Wednesday, May 28, 2014
Việt Nam tính chiến lược dài hạn đối phó với Trung Quốc
HÀ NỘI (NV) - Việt Nam đang chuẩn bị một chiến lược dài hạn đối phó với Trung Quốc để Bắc Kinh từ bỏ những hành động xâm lăng tương tự trong tương lai.
Ðây là một số điều được ông Carl Thayer, một chuyên viên về Việt Nam của Học Viện Quốc Phòng Hoàng Gia Úc, phân tích trong một bài viết trên tạp chí thời sự The Diplomat. Trong đó, ông tiết lộ Hà Nội từng đề nghị những cuộc họp tay ba gồm cả Mỹ, Nhật và Việt Nam hợp tác đối phó với Trung Quốc trên Biển Ðông.
Một chiếc tàu hải cảnh của Trung Quốc phun vòi rồng tấn công một tàu kiểm ngư của Việt Nam trong cuộc đối đầu vụ giàn khoan HD 981, phía Nam quần đảo Hoàng Sa hồi tuần qua. (Hình: AP/Photo)
Ông và một số chuyên viên khác về các vấn đề Việt Nam và Trung Quốc tới Hà Nội những ngày gần đây, được tham khảo ý kiến với hy vọng tìm giải pháp đối phó nào ít xấu nhất.
Ông Thayer dựa trên những trao đổi riêng tư với một số viên chức chính quyền và chuyên viên an ninh quốc phòng, viết rằng, “Việt Nam đang lập kế hoạch dài hạn để ngăn cản Trung Quốc đừng tái diễn những trò tương tự như đưa giàn khoan HD981 cắm ở phía Nam quần đảo Hoàng Sa bất chấp sự chống đối quyết liệt của Việt Nam.”
Những gì được ông Thayer nêu ra chỉ là một số ý kiến đang được bàn tán qua lại, hiện không phải là chính sách chính thức được nhà nước Việt Nam chấp thuận.
Cốt lõi của chiến lược đang được chuẩn bị là tránh kình chống trực diện với Trung Quốc mà chỉ nhằm ép họ đem giàn khoan HD 981 ra khỏi vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Các chiến lược gia của Việt Nam cũng muốn ngăn cản Bắc Kinh có các hành động tương tự trong tương lai.
Hiện nay người ta thấy Việt Nam đang cân nhắc hai chiến lược nhằm răn đe Bắc Kinh.
-Thứ nhất, dùng đòn bẩy của mối quan hệ liên minh giữa Hoa Kỳ với Nhật Bản và Philippines.
-Thứ hai, trong trường hợp xảy ra xung đột võ trang, thì “cả hai đều bảo đảm thiệt hại.”
Các giới chức Việt Nam nhấn mạnh trong các cuộc thảo luận riêng tư rằng tất cả các hoạt động được thực hiện theo chiến lược mới này sẽ hoàn toàn minh bạch để giảm thiểu tính toán sai lầm từ Trung Quốc.
Mục đích chính của chiến lược mới của Việt Nam không phải là để đối chọi với Trung Quốc, mà chỉ là răn đe họ bằng cách tạo ra những tình huống mà Bắc Kinh phải lựa chọn, hoặc giữ nguyên trạng (tuyên bố tranh chấp chủ quyền) hoặc leo thang. Theo chiều hướng này sẽ nguy hiểm cho Trung Quốc vì lực lượng Việt Nam sẽ hoạt động bên cạnh hai đồng minh của Mỹ theo đuổi hòa bình.
Trước khi xảy ra vụ giàn khoan HD981, Việt Nam đã đề nghị cuộc đối thoại an ninh tay ba với Hoa Kỳ và Nhật Bản. Ðiều này được Nhật Bản tiếp nhận với sự dè dặt nhưng hiện đề nghị vẫn còn đang để trên bàn chứ chưa bị bác bỏ. Trong tình thế hiện tại, một cuộc dàn xếp tay ba có thể dùng như lộ trình để tiến đến một chiến lược đa quốc gia răn đe Trung Quốc.
Việt Nam đã tiếp cận Nhật Bản và Philippines trong nỗ lực nâng cao sự tương tác, phối hợp giữa các lực lượng trên biển của họ, gồm cả cảnh sát biển và hải quân.
Việt Nam hy vọng diễn tập chung và các hình thức diễn tập khác trên biển, gồm cả tuần tra chung trên Biển Ðông. Các cuộc diễn tập chung sẽ diễn ra ở xa vị trí đang có sự căng thẳng. Chúng có thể diễn ra trên biển xa và ở vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam nhưng có cái đường “lưỡi bò” của Trung Quốc vắt ngang.
