Bé Ngô Thị Cẩm Hiếu
GNsP – Bé Ngô Thị Cẩm Hiếu, 11 tuổi, con gái của dân oan Ngô Văn Huynh và bà Nguyễn Thị Tâm cho GNsP biết, ngày 25.09.2015 sẽ diễn ra phiên tòa sơ thẩm lần 2 của cha mẹ với tội danh ‘cố ý gây thương tích’.
Vụ án của gia đình cháu bé 11 tuổi liên quan đến ‘cưỡng đoạt đất đai’ và được các cơ quan bảo vệ pháp luật ‘cắt khúc’ một cách hoàn hảo. Trong phiên tòa sơ thẩm lần 1 vào ngày 25.02.2014, Tòa từng tuyên bố, Tòa chỉ xem xét nội dung vụ án mà VKS truy tố, còn những nội dung khiếu kiện kêu oan khác Tòa không giải quyết. Chính vì điều này, ông Huynh và bà Tâm chính là ‘nạn nhân’ của cường hào ác bá thời mới và trở thành bị cáo. Còn người ‘có dấu hiệu vi phạm pháp luật’ –cưỡng đoạt tài sản của công dân lại trở thành ‘người bị hại’.
Bản chất của vụ án ‘cố ý gây thương tích’ xảy ra vào ngày 16.02.2013, chỉ là giọt nước tràn ly của cả quá trình oan khuất mà gia đình ông Huynh-bà Tâm kéo dài gần chục năm trước, bắt đầu từ năm 2005.
Cán bộ ‘bảo kê’ hành vi xiết nợ cho chủ nợ
Vụ việc bắt đầu khi ông Huynh-bà Tâm vay tiền của anh em ông Nguyễn Bá Tuyên, gia đình có nhiều thành viên là cán bộ xã Đường 10, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước. Do ông Huynh-bà Tâm không trả được nợ, gia đình ông Tuyên –chính chủ nợ có quyền lực trong tay và là những người thi hành công vụ ở địa phương này- nên đã ‘xiết nợ’ đất đai của gia đình ông bà. Lúc đó, cơ quan chức năng huyện Bù Đăng có văn bản xác định ‘hành vi xiết nợ là trái pháp luật đề nghị công an xem xét xử lý chủ nợ’, còn vụ việc vay-nợ sẽ được Tòa án dân sự giải quyết.
Thế nhưng, công an huyện Bù Đăng chỉ chấp hành có ‘một nửa’ chỉ đạo của cấp trên, nghĩa là đưa vụ việc vay-nợ giữa ông Tuyên và ông Huynh-bà Tâm ra Tòa án dân sự giải quyết, ‘một nửa còn lại’ là ‘xử lý hành vi xiết nợ’ của anh em ông Tuyên được công an đáp trả rằng ‘không có dấu hiệu hình sự’. Sau khi Tòa án dân sự xét xử nhanh chóng, thi hành án khẩn trương, trong khi ông Huynh-bà Tâm đang mải đi khiếu nại các cấp có thẩm quyền thì đất đai của ông Huynh-bà Tâm bị công an ‘cưỡng chế’ giao cho các chủ nợ.
