Sunday, August 30, 2015

Trung Quốc đuổi sạch dân oan ra khỏi Bắc Kinh nhân lễ "chiến thắng"

Trọng Nghĩa
Theo RFI-29-08-2015 13:19
media
Dân oan biểu tình ở Bắc Kinh tháng 6/2015.DR Boxun 博讯网
Để ngăn chặn khả năng lễ kỷ niệm 70 năm Chiến tranh Thế giới lần thứ II kết thúc bị quấy rầy, chính quyền Trung Quốc đã dùng cả biện pháp cưỡng bức lẫn mua chuộc để đuổi sạch những người khiếu kiện ra khỏi Bắc Kinh. Theo trang mạng Đài Loan Want China Times vào hôm nay, 29/08/2015, thì trong những ngày qua, chính quyền Trung Quốc vừa bố ráp các dân oan có mặt tại thủ đô và áp tải những người này về quê, vừa thưởng tiền cho những ai thôi khiếu nại.
Theo Want China Times, các phương tiện truyền thông ngoại quốc và Trung Quốc đều xác nhận thông tin là công an Bắc Kinh đang mở chiến dịch lùng sục trên bình diện rộng tại các khu vực ngoại thành Bắc Kinh để lùng bắt những dân oan lên thủ đô để khiếu kiện. Sau khi bị bắt, những người này sẽ bị gởi trả ngay về địa phương nơi họ cư ngụ.
Theo báo Hồng Kông Oriental Daily, thì ngày 20/08 vừa qua chẳng hạn, hàng chục công an đã đột kích vào nơi tập hợp của các dân oan, bắt đi khoảng hơn 200 người. Những ai trốn thoát được đều đã phải lẩn tránh ở những vùng xa để khỏi bị bắt.
Các nguồn tin báo chí còn cho biết là công an cũng hứa trả 20.000 nhân dân tệ (tương đương với 3.100 đô la) cho những ai đồng ý ngừng biểu tình khiếu kiện tại Bắc Kinh kể từ ngày 20/08.
Cũng trong khuôn khổ bảo đảm an ninh cho buổi lễ rầm rộ sắp được tổ chức hôm 03/09, giới luật sư và các nhà đấu tranh xã hội cũng bị cấm rời khỏi Hoa Lục. Một « cửa khẩu » giữa hai thành phố Thâm Quyến và Hồng Kông hôm 21/08 vừa qua, đã cấm không cho Luật sư Yên Tân (Yan Xin) tại Bắc Kinh rời Trung Quốc với lý do là nhân vật này có thể đe dọa an ninh quốc gia.

Biển Đông : Trung Quốc sẽ sợ búa rìu dư luận hơn đe dọa quân sự

Trọng Nghĩa
Theo RFI-29-08-2015 16:31
media
Người dân Philippines biểu tình chống yêu sách của Trung Quốc tại Biển Đông.REUTERS/Romeo Ranoco
Trước các hành vi càng lúc càng thái quá của Trung Quốc tại Biển Đông, đặc biệt là ý đồ quân sự hóa ngày càng rõ nét các đảo nhân tạo mà họ đã bồi đắp tại vùng Trường Sa, Hoa Kỳ cho đến nay chủ yếu đối phó bằng những tuyên bố răn đe. Ngày càng có nhiều tiếng nói vang lên, đòi Washington phải có hành động cụ thể hơn. Trên báo Anh Quốc The Guardian số ra hôm nay, 29/08/2015, có một ý kiến cho rằng Mỹ nên chuyển hướng hành động, tăng cường tố cáo Trung Quốc phạm luật trên trường quốc tế, thay vì chỉ đưa ra những lời đe dọa quân sự suông.
Theo ông Ashley Townshend, chuyên gia nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu về Hoa Kỳ tại Đại học Sydney ở Úc, những lời cảnh cáo của Mỹ, dù đến từ cấp nào chăng nữa, như không hề làm Trung Quốc động tâm.
Lý do, theo chuyên gia này, đó là vì Bắc Kinh cho rằng Mỹ sẽ không dám lao vào một cuộc đối đầu với Trung Quốc chỉ vì một số hòn đảo tí hon tại Biển Đông, do đó Bắc Kinh đã bỏ ngoài tai các tuyên bố đe dọa của Washington về mặt quân sự, chẳng hạn như lời khẳng định sẽ không dung thứ cho các hành vi hạn chế quyền tự do hàng không và hàng hải trong khu vực. Washington cũng từng nói là sẽ không chấp nhận việc Bắc Kinh quân sự hóa Biển Đông, nhưng lại không nói được là Mỹ sẽ làm gì nếu Trung Quốc vẫn cứ tiến hành.
Do đó, bí quyết để răn đe Trung Quốc, ngăn chặn việc nước này quân sự hóa các tiền đồn của họ trên Biển Đông là xác định rõ đâu là điều mà Bắc Kinh sợ nhất, tấn công vào lãnh vực đó và phối hợp hành động giữa các quốc gia quan tâm đến Biển Đông để Bắc Kinh thấy rõ cái giá phải trả nêu tiếp tục ngoan cố.
Đối với chuyên gia Townshend, đầu tiên hết là phải đánh vào uy tín quốc tế của Trung Quốc, vì không như nhiều người lầm tưởng, Bắc Kinh thực sự hết sức quan tâm đến việc duy trì một hình ảnh tích cực trên thế giới.
Trung Quốc dư biết là nếu bị xem là một côn đồ coi thường luật lệ quốc tế, trọng lượng chiến lược, chính trị và kinh tế của họ có thể bị giảm sụt, và điều đó sẽ gây hại cho quan hệ béo bở giữa Bắc Kinh với châu Âu, châu Mỹ và nhiều tổ chức quốc tế.
Theo nhà nghiên cứu Úc, vào lúc này, Mỹ có vẻ là một trong những nước hiếm hoi trực tiếp chỉ trích các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông. Trong bối cảnh đó, cộng đồng quốc tế nhất thiết phải nhập cuộc, và các định chế quan trọng như Liên Hiệp Châu Âu, Nhóm G7, và một tập hợp của các tác nhân khu vực, trong đó có Úc, New Zealand hay Singpapore, phải lên tiếng nới rõ với Trung Quốc rằng việc quân sự hóa đảo nhân tạo tại Biển Đông là hành vi phi pháp và gây bất ổn định.
Sự lên tiếng đó sẽ là tín hiệu cảnh cáo gởi đến Trung Quốc, cho biết là một cái ngưỡng trong sự khoan dung của thế giới đối với Trung Quốc đã bị vượt qua. Tính chất trung lập và uy tín không chối cãi của các quốc gia và định chế nói trên sẽ giúp cho những lời chỉ trích của Mỹ nhắm vào Trung Quốc thêm phần chính đáng, khiến cho Bắc Kinh sẽ gặp khó khăn hơn trong việc tránh bị mất uy tín.
Vấn đề đặt ra tuy nhiên là giữa Mỹ với khu vực, và giữa các nước trong khu vực với nhau, cần phải có một sự đoàn kết nhất định.
Chuyên gia Townshend nêu bật ví dụ về việc Mỹ và khu vực bất đồng về quyền tự do đi lại của chiến hạm trên biển. Các nước như Ấn Độ, Malaysia, Việt Nam và Thái Lan chẳng hạn, đã có cùng quan điểm với Trung Quốc, cho rằng các hoạt động quân sự của nước ngoài có thể bị ngăn chặn trong khu vực đặc quyền kinh tế 200 hải lý của một nước, chứ không phải chỉ trong ở trong vùng lãnh hải 12 hải lý như quan điểm của Hoa Kỳ.
Bất đồng quan điểm trên đây đã cho phép Trung Quốc bác bỏ các cáo buộc theo đó các hành động trên Biển Đông của họ lệch pha với khu vực, đồng thời gây khó khăn trong việc đoàn kết dư luận thế giới lên án hành vi gây mất ổn định của Trung Quốc.

