Cộng đồng Khmer Krom, nhà sư và người dân Campuchia biểu tình phản đối Việt Nam hôm 13/8/2014.RFA PHOTO/Quốc Việt
Quốc Việt, thông tín viên RFA 2014-09-18
Campuchia và Việt Nam vừa kết thúc Hội nghị báo cáo kết quả hợp tác bảo vệ an ninh biên giới giữa hai nước tại thủ đô Phnom Penh của Campuchia vào ngày 16 tháng 9 vừa qua. Chính phủ Campuchia khẳng định Campuchia và Việt Nam đang đứng trước thách thức bị lật đổ chính phủ giống nhau. Phản ứng đối với tuyên bố đó ra sao?
Tổng cục Cảnh sát Quốc gia, Bộ Nội vụ Campuchia và Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Bộ Quốc phòng Việt Nam vừa công bố báo cáo và đánh giá kết quả hợp tác của lực lượng Công an quốc gia hai nước thời gian qua trong lĩnh vực phòng chống tội phạm xuyên biên giới.
Campuchia và VN vẫn còn gặp những khó khăn và thách thức bởi các hoạt động của thế lực thù địch, nhóm cực đoan đang hoạt động chống phá và lật đổ chính phủ Campuchia và VN.
-Neth Savoeun
Thống tướng Neth Savoeun, Tổng Cục trưởng Cục cảnh sát Campuchia khẳng định trước Trung tướng Võ Trọng Việt, Tư lệnh Bộ đội biên phòng, dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị rằng lực lượng Công an hai nước đã hợp tác tốt và hỗ trợ lẫn nhau trong công tác đảm bảo an ninh trật tự, an ninh biên giới Campuchia và Việt Nam.
Ông Neth Savoeun nói Campuchia và Việt Nam vẫn còn gặp nhiều thách thức liên quan tội phạm xuyên biên giới như các lĩnh vực phòng chống tội phạm hình sự, ma túy; tội phạm mua bán phụ nữ và trẻ em; tội phạm kinh tế, buôn lậu… Thách thức như thế làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an ninh biên giới của hai nước.
Ông Neth Savoeun còn nhấn mạnh thêm: “Campuchia và Việt Nam vẫn còn gặp những khó khăn và thách thức bởi các hoạt động của thế lực thù địch, nhóm cực đoan đang hoạt động chống phá và lật đổ chính phủ Campuchia và Việt Nam. Đặc biệt, phá hoại tình hữu nghị, đoàn kết của hai nước. Cụ thể, kể từ trước cuộc bầu cử Quốc hội khóa V diễn ra cho đến nay, nhóm chính trị đối lập cùng với sự ủng hộ của kẻ sống lưu vong đã tuyên truyền bôi nhọ và kích động phân biệt sắc tộc; thậm chí dẫn đến hành động bạo lực chống người Việt Nam.”
Sư Sơn Hải, một sư sãi Khmer Krom đứng đầu nhiều cuộc biểu tình chống Việt Nam tại Campuchia nói rằng các cuộc biểu tình nổ ra vừa qua vì chính phủ Việt Nam đã vi phạm nhân quyền, tín ngưỡng tôn giáo và xét xử bất công đối với người dân tộc thiểu số và những người Việt bất đồng chính kiến:
“Những phát biểu của ông Neth Savoeun là không đúng bởi vì Campuchia là một đất nước dân chủ, tự do, không phải Cộng sản. Nhà nước Cộng sản thì làm gì cũng sai, nhưng đối với một nước tự do, dân chủ thì người dân đều có quyền biểu tình, đưa ra ý kiến… Ông Neth Savoeun nói như vậy cho thấy ông này có quan hệ thân mật với Việt Nam, chịu áp lực của chính phủ Việt Nam vì đã ám chỉ những người tham gia biểu tình đó là muốn lật đổ chính phủ Campuchia và Việt Nam. Mọi người dân đều có quyền tự do phát biểu, làm sao là đừng để bạo lực xảy ra, không vi phạm luật pháp.
Chúng tôi không có mục đích nào lật đổ chính phủ Việt Nam hay chính phủ Campuchia. Chúng tôi không có đạn súng, không có bom hoặc thứ gì khác để chống nhà nước. Nếu như ông này cho rằng chúng tôi muốn lật đổ, hay cáo buộc một thế lực khủng bố nào bất hợp pháp thì phải đưa ra bằng chứng.”
Lợi dụng cơ hội đàn áp người biểu tình?
