Saturday, October 18, 2014
Ðề phòng bệnh Ebola
Tòa báo nhận được rất nhiều email của độc giả Người Việt cầu chúc cô Nina Phạm sớm bình phục; cô là người đầu tiên ở Mỹ bị lây chứng bệnh Ebola, sau khi chăm sóc cho một người chết vì bệnh này tại Texas. Trong cơn hoạn nạn, mọi người Việt chứng tỏ tình thương yêu và đùm bọc lẫn nhau. Và cả thế giới cũng vậy, khi hàng ngàn nhân viên y tế các nước tình nguyện sang Châu Phi giúp điều trị và ngăn không cho bệnh Ebola lan tràn.
Nước Mỹ chưa bị đe dọa về một trận dịch bệnh Ebola; và cả thế giới cũng chưa, trừ mấy nước vùng Tây của Châu Phi: Guinea, Liberia và Sierra Leone. Nhưng chính quyền Obama đã bị chỉ trích vì ông giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa bệnh dịch tuyên bố quá mạnh mẽ trước khi có tin cô Nina Phạm bị bệnh. Ông Thomas Frieden đã nói rằng hệ thống bệnh viện ở nước Mỹ sẵn sàng chữa trị và đầy đủ biện pháp phong tỏa, ngăn không cho bệnh Ebola lây nhiễm. Sau cô Nina Phạm, một y tá khác là cô Amber Joy Vinson cũng bị lây. Lúc đó báo chí Mỹ mới tìm hiểu và cho biết rằng tại nhà thương hai cô làm việc, các y tá mặc bộ quần áo phòng ngừa đã lấy băng keo dán cho kín những chỗ hở. Người ta lại biết thêm rằng cô Vinson đã đáp máy bay đi xa, rồi từ Ohio trở về Texas, trước khi vào bệnh viện. Các hành khách đi cùng chuyến máy bay với cô Vinson được theo dõi, và hãng hàng không đã cho chiếc máy bay nghỉ sau khi đã khử trùng. Những chi tiết này cho thấy hệ thống phòng bệnh chưa hoàn toàn cẩn mật. Dân Mỹ mất tin tưởng vào mạng lưới y tế công cộng, mọi người coi ông Frieden và ông Obama có lỗi. Ðây là phản ứng bình thường của người dân một xứ dân chủ tự do. Những người cầm quyền phải chịu trách nhiệm về bất cứ sơ suất nào trong guồng máy cai trị; không thể đổ lỗi cho những người thừa hành.
Một nơi cũng bị dư luận phê phán là bệnh viện Texas Health Presbyterian tại Dallas. Hai cô y tá săn sóc bệnh nhân bị lây Ebola, cho thấy các biện pháp an toàn ở đó còn lỏng lẻo. Các nhân viên y tế không được cô lập hóa khi bệnh nhân Thomas Eric Duncan qua đời, cho tới khi biết một cô bị lây bệnh. Một người cháu của bệnh nhân viết thư ngỏ than phiền rằng đáng lẽ ông Thomas Duncan không chết, nếu được chữa trị ngay. Ông Duncan, 42 tuổi, từ Liberia sang Mỹ lần đầu, thăm người vợ cũ với một đứa con của ông đang ở Dallas. Bốn ngày sau, 30 Tháng Chín, ông lên cơn sốt và được xe cấp cứu đưa vào bệnh viện Texas Health Presbyterian. Phòng cấp cứu (ER) hỏi ông từ đâu tới, ông khai từ Liberia. Báo cáo đầu tiên nói rằng chi tiết này không được chuyển qua hệ thống EMR (dữ kiện y khoa điện tử) tới cho bác sĩ điều trị; nhưng sau đó bệnh viện đã cải chính. Bệnh viện cũng cho biết ông Duncan không khai rằng ông đã gần gũi một người nào bị bệnh tại Liberia; mà điều này bị nghi là sai sự thật. Chính phủ Liberia cho biết trước khi lên máy bay ông Duncan cũng khai ở phi trường như vậy; nhưng họ lại tìm ra rằng ông có đưa một người hàng xóm đi nhà thương và đưa về bằng taxi, mà người này sau đó đã chết. Gia đình ông Duncan vẫn quả quyết rằng ông không hề biết người ông giúp đưa đi nhà thương bị bệnh Ebola; khi ông khai ở phi trường cũng như khi vào bệnh viện Presbyterian tại Mỹ.
