(Baodatviet) - Ngay sau tuyên bố lạc quan của Tổng thống Putin về tình hình kinh tế Nga, ông Obama đã ký ban hành luật trừng phạt cứng rắn hơn nhằm vào nước này.
Mỹ, EU cứng rắn
Luật Hành động ủng hộ tự do tại Ukraine được Tổng thống Mỹ ký ban hành ngày 18/12. Trước đó, luật này đã được lưỡng viện Quốc hội Mỹ thông qua hồi tuần trước, theo đó cho phép chính phủ của Tổng thống Obama áp đặt thêm các lệnh trừng phạt mới nhằm vào các công ty năng lượng và quốc phòng của Nga để trừng phạt đối với sự tiếp tục can dự của Nga vào cuộc nổi dậy ở miền Đông Ukraine.
Luật này cũng cho phép ông Obama cung cấp viện trợ quân sự trị giá 350 triệu USD cho Ukraine, với các vũ khí chống tăng và thiết giáp có trong danh mục.
Cũng trong ngày 18/12, Liên minh châu Âu (EU) đã thông qua các biện pháp trừng phạt bổ sung đối với Crimea. Theo đó cấm toàn bộ hoạt động đầu tư và hạn chế thương mại với Crimea và Sebastopol nhằm phản đối việc sáp nhập vào Nga.
Các biện pháp trừng phạt mới được công bố vài giờ trước khi khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh mùa Đông của EU tại Brussels, bổ sung vào gói các đòn trừng phạt đặc biệt đối với Crimea mà EU đưa ra hồi tháng Sáu và tháng Bảy vừa qua như cấm một số nhân vật nhập cảnh vào EU và đóng băng tài sản của họ ở EU, đồng thời cũng cấm một số thực thế kinh tế và ngân hàng đầu tư vào châu Âu trong đó có tập đoàn dầu khí Rosneft.
Mỹ đã quyết định tiếp tục trừng phạt Nga trong bối cảnh nền kinh tế Mátxcơva đang rơi vào khủng hoảng |
Theo thông báo của EU, kể từ ngày 20/12, các biện pháp trừng phạt bổ sung này sẽ có hiệu lực. Theo đó, việc đầu tư vào Crimea và Sebastopol bị cấm hoàn toàn. Cá nhân và doanh nghiệp ở châu Âu không thể mua tài sản cố định hoặc các công ty tại Crimea, cũng như không thể cung cấp các dịch vụ liên quan.
Ngoài ra, các công ty du lịch tại châu Âu cũng không thể khai thác dịch vụ du lịch ở Crimea hoặc Sebastopol. Đặc biệt, kể từ ngày 20/3/2015, du thuyền châu Âu không thể cập cảng nằm trong bán đảo Crimea, trừ trường hợp khẩn cấp.
Điều này áp dụng với tất cả tàu thuyền được sở hữu hoặc kiểm soát bởi một chủ tàu châu Âu hoặc treo cờ của một quốc gia thành viên EU.
Hơn nữa, EU cũng cấm xuất khẩu các công nghệ và hàng hóa châu Âu trong lĩnh vực giao thông vận tải, viễn thông, năng lượng, khảo sát, thăm dò, khai thác và sản xuất dầu khí.
Sự cứng rắn của Mỹ và EU là đòn giáng mạnh vào nước Nga trong bối cảnh đồng Rúp của nước này đã mất giá khoảng 45% so với đồng USD từ đầu năm đến nay. Trước đó, Bộ Tài chính Nga đã tuyên bố bán dự trữ ngoại hối để cứu đồng Rúp, tuy nhiên các nhà đầu tư tỏ ra không mấy lạc quan.
Dự trữ ngoại hối của Nga được công bố hiện ở mức gần 415 tỷ USD. Từ đầu năm tới nay, Nga đã chi khoảng 80 tỷ USD cho việc can thiệp thị trường ngoại hối nhằm bảo vệ tỷ giá đồng Rúp nhưng chưa mấy hiệu quả. Sau đó, Ngân hàng Trung ương Nga cũng chỉ bán với khối lượng nhỏ, đồng thời cố gắng “hãm phanh” đồng Rúp bằng cách tăng lãi suất thêm 7,5 điểm phần trăm trong 2 lần tăng.
Những người có quan điểm bi quan cho rằng, Ngân hàng Trung ương Nga không còn bán ra ngoại tệ với khối lượng lớn nữa là bởi vì dự trữ ngoại hối đã vơi đi nhiều hơn so với con số thống kê chính thức.
Trong khi đó, một số ngân hàng phương Tây trong tuần này bắt đầu ngăn chặn mọi hoạt động liên quan đến đồng Rúp nhằm tự vệ trước nguy cơ đồng tiền này giảm giá thêm.
Cụ thể, các ngân hàng như Goldman Sachs từ chối yêu cầu của khách hàng thực hiện một số giao dịch dài hạn bằng đồng rúp trong khi hoạt động ngắn hạn, dưới 1 năm, vẫn diễn ra như trước. Ngân hàng Forex (Thụy Điển) cũng ngưng mua đồng rúp.
Còn người dân Nga đang đổ xô đi đổi tiền tiết kiệm từ Rúp sang USD và Euro, đồng thời tích trữ hàng hóa và trang sức nhằm đề phòng trường hợp đồng nội tệ giảm giá sâu hơn.
Putin tự tin
Ngay trước khi diễn ra hành động cứng rắn của Mỹ và EU, Tổng thống Nga Putin vẫn tỏ ra đầy tự tin và lạc quan tại cuộc họp báo thường niên lần thứ 10 với sự tham dự của hơn 1.200 nhà báo Nga và nước ngoài.
Tổng thống Nga nhận định lệnh trừng phạt của phương Tây chỉ tác động đến kinh tế Nga khoảng 25%-30%. Ông khẳng định: “Kinh tế đi xuống không phải là cái giá phải trả cho việc sáp nhập Crimea. Chúng ta đã bảo vệ độc lập, chủ quyền và quyền tồn tại - đó là điều tất cả đều phải hiểu”.
Tổng thống Putin quả quyết trong thời gian tới, châu Âu sẽ không thể tìm được một nguồn cung ứng khí đốt giá rẻ và đáng tin cậy hơn Nga. Ông hứa hẹn sẽ hợp tác với phương Tây nếu các đối tác của Nga muốn điều đó.
“Trong kịch bản kinh tế bên ngoài xấu nhất, tình hình hiện nay (của Nga) sẽ kết thúc sau khoảng 2 năm. Nhưng nền kinh tế có thể sẽ khởi sắc vào quý 1, giữa hoặc cuối năm sau”, ông Putin lạc quan.
Tuy nhiên, trong lúc Tổng thống Nga phát biểu, đồng Rúp vẫn giảm giá, mất khoảng 3% giá trị trong phiên giao dịch.
Bộ trưởng Bộ Kinh tế Nga Alexei Ulyukayev nói với một tờ báo, các lệnh trừng phạt của phương Tây có thể sẽ duy trì “trong một thời gian rất dài”, và Nga đang phải trả giá vì đã không thể thực hiện thành công các cải cách cơ cấu. Ông nói Nga đang ở trong một “cơn bão hoàn hảo”.
Khải An (Tổng hợp)
No comments:
Post a Comment