Friday, October 10, 2014
Ebola: Hiểm họa vô hình
Ebola, do siêu vi khuẩn Ebola, đang là một bệnh dịch ở Tây Phi, có mức độ gây tử vong từ 40% đến 60%. Trong những năm gần đây trên thế giới, Ebola là dịch bệnh gây mức tử vong cao nhất so với các bệnh khác: bệnh lao 15%, sốt tê liệt 10%, SARS 9.6%, cúm heo 0.02%,...
Con người không sợ bất cứ một giống thú dữ nào, nhưng lại rất khó chống lại những sinh vật vô cùng bé nhỏ mắt thường không nhìn thấy, như siêu khuẩn Ebola.
Gần 200 công nhân quét dọn vệ sinh trên máy bay đình công ở phi cảng quốc tế Laguardia, New York, đêm Thứ Tư, vì lo ngại không được cung cấp đủ những phương tiện phòng ngừa chống sự lây nhiễm Ebola có thể xảy ra. (Hình:Spencer Platt/Getty Images)
Từ tháng 12 năm ngoái cho tới cuối tháng 9, có 7,200 người nghi ngờ nhiễm bệnh Ebola và 3,400 người đã chết. Con số nạn nhân có thể cao hơn vì nhiều trường hợp không được khai báo chính xác ở vùng này, do gia đình nạn nhân giấu không muốn làm cho những người láng giềng lo ngại xa lánh, hoặc không muốn để người chết bị nhân viên y tế lấy xác đem đi chôn tập thể.
Tổng Thống Obama gọi Ebola là “mối đe dọa cho an ninh thế giới” và đã phái 3,000 quân đội Mỹ qua Tây Phi trợ giúp cho công tác cứu trợ và ngăn chặn dịch bệnh lan rộng hơn. Một trong những nhiệm vụ chính của các binh sĩ Mỹ là xây cất những lều dùng vào việc cách ly người bệnh với xã hội xung quanh.
Nguyên nhân và hiện tượng Ebola
Siêu khuẩn Ebola được biết đến lần đầu tiên năm 1976 khi bệnh phát khởi cùng lúc tại Sudan và Zaire (bây giờ là Cộng Hòa Dân Chủ Congo), Ebola lấy của tên một con sông trong vùng. Trong lần dịch bệnh thứ nhất này 318 trường hợp nhiễm bệnh và 280 chết, tỷ lệ tử vong 88%.
Qua 38 năm đến nay Ebola tái xuất hiện 27 lần, hầu hết ở Phi Châu; 3 lần ở Philippines, 3 lần ở Hoa Kỳ, 1 lần ở Ý nhưng không có bệnh nhân nào thiệt mạng trong tất cả 7 trường hợp sau này. Trong những lần đó bệnh phát sinh ở các vùng hẻo lánh nên dễ dáng ngăn chặn không để lan rộng,
Lần này bệnh phát sinh từ cuối năm 2013 ở Gueckedou, Guinea và thoạt đầu ít được chú ý cho mãi đến khi dịch bùng phát mạnh mẽ vào tháng 8. Sự chậm trễ đối phó khiến Ebola lây nhiễm đến các thành phố dân cư đông đúc và việc ngăn chặn.trở nên rất khó khăn. Tây Phi là khu vực duy nhất hiện nay bị dịch bệnh. Liberia, Guinea, Sierra Leone là những nước bị tác động nặng nhất. Nigeria và Senegal đã có thể hạn chế tình trạng lây lan bằng việc thi hành những biện pháp phòng chống tích cực có hiệu quả.
Các nhà khoa học tin rằng siêu khuẩn Ebola lan truyền do một loài dơi mang đi từ các loài động vật như khỉ, hươu nai, khi được truyền đến người thì bệnh lan tràn mau chóng từ người này qua người khác do sự tiếp xúc..
Siêu khuẩn Ebola không gây ra bệnh ngay khi xâm nhập cơ thể, thời gian phát bệnh có thể từ 2 đến 21 ngày, được gọi là thời gian ủ bệnh. Do đó những trường hợp nghi ngờ có thể nhiễm khuẩn, nếu được theo dõi, thử nghiệm, điều trị liên tục mỗi ngày tới quá 3 tuần lễ mà không thấy phát bệnh thì được coi như đã qua khỏi.
