Friday, October 10, 2014
Lại nghe quan chức Việt “nhả ngọc phun châu”
Có lẽ từ lâu, người dân Việt Nam đã không còn quá kinh ngạc trước những câu phát biểu của các chính khách, quan chức nước nhà. Kể cũng lạ, toàn những người bằng cấp đầy mình (nếu so với nhiều quốc gia thuộc hàng phát triển trên thế giới thì quan chức, chính khách Việt hơn hẳn về việc có nhiều bằng cấp, học hàm, học vị, nghe rất to, rất oai), vậy mà cứ hễ họ mở miệng phát ngôn thì hoặc là dốt nát, hoặc vô cảm, vô trách nhiệm, ích kỷ và nhất là hết sức coi thường nhân dân. Dường như họ luôn nghĩ nhân dân là một lũ ngu nên muốn nói gì thì nói!
Nếu mà kể cho hết những phát ngôn để đời, đạt tới tầm đỉnh cao…dốt nát hoặc gây sốc cho người nghe của chính khách, quan chức Việt trong những năm qua thì chắc không sao kể xiết.
Trong những ngày gần đây, lại thêm một số “lời vàng tiếng ngọc” của vị này vị kia khiến dư luận bức xúc.
Trong phiên họp Ủy ban thường vụ quốc hội vào cuối tháng 9 vừa qua, các đại biểu đã đưa ra thảo luận vấn đề về Quyền im lặng cho bị can và người bị tạm giữ, xét rằng đây lả một yêu cầu cấp bách cần được thực hiện sớm để đảm bảo công bằng cho những người bị tạm giam, tạm giữ, phù hợp với luật quốc tế. Thế nhưng, tiến sỹ luật và là Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Đại biểu Quốc hội khóa 13 Đỗ Văn Đương lại phát biểu:
“Quyền im lặng khác với quyền bào chữa. Quyền im lặng không phải quyền con người, mà quyền bào chữa mới là quyền cơ bản của người phạm tội trong tố tụng hình sự. Nó nhằm thực hiện chức năng gỡ tội”.
“Trong đấu tranh chống tội phạm, bao giờ cũng phải dung hòa giữa lợi ích nhà nước, công cộng và cá nhân. Nếu như quá chú trọng vào lợi ích của nhà nước thì quyền của người dân sẽ bị vi phạm, ngược lại nếu mở rộng quá nhiều quyền dẫn tới tùy tiện thì lại gây ra nhiều khó khăn, trở ngại cho công tác điều tra, giải quyết vụ án. Chính vì vậy phải dung hòa hai yếu tố này là bài toán khó mà nhiều nước quan tâm. Vì vậy, thực tế có nước quy định quyền im lặng, có nước không, hoặc nếu quy định thì cũng khuyến cáo người bị bắt nên thành khẩn khai báo”, ông Đương nói thêm” ("Quyền im lặng đưa vào Luật: Nên hay không nên?", VTV).
Ông Đỗ Văn Đương không biết hay cố tình quên rằng nạn ép cung, bức cung ở VN đã trở thành báo động, rất nhiều người khi bị đưa vào đồn công an tạm giữ để điều tra, thẩm vấn đã bị bạo hành đến chết, hay hàng loạt những vụ hàm oan do bị bức cung, điển hình là vụ ông Nguyễn Thanh Chấn phải ngồi tù oan 10 năm, chỉ vì họ không được quyền im lặng, được quyền có luật sư?
Nghe ông Đỗ Văn Đương nói “quyền im lặng không phải là quyền con người”, lại nhớ ông Nghị Hoàng Hữu Phước, cũng là đại biểu Quốc hội VN khóa XIII, cũng thuộc đoàn đại biểu TP.HCM, nói về Luật Biểu Tình tại Quốc hội ngày 17 tháng 11 năm 2011.
Ông Phước lập luận: “Biểu tình là để chống lại chính phủ….Biểu tình gây ra nạn tắc đường “xâm hại quyền tự do đi lại của người dân…”, “Biểu tình là ô danh… Việt Nam chưa phải là siêu cường kinh tế để có thể chi tiền đài thọ cho một sự ô danh”.
