Saturday, November 26, 2016

Việt Nam: Ngành Giáo Dục Bị Chính Trị Khống Chế

Đào Đức Thông

(VNTB) - Người dân Việt Nam đã và đang có một chế độ "của dân, do dân, vì dân" mà các tổ chức của người làm nghề giáo cù nhầy thân phận mình trong sự im lặng

    Nữ giáo viên bị điều động tiếp rượu 

Sự tôn vinh xuất phát từ cái đẹp vốn có của chủ thể và cảm nhận của những người khách quan

Trong xã hội Việt Nam từ xưa đến nay, những người làm nghề giáo, thầy thuốc, nhà báo,v.v…đã và đang có những cống hiến đáng quý, có tư cách đạo đức và xã hội Việt Nam cảm nhận được điều đó.

Tuy nhiên có một thực tế mà chúng ta không thể phủ nhận đó là trong xã hội chúng ta đang sống không phải hễ bất cứ cá nhân nào làm thầy giáo, thầy thuốc hay nhà báo ,v.v…là có những phẩm chất cao quý, mặc định được xã hội chúng ta tôn vinh. Không hiếm những kẻ làm trong những ngành đó nhưng chẳng những không đáng được tôn vinh mà còn đáng bị phỉ báng vì những hành vi xấu xa của họ khi hành nghề. Ông bà ta thường gọi đó là "con sâu làm rầu nồi canh", chúng ta cũng xem rằng đó là hiện tượng đơn lẻ.

Có những lúc, có những thời đại mà những cá nhân đáng phỉ báng không phải là đơn lẻ, mà trở nên phổ biến. Tính phổ biến đó hiển thị ra một cách rõ ràng dưới mắt xã hội. Một vườn cây bị tàn phá thì không thể nói là chỉ có một vài con sâu trong vườn cây đó. Chẳng phải ngẫu nhiên mà bà bộ trưởng y tế, ông bộ trưởng giáo dục lại bị đội sổ trong các cuộc bỏ phiếu tín nhiệm. Kết quả bỏ phiếu đó phản ánh thực tế hiệu quả/hậu quả mà các ngành đó đã làm được cho xã hội Việt Nam.

Hữu xạ tự nhiên hương. Khi chúng ta thật sự có phẩm chất đáng quý, chúng ta hiến dâng cho xã hội những thành quả lao động thì xã hội sẽ cảm nhận. Không có ngày tôn vinh nào cả thì xã hội vẫn cứ tôn vinh. Sự tôn vinh đó thể hiện trong ánh mắt, nụ cười, những câu chúc, những  lời nói chân thành. Sự tôn vinh đó không hiển thị qua cái phong bì hay bó hoa chợt rộ lên trong một ngày và sau đó là sự im lìm lặng lẽ thậm chí nặng nề bao phủ.


Nghề giáo Việt Nam trong một xã hội xem chính trị là thống soái

Đó là khi người thầy dùng quyền lực của kẻ cai trị ra lệnh cấm và trừng phạt các sinh viên biểu thị lòng yêu nước, dù dưới con mắt người lớn hành vi ấy có thể bị cho là "xốc nổi" đi chăng nữa.

Đó là trước "nhiệm vụ chính trị" chống biểu tình, vì một "cân đối" nào đó của lãnh đạo, người thầy đã hợp tác, nói văn vẻ, dịu dàng là thế, còn thẳng thừng ra là, chấp nhận bị công an sai bảo, từ bỏ thiên chức của mình.

Đó là các nữ giáo viên ở Hồng Lĩnh bị điều động thực hiện nhiệm vụ “chính trị” tiếp khách là một việc làm nghịch thường, nhưng dễ dàng được những người có quyền, kể cả giới chức quản lý giáo dục hăm hở triển khai, là biểu hiện rõ ràng nhất của cái não trạng chính trị thống soái ấy.

Hãy nhìn những tài hoa thứ thiệt của thế giới, họ đơn giản như thế nào? Hãy nhìn vào cờ đèn, kèn trống của chúng ta trong những ngày lễ, nó giả tạo đến mức nào? Có những người tự tôn, tự xưng quá nhiều mà không quan sát xem người khách quan đang nhìn chúng ta như thế nào. Sự tự tôn đó trong ánh mắt thiếu thiện cảm của người khác bỗng nhiên trở nên trần truồng, trơ trẽn.

Nhiều thế hệ người Việt Nam ngày nay đang sống trong một xã hội bị chính trị hoá cực độ. Mọi lựa chọn của con người đều phải nhường bước trước các lựa chọn chính trị. Nhiệm vụ chính trị là khái niệm tuỳ tiện của đảng và nhà cầm quyền áp đặt lên giới quản lý xã hội, nhiều khi bất chấp luật pháp và đạo lý xã hội.


Người dân Việt Nam đã và đang có một chế độ "của dân, do dân, vì dân" mà các tổ chức của người làm nghề giáo cù nhầy thân phận mình trong sự im lặng

Hiến pháp Việt Nam cam kết bảo vệ các quyền con người, bảo vệ các giá trị đẹp đẽ và cao thượng của truyền thống dân tộc. Nhưng khi nhân phẩm của các đồng nghiệp mình bị chà đạp, chính ông bộ trưởng giáo dục chỉ biết trông chờ vào sự tự giác của những người bị hại.

Phải chăng  thực hiện Hiến pháp không phải là nhiệm vụ chính trị của đảng nhà cầm quyền?

Hãy quên đi những khẩu hiệu "vinh quang, muôn năm", hãy quên đi những lời chúc tụng sáo rỗng... Hãy nhìn vào thực chất và làm gì để đừng hổ thẹn với lương tâm, để được xã hội tự nhiên công nhận, để xứng đáng được tôn vinh thật sự trong lòng mọi người. Khi đó không phải một năm chỉ có một ngày xã hội tôn vinh mà là một sự kính trọng, tôn vinh mặc định sẵn có trong tâm trí mỗi người.