Tòa án sơ thẩm lần 1 bỏ qua ‘mục đích, động cơ phạm tội’ của ông Huynh-bà Tâm
Uất ức vì mất đất, cộng với thiếu hiểu biết về pháp luật, suy nghĩ giản đơn, bà Tâm đến khu vườn điều của gia đình bà -đã bị ‘cưỡng chế’ giao cho ông Tuyên, chủ nợ- để hái điều do chính mồ hôi nước mắt mà ông bà trồng nên. Đúng lúc đó, ông Tuyên xuất hiện và xảy ra ‘đánh nhau’ giữa ông Tuyên và bà Tâm, giữa ông Tuyên và bé Hiếu, giữa ông Huynh và ông Tuyên. Sau đó, cơ quan bảo vệ pháp luật yêu cầu ông Tuyên, người chủ nợ và là người bị hại, đi giám định vết thương với kết quả là 42%. Gia đình ông Huynh-bà Tâm và bé Hiếu cũng bị thương tích nhưng cơ quan bảo vệ pháp luật ‘không yêu cầu họ đi giám định vết thương’, nên Tòa không xem xét và bỏ qua các thương tích của gia đình ông Huynh-bà Tâm và bé Hiếu. Đó chính là ‘kịch bản’ của Tòa án sơ thẩm lần 1 đã ‘cắt khúc’ thành công một câu chuyện nghe có vẻ ‘hợp tình hợp lý’ để tuyên phạt ông Huynh-bà Tâm mỗi người 5 năm rưỡi tù giam vì tội ‘cố ý gây thương tích’ cho người bị hại là ông Tuyên.
Cần nhấn mạnh, trong phiên tòa sơ thẩm, Hội đồng xét xử [HĐXX] đã bỏ qua ‘những vấn đề phải chứng minh trong vụ án hình sự’ được quy định tại Điều 63 Bộ luật Tố tụng Hình sự: “Khi điều tra, truy tố và xét xử vụ án hình sự, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Toà án phải chứng minh: … Ai là người thực hiện hành vi phạm tội; có lỗi hay không có lỗi, do cố ý hay vô ý;… mục đích, động cơ phạm tội; Những tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo và những đặc điểm về nhân thân của bị can, bị cáo”.
Khi phiên tòa sơ thẩm kết thúc, ông Huynh-bà Tâm tiếp tục kháng cáo lên phúc thẩm. Vào ngày 17.09.2014, vụ án được xét xử phúc thẩm và Tòa án nhân dân tỉnh Bình Phước đã hủy bản án sơ thẩm, chuyển hồ sơ điều tra xét xử lại từ sơ thẩm.
Số phận gia đình ông Huynh-bà Tâm và đứa bé gái 11 tuổi sắp tới ra sao?
Trong lần xét xử sơ thẩm lần 2 này, rất mong HĐXX không đi vào ‘vết xe đổ’ của phiên tòa sơ thẩm lần 1 để đem lại công lý cho gia đình ông Huynh-bà Tâm, để gia đình họ được đoàn tụ, sum vầy bên nhau và chăm sóc bé Hiếu –hơn 10 tuổi- nên người.
HĐXX cần ‘nghiên cứu một cách tổng hợp, khách quan, toàn diện và đầy đủ tất cả các tình tiết của vụ án’ được quy định tại khoản 2 Điều 66 Bộ Luật tố tụng hình sự. Nếu không, Tòa án dễ dàng chấp nhận truy tố của Viện kiểm sát rằng, ông Huynh-bà Tâm là những người nông dân, con của liệt sỹ, chính là ‘côn đồ’ và ‘xem thường pháp luật, nên mức án mà Tòa sẽ tuyên sắp tới là ‘đúng người, đúng tội, không oan sai’. Bất chấp ‘khúc đầu’ của câu chuyện chính là ‘cách hành xử trái pháp luật, thiếu trách nhiệm, áp dụng sai pháp luật, bất tuân kết luận của cấp trên’ của chính những người có quyền tại địa phương là công an xã, huyện… ‘bảo kê’ cho chủ nợ là anh em ông Nguyễn Bá Tuyên, dẫn đến một chuỗi vi phạm pháp luật càng ngày càng nghiêm trọng, gây thiệt hại quyền và lợi ích chính đáng của công dân là ông Huynh-bà Tâm.
Xin mời quý vị xem lại video tâm tình của cô bé Ngô Thị Cẩm, 11 tuổi, đi kêu oan cho bố mẹ với ước mong được bố mẹ trở về bên bé.
http://www.tinmungchonguoingheo.com/blog/2015/09/19/toa-huyen-bu-dang-sap-xu-vu-an-gia-dinh-be-gai-11-tuoi-di-keu-oan/
No comments:
Post a Comment