Phong trào biểu tình chống Thủ tướng Malaysia bước sang ngày thứ hai

Tú Anh
Theo RFI- 30-08-2015 16:33
media
Theo lời kêu gọi của phong trào Bersih, dân Malaysia mặc áo vàng biểu tình đòi thủ tướng từ chức - REUTERS /Edgar Su
Chủ nhật 30/08, một rừng người mặc áo vàng, màu biểu tượng của sự phản kháng, lại xuống đường tại thủ đô Kuala Lumpur bất chấp lệnh cấm tụ tập và mặc áo vàng. Hôm nay là ngày thứ hai trong đợt biểu tình đòi Thủ tướng Najib Razak từ chức. Nhà lãnh đạo Malaysia bị tố cáo tham ô, biển thủ công quỹ.
Theo AFP, từ sáng sớm hôm nay 30/08/2015, hàng ngàn người mặc áo vàng đã từ khắp nơi kéo về trung tâm thủ đô Malaysia theo lời kêu gọi của phong trào xã hội công dân Bersih. Sau ngày biểu tình hôm thứ Bảy và một đêm canh thức, người dân Malaysia, tiếp tục cuộc tranh đấu phối hợp diễn văn, ca hát, cầu nguyện trong không khí lễ hội, ôn hòa.
Ngày hôm qua 29/08/2015, phong trào chống tham nhũng và đòi cải cách chính trị đã tổ chức một cuộc biểu tình ở quy mô lớn đòi Thủ tướng Malaysia từ chức. Phong trào này là một liên minh bao gồm các tổ chức phi chính phủ, canh tân, bảo vệ nhân quyền, chống tham nhũng.
Vụ tai tiếng biển thủ một số tiền tương đương với 700 triệu đôla là giọt nước làm tràn ly nước đầy. Hôm qua, Thủ tướng tiền nhiệm Mahathir Mohamad, đã 90 tuổi, cũng xuất hiện cùng với đoàn biểu tình, tố cáo nhà lãnh đạo tham ô và khuyên ông Najib Razak nên từ chức.
Ông Simon Tam, một luật sư tranh đấu tuyên bố là ông hy vọng người dân Malaysia xuống đường thật đông đảo để gửi thông điệp như sau cho chính phủ này : các ông là những kẻ nói láo, những kẻ ăn cắp, những kẻ tàn bạo từ lâu quá rồi. Dân chúng không còn dung thứ các ông được. Ngày thứ Bảy, cuộc xuống đường đã huy động khoảng 200.000 người, theo ban tổ chức, 29.000 theo lời cảnh sát.

Ai là người Việt chân chính?

Trần Quốc Việt (Danlambao) - Chúng ta những người hậu thế hôm nay đọc lại những lời sau của các nhân vật lịch sử hiện đại và hãy cảm nhận trong lòng mình trong họ ai là người Việt chân chính và yêu nước, ai là “người Việt” chung chăn gối với kẻ thù truyền kiếp của Việt Nam, và cuối cùng ai là người Việt sẵn sàng hy sinh đến người Việt cuối cùng cho ngoại bang dưới lá cờ ý thức hệ vô luân nhất, tàn ác nhất, mù quáng nhất, và ảo tưởng nhất trong lịch sử văn minh tinh thần của con người mà hôm nay đã và vẫn còn tàn phá ghê gớm và toàn diện nước Việt thân yêu suốt trong 70 năm qua.

Hồ Chí Minh

“Bất chấp sự căm ghét Trung Quốc có thật trong lịch sử của người Việt Nam, khi Mao Trạch Đông làm chủ Trung Quốc, Hồ Chí Minh gởi điện chúc mừng ông và cam kết rằng: “Mối quan hệ anh em giữa Trung Quốc và Việt Nam, đã và đang tồn tại trong suốt nhiều thế kỷ, sẽ càng trở nên gắn bó hơn vì sự phát triển tự do và hạnh phúc của hai nước và vì dân chủ thế giới (tức chủ nghĩa cộng sản thế giới) và hòa bình bền vững.”

Mao Trạch Đông đáp lại: “Trung Quốc và Việt Nam cả hai đều ở trên tuyến đầu chống chủ nghĩa đế quốc. Qúa trình đấu tranh giải phóng thắng lợi của hai dân tộc chắc chắn sẽ khiến cho tình hữu nghị giữa hai nước chúng ta càng ngày càng trở nên gắn bó hơn.”

