theo Pháp luật TPHCM | 20/08/2014 07:38
Trung tâm Y tế TP Mỹ Tho (Tiền Giang), nơi chị ĐTĐ nhập viện với chẩn đoán viêm họng, viêm xoang, sau đó tử vong do SXH.
Do máy xét nghiệm máu của bệnh viện bị hư nên phải đưa mẫu máu bệnh nhân ra phòng khám tư để làm xét nghiệm?
Bệnh nhân nữ (32 tuổi) nhập viện với chẩn đoán sốt siêu vi, viêm xoang. Đến ngày thứ bảy bác sĩ mới phát hiện bệnh nhân bị sốt xuất huyết (SHX) nhưng lúc này Trung tâm Y tế TP Mỹ Tho (Tiền Giang) đã trở tay không kịp. Qua ngày hôm sau bệnh nhân tử vong do bệnh tình quá nặng. Chồng bệnh nhân muốn biết vì sao vợ mình đang bình thường bỗng nhiên tử vong để lại đứa con thơ tám tuổi.
Hết chẩn đoán viêm họng lại viêm xoang
Tiếp xúc với PV, anh CTK (39 tuổi, Tiền Giang) cho biết vợ mình là chị ĐTĐ bị sốt, ngày 6-8 chị đến khám tại Trung tâm Y tế TP Mỹ Tho (gọi tắt là trung tâm) với chẩn đoán viêm họng cấp, sốt ngày thứ hai và cho thuốc ra về. Ngày hôm sau chị tái khám và được chỉ định nhập viện với chẩn đoán sốt nhiễm siêu vi ngày thứ ba, viêm xoang, siêu âm bụng tổng quát chưa phát hiện bất thường.
Khoảng 3 giờ chiều 10-8, chị nói bác sĩ cho về nhà, sáng thứ Hai (11-8) vào trung tâm sớm (tuy nhiên lãnh đạo trung tâm nói rằng bệnh nhân tự về - PV). Sáng sớm 11-8, anh K. chở vợ đến trung tâm rồi đi làm “vì nghĩ bác sĩ nói sốt đến ngày thứ bảy sẽ hết và cho xuất viện”. Nhưng lúc 10 giờ cùng ngày, chị Đ. gọi điện thoại báo bác sĩ nói chị bị SXH, có thể chuyển viện. “Hơn 11 giờ tôi vào trung tâm thì thấy vợ ói, sốt vật vã, đi phân đen. Bác sĩ nói vợ tôi bị sốc không chuyển viện được. Khoảng hai giờ sau trung tâm chuyển vợ tôi qua BV tỉnh Tiền Giang. Lúc này vợ tôi được truyền máu, nước biển nên có phần tỉnh táo” - anh K. kể. Nhưng đến gần 5 giờ sáng 12-8, huyết áp chị Đ. tụt bằng 0 và chị đã ra đi. Cũng theo lời anh K. thì trong suốt thời gian vợ anh nằm ở trung tâm, máy xét nghiệm của trung tâm bị hư nên họ phải đưa mẫu ra phòng khám tư đối diện để làm!
Ca SXH bất thường?
Ngày 18-8, trả lời PV, ông Huỳnh Quan Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế TP Mỹ Tho, cho biết sau khi nhập viện, bệnh nhân Đ. được điều trị nhiễm khuẩn đường hô hấp và viêm xoang. Các xét nghiệm, siêu âm ngày 8-8 không thấy có dấu hiệu liên quan đến SXH; hồng cầu, tiểu cầu bình thường, không xuất huyết dưới da; X-quang thấy bệnh nhân bị viêm xoang. Nhưng đến ngày 11-8 (tức ngày thứ bảy của bệnh), bệnh nhân bắt đầu đau bụng, xét nghiệm máu thấy tiểu cầu giảm thì nghĩ đến SXH và đến trưa bệnh nhân rơi vào tình trạng sốc. Sau hai giờ xử trí sốc không giảm, bệnh nhân được chuyển qua bệnh viện tỉnh. Tại đây bệnh nhân được xử trí chống sốc và tỉnh táo, tuy nhiên sau đó bệnh nhân tái sốc nặng hơn và không qua khỏi.
Trả lời câu hỏi vì sao trung tâm không chẩn đoán đúng bệnh kịp thời dẫn đến bệnh nhân tử vong, ông Sơn giải thích: “Sáu ngày đầu bệnh nhân không có triệu chứng lừ đừ, xuất huyết, chảy máu chân răng… như nhiều bệnh nhân SXH khác nhưng đến ngày thứ bảy thì vào sốc do SXH. Đây là ca bệnh diễn biến bất thường nên không thể tiên lượng trước được”. Cũng theo ông Sơn, lúc trung tâm phát hiện ra bệnh nhân bị SXH là… kịp thời và bác sĩ đã xử trí đúng phác đồ. Về việc máy xét nghiệm máu hư, ông Sơn cho biết máy bị hư bộ phận bơm từ ngày 7-8, đến 12-8 mới khắc phục được. “Máy trung tâm hư nhưng trung tâm đã gửi mẫu đi nơi khác thực hiện” - ông Sơn nói.
