“…Dù sắp nhỏ có liếm ghế chăng nữa, nói nào ngay, cũng vẫn là cách hành sử rất đúng … qui trình. Tụi nó chỉ tiếp tục cái truyền thống trọng ngoại (hướng ngoại hay vọng ngoại) do các bậc lão thành cách mạng khởi xướng thôi mà, chớ đâu có gì sai quấy lắm đâu…”
Tôi chẳng có tư tưởng gì ngoài tư tưởng chủ nghĩa Mác – Lê (Hồ Chí Minh)
Khi còn sống trong vùng tạm chiếm, người dân miền Nam có thói quen hay gọi “thiên hạ” bằng thằng: thằng Pháp, thằng Anh, thằng Mỹ, thằng Nga, thằng Nhật, thằng Trung Cộng… Nghe kỳ thấy rõ.
Cho đến khi được hoàn toàn giải phóng thì họ mới học được cách ăn nói đàng hoàng, và lịch sự hơn, chút xíu: Nước Đàn Anh Trung Quốc, Thành Trì Của Phe Xã Hội Chủ Nghĩa Liên Xô… Cũng có thể nói cho gọn nhưng vẫn giữ được nguyên tinh thần tôn kính: ông Liên Xô, hoặc ông Trung Quốc. Hay thân mật hơn chút xíu cũng không sao: anh cả Liên Xô, anh hai Trung Quốc.
Từ đây, anh hay chị thường dân dấm dớ nào mà lỡ miệng vẫn quen thói ăn nói bạt mạng (thằng Nga, thằng Tầu) thì đi tù ráng chịu. Cùng lúc, dân miền Nam cũng được biết thêm thông tin về một số người cầm lái vỹ đại (những vị lãnh tụ kính yêu của toàn thể nhân dân vô sản trên toàn thế giới) qua hình ảnh tràn ngập khắp nước, với danh xưng hết sức thân thương – cứ y như thể là bà con ruột thịt trong nhà vậy: bác Hồ, bác Mao, bác Kim, bác Lê-nin, bác Xít-ta-lin, bác Phi-đen Cát-xtơ-rô …
Sự thương mến quí Bác – thường khi – vẫn vượt quá xa mức độ bình thường:
Hôm qua loa gọi ngoài đồng
Tiếng loa xé ruột xé lòng biết bao
Làng trên xóm dưới xôn xao
Làm sao, ông đã làm sao, mất rồi!
Ông Sta-lin ơi! Ông Sta-lin ơi!
Hỡi ôi Ông mất! Đất trời có không?
Thương cha thương mẹ thương chồng
Thương mình thương một thương Ông thương mười
Ngay cả thú vật có liên quan xa gần đến “quí Ông” cũng thế, cũng được “đối xử” cách riêng – theo như tường thuật của cựu tù nhân lương tâm Vũ Thư Hiên, về chuyện nuôi dưỡng một con bò của bác Phi Đen gửi tặng bác Hồ:
“Con bò Hà Lan tới Nhân Hậu trong cảnh trống giong cờ mở. Cái xe tải duy nhất của trại, vừa dùng để chở tù khi chuyển trại, vừa dùng để chở sản vật tù làm ra đi bán, được cọ rửa sạch như li như lau từ một tuần trước, chở nó từ Trung ương về. Món quà Cục cho quý đến nỗi chỉ có công chở nó về thôi mà mặt anh lái xe cũng vác lên, như thể vừa lập chiến công huy hoàng.