“Tình hữu nghị” đáng ngờ này hôm nay là thanh gươm Damacles đế quốc treo lơ lửng trên đầu các quốc gia tự do ở Châu Á.” (1)

Ngô Đình Diệm

“Thay vì làm theo ý muốn của những người gọi là “những người chủ” của mình, như Hồ Chí Minh đã làm, Ngô Đình Diệm, khi nào không vừa lòng với những chỉ trích mà Mỹ nhắm vào ông, đã tuyên bố những lời như thế này trên báo chí chịu sự kiểm duyệt của ông:

“Chúng tôi không thích quý vị hay những chính sách của quý vị nhưng chúng tôi cần quý vị giúp đỡ để tồn tại, và chúng tôi biết rằng chính vì lợi ích của quý vị để thấy chúng tôi tồn tại. Cho nên quý vị hãy viện trợ chúng tôi nhưng ngưng can thiệp vào công việc của chúng tôi.”” (2)

Bảo Đại

Thư của Vua Bảo Đại gởi DeGaulle vào ngày 18 tháng Tám, 1945:

“Các ông đã đau khổ quá nhiều trong bốn năm thảm khốc mà không hiểu rằng nhân dân Việt Nam, với hai mươi thế kỷ lịch sử và quá khứ thường vinh quang, hiện nay không còn muốn, và không còn có thể chịu đựng bất kỳ sự đô hộ nào của ngoại bang hay sự cai trị nào của nước ngoài… Cho dù các ông đến đây để tái thiết lập sự cai trị của Pháp, thì tất cả mọi người sẽ không còn vâng lời các ông nữa; mỗi làng sẽ thành mỗi ổ kháng chiến, mỗi người bạn cũ sẽ thành mỗi kẻ thù… Tôi mong ông hiểu rằng con đường duy nhất để bảo vệ quyền lợi Pháp và ảnh hưởng tinh thần của Pháp ở Đông Dương là hãy thành thật công nhận Việt Nam độc lập và từ bỏ bất kỳ ý định tái thiết lập chủ quyền hay sự cai trị nào của Pháp ở đây dù dưới bất kỳ hình thức nào.” (3)

Phạm Văn Đồng

Thủ tướng cộng sản Phạm Văn Đồng tuyên bố trong cuộc phỏng vấn dành cho ký giả Harrison E. Salisbury của tờ New York Times vào tháng 12, 1966:

“Người Mỹ các ông muốn đánh bao lâu?... Một năm? Năm năm? Mười năm? Hai mươi năm? Chúng tôi sẽ sung sướng thỏa mãn các ông.”

Chú thích

(1) và (2). Trích dịch từ bài báo nhan đề "Doc Lap betrayed " của tác giả Daniel E.Teodoru trong tạp chí “Thoughts from Exile” của Hội Sinh viên Romania Tự do (Free Romanian Student Union), bộ 1, số 2 (trang 48), và số 3 (trang 51), 1962.

(3) Tạp chí thượng dẫn, số 2 (trang 60)

30/8/2015

Nếu tôi chết bây giờ cuộc đời tôi kết thúc như một con vật

Nguyễn Xuân Nghĩa (Danlambao) - Không chỉ tôi mà tất cả mọi người Việt Nam ở tầm tuổi 60-70. Chúng ta bị sinh “nhầm thế kỷ”, lớn lên trong nghèo đói, lạc hậu và bom đạn chiến tranh. Chúng ta đổ xương máu cho đcs, chúng ta lăn lộn ngoài chiến hào, nơi rừng sâu núi thẳm; đến giờ đồng đội chúng ta đang ăn bằng chân, đi bằng hai tay trong các trại thương binh. Rồi chúng ta trải qua những năm dài triền miện trong hậu quả chiến tranh và thời kỳ bao cấp- bế quan tỏa cảng... Cái đói và cái rét, bệnh tật và xếp hàng, đánh cãi chửi nhau, gầm gè nhau như những con vật để chờ một lượng nhỏ nhu yếu phẩm hàng tháng trong sổ tem phiếu... Có người đói quá mà chết hoặc tìm đến cái chết để giải thoát cho bản thân và gia đình... Số đông người khác như chúng ta sống được vì hy vọng một cuộc sống tốt đẹp hơn ở tương lai rất gần kề.

Bây giờ, sau nửa đời người chúng ta không còn phải lo nhiều về cái đói và cái rét thì chúng ta phải lo sang những cái khác. Chúng ta lo gặp ông nọ bà kia để “xin” để “chạy” cho một chữ ký hoặc con dấu, lo con em chúng ta mắc vào ma túy hoặc đĩ điếm, lo chúng đánh nhau bị lột đồ lót, lo học xong không tìm được việc làm. Chúng ta còn lo nhiều cái cấp bách hơn nữa, lo bị bọn trộm cướp giết cả nhà, lo đi trên cầu sắp sập, lo ra đường bị chúng đâm vào xe mình mà mình phải đền, lo vào bệnh viện bị chết. Càng lo càng phải “chạy”, lo bị ông này ông nọ trù dập, trừ lương. Càng lo càng phải “chạy”. Nhiều lúc nghĩ lại thấy từ tư tưởng, nhân cách đến hành vi không đúng là của mình. Biết tại sao rồi mà vẫn Mặc Kệ Nó, cam lòng chờ ngày nằm xuống.

Dù ai có vị trí cao trong xã hội, nếu còn nằm trong khối nhân quần, không tránh khỏi những cái lo chồng chất đã kéo dài gần hết cuộc đời- NHỮNG CÁI LO CỦA CON VẬT

Hãy nhìn sang các nước khác và đặt câu hỏi: Tại sao dân nước họ chấm dứt được những cái lo tầm thường, cái lo của người hạ đẳng sớm như vậy mà người Việt Nam ta thì không?

Hãy nhìn sang các nước khác để biết chúng ta đã kéo dài đời sống con vật- người gần hết cuộc đời.

Cuộc đời thật ngắn, nhất là khi ta đã vào tuổi 60-70

Cuộc đời thật quý bởi vì trong hàng tỉ hạt bụi mới có một lượng hạt bụi nào đó tạo ra chúng ta

Nếu tôi chết lúc này cuộc đời tôi kết thúc như một con vật

Nếu tôi sống thêm 20-30 năm nữa mà tôi không nghĩ cách làm thay đổi cuộc sống của tôi chung hướng với cuộc sống cộng đồng, tôi cũng sẽ chết như một con vật.