Ebola có những triệu chứng của 2 bệnh mà người ta đã quen biết là thổ tả và sốt xuất huyết, Ebola tấn công vào 3 loại tế bào gan, mạch máu và bạch huyết cầu và những triệu chứng .nhận thấy trong từng bước.
Triệu chứng đầu tiên là lên cơn sốt, viêm họng, đau bắp thịt và nhức đầu; tiếp theo là ói mửa, tiêu chảy, phát ban, suy gan và hoại thận. Người ta dễ lầm bệnh với sốt rét, thổ tả, kiết lỵ, thương hàn, cúm và cách bệnh nhễm trùng khác. Cuối cùng một số người bệnh có thể đi đến tình trạng xuất huyết cả nội và ngoại, rồi chết.
Chữa trị
Chưa có loại thuốc nào được chính thức công nhận là có hiệu lực cho việc trị liệu hay phòng chống bênh. Tuy nhiên nếu được phát hiện sớm, người bệnh vẫn có nhiều cơ may qua khỏi nhờ sự chăm sóc chữa tri tùng triệu chứng với các phương pháp thông thường như cho dùng thuốc chống nóng sốt và tiếp nước biển.
Các nhà khoa học và các viện bào chế còn đang thử nghiệm qua động vật một số loại thuốc chủng, tuy nhiên trong tình hình khẩn cấp của dịch bệnh, Tổ ChứcY Tế Quốc Tế (WHO) đã chấp thuận một thủ tục khác thường là cho phép sử dụng những thuốc này với một số người bênh, nếu bác sĩ điều trị coi là nên cân nhắc giữa rủi ro dùng thuốc và triển vọng thoát nạn.
Lây nhiễm
Sự lan truyền Ebola chưa được hiểu rõ lắm, nhưng người ta tin rằng do sự tiếp xúc với chất lỏng từ cơ thể một con vật, một người bệnh, với dụng cụ y tế nhiễm trùng đặc biệt là kim và ống chích. Nhân viên y tế có đủ trang bị phòng ngừa cần thiết vẫn là những người bị rủi ro lây bệnh hơn hết. Cho đến nay 375 nhân viên y tế làm việc ở những nước Tây Phi bị nhiễm khuẩn và 211 người đã chết.
Ebola không lây nhiễm qua không khí, theo nghĩa người bệnh không làm nguy hại môi trường xung quanh. Nhưng lây nhiễm có thể do những phân tử nhỏ từ dung dịch của người bệnh như nước miếng khi người bệnh ho, nhảy mũi. Nước miếng của loài dơi được coi là một nguồn tự nhiên reo rắc vi khuẩn, vì những động vật khác thường ăn tiếp các trái cây đã do chúng bỏ dở.
Do đó phương cách ngăn ngừa hiệu quả duy nhất là cách ly bệnh nhân với mọi người. Tại Tây Phi cũng như những xứ nghèo, việc này rất khó thi hành đầy đủ vì thiếu bệnh viện, thiếu phòng, giường bệnh, xe tải thương. Nhưng ở những quốc gia kỹ nghệ phát triển như Hoa Kỳ và Tây Ậu, người ta tin rằng có thể ngăn chặn dịch nếu xảy ra bệnh.
Tuy nhiên với tính cách toàn cầu hóa của thế giới ngày nay, việc đi lại giữa các quốc gia và khu vực là dễ dàng, tiếp cận giữa dân chúng gia tăng, nên thực tế nỗ lực ngăn chặn Ebola lây lan là không đơn giản.Dù áp dụng các kiểm soát chặt chẽ vẫn không thề tránh khỏi những kẽ hở, những sơ sót và vì vậy tại Hoa Kỳ, tại Tây Ban Nha người ta đã ghi nhận có người nhiễm bệnh Ebola.
Tình hình hiện nay
Tại Tây Phi, dịch bệnh vẫn còn hoành hành và theo dự đoán của tổ chức MSF (Y sĩ không biên cương)
Y Sĩ Không Biên Cương Ebola có thể còn kéo dài 6 tháng nữa. Vào thời kỳ dịch bệnh hoành hành mạnh nhất trong tháng 9, mỗi ngày có khoảng 100 người nhiễm bệnh và phân nửa chết.
