Saturday, December 13, 2014
Giá dầu lửa xuống hại Putin
Theo Người Việt-12-12- 2014 7:43:33 PM
Ngô Nhân Dụng
Ngày hôm qua đồng tiền của Nga lại mất giá mặc dầu hôm trước, 11 tháng 12, mới tăng lãi suất lên 10.5% mỗi năm. Lãi suất ở Nga đã tăng năm lần kể từ đầu năm 2014 luôn một điểm. Tiền Nga xuống thấp kỷ lục, 58 rúp đổi một đô la Mỹ so với giá 53 rúp hôm đầu tuần. Ðồng rúp đã mất 20% giá trị kể từ khi bà Elvira Nabiullina, thống đốc Ngân Hàng Trung Ương bắt đầu chính sách thả nổi cho đồng tiền lên xuống theo thị trường. Mà trong thị trường, các người có tiền ở Nga chỉ tính đổi lấy đô la Mỹ hoặc đồng Euro. Ông Putin chỉ hy vọng trong tháng tới nhiều người sẽ cần giữ đồng rúp để đóng thuế cuối năm, áp lực sẽ giảm bớt.
Một lý do khiến đồng rúp mất giá là một số ngân hàng và xí nghiệp Nga bị các nước Mỹ và Châu Âu phong tỏa, vì ông Putin giúp những người Nga muốn ly khai ở Ukraine. Tuần trước, ông Vladimir Putin mới đe dọa sẽ “trừng phạt” những người đầu cơ làm mất giá đồng rúp, nhưng không ai sợ. Vì họ có đủ lý do chính đáng để đi tìm mua đô la. Các công ty và ngân hàng bị phong tỏa đều thuộc phe cánh của ông Putin; họ không còn được phép sử dụng các dịch vụ tài chánh của Mỹ và Châu Âu nữa nên chỉ còn cách đi mua đô la trong thị trường, kể cả chợ đen. Nhưng lý do quan trọng hơn, và khó chữa được, là giá dầu lửa trên thế giới đã và còn đang giảm mạnh. Mà kinh tế nước Nga tới nay vẫn hoàn toàn lệ thuộc vào việc bán dầu và khí đốt.
Gần một nửa (44%) ngân sách chính phủ Nga là do tiền bán mỗi ngày 7.5 triệu thùng dầu. Tiền bán dầu chiếm hơn một nửa (54%) số tiền thâu nhờ xuất cảng. Ngay trong thập niên 1980 vào lúc chiến tranh lạnh căng thẳng nhất, Liên Xô cũng vẫn tiếp tục xuất cảng dầu sang các nước tư bản để lấy Mỹ kim. Trong hai chục năm qua Putin không cải tổ cơ cấu kinh tế Nga, vẫn tiếp tục dựa trên những gì đào được ở dưới đất lên, là dầu, khí và quặng mỏ. Putin cũng trấn áp các nhà kinh doanh tư, tịch thu nhiều xí nghiệp tư lớn để biến thành quốc doanh, và bao bọc những đàn em thân tín khiến cho hiệu năng của nền kinh tế không tăng lên được.
Dầu lửa xuống giá hoàn toàn do luật cung cầu. Hiện nay số dầu đem ra bán trên thế giới cao hơn nhu cầu tiêu thụ ở khoảng 30 triệu thùng mỗi ngày, mỗi ngày số cung cao hơn một triệu thùng. Trong khi đó không quốc gia sản xuất dầu nào có ý định giảm bớt máy bơm lên để giữ giá cao. Khối OPEC hôm qua mới tiên đoán năm tới nhu cầu tiêu thụ của thế giới sẽ chỉ còn 28.9 triệu thùng mỗi ngày. Hôm qua, giá dầu thô tiêu chuẩn quốc tế (Brent crude) xuống dưới 65 đô la một thùng, năm tháng trước đây giá dầu vẫn còn là 100 đô la. Ngân sách chính phủ Nga được tính toán dựa trên giá dầu 100 đô la. Bộ trưởng dầu lửa Iran tuyên bố giá dầu có thể xuống tới mức 50 đô la một thùng, hoặc thấp hơn nữa, 40 đô la. Công ty tài chánh Merrill Lynch tiên đoán giá dầu trong năm 2015 sẽ còn giảm thêm, xuống 55 đô la một thùng. Kinh tế Nga sẽ còn khó thoát cơn suy thoái nếu số cung dầu lửa trên thế giới không giảm xuống đồng loạt.
Trong tháng trước, các nước sản xuất dầu trong khối OPEC đã họp bàn về giá cả, và nước sản xuất nhiều dầu nhất là Saudi Arabia không chịu cắt giảm số dầu hút lên khiến các nước khác cũng phải đồng ý không cắt sản lượng, mặc cho giá dầu tiếp tục xuống. Giá sẽ còn ở mức 65 đô la trong ít nhất nửa năm nữa.