Thanh Hóa Yêu Cầu Công An Làm Rõ Vụ Tàu Thanh Tra Đâm Chìm Tàu Ngư Dân

VOV.VN - UBND tỉnh Thanh Hóa đã có chỉ đạo công an vào cuộc để làm rõ sự việc tàu thanh tra thủy sản đâm va, làm 1 tàu cá bị chìm.

Như VOV.VN đã thông tin, trong những ngày qua trên mạng xã hội xuất hiện clip một tàu cá của ngư dân bị vỡ một mảng lớn phía hông tàu dẫn đến bị chìm. Trong clip cũng xuất hiện tàu của thanh tra thủy sản có số hiệu đăng ký TH-0002-KN. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có báo cáo gửi UBND tỉnh Thanh Hóa về vụ việc nói trên.
Sự việc diễn ra vào sáng 16/11 vừa qua, tàu của lực lượng Thanh tra thủy sản – Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa đã đâm va với tàu của ngư dân đang đánh bắt hải sản trên vùng biển Thanh Hóa khiến con tàu của ngư dân bị chìm. Sự việc được những người chứng kiến trên các con tàu khác ghi lại và đoạn clip này sau đó được phát tán rộng rãi trên các trang mạng xã hội khiến dư luận hết sức bức xúc. Vậy cụ thể việc đâm chìm tàu ngư dân như thế nào?
Sau khi va chạm, tàu cá của ngư dân bị chìm. Ảnh cắt từ clip.
Những hình ảnh ghi lại giây phút tàu thanh tra thủy sản Thanh Hóa vỏ sắt đâm thẳng vào tàu ngư dân vỏ gỗ trên biển, sau đó con tàu gỗ này không thể chống chọi được lâu và đành bất lực chìm dần.
Trước  sự việc bất ngờ và nguy hiểm, những ngư dân đã chủ động nhảy xuống biển tránh thương vong. Dù vậy, có 2 ngư dân trong số này bị thương nặng và phải nằm viện nhiều ngày qua…
Những ngư dân khác trên tàu quăng dây xuống cho những ngư dân trên con tàu chìm bám vào để kéo lên tàu. Ảnh cắt từ clip.
Kể lại giây phút sinh tử đó, anh Dương Văn Đồng – chủ tàu cá bị chìm vẫn còn hoảng hốt.
“Thấy chờ tới nơi là tôi chỉ có thể tắt máy lại thôi và thấy tàu sắt phóng ngược lại càng gần về phía tôi. Tôi thấy tàu kiểm ngư vỏ sắt đâm thẳng vào mạn trái bên cabin thuyền của tôi. Lúc đó tôi quay ra và tôi nói “Chúng mày đui hả” và tôi “re” lùi ghe ra để tránh 2 ghe va chạn vào nhau. Chiếc tàu sắt đó quay vòng qua mũi tàu của tôi và đâm thẳng vào tàu của tôi với 1 góc 90 độ, mạn phải ghe của tôi…”, anh Dương Văn Đồng, xã Hải Bình, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa kể lại.
Biên bản làm việc với các bên của UBND xã Hải Bình.
Làm việc với phóng viên, ông Nguyễn Văn Chi, Chủ tịch UBND xã Hải Bình, huyện Tĩnh Gia cho biết, ngay sau khi được ngư dân thông báo bị tàu thanh tra thủy sản đâm nguy hiểm, xã đã cử tàu thuyền ra cứu hộ. Tuy nhiên, tàu bị đâm nặng quá nên đã chìm và các tàu cứu hộ đã đưa 2 ngư dân bị thương vào bờ và tổ chức sơ cứu, đưa đến bệnh viện. UBND xã Hải Bình đã có cuộc gặp gỡ giữa các bên để nghe phản ánh và ban đầu xác nhận có việc tàu của thanh tra thủy sản chủ động đâm 2 lần vào tàu cá của ngư dân.
 “Tàu của người dân đi hôm đó về có phản ánh lại, đầu tiên là đâm va, tàu thanh tra thủy sản đâm va cũng mạnh vào  tàu cá của ngư dân. Lần thứ 2 đâm lại thì đâm trực diện vào tàu cá dẫn đến tàu cá bị chìm...”, Chủ tịch UBND xã hải Bình cho biết thêm.
Đơn trình báo của anh Dương Văn Đồng - chủ tàu cá bị đâm chìm trên biển.
Trong khi đó, trong báo cáo về sự việc, Sở Nông nghiệp và Phát Triển Nông thôn cho rằng, sáng 16/11, khi đang đi tuần tra thì phát hiện 2 tàu của ngư dân đang chuẩn bị khai thác ở khu vực cấm khai thác cá và họ đã phát tín hiệu kiểm tra thì 2 tàu cá bỏ chạy. Tàu của thanh tra thủy sản đuổi theo sau thì có một tàu đột ngột dừng lại và quay ngang khiến tàu của thanh tra thủy sản không tránh kịp nên xảy ra va chạm. Sau khi xảy ra sự việc, thanh tra thủy sản phát hiện tàu cá của ngư dân có nước vào và đã đưa bơm sang bơm nước ra. Ngay sau đó, lực lượng thanh tra rút về cảng khác, còn tàu bị đâm thì được các tàu khác lai dắt về đất liền thì bị chìm.
“Từ lúc va chạm khoảng 7 rưỡi cho đến lúc tàu đi xử lý chỗ khác, phải đến hơn 11 giờ, 12 giờ gì đó thì tàu mới chìm, chứ không phải chìm ngay. Tàu thanh tra đã xử lý, mang máy bơm sang để bơm nước ra. Nhưng trong clip các anh nghe thấy có  đoạn nói là tháo “lù” để cho nước vào, để cho tàu chìm. Sau đó tàu thanh tra thấy tàu cá đã an toàn thì mới đi xử lý nơi khác…”, ông Hoàng Văn Tân, Phó Chánh Thanh tra, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Thanh Hóa khẳng định.
Có thể thấy, việc tàu của thanh tra thủy sản đâm vào tàu cá của ngư dân khiến tàu bị chìm đang được Sở Nông nghiệp và Nông thôn tỉnh Thanh Hóa và ngư dân có báo cáo đối nghịch nhau. Các cơ quan  chức năng tỉnh Thanh Hóa cần sớm vào cuộc để xác định rõ vi phạm của thanh tra thủy sản bởi dù tàu ngư dân có vi phạm quy định như thế nào thì phải xử lý theo pháp luật chứ không thể hành xử như vậy.
Theo thông tin mà chúng tôi nhận được thì ngay trong ngày hôm nay, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có chỉ đạo lực lượng công an vào cuộc để làm rõ sự tình nhằm có hướng xử lý nghiêm theo quy định của phát luật.
Điều mà ngư dân bị mất tàu mong muốn nhất trong lúc này là làm rõ sự tình để trả lại đúng bản chất của sự việc và có hướng giải quyết, giúp họ sớm trục vớt, làm lại con tàu để đi biển./.
Phi Long/VOV.VN