Tại Tây Ban Nha, người ta ghi nhận trường hợp nhiễm bệnh đầu tiên ở ngoài Tây Phi. Nữ y tá săn sóc cho một dì phước trong đoàn truyền giáo ở Tây Phi trở về có thử nghiệm dương tích vói Ebola. Theo sự nhớ lại của người y tá này thì cô ta đã sơ xuất sau khi săn sóc cho bệnh nhân, lúc tháo bao tay để chạm lên mặt.
Tại Hoa Kỳ, bênh Ebola đầu tiên tìm thấy ở Thomas Eric Duncan, 42 tuổi, từ Liberia đến Dallas. Duncan đã chết sáng Thứ Tư sau hơn một tuần lễ được săn sóc tại bệnh viện. Sự việc này cho thấy những biện pháp kiểm tra chặt chẽ đến đâu cũng vẫn không hoàn toàn ngăn chặn được dịch bệnh. Duncan đã qua kiểm tra ở Liberia trước khi lên máy bay đi Bỉ rồi qua Mỹ, và đã có triệu chứng nóng sốt đau bụng 5 ngày sau khi đến Dallas. Nhưng bệnh viện không nghi ngờ vì chưa thấy triệu chứng nôn mửa tiêu chảy và đã cho bệnh nhân về nhà tới 3 ngày khi đau nặng hơn phải trở lại mới khám phá ra Ebola.
Tất cả những ai đã tiếp cận với Duncan, hơn 30 người, đều được kiểm nghiệm và cách ly ít nhất 3 tuần lễ là thời gian ủ bệnh. Cơ quan y tế Dallas xác định cho đến bây giờ chưa phát hiện thêm người nào khác mắc bệnh. Trung Tâm Phòng Chống Dịch Bệnh (CDC) cam kết là sẽ ngăn chặn không để dịch bệnh có thể lan tràn. Tuy nhiên có nhiều dấu hiệu cho thấy dân chúng ở thành phố Dallas có hoang mang lo ngại. Một số người ở khu cư xá gần nơi Duncan đã cư ngụ bi chủ nhân cho tạm nghỉ việc. Nhân viên thiện nguyện tại nhà giữ học sinh nhỏ sau giờ học trong khu này kông tới làm việc. Trong thương xá gần đó nếu thấy có tiếng ho là mọi người tránh xa,.
Hoa Kỳ cũng đã ra lênh cho 5 phi cảng quốc tế kiểm tra tất cả hành khách từ Phi Châu tới, trong những biện pháp có việc đo thân nhiệt để xem có bị nóng sốt, triệu chúng đầu tiên của bệnh Ebola, hay không. LAX (Los Angeles) chưa ở trong số 5 phi cảng nói trên. Nhưng người ta thấy các hành khách trên các chuyến bay đều tỏ ra lo ngại khi thấy có người ói mửa, mặc dầu say máy bay là chuyện xảy ra bình thường từ trước đến nay.
Như thế dầu cho giới hữu trách y tế có giải thích hay trấn an cách nào, Ebola đã khiến nhiều người dân Mỹ không tránh khỏi lo sợ. Có thể nỗi lo lắng ấy là quá đáng nhưng sẽ không thể dứt nếu dịch bệnh Ebola còn tiếp diễn. Hy vọng rằng với những nỗ lực ngăn chặn tích cực đang được thi hành trên toàn thế giới, rủi ro Ebola sẽ kết thúc trong thời gian tối đa là 6 tháng nữa như dự đoán. Và cũng hy vọng là trước cuối năm nay, các nhà khoa học và các viện bào chế sẽ tìm ra và sản xuất đủ một loại thuốc chủng phòng ngừa và chữa trị hữu hiệu loại dịch bệnh nguy hiểm bậc nhất trong lịch sử. (HC)
10-09-2014 1:51:22 PM
Hà Tường Cát/Người Việt (tổng hợp)
Theo Người Việt
No comments:
Post a Comment