóa, phụ tùng ô tô, vải, áo ngực... Hàng hóa được đóng trong thùng carton, nhiều kích cỡ và chất đầy ắp trong container với giá trị ước tính lên đến hàng chục tỉ đồng.
    Theo quan sát của chúng tôi, trên bao bì các loại hàng hóa thể hiện nhiều xuất xứ như Singapore, Thái Lan, Trung Quốc... và nhiều loại không ghi xuất xứ.
    So với tờ khai hải quan, hàng hóa thực tế có sự sai lệch về chủng loại và số lượng. Nội dung tờ khai ghi cũng khá chung chung là mặt hàng điện, thiết bị điện. Sau khi mở 4/10 container, các cán bộ kiểm tra cho biết hàng hóa đều là sản phẩm mới 100%, có một số mặt hàng khá lạ nên cần xác minh thêm.
    Lãnh đạo Chi cục QLTT TP HCM cho biết sau khi kiểm đếm, từng mặt hàng sẽ được lấy mẫu để giám định thật - giả, xuất xứ và cả chất lượng nếu cần. Do lượng hàng quá lớn nên lực lượng kiểm đếm, phân loại lên đến trên 40 người, ngoài ra còn phải thuê thêm người bốc vác chuyên nghiệp.
    Trước đó, vào đêm 30 rạng sáng 31-12-2013, 10 container sau thông quan tại Cảng Sài Gòn khu vực 3 được đưa lên xe rời cảng thì bị lực lượng chức năng kiểm tra. Tài xế không xuất trình được hóa đơn, chứng từ lô hàng nên các container bị tạm giữ.
    Chủ hàng là Công ty TNHH Tân Nhật Huy Vĩnh Đạt (quận 11) và Công ty TNHH Nhất Minh (quận 6). Tuy nhiên, qua xác minh, cả 2 công ty này đều ngưng hoạt động, chủ doanh nghiệp không đến làm việc với cơ quan chức năng mà có dấu hiệu bỏ trốn. Ngày 8-1, các cơ quan chức năng đã mở niêm phong, kiểm đếm hàng trong 2 container.
    Ông Phan Hoàn Kiếm, Chi cục trưởng Chi cục QLTT TP HCM, nhận định đây có thể là một vụ buôn lậu quy mô lớn đi bằng đường chính ngạch.
    Hải quan làm đúng luật?
    Trong khi đó, ông Võ Văn Bông, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 3, cho rằng lô hàng trên thuộc luồng đỏ. Theo quy định, hải quan đã kiểm tra lô hàng theo tỉ lệ 5%-10%. Ở lô hàng này là kiểm tra 5% container tại vị trí bất kỳ; còn tất cả hàng hóa bên trong, trách nhiệm thuộc về doanh nghiệp làm tờ khai hải quan.
    "Quy trình là đúng, phần còn lại thuộc về nghiệp vụ của từng cán bộ hải quan, nếu phát hiện lô hàng có vấn đề sẽ đề xuất tăng tỉ lệ kiểm tra đến 100% hoặc cho thông quan khi thực tế hàng hóa đúng như tờ khai” - ông Bông giải thích.
    Về cùng 10 container này còn có 4 container hàng khác nhưng chưa thông quan, đang nằm tại cảng. Về việc xử lý 4 container còn lại cùng chủ hàng, theo ông Bông, do chưa mở tờ khai, chưa quá hạn quy định nên cảng không thể kiểm tra hàng hóa bên trong. “Trường hợp hàng vô chủ phải tiến hành thanh lý, chi cục hải quan sẽ phối hợp kiểm tra với cảng và Sở Tài chính TP HCM” - ông Bông cho biết.
    THÁI PHƯƠNG - NGỌC ÁNH

    Huế thưởng Tết cao nhất 238 triệu đồng, thấp nhất... 150 nghìn đồng



    (Dân trí) - Ngày 9/1, tin từ Sở Lao động - Thương binh & Xã hội tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, qua thống kê các doanh nghiệp báo cáo tình hình tiền lương thưởng Tết, mức thưởng cao nhất là 238 triệu đồng.

