Monday, August 18, 2014
Di sản lịch sử
Thế giới Ả Rập và vùng Trung Ðông ngày nay là di sản của sự “chia của” của hai đế quốc Tây phương, Anh và Pháp trong giai đoạn cuối của Ðệ Nhất Thế Chiến.
Năm 1915, Anh và Pháp, với sự đồng ý của Nga Hoàng, quyết định nhóm họp để bàn về việc “chia của” nếu họ thành công trong việc đánh bại đế quốc Ottoman của Hồi Giáo Thổ Nhĩ Kỳ. Cuộc điều đình được giao cho hai nhà ngoại giao, một là ông Francois Georges-Picot, đại diện cho Pháp, và một là Sir Mark Sykes, đại diện cho Anh. Thỏa thuận đạt được, có tên là Thỏa Thuận Sykes-Picot, phân chia vùng nay là Trung Ðông thành hai khu vực ảnh hưởng của hai cường quốc.
Anh Quốc được giao cho vùng nay bao gồm dải đất giữa Ðịa Trung Hải và sông Jordan, tức ngày nay là Jordan, miền Nam Iraq, và một khu vực nhỏ bao gồm các hải cảng Haifa và Acre để có thể có đường ra Ðịa Trung Hải. Pháp được giao cho vùng Ðông Nam Thổ Nhĩ Kỳ, miền Bắc Iraq, Syria, Lebanon. Nga, một partner nhỏ trong bộ ba này, sẽ được Istanbul, eo biển Thổ Nhĩ Kỳ và khu vực Armenia thuộc đế quốc Ottoman. Ba cường quốc này được toàn quyền phân định biên giới của các quốc gia bên trong khu vực này.
Trên thực tế, những quốc gia Ả Rập được dựng lên bởi Anh và Pháp, vì sau Cách Mạng Nga, Nga không còn dính đến Trung Ðông nữa, chỉ độc lập trên danh nghĩa. Chính vì vậy họ khó có được chính nghĩa.
Khi những người Âu Châu bỏ chạy, những người thừa hưởng quyền lực trong vùng là những nhà độc tài, miệng thì nói đến chủ nghĩa quốc gia, nhưng đã không thuyết phục được chính người dân của họ là họ có một chỗ đứng trong quốc gia.
Hơn thế, khi đặt ra những biên giới tạo nên những “quốc gia” hai đế quốc bất chấp những ranh giới cũ.
Những biên giới giả tạo này đã làm cho các quốc gia Ả Rập mới ra đời luôn phải đối phó với những đụng độ nội bộ dựa trên tranh chấp từ lâu đời giữa các bộ tộc và các giáo phái. Các lãnh tụ của họ, đi học ở Anh, ở Pháp, mở miệng ra là nói đến ngôn ngữ của quốc gia chủ nghĩa thời hiện đại, nhưng các quốc gia của họ chưa bao giờ thực sự thống nhất. Thành ra họ tìm cách chế ngự bởi một bộ tộc hay một giáo phái đè bẹp các nhóm khác.
Ðế quốc Ottoman, phát xuất từ một vùng đất đa giạng, biết cách đối phó với đa giạng. Khuôn mẫu chính quyền tản quyền của họ chấp nhận một hình thức đa nguyên tối thiểu thành ra chính trị ở trong đế quốc tạo đủ một thăng bằng giữa những bộ tộc và cộng đồng tôn giáo khác nhau. Nhờ vậy, trong giai đoạn đó, hơn hẳn bây giờ, các cộng đồng dung túng và chung sống với nhau, mặc dù nhiều khác biệt và hận thù cũ.
Khi những chế độ độc tài đó đổ vỡ vì ảnh hưởng của nền văn hóa Tây phương, nhưng trong mảnh đất cằn cỗi của vùng Trung Ðông nhiều nơi đã hơn nửa thế kỷ chỉ biết độc tài, dân chủ không thể nở hoa, mùa Xuân Ả Rập thất bại, phong trào Hồi Giáo quá khích chiếm ưu thế, và chúng ta chứng kiến sự bùng nổ của các khác biệt bộ tộc và giáo phái. Kết quả là trong khoảng trống chính trị đó, những phong trào không dựa trên một tổ quốc đã có chỗ tựa, nhất là trong những vùng đất đã trải qua quá nhiều xáo trộn.
Cái tự nhận mình là Islamic State in Iraq and Syria, tuy có vẻ hoàn toàn khác biệt một cách đáng sợ, chỉ là một thí dụ mới nhất. Và cũng chả có gì mới mẻ ở phong trào này cả. Lần cuối một liên minh các bộ tộc và những kẻ cuồng tín Hồi Giáo đã thay đổi bản đồ của Thế Giới Ả Rập là hồi năm 1925 khi lực lượng cuồng tín các dũng sĩ Ikhwan tràn ra lên toàn bán đảo Ả Rập để tạo ra một quốc gia Hồi Giáo quá khích mới mang tên Sheik Abdul Aziz Ibn Saud. Vâng quốc gia đó là Saudi Arabia, vẫn còn mang tên giòng họ al Saud.