30/8/2015

Malaysia: Biểu tình là “Dân Chủ” hợp pháp

Hoàng Thanh Trúc (Danlambao) - Thứ Bảy 29/8 – Bất chấp lời đe dọa: "biểu tình là bất hợp pháp” từ nhà cầm quyền và lượng cảnh sát, hơn 100.000 người dân Malaysia do Bersih (tổ chức xã hội dân sự hàng đầu ở Malaysia) đề xuất, rầm rộ xuống đường trưng khẩu hiệu tuần hành giữa thủ đô Kuala Lumpur và không ngại ngần hô vang lời kêu gọi Thủ tướng Najib Razak từ chức vì những cáo giác lừa đảo nghiêm trọng. (VOA-29.08.2015).

Thủ tướng Najib Razak: 700 triệu USD là tiền biếu tặng tôi từ Trung Đông

Người biểu tình ở thủ đô Kuala Lumpur đòi Thủ tướng Najib Razak từ chức, Ngày 29/8/2015.

Cùng ngủ qua đêm giữa đường phố để tiếp tục tuần hành vào hôm sau 

Dân chúng Malaysia giận dữ trước thông tin tài khoản của cá nhân ông thủ tướng Najib Razak nhận hơn 700 triệu USD từ các nhà tài trợ nước ngoài ẩn danh thông qua quỹ đầu tư 1MDB nhưng quỹ này lại đang nợ nần chồng chất. Đây là quỹ do chính ông Najib Razak lập ra từ năm 2009 và ông làm Chủ Tịch nhằm vận động biến thủ đô Kuala Lumpur thành trung tâm tài chính. Tin tức được hé lộ hồi tháng trước trong vụ điều tra cáo buộc Quỹ 1MDB, đối mặt với cáo giác tham ô và quản lý sai trái, nợ hơn 11 tỉ đô la. Quỹ này đang bị điều tra bởi nhiều cơ quan trong chính phủ.

Phản ứng từ nội các chính phủ nói khoản tiền là “quyên góp cho chính trị” từ các nguồn ẩn danh ở Trung Đông.

Ông Najib phủ nhận mọi cáo buộc và nói rằng khoản tiền đó trong các tài khoản ngân hàng của ông là một khoản tiền biếu tặng từ Trung Đông và nói những người biểu tình không nên làm hoen ố hình ảnh Malaysia(!?)

Nhưng trong số những người chỉ trích ông Najib, cựu lãnh đạo (một tượng đài Malaysia) Mahathir Mohammad nói với báo chí hồi tuần này rằng ông không tin số tiền là tiền quyên góp hợp pháp và đề nghị hãy để cho các cơ quan điều tra độc lập vào cuộc, một lần nữa ông kêu gọi Thủ tướng Najib từ nhiệm.

Để ngăn chặn vụ việc bùng phát ngoài tầm kiểm soát hồi đầu tháng chính quyền Thủ tướng Najib Razak đã phong tỏa website của Bersih và tuyên bố cuộc biểu tình tại Quảng trường Độc lập ở Kuala Lumpur là bất hợp pháp vì các nhân vật tranh đấu không được cấp phép để tổ chức biểu tình và giới hữu trách cũng cấm dân chúng mặc trang phục màu vàng của Bersih và phù hiệu của tổ chức này… Chính đó là chất xúc tác làm dấy lên cuộc biểu tình rầm rộ quyết liệt đòi Thủ tướng Najib Razak từ chức lần này.

“Chào nghen, đồng nghiệp! Là “y tá vườn” nhưng tui ngon lành hơn ông- Việt Nam dưới sự lãnh đạo của tui: Vinashin bốc hơi 4 tỷ USD - Vinalines 1.686 tỷ đồng - Công ty cho thuê tài chính II (ALCII) 524 tỉ đồng - Tổng nợ xấu ngân hàng khó đòi 159.313 tỷ đồng….Nhưng tui lên chức dài dài... kỳ này dự trù… lên nữa! Đại Biểu Quốc Hội/VN kêu tui từ chức còn chưa được nữa là… Còn người dân đòi biểu tình từ chức hả? Đứa thì tui cho đi nghỉ mát trong các “Resort CA quản lý”, đứa thì tui cho nó đi du lịch Mỹ dài hạn… Bên tui “Dân Chủ” là phải cho dân nó đi “nghĩ mát, du lịch”để mình rảnh tay làm chủ chớ… Nếu không nó cứ đòi Dân Chủ thì mình đâu làm Chủ Dân được… Coi chừng ông sắp tiêu rồi… Chúc may mắn nghen…

30/8/2015

Ngày 2 tháng 9: Quốc khánh hay Quốc hận?

V.Quốc Uy (Danlambao) - Ngày “Quốc khánh 2 tháng 9” năm nay sẽ được ĐCSVN tổ chức thật long trọng để kỷ niệm 70 năm đất nước này bị chui vào cái gông Cộng sản mạ vàng để ĐCS độc quyền nhào nặn và sử dụng. Nói “bị chui” bởi vừa bị cưỡng bức lại vừa tự nguyện chui vào. Trên bình diện toàn cục thì nhân dân VN khốn khổ này không thể chối bỏ sai lầm tự nguyện. Nếu không có sự tự nguyện đương nhiên của số đông “bần cố” và sự tự nguyện nhẹ dạ cả tin của một số trí thức đầu tàu ngây thơ chính trị, ngỡ mình gặp được Minh quân, thì cái thòng lọng chuyên chính CS đâu có tự nhiên choàng được vào cổ dân tộc này?

Thật chẳng ngoa khi mô tả thế giới cộng sản đều là những “trại xúc vật” hay trại giam khổng lồ nhưng có cái cổng tiếp đón, cái phòng tiếp tân rất huy hoàng lộng lẫy. Bước vào cổng đã như thấy bày ra trước mắt viễn cảnh một chân trời tự do hạnh phúc đầy hứa hẹn, nhưng chỉ cần anh nào tưởng bở mà lỡ bước chân vào là “ban quản giáo” sẽ có người ra tiếp đón ngay, nắm nhẹ cánh tay âu yếm dắt anh vào sâu hơn. Đến lúc anh nhận biết là mình đang đi vào “trại” và muốn quay ra thì đã muộn rồi. Đường tới “Thiên đường ảo vọng” này là con đường độc đạo, một chiều, có cưỡng bức, mà là cưỡng bức tuyệt đối, bước chân đi là cấm kỳ trở lại.