Lần đầu tới bệnh viện, ông Duncan được cho thuốc trụ sinh và uống Tylenol rồi cho về nhà ngay. Người cháu ông tố cáo rằng bệnh viện không muốn chữa trị ông lâu hơn vì ông không có bảo hiểm sức khỏe; nhưng nhà thương đã phủ nhận lý do đó. Theo hãng thông tấn Associated Press thì ngày đến khám bệnh lần đầu nhiệt độ của ông lên tới 103 độ F (39 độ C) và ông khai bị đau bụng.
Hai ngày sau, ông Duncan được xe cấp cứu chở vào nhà thương lần nữa, vì sốt nặng hơn và nôn mửa. Hai ngày sau, bệnh Ebola được xác nhận, và 8 ngày sau đó ông Duncan qua đời. Người cháu ông, một cựu quân nhân Mỹ đã dự chiến trường Iraq, viết cho nhật báo The Dallas Morning News, nói rằng điều đáng buồn nhất là gia đình ông chỉ biết ông chết qua các báo, đài, mà không hề được nhà thương báo tin.
Bệnh viện Texas Health Presbyterian thông cáo rằng việc chữa trị dành cho ông Duncan “theo đúng mức độ vẫn làm cho mọi bệnh nhân, dù thuộc quốc tịch nào, dù khả năng trả tiền ra sao.” Nhưng gia đình ông vẫn muốn lên tiếng để cảnh báo mọi người, để cái chết của ông không hoàn toàn vô nghĩa. Trong khi đó, bà Ellen Johnson Sirleaf, tổng thống Liberia, đã bênh vực hệ thống kiểm soát của phi trường, lên án người đã khuất vì ông ta khai man khi lên máy bay: “Một đồng bào của chúng ta đã bất cẩn, đã sang Mỹ khiến cho nhiều người Mỹ gặp nguy hiểm.” Bà nhấn mạnh đến sự trợ giúp của nước Mỹ trong công cuộc phòng chống bệnh Ebola tại Châu Phi.
Căn bệnh mang tên dòng sông Ebola, ở vùng Yambuku thuộc nước Congo, là nơi Bác Sĩ Peter Piot đã phát hiện loại vi trùng mới này lần đầu, năm 1976. Trong 36 năm tiếp theo, đã có 20 lần bệnh phát thành dịch, nhưng chỉ xẩy ra ở vùng thôn quê nên được kiểm chế. Năm nay, bệnh phát ra ở các đô thị, nhiều xóm nghèo, và loài người bây giờ cũng di chuyển nhiều và dễ dàng hơn nên dễ lan khắp nơi. Cả thế giới đang hỗ trợ các nước châu Phi trong công việc này, cũng vì lo cho chính họ. Tổng Thống Obama hứa sẽ cung cấp ngân sách hơn một tỷ Mỹ kim cho các nước Phi Châu để phòng bệnh. Chính phủ Anh đã hứa góp 200 triệu. Ngân Hàng Thế Giới dành ngân sách 400 triệu Mỹ kim, WHO sẽ dành một phần ba ngân sách, một tỷ Mỹ kim cho bệnh Ebola.
Nước Mỹ sẽ xây cất 17 căn trại để cô lập các bệnh nhân trong khi điều trị, mỗi căn chứa được 100 giường. Hiện đã có hơn 9,000 người được công nhận nhiễm bệnh, trong đó nhiều nhất là tại Liberia (47%), Sierra Leone (36%) và Guinea (16%). Ðã có hơn 4,500 người tử vong. Tại Nigeria, một trường hợp mắc bệnh Ebola được phát hiện và chính phủ nước này quyết liệt tổ chức việc phòng bệnh cẩn thận, hiện đã thành công không cho bệnh lan tràn.
Việc xây cất một căn trại cô lập 70 giường tốn 170,000 đô la. Chi phí điều hành sẽ tốn 15,000 đô la một tháng cho mỗi giường bệnh. Theo tổ chức Y Tế Quốc Tế WHO của Liên Hiệp Quốc thì muốn điều trị 50 người bệnh sẽ tốn khoảng gần một triệu đô la mỗi tháng. Ngoài nhà cửa, trang bị, khó khăn nhất là thiếu nhân viên y tế. Một trại 70 bệnh nhân cần 165 nhân viên.
