Cuộc sống mưu sinh cơ cực, ôm giấc mộng "đổi đời”, hơn hai trăm người ở huyện Kim Bôi (tỉnh Hòa Bình) đã xuất ngoại "chui” sang Trung Quốc làm ăn. Thế nhưng "đổi đời” chẳng thấy đâu, chỉ thấy hầu hết họ rơi vào cảnh tù đày, ngược đãi, bị lừa gạt và ôm nợ nần khi trở về quê hương.
Nộp tiền triệu để… ngồi trại giam
Bản người Dao Hạ Sơn (xã Tú Sơn, huyện Kim Bôi) nằm thỏm giữa núi rừng hoang vắng, thế nhưng có tới 38 người đã xuất ngoại "chui” sang Trung Quốc lao động. Khi trở về hầu hết họ đều trắng tay, thậm chí nợ nần chồng chất. Tiếp chúng tôi trong căn nhà cấp 4 tuềnh toàng, cũ nát nằm ở lưng chừng núi, anh Triệu Văn Hùng vẫn chưa thể quên được ký ức kinh hoàng những ngày nằm "bóc lịch” ở nơi xứ người. Cuộc sống vốn bần hàn, cơ cực, khi nghe lời giới thiệu đầy hấp dẫn về mức lương cao ngất ở Trung Quốc từ Lý Văn Thuận (trú tại xã Tây Phong, huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình), Hùng đã loé lên tia hy vọng đổi đời.
Để có được số tiền 4 triệu đồng "lộ phí” nộp cho môi giới, Hùng đã vay mượn khắp nơi. Còn chưa hết bàng hoàng, anh kể: "Sau khi nộp đủ tiền cho Thuận, Thuận cho xe ô tô đón em cùng hơn 30 người lên cửa khẩu Lạng Sơn. Sau đó, tất cả mọi người phải đi bộ vài tiếng đồng hồ luồn lách qua khu rừng âm u, vách núi treo leo để vượt biên sang Trung Quốc. Khi đến Trung Quốc, họ nhồi nhét chúng em vào chiếc xe ô tô tồi tàn ngồi mà không thể nhúc nhích. Mấy ngày liền đi dọc đường đói chỉ dừng xe nấu cơm với ít rau và ăn mì tôm rồi đi tiếp.
Sau vài ngày đêm vật vã mới đến tỉnh Phúc Kiến, tất cả chúng em được vào làm tại một xưởng giầy tư nhân. Ngày nào cũng vậy, bọn em phải làm từ 12 đến 14 tiếng mà họ cũng chỉ cho ăn cơm với vài miếng đậu, vài cọng rau. Làm việc cật lực đến cuối tuần mới có miếng thịt nhỏ tẹo trong bát cơm. Khổ vậy nhưng không ai dám kêu ca vì nếu phản ứng họ dọa sẽ báo công an bắt. Lao động cực nhọc đến ngày thứ 27 chuẩn bị nhận lương tháng đầu tiên thì nửa đêm khi mọi người đang say sưa ngủ, bất ngờ công an Trung Quốc ập vào xưởng kiểm tra. Nhiều người nhanh chân trốn thoát, còn em và khoảng 20 người bị dẫn giải về đồn công an. Sau đó chúng em bị giam trong căn phòng chật hẹp, tối om. Đến giờ ăn thì thò gáo ra có người đổ lẫn lộn cả cơm canh vào đó. Sau 78 ngày sống như địa ngục, trải qua nhiều trại giam khác nhau, người ta mới thả chúng em, trao trả về nước”.
Vừa kể, Hùng vừa nhìn xa xăm về phía thung lũng với ánh mắt buồn rười rượi: " Bị khốn khổ đã đành, giờ về nhà còn khoản nợ hơn 4 triệu đồng, lứa lợn con đang lớn định bán đi để lo tiền hành học cho con cái và mua thuốc chữa bệnh cho bố mẹ già, nay phải bán đi mà vẫn không đủ tiền trả nợ”.
Cùng chung cảnh ngộ, anh Lý Văn Quý (bản Hạ Sơn) cũng nghe lời người ta kháo nhau đi Trung Quốc làm thuê được trả tiền lương cao, từ 7 đến 10 triệu đồng/tháng. Với mong muốn có thu nhập đỡ đần vợ con, Quý cũng vay mượn số tiền gần 4 triệu đồng nộp cho môi giới rồi khăn gói lên đường xuất ngoại. Sau khi sang Trung Quốc, Quý được người ta đưa vào làm tại xưởng da giầy. Do bất đồng ngôn ngữ, nên anh không biết nơi mình làm việc là địa phương nào, không nói chuyện được với người dân. Làm được hơn 1 tháng chua kịp nhận lương thì Quý bị cảnh sát Trung Quốc bắt và giam cầm hơn 2 tháng mới được trả về nước không 1 xu dính túi. Giờ thì Quý phải bán hết những tài sản có giá trị trong nhà để trả nợ nên căn nhà càng trống hơ, trống hoác.