Muốn quay ra, dù chỉ quay ra phía cái cổng chào đón lúc mới vào, cái cổng 1945 với hình ảnh “Cha già 55 tuổi” đọc lời tuyên ngôn nhân quyền Hoa Kỳ, có tiếng nhạc Tiến quân ca và Diệt phát xít…cũng đâu có dễ dàng? Dù anh có khôn ngoan mượn cớ “đi toilette” để tìm đường tẩu thoát thì cũng không thoát khỏi con mắt quản lý rất nhà nghề và cái bàn tay định hướng bằng sắt bọc nhung, vừa biết tàng hình, chơi trò ú tim, thoắt là thày tu thoắt thành du đãng. Một nghệ thuật “cướp” tài tình như vậy thật xứng danh “lục lâm vạn thế sư biểu”. Bọn cướp khắp thế gian xưa nay cứ bị trừng trị vì chúng còn ngu, không biết rằng: Muốn cướp thật lớn thì trước hết phải “cướp” được chính quyền và mị được dân, muốn mị được dân thì phải có một lý thuyết bánh vẽ thật hoàn chỉnh. Có những bửu bối ấy rồi lo gì không thắng? 

Nhưng “cái kim bọc giẻ lâu ngày cũng ra”, thật thà mới là cha quỷ quái! Những ngày đầu tháng 9 này, con ngáo ộp mang tên “Quốc khánh” được hiện ra với hai bộ mặt khác nhau đến kịch liệt. Một bộ mặt “Quốc khánh” hiện ra trên các chương trình VTV “lề đảng” với những thước phim hồi ức của thời khắc 1945 là rất hào hùng, và những màn ca múa mừng ngày kỷ niệm là tràn đầy hớn hở và tính biết ơn. Một chân dung khác của “Quốc khánh” hiện ra trên các trang báo “lề dân”, thì hiện nguyên hình một kịch bản đánh tráo rồi phản bội, mở đầu cả một thời kỳ lầm lạc đau buồn cho Dân tộc Việt Nam, nay đang phải gắng hết sức bình sinh cũng chưa thoát được ra. Vậy “Quốc khánh” ấy thực ra là Quốc hận!(*)

“Hận” vì những gì mà “CMT8 và Quốc khánh 2-9” đem lại cho dân cho nước chẳng những là số không mà còn là số âm, kết quả âm mà phải trả giá quá đắt bằng cả máu xương và làm bại hoại ly tán cả dân tộc. Về Độc lập thì từ Chính phủ Trần Trọng Kim đã có độc lập rồi, mà dù có còn thuộc Pháp chăng nữa thì sau này cũng sẽ độc lập, và có thuộc Pháp thì cũng còn khá hơn rất nhiều so với làm chư hầu của kẻ thù truyền kiếp Trung Hoa thâm hiểm và gian ác như hiện nay. Về Dân chủ tự do thì bất kỳ một thể chế nào cũng tốt hơn chế độ CS, vì dù là chế độ Trần Trọng Kim, Bảo Đại hay Ngô Đình Diệm… dù còn non kém thì cũng là một thể chế mở, có non kém thì theo thế giới cũng khá dần lên như gương các nước xung quanh. Còn thể chế CS là một thể chế đóng khung trong khuôn ý thức hệ CS, thiết kế ngai vàng vững chắc để những cái “đểu cáng lên ngôi”, có những hàng rào giới hạn mang tính bản chất không thể vượt qua. 

Trong bài Một chủ nghĩa sai lầm và những quốc hận tôi đã trích những lời trao đổi của trí thức trong nước hiện nay, cho thấy bây giờ dân ta đang “một cổ hai tròng” rất khó gỡ ra, và hai cái tròng đó đã quàng vào cổ dân tộc Việt Nam ngay từ ngày 2 tháng 9 năm 45, và nó ngày càng xiết lại. Chuyện lạ đời là dân bị mất nước trước hết vào tay người trong nước là nạn nội xâm, dân mất đất và mất tự do bị lưu vong ngay trên đất nước mình, còn đội ngũ cầm quyền thì cai trị dân mình theo cung cách một đội quân viễn chinh, như một đội quân chiếm đóng vậy. Hỏi không “hận” sao được?


Mặc cho “bộ máy quản giáo của nhà tù lớn” này có tô vẽ “ngày Tuyên ngôn Độc lập 2 tháng 9” là thành quả vĩ đại thì nó chỉ đem lại lợi ích vĩ đại cho bộ máy quản giáo ấy (gồm mười mấy ông bà vua tập thể và các tổ chức ăn theo, gồm những ai chỉ biết còn đảng còn mình, những ai biết nương theo quyền lực và những kẽ hở của nó để làm giàu…), còn tuyệt đại dân chúng thì chỉ ước gì đi ngược thời gian về năm 1945 để làm cho cái gọi là thành quả “vĩ đại” ấy đừng xảy ra thì hơn, để dân tộc Việt Nam được thảnh thơi tiến bước kịp bạn bè, không bị vướng một thứ vòng Kim- Cô nào hết! Khi ông TBT Nguyễn Phú Trọng sang Tàu, họ cho gặp anh hề Lục Tiểu Linh Đồng đóng vai Ngộ Không là nhắc khéo cái vòng Kim-Cô vẫn trên đầu ông đó.

Ông cha ta vẫn dạy “Miếng ngon nhớ lâu, đòn đau nhớ đời”. Mặc cho những người thu được chiến quả khổng lồ cứ tung hô chiến thắng là lẽ đương nhiên, còn nhân dân Việt Nam vừa thấm đau và thấm nhục một cuộc chiến bại , đại chiến bại, thì xin thưa với tổ tiên, lũ chúng con đây ngàn đời cũng chẳng dám quên.

30-8-2015


____________________________________

Tham khảo: (*)


Vũng lầy giác dục

S.T.T.D Tưởng Năng Tiến (Danlambao) - Với một nền giáo dục quá thừa phong bì nhưng lại thiếu phong cách, quá thừa nhà quản lý, nhà tiến sĩ nhưng lại thiếu một nhà liêm sỉ. Điều đó quả thực đáng lo ngại đối với bậc làm cha làm mẹ luôn đau đáu về tương lai của con mình. Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam

Lá vẫn còn xanh. Hè vẫn còn nấn ná. Trời vẫn chưa muốn vào thu mà (không dưng) sáng nay California chợt thoáng chút âm u, và lấm tấm vài hạt mưa nho nhỏ. Mưa chưa ướt đất nhưng cũng đủ làm cho tôi hơi thấy ngại ngần khi nghĩ đến chuyện phải ra khỏi nhà chỉ vì một ly cà phê nóng.