Và ông Phước thẳng thừng đòi bỏ Luật lập hội và Luật biểu tình ra khỏi chương trình nghị sự suốt nhiệm kỳ Quốc Hội khóa XIII.
Sao mà họ giống nhau thế, không chỉ về sự dốt nát mà cả sự coi thường con người, coi thường nhân dân.
Và chắc nhiều người cũng chưa quên, đại biểu Quốc hội Đỗ Văn Đương trước đây từng bị nhiều người đặt là "ông Nghị rau muống" vì cách so sánh khi bàn về…lạm phát tại kỳ họp Quốc hội khóa XIII tháng 8, 2011:
“Tôi đi các nước thấy giá tiêu dùng đắt đỏ, một đĩa rau muống xào ở Thượng Hải tới 200 nghìn, nhưng ở Việt Nam chỉ mấy chục. Trong nước tôi đi chợ rau muống ở đô thị có thể 5000 đồng/mớ, đi xuống vùng nông thôn chỉ 2000, xuống nữa có khi rẻ hơn… Rất nhiều hàng hóa của mình được giảm giá, đồng tiền của mình về Việt Nam được tự do, có giá trị. Cần xem lại đánh giá chỉ tiêu lạm phát này xem có đúng không, theo tôi không phải là cao nhất.”
Ngày 1.10, tại cuộc họp của Ủy Ban thường vụ Quốc hội về nợ xấu của ngành ngân hàng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý lại đặt câu hỏi:
“Tôi thấy ở Hàn Quốc người ta coi nợ xấu là của toàn xã hội, nên kêu gọi người dân đóng góp tiền, vàng để giải quyết nợ xấu. Chúng ta có học tập được không?”
Câu “gợi ý” này đã nhận được nhiều ý kiến bức xúc phản đối, ngay trên nhiều tờ báo trong nước hay báo chí ở ngoài nước, trên các trang mạng xã hội. Rằng ai làm nấy chịu, ngành ngân hàng lúc ăn nên làm ra, lợi nhuận khủng khiếp nhưng vẫn chỉ biết tăng lãi suất rất cao để hưởng lợi, chẳng hề chia sẻ gì cho người dân, còn khi làm ăn thất thoát, đổ bể, nợ xấu kinh hoàng như hiện nay thì lại "đề nghị" dân phải đóng góp để giải quyết? Mà đại đa số người dân thì vẫn còn đang phải vất vả kiếm sống từng bữa, phải oằn lưng gánh đủ thứ thuế, phí chồng chất, chưa đủ hay sao?
Ông Lý chắc cũng đọc báo, biết những câu chuyện thương tâm của dân mình như một em học sinh lớp 3 đang đạp xe đi học về, vì đói quá mà loạng quạng ngã xuống mương chết đuối; một người mẹ vì quá quẫn bách đã thắt cổ chết, phần để chồng con có chút tiền phúng điếu, phần để địa phương thương tình xét cho gia đình chị vào sổ hộ nghèo, có thể vay vốn làm ăn, vay tiền cho con đi học; một người bán vé số chỉ vì bị kẻ xấu lừa khoảng 3 triệu đồng (khoảng 150 U.S. dollar) mà phải tự tử v.v…
Đó là chưa nói đến việc ông Lý đưa ví dụ Hàn Quốc ra để so sánh là không đúng vì hai môi trường, hai hệ thống luật pháp, đường lối kinh tế…hoàn toàn khác, nghĩa là lại chứng tỏ mình dốt nát, ngồi dưới đáy giếng bàn chuyện trên trời, như một số quan chức khác ở xứ ta.
Và cuối cùng, trong buổi tiếp xúc cử tri Hà Nội trước kỳ họp Quốc Hội sáng ngày 6.10, người đứng đầu đảng cộng sản VN, ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lại có một câu phát biểu về việc chống tham nhũng khiến những ai có hiểu biết, và ưu tư trước tình trạng tham nhũng đã trở thành hết thuốc chữa ở VN, phải nổi đóa.
