Tuesday, July 15, 2014
Việt Nam, Philippines và Nhật coi Trung Quốc là mối đe dọa lớn nhất
RFI-Trọng Nghĩa
Các hành động của Bắc Kinh dùng sức mạnh áp đặt yêu sách chủ quyền trên biển ngày càng khiến cho các láng giềng của Trung Quốc lo ngại. Theo kết quả thăm dò dư luận của một trung tâm điều tra có uy tín được công bố hôm qua, 14/07/2014, Việt Nam, Nhật Bản và Philippines là ba quốc gia nơi dân tình coi Trung Quốc là mối đe dọa lớn nhất, và xem Mỹ là đồng minh đáng tin cậy nhất.
Trong bản nghiên cứu thường niên về dư luận toàn cầu Global Attitudes Project, Trung tâm nghiên cứu Mỹ Pew Research Center đã thăm dò dư luận ở 44 nước trên thế giới, trong đó có 11 nước châu Á : 3 quốc gia Nam Á là Ấn Độ, Pakistan, Bangladesh, nước Đông Bắc Á là Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản, cùng với 5 nước Đông Nam Á là Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam.
Cuộc thăm dò năm nay được tiến hành trong khoảng thời gian từ tháng Ba đến tháng Sáu năm 2014, vào lúc tình hình khu vực châu Á đặc biệt căng thẳng do các hành động quyết đoán của Trung Quốc nhằm áp đặt các đòi hỏi chủ quyền của họ trên hai vùng Biển Hoa Đông – chống lại Nhật Bản - và Biển Đông – chống lại Việt Nam, Philippines, Malayasia và Brunei, Đài Loan, cũng như trên vùng lãnh thổ thuộc bang Arunachal Pradesh của Ấn Độ.
Kết quả thăm dò tại 11 nước châu Á kể trên đã nêu bật hai điểm : Tâm lý lo ngại trước nguy cơ các tranh chấp lãnh thổ và biển đảo giữa Trung Quốc với các láng giềng bùng lên thành chiến tranh ngày càng tăng, trong lúc đa số cư dân các nước bị Trung Quốc trực tiếp lấn lướt đều xem Bắc Kinh là mối đe dọa lớn nhất, và Hoa Kỳ là một đồng minh đáng tin cậy nhất.
Về câu hỏi là nước nào được xem là mối đe dọa nguy hiểm nhất, Trung Quốc bị nêu bật tại 3 nước Việt Nam, Nhật Bản và Philippines. Theo kết quả thăm dò tại Việt Nam, có đến 74% người được hỏi coi Trung Quốc là một nước nguy hiểm, tại Nhật Bản tỷ lệ cũng gần như vậy (68%), kế đến là Philippines (58%).
Điểm được Trung tâm Pew đặc biệt ghi nhận là thiện cảm của người Việt Nam đối với Mỹ, cho dù hai bên từng trải qua một cuộc chiến. Kết quả thăm dò cho thấy là Washington đã được người Việt Nam xếp vào vị trí số một của các đồng minh đáng tin cậy trong tương lai, với một tỷ lệ 30%.
Hoa Kỳ không chỉ được người Việt coi là đồng minh số một. Tại 11 nước được thăm dò, Mỹ được xem là đồng minh khả tín nhất tại 8 quốc gia, với tỷ lệ tán đồng cao nhất tại Philippines (83%), Hàn Quốc (68%), Nhật Bản (62%), ba nước có hiệp định an ninh với Hoa Kỳ.
Chỉ có ba nước không chọn Mỹ là đồng minh : Trung Quốc – vốn thích Nga hơn và xem Mỹ là mối đe dọa nghiêm trọng nhất – và Malaysia, Pakistan, hai nước Hồi giáo, đã xem Trung Quốc là đồng minh hàng đầu, và xếp Mỹ vào diện nước nguy hiểm nhất cho họ.
Về vấn đề mang tính chất thời sự nóng bỏng là cuộc tranh chấp lãnh thổ và lãnh hải giữa Trung Quốc và các láng giềng, nỗi lo ngại về nguy cơ tranh chấp biến thành xung đột quân sự tồn tại ở mọi nước, kể cả tại Trung Quốc với 62% người được hỏi xác định là họ lo ngại, so với 34% dửng dưng.
Lo lắng hơn cả dĩ nhiên là dân chúng tại Việt Nam, Nhật Bản và Philippines, ba nước đang là đối tượng của các hành động lấn lướt của Trung Quốc. Lo ngại nhất chính là Philippines với 93% người được hỏi có thái độ quan ngại, theo sau là Nhật Bản, với 85%, và Việt Nam, 84%. Hai nước khác cũng sợ chiến tranh nổ ra là Hàn Quốc 83%, và Ấn Độ 72%.
Trung tâm Pew đặc biệt ghi nhận là 61% người được hỏi tại Philippines, và 51% tại Việt Nam đã khẳng định rất lo ngại về nguy cơ chiến tranh.
Trung tâm nghiên cứu Mỹ đã giải thích thái độ quan ngại kể trên bằng thực tế trên hiện trường : Căng thẳng lên cao giữa Hà Nội và Bắc Kinh từ khi Trung Quốc đưa giàn khoan HD-981 vào vùng biển của Việt Nam, trong lúc giữa Trung Quốc và Philippines, quan hệ trở nên gay gắt từ ngày Trung Quốc giành quyền kiểm soát trong thực tế bãi Scarborough trong vùng đặc quyền kinh tế Philippines.
Với Nhật Bản, đó là tranh chấp dai dẳng về quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên Biển Hoa Đông. Riêng với Ấn Độ, hồ sơ gây căng thẳng là vùng Aranuchal Pradesh ở miền Đông bắc mà Trung Quốc cho là của họ.
No comments:
Post a Comment