SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Mạng xã hội hôm 22 Tháng Chín, 2018, đang có những lo ngại sau khi nhà cầm quyền CSVN loan báo tăng giá xăng hai lần, lần trước 300 đồng và lần sau 320 đồng chỉ trong vòng nửa tháng.
Giá xăng E5 tại Việt Nam sau khi tăng hiện đã vượt mốc 20,000 đồng (86 cent) một lít.
Chưa dừng lại ở đó, Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội CSVN còn biểu quyết thông qua dự thảo nghị quyết về biểu thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu. Theo đó, từ ngày 1 Tháng Giêng 2019, thuế môi trường đối với xăng có trần là 3,000 đồng/lít tăng lên 4,000 đồng/lít, dầu hỏa tăng từ 300 đồng/lít lên 1,000 đồng/lít.
Đến nay, truyền thông trong nước vẫn dẫn lập luận của giới chức rằng giá bán lẻ xăng Việt Nam “tuy có tăng nhưng vẫn ở mức thấp so với các nước có chung đường biên giới” và dẫn chứng rằng giá xăng ở Việt Nam “còn thấp hơn Lào 5,318 đồng/lít, Cambodia 1,773 đồng/lít, Trung Quốc 1,499 đồng/lít…”
Trong khi đó, các báo lại làm lơ chi tiết Việt Nam có tỷ lệ huy động thuế, phí/GDP thuộc hàng cao nhất khu vực và người dân đang phải trả thuế, phí cao gấp ba lần các quốc gia khác, theo số liệu từ World Bank (Ngân Hàng Thế Giới). Bên cạnh đó, báo cáo mới nhất của UNDP (Chương Trình Phát Triển Liên Hiệp Quốc) cho thấy tỷ lệ nợ công/GDP của Việt Nam cũng đang cao nhất khối ASEAN.
Ở Việt Nam, việc tăng giá xăng được hiểu là đương nhiên kéo theo giá cả hàng hóa, tiêu dùng tăng theo ngay sau đó.
Phó Chủ Tịch Quốc Hội CSVN Phùng Quốc Hiển được báo Người Lao Động dẫn lời: “Nếu điều chỉnh loại thuế này (thuế môi trường), mỗi năm ngân sách sẽ có thêm hơn 15,700 tỷ đồng (gần $673 triệu), là một nguồn lớn để đầu tư, xử lý vấn đề môi trường.”
Tuy vậy, cũng tờ báo này sau đó trích lời Tiến Sĩ Bùi Trinh, một chuyên gia kinh tế, cho biết: “Từ trước khi thu thuế môi trường đến nay đã chi bao nhiêu để bảo vệ môi trường và chi thế nào? Bộ Tài Chính đã làm gì với khoản tiền đó? Từ khi đánh thuế vào giá xăng dầu thì môi trường có được cải thiện? Đó là những câu hỏi mà người dân bình thường phải suy nghĩ. Khi người dân và Quốc Hội không thấy được hiệu quả của việc đánh thuế môi trường vào giá xăng dầu thì đâu là nguyên nhân thực sự của sắc thuế này. Người dân sẽ không cảm thấy được đối xử công bằng với những lý do mà Bộ Tài Chính đưa ra để thu thêm tiền của người tiêu dùng.”
“Người dân Việt Nam vừa phải chịu đựng gánh nặng thuế khóa vừa phải chịu đựng ô nhiễm không khí trong khi người hưởng lợi là nhà đầu tư nước ngoài, vì theo thống kê, ngành sản xuất hàng xuất khẩu gây nên phát thải khí nhà kính (GHG) lớn nhất, chiếm trên 50% tổng lượng phát thải nhà kính,” báo Người Lao Động trích lập luận của Tiến Sĩ Bùi Trinh.
Đáng nói là tại kỳ họp hồi Tháng Bảy, Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội CSVN đã quyết định tạm hoãn thông qua đề nghị tăng thuế vì lo ngại lạm phát.
Nhưng có thể đến nay, do không còn chọn lựa nào khả dĩ trước sức ép về tình hình thâm hụt ngân sách và thiếu hụt nguồn thu, chính phủ CSVN phải thông qua đề nghị tăng thuế môi trường đối với xăng dầu.
Báo Tri Thức Việt Nam dẫn nguồn từ IMF cho biết, Việt Nam hiện đứng đầu thế giới về giá xăng dầu chiếm trong thu nhập trung bình của người dân, với tỷ lệ 13.7%. Điều này có nghĩa là một ngày người dân kiếm được 100,000 đồng thì phải chi hết 13,700 đồng cho xăng dầu. (T.K.)
No comments:
Post a Comment