OTTAWA, Canada (NV) - Trung Quốc muốn tiến tới một thỏa thuận thương mại tự do lịch sử với Canada, nhưng một quan chức cao cấp Trung Quốc cho biết điều này đòi hỏi sự nhượng bộ của Canada về các hạn chế đầu tư và cam kết xây dựng một đường ống dẫn dầu đến bờ biển.
(Hình minh họa: loc.gov)
Theo tin từ tờ Globe anh Mail hôm Thứ Sáu, Trung Quốc vừa cử ông Han Jun, một viên chức tài chính cao cấp có vị trí ngang hàng thứ trưởng, đến Ottawa để thảo luận với phía Canada về triển vọng đàm phán một thỏa thuận thương mại tự do đầu tiên của mình với một nước Bắc Mỹ.
Cuộc viếng thăm diễn ra một tháng trước khi Thủ Tướng Justin Trudeau dự kiến sẽ dẫn đầu một phái đoàn thương mại đến Trung Quốc và Ấn Độ, đặc biệt tập trung vào việc mở rộng các cuộc đàm phán thương mại tự do với Bắc Kinh.
Nói chuyện với tờ Globe and Mail, ông Han Jun cho biết: “Hiện đang có những cơ hội lịch sử hiếm có giữa Trung Quốc và Canada dưới nhiệm kỳ của Thủ Tướng Trudeau.”
Ông cho biết một thỏa thuận tự do thương mại sẽ tốt đẹp cho cả Canada và Trung Quốc.
“Trung Quốc cần gì nhất? Chúng tôi thiếu hụt các sản phẩm nông nghiệp. Trung Quốc là nước nhập cảng sản phẩm nông nghiệp lớn nhất trên thế giới và cũng là một trong những nước có mức độ phụ thuộc cao nhất về năng lượng nhập cảng từ các nước khác,” ông Han nói.
Trung Quốc đang nhanh chóng phát triển tầng lớp trung lưu thành thị, mở ra một thị trường tiêu thụ cá, rượu, thịt và các hàng hóa khác sản xuất tại Canada.
Riêng xuất cảng thủy sản của Canada sang Trung Quốc trong năm 2012-23 đã tăng 16.2 %. Nhu cầu này sẽ chỉ tăng lên, khi như tầng lớp trung lưu của Trung Quốc dự báo sẽ đạt tới 854 triệu vào năm 2030.
Hội Đồng Doanh Nghiệp Canada-Trung Quốc ước tính một hiệp ước thương mại tự do có thể đẩy mạnh xuất cảng của Canada đến $7.7 tỷ vào năm 2030 và tạo thêm 25,000 công ăn việc làm cho người dân Canada.
Tuy nhiên, ông Han cho biết Trung Quốc sẽ phải bàn thảo về các yêu cầu riêng của mình, cụ thể là việc Canada phải loại bỏ các hạn chế thương mại, đầu tư từng do chính phủ bảo thủ trước đây đặt ra đối với Trung Quốc trong lĩnh vực dầu mỏ và khí đốt.
“Chúng tôi rất quan tâm về điều này,” ông Han nói. “Tôi cảm thấy chúng tôi đã bị phân biệt đối xử trong quá trình này.”
Một cuộc đàm phán thương mại từng dự kiến với chính phủ Harper đã sụp đổ khi Ottawa áp đặt các quy tắc đầu tư chặt chẽ hơn trong năm 2012 sau khi công ty quốc doanh China National Offshore Oil đồng ý mua Nexen Inc., công ty năng lượng lớn nhất Canada tại Calgary với giá $15 tỷ vào năm ngoái.
Việc Trung Quốc mong muốn một hệ thống đường ống dẫn dầu là có thể khó đạt được. chính quyền mới của đảng Tự Do vừa loại bỏ hệ thống dẫn năng lượng của Northern Gateway khi họ quyết định ngăn cấm tất cả các tàu chở dầu thô giao thông trên bờ biển phía Bắc của British Columbia, trong khi chính phủ tỉnh bang này cũng từ chối ủng hộ việc mở rộng đường ống Trans Mountain. Ứng cử viên hàng đầu hiện nay trong lãnh vực này là Energy East Pipeline, một hệ thống dẫn dầu 4,600 km, vận chuyển khoảng 1.1 triệu thùng dầu mỗi ngày từ Alberta và Saskatchewan đến các nhà máy lọc dầu ở miền Đông Canada, một cảng biển ở New Brunswick và có thể cả Quebec.
Tại Ottawa, ông Han Jun cũng trấn an dư luận, bảo đảm rằng những biến động thị trường tại Trung Quốc và tăng trưởng kinh tế chậm lại không phải là dấu hiệu của một nền kinh tế đang gặp khó khăn. Ông lưu ý dự báo tăng trưởng kinh tế vẫn ở mức 6.5 %, lớn hơn nhiều so với “tốc độ tăng trưởng ở Hoa Kỳ.”
Canada hiện bị mất cân bằng thương mại rất lớn với Trung Quốc. Tổng thương mại song phương giữa hai nước đạt $63 tỷ trong chín tháng đầu năm ngoái, trong đó có gần $49 tỷ là từ nhập cảng Trung Quốc. (L.Q.T.)