Wednesday, September 24, 2014
Oanh kích ISIL tại Syria
Mục tiêu và hậu quả của việc Hoa Kỳ tấn công lực lượng ISIL tại Syria
Việc Hoa Kỳ không tập lãnh thổ Syria để tiêu diệt lực lượng khủng bố xưng danh “Nhà nước Hồi Giáo” (State of Islam, hay IS, ISIS hay ISIL) khiến ta liên tưởng đến chiến dịch mở rộng trận tuyến chống các sư đoàn Bắc Việt và căn cứ của tổ chức Cộng Sản xưng danh “Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam” tại Cambodia năm 1970.
Thời ấy, từ Tháng Tư đến Tháng Bảy, các đơn vị Hoa Kỳ và Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa tiến vào lãnh thổ xứ láng giềng và Tổng Thống Richard Nixon bên Ðảng Cộng Hòa bị dư luận thiên tả Hoa Kỳ kết án là mở rộng chiến tranh và tạo cơ hội cho quân Khờ-me Ðỏ bành trướng. Người ta bất chấp sự thể là phía Cộng Sản dùng lãnh thổ Cambốt làm bàn đạp tấn công các tỉnh miền Tây Nam của Việt Nam Cộng Hòa.
Thời nay, tình hình chính trị có đổi khác, quyết định của một Tổng thống Dân Chủ là Barack Obama được sự ủng hộ của dư luận và Quốc Hội Mỹ.
Tiếng nói lạc điệu lại xuất phát từ một nghị sĩ Cộng Hòa có tinh thần tự do cực đoan “libertarian” đến độ chủ hòa và tự cô lập. Ðó là Rand Paul của tiểu bang Kentucky với câu hỏi là việc oanh kích có cần được Quốc Hội cho phép không? Lập trường ấy thật không khác gì quan điểm chủ hòa bên cánh cực tả của Ðảng Dân Chủ. Nhưng họ không lên tiếng phản bác một tổng thống Dân Chủ, nhất là khi lực lượng ISIL đã chặt đầu hai nhà báo Hoa Kỳ khiến dư luận Mỹ đòi hỏi một phản ứng mãnh liệt hơn là những lời tuyên bố chung chung của Tổng Thống Obama.
Sau nhiều ngày đắn đo, từ mùng 10 đến 22 Tháng Mười, tối 22 Tổng Thống Obama cho quân đội tiến hành chiến dịch không tập lực lượng ISIL trong lãnh thổ Syria. Không quên bối cảnh chính trị ấy, “Hồ Sơ Người-Việt” tìm hiểu về mục tiêu và kết quả của một chiến dịch chưa có tên gọi. Tinh thần của mục này không nhắm vào thời sự dồn dập hàng ngày hàng giờ mà đi sâu vào bối cảnh chung để độc giả có cơ sở phán xét về nguyên nhân và hậu quả lâu dài của một biến cố.
Liên minh quốc tế
Khi thông báo với quốc dân vào chiều 22 giờ thủ đô Hoa Kỳ, tức là buổi tối giờ Syria, Tổng Thống Obama nhấn mạnh rằng Hoa Kỳ không đơn phương nhập trận mà có các nước đồng minh. Yếu tố “chính nghĩa” về ngoại giao và chính trị nằm ở đó.
Thật ra, yếu tố thực tế lại nằm trên tấm bản đồ hành quân của Ngũ Giác Ðài, của Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ.
Hoa Kỳ nằm bên này Ðại Tây Dương mà phải can thiệp vào miền Ðông của Ðịa Trung Hải, tạm gọi là Trung Ðông, nên cần có đồng minh. Trong chiến dịch ISIL này, đồng minh của Hoa Kỳ trong khối NATO gồm có Canada, Anh, Pháp, Ðức, Ý, Áo, Ba Lan, Ðan Mạch và Thổ Nhĩ Kỳ (Turkey), là chín nước đơn lẻ lên tiếng ủng hộ nước Mỹ, chứ không là cả tập thể NATO.
Trong số này, có hai thành viên NATO chỉ ủng hộ về tinh thần mà không tham dự việc oanh kích Syria, đó là Pháp và Thổ.
Hoa Kỳ có căn cứ không quân trong vùng Vịnh Ba Tư (tại Kuweit, Bahrain và Liên hiệp Các Tiểu Vương Quốc Thống Nhất UAE). Ngoài ra, hai đồng minh chiến lược của Mỹ là Anh cũng có căn cứ không quân tại đảo Cyprus và Pháp tại xứ UAE. Nhưng các căn xứ này lại nằm quá xa trận địa Syria, chưa kể đến sự lẩn tránh của Pháp - phải chăng vì có kiều dân bị quân khủng bố ISIL bắt làm con tin nên đang tìm cách chuộc mạng? Trong trận không tập, Hoa Kỳ chỉ có thể trông cậy vào nước Anh, một trong 28 thành viên NATO.
Chúng ta nên theo dõi chi tiết ấy để xem khả năng thuyết phục của nước Mỹ.
