Phương Nguyên
(VNTB) – Cùng với đồn đoán Phạm Thái Hà bị bắt một tuần trước, trên mạng còn dự đoán Vương Đình Huệ sẽ về nhà làm người tử tế.
Ông Phạm Thái Hà bị câu lưu từ gần chục ngày trước?
Tin đồn lan truyền trước đó là ông Phạm Thái Hà đã bị câu lưu từ thời điểm thông báo rộng rãi về lệnh bắt tạm giam 06 đối tượng liên quan đến các sai phạm xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn Thuận An và các đơn vị, tổ chức có liên quan. Thời điểm này được cho là vào lúc ông Phạm Thái Hà xuống sân bay Nội Bài khi ông cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm chính thức nước CHND Trung Hoa từ ngày 7 đến 12-4-2024 do Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dẫn đầu.
Cuối buổi sáng ngày đầu tuần 22-4-2024, Bộ Công an phát hành thông cáo báo chí về lệnh bắt này, toàn văn như sau:
“Mở rộng điều tra vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; Đưa hối lộ; Nhận hối lộ” xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn Thuận An và các đơn vị, tổ chức có liên quan, ngày 21-4-2024, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố bổ sung vụ án hình sự, Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt tạm giam, Lệnh khám xét đối với ông Phạm Thái Hà, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Trợ lý Chủ tịch Quốc hội về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” theo quy định tại khoản 4, Điều 358 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Ngày 22-4-2024, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao phê chuẩn các lệnh, quyết định nêu trên. Sau khi Viện Kiểm sát nhân dân tối cao phê chuẩn, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an thi hành các lệnh, quyết định này.
Hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đang tập trung lực lượng, mở rộng điều tra, làm rõ hành vi vi phạm của các bị can, sai phạm tại Công ty cổ phần Tập đoàn Thuận An và các đơn vị, tổ chức có liên quan để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật và thu hồi triệt để tài sản”.
Lý lịch chính trị cho biết đường công danh của ông Phạm Thái Hà như sau: quê Thái Bình, có học vị Tiến sĩ kinh tế; là Kiểm toán viên chuyên về lĩnh vực tài chính, ngân hàng.
Ông Phạm Thái Hà từng trải qua các vị trí đều liên quan đến Vương Đình Huệ: Thư ký Tổng kiểm toán Nhà nước; Thư ký Bộ trưởng Bộ Tài chính; Hàm vụ trưởng, Thư ký của Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; Trợ lý Phó Thủ tướng Chính phủ; Trưởng Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ; Trợ lý Bí thư Thành ủy Hà Nội; Trợ lý Chủ tịch Quốc hội.
Mối quan hệ công việc giữa Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ với ông Phạm Thái Hà là rất rõ ràng và chính thức. Theo các nguyên tắc của Đảng Cộng sản Việt Nam, ông Phạm Thái Hà bị cáo buộc sai phạm, ông Vương Đình Huệ ít nhất phải chịu trách nhiệm của người đứng đầu.
Theo đó, ông Vương Đình Huệ còn là Bí thư Đảng đoàn của Quốc hội, nên ông đồng thời chịu trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra vụ việc tham nhũng của Phạm Thái Hà.
Phạm Thái Hà đối mặt án chung thân
Khoản 4, Điều 358 Bộ luật hình sự, có nội dung cụ thể như sau:
“4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm hoặc tù chung thân: a) Tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên; b) Gây thiệt hại về tài sản 5.000.000.000 đồng trở lên”.
Người phạm tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” (Điều 358), và tội “Nhận hối lộ” (Điều 354) có hành vi tương đồng là lợi dụng chức vụ, quyền hạn, tức là người phạm tội sử dụng chức vụ, quyền hạn được giao như là một phương tiện để thực hiện tội phạm, nếu người phạm tội không có chức vụ, quyền hạn mà họ đang đảm nhiệm thì họ khó có thể thực hiện được hành vi phạm tội.
Nói cách khác, chức vụ, quyền hạn chính là điều kiện thuận lợi để người phạm tội thực hiện hành vi sai phạm; nếu hành vi phạm tội không liên quan đến chức vụ, quyền hạn thì cho dù được thực hiện bởi người có chức vụ, quyền hạn thì cũng không cấu thành hai tội danh này.
Điểm phân biệt giữa tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” và tội “Nhận hối lộ” về dấu hiệu hành vi khách quan của tội phạm đó chính là ở tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi”, hành vi khách quan của người phạm tội dùng ảnh hưởng của mình thúc đẩy người có chức vụ quyền hạn làm một việc thuộc trách nhiệm, hoặc liên quan trực tiếp đến công việc của họ hoặc làm một việc không được phép làm.
Hành động thúc đẩy có thể được thực hiện bằng nhiều thủ đoạn khác nhau như: trực tiếp yêu cầu, viết thư, công văn, gọi điện thoại hoặc thông qua người khác để người này truyền đạt lại ý kiến của mình với người có chức vụ, quyền hạn. Nói chung, hành động thúc đẩy không mang tính chất ép buộc, không làm cho người bị thúc đẩy vì sợ mà phải nghe theo. Tuy nhiên, về phía người bị thúc đẩy có thể vì nể nang tình cảm, nếu sợ thì cũng là “sợ” nếu không thực hiện sẽ bị ảnh hưởng đến mình hoặc người thân của mình về việc khác.
Trong khi đó, ở tội “Nhận hối lộ”, hành vi khách quan của người phạm tội là lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để trực tiếp làm hoặc không làm một việc theo yêu cầu của người đưa hối lộ.
Một điểm đặc biệt trong hành vi khách quan nữa để phân biệt tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi”, và tội “Nhận hối lộ” đó chính là dấu hiệu bắt buộc của tội “Nhận hối lộ” là phải có sự thỏa thuận trước giữa người nhận và người đưa hối lộ về của hối lộ cũng như về việc làm có lợi cho người đưa hối lộ…