    Đơn vị có mức thưởng Tết âm lịch cao nhất là khu du lịch Laguna Lăng Cô (Tập đoàn Banyan Tree) thuộc khối doanh nghiệp FDI. 
    Khu nghỉ dưỡng cao cấp Laguna Lăng Cô (huyện Phú Lộc, TT-Huế) có mức thưởng Tết cao nhất
    Khu nghỉ dưỡng cao cấp Laguna Lăng Cô (huyện Phú Lộc, TT-Huế) có mức thưởng Tết cao nhất
    Các doanh nghiệp có cổ phần Nhà nước thưởng tết cao nhất 40 triệu đồng; doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh, công ty cổ phần không có vốn Nhà nước thưởng Tết cao nhất 38,4 triệu đồng. Riêng công ty TNHH MTV do Nhà nước làm chủ sở hữu thưởng Tết cao nhất là 14 triệu đồng.
    Mức thưởng Tết thấp nhất thuộc về một số doanh nghiệp may mặc với khoảng 150 ngàn đồng.
    Đại Dương

    Gần 100 người tìm kiếm 3 ngư dân mất tích trên biển


    Thanh Hóa:

    (Dân trí) - Ngày 9/1, ông Lê Viết Tứ, Chủ tịch UBND xã Hải Ninh, huyện Tĩnh Gia cho biết, sau hơn 10 ngày tìm kiếm các ngư dân bị mất tích trong vụ chìm tàu ngày 29/12/2013, đến nay lực lượng chức năng vẫn chưa thấy tung tích ngư dân nào.

    Như Dân trí đã đưa tin, vụ tai nạn xảy ra vào rạng sáng ngày 29/12/2013 tại vùng biển phía Nam đảo Bạch Long Vĩ. Chiếc tàu của anh Lê Văn Sen mang số hiệu TH 91174 - TS (xã Hải Ninh, huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa) đang trên đường đi đánh cá đã bị sóng lớn đánh chìm khiến khiến 5 ngư dân đi trên tàu phải nhảy xuống biển.
    Những người thân của ba ngư dân bị mất tích vẫn chờ đợi trong vô vọng.
    Những người thân của ba ngư dân bị mất tích vẫn chờ đợi trong vô vọng.
    Hai ngư dân là anh Lê Văn Sen (chủ tàu) cùng anh Lê Văn Thành may mắn được một tàu bạn cứu sống. Ba ngư dân bị mất tích là ông Nguyễn Ngọc Xuân (59 tuổi), anh Hoàng Văn Thành (38 tuổi) và anh Hoàng Văn Tuấn (25 tuổi) - đều ở xã Hải Ninh.
    Ông Tứ cho biết: “Sau khi được tàu bạn cứu sống vào bờ, anh Lê Văn Sen, gia đình các nạn nhân cùng chính quyền địa phương đã huy động 8 chiếc tàu công suất lớn cùng gần 100 ngư dân nỗ lực tìm kiếm nhiều ngày đêm trên biển nhưng vẫn không tung tích ba ngư dân này”.
    Ông Tứ cho hay, lực lượng chức năng đã tìm kiếm được 10 ngày qua. Đoàn tìm kiếm đã dải lực lượng tìm kiếm khắp vùng biển rộng hàng trăm hải lý, kéo dài suốt từ đảo Bạch Long Vĩ (Hải Phòng) đến vùng Thanh Hóa, Nghệ An nhưng dấu vết con tàu TH 91174 -TS và ba ngư dân gặp nạn vẫn không có kết quả.
    Đến nay việc tìm kiếm đã kết thúc, chính quyền đã làm thủ tục thông báo mất tích đồng thời làm lễ an táng cho các nạn nhân theo phong tục địa phương.
    Được biết, gia đình những ngư dân gặp nạn đều có gia cảnh khó khăn, họ đều là những lao động chính quanh năm bám biển mưu sinh. Đại diện chính quyền địa phương, Tỉnh Thanh Hóa và các tổ chức đoàn thể đã tổ chức thăm hỏi, động viên các gia đình có người bị nạn.
    Thái Bá

    Ra “tối hậu thư” cho nhà thầu cây cầu dài nhất Bắc Miền Trung


    Hà Tĩnh:


    (Dân trí) - UBND tỉnh Hà Tĩnh vừa ra "tối hậu thư" yêu cầu các nhà thầu thi công cầu Cửa Nhượng phải tiến hành hợp long, thông xe kỹ thuật vào ngày 25/1/2014. Nếu không đáp ứng được tiến độ trên, các nhà thầu phải chịu hoàn toàn trách nhiệm.