Trở lại bản đồ hành quân khi Ngũ giác đài chuẩn bị kế hoạch và chờ lệnh thi hành của tổng thống, với sự thật ngoại giao là việc Pháp cùng Thổ lánh mặt, Hoa Kỳ cần sự hỗ trợ của nhiều nước láng giềng với Syria, là các quốc gia Hồi Giáo. Tổng Thống Obama cho biết là có năm nước Hồi Giáo Á Rập đã sát cánh với quân lực Mỹ, đó là Bahrain, Jordan, Saudi Arabia, UAE và cả Qatar. Yếu tố ngoại giao và chính trị ở đây là Mỹ không một mình tấn công lãnh thổ của một quốc gia Hồi Giáo là Syria mà có sự tham gia của nhiều nước Hồi Giáo khác.
Dù sự tham gia này không đông đảo và ồ ạt như chiến dịch Bão Sa Mạc tấn công Iraq vào năm 1991 dưới thời Tổng Thống Bush cha để giải vây xứ Kuweit hay chiến dịch Iraq năm 2003 dưới thời Tổng Thống Bush con, việc có năm nước Á Rập sát cánh với Mỹ cũng là yếu tố đáng kể.
Trong ngày ra quân, thời sự cho biết là chiến dịch oanh kích gồm ba đợt.
Trước hết là các hỏa tiễn loại “thiềm du” (cruise missiles) từ các chiến hạm Mỹ tại Hồng hải và Vịnh Ba Tư bắn vào nhiều mục tiêu trong vùng phụ cận Aleppo và Raqqa tại miền Bắc Syria. Ðợt thứ hai là các chiến đấu cơ Raptor F-22, lần đầu tiên tham chiến, để oanh tạc Rappa, được coi là căn cứ địa của lực lượng ISIL. Ðợt thứ ba mới là các phi cơ Mỹ và Á Rập xuất phát từ hàng không mẫu hạm USS George H.W. Bush và từ các căn cứ của Jordan, Saudi Arabia, Bahrain và UAE. Qatar có gửi chiến đấu cơ vào trận, nhưng cho biết là không có vũ khí mà chỉ làm nhiệm vụ trinh sát.
Khi ấy ta đã có thể kết luận rằng khi truy lùng lực lượng ISIL từ lãnh thổ Iraq vào tới Syria, Hoa Kỳ vẫn phải giữ vai chủ chốt, nhưng liên minh quốc tế giải quyết được nhiều bài toán tiếp vận. Ðấy cũng là một yếu tố thành bại cho tương lai.
Trong khi chờ đợi giới chức quân sự Mỹ kiểm điểm kết quả của những ngày ra quân đầu tiên, “Hồ Sơ Người-Việt” chú ý đến vài trường hợp cá biệt có tính chất quyết định cho cả chiến dịch.
Những đồng minh bất ngờ
Hoa Kỳ tấn công lãnh thổ Syria để tiêu diệt một lực lượng khủng bố đang gây vấn đề cho chế độ độc tài của tổng thống Syria là Bashar al-Assad tại Damascus. Chế độ này từng bị Chính Quyền Obama kết án về tội diệt chủng khiến 200 ngàn thường dân bị giết, nhưng Mỹ chỉ kết án chứ không can thiệp để lật đổ như trường hợp lãnh tụ Muammar Ghaddafi tại Libya. Dù Hoa Kỳ có kín đáo yểm trợ vũ khí cho nhiều lực lượng chống al-Assad nhưng vẫn ngần ngại là vũ khí đó có thể lọt vào tay quân khủng bố, kể cả lực lượng ISIL.
Hoàn cảnh éo le ngày nay là Washington và Damascus lại có cùng một kẻ thù đang tung hoành trong lãnh thổ Syria. Chung một kẻ thù mà chưa là đồng minh.
Trong thực tế, Hoa Kỳ lặng lẽ “hòa giải”, hay hòa dịu quan hệ, với Syria.
Trước hết, khi tấn công quân ISIL tại Syria, chính quyền Mỹ không xin phép chế độ hiếu sát của al-Assad. Nhưng qua nhiều ngả kín đáo, kể cả đại sứ của Damascus tại Liên Hiệp Quốc, Mỹ vẫn thông báo là 1) không nhắm vào chế độ Damascus, 2) chỉ nhắm vào các mục tiêu quân sự và cơ sở kinh tế tài chính của ISIL. Người ta có thể đoán thêm rằng đôi bên có khi trao đổi thông tin về tình báo để bổ túc cho những gì mà hệ thống quân báo của Mỹ thu thập được từ các vệ tinh và máy bay tự động.
Kết quả là lực lượng phòng không của Syria đã án binh bất động, không theo dõi hoặc nhắm vào các chiến đấu cơ của Mỹ và đồng minh.
