Thursday, July 16, 2015
Vì sao VN và các nước Đông Nam Á đua nhau sắm tàu ngầm?
Một tàu ngầm của Nhật Bản nổi lên mặt biển. Sức mạnh quân sự của Nhật Bản, trong đó có cả hạm đội tàu ngầm tiên tiến, vẫn không thể làm cho Trung Quốc bớt có những tuyên bố chủ quyền mạnh mẽ ở biển Hoa Đông.
VOA Tiếng Việt
16.07.2015
Các hành động hung hăng của Trung Quốc cũng như căng thẳng leo thang ở biển Đông đang khiến các nước ở khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, đua nhau mua sắm tàu ngầm, các chuyên gia nhận định.
Những tranh cãi quanh kế hoạch sắm tàu ngầm của Thái Lan mà Bộ Quốc phòng nước này hôm 15/7 tuyên bố hoãn cho thấy rõ điều đó.
Mới đây, hải quân nước này đã thông qua kế hoạch trị giá gần 1,5 tỷ đôla để mua ba chiếc tàu ngầm của Trung Quốc.
Trong khi công luận Thái mạnh mẽ phản ứng về dự định mua sắm tàu ngầm, các quan chức cho rằng việc làm đó có ý nghĩa về mặt chiến lược, giúp nước này bảo đảm tự do hàng hải ở Vịnh Thái Lan, nếu vấn đề tranh chấp lãnh hải ở biển Đông bùng nổ ngoài tầm kiểm soát.
Việt Nam đã nhận 4 tàu ngầm tấn công lớp Kilo trong số 6 chiếc đặt hàng của Nga. Đây là hợp đồng trị giá 2 tỷ đôla mà hai bên ký kết trong chuyến đi của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng tới Moscow năm 2009.
Nga dự kiến sẽ chuyển giao tất cả 6 tàu cho Việt Nam trước năm 2016 cũng như huấn luyện các thủy thủ Việt Nam vận hành tàu ngầm và cung cấp các linh kiện cần thiết.
Mới đây, một trang mạng chuyên về chiến lược quốc phòng có trụ sở ở Mỹ đăng một bài nói rằng Trung Quốc đã chính thức khiếu nại với Nga, Việt Nam và Hoa Kỳ, sau khi Moscow đồng ý bán 50 tên lửa Klub trang bị trên tàu ngầm cho Hà Nội.
Trong khi đó, Singapore và Malaysia đã có hạm đội tàu ngầm và dự kiến muốn ‘tậu’ thêm nữa. Malaysia từng chi khoảng 1,1 tỷ đôla để mua hai chiếc tàu ngầm vào năm 2007 và 2009.
Indonesia dự kiến sẽ thay thế hai chiếc tàu ngầm cũ và sẽ mở rộng hạm đội tàu ngầm lên 12 chiếc vào năm 2020. Nước này mới đặt mua 3 chiếc tàu ngầm từ công ty đóng tàu Daewoo của Hàn Quốc.
Trong số các quốc gia lớn trong khu vực Đông Nam Á, chỉ có Philippines là chưa sắm tàu ngầm mới, dù chính quyền Manila thường lên tiếng mạnh mẽ nhất trong cuộc đối đầu với Trung Quốc về biển Đông.
Lo ngại Trung Quốc
Theo nhận định của các chuyên gia, việc các quốc gia này tậu tàu ngầm không phải là để chống lại nhau, mà vì lo ngại về sự mở rộng hải quân cũng như tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở biển Đông.
Một nhà nghiên cứu tại Australia cho rằng thái độ “khó lường” của chính quyền Bắc Kinh về vấn đề biển Đông đã gây ra một cuộc chạy đua vũ trang ở châu Á.
Bà Linda Jakobson, một nhà nghiên cứu độc lập và là một học giả tại Viện nghiên cứu chính sách quốc tế Lowy ở Sydney, cho rằng các chính sách không đồng nhất của Trung Quốc về vấn đề biển Đông, dưới tác động của nhiều yếu tố, đã làm các quốc gia láng giềng, trong đó có Việt Nam, lo ngại.