Bộ Trưởng Giáo Dục Phùng Xuân Nhạ Và Những Bê Bối Đáng Từ Chức

Ảnh Zing News
Ngay sau khi nổ ra vụ các cơ giáo mầm non bị giới lãnh đạo Hà Tĩnh điều động đi tiếp khách, với yêu cầu về “nhiệm vụ chính trị” như thể “chăm khách như chăm bé”, Bộ trưởng giáo dục Phùng Xuân Nhạ đã khiến dư luận phẫn nộ khi tỏ ý bao che cho những kẻ điều động càn.
Trả lời báo chí về việc nữ giáo viên hầu rượu, ông Nhạ phát ngôn:
Việc này hoàn toàn không phù hợp nhưng cũng chưa tới mức độ trầm trọng. Những cái không phù hợp với giáo viên đều không được chấp nhận. Các thầy cô phải tự xem xét lại chính mình, khi thấy không đúng thì phải đề nghị, kiến nghị. Còn lãnh đạo địa phương cứ ép thì mình phải kiến nghị lên, chứ mình thực hiện là vi phạm. Khi đã giữ nguyên tắc phẩm chất mà vẫn bị lôi kéo, ép buộc thì trước hết phải hỏi trách nhiệm của thầy cô đã, xong đó mới tính đến người ép buộc. Tôi đề nghị nghiêm túc từ trong ngành, từng thầy cô một phải nghiêm túc đã. (ngày 14.11.2016)
Một lần nữa, kể từ khi ông Phùng Xuân Nhạ tiếp nhận chức vụ bộ trưởng từ tháng 3 năm 2016, nhiều dư luận đặt dấu hỏi về “thành tích” mà ông đã đạt được, về văn bằng sau đại học của ông và ngày càng dấy lên những đòi hỏi về ông Nhạ phải từ chức.
Trong quá trình làm việc ở Bộ giáo dục và Đào tạo, ông Phùng Xuân Nhạ có tiếng là một người… im lặng. Mà trong hệ thống đảng và chính quyền, im lặng đã trở thành một tiêu chuẩn bất thành văn để tạo nấc thang leo lên cho các quan chức.
Mới đây, một nguồn tin trên mạng xã hội đã truy tìm hồ sơ học vị của ông Phùng Xuân Nhạ và đặt ra nhiều dấu hỏi:
Năm 2002, ông Phùng Xuân Nhạ khai là “Sau Tiến sĩ” (Fulbright Scholar), Georgetown University (USA). Nhưng chỉ là được nhận vào chương trình học bổng Scholarship trao đổi học sinh, do Đại Sứ Quán Mỹ tổ chức tại Việt Nam. Ông Nhạ có tên được nhận chương trình Scholarship trao đổi học sinh của Đại Sứ Quán Mỹ, nhưng chưa bao giờ học tại Mỹ. Do đó, ông khai là “Sau Tiến sĩ” là khai man.
Ông Phùng Xuân Nhạ khai năm 2000: Tiến sĩ; Viện Kinh tế Thế giới; Chuyên ngành: Kinh tế thế giới và Quan hệ kinh tế quốc tế.Vào thời điểm này ông Nhạ chỉ là giáo viên ở Đại Học Tổng Hợp Hà Nội (cũ), tức Đại Học Quốc Gia Hà Nội khi đã đổi tên. Trong năm 1999, ông được cấp bằng Tiến Sĩ Kinh Tế nhưng lại chưa học qua thạc sĩ?
Ông Phùng Xuân Nhạ khai năm 1994: Sau Đại học Manchester University (UK); Chuyên ngành: Kinh tế phát triển. Thực tế là năm 1994, ông Nhạ ghi danh học trường Manchester University (UK) chi nhánh ở Nga, chứ không phải ở UK. Ông không hề ra trường cử nhân tại Manchester University (UK), mà chỉ là ghi danh học với Transcript là bằng Cử Nhân ở Đại Học Hà Nội.
Ông học trường Manchester University (UK) với Certificate kinh tế tương đương cấp Trung Học “Graduate diploma in economy from Manchester University in the UK”.
Ông khai có bằng Sau Đại học Manchester University (UK). Sự thật ông chưa đậu bằng Cử Nhân nào ở Manchester University (UK), thì không thể gọi là “Postgraduate Diploma in Economics” ở trường này. Ông chỉ có thể được gọi là “Postgraduate Diploma in Economics” ở Đại học Hà Nội mà thôi!
Ngành giáo dục và đào tạo Việt Nam vẫn bết bát và lao dốc chưa từng có trong lịch sử của nó. Trước đây là Phạm Vũ Luận, và đến giờ là Phùng Xuân Nhạ. Không có một cải thiện nhỏ nào được làm, mà tất cả chỉ đều là hứa hẹn và sau đó là… đòi tiền ngân sách.
Đã đến lúc không chỉ một bộ trưởng như ông Phùng Xuân Nhạ phải bị thay thế, mà ngành giáo dục Việt Nam phải được “thay máu” toàn diện.
Lê Dung / SBTN

Thế Lực Phía Sau Công Ty May 8B Lê Trực

Dân Choa

(FB Dân Choa)

    Tòa nhà 8B Lê Trực.