Còn ông Nguyễn Duy Đường, người Campuchia gốc Việt, từng tham gia đấu tranh chống đảng Cộng sản Việt Nam cho rằng chính phủ Campuchia cần đưa ra cụ thể vấn đề tránh sự lợi dụng cơ hội để đàn áp những người đấu tranh cho quyền tự do bằng cách ghép tội phản động, hoặc tự trị ly khai:
“Vấn đề ai là lưu vong, ai có ý định lật đổ thì nó phải có cụ thể từ vấn đề. Nếu nói chung chung, ai cũng phản động có biết đâu chính anh ta là người phản động, phản dân, hại nước thì sao? Ví dụ, tham nhũng, lừa dân, hại nước có hay không? Cái đó là cái cụ thể của vấn đề. Nên không thể cáo buộc người ta một cách vu vơ được.
Còn chuyện nói người Campuchia bị người này người kia kích động thì cái đó họ cần nhìn ra cái sự kích động đó đúng hay sai. Dân, người ta có quyền đấu tranh đòi hỏi những sự thật cần phải được biết. Nếu anh ta là người sòng phẳng rõ ràng thì anh ta cứ mạnh dạng đứng ra trước công luận, giải thích rõ cho dân chúng, và nói rõ cho dân chúng về việc làm của nhà nước bây giờ để người ta khỏi nghi ngờ.
Cái đó, đòi hỏi người cầm quyền phải nhìn nhận trước, thật sự đã phục vụ cho dân hay chưa. Nhà nước thật sự của dân và do dân hay vì dân hay chưa. Họ cần thấy được điều đó đã chứ không nên nói chung chung cáo buộc người ta. Họ có quyền hoạt động, tôi cũng có quyền hoạt động. Họ có quyền lo cho dân thì tôi cũng có quyền lo cho dân.”
Trước hết, chính phủ cần phải nghiên cứu nguyên nhân dẫn đến người dân biểu tình phản đối chính phủ, hay chống Việt Nam.
-TS Sok Touch
Theo Tổng cục trưởng Neth Savoeun, thế lực cực đoan này trước đó đã tập hợp biểu tình chống chính phủ, nay đang xúi giục, gây rối, làm mất an ninh trật xã hội với mục đích gây mâu thuẫn, thù hận giữa Campuchia và Việt Nam.
Nhưng do có sự lãnh đạo của chính phủ hiện nay và sự góp phần ủng hộ của chính phủ Việt Nam, chính phủ Campuchia đã đảm bảo được hòa bình, an ninh xã hội.
Phát biểu của Tổng cục trưởng Neth Savoeun, dường như đi ngược với quan điểm của Thủ tướng Hun Sen là chấm dứt sự xuyên tạc, bôi nhọ và chụp mũ lẫn nhau sau khi hai đảng đã đồng ý cùng làm việc trong Quốc hội.
Trước đó, Chủ tịch Quốc hội Heng Samrin cũng khẳng định rằng các hoạt động tụ tập, biểu tình của người dân Campuchia và cộng đồng Khmer Krom gần đây là phù hợp với luật pháp.
Tiến sĩ Sok Touch, Quyền Giám đốc viện Nghiên cứu thuộc Học viện Hoàng gia Campuchia cho rằng luật pháp Campuchia cho phép mọi công dân có quyền tự do biểu đạt, và biểu tình bất bạo động.
Theo ông, chính phủ Việt Nam cần xem xét về những đề nghị chính quyền Campuchia có các biện pháp ngăn chặn các hoạt động biểu tình và gọi đó là hành động sai trái, phá hoại quan hệ láng giềng vì công dân Việt Nam cũng từng biểu tình chống Trung Quốc.
Tiến sĩ Sok Touch chia sẻ: “Trước hết, chính phủ cần phải nghiên cứu nguyên nhân dẫn đến người dân biểu tình phản đối chính phủ, hay chống Việt Nam. Sau đó, hãy xem xét số lượng người tham gia biểu tình trước khi cáo buộc họ muốn lật đổ chính phủ. Trước đây, có gần triệu người biểu tình nhưng bị chính phủ cấm. Chính phủ chỉ muốn lấy cớ này để đàn áp và khống chế tinh thần người biểu tình vì muốn lật đổ Việt Nam hay Campuchia cần lực lượng hàng triệu người và cần có khu tự trị.”
Theo báo cáo của Tổng cục Cảnh sát Campuchia, tính từ giữa năm 2013 đến tháng 6/2014 đã xử lý 26 vụ tội phạm xuyên biên giới của hai nước; có 7 nghi phạm người Việt Nam được đưa ra tòa Campuchia. Trong khi đó, phía Campuchia đã trục xuất 159 người Việt vượt biên trái phép về nước, còn phía Việt Nam đã bắt trục xuất về Campuchia 414 người vượt biên sang Việt Nam.
Quốc Việt tường trình từ Campuchia.
No comments:
Post a Comment