Thay vì giảm số lượng dầu, Saudi đã tự ý giảm giá cho khách hàng. Ngày Thứ Tư, 10 tháng 12, Bộ Trưởng Năng Lượng Ali al-Naimi của Saudi được hỏi: “Bao giờ quý vị giảm bớt dầu sản xuất?” Ông hỏi lại: “Tại sao lại phải giảm số sản xuất?” Tháng 9 vừa rồi, Saudi đã giảm giá mỗi thùng dầu thô một đô la cho các nước Châu Á. Trong vòng một tuần lễ, các nước Iraq, Kuwait cũng theo gương đó. Các nước Á Châu đều được hưởng giá dầu thấp nhất từ sáu năm nay. Kuwait hứa sẽ đại hạ giá gần 4 đô la một thùng dầu ($3.95/thùng) cho các nhà máy lọc dầu
Những nước tiêu thụ dầu được lợi nhờ giá hạ. Nếu giá tiếp tục tại mức $65 hiện nay cho hết năm 2015, các nước tiêu thụ sẽ được lợi 500 tỷ đô la. Ba nước tiêu thụ dầu lửa nhiều nhất thế giới là Mỹ, Trung Quốc, và Nhật Bản. Giá xăng ở Mỹ sẽ xuống trung bình $2.5 một ga lông vào đầu năm tới, dân chúng Mỹ sẽ tiết kiệm được mỗi nhà $750 tiền xăng trong năm 2015. Nhờ họ thêm tiền tiêu thụ, kinh tế Mỹ sẽ được kích thích mạnh.
Ngược lại, các nước xuất cảng dầu sẽ bị thiệt thòi. Riêng Saudi Arabia, nếu giá dầu không tăng lên trong nửa năm hay tám tháng nữa, họ sẽ thiệt mất 117 tỷ đô la một năm. Kuwait sẽ mất 32 tỷ đô la, bằng 20% tổng sản lượng nội địa (GDP). Các nước xuất cảng dầu đều thiệt thòi, từ những nước nhỏ nhất như Algeria và Nigeria.
Ðặc biệt là các nước đang thù nghịch với Mỹ đều xuất cảng dầu để sống. Kinh tế Nga hiện đang suy thoái, tức là GDP giảm xuống thay vì tăng lên, sẽ bị thiệt 100 tỷ đô la nữa chỉ vì giá dầu xuống, tức là mất 5% tổng sản lượng nội địa. Iran cũng như Nga, vừa bị phong tỏa kinh tế, vừa lệ thuộc dầu lửa xuất cảng, GDP cũng sẽ giảm mất 5%. Venezuela, một nước đối nghịch với Mỹ cũng lâm nguy vì lệ thuộc tiền xuất cảng dầu; chưa kể là xứ Cuba cũng sẽ khốn khó vì lệ thuộc vào trợ cấp dầu lửa của Venezuela. Một thù địch của Mỹ hiện nay là Quốc Gia Hồi Giáo (Islamic State) đang hoành hành ở Iraq và Syria. Hiện nay nhóm dân quân này sống nhờ tiền bán dầu lửa, từ những nhà máy lọc dầu ở Syria, bán trong thị trường chợ đen quốc tế. Giá dầu xuống thì số vũ khí họ mua được cũng giảm.
Nhưng nước xuất cảng dầu mất thế khiến giới đầu tư quốc tế không muốn cho họ vay. Các công ty và ngân hàng ở Nga khi đi vay phải trả lãi suất cao hơn lúc bình thường. Vì giới đầu tư không biết tương lai kinh tế Nga sẽ xuống tới mức nào, và những xí nghiệp, ngân hàng đi vay tiền mai mốt có khả năng trả nợ hay không. Một hậu quả là trái khoán của các nước chuyên sống nhờ xuất cảng dầu đều mất giá, vì người mua không tin tưởng vào các giấy nợ đó nữa. Một trái khoán của chính phủ Venezuela vay bằng đô la Mỹ, đến năm 2027 mới đáo hạn phải trả lại vốn, nhưng trong ngày Thứ Tư, 10 tháng 12, 2014, đã xuống giá chỉ còn bán được với giá bằng 44%, tức là trái khoán 1000 đồng chỉ bán được giá 440 đồng, mặc dù ai mua đều được hứa hẹn sẽ được trả đủ 1000 đồng trong 13 năm nữa. Tương tự, một trái khoán của chính phủ Kazakhstan, đáo hạn trong 10 năm nữa, chỉ bán được với giá 90%.