    Được khởi công vào ngày 28/4/2010, cầu Cửa Nhượng (nằm trong dự án đường ven biển Xuân Hội - Thạch Khê - Vũng Áng có chiều dài gần 145 km, do Sở GTVT Hà Tĩnh làm chủ đầu tư) có chiều dài 1.390m, là cây cầu đường bộ dài thứ 2 ở Miền Trung (sau cầu Đà Rằng ở Phú Yên, dài 1.512m) và là cầu dài nhất trên địa bàn các tỉnh Bắc Trung Bộ.
    Cầu được thiết kế dạng vĩnh cữu, mặt cầu rộng 14m, chịu được động đất cấp 7. Tổng kinh phí xây dựng cầu được phê duyệt ban đầu là hơn 380 tỷ đồng, sau đó được điều chỉnh lên 450 tỷ đồng.
     
    Cầu Cửa Nhượng (Hà Tĩnh) sau khi hoàn thành sẽ trở thành cây cầu dài thứ 2 tại Miền Trung
    Cầu Cửa Nhượng (Hà Tĩnh) sau khi hoàn thành sẽ trở thành cây cầu dài thứ 2 tại Miền Trung
    Đây là cây cầu có ý nghĩa hết sức quan trọng của tỉnh Hà Tĩnh, tuy nhiên, do thiếu vốn, thời tiết không thuận lợi, cộng với việc thi công ì ạch của nhà thầu khiến dự án chậm tiến độ gây ảnh hưởng đến nỗ lực phát triển kinh tế trên địa bàn.
    Tháng 6/2011, sau khi tiến hành trảm nhà thầu Công ty CP xây dựng Techco (Hà Nội) do thi cộng chậm gói thầu số 2 phía nam, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã giao gói thầu trên Công ty CP PT XD&TM Thuận An thi công, đồng thời giao Sở GTVT tỉnh này phải thường xuyên bám sát, đốc thúc tiến độ thi công.
    Và mới đây, sau chuyến thị sát công trường thi công cây cầu nói trên, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Võ Kim Cự đã ra “tối hậu thư” cho các nhà thầu là Công ty CP cầu 12 (Sienco 1, Bộ GTVT, gói số 1 phía bắc) và Công ty CP PT XD&TM Thuận An phải đẩy nhanh tốc độ thi công các hạng mục còn lại.
    Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh đưa ra mốc thời gian cuối cùng cho Sở GTVT tỉnh này và các nhà thầu tiến hành lễ hợp long, thông xe kỹ thuật là ngày 25/1/2014. Nếu thời gian trên cầu không thể hợp long thì đại diện chủ đầu tư và nhà thầu sẽ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước tỉnh.
    Công nhân Công ty CP Cầu 12 đang khẩn trương thi công nhịp P15-P16
    Công nhân Công ty CP Cầu 12 đang khẩn trương thi công nhịp P15-P16để chuẩn bị cho lễ hợp long vào ngày 25/1/2014
    Trao đổi với Dân trí, ông Trần Văn Tùng - Giám đốc BQL Dự án Xây dựng giao thông Hà Tĩnh, đơn vị được chủ đầu tư giao quản lý dự án xây dựng cầu Cửa Nhượng - cho hay, do thời gian UBND tỉnh yêu cầu tiến hành hợp long, thông xe kỹ thuật ngày 25/1 là không thay đổi, nên cuối tháng 12/2013 chủ đầu tư đã có các cuộc làm việc, có văn bản buộc hai nhà thầu trên cam kết bằng mọi giá phải hoàn thành các hạng mục còn lại như tỉnh giao.
    Ông Tùng cho biết, hiện chủ đầu tư đang đốc thúc nhà thầu Công ty CP cầu 12 căng kéo cáp dự lực, bơm vữa ống ghen nhịp P15-P16 xong trước ngày 20/1 để nhà thầu gói thầu phía bờ nam thi công bản mặt cầu nhịp P16-P17 kịp tiến độ trước ngày 25/1.
    Văn Dũng - Huy Thái

    TPHCM: Hạn mức đất ở cao nhất 400 m2/hộ



    (Dân trí) - UBND TPHCM vừa ban hành Quy định về hạn mức đất ở trên địa bàn thành phố. Theo đó, hạn mức cao nhất là 400 m2/hộ đố với người có công với cách mạng cải thiện nhà ở trên địa bàn huyện Cần Giờ và các khu dân cư nông thôn.