Ông Như Phong ( Petrotimes) bị kỉ luật vì đăng lại bài của tờ Thời báo ( của người Việt tại Đức) về câu chuyện Trịnh Xuân Thanh.

Nhiều người cho rằng ông Phong liều, dám chơi dao...vì vậy chuyện đứt tay chảy máu là đương nhiên.

Nhưng việc Petrotimes đăng bài gặp "tai nạn nghề nghiệp" chỉ là một cái cớ thôi. Từ lâu rồi nhiều người không ưa ông Như Phong. Việc ông gây gổ với công ty may Lê Trực là một ví dụ.

Vụ công trình 8B Lê Trực được ông cho lên báo trình làng vang dội cả nước. Cả hệ thống chính trị.. buộc phải vào cuộc. 

Thế nhưng cái công trình này nó vẫn vững như kiềng ba chân, dù rằng họ chịu lùi dư luận bằng cách chấp nhận cho hạ bớt tầng, nhưng theo cái kiểu dây đưa...xem thường dư luận, bất chấp các quyết định.

Nếu chịu khó tìm lại thông tin của năm 2013 người ta cũng dễ dàng tìm được nhân vật cho phép thúc đẩy xây dựng công trình này. Đó là phó thủ tướng Hoàng Trung Hải. Nay ông Hải lại là ủy viên BCT và là Bí thư của TP Hà Nội.

Vì thế khi chỉ cần ông Như Phong có lỗi nghề nghiệp thì tai họa kép sẽ đổ dồn lên đầu ông vô phương cứu chữa.

Một vụ sai phạm có thể nói là có hệ thống. Thế nhưng công trình của công ty may 8B Lê trực vẫn bình thản trước bão dư luận. Một công ty may mặc thì có gì đáng nói, chỉ là một doanh nghiệp nhỏ. Thế nhưng liên doanh của nó thì không hề nhỏ.

Thậm chí nó còn nằm ngay trong cả cơ quan bảo vệ pháp luật.

PS:

Bonus thêm đoạn báo của năm 2013

"Ngày 20/9/2013, Văn phòng Chính phủ có văn bản số 7902 thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải về việc giải quyết thủ tục xây dựng của dự án tại số 8B Lê Trực này.

Theo đó, Phó Thủ tướng xét đề nghị của UBND Hà Nội tại công văn số 5043, đề nghị của Cty May Lê Trực tại công văn số 396 ngày 29/7/2013 và công văn số 1752 ngày 21/8/2013 của Bộ Xây dựng chấp thuận quy hoạch kiến trúc dự án đầu tư xây dựng Trung tâm thương mại, văn phòng, nhà ở để bán và cho thuê tại địa chỉ này để giao UBND Hà Nội nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Bộ Xây dựng, chỉ đạo việc làm các thủ tục cấp phép xây dựng cho dự án theo đúng thẩm quyền và quy định pháp luật.

Phó Thủ tướng lưu ý việc bảo đảm các quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của doanh nghiệp; không để kéo dài, phát sinh khiếu kiện phức tạp và yêu cầu Hà Nội báo cáo Thủ tướng kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao trước ngày 31/10/2013.

Từ đó, ngày 24/10/2013, Sở Quy hoạch-Kiến trúc một lần nữa có văn bản chấp thuận quy hoạch tổng mặt bằng và phương án thiết kế Trung tâm thương mại, văn phòng, nhà ở để bán và cho thuê tại số 8B Lê Trực với nội dung ghi rõ là thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại công văn 7902 nói trên và chỉ đạo của UBND Hà Nội trong văn bản số 7539 ngày 8/10/2013...."

Đi Campuchia học… trồng lúa

Theo NLDO-26/11/2016 10:10

Để tìm hướng ra cho hạt gạo VN, mới đây tỉnh Sóc Trăng cử đoàn cán bộ sang Campuchia học tập kinh nghiệm. Tham gia đoàn còn có GS-TS Võ Tòng Xuân, nhà nông học hàng đầu VN.