Việt Nam cũng đang cân nhắc tiếp cận Hoa Kỳ. Một trong những đề nghị là tiến hành thỏa hiệp hợp tác lực lượng Cảnh Sát Biển của hai nước. Tàu Cảnh Sát Biển Mỹ có thể được đưa tới vùng biển Việt Nam tập huấn chung. Mỗi bên có thể trao đổi quan sát viên.
Việt Nam gần đây ký tham gia Sáng Kiến Chống Phổ Biến Võ Khí Sát Thương Hàng Loạt. Ðiều này cho Việt Nam cơ hội được Mỹ yểm trợ phát triển khả năng tuần tra vùng biển của mình. Trước đây từng có tin Việt Nam muốn mua máy bay tuần tra biển Orion P-3 của Mỹ. Hoa Kỳ có thể cho một máy bay tuần tra làm hàng mẫu mà Việt Nam dự tính mua để bay biểu diễn với các viên chức quân sự Việt Nam ngồi trên đó.
Thêm nữa, các máy bay tuần tra biển không võ trang của Hải Quân Mỹ trú tại Philippines (theo thỏa hiệp tăng cường hợp tác quốc phòng Philippines-Mỹ mới ký gần đây) có thể được đưa tới Việt Nam tạm thời. Họ có thể có những chuyến bay tuần tra biển chung với Việt Nam. Viên chức Mỹ có thể bay trên máy bay tuần tra của Việt Nam và ngược lại.
Các viên chức và phân tích gia của Việt Nam dự đoán Trung Quốc còn biểu diễn các hành động ngang ngược trên Biển Ðông ít ra là từ tháng 5 đến tháng 8. Ðây là cơ hội để Hoa Kỳ và Nhật Bản tổ chức một số cuộc tập huấn hải quân và bay tuần tiễu trên biển với Việt Nam trước khi có lực lượng Trung Quốc xuất hiện trong khoảng thời gia vừa kể. Chi tiết về các hoạt động sẽ hoàn toàn minh bạch đối với các nước trong vùng, kể cả Trung Quốc.
Chiến lược gián tiếp của Việt Nam cung cấp cơ hội cho Hoa Kỳ bày tỏ quan điểm thực tiễn từng loan báo là chống chủ trương ép buộc hay đe dọa để giải quyết tranh chấp lãnh thổ.
Chiến lược gián tiếp của Việt Nam không đòi hỏi Mỹ phải kình chống Trung Quốc trực tiếp. Chiến lược này đẩy trách nhiệm về phía Trung Quốc để nước này quyết định nên hay không nên gánh cái sự nguy hiểm khi tấn công một lực lượng Hải Quân và Không Quân của Việt Nam với những nước khác phối hợp hoạt động gồm Hoa Kỳ và các đồng minh Philippines và Nhật Bản.
Chiến lược thứ nhì của Việt Nam có thể là răn đe “cả hai bảo đảm bị thiệt hại” khi tình thế giữa Việt Nam và Trung Quốc tồi tệ đến mức xảy ra xung đột võ trang.
Các chiến lược gia Việt Nam biện luận rằng mục đích của chiến lược này không phải để đánh bại Trung Quốc mà chỉ gây thiệt hại đủ nghiêm trọng và tâm lý bất an để hãng bảo hiểm hàng hải quốc tế Lloyd's đòi bảo phí tăng vọt và các nhà đầu tư tại Trung Quốc bỏ chạy.
Theo chiến lược này, nếu xung đột võ trang xảy ra, Việt Nam sẽ ưu tiên đánh các tàu hàng mang cờ Trung Quốc và các tàu chở dầu hoạt động ở vùng cực Nam Biển Ðông. Việt Nam hiện có hỏa tiễn phòng vệ biển (mua của Nga) có khả năng bắn tới căn cứ hải quân Trung quốc trên đảo Hải Nam và ở đảo Phú Lâm trong quần đảo Hoàng Sa.
Một số chiến lược gia Việt Nam cũng biện luận rằng Việt Nam nên mua nhanh chóng một số lượng lớn hỏa tiễn tầm xa có thể bắn tới Thượng Hải hoặc Hồng Kông. Trong trường hợp chiến tranh xảy ra, hai địa danh vừa kể và các thành phố khác có thể là mục tiêu bị tấn công để gây xáo trộn lớn lao cho nền kinh tế Trung Quốc. Ðiều này sẽ gây tác động đến toàn cầu. Các nhà kế hoạch của Việt Nam tin rằng các cường quốc sẽ can thiệp để chống lại tham vọng bành trướng của Bắc Kinh. (TN)
05-28- 2014 5:52:21 PM
No comments:
Post a Comment