Cả trại được nghỉ lao động một ngày để đón món quà quý của Bác Hồ. Khi con bò Hà Lan, được mấy người tù khoẻ mạnh tiền hô hậu ủng, quát tháo om xòm, từ thùng xe bước từng bước bướng bỉnh và rụt rè rồi lao phốc một cái xuống sân trong tiếng vỗ tay đôm đốp và tiếng reo hò ầm ĩ của cả các cán bộ lẫn tù nhân … trung uý Thùy thậm chí còn rút mu soa chấm lên mắt…
Đúng là một con bò quý. Quý từ cái vóc dáng quý đi. To lớn, bằng hoặc xấp xỉ bằng con voi cái, với bộ lông đen trắng loang lổ, hai bên hông phẳng lì, nó đứng lù lù một đống giữa đám đông những người ngất ngây chiêm ngưỡng… Được ba người chăm nom, con bò ngày một mỡ màng, béo mượt …”
Tuy bác Hồ và bác Phi Đen đều đã từ trần nhưng tinh thần vô sản quốc tế vẫn còn sống (lai rai) giữa các nước XHCN anh em (hiếm hoi) còn sót lại, và truyền thống “trọng ngoại” (“hướng ngoại” hay “vọng ngoại,” nói sao cũng được, tùy tạng mỡ của mỗi người) vẫn được lưu truyền cho mãi đến hôm nay – theo bản tin của báo Tuổi Trẻ, số ra ngày 8 tháng 11 năm 2017:
“Nhiều người chỉ trích anh thanh niên quỳ xuống vái doanh nhân giàu có bậc nhất châu Á, và kết luận người trẻ thời nay thích hôn ghế thần tượng, liếm giày tỉ phú.
Trong cuộc Đối thoại với Jack Ma ngày 6/11 tại Trung tâm Hội nghị quốc gia (Hà Nội), một thanh niên vì quá hâm mộ đã đứng lên nói ‘I love you Jack Ma’, sau đó quỳ xuống lạy nhân vật này.
Hành động nói trên đã nhận được vô số ‘gạch đá’, và bị đánh giá là nhục nhã ngang với việc fan hôn ghế ca sĩ – diễn viên Bi (Rain) từng ngồi khi ngôi sao Hàn Quốc này đến Hà Nội năm 2012.”
Giữa “vô số gạch đá” – may thay – cũng có xen lẫn những lời chia sẻ, và thương cảm, rất chân thành. Trên trang VNTB có bài viết với tựa đề cảm động (“Hãy Thương Cảm Các Em: Một Thế Hệ Mất Thần Tượng Nội”) của tác giả Mẫn Nhi:
“Xin đừng trách thanh niên, bởi nó không hẳn về mặt giáo dục, mà còn cả sự thiếu vắng ‘thần tượng Việt’ đúng nghĩa trong thời đại hiện nay…
Nếu thử đối sánh với thanh niên đầu thế kỷ XX, thì giới trẻ Việt hiện nay thiệt thòi toàn diện. Ít nhất, giới trẻ thế kỷ XX, chỉ riêng trong lĩnh vực kinh tế cũng đã có thần tượng đúng nghĩa là Trương Văn Bền, Bạch Thái Bưởi, Quách Diệm; trong văn hóa – giáo dục – chính trị thì có học giả Nguyễn Văn Vĩnh,…
Ít nhất những con người đó đã tạo nên giá trị thật và đủ làm gương cho lớp trẻ; còn hiện tại – giới trẻ chỉ thấy toàn sự giả dối, ăn xổi ở thì,…
Do đó, hãy thương cảm các em: một thế hệ mất mát thần tượng nội!”
5555555555555555555555555555555555
Ơ hay, thế bác Hồ kính yêu đâu? Ít nhất thì cũng đã có vài trăm hình tượng của Bác được dựng lên trên mọi nẻo đường đất nước, và sẽ có hằng trăm cái khác sắp được “thi công” đến nơi mà. Đó là chưa kể hằng triệu trang sách, chục ngàn câu thơ, ngợi ca tài trí và công đức của Người:
Ôi sáng xuân nay, Xuân 41
Trắng rừng biên giới nở hoa mơ
Bác về… Im lặng. Con chim hót
thánh thót bờ lau, vui ngẩn ngơ…
Năm 1941, bác Hồ vừa mới bước chân về đến biên giới thôi mà chim chóc, lau sậy đều vui đến “ngẩn ngơ” luôn. Ngày ấy đến nay, hình tượng Bác vẫn được Ban Tuyên Giáo & Bộ Thông Tin Tuyên Truyền bồi đắp, tân trang đều đều (khiến ngân quỹ quốc gia muốn cạn kiệt luôn ) vậy sao thế hệ trẻ hôm nay tự nhiên lại bị “mất mát thần tượng nội” – vậy cà?