Thị trường gạo thế giới từ đầu năm đến nay đang trong xu thế giảm. Tuy nhiên, báo chí Campuchia cho biết tổng lượng gạo xuất khẩu của nước này vẫn tăng. Tính đến hết tháng 10, Campuchia đã xuất khẩu được 421.000 tấn gạo so với 408.000 tấn hồi cùng kỳ năm trước.
Ngoài thị trường lớn là Trung Quốc, Campuchia còn xuất khẩu sang các thị trường châu Âu như Pháp, Ba Lan… Thực tế này cho thấy Campuchia đang trở thành hiện tượng thú vị trên thị trường lúa gạo thế giới mấy năm gần đây.
VN cần thay đổi mục tiêu trong sản xuất lúa gạo ẢNH: CHÍ NHÂN
VN cần thay đổi mục tiêu trong sản xuất lúa gạo ẢNH: CHÍ NHÂN
Giá trị gạo tăng 65%
Bài học kinh nghiệm của Campuchia có lẽ đã được các chuyên gia nông nghiệp và báo chí nhắc đến khá nhiều. Nhưng đây có lẽ là lần đầu tiên người Việt chính thức sang tận Campuchia để “mắt thấy tai nghe” những điều họ làm được.
Ông Hồ Quang Cua, nguyên Phó giám đốc Sở NN-PTNT Sóc Trăng, “cha đẻ” giống lúa thơm đặc sản mang thương hiệu “ST”, cho biết: “Được sự đầu tư của chính phủ và sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, ngành nông nghiệp Campuchia đã có những bước đi rất bài bản để đạt được kết quả như hôm nay. Đầu tiên, Viện Nghiên cứu nông nghiệp Campuchia tổ chức bình tuyển và chọn ra giống lúa Phka Roumdoul vào năm 2009. Họ đưa sản phẩm đi dự thi đấu xảo quốc tế 3 năm liền (2012 - 2014) và đều đoạt giải gạo ngon nhất thế giới.
Sau khi bình tuyển xong, họ tiếp tục thanh lọc và mở rộng diện tích gieo trồng giống này. Hiện Campuchia gieo trồng các giống lúa thơm lên đến 40% diện tích. Ngoài giống lúa thơm ngon “số 1 thế giới”, họ còn tổ chức xây dựng mô hình sản xuất gạo hữu cơ. Có khoảng 100.000 hộ nông dân sản xuất lúa hữu cơ với quy mô lên đến 50.000 ha. Sản phẩm được Bộ Nông nghiệp Mỹ và Tổ chức BCS Oko - Garantie của Đức chứng nhận hữu cơ”.
Chìa khóa thành công của ngành lúa gạo phải là đầu tư cho nghiên cứu khoa học. Đầu tư cho khoa học nông nghiệp hôm nay là hình ảnh của ngành nông nghiệp ngày mai
​GS-TS Bùi Chí Bửu,nguyên Viện trưởng Viện Khoa học nông nghiệp miền Nam
Theo ông Cua, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Campuchia rất biết cách khai thác các thị trường cao cấp khi họ in logo gạo ngon nhất thế giới lên thương hiệu của mình. Hiện nay, gạo thơm của Campuchia được rất nhiều nước phát triển trên thế giới đặt mua, đặc biệt là châu Âu. Các doanh nghiệp của Malaysia trước giờ mua nhiều gạo thơm của VN cũng chuyển dần sang mua gạo của Campuchia.
“Gạo của Campuchia đã xuất khẩu tới những thị trường khó tính nhất thế giới, có giá trị vượt 65% giá bình quân của thị trường: 1.475 USD/tấn so với khoảng 890 USD tấn. Campuchia đã thành công với thương hiệu gạo của mình; trong khi đó việc xây dựng thương hiệu gạo ở VN vẫn còn trầy trật”, ông Cua nói.
Phải xác định được mục tiêu
Nguyên nhân trầy trật của hạt gạo VN được cho là chúng ta không xác định được mục tiêu chiến lược là gì, an ninh lương thực hay xuất khẩu và xuất khẩu thì bán cho ai? Còn Campuchia, nước này thành công vì mục tiêu sản xuất rất rõ ràng là nhắm đến các thị trường cao cấp. Đáng chú ý, mục tiêu đó phù hợp với xu thế và nhu cầu tiêu thụ gạo của thế giới. Tổ chức Nông lương Liên Hiệp Quốc (FAO) dự báo trong giai đoạn 2015 - 2023, thương mại gạo toàn cầu tăng 1,5%/năm.
Nhu cầu gạo chất lượng cao trên thế giới sẽ tăng với các loại gạo thơm, gạo hạt tròn, gạo trắng hạt dài, gạo thảo dược… Ngay tình hình xuất khẩu gạo của VN đang diễn ra cũng trùng khớp dự báo của FAO: Hiệp hội Lương thực VN (VFA) cho hay dù xuất khẩu gặp nhiều bất lợi nhưng mặt hàng gạo thơm đã có sự bứt phá ngoạn mục khi vươn lên đứng đầu trong cơ cấu xuất khẩu gạo của VN. Trong tháng 4, gạo thơm xuất khẩu chiếm đến 40%, kế đến là nếp 28%, gạo cao cấp chiếm trên 19%, gạo trung bình 9%...
Theo GS-TS Bùi Chí Bửu, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học nông nghiệp miền Nam, vấn đề của chúng ta là phải xác định rõ ràng mục tiêu sản xuất lúa gạo vì an ninh lương thực hay xuất khẩu. Câu hỏi đó đã được đặt ra cách đây nhiều năm nhưng chưa có câu trả lời, vì vậy đến giờ vẫn chưa xây dựng được thương hiệu gạo. “Chìa khóa thành công của ngành lúa gạo phải là đầu tư cho nghiên cứu khoa học.
Đầu tư cho khoa học nông nghiệp hôm nay là hình ảnh của ngành nông nghiệp ngày mai. Tuy nhiên, vấn đề của chúng ta là kinh phí cho nghiên cứu khoa học rất thấp và chủ yếu chỉ đủ trả lương cho cán bộ. Bên cạnh đó, nhà nước cần thúc đẩy đầu tư tư nhân trong nông nghiệp, khuyến khích nhiều doanh nghiệp kinh doanh nông nghiệp theo hướng xây dựng những cánh đồng lớn để tiếp cận công nghiệp hóa và xa hơn là để tích tụ ruộng đất”, GS Bửu nói.
TS Đào Thế Anh, Phó viện trưởng Viện Cây lương thực - cây thực phẩm (FCRI), cho rằng có thể chia xu hướng chất lượng gạo trên thị trường thế giới thành 5 cấp. Cấp 1 là gạo thơm, hạt dài, gạo đặc sản địa phương; loại gạo này nên đăng ký bảo hộ thương hiệu với tên giống đặc sản. Cấp 2 là gạo thơm thường. Cấp 3 là gạo Japonica (gạo hạt tròn) và nếp. Cấp 4 là gạo trắng 5% tấm hạt dài chất lượng cao và thứ 5 là gạo trắng 10 - 25% tấm. “VN hoàn toàn có thể sản xuất đáp ứng được các loại chất lượng trên. Tuy nhiên, để tham gia được thị trường thế giới với chiến lược chất lượng cao thì phải điều chỉnh hệ thống quản lý chất lượng và nghiên cứu đáp ứng các loại gạo theo phẩm cấp này”, TS Anh phân tích.
Không thể chỉ dựa vào thị trường Trung Quốc
VN xuất khẩu gạo đi hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ nhưng thị trường chủ lực là Trung Quốc, chiếm 35% thị phần. Đây là thị trường chứa đựng nhiều bất ổn. Lượng gạo dự trữ của Trung Quốc hiện lên đến khoảng 46,8 triệu tấn, đủ cho nhu cầu nội địa trong 117 ngày. Do dự trữ cao nên họ có thể ngưng mua bất cứ lúc nào để làm giá.
Trong khi đó, Thái Lan, Myanmar và cả Campuchia đã ký được hợp đồng cấp chính phủ nên tiêu thụ dễ hơn, còn VN hầu hết giao thương tiểu ngạch. Gần đây, VN phát triển mạnh sang thị trường châu Phi (khu vực nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới) nhưng đang phải cạnh tranh với Ấn Độ và Pakistan về loại gạo 25% tấm và gạo 5% tấm của Thái Lan.
Theo Chí Nhân (Thanh Niên)