May mắn hơn, là trường hợp của vợ chồng Lý Tài Đức và Hoàng Ngọc Lan. Cũng xuất khẩu lao động "chui” sang Trung Quốc, cũng bị lừa gạt đến trắng tay nhưng đôi vợ chồng trẻ này không bị ngồi tù. Lý Tài Đức chia sẻ: "Chúng em vừa cưới nhau, muốn có ít vốn làm ăn sau này, lại thấy người làng rỉ tai nhau đi sang Trung Quốc làm lương cao, không cần giấy tờ gì nên hai vợ chồng bị "mê” luôn. Vay mượn được 6,4 triệu đồng nộp cho người môi giới để họ đưa sang Trung Quốc. Sau đó, chúng em vào làm tại một xưởng giày da. Vừa làm được một tháng thì bị người ta đưa đến xưởng khác ở Quảng Đông. Vậy là cả tháng lao động vất vả coi như không công. Chỗ mới cũng chẳng tử tế gì, người ta hứa trả 2.000 tệ/tháng, nhưng tháng đầu tiếp tục bị giữ lương. 3 tháng sau người ta cũng chỉ trả cho 2 vợ chồng vẻn vẹn 700 tệ. Ức quá nhưng không làm gì được vì nếu phản ứng họ sẽ đánh đập, thậm chí báo công an bỏ tù vì mình là lao động vượt biên trái phép. Sau đó, chúng em còn bị chuyển nhiều nơi khác mà không được công ty cũ trả lương. Quá cực khổ, vợ chồng em bỏ trốn tìm đường về Việt Nam. Mặc dù tay trắng về quê và phía trước là món nợ nhưng chúng em vẫn thấy còn may mắn hơn nhiều người khác.
Mất 4 triệu tiền làm "lộ phí” sang Trung Quốc, lại bị công an bắt giam nên cái đói, cái nghèo vẫn đeo đẳng gia đình anh Lý Văn Quý
Cần xử nghiêm những kẻ môi giới
Rời bản Tú Sơn, chúng tôi tìm đến bản Bà Rà ở xã Nật Sơn, nơi có nhiều người dân vốn đã nghèo nay lại càng đói khổ hơn khi lỡ tin lời kẻ xấu vay tiền sang Trung Quốc làm việc chui. Ông Trưởng bản Bà Rà thở dài: "Dân bản nghèo khổ, ít học nên khi thấy người ta bảo đi Trung Quốc làm ăn có tiền nên rủ nhau vay mượn để đi. Sang bên đó được một thời gian, người thì khổ cực quá không chịu được đành bỏ về, người thì bị công an bắt giam. Mấy tháng đi làm thuê cực khổ nhưng về nhà không ai có đồng nào. Nhiều người về phải bán trâu, bán bò để trả nợ tiền đóng phí môi giới vay lúc đi.
Thống kê của công an xã Tú Sơn, toàn xã có 53 người xuất cảnh "chui” sang Trung Quốc. Đến nay đã có 29 người trở về. Trao đổi về tình trạng trên, ông Bạch Công Luyện- Trưởng công an xã Tú Sơn thừa nhận, chưa bao giờ xã Tú Sơn lại xảy ra hiện tượng nhiều người cùng rủ nhau đi xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc như năm nay. Sau khi nắm bắt tình hình, Công an xã đã xuống các xóm, tổ chức các buổi tuyên truyền tại các cuộc họp thôn để bà con hiểu và không bị rơi vào bẫy.
Còn thống kê của Công an huyện Kim Bôi, toàn huyện có trên 200 người xuất cảnh lao động trái phép sang Trung Quốc, đa số đều ở lứa tuổi lao động. Theo tìm hiểu của phóng viên, các địa phương có nhiều người sang Trung Quốc lao động trái phép ở huyện Kim Bôi tập trung ở các xã Tú Sơn, Nật Sơn, Hùng Tiến, Nam Thượng, Bắc Sơn, Vĩnh Đồng… Hầu hết các lao động "chui” ở Trung Quốc họ phải làm việc rất vất vả lại bị quỵt lương. Mất công, giảm sức khỏe và bị mắc nợ nhưng tất cả đều ngậm ngùi, không dám kêu.
Theo ông Đào Anh Tuấn - Phó trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Kim Bôi, phần lớn các lao động đi sang Trung Quốc làm việc chui là do hoàn cảnh khó khăn, trình độ dân trí thấp nên khi nghe môi giới dụ dỗ "sẽ có lương cao” là họ nghe theo. Phòng LĐ-TB&XH đã xuống nắm bắt tình hình, gửi công văn khuyến cáo đến các xã, tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật, vận động nhân dân không nghe lời kẻ xấu và kêu gọi, vận động người thân về nước.
(20/08/2014)
Đức Sơn- Ngân Hà
Theo Đại đoàn kết
| |
No comments:
Post a Comment