Thôi thì bắt chước cổ nhân thắp vài cây nến nhỏ, châm một bình trà, rồi ngồi nhẩn nha đọc lại vài bức thư xưa. Lá thư cũ nhất mà tôi còn giữ được, đề ngày 3 tháng 9 năm 1945, là Thư Gửi Các Cháu Học Sinh của Chủ Tịch Hồ Chí Minh: 

Ngày hôm nay là ngày khai trường đầu tiên ở nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Bác đã tưởng tượng thấy trước mắt cái cảnh nhộn nhịp tưng bừng của ngày tựu trường ở khắp các nơi. Các cháu hết thảy đều vui vẻ vì sau mấy tháng trời nghỉ học, sau bao nhiêu cuộc chuyển biến khác thường, các cháu lại được gặp thầy gặp bạn. Nhưng sung sướng hơn nữa, từ giờ phút này trở đi các cháu bắt đầu được nhận một nền giáo dục hoàn toàn Việt Nam. 

Viễn ảnh về một ngày tựu trường “nhộn nhịp tưng bừng... ở khắp các nơi” và một“nền giáo dục hoàn toàn Việt Nam” dễ khiến cho nhiều người phấn trấn:

“Chúng tôi thường tự hào đây là một nền giáo dục riêng của người Việt, một nền giáo dục không có dây dưa gì nhiều với nền giáo dục mà thế kỷ trước, người Pháp đã mang lại.” (Vương Trí Nhàn. “Mấy Cảm Nhận Về Sự Khác Biệt Giữa Giáo Dục Miền Nam Và Giáo Dục Miền Bắc”).

Niềm tự hào này, tiếc thay, không kéo dài lâu. Khi có cơ hội so chiếu, tác giả bài viết thượng dẫn đã nhìn ra ngay sự bất toàn: 

“Cái mà ta gọi là giáo dục miền Bắc chỉ là sự kéo dài của lối phát triển giáo dục trong chiến tranh... Giáo dục chiến tranh, do dó, luôn luôn là một nền giáo dục dở dang chắp vá, mà lại vẫn phải khoác cho mình cái chức danh lớn lao của một nền giáo dục mới mẻ, cách mạng...

Nói quá lên thì có thể bảo, như một cơ thể, GDMB thuộc loại tiên thiên bất túc, tức sinh ra đã không đủ các bộ phận cần thiết, sinh ra đã bất thành nhân dạng. Phương châm ở đây là làm lấy được, tức là chưa đủ điều kiện, nhưng thấy cần, vẫn cứ làm -- rồi để yên lòng nhau, sẽ viện ra đủ lý lẽ để chống chế, để lấp liếm và xa hơn nữa, sẵn sàng tự ca tụng...”

Hệ quả, tất nhiên, là thảm hoạ – vẫn theo như nhận định của Vương Trí Nhàn:

“Mươi năm gần đây, tình hình có chút đổi khác, nhưng là chỉ đổi khác trên bề mặt. Cựa quậy mấy thì nền giáo dục này cũng không khác được so với chính mình. Nó đã cạn kiệt năng lực tự cải hóa. Ngay cả những người trong bộ máy quyền lực cũng đều tính chuyện cho con em mình qua nhiểu nước phương Tây, nhất là sang Mỹ để học.

Nhưng họ chỉ lo được cho gia đình riêng của họ thôi. Ở trong nước, những bài bản của miền Bắc cũ được tân trang lại chút ít vẫn ngự trị trong toàn bộ nền giáo dục, và trong thâm tâm, nhiều người đã bắt đầu nghĩ rằng hình như có một bãi lầy đã được tạo ra và chúng ta không bao giờ ra thoát.”

Đối với những thế hệ đến sau (những kẻ sinh trưởng ngay giữa “bãi lầy”) thì vấn đề không còn gì để mà bàn cãi nữa. Vũ Thạch Tường Minh, một học sinh lớp 8, đã khẳng định như vậy: 

“Bây giờ giáo dục Việt Nam con thấy là, con không có tính từ nào khác nên con phải dùng tính từ này, là giáo dục Việt Nam bây giờ con thấy là quá ‘thối nát’ rồi. Mà suốt bao năm qua các vị cải đi, cải lại, cải tiến, cải lùi mà nó vẫn không thay đổi được kết quả gì cả.”

Cậu bé Vũ Thạch Tường Minh – 14 tuổi, học sinh trường Hà Nội – 
Amsterdam phát biểu tại buổi ra mắt sách của nhóm Cánh Buồm.
Ảnh và chú thích: RFA

Khoảng cách giữa nhà nghiên cứu văn học Vương Trí Nhàn và cháu Vũ Thạch Tường Minh là ba thế hệ người. Tuy vậy, cả hai đều “nhất trí” là nền giáo dục hiện nay của nước CHXHCNVN (đã) hết thuốc chữa rồi!

Để minh chứng, xin xem qua một “trường hợp thú vị” – ở một vùng quê, thuộc tỉnh Rạch Giá – theo như nguyên văn lời của giáo sư Nguyễn Văn Tuấn:

“Một em gốc Khmer học giỏi, thi đậu vào 3 trường đại học (2 đại học ở Sài Gòn và 1 ở ĐH Cần Thơ), nhưng cuối cùng thì giấc mơ đại học cũng đành phải bỏ. Ba má em ấy lí giải rằng: học để làm gì, nhìn quanh số sinh viên tốt nghiệp đại học thất nghiệp tùm lum cả, mà ngay cả xin được việc thì cũng cần đến 500 triệu đồng đút lót thì làm sao nhà có khả năng lo nổi. Tôi kinh ngạc về con số 500 triệu đồng (tức là 25000 đôla), nên phải hỏi lại cho chắc ăn, thì bà con đều khẳng định đó là con số tiêu biểu, có trường hợp thấp hơn nhưng cũng có trường hợp cao hơn. Tình trạng mua chức đâu phải chỉ ở ngoài Bắc, mà đang lan về nông thôn miền Tây rồi đấy.” 

