Monday, February 9, 2015
Chó sủa giữ nhà
Sáng ngày 2 tháng 2 tại Hà Nội, Ðảng Cộng Sản Việt Nam (ÐCSVN) tổ chức lễ kỷ niệm 85 năm ngày thành lập (3/02/1930 - 3/02/2015). Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng đã tới dự và đọc diễn văn trong buổi lễ này.
Trong bài diễn văn có đoạn:
“Ở Việt Nam không có một lực lượng chính trị nào khác, ngoài Ðảng Cộng Sản Việt Nam, có đủ bản lĩnh, trí tuệ, kinh nghiệm, uy tín và khả năng lãnh đạo đất nước vượt qua mọi khó khăn, thử thách cam go để đưa dân tộc đến bến bờ vinh quang.”
Ðây là một kiểu vỗ ngực kiêu ngạo, nói lấy được. Tiếng nói của hệ thống loa phường, không hơn không kém!
Ra đời ngày 3 tháng 2 năm 1930, cầm quyền trên miền Bắc từ năm 1954 và trên cả nước từ năm 1975, ÐCSVN ngày càng lộ nguyên hình là một đảng phái chính trị dối trá, lừa đảo.
Lấy những mục đích tốt đẹp siêu thực của ý thức hệ cộng sản, ÐCSVN đã kích động được tinh thần dân tộc và chủ nghĩa yêu nước của quần chúng ngu ngơ và cả tin, thực hiện hai cuộc chiến chống Pháp và chống Mỹ.
Khi giành được độc lập, họ đã quên ngay mọi hứa hẹn, phản bội lại tức thì lợi ích của giai cấp công-nông “tiên phong,” loại bỏ bầu cử tự do ra khỏi chính sách lãnh đạo, tiếm quyền thống trị và thiết lập một chế độ độc tài, một nhà nước công an trị, duy trì trật tự xã hội bằng bạo lực.
ÐCSVN kiểm soát chặt chẽ mọi sinh hoạt của con người qua mạng lưới an ninh, hệ thống kiểm duyệt, khống chế đời sống của dân chúng bằng nơi ở, miếng ăn, học hành, công ăn việc làm và tước bỏ hoàn toàn quyền tư hữu đất đai.
Tất cả những người có tư tưởng khác với tuyên truyền nhồi sọ của nhà cầm quyền đều bị bắt bớ giam cầm và đàn áp dã man.
Không một lực lượng đối lập nào có thể hình thành trong điều kiện khắc nghiệt ấy.
Hai đảng Dân Chủ và Xã Hội, tham gia chính phủ, dù chỉ hình thức, từ năm 1946, cũng đã bị giải tán sau năm 1975.
Trong một bối cảnh một mình một sân như vậy mà múa gậy vườn hoang tuyên bố “không có một lực lượng chính trị nào khác, ngoài ÐCSVN,” quả thực khôi hài và trơ tráo hết mức.
Lịch sử của nhân loại đã chứng minh rằng, sự độc quyền, tiếm quyền của một chính đảng dựa trên nòng súng, sớm hay muộn cũng sẽ bị nhân dân loại bỏ nếu có bầu cử tự do. Tôi dẫn đây ra vài trường hợp.
Ðảng Công Nhân Thống Nhất Ba Lan, tức Ðảng Cộng Sản Ba Lan, vào năm 1980 có tới 3 triệu 150 ngàn đảng viên, chiếm xấp xỉ 10% dân số Ba Lan (so với ÐCSVN có 4 triệu đảng viên, chiếm khoảng 4% dân số). Sau Chiến Tranh Thế Giới 2, chế độ Cộng Sản thân Liên Xô được thiết lập trên đất Ba Lan và ÐCS Ba Lan chính thức áp đặt quyền cai trị.
Như một kết quả của tình trạng bất ổn xã hội vào năm 1988 khi trên khắp đất nước Ba Lan nổ ra hàng loạt các cuộc đình công làm tê liệt kinh tế cả nước, ÐCS Ba lan đã phải chấp nhận ngồi vào bàn thương lượng với lực lượng đối lập (Công Ðoàn Ðoàn Kết).
Giữa ngày 6 tháng 2 và ngày 5 tháng 4 năm 1989 đã diễn ra trong cuộc hội nghị được gọi là “Bàn Tròn.” Người ta đã đồng ý thay đổi luật bầu cử, thành lập của Thượng Viện và quy định thẩm quyền của tổng thống.
Hai bên cũng thỏa thuận tiến hành một cuộc bầu cử tự do một phần, tức là 35% số ghế (161 ghế) của Quốc Hội hiện hành (560 ghế) và 100% số ghế (100 ghế) của Thượng Nghị Viện.
Nắm bộ máy tuyên truyền khổng lồ từ thành phố đến nông thôn và một xã hội bị nhồi sọ, kìm kẹp trong 45 năm cầm quyền, ÐCS Ba Lan tỏ ra chủ quan kiêu ngạo. Trong khi đó Công Ðoàn Ðoàn Kết không có phương tiện vận động nào, chỉ vỏn vẹn một tờ báo “Gazeta Wyborcza” (báo “Bầu Cử”) phát hành vội vã trong điều kiện thiếu thốn giấy và cơ sở in ấn.
Thế nhưng kết quả thật bất ngờ, làm kinh ngạc những người Cộng Sản.
Ngày 4 tháng 6, 1989, lần đầu tiên trong hệ thống Cộng Sản, một cuộc bầu cử tự do được tiến hành, như giáo sư sử học Antoni Dudek đã viết: “Hàng triệu người Ba Lan đã sử dụng lá phiếu của mình đánh một đòn chí tử vào chế độ độc tài Cộng Sản.”
