Thursday, May 14, 2015
Tiết lộ rúng động về 10 lần vỡ đường ống cấp nước sông Đà
Theo kết quả giám định, nguyên nhân gây nên sự cố vỡ ống là do sự kết hợp bất lợi của một số yếu tố trong các giai đoạn sản xuất, thi công lắp đặt tuyến ống, trong đó, nguyên nhân chính là chất lượng ống được sản xuất không đồng đều...
Như đã đưa tin, ngày 8/5, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã tống đạt quyết định khởi tố bị can và bắt tạm giam 2 đối tượng gồm Hoàng Thế Trung, nguyên Giám đốc Ban quản lý dự án cấp nước sông Đà – Hà Nội và Trần Cao Bằng, Giám đốc Công ty cổ phần Ống sợi thủy tinh Vinaconex về tội "Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng" theo Điều 229 Bộ luật Hình sự.
Hai bị can này liên quan trực tiếp đến vụ án 10 lần vỡ đường ống cấp nước sạch sông Đà – Hà Nội, gây nhiều bức xúc trong dư luận thời gian qua.
Hơn 700 nghìn hộ dân bị ảnh hưởng
Từ tháng 8/2014 đến đầu tháng 4/2015, Cơ quan tố tụng đã tiến hành đào giám định tại 14 điểm dọc theo tuyến đường ống cấp nước sông Đà – Hà Nội. Kết quả giám định nguyên nhân gây nên sự cố vỡ ống là do sự kết hợp bất lợi của một số yếu tố trong các giai đoạn sản xuất, thi công lắp đặt tuyến ống.
Điểm vỡ đường ống đang được khắc phục. Ảnh: CTV.
Trong đó, nguyên nhân chính là chất lượng ống được sản xuất không đồng đều (mặt cắt ngang của thành ống có nhiều khuyết tật, rỗ, thiếu cát nhựa), các mẫu ống được thử nghiệm hầu hết không đạt chỉ tiêu độ cứng vòng, bề mặt ống bị xước và có khuyết tật đã tạo ra những điểm xung yếu. Trong quá trình truyền tải nước, do áp lực nước thẩm thấu vào các lớp của thành ống thông qua các điểm xung yếu và các vết rạn nứt theo thời gian dẫn đến việc ống bị vỡ.
Hậu quả của 10 lần vỡ đường ống nước này đã dẫn đến việc 1,3 triệu m³ nước không được cung cấp đến hơn 700.000 hộ dân và tổng chi phí các lần khắc phục, sửa chữa là 10 tỷ đồng. Đặc biệt, độ bền của toàn tuyến ống sẽ không thể đạt 50 năm theo thiết kế ban đầu và tình trạng vỡ ống nước còn tiềm tàng hiện hữu...
Không đạt tiêu chuẩn nhưng vẫn nghiệm thu
Để thực hiện việc quản lý đầu tư xây dựng Dự án cấp nước sông Đà – Hà Nội, ngày 2/12/2003, Hội đồng quản trị Vinaconex có quyết định thành lập Ban quản lý dự án cấp nước sông Đà – Hà Nội (Ban quản lý). Từ khi thành lập đến khi giải thể đã có 3 người được bổ nhiệm làm Giám đốc Ban quản lý, gồm: ông Lại Văn Bích (từ tháng 12/2003 đến tháng 4/2005); ông Hoàng Thế Trung (từ tháng 4/2005 đến tháng 10/2011) và ông Đỗ Quốc Bình (từ tháng 10 đến tháng 12/2011).
Theo đó, Ban quản lý có nhiệm vụ trực tiếp quản lý, thực hiện dự án, chịu trách nhiệm trước pháp luật và chủ đầu tư; thực hiện đầy đủ các quy định của nhà nước để lựa chọn nhà thầu có tư cách pháp nhân, có đủ năng lực xây dựng, năng lực hành nghề, kinh nghiệm; tuân thủ quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng được áp dụng trong quá trình đầu tư, xây dựng công trình... Nhưng quá trình triển khai, thực hiện dự án, Ban quản lý này đã thực hiện không đúng, không đủ quy định nhất là trong thời gian ông Hoàng Thế Trung làm Giám đốc.
