Wednesday, September 17, 2014
Mối lo kinh tế của Tập Cận Bình
Trong Tháng Tám 2014 số đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc xuống mức thấp nhất kể từ hơn bốn năm qua, giảm 14% so với cùng Tháng năm ngoái. Tổng số đầu tư 7.2 tỷ mỹ kim cũng thấp hơn 7.81 tỷ trong Tháng Bảy.
Giới đầu tư quốc tế la ngại về tương lai kinh tế Trung Quốc. Nhiều người Trung Hoa lại chuyển tiền ra nước ngoài tìm chỗ đầu tư. Cũng trong Tháng Tám, ngoại tệ ra khỏi các ngân hàng Trung Quốc vượt số thu vào hơn 5 tỷ đô la Mỹ (tương đương hơn 31 tỷ đồng nguyên), trong khi trong Tháng Bảy đã thu trội gần 38 tỷ (hơn 6 tỷ đô la).
Trong tuần qua thống kê về Tháng Tám được công bố cho thấy kinh tế Trung Quốc bấp bênh. Hai hiện tượng lớn báo hiệu kinh tế suy giảm là số sản xuất của các nhà máy xuống thấp và thị trường địa ốc vẫn tiếp tục suy yếu. Ðằng sau các vấn đề trên là một vấn đề lớn hơn: Giới lãnh đạo Trung Nam Hải sẽ giữ vững chính sách thay đổi cơ cấu nền kinh tế để được lợi lâu dài, hay sẽ trì hoãn các biện pháp cải tổ để thoát cơn nguy biến trước mắt.
Từ Tháng Tư, Bắc Kinh đã kích thích nền kinh tế bằng một số biện pháp giới hạn, như nới lỏng tín dụng cho nông thôn, xuất tiền cho các dự án xây nhà, và làm đường xe lửa; nhưng không hiệu quả. Thứ Hai tuần trước, thị trường chứng khoán Hồng Kông sụt giảm, đồng đô la Australia xuống giá, và giá mua trước dầu lửa trên thị trường London, New York đều sụt. Vì nếu kinh tế Trung Quốc sa sút thì Australia sẽ khó bán nguyên liệu quặng mỏ, và nhu cầu mua dầu khí trên thế giới cũng giảm bớt đáng kể. Các sự kiện trên diễn ra ngay sau khi Bắc Kinh loan tin số sản xuất của các nhà máy Trung Quốc chỉ tăng được 6.9% so với Tháng Tám năm ngoái; đây là tỷ lệ tăng trưởng thấp nhất kể từ năm 2009 là năm kinh tế toàn cầu suy thoái. Thêm vào đó, lại có tin số điện sản xuất khắp Trung Quốc giảm bớt hơn 2%, trong khi hàng tồn kho tại các xí nghiệp đang lên quá cao. Khi nhà nước đặt chỉ tiêu kinh tế tăng trưởng 7.5%, nếu sản xuất công nghiệp chỉ tăng dưới 7% thì tất cả phải báo động. Ðó là chưa kể mối lo về nợ xấu và khủng hoảng địa ốc, do chính sách cho vay bừa bãi trước đây tạo ra.
Thị trường địa ốc vẫn tiếp tục ứ đọng, sau mấy năm xây cất quá nhiều khu cư trú. Các công ty xây cất đang ngồi trông những dẫy nhà xây cất xong nhưng không bán được. Có tới 49 triệu căn hộ đã bán rồi nhưng không có người ở, vì người đầu cơ mua nhà không thể cho thuê. Trong tám tháng đầu năm 2014, tổng số nhà mua bán trị giá 3,430 tỷ đồng nguyên, tức 559 tỷ đô la; nhưng con số này đã giảm 11% so với năm ngoái. Và các số liệu địa phương cho thấy nạn trì trệ địa ốc đã lan từ các đo thị lớn tới các thành phố nhỏ. Mặc dù chính quyền tại 30 thành phố địa phương đã cố gắng kích thích bằng cách xóa bỏ một số điều cấm đối với những người mua ngôi nhà thứ hai, giảm bớt số tiền đặt cọc khi vay tiền mua nhà, vân vân, nhưng không giúp được gì.
Một phần năm đến 25% sản lượng kinh tế Trung Quốc tùy thuộc vào thị trường địa ốc. Trong Tháng Tám, các ngành công nghiệp đi xuống thuộc lãnh vực nguyên liệu xây dựng cũng như đồ dùng thiết trí nhà cửa. Số thống kê về sản xuất thép, kính phẳng làm cửa sổ, xi măng, máy giặt, máy phát điện, ti vi, và đồ đạc đều thấp.