Vào cuối giai đoạn đế quốc, chủ thuyết đã trở thành chế ngự trong thế giới Ả Rập là chủ thuyết quốc gia Ðại Ả Rập, đoàn kết những người quốc gia Ả Rập. Nó chinh phục được dư luận trong thế giới Ả Rập đang thèm khát niềm tự hào. Nhưng Ai Cập, Iraq và Syria chỉ nói đãi bôi cho Pan Arabia trong khi họ cố nhào nắn một tư cách quốc gia từ các giáo phái bộ tộc khác biệt nhau. Khi chủ nghĩa quốc gia Ả Rập bắt đầu thấy mất hào quang, một chủ thuyết không tưởng mới ra đời để thay thế “chủ nghĩa Hồi Giáo quá khích.”
Tuy mới nghe thì có vẻ lớn hơn bất cứ một quốc gia Ả Rập nào, nó không đoàn kết nổi thế giới Ả Rập.
Người Sunni và người Shiite có thể đồng ý một Hồi Giáo thống nhất, nhưng không đồng ý thống nhất theo lịch sử, thần học và luật lệ của ai sẽ định nghĩa Hồi Giáo thống nhất đó. Họ lại càng không đồng ý giáo phái nào sẽ lãnh đạo Hồi Giáo thống nhất.
Ngày nay, một tập hợp của Hồi Giáo quá khích (Islamism) và quốc gia chủ nghĩa đã định nghĩa chính trị Ả Rập. Và điều này giải thích sự tàn nhẫn của sự cách biệt giữa Sunni và Shiite. Những cá tính tôn giáo hồi sinh đang muốn đẩy bung biên giới nhà nước quốc gia vốn được dựng nên với giả thuyết của một sự chế ngự của chủ nghĩa quốc gia thế quyền.
Trong suốt thế kỷ thứ 20, những căng thẳng này đã được giữ không bùng lên nhờ sự áp chế của các chế độ độc tài, trong một trật tự vùng, đa số được sự ủng hộ của Hoa Kỳ. Nhưng khi các chế độ độc tài Ả Rập và trật tự đã giúp nó bền vững đã tróc gốc, trước là vì hành động của Hoa Kỳ ở Iraq, rồi sau là vì các cuộc nổi dậy của nhân dân thì nay cả cái trật tự vùng hậu Ðệ Nhất Thế Chiến đang bị tấn công bởi những tay quá khích đang pha trộn Hồi Giáo với mỵ dân, quốc gia chủ nghĩa và bài đế quốc.
Tổng Thống Barack Obama, hiểu rõ kẻ thù thực sự của Hoa Kỳ và có thể đe dọa Hoa Kỳ trong tương lai là Trung Quốc nằm bên kia bờ Thái Bình Dương, thành ra muốn bỏ kệ Trung Ðông với chính trị khó hiểu và vấn đề không sau giải đáp nổi cho dân chúng địa phương tự giải quyết lấy.
Nhưng thực ra những gì đang xảy ra nào có gì là quá lạ đâu. Và nó cũng không phải hoàn toàn là sản phẩm của lịch sử và văn hóa Ả Rập. Ðây thực ra là tiến trình mà Âu Châu đã khởi động cách đây một thế kỷ. Tân chủ nghĩa quốc gia theo sau đại chiến đã chỉ có thể bắt rễ ở những nơi nào của Âu Châu mà biên giới của quốc gia trùng hợp hơn với phân chia sắc tộc và ngôn ngữ.
Hãy nhìn vào vùng Balkan, vào giấc mơ đại Serbia. Giấc mơ đã dẫn đến Ðệ Nhất Thế Chiến, khi các nhà “ái quốc” Serbia âm mưu ám sát Ðại Công Tước Franz Ferdinand, sự xáo trộn sau đó đã giúp tạo thành một đại Serbia của liên bang Nam Tư. Nhưng chả bao lâu liên bang đó cũng tan rã thành nhiều mảnh nhỏ.
Với chủ nghĩa quốc gia và nhà nước quốc gia vẫn còn là định chế chính trị để phân chia thế giới, nếu muốn giải quyết vấn đề Trung Ðông thì ngoại trừ việc xé lẻ các “quốc gia” giả tạo mà các đế quốc Tây phương đã lập nên cho biên giới quốc gia bằng biên giới sắc tộc hay tôn giáo. Nếu không thì chỉ có phương thức chấp nhận đa nguyên thô sơ như đế quốc Ottoman thì mới có thể có hòa bình.
Nhưng nói thì dễ, làm khó lắm thay.
08-16- 2014 4:45:32 PM
Lê Phan
Theo Người Việt
No comments:
Post a Comment