Đường 2.700 tỷ nứt, vá: Giám đốc sở 'tung chiêu'

- Liên quan đến việc đường 2.700 tỷ nứt, vá - Giám đốc Sở GTVT Quảng Ngãi cho biết, sẽ xử lý nghiêm nếu phát hiện nhà thầu có gian dối. 

Trao đổi với VietNamNet sáng nay, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Quảng Ngãi Hà Hoàng Việt Phương cho hay, đã kiểm tra công tác xử lý mặt đường QL1A hư hỏng, đoạn qua huyện Đức Phổ.
Cụ thể, Sở đã chỉ đạo kểm tra, xử lý các đoạn có biểu hiện xuống cấp như rạn nứt, chắp vá. 
Đại diện Ban quản lý các dự án của Sở cho rằng, việc khắc phục lẽ ra đã hoàn thành từ trước nhưng do thời gian qua luôn xảy ra mưa lớn gây khó khăn cho đơn vị thi công.
Đường 2.700 tỷ nứt, vá: Giám đốc sở 'tung chiêu'
Lực lượng chức năng xử lý các đoạn đường hư hỏng như VietNamNet đã phản ánh
Theo quan sát, các đoạn đường bị rạn, xuất hiện ổ gà đang được thảm lại nhựa.
“Quan điểm của Sở là phải kiểm tra chất lượng chặt chẽ, nhà thầu nào không đảm bảo sẽ xử lý. Nếu đoạn đường nào có biểu hiện xuống cấp, nhà thầu phải khắc phục ngay để đảm bảo an toàn giao thông. 
Nếu đơn vị chây ì, sẽ báo cáo Bộ và lấy tiền bảo hành của nhà thầu để sửa chữa”, ông Phương quả quyết.
Đường 2.700 tỷ nứt, vá: Giám đốc sở 'tung chiêu'
Giám đốc Sở GTVT Quảng Ngãi Hà Hoàng Việt Phương (mũ trắng) cho biết sẽ xử lý nghiêm nếu phát hiện nhà thầu có gian dối
Sau khi chỉ đạo khắc phục, kiểm tra, đoạn đường sẽ được kiểm định chất lượng và dự kiến bàn giao vào đầu tháng 12/2016. 
Trước đó, VietNamNet đã phản ánh đoạn đường này dù mới làm xong nhưng đã ‘mọc’ nhiều ổ gà cùng các vết rạn nứt. Đây là dự án do Sở GTVT Quảng Ngãi làm chủ đầu tư.
Phải hoàn thành trước 30/11
Bộ GTVT đã chỉ đạo Sở GTVT Quãng Ngãi kiểm tra, rà soát, xử lý khắc phục ngay đối với các vị trí bị hư hỏng mặt đường bê tông nhựa đảm bảo chất lượng, mỹ quan và an toàn giao thông trên tuyến, thời hạn hoàn thành trước 30/11.
Trường hợp các nhà thầu thi công không huy động máy móc, thiết bị để sửa chữa các hư hỏng mặt đường bê tông nhựa trước thời hạn nêu trên, Bộ giao thông yêu cầu Sở GTVT Quảng Ngãi chủ động lựa chọn đơn vị khác có đủ năng lực, kinh nghiệm để sửa chữa các hư hỏng. 
Kinh phí cho công tác sửa chữa hư hỏng mặt đường được lấy từ chi phí bảo hành công trình của các nhà thầu.
Vũ Điệp
Cao Thái

Thừa Thiên Huế: Xã nghèo “thắt lưng buộc bụng” trả nợ do lãnh đạo chi tiêu quá đà

Dân trí Đó là thực tế đang xảy ra tại xã Quảng Thái - xã nghèo nhất vùng bãi ngang ven biển của huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế khi mắc nợ ngân sách hàng trăm triệu đồng.