Trước các số thống kê bi quan này, giới lãnh đạo Bắc Kinh phải tìm cách ngăn không cho thị trường địa ốc sụp đổ, tạo ảnh hưởng dây chuyền sang các hoạt động công nghiệp khác, có thể gây nên khủng hoảng, như đã diễn ra ở Nhật Bản đầu thập niên 1990 và ở Mỹ vào năm 2007.
Trước đây, kinh tế Trung Quốc vẫn dựa trên việc đổ tiền đầu tư vào các nhà máy và xây dựng, tạo công việc làm, mà không chú ý đến hiệu quả của việc kinh doanh có lợi hay không. Nhiều cơ xưởng được xây lên rồi khi sản xuất thì hàng không bán được. Các công ty quốc doanh không quan tâm đến lời lỗ bằng mối lo tạo công việc làm để tránh nạn thất nghiệp. Nhưng cứ xây dựng thêm các phi trường, xa lộ, đường rày và các vận động trường, thì đa số tài nguyên của quốc gia không được sử dụng vào các ngành sản xuất cho người dân tiêu thụ, có ích lợi hơn nhiều. Nhà nước chỉ huy và tham gia vào sinh hoạt kinh tế gây ra hậu quả là tài nguyên bị lãng phí vì không dùng trong các hoạt động ích lợi nhất. Các ngân hàng của nhà nước đưa tiền cho các doanh nghiệp nhà nước tiêu mà không cần tính toán đến lợi ích; số nợ chung ngày càng lớn. Nhưng một xí nghiệp cũng như một quốc gia không thể nào cứ đi vay mà sống mãi. Số nợ gia tăng với tốc độ nhanh hơn số doanh lợi một xí nghiệp, cũng như nhanh tỷ lệ tăng trưởng kinh tế quốc gia, sẽ tới lúc phải ngưng lại. Hiện nay các công ty Trung Quốc đang mang nợ tổng cộng tương đương với 14,200 tỷ đô la, tổng số nợ lớn bằng 250% tổng sản lượng nội địa. Số nợ xấu được công bố là 94 tỷ đô la, nhưng Oxford Economics tin rằng con số thật cao gấp hàng 100 lần, từ một đến hai ngàn tỷ đô la!
Từ năm ngoái, lo ngại trước số nợ không đòi được (nợ xấu) tại các ngân hàng gia tăng, đặc biệt là những món tiền vay để xây dựng và mua nhà rồi lỗ vốn, Bắc Kinh đã hạn chế tín dụng, nhất là cho đầu tư địa ốc. Các ngân hàng được lệnh giảm bớt số tín dụng; nhưng ngân hàng trung ương chỉ có thể can thiệp vào các ngân hàng chính thức. Bên cạnh còn có những hệ thống vay và cho vay ngoài ngân hàng, không thể kiểm soát hết được.
Vì vậy từ khi lên nắm quyền, ông Tập Cận Bình đã chủ trương phải cải tổ hệ thống tài chánh và ngân hàng.
Ông lưu nhiệm thống đốc Ngân Hàng Nhân Dân Chu Tiểu Xuyên (Zhou Xiaochuan) mặc dù ông đã quá tuổi 65 bắt buộc phải về hưu. Chu Tiểu Xuyên vẫn yêu cầu phải cải tổ hệ thống ngân hàng. Một thay đổi quan trọng ông đưa ra là xóa bỏ giới hạn lãi suất cho tiền ký thác, lâu nay vẫn giúp các ngân hàng thu được nguồn vốn rẻ tiền từ dân chúng gửi tiền. Với lãi suất hiện nay tối đa chỉ được lên 3.3%, người dân bị thiệt thòi nhưng các ngân hàng của nhà nước có dư tiền cho các doanh nghiệp nhà nước vay, và tiêu không đúng chỗ ích lợi nhất. Nếu các ngân hàng được phép cạnh tranh với nhau, trả lãi suất cao hơn để thu hút người gửi tiền, thì hậu quả đầu tiên là lãi suất cho vay cũng tăng theo. Nhưng nếu các ngân hàng vẫn bị buộc phải cho các doanh nghiệp nhà nước vay thì họ sẽ mất tiền và số lợi nhuận sẽ giảm. Họ sẽ cho các xí nghiệp tư nhân vay nhiều hơn hiện nay. Ngoài ra, việc cải tổ sẽ khiến các ngân hàng của nhà nước phải cạnh tranh với các ngân hàng tư. Hai khối ích lợi riêng là ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước đều chống lại việc cải tổ này. Thêm vào đó, các quan chức địa phương cũng chống, vì khi các ngân hàng làm ăn theo tiêu chuẩn lời lỗ thì các quan chức không thể can thiệp, ra lệnh họ cấp tiền cho các dự án xây dựng địa phương, một nguồn lợi mà các cán bộ muốn bảo vệ.