Mọi tệ trạng vừa nêu đang được Đảng và Nhà Nước “đối phó” hay “giải quyết” bằng... chỉ thị! Báo Nhân Dân loan tin: Ngày 24-3-2015, Ban Bí Thư T.Ư Ðảng ra Chỉ thị số 42-CT/TW (Tăng Cường Sự Lãnh Đạo Của Ðảng Đối Với Công Tác Giáo Dục Lý Tưởng Cách Mạng, Đạo Đức, Lối Sống Văn Hóa Cho Thế Hệ Trẻ Giai Đoạn 2015 – 2030) với những nhận định và “đề xuất rất cụ thể” như:

“Vai trò, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong chăm lo, giáo dục thế hệ trẻ chưa được như mong muốn, chưa đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn hiện nay. Một bộ phận giới trẻ giảm sút niềm tin, thiếu ý thức chấp hành pháp luật, sống thực dụng, thiếu lý tưởng, xa rời truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Một số ít thanh niên bị các thế lực thù địch lôi kéo, kích động chống sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta. Tình trạng tội phạm và tệ nạn xã hội trong giới trẻ diễn biến phức tạp.

Chỉ thị của Ban Bí thư đưa ra 5 nhiệm vụ và giải pháp, trong đó xác định việc giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức và lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ là nhiệm vụ chiến lược, lâu dài và cần đầu tư thích đáng. Đảng kêu gọi việc thực hiện học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức và lối sống trong một bộ phận đảng viên để làm gương cho giới trẻ...”

Sự thực thì thiên hạ không còn ai kỳ vọng hoặc quan tâm gì ráo vào bất cứ lời “kêu gọi” (hay “chỉ thị”) nào của Đảng tự lâu rồi. Người dân tìm cách tự cứu qua nhiều nỗ lực rất đáng trân trọng, dù gặp không ít khó khăn, ngăn trở và sách nhiễu. 

Từ Bangkok, biên tập viên Gia Minh có bài tường thuật (“Nhóm Cánh Buồm Ra Mắt Sách Giáo Khoa Mới”) khá bất ngờ và thú vị. Xin trích dẫn một vài đoạn ngắn:

Nhóm soạn sách giáo khoa Cánh Buồm do nhà giáo Phạm Toàn chủ xướng vào ngày 12 tháng 8 vừa qua giới thiệu bộ sách Văn và Tiếng Việt lớp sáu tại Trung tâm Văn Hóa Pháp ở Hà Nội.

Việc ra mắt sách mới của Nhóm Cánh Buồm không thuộc Bộ Giáo Dục như thế được cho là một dấu chỉ tích cực trong tình hình giáo dục Việt Nam hiện nay...

Một buổi tọa đàm về sách giáo khoa tại Trung tâm Văn hoá Pháp (Hà Nội). Từ trái sang: nhà giáo Phạm Toàn, Thạc sĩ Nguyễn Thị Thanh Hải, nhà giáo Vũ Thế Khôi, điều khiển phần thảo luận và TS Chu Hảo, GĐ NXB Tri thức, nơi xuất bản SGK Cánh Buồm. Ảnh var chú thích: RFA

Một nhà giáo công khai đấu tranh chống những tiêu cực trong ngành giáo dục Việt Nam lâu nay, thầy Đỗ Việt Khoa cũng tỏ rõ sự ủng hộ đối với sách giáo khoa do Nhóm Cánh Buồn soạn thảo:

“Đây là nhóm khá tâm huyết đang soạn bộ sách giáo khoa cho liên cấp từ tiểu học trở lên. Theo quan điểm của tôi làm được một bộ sách giáo khoa như vậy là công sức cực kỳ lớn, rất tốt. Sẽ có những chỗ chưa được, có người sẽ đánh giá khiếm khuyết… nhưng sửa dần không sao cả...”

Ngoài việc biên soạn bộ sách giáo khoa mới để giảng dạy, Nhóm Cánh Buồm còn có chủ trương về một hình thái nhà trường mới như trình bày của nhà giáo Phạm Toàn:

“Tôi muốn sau này mình sẽ phục vụ cho một hệ thống trường của trẻ em Việt Nam mà chúng tôi gọi là ‘trường ba không’: không hộ khẩu- muốn học đâu thì học; không học phí- tức không phải nộp một xu nào ( không như các trường tư phải nộp nhiều tiền lắm, mình phải chịu); thứ ba là không ‘bắt nạt’- tức không thi cử, không kiểm tra, không đánh số, làm các thứ bắt chẹt các em, bởi vì hệ thống của chúng tôi là tìm ra cơ chế tự học cho các em, mà đã là tự học thì tự đánh giá thì suốt tiểu học là tự học và tự đánh giá, lên đến lớp 6 chúng tôi đề xuất hoàn toàn tự học.

Cùng vào thời điểm này, một công dân Việt Nam khác (ông Hoàng Thành , 25 tuổi) đã đến trước cổng trụ sở Bộ Giáo Dục và Đào Tạo, cầm ảnh của chính mình – với poster in hình con chuột bạch đang bị tiêm thuốc – cùng dòng chữ: “Học sinh, sinh viên không phải là CHUỘT BẠCH.” 

Khi được hỏi về “ý nghĩa” của việc làm này, ông cho biết như sau:. 

“Bức ảnh của tôi đơn thuần là một hình thức thực hiện quyền biểu đạt ý kiến của mình. Tôi chỉ muốn nhắn tới các bậc cha mẹ và các em học sinh ... rằng: Hãy thể hiện quan điểm của mình trước các vấn đề xã hội, thay vì chỉ biết kêu than, vì đó không những là quyền của chúng ta, mà còn là cách chúng ta giúp chính quyền hiểu được nhu cầu của dân chúng và hoàn thiện chính sách sao cho hợp lý nhất...”

Ảnh: Dân Luận

Ở bình diện cá nhân, cũng như tập thể – rõ ràng – đang có những nỗ lực đáng kể của rất nhiều người để vượt ra khỏi cái “vũng lầy giáo dục” hiện nay. Với ý thức và quyết tâm, chắc chắn, chúng ta sẽ “thoát” bất chấp sự ngăn trở (cùng sức ì) của chế độ hiện hành – một chế độ mà mọi người đều biết là sinh mệnh của nó đang được đo đếm từng ngày.