    Hạn mức đất ở tại TPHCM dao động từ 160 m2/hộ - 400m2/hộ
    Hạn mức đất ở tại TPHCM dao động từ 160 m2/hộ - 400m2/hộ
    Theo quy định mới này thì hạn mức đất ở đối với hộ gia đình, cá nhân sẽ được chia theo địa bàn quận – huyện.  Cụ thể, hạn mức không quá 160m2/hộ tại các quận 1, 3, 4, 5, 6, 8, 10, 11, Gò Vấp, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Tân Bình, Tân Phú. Hạn mức không quá 200m2/hộ tại các quận 2, 7, 9, 12, Bình Tân, Thủ Đức và thị trấn của các huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè. Hạn mức không quá 250m2/hộ tại khu quy hoạch phát triển đô thị. Hạn mức không quá 300m2/hộ tại huyện Cần Giờ và các khu dân cư nông thôn.
    Đối với các hộ của người có công với cách mạng cải thiện nhà ở sẽ được áp dụng hạn mức đất ở hỗ trợ cao hơn. Cụ thể, hạn mức tại các quận 1, 3, 4, 5, 6, 8, 10, 11, Gò Vấp, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Tân Bình, Tân Phú không quá 200m2/hộ. Hạn mức không quá 250m2/hộ tại các Quận 2, 7, 9, 12, Bình Tân, Thủ Đức và thị trấn các huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè. Hạn mức không quá 300m2/hộ tại các khu quy hoạch phát triển đô thị. Hạn mức không quá 400m2/hộ tại huyện Cần Giờ và các khu dân cư nông thôn.
    Hạn mức đất ở được áp dụng cho các mục đích sau: Giao đất cho hộ gia đình, cá nhân tự xây nhà ở; Cho phép hộ gia đình, cá nhân chuyển mục đích sử dụng đất để tự xây nhà ở.
    Hạn mức đất ở được áp dụng để xác định nghĩa vụ tài chính trong các trường hợp sau: Giao đất cho hộ gia đình, các nhân tự xây nhà ở; Cho phép hộ gia đình, cá nhân chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở; Cấp “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở hoặc tài sản khác gắn liền với đất” đối với đất ở cho hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất; Bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước; Thu thuế sử dụng đất ở.
    Hạn mức đất ở còn được dùng để tính bồi thường, hỗ trợ về đất ở cho hộ gia đình, cá nhân khi Nhà nước thu hồi đất; Công nhận quyền sử dụng đất ở đối với trường hợp đất ở có vườn, ao.
    Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 17/1/2014.
    Tùng Nguyên

    Mỹ: Lệnh cấm đánh cá của TQ ở Biển Ðông là hành động 'khiêu khích'

    Ðây là nhận định đầu tiên của chính phủ Hoa Kỳ về lệnh cấm đánh bắt cá của tỉnh Hải Nam, Trung Quốc.
    Ðây là nhận định đầu tiên của chính phủ Hoa Kỳ về lệnh cấm đánh bắt cá của tỉnh Hải Nam, Trung Quốc.

    Hôm thứ Năm, Hoa Kỳ nói lệnh hạn chế đánh bắt cá của Trung Quốc trong khu vực tranh chấp ở Biển Ðông là 'hành động khiêu khích và có thể gây nguy hiểm'.

    Chính quyền tỉnh Hải Nam Trung Quốc vừa thông qua các điều luật của tháng 11 và bắt đầu có hiệu lực kể từ ngày 1/1 là yêu các tàu cá nước ngoài phải xin phép khi vào khu vực biển nằm trong quyền tài phán của mình.

    Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Jen Psaki nói trong một buổi họp báo rằng: 'Việc thông qua các lệnh cấm hoạt động đánh bắt cá của các nước khác trong khu vực tranh chấp trên Biển Ðông là một hành động khiêu khích và có thể gây nguy hiểm'.

    Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ cũng nói lệnh cấm có vẻ như được áp dụng đối với khu vực mà Trung Quốc gọi là 'đường chín đoạn' và nói thêm rằng 'Trung Quốc đã không đưa ra bất kỳ lời giải thích nào hay dựa trên luật pháp quốc tế đối với những khiếu nại về vấn đề hàng hải'.

    Ðây là nhận định đầu tiên của chính phủ Hoa Kỳ về lệnh cấm đánh bắt cá của tỉnh Hải Nam, Trung Quốc.

    Nguồn: Reuters, State Department.

    Đòi thêm tiền đền bù, dân chặn xe trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai


    Vĩnh Phúc:


    (Dân trí) - Ít ngày sau khi cao tốc Nội Bài - Lào Cai đoạn qua tỉnh Vĩnh Phúc thông xe, nhiều hộ dân nghĩ rằng mức đền bù mà họ nhận được chưa thỏa đáng nên đã kéo nhau lên tuyến cao tốc này để chặn không cho xe đi lại và rải đinh gây nguy hiểm.

    Việc chặn xe nói trên đã diễn ra từ hôm mùng 1 Tết dương lịch khiến tình hình giao thông trên tuyến cao tốc mới đoạn qua xã Hương Sơn, huyện Bình Xuyên của tỉnh này trở nên rối loạn, mất trật tự.

    Cao tốc Nội Bài - Lào Cai mới thông xe hôm 27/12
    Cao tốc Nội Bài - Lào Cai mới thông xe hôm 27/12
    Theo ghi nhận, nhiều người tham gia giao thông qua đoạn xã Hương Sơn của cao tốc Nội Bài - Lào Cai  đều bị chặn lại. Người dân kéo nhau lên tuyến cao tốc này dùng nhiều cây gỗ để chặn không cho xe đi lại và rải đinh, gây nguy hiểm cho các phương tiện.
    Thậm chí, hôm qua (8/1), xe của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đi trên cao tốc mới Nội Bài - Lào Cai đến địa phận xã Hương Sơn cũng bị chặn lại (Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng từng là Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc kiêm Chủ tịch UBND tỉnh trong nhiều năm - PV). Lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc sau đó đã phải chỉ đạo lực lượng công an vào cuộc xử lý để vãn hồi trật tự giao thông trên tuyến cao tốc mới.
    Được biết, Dự án xây dựng cao tốc Nội Bào - Lào Cai do Tổng Công ty Đầu tư Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) làm chủ đầu tư. Hôm 27/12, đoạn đầu tiên của tuyến cao tốc này dài 26km đi qua địa phận tỉnh Vĩnh Phúc đã được thông xe và đưa vào khai thác tạm, ít ngày sau đó thì việc chặn xe đi lại trên tuyến xảy ra.
    Theo đại diện VEC, nguyên nhân của sự việc là do người dân địa phương không thỏa mãn với đơn giá đền bù khi thi công xây dựng tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai.
    “Có 27 hộ dân bị ảnh hưởng do rung chấn khi xây dựng tuyến cao tốc, VEC đã thực hiện đúng chính sách đền bù của Nhà nước, trong đó 14 hộ dân đãnhận tiền đền bù. 13 hộ dân còn lại nhất định không đồng ý với giá trị đền bù theo quy định mà đòi cao hơn nên VEC không thể hỗ trợ thêm như yêu cầu của các hộ trên.” - vị đại diện này cho hay.
    Trao đổi với PV Dân trí chiều 9/1, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng cho biết đã chỉ đạo VEC làm việc với UBND tỉnh Vĩnh Phúc đồng thời báo cáo khẩn với Bộ công an để giải quyết dứt điểm vụ việc người dân rải đinh, mang chướng ngại vật để chặn xe trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai.
    Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu VEC phối hợp với Bộ công an, tỉnh Vĩnh Phúc vận động thuyết phục người dân. Trong trường hợp các hộ dân không chấp hành sẽ tiến hành xử lý nghiêm theo quy định nhằm trả lại giao thông thông suốt trên tuyến cao tốc vừa được đưa vào khai thác.
    Châu Như Quỳnh