Theo kết luận thanh tra về việc chấp hành chính sách, pháp luật trong quản lý, điều hành và sử dụng ngân sách tại UBND xã Quảng Thái ngày 15/7/2016 của UBND huyện Quảng Điền: Qua 2 đời Chủ tịch UBND xã là ông Văn Vinh và Trần Hải, xã đã nợ ngân sách hàng trăm triệu đồng.
Cụ thể vào thời điểm 2010, khi ông Văn Vinh bị cảnh cáo cách chức, bàn giao vị trí chủ tịch mới cho ông Trần Hải, xã Quảng Thái nợ các khoản chi cho hoạt động thường xuyên là hơn 676 triệu đồng. Khoản nợ này do lớn nên xã chưa có nguồn kinh phí để thanh toán.
Đến tháng 9/2015 – thời điểm bắt đầu thanh tra, qua báo cáo của UBND xã Quảng Thái và kết quả kiểm tra ngân sách, xã này còn nợ một số khoản đã chi cho hoạt động thường xuyên nhưng chưa bố trí được nguồn kinh phí thanh toán với số tiền là hơn 505 triệu đồng. Trong đó, các khoản nợ phát sinh của năm 2012 trở về trước là hơn 157 triệu đồng, phát sinh trong năm 2013 hơn 50 triệu đồng, phát sinh trong năm 2014 hơn 97 triệu đồng. Riêng trong 9 tháng đầu năm 2015 phát sinh hơn 199 triệu đồng.
Đáng chú ý trong số này, các khoản nợ của xã tại các quán ăn Mười, Diễm, Bằng, Nga… hơn 264 triệu đồng. Bên cạnh đó, xã đã sử dụng tiền sử dụng đất và nguồn kinh phí sự nghiệp kinh tế qua các năm để chi các nhiệm vụ khác của hoạt động thường xuyên sai quy định với số tiền hơn 392 triệu đồng.
UBND xã nghèo Quảng Thái mắc nợ hàng trăm triệu
UBND xã nghèo Quảng Thái mắc nợ hàng trăm triệu
Nguyên nhân ngân sách xã nợ các khoản đã chi cho hoạt động thường xuyên là xã đã chi cao hơn so với dự toán, chi tiếp khách, hội nghị của UBND xã và một số ban ngành, đoàn thể chiếm tỷ trọng lớn trong chi thường xuyên và chưa tiết kiệm trong điều kiện ngân sách xã còn khó khăn, nguồn thu hạn chế.
Việc quản lý của chủ tài khoản còn lỏng lẻo không theo nguyên tắc, kế hoạch; Bộ phận kế toán ngân sách thể hiện sự hạn chế, yếu kém, chưa có kế hoạch sử dụng ngân sách hợp lý dẫn đến tình trạng nợ của ngân sách, mất cân đối ngân sách. Hơn nữa Quảng Thái là xã đặc biệt khó khăn thuộc vùng bãi ngang ven biển, nguồn thu cố định tại xã còn hạn chế.
Kết luận của thanh tra, trách nhiệm mắc nợ thuộc về 2 ông Văn Vinh và Trần Hải. Lãnh đạo huyện Quảng Điền đã quyết định kỷ luật mức cảnh cáo đối với ông Trần Hải, nguyên Chủ tịch xã. Riêng ông Văn Vinh đã bị kỷ luật cách chức thời điểm 2010 do một số sai phạm khác.
Bên cạnh đó, huyện Quảng Điền cũng kỷ luật cảnh cáo đối 2 cán bộ xã là ông Lê Hụy (phụ trách kế toán) và bà Hồ Thị Thúy (thủ quỹ). Bà bà Hoàng Thị Kim Ngân (kế toán viên) bị nhắc nhở, rút kinh nghiệm. Tập thể UBND xã Quảng Thái đã họp nghiêm túc kiểm điểm khi để xảy ra những khuyết điểm, sai phạm.

Chủ tịch xã đương nhiệm phải tìm mọi cách thắt lưng buộc bụng để trả nợ ngân sách.
Chủ tịch xã đương nhiệm phải tìm mọi cách "thắt lưng buộc bụng" để trả nợ ngân sách.
Ngày 26/11, trao đổi với PV, ông Hoàng Tuấn Nam, Chủ tịch UBND xã Quảng Thái cho biết, từ lúc ông lên nhậm chức cách đây gần 1 năm rưỡi, việc trả nợ đã được ông đốc thúc cho xã tiến hành.
“Chúng tôi phải tiết kiệm lại, thắt lưng buộc bụng việc chi tiêu xã để trả nợ. Bên cạnh đó là tăng cường thu các khoản phí bắt buộc như đấu đồng thả vịt, thuê ruộng, thu phí và lệ phí chợ đúng thời hạn… Hiện ủy ban xã đã trả được gần 200 triệu đồng. Với lộ trình cố gắng trả nợ như thế này, khoảng 2 năm nữa xã sẽ trả nợ hết số nợ các lãnh đạo đời trước mắc phải. Trước tình thế này, chúng tôi xác định phải luôn cố gắng. Qua ghi nhận, bà con người dân trong xã đã rất ủng hộ việc này” – ông Nam trao đổi.
Đại Dương

Cắt 1.000 ha biển làm nhiệt điện: Lại lo số phận cá tôm

 Bình Thuận đang có 5 dự án nhiệt điện tập trung tại Trung tâm điện lực Vĩnh Tân. Nhiều dự án nhiệt điện ở đây làm nổi lên nhiều nỗi lo về ô nhiễm môi trường. Đặc biệt, nơi tập trung các nhà máy nhiệt điện lại rất gần khu bảo tồn biển. Chọn nhiệt điện hay biển là thách thức mà Bình Thuận cũng như nhiều bộ ngành đang phải cân nhắc để đưa ra quyết định.