30/8/2015

Chúng ta ở đẳng cấp vô cùng thấp

Tư Giang-28/8/2015, 23:30
(TBKTSG) - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, ông Trần Đình Thiên, trao đổi với TBKTSG về tình trạng nhập siêu với Trung Quốc và hệ lụy của nó.
TS Trần Đình Thiên: "Cấu trúc kinh tế của chúng ta sai lệch quá rồi, không sao thay đổi được." Ảnh báo Đầu tư.
TBKTSG: Ông đã từng nêu quan điểm cần hạn chế nhập khẩu từ Trung Quốc, đặc biệt là khi có vụ giàn khoan HD 981 năm ngoái. Nhưng rồi...
- Ông Trần Đình Thiên: Khi có vụ giàn khoan tôi cứ tưởng chúng ta chuyển hướng được thị trường nhưng rồi nhập siêu tiếp tục tăng lên đến gần 30 tỉ đô la Mỹ trong năm 2014. Ở các diễn đàn kinh tế, có nhiều người nói sợ ngưng thương mại, nhưng tôi luôn khẳng định ngưng được là tốt. Chúng ta cần biết cắn răng chịu đau đớn để thay đổi cấu trúc. Nhưng chúng ta cứ vì ngắn hạn mà lơ đi dài hạn...
TBKTSG: Nhìn vào cấu trúc xuất nhập khẩu hai nước, ông thấy điều gì?
- Chúng ta xuất gì? Toàn là hàng nông sản thô, khoáng sản thô. Mình xuất thế là toàn bị thiệt, để các doanh nghiệp của họ làm tiếp và hưởng hết giá trị gia tăng. Còn mình nhập của họ rất nhiều, hầu hết là nguyên liệu đầu vào, để không phải làm.
Chúng ta nhập hàng của họ để lắp ráp, gia công, nghĩa là chúng ta xuất khẩu hộ họ, và chỉ được hưởng có tí giá trị thôi. Chúng ta ở đẳng cấp vô cùng thấp. Còn họ thì xuất “ăn” đường xuất, nhập “ăn” đường nhập.
Ngay cả về biên mậu, họ cũng khác hẳn mình. Họ khuyến khích người dân dùng xe ba gác thồ quặng về còn chúng ta khuyến khích người dân sang cõng hàng về.
Cấu trúc kinh tế của chúng ta sai lệch quá rồi, không sao thay đổi được.
TBKTSG: Vậy thì ai là người có lỗi? Doanh nghiệp hay chính sách?
- Do hệ thống chính sách định hướng chứ, từ tỷ giá, lãi suất, đất đai, hệ thống động lực... làm sao mà đổ lỗi cho doanh nghiệp được! Hệ thống chính sách đó nó làm cho cơ cấu kinh tế sai lệch, không khuyến khích sản xuất trong nước, làm các ngành công nghiệp luôn nằm ở đáy của chuỗi giá trị.
TBKTSG: Các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà chúng ta đã và sẽ ký đều coi trọng quy tắc nguồn gốc xuất xứ. Trong bối cảnh nguyên liệu, vật liệu đầu vào phụ thuộc quá lớn vào Trung Quốc như hiện nay thì tình hình sẽ như thế nào?
- Đây là vấn đề quá khó để trả lời. Tôi cũng chưa hình dung nổi chúng ta sẽ chuyển hướng ra sao, và nếu không chuyển hướng thì được hưởng lợi gì từ các FTA. Nguồn gốc xuất xứ là vấn đề rất khó khăn, và nhạy cảm. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp trong ngành dệt may từ Trung Quốc đã chuyển sang đây để đón đầu TPP. Và điều này chúng ta phải chịu.
TBKTSG: Vì sao chúng ta tham gia nhiều FTA như vậy? Điều này có tốt không cho tổng thể nền kinh tế?
- Có nhiều chuyên gia nói các FTA đều có lợi và cần hưởng ứng hết các FTA. Nhưng vấn đề là năng lực của nền kinh tế, năng lực của doanh nghiệp nội địa chỉ có vậy thôi. Lẽ ra, chúng ta chỉ dồn cho một vài FTA thì doanh nghiệp còn vùng lên được, đây có mười mấy FTA thì năng lực đâu mà tận dụng hết? Điều đó dẫn đến nguy cơ: ông mang cái lợi ấy cho kẻ khác hưởng. Cứ xem các doanh nghiệp FDI đã chiếm tới hơn 70% giá trị nhập khẩu. Trong khi đó, các vòng xoáy FTA rất nhiều, đan xen vào nhau, thì các doanh nghiệp Trung Quốc, Thái Lan sẽ hưởng lợi, chứ có phải doanh nghiệp Việt Nam đâu.
TBKTSG: Chẳng qua là thể chất, năng lực của doanh nghiệp Việt Nam yếu quá?
- Đó là nguyên nhân trực tiếp, nguy hiểm hiện nay, còn nguyên nhân sâu xa thì phải nhìn lại là lịch sử...
Trong chuyện mua bán, sáp nhập doanh nghiệp thì mỗi năm các doanh nghiệp Việt Nam cũng “bán mình” tới năm tỉ đô la Mỹ. Trong một cuộc họp gần đây, tôi nói, bất kỳ chính sách kinh tế đối ngoại nào mà chúng ta đang làm cũng dường như để thể hiện mình tự do hóa thị trường. Vấn đề là điều đó tác động như thế nào, và sẽ chịu hậu quả gì trong tương quan kinh tế với Trung Quốc? Lẽ ra, phải có tính toán, dự liệu rồi mới quyết định chính sách đó về mặt thời gian, về mặt liều lượng. Chẳng hạn, khi quyết định bán bất động sản cho người nước ngoài, vâng, tốt thôi. Song, vấn đề là khi nhà đầu tư Trung Quốc vào mua với số lượng lớn, thì sẽ tác động như thế nào, ai có thể cạnh tranh với họ?
Hay chính sách cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, bán cổ phần cho doanh nghiệp nước ngoài, nới room. Về mặt nguyên lý là tốt rồi, cần chuyển nguồn lực cho doanh nghiệp tư nhân. Nhưng vấn đề, co kẻ đang há mồm đứng phía sau kia, vớ vẩn là nó đớp luôn cả ngành công nghiệp, chứ không chỉ là vài doanh nghiệp. Thậm chí bỏ ra vài tỉ đô la là họ thao túng luôn thị trường chứng khoán... Có những vấn đề đó!
TBKTSG: Những câu chuyện này bị nhiều chuyên gia, không chỉ ông, phản ứng. Nhưng vì sao vẫn cứ như vậy?
- Nên hiểu tình thế chúng ta là khó. Chúng ta làm được cái này thì mất cái kia, nhưng cái được là ngắn hạn, còn cái mất là dài hạn. Ta phải nhắm mắt lại để được cái trước mắt đã, vì chúng ta bí đến thế.