Vào tháng 10/2004 và tháng 7/2005, Hội đồng quản trị và Tổng Công ty Vinaconex đã có quyết định phê duyệt chỉ định thầu và giao nhiệm vụ cho Công ty Ống sợi thủy tinh Vinaconex là đơn vị sản xuất, cung cấp ống cốt sợi thủy tinh và phụ kiện để lắp đặt cho Dự án cấp nước sông Đà – Hà Nội. Đến ngày 9/8/2005, ông Hoàng Thế Trung và ông Trần Cao Bằng, đại diện Công ty Ống sợi thủy tinh đã ký hợp đồng kinh tế về việc mua bán ống và phụ kiện để lắp đặt cho Dự án cấp nước sông Đà – Hà Nội.
Nội dung hợp đồng thể hiện ống nước cấp cho Dự án cấp nước sông Đà – Hà Nội có thông số chính là ống composite cốt sợi thủy tinh, đường kính 1.500mm, 1.600mm, 1.800mm, chiều dài các ống từ 2m đến 11,7m; ống được sản xuất theo tiêu chuẩn ANSI/AWWA C950-1 của Hiệp hội công trình thủy Hoa Kỳ.
Từ tháng 3/2005 đến cuối năm 2007, Công ty Ống sợi thủy tinh Vinaconex đã sản xuất và cung cấp hơn 5.000 sản phẩm ống composite cốt sợi thủy tinh và phụ kiện để lắp đặt 46km đường ống truyền tải nước cho Dự án cấp nước sông Đà – Hà Nội.
Ông Trung khi nghe tống đạt quyết định khởi tố và lệnh bắt giữ. Ảnh: Sơn Dương.
Mặc dù ông Bằng biết trong quá trình sản xuất ống cốt sợi thủy tinh không đạt tiêu chuẩn kỹ thuật nhưng vẫn cung cấp cho Dự án.
Cụ thể, Công ty đã không thực hiện kiểm tra, thí nghiệm đầy đủ các chỉ tiêu cơ lý của sản phẩm như quy định trong tiêu chuẩn ANSI/AWWA C950-1 để xác định chất lượng; tự tiến hành thí nghiệm kiểm tra, công nhận một số chỉ tiêu cơ lý của sản phẩm để cung cấp cho Dự án khi phòng thí nghiệm của Công ty này chưa đủ điều kiện; chất lượng ống composite cốt sợi thủy tinh không đáp ứng yêu cầu thiết kế được phê duyệt và tiêu chuẩn sản xuất đã công bố và áp dụng.
Đặc biệt, độ bền lâu của tuyến ống không đảm bảo 50 năm, do Công ty Ống sợi thủy tinh không tiến hành kiểm tra nguyên liệu đầu vào khi sản xuất ống; không thực hiện đầy đủ các thí nghiệm kiểm tra về tính cơ lý của sản phẩm, chỉ áp dụng 2 trong số 7 chỉ tiêu kiểm tra là bằng ngoại quan và thí nghiệm áp lực...
Về phía ông Trung, tuy biết chất lượng ống cốt thủy tinh do Công ty Ống sợi thủy tinh Vinaconex cung cấp cho Dự án cấp nước sông Đà - Hà Nội là sai quy chuẩn, vi phạm hợp đồng nhưng không cho thu hồi (khoảng 100 ống cốt sợi thủy tinh không đạt tiêu chuẩn), vẫn cho lắp đặt và nghiệm thu sản phẩm đạt chất lượng, dẫn đến chất lượng công trình xây dựng không đảm bảo.
Ngoài ra, tại các giai đoạn thực hiện Dự án đều xảy ra những sai phạm rất nghiêm trọng về đầu tư và xây dựng công trình, quản lý chất lượng hàng hóa. Do đó, cơ quan Tố tụng đang xem xét trách nhiệm cá nhân một số lãnh đạo trong Hội đồng quản trị và Ban giám đốc Tổng Công ty Vinaconex trong nhiều giai đoạn khác nhau...
Thứ Năm, 14/05/2015 | 16:51
Nguồn: Công an Nhân dân
No comments:
Post a Comment