Nỗi lo nhiệt điện
Bình Thuận đang nổi lên là địa phương thu hút nhiều dự án công nghiệp, nhất là nhiệt điện. Trong đó, đáng kể nhất là Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân tại xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận.
Cắt 1.000 ha biển làm nhiệt điện: Lại lo số phận cá tôm
Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2.
Trung tâm điện lực này hiện có tới 5 nhà máy nhiệt điện đã và đang trong quá trình xây dựng là nhiệt điện Vĩnh Tân 1, 2, 3 và 4 và 4 mở rộng. Đến nay, Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 đã đi vào hoạt động, các dự án còn lại đang triển khai xây dựng.
Sự có mặt của hàng loạt dự án nhiệt điện với tổng vốn lên đến hàng tỷ USD đang dấy lên những nỗi lo về: Ô nhiễm môi trường!
Nhiệt điện Vĩnh Tân 2, Vĩnh Tân 4, Vĩnh Tân 4 mở rộng cũng là những dự án bị Bộ Công Thương liệt vào danh sách các dự án, nhà máy có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường hoặc có những tồn tại trong chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường.
Mới đây, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh đã phải yêu cầu Tổng cục Năng lượng phối hợp với Bộ Tài nguyên Môi trường, Tập đoàn Điện lực Việt Nam tổ chức rà soát, đánh giá tổng thể tác động môi trường toàn bộ Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân trong năm 2017 cũng như các trung tâm điện lực lớn khác.
Thực tế, trong 2016, khi Nhà máy Vĩnh Tân 2 đi vào hoạt động đã phát sinh bụi, xỉ than… ảnh hưởng đến cuộc sống và sức khỏe người dân, gây xáo trộn đời sống và làm phức tạp tình hình mất an ninh trật tự ở khu vực này.
Còn với nhiệt điện Vĩnh Tân 1, trong quá trình xây dựng, chủ đầu tư Trung Quốc của dự án này xin đổ 1,5 triệu m3 chất thải nạo vét luồng hàng hải xuống biển. Đáng nói là, vị trí đổ thải lại quá gần Khu bảo tồn biển Hòn Cau - một trong 16 khu bảo tồn biển của Việt Nam. Đề xuất này đã gây xôn xao dư luận với nhiều lo ngại về tác động môi trường biển.
Nhiều chuyên gia đã lên tiếng nhấn mạnh, đây là vùng biển “nhạy cảm”, là ngôi nhà chung của nhiều loài thủy sinh có giá trị, cần hết sức thận trọng. TS. Nguyễn Hữu Huân - Trưởng phòng sinh thái biển (Viện Hải dương học) cho rằng: Đổ một lượng lớn chất thải xuống vùng ven bờ giàu nguồn lợi sinh vật đáy, chưa tính đến độc tính của nguồn thải thì cũng sẽ làm ảnh hưởng lớn đến khu hệ sinh vật đáy do bị chôn vùi.
Cắt 1.000 ha biển làm nhiệt điện: Lại lo số phận cá tôm
Khu bảo tồn biển Hòn Cau. Ảnh: Huỳnh Quang Huy
 “Nhường” biển cho nhiệt điện?
Khi Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân xuất hiện, nhiều hạng mục công trình phục vụ các dự án ở đây như cảng chuyên dùng, xây dựng khu lấn biển… đã “ăn vào” phần diện tích biển của Khu bảo tồn biển Hòn Cau.
UBND tỉnh Bình Thuận trong văn bản gửi Bộ NN&PTNT hồi tháng 9/2016 thừa nhận các dự án của Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân và cảng tổng hợp Vĩnh Tân nằm chồng lấn lên diện tích biển của Khu bảo tồn tới hơn 1.000 ha. Vì thế, Bình Thuận đã xin Bộ NN&PTNT cho giảm hơn 1.000 ha diện tích Khu bảo tồn biển Hòn Cau trên tổng số 12.500 ha của khu bảo tồn biển này để phục vụ nhiệt điện.
Trả lời lại đề nghị này, Bộ NN&PTNT cho rằng: Khu bảo tồn biển Hòn Cau là khu vực phân bố của các hệ sinh thái biển nhiệt đới điển hình (rạn san hô và thảm cỏ biển), có giá trị đa dạng sinh học cao. Đây là nơi sinh sống, bãi đẻ của nhiều loài thủy sinh vật quý hiếm có giá trị kinh tế và sinh thái quan trọng (các loài cá, sao biển, hải sâm, vích, đồi mồi, rùa xanh, tôm hùm…).
Điều đáng nói, Bộ NN&PTNT cho biết: Quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của các dự án, thành phần liên quan đến dự án Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân và cảng tổng hợp Vĩnh Tân được UBND tỉnh Bình Thuận gửi Bộ NN&PTNT không đề cập đến tác động của các dự án này. Trong khi việc thu hẹp diện tích khu bảo tồn biển ảnh hưởng rất lớn đến quần thể san hô nguyên thủy dài hơn 2 km với gần 234 loại san hô, cỏ biển và các động thực vật khác quý hiếm tại vùng biển này. Đáng chú ý là các rạn ngầm là bãi đẻ của tôm hùm bông, tôm hùm đỏ và tôm hùm xanh phân bố tại khu vực Hòn Cau.
Do đó, Bộ NN&PTNT không đồng ý với chủ trương điều chỉnh giảm diện tích Khu bảo tồn biển Hòn Cau. Đồng thời đề nghị UBND tỉnh Bình Thuận báo cáo Bộ Tài Nguyên Môi trường xem xét lại đánh giá tác động môi trường của dự án này tới Khu bảo tồn biển Hòn Cau.
Và Bộ NN&PTNT cũng bày tỏ quan điểm rằng, nếu kết quả tính toán có tác động tới Hòn Cau, đề nghị điều chỉnh phạm vi và quy mô của dự án Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân, cảng tổng hợp Vĩnh Tân để đảm bảo hài hòa giữa lợi ích kinh tế và công tác bảo tồn đa dạng sinh học biển; bảo vệ nguồn lợi thủy sản và môi trường biển tại khu vực biển Hòn Cau.
Bộ NN&PTNT đã chọn biển. Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng như UBND tỉnh Bình Thuận quyết định thế nào là điều nhiều người trông đợi khi thông điệp “không đánh đổi môi trường lấy dự án”, “không phát triển kinh tế bằng mọi giá” đã được nhiều lãnh đạo cấp cao phát đi.
Lương Bằng – Bạch Hân