Tình trạng dầu lửa xuống giá sẽ còn kéo dài, kinh tế các nước như Iran, Nga, Venezuela sẽ còn gặp khó khăn, vì Saudi Arabia vẫn tiếp tục bơm dầu lên, kéo theo cả khối OPEC không cắt giảm bớt số sản xuất. Tại sao Saudi Arabia không chịu ngưng bơm dầu để giữ giá cao? Vì họ đã rút kinh nghiệm những lần giảm sản xuất để giữ giá trong quá khứ. Mỗi lần Saudi Arabia giảm bớt dầu xuất cảng, thì các nước khác, kể cả nhiều nước trong khối OPEC vẫn lén bán dầu với giá thấp hơn. Thiệt hại tiền bạc không đáng kể, nhưng hoàng gia Saudi Arabia giận nhất là mỗi lần như vậy các nước khác đã nhân cơ hội chiếm mất các thị trường của họ, bằng cách cắt giá bán với những hợp đồng dài hạn.
Nhưng một lý do khiến năm nay Saudi Arabia không muốn giữ giá dầu cao là vì họ muốn “triệt hạ” một số công ty dầu lửa Mỹ, nhưng “đối thủ” đang đe dọa không những tiền bạc mà cả địa vị của Saudi Arabia trên thế giới. Ðó là các công ty Mỹ đang khai thác dầu bằng phương pháp mới, bơm dầu từ lòng khe đất đá chứ không cần tìm đến các túi dầu lớn. Ðúng ra, họ dùng chất lòng đẩy dầu ra khỏi các mạch đất, đá. Phương pháp này giúp các công ty bắt đầu khai thác các vùng đất đã bị bỏ qua trong thế kỷ trước, vì nơi đó có dầu nhưng không đọng lại trong các túi lớn để bõ công đào. Họ cũng khai thác lại những vùng có túi dầu nhưng đã cạn, bị bỏ hoang từ lâu, nhưng vẫn còn dầu đọng trong các mạch đất, đá.
Hoạt động này bắt đầu từ năm 2008, khi người ta khai thác mỏ dầu đầu tiên với kỹ thuật mới tại Cotulla, một thị trấn nhỏ nằm giữa thành phố San Antonio và biên giới Mexico, trong tiểu bang Texas. Trong những năm 2009, 2010, giá dầu lửa trên thế giới gia tăng khuyến khích người Mỹ đầu tư vào kỹ thuật mới nhiều hơn. Phương pháp mới đã giúp gia tăng số lượng dầu, khí sản xuất ở Mỹ, khiến nước Mỹ ngày càng bớt lệ thuộc vào dầu nhập cảng từ khối OPEC, kể cả Saudi Arabia. Năm 2008, nước Mỹ chỉ sản xuất 4.7 triệu thùng dầu thô mỗi ngày, năm nay con số lên tới 8.9 triệu thùng, gần gấp đôi. Tháng 8 năm 2008, các nước OPEC bán sang Mỹ 180.6 triệu thùng dầu. Tháng 8 năm nay, Mỹ chỉ còn mua của các nước này gần 93 triệu thùng, giảm gần một nửa. Nước Mỹ còn đe dọa địa vị của vương quốc Saudi khi nào bắt đầu xuất cảng dầu ra thế giới, một điều cho đến nay các công ty Mỹ vẫn bị cấm.
Chính phủ Saudi tính rằng chi phí hút dầu theo lối mới rất tốn kém; nếu giá dầu lửa xuống thấp thì sẽ tới lúc việc khai thác dầu theo lối mới không còn lợi nữa. Như vậy, chính các công ty dầu ở Mỹ sẽ bị đe dọa, phải ngưng sản xuất để khỏi lỗ vốn. Hơn nữa, các công ty này sẽ ngưng không đầu tư mở thêm các công trường hút dầu mới. Như vậy thì địa vị thống ngự thế giới bằng dầu lửa của Saudi sẽ vững vàng được lâu hơn. Vì thế, Saudi chấp nhận thu vào ít tiền hơn trong một năm, hai năm nữa, nếu cần.
Chiến lược dìm giá dầu của Saudi Arabia đã gây ra kết quả như họ mong muốn. Công ty Mỹ Continental Resources đang khai thác dầu theo lối mới ở North Dakota đã quyết định sẽ giảm ngân sách đầu tư trong năm tới bớt 600 triệu đô la, chỉ còn 4.6 tỷ đô la. Công ty ConocoPhillips cũng sẽ giảm bớt 20% trong ngân sách đầu tư mới.
Trận chiến sẽ còn tiếp diễn. Chính phủ Saudi Arabia muốn bảo vệ địa vị của họ trong thị trường dầu lửa, nên tiếp tục để cho dầu xuống giá cốt gây khó khăn cho các công ty dầu Mỹ. Nhưng hành động của họ sẽ làm hại cho ông Vladimir Putin nhiều nhất. Ông Putin sẽ chịu đựng được tới bao giờ? Thật ra, câu hỏi chính là: Dân Nga sẽ chịu đựng được ông Putin đến bao giờ?
No comments:
Post a Comment