Ông Tổng Bí thư nói rằng: “chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước là kiên quyết chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, hư hỏng trong nội bộ.” Nhưng “xử lý trước mắt phải nghĩ lâu dài, giữ cho được ổn định để đất nước phát triển. Không phải xới tung lên tất cả, gây mất niềm tin, nghi kỵ lẫn nhau, rối loạn sẽ rất nguy hiểm.
"Phải bình tĩnh tĩnh táo, rất khôn ngoan, có con mắt chiến lược. Bác Hồ dạy rồi, cha ông ta dạy rồi, đánh con chuột đừng để vỡ bình, làm sao diệt được chuột mà bảo vệ được bình hoa. Tức là phải giữ cho được cái ổn định". (“Tổng Bí thư: Diệt chuột đừng để vỡ bình” (VietnamNet).
Nhiều blogger bình luận: nói như thế chả khác nào vẽ đường cho hươu (đám quan lại tham nhũng) chạy, bởi vì đám quan tham nhũng ấy nay biết rõ rằng quan điểm của người đứng đầu đảng cộng sản và cả chủ trương chống tham nhũng của VN vẫn sẽ là phải làm sao để duy trì sự ổn định, duy trì chế độ bằng mọi giá. VN sẽ không bao giờ dám làm mạnh vì sợ bứt dây động rừng, đổ bể tùm lum, dẫn tới mất kiểm soát tình hình. Như Liên Xô trước kia, biết là phải sửa chữa, cải cách bộ máy, thể chế, không làm không được, nhưng khi làm thì mọi chuyện vượt quá tầm kiểm soát, cuối cùng dẫn tới sự sụp đổ.
Việt Nam, bên ngoài thì đang đối diện với mối nguy cơ mất chủ quyền, thậm chí mất nước từ Trung Cộng, trong nước thì đủ thứ vấn đề nội bộ, nhưng nguy ngập nhất là nền kinh tế ốm yếu, khủng hoảng triền miên, nợ nước ngoài chồng chất. Trong một tình cảnh như vậy, lại thêm những người đang có vị trí cao nhất trong đảng, trong Bộ chính trị đều không có ai nổi trội về năng lực cũng không một ai nắm được quyền lực tuyệt đối, đương nhiên dàn lãnh đạo VN không dám mạnh tay như Tập Cận Bình của Trung Cộng.
Nên giải pháp của ông Tổng Bí thư và cũng là của đám lãnh đạo đảng và nhà nước cộng sản VN là chống tham nhũng nửa vời kiểu gãi ghẻ, nhằm giữ vững sự ổn định trên bề mặt. Đám quan lại, lợi ích nhóm do đó cứ việc ăn ngập họng, nhưng phải biết khôn khéo và phải chia chác cho đều để khỏi mất đoản kết, dẫn đến xáo trộn nội bộ.
Người dân còn nhớ trước đây ông Tổng Bí thư và Bộ chính trị đã không dám xử lý mạnh tay những sai phạm nặng nề của ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, cũng vì cái quan điểm, chủ trương nhất quán “sợ đập bể bình” đó.
Với những phát ngôn thể hiện tầm nhìn, trình độ kiến thức dốt nát, thói vô cảm cho tới quan điểm giải quyết mọi chuyện vẫn là đặt lợi ích của đảng, của chế độ lên trên hết, bất chấp quyền lợi của đất nước, dân tộc…từ người đứng đầu đảng cộng sản cho đến các quan chức từ trên xuống dưới như thế, chẳng có chút hy vọng gì trong thời gian trước mắt, VN sẽ có những bước đi thay đổi, thoát ra khỏi khu rừng rậm lạc hậu, bế tắc của sự lầm đường lạc lối lâu nay!
10/07/2014 - 20:47 — songchi
songchi's blog
No comments:
Post a Comment