Bác sĩ đã chủ quan
Chưa thỏa mãn với những gì ông phó giám đốc Trung tâm Y tế TP Mỹ Tho giải thích, PV Pháp Luật TP đã tìm gặp ông Nguyễn Hùng Vĩ, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Tiền Giang. Ông Vĩ nói trong vụ việc này “trung tâm làm đúng hết nhưng do bệnh nhân quá đông, bác sĩ giải thích chưa đầy đủ với người nhà bệnh nhân nên họ hiểu nhầm”. Ông Vĩ giảng giải: “SHX là một dạng sốt do siêu vi mà nhiễm siêu vi cũng có thể diễn biến thành SXH. SXH đến ngày thứ tư, năm thì triệu chứng mới rõ và có thể vào sốc, phải hồi sức cấp cứu để người nhà chuẩn bị tâm lý. Khi sốc phải xử lý tại chỗ chứ chuyển đi không an toàn”.
Qua tiếp cận hồ sơ bệnh án của bệnh nhân Đ., PV nhận thấy bệnh nhân nhập viện bốn ngày đầu nhưng trung tâm chỉ làm một xét nghiệm máu vào ngày 8-8. Trong hai ngày 9 và 10-8 (ngày thứ Bảy và Chủ nhật), bệnh nhân được bác sĩ ghi theo dõi SXH nhưng không có làm xét nghiệm cận lâm sàng. Đến ngày thứ bảy của bệnh, khi bệnh nhân có triệu chứng ngực trương to, ói, tiêu phân đen thì trung tâm mới làm xét nghiệm máu lần hai và làm tiếp hai xét nghiệm khác tìm SXH, lúc này bệnh đã tiến triển nặng.
Về vấn đề này, ông Vĩ cho rằng bác sĩ đã chủ quan vì chỉ theo dõi căn cứ lâm sàng trong hai ngày 9 và 10-8, cũng có thể bác sĩ thiếu kinh nghiệm. Khi bệnh nhân vào sốc, trung tâm cũng chưa tập trung cao độ để cứu bệnh nhân mặc dù họ làm theo đúng phác đồ. “Bác sĩ ở đây là bác sĩ đa khoa, không chuyên về bệnh nhiễm, mặc dù đã được tập huấn định kỳ nhưng vì không thực hành thường thì khi cấp cứu cũng chỉ giải quyết những vấn đề cơ bản mà thôi!” - ông Vĩ nói.
Về câu hỏi liệu khi đưa mẫu máu ra bên ngoài xét nghiệm thì có đảm bảo chất lượng, ông Vĩ khẳng định là vẫn đảm bảo chất lượng “vì nơi này đã được thẩm định, nhân viên phòng khám cũng từ bệnh viện tỉnh ra”. Cuối cùng ông Vĩ hẹn trong tuần này Sở Y tế tỉnh Tiền Giang sẽ họp hội đồng khoa học để đánh giá toàn diện ca tử vong và có câu trả lời chính thức.
Phải nghĩ đến SXH mới không chẩn đoán lầm
Nhờ những công nghệ mới, SXH có thể phát hiện được từ ngày đầu tiên bên cạnh khám lâm sàng. Nhiều bệnh nhân điều trị đến ngày thứ bảy sẽ an toàn, có người được xuất viện. Trong những ngày đầu bệnh nhẹ, bệnh nhân có thể không cần được lấy máu nhưng ngày thứ tư, năm, sáu của bệnh là những ngày nguy hiểm và cần lấy máu xét nghiệm. Tùy diễn tiến của bệnh mà lấy máu xét nghiệm một lần, hai lần hay ba lần/ngày. Thường người lớn chết trong bệnh cảnh xuất huyết, tiểu cầu giảm rất nhiều, nhất là ngày thứ tư, năm của bệnh. Tuy nhiên, quan trọng là bác sĩ có nghĩ đến SXH không để đi tìm. Chẩn đoán lầm là một trong những bốn nguyên nhân hàng đầu gây tử vong do SXH vì sẽ dẫn đến xử trí trễ.
BS NGUYỄN TRẦN NAM, Phó khoa Nhiễm, BV Nhi đồng 2 (TP.HCM)
Từ khi vợ tôi chết đến nay Trung tâm Y tế TP Mỹ Tho chẳng đến thăm hay gọi điện thoại chia buồn. Tôi đề nghị xin bệnh án để xem vợ tôi chết do đâu thì trung tâm không cho…
Anh CTK, chồng chị ĐTĐ - bệnh nhân chết do SXH
No comments:
Post a Comment