Vì vậy, việc cải tổ hệ thống tài chánh của hai ông Chu Tiểu Xuyên và Tập Cận Bình gặp nhiều trở ngại. Các cán bộ trung cấp chống cải tổ đã trì hoãn những hoạt động kinh tế nằm trong thẩm quyền của họ để gây khó khăn. Hơn nữa, chiến dịch chống tham nhũng của Tập Cận Bình cũng đang gây phản ứng khiến kinh tế trì trệ hơn; các cán bộ địa phương hoãn các dự án kinh tế, không chi têu để tránh không bị điều tra về tham nhũng sau này. Một guồng máy chạy bằng thứ dầu nhớt chính là tham nhũng, nay bị thiếu dầu thì trục trặc.
Cho nên bộ đôi Chu Tiểu Xuyên và Tập Cận Bình khó tiếp tục chương trình cải tổ. Từ gần hai năm qua họ hạn chế tín dụng để bắt buộc các xí nghiệp quốc doanh và ngân hàng chấm dứt dần cảnh họ tự do đưa tiền công quỹ cho nhau tiêu. Nhưng trong hoàn cảnh số sản xuất công nghiệp không tăng như dự trù, hai người sẽ phải tạm nưng việc cải tổ. Ngân hàng trung ương ở Bắc Kinh đã cung cấp cho Ngân Hàng Phát Triển một ngàn tỷ đồng nguyên, lớn bằng 162 tỷ mỹ kim, với lãi suất chỉ có 4.5%, với chỉ thị dùng để kích thích kinh tế. Ðặc biệt, là việc giao hoán này không công bố cho công chúng biết, mà chỉ xuất hiện trong các số thống kê thông thường. Họ sợ rằng người ta sẽ giải thích việc trao tiền trên là dấu hiệu nhà nước sẽ cho phép gia tăng tín dụng, và nạn vay và cho vay bừa bãi sẽ tái diễn mạnh hơn. Ðáng lo nhất là các ngân hàng sẽ nhân cơ hội lại đưa tiền cho các nhà xây cất và đầu cơ nhà cửa, thổi cho trái bong bóng địa ốc phổng lên to hơn, mối nguy bùng nổ sẽ lớn hơn. Ðể so sánh, nên nhớ lại vào năm 2008, để đối phó với cơn khủng hoảng địa ốc ở Mỹ, chính phủ Bush đã đưa ra một chương trình kích thích kinh tế đầu tiên chỉ có 168 tỷ mỹ kim; mà số tiền đó được trao thẳng cho người dân tiêu thụ, dưới hình thức hoàn lại thuế.
Nhưng chính phủ Trung Cộng không thể ngồi im nhìn kinh tế không đạt được chỉ tiêu phát triển 7.5% một năm, con số khiêm tốn so với những tỷ lệ 9%, 10% trước đây. Tập Cận Bình và Chu Tiểu Xuyên trước ngã ba đường trong việc lèo lái nền Kinh tế Trung Quốc. Họ sẽ phải quyết định giữa hai con đường, trong vòng một Tháng tới. Một là cương quyết đi trên con đường cải tổ, chấm dứt cảnh phí phạm tài nguyên quốc gia, thúc đẩy tiêu thụ thay vì chỉ xây cất các dự án không bổ ích; do đó tiếp tục giảm bớt việc cho vay tiền bừa bãi, cải tổ lãi suất và tạo thêm cạnh tranh giữa các ngân hàng tư và quốc doanh.
Con đường khác là hy sinh chương trình cải tổ để giữ cho kinh tế tăng trưởng được 7.5% bằng cách đổ thêm tiền cho các ngân hàng phí phạm nhưng bớt lo xã hội rối loạn vì nhiều người mất việc. Nếu hai ông Tập Cận Bình và Chu Tiểu Xuyên chịu lùi bước, thì kinh tế Trung Quốc sẽ tiếp tục càng ngày càng mất thăng bằng, đi tới gần vực sâu trước mắt khi các món nợ sấu khổng lồ hai ngàn tỷ đô la bùng nổ. Khi đó, không phải chỉ có người Trung Hoa gặp nạn mà kinh tế cả thế giới cũng bị tai họa. Vì thế nên giới lãnh đạo các nước lớn đều hoan hô khi ông Tập Cận Bình công bố chương trình cải tổ.
09-16- 2014 7:06:25 PM
Ngô Nhân Dụng
Theo Người Việt
No comments:
Post a Comment