Nguyên do của sự “mất mát” vô cùng đáng tiếc này, phần nào, có thể là do bản tính quá khiêm tốn của Bác nên hình ảnh của Người đã không thể sống mãi trong lòng quần chúng, như mong đợi.
Bác đã về đây, Tổ quốc ơi!
Nhớ thương, hòn đất ấm hơi Người
Ba mươi năm ấy, chân không nghỉ
Mà đến bây giờ mới tới nơi!
Đi xa thế, lâu thế mà Bác lại về … tay trắng. Tiền bạc vốn không, đã đành. Nhân cách, đầu óc cũng thế: “Tôi chẳng có tư tưởng gì ngoài tư tưởng chủ nghĩa Mác –Lê.” Nói vậy, nghe đã “nhún nhường” lắm rồi nhưng lắm lúc Người còn hạ mình hơn nữa: “Bác tự nhận mình chỉ nêu ra được tác phong, còn tư tưởng lý luận thì để cho Mao Chủ tịch.”
Khiêm tốn đến vậy quả là hiếm thấy!
“Từ 1951, tuần nào báo Nhân Dân cũng có vài mẩu của CB (tức Cụ Hồ) phổ biến kinh nghiệm mọi mặt của Trung Quốc… dần dà đảng viên cộng sản Việt Nam lại tìm ra chỗ để tự hào: được làm em của hai nước vĩ đại, Liên Xô anh cả, Trung Quốc anh hai… sau khi kết thúc thắng lợi chiến dịch biên giới, ngày 14-10- 1950, Hồ Chí Minh gửi thư cho Mao Trạch Đông, Trung ương Đảng Cộng Sản Trung Quốc: ‘Tóm lại, tôi cho rằng thắng lợi này là thắng lợi của đường lối Mao Trạch Đông cách mạng, quốc tế chủ nghĩa. Tôi không nói lời khách sáo: ‘Cảm ơn các đồng chí’, mà nói các đồng chí Việt Nam và nhân dân chúng tôi sẽ nỗ lực hơn nữa giành lấy thắng lợi cuối cùng lớn hơn, lấy thành công để đền đáp sự kỳ vọng tha thiết và giúp đỡ to lớn của Đảng Cộng sản Trung Quốc, Đảng Cộng sản Liên Xô anh em’.
Chả ai thấy chữ ‘đền đáp kỳ vọng’ nghe nó quá bề dưới… Không phải ngẫu nhiên mà đến Đại hội 2 (1951), điều lệ đảng đã ghi ‘Tư tưởng Mao Trạch Đông là kim chỉ nam’ của đảng.” (Trần Đĩnh. Đèn Cù I. Westminster, CA: Người Việt, 2014).
Mà Đảng thì lãnh đạo toàn diện, và tuyệt đối gần cả trăm năm qua. Tuy thế, mãi cho đến nay mới chỉ có một thanh niên Việt Nam duy nhất quì lậy bác Jack Ma thôi. Vậy là phúc đức lắm rồi…
Dù sắp nhỏ có liếm ghế chăng nữa, nói nào ngay, cũng vẫn là cách hành sử rất đúng … qui trình. Tụi nó chỉ tiếp tục cái truyền thống trọng ngoại (hướng ngoại hay vọng ngoại) do các bậc lão thành cách mạng khởi xướng thôi mà, chớ đâu có gì sai quấy lắm đâu.
Tưởng Năng Tiến
No comments:
Post a Comment