Thứ hai, trong đợt ra quân, Hoa Kỳ còn tấn công một lực lượng Thánh chiến Hồi Giáo không thuộc tổ chức ISIL mà liên hệ đến tổ chức al-Qaeda. Ðó là nhóm Khorasan, hiện dưới quyền chỉ huy của Mushin al Fadhli, một đặc công sinh tại Kuweit được al-Qaeda huấn luyện tại Pakistan. Nhóm khủng bố này nằm trong tầm nhắm của chế độ al-Assad tại Damascus, rồi bất ngờ được Chính Quyền Obama thông báo là đang có âm mưu tấn công Hoa Kỳ. Lần đầu tiên Mỹ chính thức nói đến nhóm Khorasan này là vào tuần trước khi Giám Ðốc Tình Báo Quốc Gia James Clapper công bố phúc trình về tình báo của Hoa Kỳ.
Vì vậy, chiến dịch tấn công ISIL tại Syria lại có nguyên do và hậu quả phức tạp hơn những gì chúng ta thường biết.
Trường hợp đáng chú ý thứ hai là Jordan. Quốc gia này là đồng minh chiến lược của Hoa Kỳ trong khối Á Rập, bị ISIL uy hiếp rất mạnh, nên dù có lực lượng không quân yếu ớt vẫn tích cực tham dự và công khai cho biết vai trò của các khu trục cơ Jordan trong chiến dịch. Thật ra, vị trí địa dư và căn cứ không quân của xứ này có tầm quan trọng rất lớn cho Hoa Kỳ, nhất là khi xứ Thổ tại miền Bắc lại từ chối tham gia chiến dịch.
Nhưng nếu việc một đồng minh chiến lược của Mỹ là Jordan tích cực tham gia thì vai trò của một đồng minh chiến lược khác lại có thể là vấn đề. Ðó là Israel.
Chiến dịch không tập vừa mở màn thì quân lực Israel bắn hạ một chiến đấu cơ của Syria loại Su-24 vì tội xâm phạm không phận Israel. Quan hệ giữa Syria và Israel vốn dĩ căng thẳng từ lâu và Chính quyền Israel đã từng tực tiếp tấn công Syria và can thiệp vào cuộc nội chiến tại đây, cho nên những vụ đụng độ nhỏ giữa hai nước không là chuyện lạ.
Nhưng lần này, sự trùng hợp về thời điểm khiến các đồng minh Á Rập của Hoa Kỳ rơi vào hoàn cảnh khó xử. Việc tiêu diệt lực lượng khủng bố ISIL thuộc hệ phái Sunni là điều mà dân Á Rập có thể đồng ý, nhưng nếu vì lý do đó mà lại sát cánh với xứ Israel của dân Do Thái thì chưa chắc là họ đã nhịn. Và chế độ al-Assad tại Damascus chưa chắc đã tin vào thiện chí hòa dịu của Mỹ.
Vì sao Israel lại ra đòn lúc này?
Sau cùng, một trường hợp đáng chú ý hơn nữa là xứ Iran, một đồng minh Hồi Giáo của Syria và cường quốc của dân Ba Tư theo hệ phái Shia đang có vốn liếng chính trị tại Iraq.
Nếu xứ Turkey, thành viên của NATO và đồng minh của Mỹ, lại đứng ngoài cuộc thì xứ Iran đối thủ của Mỹ lại sẵn sàng nhập trận để trừ khử một kẻ thù chung là tổ chức ISIL. Hoa Kỳ và Iran có nhiều mâu thuẫn trong quá khứ từ những năm 1979 trở về sau, nên không thể công khai hợp tác để giải quyết mối nguy ISIL. Nhưng hai quốc gia này có nhiều tài sản chính trị ở trong cuộc để tận dụng như chính quyền đa số Shite tại Iraq hay các chính quyền địa phương của dân Kurd.
Chế độ Tehran muốn Hoa Kỳ góp phần tiêu diệt mối nguy ISIL đang đe dọa chế độ Damascus, và hài lòng khi một đối thủ như Turkey lại đứng ngoài, nên có thể ngầm mong là có ngày Mỹ sẽ hòa dịu về hồ sơ vũ khí hạch tâm và ngầm hợp tác với mình để giải quyết bài toán ISIL...Phải chăng vì vậy mà lần đầu tiên từ 35 năm nay, tổng thống Iran đã gặp thủ tướng Anh nhân Ðại Hội Thường Niên của Liên Hiệp Quốc?
Kết luận ở đây là gì
Chúng ta cần tấm bản đồ của cả khu vực rộng lớn có gần hai chục quốc gia lớn nhỏ với những mâu thuẫn chồng chất từ nhiều thế kỷ.
Khi Hoa Kỳ ra quân, nhiều đồng minh lại đứng ngoài, vì tính toán quyền lợi của họ. Ngược lại, nhiều quốc gia lại tham dự cũng vì quyền lợi hay an ninh của mình. Sự thể phức tạp ấy là bài toán ngoại giao cho Mỹ, trong khi chiến dịch còn kéo dài và gây ra nhiều vấn đề mới cho một khu vực nhiễu nhương nhất địa cầu.
09-24- 2014 3:41:45 PM
Hùng Tâm/Người Việt
No comments:
Post a Comment