Wednesday, May 14, 2014
'Tôi chỉ muốn góp sức cho chủ quyền'
Một công nhân tham gia vào cuộc biểu tình chống hành động của Trung Quốc trên Biển Đông nói với BBC rằng anh ‘chỉ muốn góp sức với mọi người để đấu tranh với Trung Quốc thôi’.
Liên tục trong các ngày 12, 13 và 14/5, tại các khu công nghiệp thuộc tỉnh Bình Dương và Thành phố Hồ Chí Minh đã xảy ra các cuộc đình công, biểu tình chống Trung Quốc.
Các cuộc biểu tình này, được cho là thu hút đến hàng chục ngàn người, có nơi đã trở thành bạo động với các hành động đập phá, đốt nhà xưởng và thậm chí cướp bóc.
Các hành động bạo động này đã nhận nhiều sự chỉ trích của cộng đồng mạng.
‘Tự ý bản thân’
"Tất nhiên (biểu tình) cũng sợ, ảnh hưởng đến kinh tế gia đình thì sao không sợ?"
-Hoàng Đình Thái, công nhân công ty giày Pou Yuen
Trao với BBC Việt ngữ khi đang trên đường biểu tình cùng với các đồng nghiệp của mình ở huyện Bình Tân, phía Tây Thành phố Hồ Chí Minh, một công nhân có tên là Hoàng Đình Thái nói hành động của anh là ‘tự ý của bản thân’ và ‘không có ai kêu gọi, vận động’.
“Chiều nay (14/5) tôi mới tham gia (biểu tình) do được nghỉ làm,” anh nói.
“Bây giờ nước mất nhà tan thì công việc đâu mà làm nữa,” anh nói thêm, “Trung Quốc phải rút khỏi Việt Nam thì chúng tôi mới làm lại.”
Anh Thái năm nay 37 tuổi, quê ở huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa, và hiện đang là công nhân của Công ty giày Pou Yuen thuộc sở hữu của Đài Loan đóng tại Quận Bình Tân.
Khi được hỏi lý do vì sao lần này có nhiều công nhân cũng xuống đường giống như anh, người công nhân này nói: “Lần này cả thế giới ủng hộ mình thì mình đâu có gì phải sợ nó để cho nó leo thang như vậy đâu.”
"Bất cứ người Việt Nam nào cũng bức xúc với hành động của Trung Quốc bởi vì vườn cây nhà mình, trái nhà mình mà người khác vô hái mà chưa được sự đồng ý của mình thì mình rất là bức xúc và phẫn nộ."
Anh mô tả cuộc biểu tình của nhóm của anh ở Bình Tân là ‘chưa được ý thức lắm’ nhưng cũng ‘chưa thấy gì đến mức độ phải có sự can thiệp của Nhà nước’.
Theo anh thì những người biểu tình đã hô những khẩu hiệu như ‘Đả đảo Trung Quốc’, ‘Việt Nam muôn năm’ và ‘Hồ Chủ tịch muôn năm’.
“(Cuộc biểu tình này) sẽ giúp có lòng tin cho cảnh sát biển ngoài kia có năng lực hơn, có sức mạnh hơn để mà gìn giữ thềm lục địa của mình,” anh nói.
‘Cũng sợ’
Khi được hỏi có sợ việc biểu tình ảnh hưởng đến công việc và cuộc sống của bản thân hay không, anh cho biết: “Tất nhiên mình đã xác định nghỉ việc rồi thì phải tính đến việc khác nếu như công việc (biểu tình) cứ kéo dài.”
Các công nhân nói họ bức xúc trước hành động của Trung Quốc trên Biển Đông
“Tất nhiên cũng sợ, ảnh hưởng đến kinh tế gia đình thì sao không sợ?” anh nói và ở nhà ‘bà xã lại cổ vũ thêm không sợ chồng mất việc’.
Anh cho biết là gia đình anh có ‘chuẩn bị trước những cái việc để mà chi tiêu trong thời gian không có việc rồi’.
Anh Thái nói anh ‘theo dõi thông tin thời sự hàng ngày, không một giờ nào là không xem thời sự’.
Về hành động bạo động của một số người trong cuộc biểu tình ở Bình Dương, anh cho rằng ‘người ta làm như thế là sai’.
“Cái việc đấy của những người trên đấy. Có biểu tình đình công thế thôi chứ đừng đụng đến bất cứ tài sản gì vì ít nhất tài sản đó là của Việt Nam mình chứ không phải của nước ngoài.”
Một người công nhân khác cùng đi trong đoàn biểu tình của anh Thái nhưng không muốn tiết lộ danh tánh nói với BBC rằng anh đi biểu tình vì ‘truyền thống yêu nước, giữ nước của mình từ ngàn đời nay rồi’.
“Đợt này Trung Quốc đã đi quá xa,” người công nhân này nói thêm.
No comments:
Post a Comment