"Tôi nghĩ một trong những vấn đề lớn nhất hiện nay là nhiều quốc gia thấy sự khó lường của Bắc Kinh và tự hỏi Trung Quốc sẽ làm gì với sức mạnh ngày càng lớn của mình. Điều này đã dẫn tới lo ngại, và các quốc gia trong vòng ảnh hưởng của Trung Quốc đang chi nhiều tiền hơn để vũ trang so với nếu họ không cảm thấy bất an vì Trung Quốc."-Bà Linda Jakobson, một nhà nghiên cứu độc lập và là một học giả tại Viện nghiên cứu chính sách quốc tế Lowy ở Sydney, nói.
Tác giả của nghiên cứu dài hơn 50 trang về chính sách an ninh hàng hải của Trung Quốc nói với VOA Việt Ngữ:
“Tôi nghĩ một trong những vấn đề lớn nhất hiện nay là nhiều quốc gia thấy sự khó lường của Bắc Kinh và tự hỏi Trung Quốc sẽ làm gì với sức mạnh ngày càng lớn của mình. Điều này đã dẫn tới lo ngại, và các quốc gia trong vòng ảnh hưởng của Trung Quốc đang chi nhiều tiền hơn để vũ trang so với nếu họ không cảm thấy bất an vì Trung Quốc”.
Nhưng hiện chưa rõ là Trung Quốc có kiềm chế hơn trong việc đưa ra các tuyên bố chủ quyền mạnh mẽ hay không, nếu các quốc gia trong khu vực có thêm sức mạnh hải quân thông qua việc mua khí tài.
Sức mạnh quân sự của Nhật Bản, trong đó có cả hạm đội tàu ngầm tiên tiến, vẫn không thể làm cho Trung Quốc bớt có những tuyên bố chủ quyền mạnh mẽ ở biển Hoa Đông.
Tin cho hay, Việt Nam đang đàm phán với các nhà thầu quân sự Mỹ và Châu Âu để mua về máy bay phản lực chiến đấu, máy bay tuần tra biển, và máy bay không người lái nhằm tăng cường khả năng phòng không trước thế lấn lướt của Bắc Kinh ở vùng biển tranh chấp.
Gia tăng chi tiêu quân sự
Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế có trụ sở tại Stockholm, Thụy Điển, mới cho biết chính quyền Hà Nội tiếp tục gia tăng chi tiêu quân sự với mức tăng 9,6% trong năm 2014, lên 4,3 tỷ đôla, trong bối cảnh căng thẳng ở biển Đông chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Chính quyền Hà Nội tiếp tục gia tăng chi tiêu quân sự với mức tăng 9,6% trong năm 2014, lên 4,3 tỷ đôla, trong bối cảnh căng thẳng ở biển Đông chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Mức tăng chi tiêu quân sự của Việt Nam cao hơn so với mức trung bình 5% của khu vực châu Á và châu Đại Dương.
Theo Viện nghiên cứu này, tính từ năm 2005 tới nay, chi tiêu quân sự của Việt Nam tăng nhanh tới 128%, và điều đó xuất phát từ tình hình căng thẳng với Trung Quốc tại biển Nam Trung Hoa (tức biển Đông).
Năm qua, chính quyền Bắc Kinh, quốc gia hiện có tranh chấp chủ quyền lãnh hải với Việt Nam và một số quốc gia khác trên biển Đông, chi tới 216 tỷ đôla cho quân sự.
Theo tổ chức của Thụy Điển, chi tiêu quân sự trên toàn thế giới năm 2014 đạt mức 1.776 tỷ đôla, chiếm 2.3% tổng sản phẩm quốc nội toàn cầu, tức là giảm 0.4% so với năm 2013.
Trong số 15 quốc gia chi tiêu nhiều nhất cho quân sự trong năm 2014, Mỹ vẫn đứng đầu, rồi tiếp theo sau là Trung Quốc và Nga. Ba nước châu Á khác cũng nằm trong danh sách này là Ấn Độ, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Theo Sách trắng về Quốc phòng của Việt Nam công bố lần gần đây nhất là năm 2009, Việt Nam đã chi hơn 27 nghìn tỷ đồng, tương đương 1,8% tổng sản phẩm quốc nội, cho ngân sách quốc phòng trong năm 2008.
No comments:
Post a Comment