Số tiền các nước viện trợ rất hữu ích nhưng Phi Châu cần nhân viên y tế còn hơn cần tiền. Hiện nay tổ chức từ thiện Médecins Sans Frontières (MSF, Y Sĩ Không Biên Giới) đã cung cấp người săn sóc hai phần ba số giường cho bệnh nhân Ebola trong vùng Tây Phi Châu. Tháng trước, chính phủ Autralia hứa tặng MSF hơn hai triệu đô la nhưng họ từ chối, nhấn mạnh rằng họ rất hoan nghênh nếu gửi các bác sĩ và y tá sang Phi Châu. Hai người tình nguyện của MSF đã bị lây bệnh, trong đó có một y tá người Pháp làm việc tại Monrovia, Liberia, nơi ông Thomas Eric Duncan cư ngụ, cũng là nơi nhiều người mắc bệnh nhất. Một người Na Uy tình nguyện cũng bị lây khi chăm sóc bệnh nhân tại Sierra Leone. Sau đó MSF đã buộc tất cả các nhân viên điều trị phải mặc đồ kín mít từ đầu đến chân. MSF, Y Sĩ Không Biên Giới, hiện có 240 người tình nguyện từ khắp thế giới hoạt động trong vùng, cùng với gần 3,000 người địa phương.
Những người tình nguyện biết rằng công việc rất nguy hiểm. Trong các nhà thương công ở các nước nhiễm bệnh đã có khoảng 430 y sĩ và y tá bị lây, 236 người đã chết. Cho nên phải khâm phục những người đang tự dấn thân làm việc thiện, nhất là từ các nước giầu có như Mỹ và Châu Âu. Những nước nghèo hơn cũng không chịu thua. Trung Quốc đã gửi 170 nhân viên y tế, Cuba hứa sẽ gửi hơn 400 người. Nhưng việc tuyển mộ rất khó khăn. Tổ chức từ thiện Cứu Trẻ Em (Save the Children) cho biết khi họ ngỏ ý gửi 28 nhân viên phục dịch sang Châu Phi, 21 người đã từ chối. Họ nhắc lại rằng khi bão Haiyan đổ vào Philippines năm ngoái thì không đủ chỗ máy bay đáp ứng số người tình nguyện.
Dân các nước Châu Phi là nạn nhân của 24% các bệnh dịch trên thế giới, nhưng số người làm việc trong ngành y tế chỉ chiếm 3%. Không huấn luyện đủ nhân viên y tế, các nước này còn bị nạn “chảy máu chất xám” (brain drain) khi các bác sĩ bỏ đi. Bác Sĩ Fuller Torrey, người Mỹ, mới trình bày mấy con số đáng lo ngại. Nước Liberia có 120 bác sĩ hành nghề, trong khi đó tại nước Mỹ có 56 bác sĩ vốn được giáo dục y khoa tại Liberia. Con số 56 người này không kể đến số bác sĩ đã di cư nhưng chưa đủ điều kiện làm việc. Trong năm 2010, theo Hội Y Sĩ Hoa Kỳ (AMA) thì cả nước Mỹ có 265,851 bác sĩ từng được huấn luyện tại nước khác. Tỷ số những người này là 10%, đã tăng lên thành 32% tổng số bác sĩ tại Mỹ. Trong số đó, có 128,729 bác sĩ đến từ những nước mà Ngân Hàng Thế Giới liệt kê vào số các nước nghèo hay lợi tức trung bình.
Tại nước Mỹ, mới chỉ có hai nhân viên y tế bị nhiễm bệnh, cả nước rung động và guồng máy chính quyền bị chỉ trích đã làm không đủ bổn phận. Tại các nước nghèo như ở Phi Châu, hay ở Việt Nam, người dân không có thói quen phe phán chính phủ như thế. Bệnh Ebola chưa lan sang Á Châu nhưng người ta cũng phải đề phòng. Các biện pháp đề phòng về y tế đã có các tiêu chuẩn quốc tế, đem áp dụng rất dễ dàng. Nhưng các phương pháp đề phòng chỉ hiệu quả khi chính quyền đáp ứng đúng nguyện vọng của người dân. Một nước chỉ có được chính quyền như vậy khi báo chí được tự do, người dân có ý thức và can đảm đòi quyền kiểm soát mọi hành động của guồng máy nhà nước. Ðó là một bài học cho những quốc gia chậm tiến, như nước Việt Nam, trong việc đề phòng bệnh dịch.
10-17-2014 6:53:06 PM
Ngô Nhân Dụng
No comments:
Post a Comment