Công Ðoàn Ðoàn Kết đã giành chiến thắng tuyệt đối 99 ghế thuộc Thượng Viện (một ghế còn lại thuộc thành phần độc lập) và 161 ghế Quốc Hội.
Sự thất bại bầu cử của những người Cộng Sản đã ngăn cản họ thành lập chính phủ và do đó, vào ngày 24 tháng 8 năm 1989 một chính phủ liên minh ra đời với thủ tướng không Cộng Sản Tadeusz Mazowiecki.
Lech Walesa đã nói như sau:
“Trong ngày Chủ Nhật đầu tiên của tháng 6 năm 1989 đã có rất nhiều thay đổi. Chúng ta đã chọn một nước Ba Lan mới. Những người Cộng Sản đã bị thẻ đỏ. Thực chất là họ bị ném ra khỏi sân chơi.”
Chiến thắng bầu cử của Công Ðoàn Ðoàn Kết mở ra một lộ trình dân chủ hóa tiếp theo cho đất nước Ba Lan thông qua cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11 năm 1990 với thắng lợi của Thủ lĩnh Công Ðoàn Ðoàn Kết Ba lan Lech Walesa và cuộc bầu cử tự do Quốc Hội toàn phần vào năm 1991 với thắng lợi thuộc về phe đối lập.
Một diễn biến tương tự cũng diễn ra trên đất Miến Ðiện, một quốc gia Châu Á gần với Việt Nam.
Ðảng Liên Minh Quốc Gia Vì Dân Chủ (NLD), đứng đầu là nhà hoạt động đối lập nổi tiếng Aung San Suu Kyi, đã giành được đa số đáng kể trong cuộc bầu cử Quốc Hội năm 1990. Tuy nhiên, chính quyền độc tài quân sự từ chối công nhận kết quả. Ðảng NLD cũng bị xem là hoạt động bất hợp pháp và bị nhà cầm quyền quân sự giải tán.
Tháng 11 năm 2011, đảng NLD công bố ý định đăng ký như là một đảng chính trị để tham gia cuộc bầu cử ngày 13 tháng 12, 2011. Ủy Ban Bầu Cử Liên Minh Myanma đã chấp thuận đơn đăng ký của đảng. Trong cuộc bầu cử bổ sung vào ngày 1 tháng 4 năm 2012, NLD đã giành được 44 ghế trong số 45 ghế ở những nơi các cuộc bầu cử được tổ chức. Bà Aung San Suu Kyi đã giành được ghế của khu vực bầu cử Kawhmu phía nam Yangon.
Mặc dù bị giới hạn bởi quy định của nhà cầm quyền, chỉ chiếm một thiểu số nhỏ trong Quốc Hội 664 ghế, nhưng đảng NLD có tiếng nói quan trọng thúc đẩy lộ trình dân chủ của Miến Ðiện.
Campuchia, tuy chưa có mô hình dân chủ đúng nghĩa, nhưng khi Ðảng Nhân Dân Campuchia nới rộng dân chủ, chấp nhận đa đảng và bầu cử tự do, thì Ðảng Funcinpec (đảng bảo hoàng), đã ra tranh cử. Dù chỉ mới đạt 20.8% số phiếu bầu, chiếm 26 đại biểu/123 tổng số đại biểu của Quốc Hội trong cuộc bầu cử năm 2003, họ là một phần của Chính Phủ Liên Hiệp Campuchia.
Cho nên trắc nghiệm chính xác nhất cái điều ông Trọng nói rằng, “ở Việt Nam không có một lực lượng chính trị nào khác, ngoài Ðảng Cộng Sản Việt Nam, có đủ bản lĩnh, trí tuệ, kinh nghiệm, uy tín và khả năng lãnh đạo đất nước” - là một cuộc bầu cử tự do.
Mặc dù hiện tại ở Việt Nam chưa có lực luợng đối lập nào, nhưng nếu được hoạt động hợp pháp, chỉ cần sau một thời gian ngắn, chắc chắn sẽ ra đời một đội ngũ đáng kể để so tài với Ðảng Cộng Sản.
Cái “bến bờ vinh quang” mà ÐCSVN đưa Việt Nam tới sau 40 năm hòa bình (một thời gian đủ dài) là một nước Việt Nam vừa mới qua được ngưỡng thấp trong mức thu nhập trung bình, tụt hậu tới 51 năm so với Indonesia, 95 năm so với Thái Lan và 158 năm so với Singapore, tham nhũng đứng thứ nhì thế giới, các chuẩn mực xã hội băng hoại khủng khiếp đến mức phải ra cả nghị quyết để ngăn chặn!
Chính vì sự cầm quyền bất minh, cả hệ thống thối nát vì tham nhũng, dốt nát trong quản lý kinh tế, suy thoái đạo đức, bạc nhược trong chính sách đối ngoại với Trung Quốc, nên ÐCSVN hèn nhát và lo sợ sự cạnh tranh quyền lực của bất cứ một tổ chức chính trị nào.
Cây ngay thì đã chẳng sợ bóng đứng! Nếu ÐCSVN đúng thực sự giỏi giang, độc nhất vô nhị tài cán, không ai có thể thay thế, thì hãy để cho nhân dân quyền lựa chọn.
Ngược lại điều này những phát biểu luyên thuyên trên đấy chỉ là tiếng chó sủa giữ nhà mà thôi.
Theo Người Việt-02-09-2015 2:02:17 PM
Lê Diễn Ðức
No comments:
Post a Comment